Trang

22 tháng 6, 2014

Vì sao nhà báo mất tự do?

TTCT - Tự do báo chí là một đề tài nhạy cảm, nhưng đó là bởi chúng ta nhìn nó theo nghĩa hẹp.

Cứ thử nhìn rộng ra ngoài lĩnh vực chính trị, sẽ thấy rất nhiều yếu tố bất ngờ đang tác động lên tự do báo chí.

Đầu tiên là lười và tay nghề yếu làm nhiều phóng viên đánh mất sự tự do của mình. Nói cụ thể, muốn viết một bài điểm sách có chất lượng thì điều kiện tiên quyết là phải đọc cuốn sách đó, muốn phê bình một bộ phim mới ra rạp, chắc chắn phải xem trọn vẹn bộ phim. Thế nhưng với nhiều phóng viên, bỏ vài ba ngày để đọc cuốn sách rồi viết một mẩu lọt thỏm là chuyện khó lòng xảy ra.
Thế là họ đành bỏ sự tự do phóng bút để buộc mình vào trang thông cáo báo chí mà nhà xuất bản đã gửi sẵn cho họ, kể cả những đoạn chê một chút, lên án “sự trần trụi” một chút cho thu hút người đọc. Một khi họ tự nguyện cắt và dán từ các bài báo chuẩn bị sẵn cho họ thì làm gì còn tự do báo chí đúng nghĩa nữa.
Chuyện này khá phổ biến và không chỉ diễn ra trong lĩnh vực điểm sách, điểm phim mà còn nhiều thứ khác, từ giới thiệu thời trang, bình sản phẩm mới đến đánh giá tour du lịch, quán ăn ngon.
Được giao viết tin về một cuộc triển lãm tranh, một nền báo chí tự do thật sự sẽ đòi hỏi người phóng viên có chút ít kiến thức về hội họa, trước khi đến xem triển lãm phải làm nghiên cứu tường tận về họa sĩ có tranh triển lãm, khi đến dự phải dùng kiến thức hội họa của mình để thưởng lãm tranh và bình theo hiểu biết của mình hay ít ra cũng gặp vài ba người có thẩm quyền để phỏng vấn họ. Khó lòng trông chờ chuyện đó ở Việt Nam.
Trong bối cảnh đó thì người nào hội đủ những yếu tố nói trên sẽ trở thành những cây bút có uy tín và họ sẽ hưởng được sự tự do, ít nhất là trong lĩnh vực của họ.
Sự thiếu vắng tự do báo chí ở chúng ta một phần cũng do sự cả nể. Với nhà báo, xây dựng một mối quan hệ bền vững để nguồn tin tự động nhớ đến mình một khi “có chuyện” là cả một quá trình khó khăn.
Trên con đường đó, đôi lúc họ phải “áp dụng” sự cả nể để duy trì quan hệ, để tiếp tục nhận được thông tin. Vì thế chúng ta sẽ thấy tin hoạt động bình thường của một tập đoàn nào đó xuất hiện thường xuyên nhưng tin về một sự cố nào đó cũng ở tập đoàn này sẽ bị giấu nhẹm vì phóng viên ngại phá vỡ mối quan hệ đã xây dựng bấy lâu nay.
Đó là chưa nói đến những yếu tố tương tự nhưng xuất phát từ quan hệ khách hàng quảng cáo dài hạn, bảo trợ các chương trình, tài trợ các chuyên mục.
Thế nhưng yếu tố lớn nhất làm phóng viên đánh mất sự tự do là việc thiếu vắng kiến thức chuyên ngành mà họ bao quát. Lấy ví dụ lĩnh vực kinh tế, nếu phóng viên thiếu kiến thức cơ bản, họ sẽ không dám mở rộng đề tài, ngại ngùng khi phỏng vấn, e dè khi đưa tin và trước sau gì cũng viết sai. Với phóng viên không có nền tảng kiến thức cơ bản, họ sẽ phụ thuộc vào nguồn tin, nói sao là tin vậy, phụ thuộc vào một số chuyên gia ruột, lập luận sao là viết theo liền.
Bởi vậy nên dù báo chí, nhất là các ấn bản điện tử, đang nở rộ nhưng thông tin cần thiết cho người đọc để ứng xử trong cuộc sống ngày càng thiếu vắng. Không thể mở tờ báo ra đọc để sau đó tin tưởng mà ra tiệm mua cuốn sách, vào rạp xem bộ phim.
Không thể biết được ai đứng đằng sau dự án này, dự án kia; vì sao mảnh đất vàng nằm ngay trung tâm thành phố vẫn rào chắn im lìm trong nhiều năm. Không thể biết những lời đồn về “đại gia” này, “đại gia” kia có bao nhiêu phần sự thật; những khoản nợ khổng lồ của doanh nghiệp này sẽ được giải quyết như thế nào; chính sách nọ có thật sự giúp ích cho nền tài chính...
Quy luật bù trừ lúc này sẽ phát huy tác dụng: không làm được những đề tài khó thì cứ lao vào chuyện dễ, lại đáp ứng nhu cầu giải trí, nhu cầu “tán chuyện” của rất nhiều người. Chuyện đó thì ai cũng thấy.
Chuyện các đề tài “nhạy cảm” mà tùy từng lúc báo chí phải tránh xa là có chứ không phải không. Giả thử một phóng viên đi công tác xa chừng một năm nay quay về và đọc toàn bộ các báo trong một tháng gần đây, hẳn sẽ ngạc nhiên vì sẽ thấy báo dùng tàu Trung Quốc chứ không còn “tàu lạ”; công hàm Phạm Văn Đồng được đưa ra mổ xẻ cặn kẽ; vấn đề làm sao để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế được bàn ở mọi khía cạnh; mưu đồ lấn chiếm dần biển Đông của “ông bạn vàng” Trung Quốc bị vạch trần...
Ở đây quy luật bù trừ cũng thể hiện rất rõ: có phóng viên lười, tay nghề yếu, cả nể như đã nói ở trên thì cũng có những phóng viên lão luyện, yêu nghề, từng dày công làm nghiên cứu về lĩnh vực đảm trách. Nên cho dù có gián đoạn, khi cần, các nhà báo chân chính này cùng các chuyên gia mà lúc nào cũng có sẵn, đã cho ra đời những bài báo thời sự về biển Đông vừa nóng hổi, vừa chỉn chu như yêu cầu của bạn đọc.
Bởi vậy, cách tốt nhất là khuyến khích một môi trường hành nghề báo chí có cạnh tranh lành mạnh để phóng viên cũng phải theo quy luật đào thải và vươn lên như bất kỳ nghề nào khác. Người viết báo có lòng tự trọng sẽ biết cách đưa tin về những vấn đề chính trị, kinh tế xã hội của đất nước một cách bản lĩnh chứ không cần nhắc nhở.
Lúc đó những bài viết chỉ biết ăn theo thông cáo báo chí sẽ bị loại trừ, những bài viết sai lệch vì thiếu kiến thức chuyên môn sẽ bị vạch trần. Và chính trong môi trường đó, báo chí mới lấy lại được niềm tin của người dân, lúc đó mới có thể sử dụng báo chí để làm cầu nối đưa thông tin đến người dân như mong muốn.
NGUYỄN VẠN PHÚ

