Trang

9 tháng 6, 2014

Tàu mang số hiệu TQ đâm thủng tàu cá VN

TTO - Ngày 9-6, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP Hải Phòng đã có báo cáo gửi Bộ tư lệnh biên phòng về việc tàu cá của ngư dân huyện Thủy Nguyên đang đánh bắt trên vùng biển Việt Nam bị một tàu lớn mang số hiệu của Trung Quốc đâm, húc thủng, xịt vòi rồng.

Tàu của ông Quang bị tàu mang số hiệu của Trung Quốc đâm thủng bên mạn trái và đuôi tàu đang neo chờ sửa chữa - Ảnh: Tiến Thắng

Vụ việc xảy ra sáng 6-6 trên ngư trường vịnh Bắc Bộ, cách đảo Cô Tô khoảng 30 hải lý.
Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cho biết qua căn cứ lấy lời khai của chủ tàu và các thuyền viên, ban đầu xác định tàu HP 90258 TS do ông Nguyễn Đức Quang (Lập Lễ, Thủy Nguyên, Hải Phòng) làm thuyền trưởng đang neo tại tọa độ 200 54’N-1080 16’E trên khu vực đường phân định vịnh Bắc Bộ thì thấy một tàu vỏ sắt áp sát đến gần.
Chiếc tàu vỏ sắt này sơn màu trắng sọc xanh, cabin hai tầng màu trắng, cắm cờ đỏ có 5 ngôi sao màu vàng, boong phía trước có ụ súng phủ bạt, có chữ tiếng Trung Quốc và tiếng Anh (“China Guard Type”) số hiệu 45024.
Trên tàu sắt có khoảng 20 người mặc quần áo rằn ri, tay cầm gậy.
Trước khi áp sát, tàu 45024 không sử dụng loa hoặc tín hiệu khác để thông báo, yêu cầu gì.
Khi đến gần, tàu sắt này gỡ bỏ bạt che, chĩa nòng súng về phía tàu của ông Quang, đồng thời lực lượng trên tàu dùng chai lọ để ném, phun nước áp lực cao, dùng sào gắn đinh đập vào bóng cao áp của tàu ông Quang.
Qua xác minh, lấy lời khai của thuyền trưởng, thuyền viên và kiểm tra máy định vị tàu HP 90258 TS, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng xác định trước khi bị tàu mang số hiệu, chữ Trung Quốc đâm, tàu của ông Quang đang ở trên vùng biển Việt Nam.
Trong quá trình bị rượt đuổi, tàu của ông Quang có chạy sang vùng biển của Trung Quốc khoảng 1,6 hải lý (tọa độ 200 54’N-1080 17’E).
Tàu của ngư dân Việt Nam luôn tìm cách vòng tránh. Còn tàu 45024 cố tình vượt lên chặn đầu, ép tàu của ông Quang chạy sang phía đông đường phân định và liên tục đâm va nhiều lần khiến tàu của ngư dân bị hư hại nặng.
Sau khoảng hai giờ rượt đuổi, đến 11g30 ngày 6-6 tàu 45024 mới ngừng đâm, húc vào tàu của ngư dân Việt Nam.
Tàu của ông Quang đã chạy về đảo Cô Tô (Quảng Ninh) để neo đậu, trình báo cơ quan chức năng Việt Nam.
Đến đêm 7-6, tàu của ông Quang đã cập cảng Mắt Rồng (Thủy Nguyên, Hải Phòng) với những vệt thủng, vỡ ở mạn trái và đuôi tàu, giàn đèn câu mực bị vỡ tan tành.
Ông Quang cho biết tàu 45024 rất hung hăng, trong quá trình rượt đuổi đã đâm, húc tổng cộng 7 lần vào tàu của ông.
“Lúc đấy tôi đang đánh cá ở khu vực biển của mình. Tôi thấy tàu vỏ sắt có chữ Trung Quốc sơn màu đen lừ lừ lao đến rồi húc thẳng vào tàu của tôi. Anh em trên tàu giật mình, chao đảo. Sau khi định thần, tôi xác định tàu này có ý định không tốt. Vì tàu bé nên tôi phải bẻ tay lái ngang chạy vòng vòng nhưng tàu của họ vẫn áp sát, đẩy tàu tôi sang khu vực biển Trung Quốc rồi dùng vòi rồng phun làm kính và giàn đèn điện câu mực bị vỡ” - ông Quang kể lại.
Ông Nguyễn Trần Lanh, chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, cho biết sau khi tàu của ông Quang về đến bến, UBND huyện đã thăm hỏi, động viên tinh thần ngư dân.
Ông Lanh cho biết đã báo cáo vụ việc lên UBND TP để tìm hướng giải quyết vụ việc.
Theo báo cáo sơ bộ ban đầu, vụ đâm va làm ba thuyền viên trên tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị thương nhẹ do bị mảnh kính vỡ văng vào người.
Tàu của ông Quang bị vỡ ở khu vực mạn và đuôi tàu, vỡ 10 bóng đèn cao áp, hư hỏng lưới đánh cá và giàn đèn.
Chủ tàu ước tính thiệt hại khoảng 300 triệu đồng.
Chiều 9-6, ông Đỗ Trung Thoại, phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết UBND TP đã nghe các ban ngành báo cáo ban đầu về vụ việc.
Hiện UBND TP đã yêu cầu biên phòng phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục mở rộng xác minh, thu thập, củng cố tài liệu liên quan để hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc.
“Sau khi xác minh cụ thể, TP sẽ có hỗ trợ cho ngư dân bị thiệt hại” - ông Thoại nói.
Giàn đèn điện câu mực trên tàu của ông Quang bị vỡ tan tành, hư hỏng nặng - Ảnh: Tiến Thắng
Nhiều ăcquy, ổ điện trên tàu bị xịt vòi rồng hư hỏng nặng - Ảnh: Tiến Thắng
THÂN HOÀNG - TIẾN THẮNG

