Trang

16 tháng 6, 2014

Cần xóa cơ chế “Đảng cử dân bầu”

TTO - Đó là kiến nghị của trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa tại phiên thảo luận Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) ngày 16-6.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phát biểu thảo luận về dự thảo Luật đầu tư công - Ảnh: TTXVN
Ông Nghĩa cho rằng phần lớn công việc của Quốc hội đều do đại biểu Quốc hội chuyên trách thực hiện, còn các đại biểu khác chỉ tham gia ở mức độ nhất định.
Do đó, để tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội, việc quy định nâng tỉ lệ đại biểu chuyên trách lên đến 50% là cần thiết.
“Lúc đó chúng ta có khoảng 250 đại biểu chuyên trách, một nửa số này hoạt động ở các cơ quan của Quốc hội, còn lại 63 đoàn đại biểu Quốc hội chỉ có hai đại biểu chuyên trách là không nhiều, bảo đảm hợp lý. Nếu công tác chọn lựa tốt thì tôi nghĩ chỉ cần một nửa số đại biểu Quốc hội mỗi năm tham gia giám sát đến cùng một vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài thì cả nước có đến 250 vụ oan sai được giải quyết, chắc rằng cảnh "con ong, cái kiến kêu gì được oan" mà Nguyễn Du than thở sẽ vắng hẳn trong đời sống hiện nay” - ông Nghĩa nói.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) bình luận: “Nói nôm na Quốc hội vẫn còn cơ chế mặt trận, chưa có cơ chế khác. Như vậy làm sao số đại biểu chuyên trách này không còn là mặt trận nữa mà là những người chuyên nghiệp?”.
Ủng hộ quan điểm của ông Nghĩa về việc tăng đại biểu chuyên trách, ông Lịch lên tiếng: “Cử tri kỳ vọng với tỉ lệ chuyên trách này, số này không mặt trận nữa mà là những người chuyên nghiệp, có trách nhiệm rõ ràng và không hành chính hóa theo kiểu một ủy ban có ba loại chuyên trách, trừ ông chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, thường trực, không thường trực, dân bầu giống nhau nhưng đẳng cấp khác nhau”.
“Cần xây dựng cho được cơ chế giải pháp hữu hiệu mang tính khả thi cao, nhằm xóa bỏ mặc định Đảng cử dân bầu vốn trở thành nguyên tắc lâu nay. Cần đổi mới căn bản việc đề cử và tự ứng cử để tìm người hiền tài ra gánh vác việc nước. Phải sửa đổi ngay cơ chế quá nặng về cơ cấu, nặng theo hướng giảm đến mức tối đa cán bộ chủ chốt cơ quan Đảng, chính quyền tham gia Quốc hội, nhằm tạo điều kiện để các đồng chí lãnh đạo yên tâm chỉ đạo điều hành hoạt động của ngành, địa phương, không ngại vất vả, dự họp Quốc hội hàng tháng trời, không để ghế trống trong hội trường khi họp Quốc hội” - đại biểu Huỳnh Nghĩa kiến nghị.
Ông Nghĩa cho rằng dự thảo luật quy định tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội vẫn còn thiếu một phẩm chất rất quan trọng, đó là tư duy phản biện.
“Thực tế cho thấy khá nhiều cán bộ, công chức của chúng ta hiện nay hình như thiếu tư duy phản biện, dễ chấp nhận những kết luận, nhận định vuông vức, tròn trịa, êm thuận mà cấp trên đưa ra, dù trong thực tế cuộc sống còn đầy những gai góc, gập ghềnh. Đây không phải là chuyện bới bòi ra bọ mà là thái độ khoa học cần thiết phản biện là dân chủ. Vì người phản biện chỉ có thể giành phần thắng khi chân lý thuộc về họ, chứ không vì chức vụ quan trọng mà người ấy nắm giữ” - ông nói.
Ủng hộ quan điểm của các đại biểu Trần Du Lịch và Huỳnh Nghĩa, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) nói: “Từ thực tiễn cuộc sống cảm nhận được, tôi tha thiết đề nghị ban soạn thảo khi thiết kế các điều luật cần làm bật lên vai trò trung tâm của đại biểu, thông qua việc gắn bó mật thiết với cử tri như một trong những điều kiện tối thiểu mà người đại biểu phải đáp ứng. Cần tăng cường hơn nữa đại biểu chuyên trách cùng sống, cùng ăn, cùng làm với nhân dân, cử tri, doanh nghiệp thì mới có thể nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng hay những hiến kế đa dạng, phong phú trong nhân dân”.
“Tôi nghĩ sức sống của hoạt động nghị trường chính nằm ở sự gắn bó mật thiết này và có mang được nhiều hơn hơi thở của đời sống dân sinh, sinh hoạt làm ăn của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp vào hoạt động nghị trường hay không cũng chính nằm ở điều cốt yếu này” - ông Tâm nói thêm.
LÊ KIÊN

Triều Tiên sở hữu 6-8 vũ khí hạt nhân

Báo cáo từ một tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách của Thụy Điển ước tính Triều Tiên sở hữu từ 6-8 vũ khí hạt nhân.

