Trang

16 tháng 6, 2014

Nhật Bản trang bị tên lửa chống hạm đối phó Trung Quốc

(NLĐO) - Đối mặt với nguy cơ Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở biển Hoa Đông, Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản (JGSDF) có kế hoạch trang bị cho đơn vị đóng trên đảo Kyushu loại tên lửa chống hạm tiên tiến nhất vào năm 2016.
Trước đó, JGSDF đã triển khai tên lửa chống hạm Type 88 đến đảo Miyako hôm 6-6. Hòn đảo thuộc tỉnh Okinawa này là địa phương gần quần đảo Senkaku mà Tokyo đang kiểm soát nhưng cũng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền ở biển Hoa Đông.
Với bước đi này, JGSDF đặt mục tiêu ngăn tàu chiến của Trung Quốc phát động cuộc tấn công nhằm vào Senkaku. Vào tháng 11-2013, JGSDF tiến hành tập trận trên đảo Miyako để tăng cường khả năng đối phó với tàu chiến Trung Quốc bằng tên lửa Type 88. 


Hệ thống phóng tên lửa Type 12
Ảnh: Want China Times
Hệ thống phóng tên lửa Type 12 Ảnh: Want China Times

Bên cạnh đó, JGSDF dự định triển khai tên lửa chống hạm Type 12, loại tiên tiến nhất hiện nay, đến tỉnh Kumamotom nằm dọc bờ biển phía Tây của Kyushu vào năm 2016. Ngoài ra, loại tên lửa này dự kiến còn được triển khai tại tỉnh Aomori trên đảo Hokkaido. 
Tên lửa chống hạm Type 12 được phát triển dựa trên loại Type 88. Với tầm bắn 200 km, nó có khả năng tấn công các mục tiêu xung quanh Senkaku.
Nhật Bản đã chi 310 triệu USD để mua 16 hệ thống tên lửa di động và tên lửa Type 12 để triển khai đến Kumamoto. Mỗi một hệ thống có khả năng mang 6 tên lửa Type 12. 
Thông tin trên được đưa ra không lâu sau khi  một tàu Trung Quốc bị nghi ngờ nhắm bắn tàu khu trục JS Sawagiri và một máy bay tuần tra P-3C của Nhật ở biển Hoa Đông hôm 29-5.  
Theo một số nguồn tin Nhật Bản, vụ việc xảy ra khi tàu và máy bay Nhật đi tuần trong vùng đặc quyền kinh tế của Toyko ở biển Hoa Đông. Động thài này được xem là nhằm thể hiện sự phản đối của Trung Quốc đối với việc Nhật Bản quốc hữu hóa Senkaku vào tháng 9-2012. 

P.Võ (Theo JNN, Asahi)

Từ Gạc Ma, TQ mưu mô lập vùng nhận dạng phòng không?