DIỄN VĂN NHẬM CHỨC CỦA TÂN TỔNG THỐNG UKRAINE


BTTD: Poroshenko dứt khoát theo Châu Âu và cứng rắn với Nga, sẽ là thách thức lớn cho ông và cả Ukraina. Lẽ  ra ông nên dung hòa quan hệ với c Châu Âu và  với Nga. Ukraina còn phụ thuộc quá nhiều vào Nga.

Nhịp Cầu Thế Giới Online]
(NCTG) “Nhưng tự do không thể đạt được chỉ một lần và mãi mãi. Chúng ta luôn luôn phải đấu tranh vì tự do. Sự bình an mà chúng ta trông đợi sẽ không kéo dài được lâu nếu chúng ta không tăng cường an ninh một cách có chiến lược. Cho hòa bình để trở thành lâu dài, chúng ta phải làm quen với cuộc sống luôn sẵn sàng chiến đấu”.

“Chúng ta, một dân tộc từng bị chia cắt từ quê hương Châu Âu, nay đang trên đường trở về nhà. Một lần và mãi mãi” - Ảnh: Zurab Dzhavakhadze (ITAR-TASS)
 

Ngày 7-6 vừa qua, trong lễ tuyên thệ và nhậm chức Tổng thống Ukraine, ông Petro Poroshenko đã có một bài phát biểu hết sức quan trọng, được đánh giá là tràn đầy tinh thần dân tộc, ái quốc và mở ra hướng đi mới, triển vọng mới trong tương lai cho đất nước Ukraine: hướng tới tinh thần Châu Âu và thế giới.

NCTG trân trọng giới thiệu đến độc giả toàn văn bài phát biểu này, với bản dịch của Hồ Hoàng My & Hoàng Thị Vinh từ nguyên bản tiếng Ukraine.

* 

Thưa toàn thể đồng bào yêu quý từ Lviv đến Donetsk, từ Chernigov đến Sevastopol!

Chúng ta, người dân Ukraine chính là “tia lửa đang cháy sáng trong gia đình các quốc gia Châu Âu và các thành viên tích cực của nền văn minh Châu Âu”. Ivan Franco đã nói như vậy.

Trái tim và chân đứng ở Ukraine, tinh thần ở Châu Âu” - Mikhail Drahomanov đã nhắn nhủ.