Một cuộc tập trận của Triều Tiên. (Ảnh minh họa)
Một cuộc tập trận của Triều Tiên. (Ảnh minh họa)
 
Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ngày 16/6 đã công bố báo cáo thường viên về vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới tính tới tháng 1/2014.
Dựa vào các thông tin, trong đó có một báo cáo về việc làm giàu plutonium đang diễn ra tại Triều Tiên, SIPRI ước tính Bình Nhưỡng sở hữu từ 6-8 vũ khí hạt nhân.
Một số chuyên gia trước đó cho rằng Triều Tiên có thể đang đạt được nhiều tiến bộ hơn so với những gì người ta vẫn nghĩ trước đây trong việc phát triển đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để trang bị cho tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, báo cáo của SIPRI cho biết cho tới nay chưa có bằng chứng khẳng định điều đó.
Báo cáo của SIPRI cũng cho hay Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc - cả 5 quốc gia đều tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) - sở hữu tổng cộng khoảng 16.075 vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, 3 quốc gia không tham gia NPT là Ấn Độ, Pakistan và Israel mỗi nước ước tính sở hữu từ 80-110 vũ khí hạt nhân.
An BìnhTheo AP

Gazprom muốn mua 49% cổ phần lọc dầu Dung Quất

Trên cơ sở thỏa thuận khung đã ký, công ty Gazprom Neft (Nga) đang lên kế hoạch mua 49% cổ phần của nhà máy lọc dầu Dung Quất và đầu tư mở rộng nhà máy. 

 >>  Gazprom Neft sắp hoàn tất đàm phán đầu tư vào khu Dung Quất
 >>  Cổ phần hóa Lọc dầu Dung Quất: Chờ đối tác khủng

Gazprom muốn mua 49% cổ phần lọc dầu Dung Quất
Việc Gazprom rót vốn được kỳ vọng sẽ giúp nhà máy lọc dầu Dung Quất nâng công suất chế biến lên khoảng 10 triệu tấn/năm, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu nhiên liệu xăng, dầu cả nước.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Tuần qua, đoàn công tác của Gazprom Neft do Tổng giám đốc A.B.Dyukov dẫn đầu đã có buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) về việc hợp tác đầu tư dự án nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Tại buổi làm việc, Tổng giám đốc Petro Vietnam Đỗ Văn Hậu đánh giá cao thiện chí và mong muốn của Gazprom Neft trong kế hoạch mua 49% cổ phần Công ty TNHH Một thành viên Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) và đầu tư dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Ông nói, việc có thêm nguồn vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng từ một tập đoàn mạnh như Gazprom sẽ giúp nhà máy lọc dầu Dung Quất nâng công suất chế biến lên khoảng 10 triệu tấn/năm, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu nhiên liệu xăng, dầu cả nước.

Tổng giám đốc Gazprom Neft A.B.Dyukov đã thống nhất với đề nghị của Petro Vietnam về việc cùng nghiên cứu lựa chọn phương án công nghệ chế biến và dầu thô phù hợp, tối ưu, đảm bảo tính ổn định lâu dài để nâng cấp mở rộng nhà máy. 

Hiện Bộ Năng lượng Nga cũng hết sức ủng hộ và mong muốn hai bên đẩy nhanh tiến độ đàm phán để đi tới một phương án khả thi nhất. 

Thuộc tập đoàn Gazprom, hiện Gazprom Neft là một trong những công ty dầu khí hàng đầu của Nga. Gazprom đang sở hữu trên 70 giấy phép khai thác dầu ở Nga với sản lượng đạt trên 60 triệu tấn/năm và có 5 nhà máy lọc dầu với công suất 40 triệu tấn/năm.

Trong khi đó, doanh thu của công ty BSR trong năm 2013 đạt 150.419 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 27.420 tỷ đồng. Nhà máy lọc dầu Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia về dầu khí, là động lực tăng trưởng kinh tế miền Trung. 

Theo đại diện lãnh đạo BSR, hiện tại nhà máy lọc dầu Dung Quất đang trong quá trình thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần thứ hai, dự kiến sẽ hoàn thành giữa tháng 7/2014.
Theo Từ Nguyên
VnEconomy

Thế nào là "yêu nước sâu sắc"?

BTTD:  Hãy làm cho dân giàu nước mạnh thì đó là yêu nước sâu sắc và ngược lại.


Đề xuất cán bộ quản lý cấp cao phải 'yêu nước sâu sắc'