'Trái đất tròn lòng người góc cạnh'

Lấy bối cảnh đan xen giữa quá khứ và hiện tại, Minh Mẫn viết nên câu chuyện tình yêu đẹp. "Trái đất tròn lòng người góc cạnh" là một thể nghiệm của Minh Mẫn khi thử sức ở thể loại văn học kỳ ảo.
Cuốn tiểu thuyết là câu chuyện của bốn con người, bốn số phận, bốn hoàn cảnh khác nhau. Vì những điều bất ngờ hay trớ trêu đã khiến họ xích lại gần nhau hơn, cùng lênh đênh trên cuộc hành trình kỳ lạ: Hành trình tìm về quá khứ!
body-2109-1403491301.jpg
Bìa sách Trái đất tròn lòng người góc cạnh.
Mẫn là cô gái nhỏ yếu đuối phải chịu quá nhiều đau khổ. Mất mẹ từ thuở nhỏ, cô phải sống chung với người mẹ kế trẻ quá quắt và độc ác. Tất cả có ở thế giới này là bố, bé Hải Đăng - cậu em trai cùng cha khác mẹ đáng thương và Phiên Vân, chàng trai cô yêu tha thiết. Một tai nạn đã cướp Phiên Vân khỏi tầm tay cô mãi mãi. Đau đớn, tuyệt vọng, Mẫn làm một việc điên rồ đó là đến tìm gặp Eagle - bà phù thủy có đôi mắt rắn, để thấy nụ cười của người cô yêu một lần cuối. Trước khi tiễn cô về với quá khứ, bà phù thủy đã cảnh báo Mẫn: "Tuyệt đối không thể thay đổi quá khứ! Nếu không thân xác của tuổi 25 sẽ phải chịu hậu quả. Tôi không bán phép màu cho cô để chịu sự trừng phạt chung với cô. Nhớ lấy".
Nếu như Mẫn phải đánh đổi để tìm về những ngày đã qua, thì Keylại là một linh hồn đi lạc trở về từ chuyến tàu quá khứ vô tình gặp Mẫn. Thấy hoàn cảnh bi đát của Mẫn, linh hồn đang đồng hành cùng mình, Key đã ở lại bên cô, giúp cô vượt qua những khó khăn. Anh không chỉ là "chiếc chìa khóa" giúp cô mở những cánh cửa đóng kín mà Key đã trở thành chỗ dựa ấm áp của cô gái nhỏ. Nhờ có Key mà Mẫn bình tâm trở lại, vượt qua mọi khó khăn tìm cách trở về với hình hài của mình, trở về với hiện tại, ở bên những người cô yêu thương...
Trên chuyến tàu thời gian đó có Hà My - một trong hai nạn nhân của vụ tai nạn khi Mẫn trở về quá khứ. Hoán đổi linh hồn với Mẫn, cô có cơ hội tạm sống cuộc sống hằng mong muốn, chạy trốn khỏi những nỗi đau hàng ngày phải chịu đựng. Dù sống trong hình hài của một cô gái khác, Hà My vẫn là chính mình - mạnh mẽ, quyết liệt và đầy bản năng. 
Ở đó có Phiên Vân - chàng trai tình cảm mà Mẫn đem lòng yêu thương. Chứng kiến người yêu đột ngột nói lời chia tay sau vụ tai nạn, anh đau đớn, hoang mang như người mộng du. Anh vẫn nhớ về Mẫn, về tình cảm đã qua và mơ hồ với một Hà My - mang tâm hồn của Mẫn, bỗng nhiên quan tâm tới anh ở hiện tại. 
Hành trình trở về quá khứ của Mẫn là nguồn cơn kéo cả bốn con người vào vòng xoáy của tình yêu, đau khổ và tuyệt vọng. Mẫn về quá khứ mong có thể cứu Phiên Vân khỏi tay tử thần. Nhưng thay đổi được số mệnh của một con người là một điều gần như không tưởng; hệ lụy của nó là những số phận khác bị kéo vào vòng đau khổ. Liệu My và Mẫn có tìm về đúng với hình hài của mình? Đằng sau cô gái mạnh mẽ như Hà My là những bí mật đau đớn và khủng khiếp nào? Key là ai? Tại sao anh lại xuất hiện trong cuộc hành trình của Mẫn? Điều gì sẽ đến với anh trong cuộc hành trình này? Đâu là lối thoát cho cả 4 người? Đó là những câu hỏi luôn xuất hiện thôi thúc lật từng trang sách Trái đất tròn lòng người góc cạnh. 
body-Man-8848-1403491302.jpg
Tác giả Minh Mẫn.
Chuyện tình vượt thời gian hay những câu chuyện lấy đề tài xuyên không còn khá mới mẻ với những cây bút trẻ Việt Nam. Minh Mẫn đã thông minh khi chọn miền đất lạ này làm chất liệu cho tác phẩm của mình. Chính bối cảnh xen lẫn giữa quá khứ và hiện tại đã tạo không ít bất ngờ cho độc giả. Đọc Trái Đất tròn lòng người góc cạnh ta có thể thấy rõ sự giằng xé trong tâm hồn các nhân vật. Họ đau khổ, tuyệt vọng và khát khao mãnh liệt có thể thay đổi số phận để níu giữ tình yêu của mình. Họ mang trong mình trái tim của tuổi trẻ - trái tim yêu mà không hề e ngại. Bằng giọng văn giàu nữ tính và đầy tình cảm Minh Mẫn đã thổi vào tác phẩm của mình một tình yêu thiết tha và tràn đầy hy vọng. 
Quỳnh Anh

TQ và chính sách "Ngoại giao nước lớn"

BTTD: Trung Quốc chơi canh bạc “Giấc mơ Trung Hoa” trên bàn cờ Biển Đông và thế giới mà VN đang bị "thí tốt". Muốn là người chơi cờ thì VN phải thoát Trung và xây dựng đất nước giàu mạnh. (các quốc gia tí hon nhưng  phồn vinh như  Brunay, Xinhgapor, Hà Lan, Thụy Sĩ…đều khiến các nước lớn phải nể phục và tôn trọng).