Theo Phó Chủ nhiệm UBQPAN Lê Việt Trường, việc xây dựng ở đảo Gạc Ma có thể là bước tiếp theo trong tham vọng của Trung Quốc, cũng giống như họ cướp bãi cạn Scarborough của Philippines và xây dựng căn cứ chỉ trong 1 đêm.
Phó Chủ nhiệm UBQPAN Lê Việt Trường phân tích những nước đi nguy hiểm của Trung Quốc ở đảo Gạc Ma (Ảnh: Nguyễn Dũng)
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Việt Trường nêu nhận định khi trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp.
Ông Lê Việt Trường nói: "Tham vọng đường lưỡi bò của Trung Quốc đã có từ cách đây hàng chục năm. Trung Quốc đã có chiến lược tuyên truyền về chủ quyền trên biển. Tuy nhiên, chiến lược này hết sức bịa đặt và ngang ngược. Bây giờ, họ lựa chọn thời điểm để ra tay. 
Theo tôi, Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động leo thang khác trên Biển Đông chứ chưa chịu dừng lại. Họ vẽ ra "đường lưỡi bò" không phải để chơi mà sẽ làm mọi cách để thực thi trên thực tế. Họ đặt thời hạn cấm đánh bắt cá, bắt giữ trái phép ngư dân, cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam…
Và bây giờ việc xây dựng ở đảo Gạc Ma có thể là bước tiếp theo trong tham vọng của Trung Quốc, cũng giống như họ cướp bãi cạn Scarborough của Philippines và xây dựng căn cứ chỉ trong 1 đêm".
Trước nhiều thông tin được đưa ra, tới thời điểm này ông đã có thông tin gì liên quan tới việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Gạc Ma?
Tôi cũng mới nghe được thông tin qua báo chí, chứ chưa có một thông tin nào cụ thể, chính thức về việc này. Nếu đây là sự thật thì cực kỳ nguy hiểm không chỉ cho Việt Nam mà cho cả các nước Đông Nam Á, và rộng hơn là cả cộng đồng quốc tế.
Chúng tôi đang theo dõi chặt tình hình này và cũng đang chờ thông tin chính thức từ các bộ, ngành chức năng như Quốc phòng, Ngoại giao, Công an…
Ông đánh giá thế nào về vị trí của đảo Gạc Ma về mặt quân sự, quốc phòng?
Về vị trí của Gạc Ma, ai cũng biết đó là một vị trí rất quan trọng đối với quốc phòng, quân sự. Nếu có một căn cứ quân sự được xây dựng trên đảo Gạc Ma nó sẽ khống chế toàn bộ mọi hoạt động quân sự trong toàn khu vực đảo Trường Sa.
Vị trí chiến lược của hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nằm án ngữ toàn bộ đường hàng hải đó. Nếu nước nào khống chế được vị trí đó thì cũng có nghĩa họ đã khống chế được toàn bộ tuyến đường hàng hải đó mà không một nước nào làm gì được.
Những hình ảnh xây dựng của Trung Quốc trên đảo Gạc Ma
Trước những thông tin đã phản ánh trong mấy ngày qua, và với vị trí vai trò quan trọng như vậy, phải chăng Trung Quốc đang lựa chọn Gạc Ma làm căn cứ quân sự tấn công?
Có thể hiểu căn cứ quân sự tấn công là nơi đó có thể tiến hành các hoạt động tác chiến quân sự và tấn công các vị trí quân sự khác. Nó làm cơ sở cho phép các hoạt động quân sự, ví dụ như không quân thì ở đó phải có sân bay. Nếu là hải quân ở đó thì nó phải có căn cứ có thể neo đậu các tàu lớn và có thể tàu cá.
Tôi cho rằng, Trung Quốc lựa chọn vị trí đảo Gạc Ma vì đó là vị trí rất nhạy cảm, nó gắn liền với khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mà hiện nay, Trường Sa là quần đảo do Việt Nam đang thực thi quyền quản lý toàn bộ quần đảo này. Việc Trung Quốc đặt vị trí ở đó là có vấn đề.
Nếu như có hoạt động như vậy, cho thấy mục đích của Trung Quốc là nhằm khống chế toàn bộ khu vực này.
Hiện chúng tôi cũng chưa nhận được thông tin chính thức họ xây dựng căn cứ quân sự hay không, hay là các hoạt động dân sự bình thường khác. Nếu là hoạt động quân sự thì đó là bước đi hết sức nguy hiểm.
Nếu Trung Quốc xây dựng đường băng trên đảo Gạc Ma, theo ông điều này có dễ dẫn đến nguy cơ Trung Quốc đơn phương thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)?
Họ đã làm ở biển Hoa Đông thì chúng tôi cũng không loại trừ, nếu xây dựng đường băng trên đảo Gạc Ma thì khả năng họ sẽ thành lập vùng thông báo bay trên vùng biển của chúng ta.
Điều này sẽ gây ra những mối nguy hại như thế nào đối với Việt Nam và các nước lân cận?
Nếu Trung Quốc thành lập ADIZ nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Việt nam và các nước xung quanh, vì đảo Gạc Ma nằm trên tuyến hàng hải có mật độ tàu qua lại lớn thứ hai trên thế giới. Vì cái đó nằm trong phía TP. Hồ Chí Minh, nếu Trung Quốc đặt vùng thông báo bay ở đó thì rõ ràng đã chồng lấn lên chúng ta.
Phản ứng của Việt Nam thế nào trước sự việc này thưa ông?
Tôi được biết, các cơ quan chuyên môn, đặc biệt Bộ Quốc phòng đang điều tra động thái này. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ, và sẽ có sự kiểm chứng thông tin cụ thể.
Xin cảm ơn ông!
Thành Nam (ghi)

20 năm mở đường

TT - 20 năm sống giữa vùng đất hoang hóa, cũng là thời gian ông cặm cụi mở đường cho bao người qua lại mặc cho người đời nói ông “quá rảnh”, lo chuyện bao đồng...