Ukraine trở về nguồn cội Châu Âu là mong mỏi của nhiều thế hệ chúng ta.

Chế độ độc tài chiếm lĩnh đất nước trong những năm gần đây đã luôn cản trở tiềm năng này, và nhân dân đã đứng lên.

Chiến thắng của cuộc cách mạng nhân phẩm đã thay đổi không chỉ chính quyền.

Đất nước đã đổi thay. Người dân đã đổi thay. Đã đến lúc bắt đầu những thay đổi tích cực không thể trì hoãn.

Để thay đổi, trước hết chúng ta cần hòa bình, an ninh và thống nhất.

Một cuộc chiến tranh thực sự, có kế hoạch từ trước đã bao phủ vùng Donbas của Ukraine, cản trở cơ hội to lớn của Ukraine sau khi chế độ độc tài đã sụp đổ, tiến đến hiện đại hóa theo xu hướng Âu Châu.

Đến nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng chúng ta đã có được độc lập mà không gặp bất kỳ khó khăn nào.

Đấy không phải là sự thật! Các thế hệ những người yêu nước Ukraine đã đấu tranh cho nền độc lập, tự chủ của chúng ta.

Vì độc lập, những người anh hùng Nebesna Sotnya (1) đã hy sinh.

Vì độc lập, những người lính và những người dân Ukraine đang ngã xuống.

Xin dành một phút im lặng tưởng nhớ những người đã ngã xuống cho tự do và độc lập của Ukraine. (Phút mặc niệm)

Tôi nhận nhiệm vụ Tổng thống với mong muốn bảo vệ và tăng cường sự thống nhất của Ukraine, đảm bảo hòa bình lâu dài và an ninh bền vững.

Tôi biết: Hòa bình là ước nguyện chính của người dân Ukraine hôm nay.

Lãnh đạo nhà nước có nhiều lựa chọn các công cụ khác nhau để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và cuộc sống yên bình cho người dân.

Tôi sẽ có đủ quyền hạn và quyết tâm. Tôi không muốn chiến tranh. Tôi không muốn sự trả thù. Dù rằng trước mắt tôi vẫn hiện lên quá nhiều hy sinh của người dân Ukraine.

Tôi mong muốn hòa bình và tôi sẽ đảm bảo sự thống nhất Ukraine. Vì vậy, tôi sẽ bắt đầu công việc bằng cách đưa ra kế hoạch hòa bình.

Tôi kiên quyết yêu cầu tất cả những ai đang phạm pháp cầm vũ khí trong tay hãy bỏ ngay xuống.

Bù lại, việc đầu tiên là tôi đảm bảo miễn trách nhiệm hình sự đối với những người tay không dính máu giết chóc binh lính và thường dân Ukraina. Và những người không tham gia hậu thuẫn khủng bố.

Thứ hai, đảm bảo hành lang cho lính đánh thuê từ Nga muốn trở về nhà.

Thứ ba, đối thoại hòa bình.

Tất nhiên không phải là đối thoại với “strielky”, “abvery”, “bisy” (2) và những kẻ tội phạm khác.

Ý tôi đối thoại là với người dân hòa bình của Ukraine, kể cả với những người có các chính kiến khác nhau về tương lai Ukraine. Hôm nay đây, tôi muốn nói với đồng bào từ các vùng Donetsk và Luhansk.

(Nói bằng tiếng Nga)

Thưa các anh chị em, đồng bào yêu mến!

Nhiều người trong số các bạn đã từng cảm thấy cái “hay ho” của sự cai trị của những kẻ khủng bố.

Ngoài cướp bóc và lạm dụng dân thường, chúng làm cho nền kinh tế của khu vực đã khủng hoảng, lại càng khủng hoảng hơn.

Nhưng, không bao giờ, trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi lại bỏ rơi các bạn trong cơn hoạn nạn.

Cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trên toàn quốc đã đặt dấu gạch bỏ đậm nét cho huyền thoại hoang đường cáo buộc chính quyền Kiev bất hợp pháp.

Huyền thoại này được tạo ra do tuyên truyền của Nga và vây cánh ông Yanukovych, người đã phản bội Donbas và vơ vét Donbas nhiều hơn thậm chí cả nước.