Bộ Nội vụ đề xuất người giữ chức danh quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước phải có tinh thần yêu nước sâu sắc, chống tham nhũng, thông thạo ngoại ngữ.
Dự thảo nghị định "Quy định tiêu chuẩn chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước" vừa được Bộ Nội vụ công bố để lấy ý kiến đóng góp. Theo dự thảo, 3 tiêu chuẩn chung cho các chức danh quản lý gồm: thứ nhất, có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Hai là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; có ý thức tổ chức kỷ luật; trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Ba là có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực và sức khỏe để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Tất cả các chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước phải đảm bảo “tốt nghiệp đại học trở lên”. Người giữ chức danh thứ trưởng, tổng cục trưởng, vụ trưởng và giám đốc sở phải đang giữ ngạch chuyên viên cao cấp hoặc các chức danh tương đương trở lên và đã tốt nghiệp các khóa đào tạo, bồi dưỡng chương trình quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp. Riêng với thứ trưởng, tổng cục trưởng, vụ trưởng thì phải tốt nghiệp các khóa đào tạo, bồi dưỡng chương trình lý luận chính trị cao cấp.
Về trình độ ngoại ngữ, thứ trưởng phải sử dụng ít nhất một ngoại ngữ thông dụng như Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc trình độ cao cấp bậc 6; trình độ cấp bậc 5 trở lên đối với tổng cục trưởng, hoặc sử dụng được tiếng Lào, Campuchia hoặc tiếng dân tộc thiểu số; trình độ trung cấp bậc 4 trở lên đối với vụ trưởng cấp bộ và trình độ trung cấp bậc 3 trở lên đối với giám đốc sở, hoặc một số ngành, lĩnh vực, tỉnh có thể thay ngoại ngữ bằng tiếng Lào, Campuchia hoặc tiếng dân tộc thiểu số.
Dự thảo Nghị định lần này không quy định về tuổi bổ nhiệm lần đầu với các chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, trong khi các quyết định lần trước đều thống nhất quy định tuổi bổ nhiệm lần đầu không quá 55 tuổi với nam và 50 tuổi với nữ.
“Lòng yêu nước thì không cần phải quy định”
Nhận xét về dự thảo này, chiều nay, đại biểu Trần Khắc Tâm (tỉnh Sóc Trăng) cho hay, Bác Hồ từng đúc kết "nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước", đó là truyền thống quý báu của dân tộc. Sự đúc kết ấy mang tính chân lý nên quy định làm cán bộ phải có tiêu chuẩn này là thừa. "Quy định thế là có cái gì đó như là tầm thường hóa lòng yêu nước vậy", ông nói.
Ông cho rằng tinh thần yêu nước là một thứ tình cảm thiêng liêng và tự nhiên của mỗi người. Cán bộ cũng từ dân mà ra, không thể nói cán bộ thì phải yêu nước sâu sắc còn người dân thì không. "Lòng yêu nước thì không cần phải quy định", ông nói.
Theo ông, tiêu chí cán bộ được cụ thể hóa bằng luật pháp thì phải rõ ràng, định lượng được chứ không thể mang tính định tính. Có như vậy mới đối chiếu, kiểm soát và đánh giá cán bộ. “Trong trường hợp này tôi nghĩ chỉ quy định trung thành với tổ quốc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là đủ”, đại biểu Tâm bày tỏ.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Trần Minh Diệu (ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và Nhi đồng) thắc mắc: “Thế nào là yêu nước sâu sắc và thế nào là yêu nước bình thường? Quy định của luật pháp thì phải tường minh, rõ ràng chứ không nên chung chung để lý giải thế nào cũng được”.
Theo đại biểu này, trong tiêu chuẩn thứ ba là “có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước" và quy định tại tiêu chuẩn đầu tiên “phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước” cũng chính là những hành động thể hiện tinh thần yêu nước rõ ràng nhất. Do vậy không cần thêm quy định “phải có tinh thần yêu nước sâu sắc”.
Hương Thu - Trung Đức

Trung Quốc âm mưu vô hiệu hóa UNCLOS


Cách vẽ ra đường chín khúc, còn gọi là đường chữ U, hoặc đường lưỡi bò và yêu sách chủ quyền gần toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc là một đòi hỏi ngang ngược, là hành động khiêu khích – theo lời Tổng thống Mỹ, đối với an ninh, an toàn hàng hải thế giới. Khi bị chất vấn về cơ sở lịch sử, pháp lý, thực tiễn của yêu sách chủ quyền lãnh thổ, về cơ sở pháp lý của đường 9 đoạn, không một ai trong các học giả và giới cầm quyền Trung Quốc trả lời được.

Cuối cùng họ nói thẳng ra rằng UNCLOS 1982 không áp dụng đối với đường lưỡi bò. Nói một cách khác Trung Quốc đang tìm mọi cách để vô hiệu hóa UNCLOS 1982 cho dù họ chưa dám công khai bộc lộ.


Tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên phun nước vào tàu Việt Nam
Ảnh: Thanh Tường

Một câu hỏi được đặt ra là vì những mục đích, động cơ gì khiến Trung Quốc ngang nhiên thách thức với trật tự mới của thế giới đang hình thành? Trả lời cho câu hỏi này không quá khó vì chính giới Trung Quốc, tự họ, đã nói ra.
     
1) Trung quốc nuôi tham vọng làm bá chủ thế giới. Trung Quốc không hề giấu giếm ý đồ này. Từ khi trở thành ngôi nhì, Trung Quốc công khai cổ vũ cho việc thúc đẩy Trung Quốc nhanh chóng vượt Mỹ và trở thành cường quốc số 1 thế giới về kinh tế, quốc phòng. Trung Quốc tung người và tiền của đi vơ vét tài nguyên của các nước ở khắp thế giới. Trung Quốc đang tìm cách mở thông đường từ Trung Quốc thâm nhập vào các biển Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương, Vịnh Thái Lan thông qua việc đầu tư xây dựng các cảng biển với các nước có liên quan. Trung Quốc đang dòm ngó đến các nguồn lợi dầu mỏ, khoáng sản ở Bắc Băng Dương và Nam Băng Dương. Trung Quốc đang mưu toan ôm trọn mọi nguồn lợi của thế giới vào tay mình. Chính người Trung Quốc xưa, khi trả lời Khổng Tử, đã nói rằng ở gần thú dữ không sợ bằng sống bên cạnh kẻ tham. Thú dữ không săn mồi khi no. Nhưng lòng tham của con người thì không đáy.
      
2) Trung Quốc cảm thấy nay đã đủ lông, đủ cánh chi phối, lũng đoạn thế giới. Họ cho rằng trong thế chân vạc hiện nay, cả Mỹ lẫn Nga đều cần liên minh với Trung Quốc để chống lại đối thủ của nhau. Trung Quốc dễ dàng chơi con bài tọa sơn quan hổ đấu để ngồi giữa hưởng lợi. Điều này cắt nghĩa tại sao Trung Quốc thường bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ngoài Mỹ và Nga không một nước nào dám thách thức Trung Quốc. Trái lại các nước luôn cầu cạnh Trung Quốc vì Trung Quốc là thị trường lớn, là công xưởng lớn của thế giới. Tính hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là đối với các nước ASEAN, bắt nguồn từ sự ngộ nhận này.
      