Đánh giá về ngoại giao Tập Cận Bình

Cập nhật: 11:58 GMT - thứ sáu, 20 tháng 6, 2014

Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) ra chính sách, Thủ tướng Lý Khắc Cường thực hiện?
Một báo cáo quan trọng vừa ra trong tháng Sáu tìm hiểu những thay đổi và mâu thuẫn trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình.
Từ khi chính thức trở thành lãnh đạo tối cao của Trung Quốc tháng Ba 2013, ông Tập Cận Bình đã thâu tóm quyền lực vô cùng nhanh chóng. Điều này chứng tỏ sự chống đối nội bộ không nghiêm trọng như dự đoán trước đó, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington.
BấmBáo cáo của Christopher K. Johnson, viết cùng nhiều người khác, cho rằng các sắp xếp nhân sự của ông Tập bảo đảm rằng “toàn bộ các quyết định quan trọng đi qua và xuất phát từ ông”.

Chủ thuyết ngoại giao

Các lãnh đạo Trung Quốc khi lên nắm quyền đều đề ra tư tưởng chiến lược mới. Với Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, đó là các cụm từ “Lý luận Đặng Tiểu Bình”, “Tư tưởng ba đại diện” và “Tư tưởng phát triển khoa học”.
Còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại nói mục tiêu phát triển trong tương lai là thực hiện "Giấc mơ Trung Quốc", đem lại “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. Điều này có nghĩa là đến năm 2049, cũng là 100 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Bắc Kinh muốn trở lại vị trí thống lĩnh khu vực.
Trong khuôn khổ chiến lược này, Bắc Kinh tiếp tục xem quan hệ ổn định với Mỹ là “mục tiêu đối ngoạI chủ chốt”. Ngoại trưởng Vương Nghị, vào tháng Ba 2014, tuyên bố phong cách mới của quan hệ nước lớn là “phá vỡ mô hình lịch sử của xung đột và đối đầu giữa các nước lớn”.
Tuy vậy, các tác giả nói vẫn không rõ các điều kiện của Trung Quốc đặt ra để có sự ổn định này.
Nhìn lạc quan, Trung Quốc xem quan hệ Mỹ - Trung hơi giống giai đoạn hòa hoãn giữa Mỹ và Liên Xô trước đây: tránh xảy ra xung đột trực tiếp.
Nhưng lại có đánh giá bi quan hơn rằng Trung Quốc muốn Mỹ phải chấp nhận định nghĩa “lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh. Cũng trong tuyên bố của ông Vương Nghị hồi tháng Ba, ông này định nghĩa tôn trọng nhau là tôn trọng “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, hệ thống xã hội và con đường phát triển, và các lợi ích cốt lõi và quan ngại”.

Ông Tập Cận Bình tăng cường quan hệ với Nga
Hai cách tiếp cận trái ngược này cùng hiện rõ trong hành vi của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình. Một mặt, quân đội Mỹ - Trung đã cải thiện quan hệ. Báo cáo thậm chí cho rằng “có dấu hiệu” Trung Quốc sẽ khó cắt đứt toàn bộ quan hệ quân sự nếu Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Hai nước cũng bày tỏ mong muốn sẽ thiết lập hệ thống thông báo cho nhau về các diễn biến điều động quân đội trong vùng.
Nhưng những tháng gần đây, bằng chứng “đen tối hơn” đã có. Hồi tháng Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn, khi họp báo với người tương nhiệm Mỹ Chuck Hagel, kêu gọi Mỹ phải giữ Nhật Bản “trong vòng kiềm chế, không dễ dãi và ủng hộ”. Ông này cũng gọi đồng minh Philippines của Mỹ là “giả vờ làm nạn nhân” khi nộp đơn kiện Trung Quốc vì biển đảo. Nó cũng giống như các bình luận của quan chức và học giả Trung Quốc cho rằng quan hệ Mỹ - Trung bị xấu đi vì Mỹ ủng hộ các nước có mâu thuẫn với Trung Quốc.

Ngoại giao nước lớn

Một điểm quan trọng trong chính sách ngoại giao thời Tập Cận Bình là sự nhắc lại quan niệm “ngoại giao nước lớn”, vốn lần đầu được đề cập dưới thời Giang Trạch Dân. Trước đây, Giang chủ tịch thừa nhận Trung Quốc vẫn phải chịu các hạn chế do Mỹ áp đặt. Nhưng hiện nay, quan niệm này lại đặt mối quan hệ với Mỹ ở trạng thái bình đẳng hơn.
Dĩ nhiên ông Tập muốn có quan hệ tốt và ổn định với Mỹ. Nhưng báo cáo cho rằng khác với các lãnh đạo Trung Quốc trước đây, ông Tập dường như muốn gửi tín hiệu cho Washington rằng “chúng tôi còn nhiều lựa chọn”. Nó thể hiện qua mối quan tâm của ông Tập dành cho Nga trong hợp tác an ninh, chính trị, và châu Âu trong quan hệ thương mại.
Trước Nhật Bản, quan niệm rằng Trung Quốc cần hành xử như một đại cường dẫn đến hệ quả đòi Nhật phải đứng thấp hơn trong quan hệ song phương và trong địa chính trị khu vực. Việc lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông là một trong những biện pháp nhằm tạo sức ép liên tục và gây cảm giác cô lập cho Nhật.
Tương tự, trong quan hệ với Bắc Hàn, ông Tập muốn nói với Bình Nhưỡng rằng “quan hệ đặc biệt” trong quá khứ đã không còn, được thay bằng quan hệ “bình thường” giữa nhà nước với nhau.

Quan hệ với ASEAN

Ông Tập Cận Bình gọi quan hệ với các nước Đông Nam Á “như môi với răng”. Ông hứa hẹn sẵn sàng cùng với các nước ASEAN bàn thảo việc ký kết Hiệp ước Láng giềng hữu nghị và Hợp tác. Chủ tịch Trung Quốc cũng hy vọng đến năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ lên tới một nghìn tỷ đôla Mỹ.