Ông Yanukovych đã nắm quyền khu vực Donetsk trong suốt mười bảy năm. Và giờ đây, ông ta đang tài trợ cho quân khủng bố. Chính ông ta là người đáng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình chính trị và kinh tế - xã hội trong tỉnh lỵ; đối với tình trạng thất nghiệp, nghèo đói và người tị nạn; đối với những công dân đã thiệt mạng và nước mắt của những người mẹ.

Là Tổng thống, tôi sẽ mang đến cái gì cho các bạn trong thời gian gần nhất? Đó là:

- Hòa bình.

- Dự án chính phủ về phân cấp quản lý.

- Bảo đảm việc tự do sử dụng tiếng Nga trong khu vực.

- Không phân biệt người Ukraine nào đúng, người Ukraine nào sai.

- Tôn trọng các khác biệt của từng khu vực với, từ quyền của các cộng đồng địa phương với các nét đặc thù trong lịch sử cho đến việc thờ phụng các anh hùng và truyền thống tôn giáo.

- Dự án tạo việc làm ở phía Đông Ukraine đã được thiết kế cùng với các đối tác EU từ trước bầu cử.

- Triển vọng đầu tư, với dự thảo chương trình tái thiết kinh tế cho Donbas.

Hôm nay, chúng ta cần một đối tác hợp pháp cho các cuộc đối thoại. Chúng ta sẽ không nói chuyện với quân cướp. Những kẻ tự xưng là đại diện trong vùng không đại diện cho bất cứ ai ở đó. Chúng ta sẵn sàng cho việc bầu cử sớm đối với Donbas.

Đây là kế hoạch hòa bình của tôi đối với Donbas và cả nước.

Các vấn đề về toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine không phải là chủ đề thảo luận.

Tôi vừa tuyên thệ nhậm chức “với tất cả các cam kết của mình để bảo vệ chủ quyền và độc lập của Ukraine” và tôi sẽ luôn luôn trung thành với lời hứa thiêng liêng này.

Con số người dân mà tôi đã vinh dự được giao tiếp trong thời gian vận động tranh cử vượt quá một triệu.

Ukraina rất đa dạng, nhưng mạnh mẽ và đồng nhất tinh thần!

Tinh thần phấn đấu vì hòa bình và thống nhất đất nước đã lan tỏa trên tất cả các vùng miền trên toàn lãnh thổ Ukraine.

Tôi thật sự cảm động sâu sắc trước tinh thần yêu nước của người dân khu vực phía Nam và phía Đông, từ Odessa đến Kharkiv.

Hòa bình vẫn chưa đến, nhưng hôm nay chúng ta có thể tự tin nói rằng những khó khăn vừa qua đã gắn bó gia đình Ukraine của chúng ta hơn.

Chính những khó khăn đã làm cho chúng ta mạnh hơn như một quốc gia chính trị Ukraina, quốc gia tự tin vào sự lựa chọn Châu Âu của mình.

Lúc này đây nhân dân ta mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Nhưng tự do không thể đạt được chỉ một lần và mãi mãi. Chúng ta luôn luôn phải đấu tranh vì tự do. Sự bình an mà chúng ta trông đợi sẽ không kéo dài được bao lâu nếu chúng ta không tăng cường an ninh một cách có chiến lược.

Để duy trì hòa bình lâu dài, chúng ta phải làm quen với cuộc sống luôn sẵn sàng chiến đấu.

Chúng ta phải bảo đảm bột súng được giữ khô.

Quân đội và tái trang bị quân đội bằng nỗ lực sản xuất công nghiệp quân sự nội địa là ưu tiên hàng đầu của chúng ta.

Hơn nữa, các đơn đặt hàng của nhà nước đối với các doanh nghiệp công nghiệp quân sự sẽ là một động lực để công nghiệp kinh tế tái phát triển.

Những ai dè sẻn chi cho lực lượng vũ trang quân đội sẽ trở thành mồi cho quân đội nước ngoài.

Quân đội của chúng ta phải trở thành một tầng lớp thượng lưu thực sự của cộng đồng người Ukraine.

Từ “Đại tướng” phải đi cùng với từ “anh hùng”, chứ không phải từ “tham nhũng”.