Ông Bé và con đường do ông làm nên - Ảnh: Sơn Bình

Giữa nắng trưa, lão nông Đặng Văn Bé, 66 tuổi, ngụ xã Long Khánh (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) mướt mồ hôi cuốc đất đắp giặm những mảng đường bị bể. Ông nói 20 năm trước ông đến vùng rừng ngập mặn của giồng Cai Tan lập nghiệp, nơi đây thưa thớt dân cư do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Chứng kiến người dân bị bệnh phải khiêng võng trong sình lầy đưa ra kênh, rồi nước ròng phải đẩy xuồng trên kênh cạn, ông thầm nghĩ: “Bằng mọi giá phải mở đường, tránh cho người dân chết oan”.
Nghĩ là làm, ông đưa vợ con về sinh sống tại trung tâm xã, còn ông đi sâu vào rừng, che chắn nhà tạm đánh bắt thủy sản kiếm tiền gạo mắm và mở đường xuyên rừng. Nước mặn bao phủ, không thể mở đường thẳng, ông phải thuận theo mô đất nổi lòng vòng mà đắp nên đường.
Ngoài dụng cụ khai mở đường, ông luôn mang theo lưỡi lam và kim tây phòng khi gai chùm lé đâm thì lấy gai ra tại chỗ. “Dân gian có câu độc như gai chùm lé, gai đâm cứ chui rúc bên trong, nếu không lấy ra sẽ bị làm mạch lươn, tui chứng kiến một người bạn phải cưa chân” - ông Bé nói. Dù cẩn trọng nhưng ông vẫn bị gai xước nhiều nơi và mấy lần phải tự mổ nhổ gai đâm sâu. Có lần ông bị gai đâm ở chân, dù mổ nhưng không thể nhổ gai, ông đành lặn lội trở về nhờ gia đình đưa đi bệnh viện. Sau khi học ké từ các y tá cách mổ lấy gai, ông Bé hỏi mua thuốc tê và kim tiêm dự trữ rồi trở vào rừng, tiếp tục “cuộc chiến” với gai chùm lé.
Cứ thế, năm đầu tiên đôi tay sạm nắng chai sần của ông khai mở con đường nhỏ hơn 500m. Sáu năm sau, một con đường quanh co xuyên rừng ngập mặn xuất hiện với chiều dài 6km nối liền con đường giáp ranh xã Đông Hải. Để duy trì con đường trong mùa nắng đường khô nứt, mùa mưa nước cuốn trôi, ông Bé thường vác cuốc đi kiểm tra, gặp nơi hư hỏng đắp lại hoặc tôn cao nơi thấp ngập. Có đường người dân cũng đến cư ngụ đông dần.
Tiếng lành đồn xa, nhiều nhà hảo tâm cho tiền, cho đá, người dân xung quanh cũng phụ ông rải đá cho con đường. Nào giờ làm một mình, đụng đến tiền bạc là ông lo lắm, nhằm công khai, ông đề xuất cùng ba người hàng xóm ghi rõ danh sách nhà hảo tâm, rồi treo trên bảng làm việc. Đến nay con đường đã được gia cố, thay cầu bêtông, lượng xe qua lại ngày càng lớn.
Ông tâm sự ngày xưa thấy ông khai mở đường, nhiều người xúm lại nói ông “bị tội gì đó nên chính quyền bắt đi cải tạo”. Có người chửi ông mở đường cho ăn trộm mò đến. Ông kể: “Có mấy ông bạn láng giềng hiểu việc tui làm nên nói chừng nào ông đi thì kêu tụi tui theo phụ. Nghe mừng lắm, hôm sau qua rủ, bị vợ họ chửi quá trời, họ nói quá rảnh sao mà đi theo cái ông điên làm chuyện bao đồng”.
Không nản, ông Bé ngày ngày vẫn đắp, gia cố để sau đó gần 20 năm, giờ đây con đường đã hình thành một cách chắc chắn, người dân đi lại dễ dàng. Năm 2014, ông Bé nhận bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh về những đóng góp của ông cho xã hội.
SƠN BÌNH