Vụ giàn khoan Hải Dương 981 khiến Việt Nam lên án Trung Quốc
Tuy vậy, không chắc Tập Cận Bình có thể thành công trong quan hệ hữu hảo với các nước Đông Nam Á. Mặc dù Bắc Kinh đã tăng mạnh đầu tư để “xây dựng kết nối”, vẫn có nghi ngờ ở nhiều nước ASEAN về sự phụ thuộc Trung Quốc, cũng như nghi ngờ rằng hợp tác kinh tế đem lại lợi ích chủ yếu cho Trung Quốc. Sự hung hăng hơn của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng làm tăng lo ngại.
Theo báo cáo của CSIS, các lãnh đạo ASEAN nói chung có những nhận định sau về chính sách ngoại giao dưới thời Tập Cận Bình:
Ông Tập là chủ soái: ASEAN cho rằng Tập Cận Bình đã thâu tóm quyền lực nhanh và hiệu quả hơn mọi lãnh đạo khác từ thời Đặng Tiểu Bình.
Dân tộc chủ nghĩa: ASEAN tin rằng ông Tập đặt lợi ích của Trung Quốc, gồm cả vấn đề chủ quyền, lên cao hơn mọi tính toán. Mặc dù Bắc Kinh nhấn mạnh quan hệ “đại gia đình” với Asean, Trung Quốc cũng quyết tâm giành ưu thế trong tranh chấp Biển Đông.
Ông Tập là cơ hội: Một lập luận trong khối ASEAN là chính sách ngoại giao của Tập Cận Bình sẽ nhấn mạnh hợp tác, chứ không thách thức hay kiểm soát, láng giềng. Nhưng quan điểm này dường như bị bác bỏ qua các hành động như vụ giàn khoan Hải Dương 981 gây rạn nứt quan hệ với Việt Nam.
Ông Tập là đe dọa: Một lập luận ngược lại cho rằng Trung Quốc sẽ có chính sách ngoại giao hung hăng hơn, đặc biệt nếu Bắc Kinh cho rằng Washington yếu thế và bớt quan tâm.
Một nhận định khác từ báo cáo là ông Tập có vẻ muốn duy trì ấn tượng khủng hoảng để biện minh cho quyền lực to lớn của cá nhân, cũng như sự táo bạo và quy mô cải tổ mà ông xúc tiến ở trong nước.
Ông phải “tô vẽ một số lựa chọn khó khăn của đảng theo ngôn ngữ sống chết”. Một ví dụ là sự nhấn mạnh vấn đề biển đảo. Mô tả của ông Tập đối với các thách thức trên biển tỏ ra cứng rắn hơn và mang tính chất chiến lược. Họp với Bộ Chính trị tháng Bảy năm ngoái, ông Tập nói “đại dương và biển ngày càng có vị trí chiến lược quan trọng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu ở các lĩnh vực chính trị, phát triển kinh tế, quân sự, và công nghệ”.
Ông Tập cũng ngụ ý rằng mặc dù Trung Quốc đang có cơ hội phát triển, nước này cũng đối diện đe dọa gia tăng. Ông nhấn mạnh xây dựng tư tưởng quân đội "phải biết đánh trận, đánh thắng trận; mở rộng chí tiến thủ, cải cách sáng tạo”.
Báo cáo của CSIS nói cần xem xét hệ quả khi đối phó với một nhà lãnh đạo mà dường như nghĩ rằng rất cần duy trì “mức độ căng thẳng nhất định”, cả trong và ngoài nước, để đạt được các mục tiêu chính sách của ông.

Tại sao phải toàn cầu hóa?

Tại sao phải toàn cầu hóa?

Trong khi thị trường nội địa ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia ngày càng trở nên rộng lớn, tại sao các công ty của họ phải bận tâm việc phát triển qua biên giới và cạnh tranh tại các thị trường nước ngoài?
Báo cáo đặc biệt tháng 5 của tạp chí kinh tế The Economist là câu chuyện xoay quanh chủ đề các doanh nghiệp châu Á. Chúng tôi xin lược dịch báo cáo này, mong muốn đem đến cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về sự hình thành, phát triển cũng như những ưu, nhược điểm của các doanh nghiệp châu Á.

Bài viết này đưa ra lý do chứng tỏ toàn cầu hóa là một xu thế tất yếu đối với các doanh nghiệp châu Á.

Jujio Mitarai là chuyên gia trong việc phát triển các công ty đa quốc gia. Vị chủ tịch 78 tuổi này là người nắm quyền điều hành Canon – một trong những tập đoàn lớn nhất Nhật Bản. Với giá trị khổng lồ 43 tỷ USD, tập đoàn sản xuất hầu như mọi thứ từ máy quét đến ống kính máy ảnh cho Hollywood. 

Trụ sở đầu tiên được thành lập ở New York năm 1955, nhưng mất hơn 20 năm để xâm nhập thị trường thành công bằng các cuộc cải cách mang phong cách tương tự Apple. Năm 1976, công ty đưa ra thị trường máy ảnh tự động ống kính đơn giá rẻ, đi kèm một chiến lược quảng bá rầm rộ.

Ông Mitarai đã tham gia vào chiến dịch đó và những ký ức khi nhớ lại vẫn khiến ông mỉm cười hài lòng. “Các đối thủ cạnh tranh khi đó cho rằng hành động của chúng tôi thật điên rồ.” Hiện nay, Canon đã trở thành "gã khổng lồ" nhưng cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các điện thoại thông minh và các hãng máy ảnh giá rẻ. Ông Mitarai nhấn mạnh cải cách và đổi mới liên tục sẽ giúp công ty trụ vững trên thị trường. Tập đoàn đang nghiên cứu để phát triển đa dạng hóa sản phẩm từ camera giám sát cho tới các studio thiết kể ảo và vật liệu in ấn 3D.

Theo lẽ thường, các công ty mới nổi ở châu Á nên tiếp thu bài học từ Canon để hòa nhập với thị trường thế giới. Tuy nhiên, cũng có những quan điểm khác. Trong khi thị trường nội địa ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia ngày càng trở nên rộng lớn, tại sao các công ty của họ phải bận tâm việc phát triển qua biên giới và cạnh tranh tại các thị trường nước ngoài.  