Chúng ta phải làm tất cả mọi thứ mình để đảm bảo hòa bình và an ninh lâu dài cho Ukraine.

Đồng minh đáng tin cậy nhất của chúng ta và là những bảo lãnh tốt nhất cho hòa bình là quân đội của chúng ta: hải quan, lực lượng Cảnh sát Quốc gia và lực lượng đặc biệt chuyên nghiệp.

Không ai bảo vệ chúng ta trước khi chúng ta tự biết bảo vệ chính mình.

Tôi sẽ sử dụng các kinh nghiệm ngoại giao của bản thân tôi để đảm bảo chữ ký của mình trên tờ thỏa thuận quốc tế sẽ thay thế Biên bản Ghi nhớ Budapest.

Thỏa thuận đó phải trực tiếp và chắc chắn bảo đảm hòa bình và an ninh - hỗ trợ quân sự trong trường hợp có mối đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ.

Những kẻ xâm lược trên dọc biên giới của Ukraine phải nhớ câu nói từ sách “Phúc Âm”: Tất cả những kẻ cầm gươm sẽ chết dưới mũi gươm (3).

Nhân dân Ukraine sẽ không bao giờ được hưởng vẻ đẹp của hòa bình trừ khi chúng ta ổn định quan hệ với Nga.

Bán đảo Crimea hiện bị Nga chiếm đóng, đã, đang, và sẽ là đất Ukraine.

Hôm qua, trong của cuộc họp ở Normandy, tôi đã nói điều này với Tổng thống Putin - Crimea là đất Ukraina. Chấm hết!

Không thể có bất kỳ thỏa hiệp nào trong các vấn đề liên quan đến: bán đảo Crimea, sự lựa chọn mô hình Châu Âu và cấu trúc nhà nước.

Các điều khoản khác sẽ được thảo luận và đàm phán.

Bất kỳ nỗ lực bóc lột nô lệ Ukraine từ bên ngoài hay bên trong sẽ được đáp trả bằng sự phản kháng khốc liệt nhất.

Chúng ta muốn được tự do.

Để sống theo lối sống mới có nghĩa là sống một cuộc sống tự do theo một hệ thống chính trị đảm bảo quyền và tự do của con người và dân tộc.

Tôi muốn nhấn mạnh cam kết của tôi đối với loại hình nước Cộng hòa Nghị viện - Tổng thống.

Sẽ không có sự tiếm đoạt quyền lực.

Dân chủ Châu Âu, đối với tôi, là hình thức chính phủ tốt nhất mà nhân loại phát minh ra.

Chính sự lựa chọn Châu Âu đã cho chúng ta biết rằng một phần quyền lớn cần được ngay lập tức chuyển giao từ chính quyền trung ương đến chính quyền địa phương.

Cải cách về phân cấp sẽ bắt đầu trong năm nay, sẽ có sửa đổi Hiến pháp.

Hội đồng địa phương mới được bầu sẽ nhận được quyền lực mới.

Tuy nhiên, Ukraine đã, đang và sẽ là một nhà nước đơn nhất.

Mong muốn trở thành liên bang không có cơ sở tại Ukraine.

Cuộc bầu cử Quốc hội sớm là một phần quan trọng của yêu cầu cộng đồng cho việc thiết lập lại đồng bộ chính phủ.

Bây giờ chúng ta cùng nói một cách cởi mở!

Thành phần hiện tại trong cuộc họp trọng thể hôm nay đây đã không còn phù hợp với tâm trạng của xã hội, vì nó đã thay đổi đáng kể trong năm 2012. Sống mới không có nghĩa là làm ngơ trước ước muốn của người dân.

Sống tự do có nghĩa là được tự do sử dụng tiếng mẹ đẻ, tuân thủ Điều 10 của Hiến pháp xác định tiếng Ukraine là ngôn ngữ quốc gia duy nhất, nhưng vẫn đảm bảo phát triển tự do của tiếng Nga và các ngôn ngữ khác.

Các từ “việc làm”, “hòa bình”, “lương”, “lương hưu”, “học bổng” đều được phát âm như nhau hoặc rất giống nhau trong cả tiếng Ukraine và tiếng Nga.