CĐV Nhật Bản dọn rác sau trận đấu ở World Cup

Sau ra quân gặp Bờ Biển Ngà, các cổ động viên của Nhật Bản đã nán lại dọn dẹp sạch sẽ chỗ ngồi trước khi ra về.
1-8488-1402891173.jpg
Một cổ động viên Nhật Bản đang nhặt rác ở khán đài. Ảnh: Yahoo Brazil.
Đội tuyển Nhật Bản phải nhận trận thua ngược 1-2 trước Bờ Biển Ngà dù có bàn mở tỷ số nhờ công tiền vệ Honda. Đây là kết quả đáng buồn với đại diện của châu Á trên sân Arena Pernambuco.
Tuy nhiên, sau khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, các cổ động viên từ xứ sở hoa anh đào vẫn dành thời gian ở lại dọn dẹp chỗ ngồi rồi mới ra về. Đây là hành động hoàn toàn tự nguyện dù công việc này thuộc trách nhiệm ban quản lý sân vận động.
2-3218-1402891174.jpg
CĐV Nhật dọn dẹp sạch sẽ chỗ ngồi. Ảnh: Yahoo Brazil.
Những hình ảnh được ghi lại cho thấy một nhóm người lên xuống ở lối đi và cầm theo những túi rác to. Một hình ảnh gây ấn tượng mạnh về phong cách cổ động của Nhật Bản tại sân chơi World Cup.
Đây không phải là hành động mang tính ý thức và trách nhiệm duy nhất trong trận đấu ngày hôm qua. Trước đó, tập thể đội tuyển Nhật đã cúi đầu xin lỗi người hâm mộ trên khán đài khi để thua ngược Bờ Biển Ngà.
3-2700-1402891174.jpg
Đội tuyển Nhật gửi lời xin lỗi tới khán giả. Ảnh: AFP.
Bảo Lam

15 tháng 6, 2014

Trộm chó bắn chết người, ai bảo vệ dân?