3) Trong thế chân vạc hiện nay, Trung Quốc tự dành cho mình phần châu Á là phần bánh ngon và dễ nuốt nhất. Không một đối thủ nào ở châu Á có thể địch nổi Trung Quốc. Trong các đối thủ châu Á thì các nước khối ASEAN là yếu nhất. Nếu độc chiếm được Biển Đông thì Trung Quốc chiếm được nguồn tài nguyên phong phú nhất, dễ khai thác nhất và gần nhất với Trung Quốc. Chiếm được Biển Đông, Trung Quốc sẽ là người giữ chốt đóng mở và dễ dàng khống chế con đường giao lưu huyết mạch từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây và ngược lại.

4) Khuất phục Việt Nam là khâu đột phá. Trong các nước ASEAN, Trung Quốc cho rằng Việt Nam là nước khó khuất phục nhất. Trong lịch sử hàng ngàn năm qua, Việt Nam luôn là cánh cửa thép chặn đứng mưu đồ Trung Quốc tiến xuống phía Nam và tiến sang phía Tây. Trung Quốc cho rằng hiện nay có thể khuất phục được Việt Nam bằng hai cách: dùng sức mạnh quân sự để ngoạm dần từng miếng một, biến vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp để ép Việt Nam nhân nhượng. Mặt khác Trung Quốc là bậc thầy và rất kiên trì, dày công trong việc ru ngủ  bằng những ngôn từ rất bùi tai khiến không ít nước mất cảnh giác.
Khuất phục Việt Nam là khâu đột phá trong quá trình khuất phục ASEAN. Chính giới Trung Quốc cam kết rằng nếu thế hệ hiện nay chưa làm được thì con cháu họ sẽ tiếp tục. Trăm năm sau, ngàn năm sau, họ vẫn tiếp tục mưu đồ này. 

D. Gieo gió sẽ gặt bão

Nhiều học giả và chính giới nhận định rất đúng rằng Trung Quốc là một gã khổng lồ nhưng không tự kiểm soát được mình, đúng hơn là mất kiểm soát bản thân. Điều nguy hiểm nhất là Trung Quốc đang hành động ngược lại xu thế của thời đại, ngược lại quy luật cân bằng lợi ích. Trung Quốc mưu toan tự đặt ra luật để buộc các nước khác phải tuân theo. Tính bất khả thi trong mưu toan làm bá chủ thế giới, làm kẻ thống trị châu Á và độc chiếm Biển Đông làm ao nhà của Trung Quốc bắt nguồn từ những tính toán sai lầm đó. Đã qua rồi thời kỳ thực dân dùng vũ lực đi xâm chiếm đất đai, tài nguyên của nước khác. Chính sách ngoại giao pháo hạm cũng đã trở nên lỗi thời. Cho dù Trung Quốc có trở thành cường quốc số 1 của thế giới thì một mình Trung Quốc không thể hành động trái xu thế thời đại, trái quy luật và trái lẽ công bằng về lợi ích. Trung Quốc không thể xé bỏ UNCLOS 1982 cho dù trong thâm tâm họ muốn từ bỏ nó. Từ bỏ UNCLOS 1982 đồng nghĩa với việc Trung Quốc một mình chống lại 160 quốc gia thành viên của UNCLOS, một mình chống lại trên 5 tỷ người trên trái đất, một mình chống lại công bằng, công lý, chống lại nền trật tự mới trên biển cả đã được UNCLOS 1982 xác lập. Trung Quốc làm sao đòi các nước không can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông khi việc độc chiếm Biển Đông xâm phạm đến quyền mưu sinh, nói một cách dân dã là xâm phạm đến bát cơm manh áo của nhân dân nhiều nước trên thế giới ?.

Vì quyền lợi thiết thân của mình, nhân dân, chính giới các nước trên thế giới nhanh chóng lên tiếng phản đối quyết liệt hành động ngang ngược của Trung Quốc.

Nhân dân thế giới rất có cơ sở để lo ngại rằng ai có thể đoán trước được rằng sau đây 10 năm, 50 năm sẽ có một anh chàng hảo hán vô danh tiểu tốt nào đó phóng bút vẽ ra đường 9, 10… đoạn ôm trọn lấy biển Thái Bình Dương rồi tuyên bố đó là vùng biển thuộc quyền quản lý của Trung Quốc từ mấy ngàn năm trước (!). Trung Quốc ngày nay không thể nói như các vị hoàng đế tiền bối của họ rằng tất cả đất đai trong thiên hạ đều thuộc nhà vua, ngoài ra không thuộc ai cả. Trung Quốc đang mạo hiểm đẩy thế giới đứng bên miệng hố chiến tranh. Chỉ một sơ suất, một tai nạn nhỏ trong hành động diễu võ dương oai hàng ngày của Trung Quốc có thể gây ra chiến tranh lớn. Nhiều liên minh đã hình thành để đối phó với các hành động ngang ngược của Trung Quốc: liên minh Mỹ, Nhật, Hàn; liên minh Mỹ, Nhật, Ấn Độ; liên minh Mỹ, Phi-lip-pin; liên minh Mỹ, Nhật, Úc; liên minh Nhật với các nước ASEAN; liên minh các nước ASEAN, liên minh Việt Nam, Phi-lip-pin. Điều gì sẽ đến với Trung Quốc khi toàn thế giới đoàn kết lại và đáp trả hành động gây chiến tranh của họ? Chính giới Trung quốc không thể không suy tính đến điều này.