Sau cùng, nhiều ý kiến cho rằng họ nên tập phát triển qui mô và thâu tóm thị trường nội địa. Xu hướng này dường như khá phổ biến tại Mỹ, nơi các tập đoàn đều chú trọng mở rộng thị trường trong nước. Trong khi đó ở châu Âu, thị trường nội địa dường như quá nhỏ để các tập đoàn dựa vào và tìm cơ hội phát triển. Lợi nhuận từ thị trường nội địa của các công ty Mỹ thường vượt xa lợi nhuận từ các thị trường nước ngoài; ví dụ như ở Procter & Gamble sự chênh lệch này là gấp đôi.

Một vài ngành công nghiệp ở châu Á như bất động sản và sản xuất gia dụng sẽ giữ nguyên xu hướng phát triển nội địa. Bên cạnh đó, tương tự việc một số ngành công nghiệp đặc biệt ở Mỹ bị nắm trong tay bởi các ông trùm độc quyền, một số sản phẩm đặc thù ở châu Á cũng vậy. Dabur – có trụ sở tại Ấn Độ là tập đoàn chuyên hoạt động trong ngành sản xuất dược phẩm Ayurvedic và dầu dưỡng tóc. Ở Trung Quốc có tập đoàn Want Want chuyên sản xuất bánh gạo và Tingyi gắn liền với thương hiệu mì ăn liền. Nhưng nếu phân tích kỹ hơn, sự so sánh này thật khập khiễng. Các công ty mới nổi ở châu Á phải đối mặt với những thử thách khi gia nhập thị trường thế giới khác hẳn so với với các công ty phương Tây trong quá khứ. Toàn cầu hóa đang có tác động đến luật chơi theo nhiều cách.

Đầu tiêncác công ty châu Á phải đối mặt với sự cạnh tranh toàn cầu ngay tại thị trường nội địa. Các tập đoàn lớn ở Mỹ và châu Âu đầu tư khoảng 2 nghìn tỷ USD vào châu Á . Nhưng xu hướng này đang có dấu hiệu chậm lại. Năm ngoái, các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ thu được 11% lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu từ các hoạt động ở châu Á, giảm mạnh so với con số 15% trong thời kỳ huy hoàng từ năm 2005 đến 2007.

Một số ngành công nghiệp đang trải qua thời kỳ phát triển hết sức khó khăn.Việc làm ăn của các công ty hàng hiệu xa xỉ bị ảnh hưởng bởi chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc. IBM, Vodafone và nhiều công ty khác bị chèn ép bởi các chính sách thuế ở Ấn Độ. Các công ty khai thác quặng ở Indonesia phải chịu qui định chặt chẽ hơn. 

Tuy vậy, các công ty nước ngoài được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục đổ vào châu Á. Trên khắp châu lục, các ngành công nghiệp bao gồm hàng tiêu dùng, khách sản, thức ăn nhanh, ô tô, bia … khá mở cửa với các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, khi một ngành công nghiệp xuất hiện sự cạnh tranh từ quốc tế, các công ty nội địa phải nỗ lực hơn nhiều lần. Li Ning là công ty sản xuất các sản phẩm thể thao được đặt tên theo người sáng lập vốn là một vận động viên nổi tiếng dành nhiều huy chương Olympic. Tuy vậy, danh tiếng của ông chủ và mối quan hệ chặt chẽ với các công ty địa phương không đủ để giúp họ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ Nike và Adidas – những “ông trùm’ có tiếng toàn cầu. Cổ phiếu của họ liên tục bị giảm điểm. 

Trong 20 năm gần đây, hầu hết các ngành công nghiệp trên thế giới đã bão hòa với sự thống trị của các doanh nghiệp đa quốc gia. Trong cuốn sách: “Is China Buying the World?” (tạm dịch: Trung Quốc đang nuốt trọn thế giới?), Peter Nolan đến từ đại học Cambridge cho rằng một số ngành sản xuất như ga, phanh xe, xử lý dữ liệu, máy rút tiền và các ngành công nghiệp phụ trợ … đều bị kiểm soát bởi ít nhất 3 tập đoàn lớn – chiếm 70% toàn thị trường. Mỗi “ông lớn” đều có một nhóm các nhà cung cấp đặc thù trên thị trường toàn cầu.

Chi phí cho việc nghiên cứu và phát triển R&D mở ra nhiều câu chuyện thú vị. Tập đoàn Great Wall Motor của Trung Quốc và Mahindra & Mahindra của Ấn Độ được xem là những nhà vô địch trong ngành sản xuất ô tô châu Á, tuy vậy chi phí R&D của họ chỉ bằng 3% so với Volkswagen.

Năm ngoái, trong số các công ty được liệt kê trên toàn cầu, chi phí dành cho nghiên cứu R&D của các công ty châu Á chiếm 33%– tuy vậy chủ yếu nhờ sự đóng góp từ các công ty Nhật Bản. Họ chiếm 16 trong số 20 tập đoàn chịu bỏ ra chi phí lớn nhất châu Á. Ở những thị trường mới nổi như châu Á, chỉ một số ít doanh nghiệp theo kịp tiêu chuẩn những tập đoàn lớn trên thế giới.

Cuối cùng, thị hiếu tiêu dùng ở châu Á đang có nhiều thay đổi. Với sự phát triển nhanh chóng của Internet và các phương tiện truyền thông,  họ bị ảnh hưởng bởi các trào lưu mới trên toàn thế giới. Vì vậy, các công ty châu Á phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ quốc tế khi người tiêu dùng có nhiều sở thích “toàn cầu” hơn trước đây. Trong thời gian sắp tới, các công ty này hoặc là từ bỏ hoặc phải tự tìm cách “toàn cầu hóa” chính họ. Top 100 công ty lớn nhất châu Á chỉ có 32% doanh số bán hàng từ thị trường nước ngoài; và nếu bỏ đi các công ty Nhật Bản con số này chỉ còn 24%. Với Top 100 công ty lớn nhất châu Âu – tỷ lệ của họ là 52%. Cổ phiếu của các công ty châu Á trên thị trường vốn đầu tư trực tiếp quốc tế chiếm 17%, thấp hơn nhiều so với đóng góp vào GDP và vốn thị trường toàn cầu của họ. 