(Tin tức thời sự) - 3 người thanh niên mới lớn, 3 niềm hy vọng của gia đình họ, 3 cuộc đời lương thiện đã chết về tay những kẻ trộm chó sát nhân
1
Gia đình nạn nhân bị trộm chó bắn chết đang lo việc hậu sự - ảnh báo Tuổi trẻ
Cái vòng luẩn     quẩn trộm chó bắn chết dân, dân đánh chết trộm chó sẽ mãi mãi không bao giờ chấm dứt, nếu như các cơ quan chức năng không hoàn thành trách nhiệm của mình, đó là bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống.
Câu chuyện đau lòng về 3 thanh niên chết ở đường Nguyễn Kim Cương (ấp 8, xã Tân Thạnh Đông, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) do bị bọn trộm chó dùng súng xung điện bắn  xảy ra ngày 14.6 vừa qua là một nỗi bàng hoàng.
Bất bình, bức xúc, căm hận… có lẽ là cảm xúc chung của nhiều người khi biết sự kiện này. Chỉ trong chốc lát, 3 người thanh niên mới lớn, 3 niềm hy vọng của gia đình họ, 3 cuộc đời lương thiện đã chết về tay những kẻ trộm chó sát nhân.
Tôi đọc trên mạng xã hội, trên các diễn đàn nhiều ý kiến bất bình tới nỗi họ thề sẽ không để cho một tên trộm chó nào con đường sống nếu chúng bị bắt. Nỗi căm hận đó, có thể lý giải được, là tâm lý bất bình đã vượt quá ngưỡng chịu đựng của những người lương thiện bị chà đạp, bị xâm hại.
Nhưng hãy cứ ngẫm mà xem, cái vòng luẩn quẩn trộm chó đánh chết dân, dân đánh chết trộm chó sẽ còn kéo dài đến bao giờ nữa, nếu chúng ta không nhìn ra cái gốc của vấn đề.
Đó là: Ai bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống của người dân, ai đã để cho bọn tội phạm lộng hành và người dân phải ra tay hành xử theo lối luật rừng như vậy?
Từ trước tới nay, trong tất cả những vụ án liên quan đến trộm chó đánh chết dân, dân đánh chết trộm chó, chúng ta đều thấy bộc lộ chung một đặc điểm, đó là sự yếu kém, bất lực của chính quyền, của các lực lượng bảo vệ trật tự trị an trên địa bàn nơi xảy ra sự việc.
Công an xã (phường), bảo vệ, dân phòng, trật tự đô thị… một lực lượng khá hùng hậu các đơn vị đã được người dân trả tiền thuê (thông qua hình thức đóng thuế) để bảo vệ an ninh trật tự, sự bình yên cho cuộc sống của người dân (bao gồm cả tính mạng và tài sản) đã thực hiện nhiệm vụ của mình như thế nào?
Họ đã ở đâu khi trộm cướp hoành hành, khi bọn đầu gấu, xã hội đen trấn áp dân lành? Họ đã làm những công việc gì khi bọn trộm chó kéo băng đảng mang theo hung khí đi cướp chó và giết người ngang nhiên như chốn vô chủ, như thời loạn?
Chưa có một người đứng đầu chính quyền địa phương nào, một người đứng đầu lực lượng công an, an ninh trật tự nào bị mất chức, bị sa thải vì để tình trạng trộm chó lộng hành, giết người. Họ chỉ có mặt khi giải quyết hậu quả, khi án mạng đã xảy ra, phần thiệt thòi, mất mát luôn thuộc về những người dân vô tội.
Chúng ta đều đã đóng thuế để duy trì sự tồn tại của các cơ quan bảo vệ an ninh trật tự, ngoài ra, ở các xã, phường, các hộ gia đình còn phải nộp tiền an ninh cho lực lượng dân phòng tại địa phương, nhưng đổi lại, người dân được những gì?
Đã có quá nhiều vụ khi có xô xát xảy ra, thậm chí là án mạng, dân gọi cho lực lượng chức năng, không ai xuất đầu lộ diện. Đã có quá nhiều vụ dân chúng bị mất cắp tài sản, lên báo công an thì được gợi ý “chung chi” một phần tài sản bị mất thì mới có hy vọng tìm ra. Sự khốn nạn đã lên tới đỉnh điểm khi những kẻ ăn lương để bảo vệ an ninh cho người dân lại ngang nhiên ăn bẩn trên nỗi mất mát của họ.
Thật phi lý khi có những bộ phận thi hành công vụ, ăn lương để bảo vệ dân đã vô trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ và đến khi hữu sự lại chìa mặt ra đòi chia chác, trò bẩn thỉu ấy tại sao vẫn được phép tồn tại?
Chỉ những người dân thấp cổ bé họng là muôn đời chịu thiệt. Ai là người phải chịu trách nhiệm về cái chết oan uổng của 3 thanh niên trẻ măng tuổi 18, 19 mới đây? Tất nhiên nếu công an tìm ra tội phạm, chúng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng vì sao 3 thanh niên trẻ măng phải đứng ra làm thay công việc của những ai đó để rồi phải nhận lấy cái chết đau lòng?
Giữa đường phố đông đúc của một thành phố lớn, lúc 18 giờ chiều, chắc chắn không phải cảnh đêm hôm vắng vẻ, vậy mà tội phạm lộng hành, 3 mạng người đã mất đi chỉ vì một vụ trộm chó. Thật là chuyện không dễ gì mà tin được.
Vậy mà nó đã xảy ra, và sẽ còn xảy ra trong tương lai, khi mà chưa ai truy cứu đến cùng đến gốc của sự việc, chưa vị quan chức nào phải đứng ra chịu trách nhiệm vì những sự mất an ninh, an toàn trên địa bàn địa phương mình.   
Tính mạng người dân, trong trường hợp ấy xem ra vẫn còn rẻ mạt lắm.
  • Mi An

Biển Đông nóng:TQ có dấu hiệu sử dụng vũ khí!