Luật sư Lê Đức Tiết  
(Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ 
và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam)

Chiến tranh Trung-Mỹ: Nỗi kinh hoàng của châu Á

Châu Á hiện đang xuất hiện mầm mống của sự ngộ nhận lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai bên đang có nguy cơ lao vào một cuộc đối đầu khi những hành vi gây hấn của Trung Quốc trở nên trắng trợn hơn nhằm vào các nước láng giềng, thách thức những cam kết của Mỹ.

Cả hai đều nghĩ rằng bên kia sẽ nhượng bộ để tránh một cuộc đụng độ, nhưng nhiều tín hiệu cho thấy Mỹ và Trung Quốc đang sai lầm với suy nghĩ này.

Giáo sư Robert Farley cho rằng viễn cảnh về một cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương phụ thuộc vào sự đánh giá cơ bản về sự cân bằng đang thay đổi trong sức mạnh kinh tế và chính trị. Trong quá khứ, Chiến tranh thế giới lần thứ I không thể thay đổi hiện thực rằng Đức vẫn là quốc gia mạnh nhất và lớn nhất ở trung tâm của châu Âu. Tương tự như vậy, chiến tranh giữa Washington và Bắc Kinh không thể thay đổi đường đi trong dài hạn về sự phát triển và khẳng định của Trung Quốc.

Chìa khóa đối với hòa bình trong khu vực liên quan tới việc tái lập mối quan hệ kinh tế hiệu quả giữa Trung Quốc, Mỹ và phần còn lại của Thái Bình Dương. Nếu chiến tranh nổ ra, chắc chắn nó sẽ cản trở thương mại và đầu tư trên toàn thế giới. Nếu cả hai bên quyết định tấn công các tàu thương mại, thì ảnh hưởng của nó khó có thể tính toán hết được, tác động đến cả những nước không có lợi ích trực tiếp trong cuộc chiến.

Tuy nhiên, chính phủ của cả Mỹ và Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những sức ép mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi phục hồi các mối quan hệ thương mại, ít nhất là đối với các hàng hóa thiết yếu.


Máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ.
Máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ.

Trung Quốc sẽ không mấy khó khăn cho việc tái thiết sau chiến tranh. Thậm chí nếu Mỹ có hủy diệt hiệu quả Hải quân (PLAN) và Không quân Trung Quốc (PLAAF), thì nền công nghiệp đóng tàu và hàng hải Trung Quốc, có thể với sự giúp đỡ từ phía Nga, sẽ bổ sung hầu hết những mất mát đó trong vòng một thập kỷ. Trên thực tế, những tổn thất lớn của Trung Quốc trong chiến tranh có thể giúp khôi phục cả ngành công nghiệp hàng hải và đóng tàu của Nga. Hơn nữa, nếu cần chiến tranh sẽ hiện đại hóa PLAN và PLAAF bằng cách phá hủy những di sản cũ kỹ. Một hạm đội tàu và máy bay mới sẽ thay thế cho lực lượng cũ.

Mỹ có thể phải mất nhiều thời gian và khó khăn hơn trong thời kỳ hậu chiến, không chỉ vì tàu chiến và máy bay Mỹ có giá trị cao hơn của Trung Quốc. Việc sản xuất máy bay F-15 và F-16 gần như đã kết thúc, và Mỹ không còn sản xuất F-22. Hơn nữa, nền công nghiệp đóng tàu của Mỹ đã suy giảm tới mức để thay thể những tàu bị thiệt hại trong chiến tranh sẽ phải cần rất nhiều thời gian. Điều này cũng đặt ra một vấn đề nan giải là, hiện Mỹ đang có kế hoạch đưa F-35 vào phục vụ và trở thành lực lượng nòng cốt của Lầu Năm Góc, nếu chiến tranh nổ ra và F-35 bộ lộ những điểm hạn chế thì coi như kế hoạch của Mỹ bị sụp đổ hoàn toàn.

Dù chiến thắng hay thất bại, Mỹ sẽ phải hứng chịu những thiệt hại đáng kể về kinh tế và quân sự. Thậm chí nếu Mỹ giành chiến thắng, nó cũng không giải quyết được vấn đề Trung Quốc. Xét về tiềm năng, chiến thắng sẽ củng cố hệ thống đồng minh do Mỹ lãnh đạo, khiến cho chi phí trong chính sách ngăn chặn Trung Quốc của Washington sẽ giảm đi. Giả sử rằng chiến tranh bắt đầu với việc Trung Quốc khẳng định yêu sách của mình trên biển Đông và biển Hoa Đông, Mỹ sẽ “tô vẽ” Trung Quốc như một kẻ xâm lược và tự xem mình là tiêu điểm để cân bằng các hành vi trong khu vực. Sự gây hấn của Trung Quốc cũng có thể thúc đẩy các đồng minh trong khu vực (đặc biệt là Nhật Bản) tăng chi tiêu quốc phòng.

Một cuộc chiến có thể tiếp thêm sinh lực cho chính phủ và xã hội Mỹ trong việc kiềm chế Trung Quốc lâu dài. Mỹ có thể đáp trả bằng cách tăng cường nỗ lực nhằm vượt xa quân đội Trung Quốc, mặc dù điều này sẽ kích động một cuộc chạy đua vũ trang mà có thể phương hại tới cả hai bên.