Thảo Phương
Theo Trí Thức Trẻ/Economist

Nguy cơ các dòng sông Việt Nam bị vỡ vụn

Đăng Bởi  - 

Nguy cơ các dòng sông Việt Nam bị vỡ vụn
Theo Mạng lưới sông ngòi VN (VRN), các con sông Việt Nam đang đứng trước nguy cơ vỡ vụn, đặc biệt là 10 con sông lớn hiện nay, mang nhiều nguy cơ và thách thức nhất.
Việt Nam có 2.360 con sông, kênh lớn nhỏ, với tổng chiều dài khoảng 41.900 km, nhưng mới quản lý và khai thác được 8.036 km. Cho đến những năm 80 của thế kỷ 20, các dòng sông lớn của Việt Nam vẫn giữ được sinh thái tự nhiên.
Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt các công trình thủy điện ở Việt Nam trong hơn 2 thập kỷ qua trên tất cả các hệ thống sông của Việt Nam đã và đang gây nên những tổn hại nghiêm trọng đến môi trường, hệ sinh thái và phá vỡ sinh kế của cộng đồng người dân sống phụ thuộc vào nguồn tài nguyên này.
Đồng thời, điều này đặt tài nguyên nước nói riêng và hệ sinh thái của các vùng đầu nguồn, các sông suối Việt Nam trong tình trạng báo động về cạn kiệt và suy thoái khó hồi phục.  
Hiện nay, nguồn tài nguyên nước của Việt Nam không được đảm bảo, vì hơn 60% lượng nước bắt nguồn từ các nước khác và đang đứng trước nguy cơ suy thoái nghiêm trọng, do các tác động của quá trình tăng trưởng kinh tế và tác động của biến đổi khí hậu.
Theo Mạng lưới sông ngòi VN (VRN), các con sông Việt Nam đang đứng trước nguy cơ vỡ vụn, đặc biệt là 10 con sông lớn hiện nay, với nhiều nguy cơ và thách thức nhất.  
Một Thế Giới xin thống kê 10 con sông này, theo nguồn của VRN:
1. Sông Mekong  
Về đến lãnh thổ Việt Nam được gọi là sông Cửu Long, là hệ thống sông lớn nhất Việt Nam; có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, mức độ đa dạng sinh học cao và có vai trò sống còn đối với sự phát triển nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, các kế hoạch và công trình thủy điện trên sông Mekong hiện đang là thách thức lớn nhất đối với môi trường và sinh thái vùng hạ nguồn. Trên dòng chính sông Mekong, Trung Quốc có kế hoạch phát triển 15 bậc thang thủy điện, phía hạ lưu có 12 công trình đang được đề xuất.  
Ở dòng nhánh, theo quy hoạch sẽ có 180 công trình, trong đó 94 công trình đã được xây dựng.
 
2. Hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình
Sông lớn thứ 2 của Việt Nam, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Trên sông có 29 hệ thống thủy nông, 900 hồ chứa lớn và nhỏ, 1.300 đập dâng, hàng nghìn trạm bơm điện lớn nhỏ, hàng vạn công trình tiểu thủy nông như mương, phai…  
Cùng với sự phát triển kinh tế của con người và tác động của biến đổi khí hậu, lưu vực đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn do nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, mâu thuẫn giữa các ngành dùng nước ngày càng phức tạp, nguồn nước sông ngày càng bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng.
Phụ thuộc 48,7% nguồn nước từ bên ngoài, hệ thống sông này chưa có cơ chế hợp tác về chia sẻ nguồn nước công bằng, hợp lý giữa các quốc gia. Sự phát triển thuỷ điện phía thượng nguồn ảnh hưởng đến lượng phù sa và lưu lượng nước, dẫn đến nhiều nguy cơ như: cạn kiệt nguồn nước, gia tăng nhiễm mặn, ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, xói lở bờ sông.  
3. Sông Đồng Nai
Hệ thống sông lớn thứ 3 cả nước, có 911 công trình, trong đó có 406 hồ chứa, 371 đập dâng và cống, 134 trạm bơm và hệ thống thủy lợi.  
Sự phát triển ồ ạt thuỷ điện trên lưu vực sông Đồng Nai đang đặt ra những thách thức lớn cho môi trường, sinh thái, sinh kế và vùng đầu nguồn. Diện tích rừng bị thu hẹp, các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn Quốc gia như khu Nam Cát Tiên, Bù Gia bị ảnh hưởng tiêu cực.
Do lưu vực sông nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế của phía Nam, nên vấn đề ô nhiệm nguồn nước tại đây cũng đang ở tình trạng báo động.  
4. Sông Srêpôk
Cung cấp nguồn nước mặt quan trọng cho 4 tỉnh Đắk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng và Gia Lai. Địa hình của lưu vực khá phức tạp với những cao nguyên xen kẽ núi cao và núi trung bình, hướng dốc chính thấp dần từ Đông Nam sang Tây Bắc.  
Nguồn nước đang bị ô nhiễm do chất thải từ các khu công nghiệp nằm ngay bên bờ sông, khiến nguồn lợi thủy sản của dòng sông bị ảnh hưởng và ngày càng thêm cạn kiệt, nhiều loài đang lâm vào tình trạng nguy cấp.
Phát triển thủy điện gây phá rừng, giảm độ che phủ của rừng và ảnh hưởng đến sinh kế của cộng đồng, đặc biệt là người dân tộc thiểu số.
 