(Bình luận quân sự) - Tương tự vụ cướp đảo Gạc Ma, Trung Quốc muốn cướp được biển, đảo mà không có chiến tranh lớn để tránh sa lầy.
26 năm trước, ngày 14/3/1988, trên vùng biển thuộc Quần đảo Trường Sa của chúng ta, Hải quân Trung Quốc đã huy động hàng chục tàu chiến tấn công vào lực lượng Hải quân Việt Nam đang triển khai xây dựng công trình giữ đảo.
Lực lượng của Trung Quốc có 12 tàu chiến gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông tông lớn.
Hải quân Việt Nam gồm 3 tàu vận tải HQ 604, HQ 605 và HQ 505 trang bị súng 12ly7 cùng 70 chiến sỹ công binh của trung đoàn công binh 83 và 4 tổ chiến đấu gồm 22 người của lữ 146.
Với lực lượng trên, Trung Quốc đã nổ súng, phóng tên lửa vào 3 con tàu này của Việt Nam để cướp đảo.
Khoảng một tháng sau vụ Trung Quốc cướp đảo Gạc Ma, hải quân Việt Nam đưa 35 chiến sĩ công binh và 7 chiến sĩ hải quân cùng vật liệu xây dựng lên đá Len Đao, xây nhà đánh dấu chủ quyền.
Lặp lại kịch bản Gạc Ma, trong ngày 16/3, Trung Quốc đưa 7 tàu chiến và nhiều xuồng nhỏ bao vây uy hiếp số quân Việt Nam trên đá. Tuy nhiên, lần này Việt Nam cho 7 máy bay chiến đấu từ đất liền bay ra hỗ trợ các chiến sĩ hải quân nên số tàu chiến của Trung Quốc phải bỏ đi, đụng độ không xảy ra, phía Việt Nam giữ được đảo đá và hoàn thành việc xây dựng nhà trên đá.
Vấn đề rút ra ở đây là sự độc ác, tàn bạo, dã man của Trung Quốc là bản chất vốn có của lính Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Để cướp đất, cướp đảo, cướp biển của người khác thì chúng có thể làm bất cứ điều gì ngoài quy ước, đạo lý. Đừng nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không làm gì vì quy ước, ký kết, thỏa thuận, đạo lý…mà Trung Quốc sẽ làm tất cả khi họ có thể.
CSB và Kiểm ngư Việt Nam cảnh giác cao độ
Cậy đông, cậy mạnh, “lấy thịt đè người” của Trung Quốc lại một lần nữa được bộc lộ rõ nét trong vụ giàn khoan Hải Dương 981. Đồng bào cả nước đang rất chăm chú theo dõi tình hình trên Biển Đông khi một lực lượng tàu bé nhỏ của CSB, KN Việt Nam phải đối đầu với một lực lượng lớn bao gồm cả tàu chiến của Trung Quốc quanh giàn khoan Hải Dương 981.
Trước việc giàn khoan Hải Dương đã lùi ra xa bờ biển Việt Nam, trước việc Trung Quốc đưa vấn đề giàn khoan ra Liên Hiệp quốc, trước việc Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" do Đảng CS Trung Quốc quản lý, ngày 10/6 đăng bài viết nhan đề "Trỗi dậy hòa bình không mâu thuẫn với sử dụng vũ lực, bảo vệ chủ quyền có thể nổ súng" của tác giả Trương Kiến Cương, chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chiến lược chính trị biển, Đại học Hải dương Quảng Đông; trước sự việc tình hình Ukraine và Irac căng thẳng, đặc biệt hôm nay đã xuất hiện tàu pháo của Trung Quốc giả dạng tàu Hải cảnh mang số hiệu 13 có trang bị 4 ụ pháo 72 ly áp sát tàu chấp pháp Việt Nam thì khả năng Trung Quốc nổ súng vào tàu CSB hay tàu KN của Việt Nam là rất khó lường.
Tàu chiến trang bị 4 pháo loại 72 ly giả dạng tàu Hải cảnh Trung Quốc đang hung hăng là rất nguy hiểm cho tàu chấp pháp Việt Nam. Hãy cảnh giác để đối phó.
Tàu chiến trang bị 4 pháo loại 72 ly giả dạng tàu Hải cảnh Trung Quốc đang hung hăng là rất nguy hiểm cho tàu chấp pháp Việt Nam. Hãy cảnh giác để đối phó.
Đây là khả năng dùng “xung đột nhỏ, xung đột hạn chế” để tranh chấp chủ quyền của giới diều hâu Trung Quốc, là một âm mưu cực kỳ nguy hiểm.
Trung Quốc muốn “dùng xung đột hạn chế” để biến sự đã rồi, đồng thời, đe dọa Việt Nam làm cho Việt Nam sợ mà không dám đánh trả để đòi lại những gì chúng đã cướp vì sẽ gây ra “xung đột lớn”. Như vậy có nghĩa là Trung Quốc muốn cướp được biển, đảo mà không có chiến tranh lớn để tránh sa lầy.
Tuy nhiên, bất kỳ “xung đột quân sự hạn chế” hay xung đột quân sự lớn, mở rộng mà Trung Quốc gây ra để xâm lược biển đảo của Việt Nam là do Trung Quốc toan tính, Việt Nam không cần quan tâm. Chỉ cần biết rằng Việt Nam sẽ đánh lại bằng tất cả sức mạnh, ý chí quyết tâm để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng.
Vì vậy, lực lượng CSB và KN Việt Nam phải cảnh giác và trước tiên phải tính đến phương án bảo vệ mình, đáp trả xứng đáng, quyết không để rơi vào tình thế như năm 1988 ở Trường Sa.
Trang bị vũ khí của tàu Cảnh sát biển là súng 25 ly trở xuống, nhưng Hải cảnh Trung Quốc (CSB) lại trang bị súng 72 ly là bất chấp luật quốc tế. Đối đầu với kẻ bất chấp, độc ác, tàn bạo, dã man như Trung Quốc thì chúng ta không thể chủ quan với tính mạng, tài sản của mình, phải chuẩn bị vũ khí hoặc những thứ tương xứng để đáp trả, thay vì “vận động xua đuổi” chuyển sang “vận động tác chiến” để đưa đối tượng vào trong tầm sử dụng hỏa lực dễ dàng khi chúng nổ súng trước.
Khi Trung Quốc rất tàn bạo và độc ác, lại cậy mạnh, nguy hiểm hơn là tự cho rằng mình mạnh thì không có điều gì mà Trung Quốc không làm, không ra tay. Cảnh giác đề phòng và sẵn sàng giáng trả là sự sống còn cho bất cứ lực lượng nào, quốc gia nào quan hệ với Trung Quốc.
  • Lê Ngọc Thống