Cuối cùng, Mỹ có thể lựa chọn bằng cách tự tách mình ra khỏi chiến trường châu Á, ít nhất là về mặt quân sự. Sự lựa chọn này có thể là rất khó khăn đối với nhiều người Mỹ, khi mà những những nhà hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ ở những thế hệ tiếp theo buộc phải "che giấu" tham vọng bá chủ của mình.

Khả năng về một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn bỏ ngỏ. Để ngăn chặn cuộc chiến đòi hỏi kỹ năng bao quát và sự nhạy cảm về mặt ngoại giao của những nhà hoạch định chính sách tại Washington và Bắc Kinh. Tương tự như vậy, vấn đề ai thắng ai sẽ tiếp tục đè nặng lên nền ngoại giao, quân sự và những nguồn lực công nghệ của hai nước trong tương lai gần. Tuy nhiên, không được quên rằng Trung Quốc và Mỹ là trung tâm của một trong những khu vực kinh tế hiệu quả nhất trên thế giới. Đó là những gì cần phải được duy trì và bảo vệ.

Theo Công Thuận
Baotintuc.vn/N.I

Họp báo về Biển Đông, Bộ trưởng ngoại giao TQ sắp đến VN


- Tại cuộc họp báo quốc tế chiều 16/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Hải Bình cho hay ủy viên Quốc vụ viện TQ Dương Khiết Trì sẽ đến VN.