5. Sông Sêsan
Là một con sông lớn ở Tây Nguyên, bắt nguồn từ đỉnh núi Ngọc, một nhánh của sông Mekong, sau đó đổ xuống gần Strung treng - Campuchia. Dòng sông chảy trên địa hình vùng núi, có độ dốc lớn, quanh co, nhiều thác, bờ sông dốc đứng.  
Chất lượng nước vượt quá tiêu chuẩn cho phép về hàm lượng Colifom, COD… do quá trình phát triển các nhà máy chế biến dọc 2 bờ sông.
Phát triển thủy điện vùng thượng nguồn mạnh và ồ ạt làm ảnh hưởng đến hạ lưu, gây ra hạn hán và lũ lụt. Thảm thực vật, hệ sinh thái rừng tại đây bị phá vỡ, cuộc sống người dân bị thay đổi, văn hóa Tây Nguyên dần bị mai một.  
6. Sông Vu Gia - Thu Bồn
Bắt nguồn từ vùng núi cao sườn phía Đông của dãy Trường Sơn, sông Vu Gia - Thu Bồn có độ dài ngắn, còn độ dốc lòng sông lại lớn. Đây là lưu vực có tiềm năng thủy điện lớn xếp thứ 4 toàn quốc, theo quy hoạch. Tuy nhiên, thời gian qua lưu vực đã không còn giữ được nguyên vẹn do khai thác các công trình thủy điện. Đến nay có 7 công trình thủy điện lớn trên hệ Vu Gia - Thu Bồn đang phát điện.  
Tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý, hoặc xử lý không đúng quy định từ các nhà máy ở các khu, cụm công nghiệp cũng đang khiến nguồn nước tại đây bị ô nhiễm.
7. Sông Ba  
Lưu vực có dạng gần như chữ L, phần thượng và hạ lưu hẹp, giữa phình ra. Vùng thượng và trung lưu sông Ba địa hình biến đổi khá phức tạp bị chia cắt mạnh bởi sự chi phối của dãy Trường Sơn. Đây là nguồn sống của cánh đồng miền Trung và Tây nguyên.
Trên lưu vực sông hiện có 4 công trình thủy điện lớn là An Khê-Ka Nak, Krông Hnăng, sông Hinh và Sông Ba Hạ có tổng công suất 377 MW và 329 công trình thuỷ lợi.  
Nằm trong vùng có khí hậu phức tạp, cộng với sự biến đổi khí hậu toàn cầu và việc xây dựng các công trình thủy điện đơn mục tiêu, nên hạn hán, lũ lụt đa gây nhiều thiệt hại cho người dân nhiều năm gần đây.
Ngoài ra, sông còn bị ô nhiễm do nguồn nước thải từ các nhà máy chế biến khác nằm trên lưu vực.
 
8. Sông Cả
Sông không có phân lưu, toàn bộ lượng nước về mùa lũ và mùa kiệt đều được chảy ra biển tại Cửa Hội. Trong lưu vực và vùng phụ cận đã xây dựng 3.193 công trình lớn nhỏ trong đó 1.578 hồ chứa các loại, 459 đập.
Thuộc vùng khí hậu khắc nghiệt, địa hình dốc, cộng với việc xây dựng thủy điện trên thượng lưu, việc này đã gây ra các nguy cơ lũ lụt, hạn hán, sạt lở ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
9. Sông Hương
Là lưu vực có sự chuyển tiếp nhanh từ vùng núi xuống thẳng đồng bằng trũng thấp hình thành hệ thống sông không có trung lưu rõ rệt. Hiện có 100 hồ chứa các loại được xây dựng ở vùng trung du, miền núi và vùng cát. 
Việc thiếu sự quản lý và giám sát trong quá trình vận hành hồ chứa dẫn đến lũ lụt, hạn hán bất thường. Vấn đề phát triển thủy điện trên lưu vực đã ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái hạ lưu vực.
10. Sông Mã
Sông nằm trên lãnh thổ 2 quốc gia là Lào và Việt Nam, nhưng không bị phụ thuộc nguồn nước từ nước ngoài, hiện trên sông có hơn 1.800 công trình thủy lợi.
Nằm trên địa hình phức tạp và khí hậu khắc nghiệt, sông Mã chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, kết hợp việc xây dựng nhà máy ở thượng nguồn sẽ khiến vùng hạ lưu chịu nhiều thách thức về lũ lụt, hạn hán và ô nhiễm.
L.Quỳnh (tổng hợp)

TQ đang cô lập chính mình

 - Với hơn 30 năm tăng trưởng kinh tế liên tục, kéo theo tốc độ chi tiêu quốc phòng ngày một tăng trong suốt 20 năm gần đây, TQ đã bước vào giai đoạn mới, quyết đoán hơn trong việc tìm cách thay đổi nguyên trạng.