Thông tư của TANDTC cao hơn Nghị định của Chính phủ?


* Nhà báo dự tòa phải có “giấy phép con”

Từ hôm nay (16.6), chỉ những người được cấp Thẻ nhà báo (TNB) và có giấy giới thiệu của cơ quan mới được quyền tác nghiệp tại tòa án.

Theo Thông tư 01/2014 của TAND tối cao quy định về nội quy phiên tòa (có hiệu lực từ 16.6), nhà báo tham dự để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải xuất trình TNB và giấy giới thiệu công tác. Giấy giới thiệu phải nộp cho thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút, trước giờ khai mạc phiên tòa.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Sơn, Phó chánh án TAND tối cao, cho rằng việc này xuất phát từ thực tế có nhiều phóng viên, nhà báo tới tham dự các phiên xét xử của tòa án nhưng chỉ để nghe thông tin cho biết, chứ không tác nghiệp, viết bài đăng báo. “Thế nên báo nào đưa tin thì phải có giấy giới thiệu của cơ quan. Còn TNB thì theo quy định khi tới làm việc tại tòa án thì anh phải xuất trình thôi”, ông Sơn nói.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng quy định đối với hoạt động báo chí tại thông tư trên đang bị “vênh” với Nghị định 51/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật Báo chí. Theo điều 8 nghị định này thì nhà báo “được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật”.
“Theo quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cùng một vấn đề mà có quy định khác nhau thì phải áp dụng văn bản pháp lý cao hơn, ở đây là Nghị định 51/2002, tức là áp dụng theo luật chuyên ngành. Không thể nào lại có chuyện hiệu lực của thông tư cao hơn nghị định của Chính phủ”, luật sư Hậu phân tích.
Luật sư Hậu cũng cho rằng quy định về quyền hạn của nhà báo được nêu rõ trong luật Báo chí, việc buộc nhà báo đến tòa ngoài xuất trình TNB còn phải có “giấy phép con” là giấy giới thiệu đã đi ngược lại với chủ trương cải cách hành chính, đơn giản hóa giấy tờ của Đảng và Nhà nước. "Tôi cho rằng, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp cần phải vào cuộc kiểm tra tính hợp pháp hợp hiến đối với Thông tư 01 của TAND tối cao”, ông Hậu nói.
  Thái Sơn - Hoàng Trang (TNO)