Dưới đây là toàn bộ nội dung phần hỏi đáp tại cuộc họp báo:
AsahiNhững ngày qua, TQ đưa ra bằng chứng hình ảnh, clip cho thấy tàu VN chủ động đâm va tàu TQ, bản thân ông xem hình ảnh đó chưa? Bình luận của ông? Có hay không việc VN cử lực lượng đặc công người nhái đến giàn khoan, bố trí vật thể trôi nổi cản trở tàu TQ?
Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển VN Ngô Ngọc Thu: Trước hết xin thông báo tôi chưa xem clip do Bộ Ngoại giao TQ công bố trong họp báo 13/6 vừa qua, tôi được thông báo nội dung họp báo đó. Phía TQ đã đưa ra một số liệu, đó là tàu thực thi pháp luật VN tiến hành đâm tàu của TQ 1.547 lần. Tôi xin khẳng định thông tin đó là sai sự thật.
TQ, Hoàng Sa, Biển Đông, chủ quyền, người nhái, cảnh sát biển, kiểm ngư, Dương Khiết Trì
Ông Ngô Ngọc Thu
Thực tế trên khu vực giàn khoan 981 chỉ có tàu TQ chủ động đâm va, sử dụng các vòi phun nước cũng như trang thiết bị chế áp tàu thực thi pháp luật VN, không có chuyện tàu VN đâm tàu TQ. Hình ảnh TQ mô tả là tàu VN bị TQ đâm hỏng, chỉ có thể sử dụng mũi tàu này đâm vào mạn tàu kia, thông tin VN sử dụng hơn 1.547 lần là sai sự thực.
Tại họp báo, TQ nói VN sử dụng người nhái, vật nổi gây ảnh hưởng hoạt động tàu TQ. Xin bác bỏ thông tin VN sử dụng người nhái, đến thời điểm hiện nay, VN không hề sử dụng người nhái trên hiện trường giàn khoan Hải Dương 981.
Về một số vật trôi nổi TQ vớt được đưa về chụp ảnh làm bằng chứng, thực tế là bị tàu TQ đâm, áp đảo nên ngư dân phải bỏ chạy, TQ vớt lưới của ngư dân VN và nói VN thả lưới ngăn tàu TQ. Vật trôi nổi là các thùng nhớt, thùng sơn, dụng cụ huấn luyện bị vòi rồng TQ phun vào văng xuống nước, TQ đâm va tàu VN làm hư hỏng trang thiết bị, vỡ tàu gỗ của ngư dân VN, TQ vớt và nói là bằng chứng. Đó là sai sự thực. Chúng tôi xin bác bỏ. 
Tiền Phong:Gần đây TQ nói rằng VN nói TQ dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa 1974 là sai, vì quân đội TQ đã xua đuổi lính VN Cộng hòa thực hiện tự vệ theo luật pháp quốc tế. Bình luận của UB Biên giới quốc gia?
Phó Chủ nhiệm UB Biên giới quốc gia Trần Duy Hải: Trước hết xin khẳng định các phát biểu của TQ là xuyên tạc, bóp méo sự thực lịch sử.
TQ, Hoàng Sa, Biển Đông, chủ quyền, người nhái, cảnh sát biển, kiểm ngư, Dương Khiết Trì
Ông Trần Duy Hải
Sau khi Pháp rút khỏi VN đã bàn giao quản lý quần đảo cho chính quyền VN Cộng hòa và chính quyền VN Cộng hòa đã thực thi quản lý và đồn trú trên quần đảo. TQ đã lợi dụng chiến tranh, tấn công lên lực lượng VN Cộng hòa đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa. Đấy là sự thực lịch sử. Trên mạng TQ cũng đưa nhiều hình ảnh TQ tấn công lực lượng VN Cộng hòa. Việc sử dụng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa không thể tạo ra chủ quyền cho TQ. 
Người Lao ĐộngVN có cho rằng những văn bản lịch sử từ thế kỷ 17 có hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa không?
Ông Trần Duy Hải: Như các bạn đã biết, chúng tôi đã giới thiệu một clip về văn bản pháp lý của nhà nước phong kiến VN. Đây là các châu bản viết về việc nhà nước phong khiến VN cử các đội Hoàng Sa ra khai thác và quản lý Hoàng Sa, đây là các văn bản chính thức của nhà nước có giá trị về pháp lý.
Theo luật lãnh thổ, một quốc gia khi muốn xác lập chủ quyền đối với vùng lãnh thổ phải thông qua các hành vi thực thi chủ quyền dưới danh nghĩa nhà nước. Việc các đội Hoàng Sa của VN ra khai phá và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa được thực thi bằng nhà nước và bởi nhà nước, do vậy hoàn toàn phù hợp với luật các lãnh thổ, tất cả các văn bản đó có giá trị pháp lý hoàn toàn phù hợp.
VnExpress: TQ nói các tàu cá VN ngăn cản hoạt động giàn khoan và tàu chấp pháp TQ, xin đại diện Cục Kiểm ngư bình luận ý kiến này của TQ?
Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Hà Lê: Hoàng Sa luôn là ngư trường truyền thống bao đời nay của ngư dân VN. Việc ngư dân khai thác ở đây là hoàn toàn bình thường, phù hợp luật pháp VN và quốc tế. Không hiểu TQ cho rằng tàu cá VN ngăn cản quấy rối tàu chấp pháp TQ là như thế nào?
TQ, Hoàng Sa, Biển Đông, chủ quyền, người nhái, cảnh sát biển, kiểm ngư, Dương Khiết Trì
Ông Hà Lê
Trong khi các vị đã thấy các tư liệu của chúng tôi cho thấy TQ đã điều ra giàn khoan hơn 100 tàu các loại, toàn tàu lớn, tàu cá vỏ sắt, trang bị tối tân có công suất lớn. Trong khi đó tàu cá VN toàn tàu gỗ, thực hiện đúng chức năng tàu cá là khai thác thủy sản hợp pháp bình thường trên biển. Việc TQ nói tàu cá VN ngăn cản quấy rối tàu chấp pháp TQ là hoàn toàn vô lý và không có căn cứ. Một lần nữa tôi khẳng định tàu cá VN chưa bao giờ có hành động ngăn cản hay quấy rối tàu TQ mặc dù tàu TQ đang hoạt động trái phép tại vùng biển VN.
VOV: Ngày 3/6 vừa qua Bộ Ngoại giao TQ yêu cầu VN rút khỏi 29 đảo đá mà VN đã chiếm giữ tại quần đảo Trường Sa. Ông Trần Duy Hải cho biết bình luận của VN về điều này?
Ông Trần Duy Hải: Các bạn đã thấy rõ đề nghị của TQ rất vô lý, chúng tôi bác bỏ đề nghị phi lí đó. Các bạn đã biết VN có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền với Trường Sa và trên thực tế VN đã quản lý, khai thác hòa bình liên tục trên quần đảo Trường Sa. Chính TQ là người đã dùng vũ lực để xâm chiếm 1 số bãi trên quần đảo Trường Sa và do vậy chính TQ phải rút khỏi các bãi họ đã chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1988 của VN.
VOV: Thời gian gần đây một số nhà ngoại giao của khu vực, trong đó đặc biệt có nhà ngoại giao hàng đầu của Indonesia, đề xuất các nước ASEAN cần sử dụng một chính sách “bên miệng hố chiến tranh” một cách tích cực hoặc có cách tiếp cận cứng rắn hơn với TQ để đạt được quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông.
Cho đến nay Philippines vẫn kêu gọi ASEAN yêu cầu TQ dừng các dự án xây dựng ở đảo Phú Lâm của VN và đề nghị ASEAN cần có biện pháp cứng rắn hơn với TQ.
Vậy VN có mong đợi gì hoặc có hành động gì để yêu cầu hoặc đề nghị ASEAN có những tuyên bố chung của mình trong tình hình Biển Đông?