Có thể nói, với hơn 30 năm tăng trưởng kinh tế liên tục, kéo theo tốc độ chi tiêu quốc phòng ngày một tăng trong suốt 20 năm gần đây, TQ đã bước vào giai đoạn mới, quyết đoán hơn trong việc tìm cách thay đổi nguyên trạng, thiết lập các khuôn khổ trật tự mới nhằm trở thành bá chủ tại Đông Á, dần tiến tới cạnh tranh với Mỹ tại cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Mặt khác, dù ban lãnh đạo mới của TQ vẫn khéo léo ẩn giấu tham vọng dưới các tuyên bố “TQ quyết không xưng bá, không tranh bá”, “phát triển hòa bình”, và “hợp tác cùng thắng vì một tương lai châu Á kết nối tươi đẹp”, nhưng với cách hành xử hiện nay, thâm ý thực của Bắc Kinh cũng đang dần bị bộc lộ rõ.
Cho dù TQ chưa đạt tới điểm cân bằng quyền lực với Mỹ, nhưng những hành động trên của TQ đã khiến Washington có hành động phản công, coi Bắc Kinh là đối thủ chiến lược, từ đó tiến hành xốc lại liên minh với các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines nhằm đẩy nhanh quá trình “tái cân bằng tại châu Á”.
Việc TQ đe dọa sử dụng vũ lực nhằm hỗ trợ cho các đòi hỏi yêu sách chủ quyền tại biển Hoa Đông và biển Đông còn buộc Mỹ và các thành viên nhóm G7 lần đầu tiên đưa ra tuyên bố quan ngại sâu sắc về tình hình biển Hoa Đông, biển Đông (5/6/2014), phản đối hành động đơn phương, kêu gọi giải quyết theo luật pháp quốc tế, điều mà TQ vẫn né tránh.
Các hành xử không tuân thủ quy chuẩn luật pháp quốc tế của TQ cũng đang khiến cho Nhật Bản đẩy nhanh quá trình bình thường hóa phát triển quân sự, kêu gọi hợp tác với Ấn Độ, gia tăng vai trò với khu vực. 
Biển Đông, ASEAN, Tân Cương, TQ, Hoa Đông, Chuck Hagel, Mỹ
ASEAN ra tuyên bố riêng về Biển Đông lần đầu tiên sau 20 năm. Ảnh: AP
Tại hội nghị Shangri-La 13, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe một mặt tuyên bố ủng hộ các cố gắng giải quyết hòa bình của các nước ASEAN, mặt khác cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel kêu gọi chính phủ mới của Thủ tướng Ấn Độ Modi “có vai trò tích cực hơn trong các vấn đề của châu Á” và “hợp tác với Nhật Bản tại những nơi Ấn Độ có lợi ích địa chiến lược như ở biển Hoa Đông, biển Đông”.
ASEAN buộc phải liên kết
Hành động đơn phương phá vỡ nguyên trạng của TQ cũng đang buộc các nước láng giềng ASEAN phải liên kết chặt chẽ với nhau, khiến Malaysia, Indonesia và Singapore trở nên có lập trường nhất quán, có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong vấn đề biển Đông, và làm cho TQ bị cô lập.
Trong khi đó, ngoài tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới (28/4/2014) với Mỹ, Philippines còn chi ra 114 triệu USD để nâng cấp một căn cứ quân sự tại vịnh Ulugan. Indonesia cũng tăng cường khả năng không quân tại khu vực quần đảo Natuna, những hành động nhằm đối phó với nguy cơ TQ mở rộng lấn chiếm trong vùng nước của yêu sách đường 9 đoạn.
Ngoài ra, sau gần 20 năm kể từ năm 1995, hội nghị Ngoại trưởng ASEAN 24 (AMM) ngày 10/5/2014 tại Nay Pyi Taw lần đầu tiên đã đưa ra Tuyên bố riêng về tình hình biển Đông.
Bằng tuyên bố này, ASEAN đã thể hiện rõ mối quan ngại sâu sắc, sự thống nhất cao về quan điểm trước mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh của khu vực, nói lên tiếng nói đoàn kết, trách nhiệm của mình trước việc TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển VN, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN và luật pháp quốc tế.
Điều này cũng có nghĩa, TQ đang tự hủy hoại môi trường phát triển hòa bình cần thiết cho việc có thể trỗi dậy, trở thành một “siêu cường” khu vực. 
Hình ảnh “hòa bình”, vai trò “dẫn dắt” như các kế hoạch hợp tác được TQ đề cập với khu vực đang trở thành thiếu sức thuyết phục.
Hơn nữa, khi môi trường kinh tế, chính trị, xã hội bên trong TQ đang có chiều hướng xấu đi, chưa đưa ra được mô hình chuyển đổi kinh tế mới như tuyên bố tại hội nghị Trung ương 3, khóa 18, hoạt động chống tham nhũng đã bước vào giai đoạn quyết liệt, đụng chạm thượng tầng, tăng trưởng kinh tế quý I năm 2014 chỉ đạt 7,4%, bất ổn an ninh nội địa gia tăng với các vụ khủng bố bạo lực không chỉ xẩy ra tại Tây Tạng, Tân Cương, mà còn cả tại Bắc Kinh, Vân Nam, Côn Minh.
Trong bối cảnh bên trong và bên ngoài như vậy, tham vọng trỗi dậy nhanh càng đẩy TQ vào một hoàn cảnh khó khăn mới.
Phải chăng, việc gây căng thẳng với các nước láng giềng, đe dọa phá vỡ nguyên trạng cục diện an ninh của khu vực không chỉ đi ngược lại với những lời nói về hữu nghị, hợp tác như Bắc Kinh quảng bá, mà nó còn đang đi ngược lại với chính lợi ích của TQ - những lợi ích chỉ có thể đạt được bằng con đường hòa bình, hữu nghị và hợp tác?
Dương Đăng

Van Gaal tố FIFA 'mưu hèn kế bẩn', thiên vị Brazil

HLV tuyển Hà Lan đả kích việc FIFA đẩy lịch đấu bảng B lên trước một ngày so với bảng A, nhằm giúp đội tuyển chủ nhà World Cup 2014 có cơ hội "chọn" đối thủ ở vòng tiếp theo.
Suốt hai lượt đầu vòng bảng, các trận đấu của Brazil ở bảng A đều diễn ra trước các trận của Hà Lan ở bảng B. Nhưng ở lượt đấu cuối, FIFA đã đảo lịch, đẩy trận đấu giữa Hà Lan với Chile lên trước một ngày so với trận Brazil - Cameroon.
Kết quả trận đấu giữa Hà Lan với Chile sẽ quyết định vị trí đầu bảng B và dựa vào đó, Brazil có thể dễ bề toan tính chọn đối thủ ở vòng sau, nơi đội nhất bảng B sẽ gặp nhì bảng A, và nhì bảng B gặp nhất bảng A.
Với bốn điểm qua hai lượt hiện tại, trong khi Croatia và Mexico phải loại nhau, Brazil có thể chủ động lựa chọn việc cán đích ở vị trí nhất hay nhì bảng khi gặp Cameroon đã bị loại.
"Trong mọi trận cầu, FIFA luôn quảng cáo về việc chơi đẹp. Nhưng lần này, họ đã dùng mưu hèn kế bẩn. Việc này không hề tốt, không đẹp chút nào", Van Gaal bình luận khi được hỏi về việc FIFA đảo lịch đấu.
van-5108-1403481747.jpg
Van Gaal lật tẩy trò mèo của FIFA trong việc đảo lịch đấu các trận bảng A và bảng B. Ảnh:Reuters.
Nhà cầm quân này khẳng định tuyển Hà Lan sẽ cố gắng làm tốt nhất phần việc của đội, mà không quan tâm đến việc Brazil đá sau một ngày: "Chúng tôi sẽ tập trung vào mục tiêu thắng Chile và tôi nghĩ các học trò của mình sẽ không bị ảnh hưởng vì chuyện đảo lịch đấu của FIFA".
"Tôi cho rằng Brazil sẽ chơi với tinh thần thể thao cao thượng. Thế thì tại sao FIFA lại phải làm trò mèo đó? Đây là câu hỏi", Van Gaal nói thêm.
Tại bảng B, Hà Lan gây sốc khi đè bẹp nhà ĐKVĐ thế giới Tây Ban Nha 5-1 ngay trận ra quân và giành vé đi tiếp sớm một lượt đấu với chiến thắng 3-2 trước Australia ở lượt trận thứ hai.
Cách Hà Lan đoạt vé đi tiếp ấy, theo Van Gaal, cũng tạo ra sự ái ngại nhất định cho Brazil và rất có thể đội tuyển chủ nhà cũng muốn tránh gặp đội của ông.
"Tôi có thể hình dung ra rằng Brazil không muốn gặp Hà Lan. Chúng tôi đang ghi rất nhiều bàn thắng. Đó là sự thật. Và chúng tôi cũng ghi những bàn thắng đẹp nữa", HLV sắp sang dẫn dắt Man Utd bình luận.
Phương Minh