Ông Trần Duy Hải: VN có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa, nên mọi hoạt động của các bên khác mà không được sự đồng ý của VN đều là bất hợp pháp.
Về câu hỏi của bạn, tôi cho rằng VN ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nói chung trong việc duy trì hoạt động hòa bình ổn định trên biển Đông và kể cả yêu cầu TQ chấm dứt hành động phá vỡ nguyên trạng ở biển Đông cũng như tạo ra các tranh chấp.
AP:Ông Thập có nói VN ký 100 hợp đồng với đối tác nước ngoài, trong đó còn 61 hợp đồng có hiệu lực. Đối tác nước ngoài có bày tỏ lo ngại gì về việc TQ đặt giàn khoan không? Nếu họ bày tỏ lo ngại, phản ứng của VN thế nào?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao có thể cho biết, ông Dương Khiết Trì dự kiến đến VN tuần này dự cuộc họp UB liên chính phủ VN-TQ. Chủ đề cuộc họp có đề cập vấn đề Biển Đông? VN có hy vọng cuộc họp làm giảm căng thẳng ở Biển Đông hay không?
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia VN Nguyễn Quốc Thập: Trước việc TQ hạ đặt trái phép giàn khoan 981 và tuyên bố trái phép có 57 lô dầu khí nằm trong vùng tranh chấp, họ dựa vào đường lưỡi bò phi lý, chúng tôi gặp gỡ, làm việc với tất cả các công ty dầu khí đang hoạt động trong vùng mà TQ gọi là tranh chấp, các công ty dầu lớn quốc tế…
TQ, Hoàng Sa, Biển Đông, chủ quyền, người nhái, cảnh sát biển, kiểm ngư, Dương Khiết Trì
Ông Nguyễn Quốc Thập
Tại các cuộc trao đổi, chúng tôi nhận được tín hiệu tốt, đó là tất cả đại diện của các công ty đều thể hiện, thông báo cho chúng tôi rằng từ tổng hành dinh đã nhận tín hiệu đó là chia sẻ, ủng hộ lập trường, tuyên bố của Petro VN cũng như của Chính phủ VN.
Họ cũng khẳng định hoạt động dầu khí của Petro VN và của họ là hoàn toàn hợp pháp. Vì vậy họ khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết đã ghi trong hợp đồng dầu khí ký giữa Petro VN với từng công ty. Chúng tôi hiện đang có kế hoạch cùng các công ty này triển khai hoạt động dầu khí hiệu quả, tích cực nhất, mặc dù phía TQ có tuyên bố này khác.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình: Theo chúng tôi biết, ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì sẽ thăm VN. Đây là cuộc gặp của hai chủ tịch UB chỉ đạo hợp tác song phương VN - TQ. Trong các chủ đề thảo luận, tôi tin vấn đề TQ hạ đặt giàn khoan 981 trái phép trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của VN chắc chắn sẽ được bàn đến.
TQ, Hoàng Sa, Biển Đông, chủ quyền, người nhái, cảnh sát biển, kiểm ngư, Dương Khiết Trì
Ông Lê Hải Bình
Như chúng tôi nhiều lần khẳng định, từ trước đến nay và tại họp báo này, VN luôn hết sức kiên trì trao đổi, tìm mọi kênh thông tin kênh trao đổi đối thoại với TQ để giải quyết hòa bình vấn đề căng thẳng ở Biển Đông. Vì vậy, cuộc gặp hai chủ tịch UB chỉ đạo hợp tác song phương chắc chắn là một kênh, một sự kiện hai bên có thể thảo luận vấn đề tìm giải pháp cho vấn đề căng thẳng ở Biển Đông.
Lao Động: TQ nói trong thời kỳ thực dân Pháp, Pháp đã từng thừa nhận chủ quyền của TQ đối với “Tây Sa”, yêu sách chủ quyền của VN kế thừa từ chính quyền thực dân Pháp là không có căn cứ. Vậy sự thực về vấn đề này là như thế nào?
Ông Trần Duy Hải: Ý kiến đó của TQ là hoàn toàn bịa đặt. Sau khi Pháp vào VN, thay mặt chính quyền VN, Pháp thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.
Việc thực hiện quản lý hành chính của Pháp đối với Hoàng Sa ở mức độ rất cao. Pháp đã có cơ quan hành chính đặt tại Hoàng Sa, thậm chí cơ quan hành chính này cấp giấy chứng sinh cho công dân VN sinh ra tại quần đảo Hoàng Sa, đây là mức độ quản lý hành chính rất cao trong quản lý hành chính của Pháp.
Trong thời kỳ đó, Pháp đã nhiều lần phản đối hành động của TQ đối với quần đảo HS, trong đó có nhiều công hàm gửi cho TQ phản đối hành động của TQ, thậm chí Pháp đã đề nghị đưa vấn đề ra giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế nhưng TQ đã từ chối.
TQ, Hoàng Sa, Biển Đông, chủ quyền, người nhái, cảnh sát biển, kiểm ngư, Dương Khiết Trì
Đông đảo phóng viên VN và quốc tế dự họp báo chiều 16/6
Xin trích dẫn đơn cử một công hàm của Pháp, công hàm ngày 18/2/1937 của Pháp gửi ĐSQ Trung Hoa Dân quốc tại Pháp, Pháp yêu cầu TQ giải quyết đàm phán hữu nghị bất đồng giữa Pháp và TQ. Nếu TQ không đồng ý tiến hành giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng thì Chính phủ Pháp không còn cách nào khác đề nghị Chính phủ TQ giải quyết vấn đề này bằng trọng tài.
Không có chuyện Pháp thừa nhận chủ quyền của TQ mà luôn phản đối mọi hành động âm mưu của TQ muốn có hành động đối với quần đảo Hoàng Sa.
VietNamNet:TQ hiện đang tiến hành bồi đắp, mở rộng và xây dựng một số công trình kiên cố xung quanh một số đảo, đá ở thuộc quần đảo Trường Sa của VN. Đề nghị cho biết phản ứng của VN trước những hoạt động này của TQ?
Ông Lê Hải Bình: VN có đầy đủ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. Cơ quan chức năng VN cho biết, thời gian qua, tại khu vực quần đảo Trường Sa, phía TQ đã tiến hành một số hoạt động mở rộng xây dựng công trình trái phép xung quanh khu vực đá Gạc Ma, cũng như một số điểm đảo khác ở khu vực Trường Sa mà đã bị TQ sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép từ tháng 3/1988.
VN kiên quyết phản đối hành động phi pháp nói trên của TQ, yêu cầu TQ nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của VN, tôn trọng Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, yêu cầu TQ chấm dứt ngay hành động xây dựng mở rộng trái phép tại khu vực quần đảo Trường Sa, cũng như các hành động đơn phương khác làm thay đổi hiện trạng của khu vực quần đảo Trường Sa cũng như khu vực khác trên Biển Đông, rút ngay các tàu, thiết bị của TQ khỏi khu vực này, không để tái diễn hành động tương tự trong tương lai vì nó đe dọa hòa bình, ổn định khu vực cũng như tại Biển Đông. 
X.Linh - C.Quyên - L.A.Dũng - H.Anh - M.Thư - H.Nhì