Có việc làm cho phép con người được sống no đủ. Từ trước đến nay, tôi nhận được sự hài lòng lớn nhất trong công việc là từ việc tạo ra việc làm mới.

Điều gì có thể an ủi một người con người nhiều hơn là lao động bỏ ra được trả công xứng đáng? Doanh nghiệp cần tạo ra việc làm. Và trách nhiệm của người đứng đầu nhà nước là đảm bảo các điều kiện cần thiết để không một ai, không một cái gì có thể cản trở người dân được làm việc.

Nhà nước đánh giá đúng sự đóng góp của người lao động và người nộp thuế cho nền kinh tế xã hội. Tạo việc làm và mức lương xứng đáng là sự đảm bảo đầu tiên cho hòa bình trong nước và an ninh quốc gia.

Quản lý các quá trình kinh tế thuộc về thị trường tự do và Chính phủ; Tổng thống, với tư cách là người bảo trợ hiến Pháp, có nghĩa vụ tạo điều kiện cho nền kinh tế sáng tạo và công bằng xã hội. Phân phối công bằng tài sản quốc gia cần giải quyết sớm.

Trước hết chúng ta phải tăng tài sản quốc gia trước khi phân phối.

Ukraine có tất cả mọi thứ để đảm bảo mức sống theo tiêu chuẩn Châu Âu cho người dân.

Chúng ta có thể và muốn sống bằng sức lao động của mình; chúng ta có sức sáng tạo và đột phá.

Chúng ta thậm chí đã biết không ghen tị với sự thành công của hàng xóm hay đồng nghiệp.

Nhưng chúng ta vẫn đang ngồi hàng ghế sau. Tại sao?

Tại vì khác với chúng ta, các nước Âu Châu đã xây dựng được nền kinh tế cạnh tranh tự do. Nền kinh tế của những ý tưởng mới, sáng kiến kinh doanh, làm việc chăm chỉ, và luôn tự hoàn thiện.

Ở Ukraine cũng sẽ như thế.

Nhưng chúng ta phải loại bỏ tham nhũng để đạt mục đích này.

Chúng ta cần đưa ra hiệp ước chống tham nhũng toàn quốc giữa chính phủ và nhân dân.

Bản chất việc này rất đơn giản: quan chức không lấy tiền và người dân không đưa tiền.

Chúng ta sẽ không thể thay đổi đất nước trừ khi chúng ta thay đổi chính mình, thái độ của chính mình đối với cuộc sống và đời sống của quốc gia.

Mỗi người chúng ta đều chịu trách nhiệm trong việc Ukraine khủng hoảng.

Có người đã coi không nộp thuế là bình thường.

Có người đã sống xa xỉ bằng tiền từ ngân sách nhà nước.

Có người đã đi bỏ phiếu và đi biểu tình lấy tiền.

Có người đã nhận được vài món lợi và tiền thưởng mà họ không xứng đáng có.

Đó là khi tất cả những người đó đã cùng phá hủy nền tảng của niềm tin xã hội, luật pháp và tổ chức xã hội.

Lựa chọn Châu Âu của Ukraine là trung tâm tư tưởng dân tộc của chúng ta.

Đó là sự lựa chọn của tổ tiên và là sứ mệnh của chúng ta.

Chúng ta phải làm những gì cụ thể để được sống tự do, để sống no đủ, sống trong hòa bình và an ninh?

Những điều này được viết trong các thỏa thuận về liên hiệp chính trị và khu vực thương mại tự do với EU. Chúng ta đã cùng bổ sung cho tài liệu này. Bây giờ tôi mơ ước biến thỏa thuận đó thành sự thật, và để làm được điều đó, chúng ta cần nhanh chóng ký phần kinh tế của bản thỏa thuận.

Cây bút của tôi đang trong tay tôi, ngay sau khi EU chấp thuận quyết định tương ứng, chữ ký của Tổng thống Ukraine sẽ xuất hiện ngay trong tài liệu sứ mệnh này. Chúng ta không có quyền trì hoãn việc ký kết mục kinh tế của thỏa thuận.

Còn những cái liên quan đến áp dụng nhanh chóng chế độ miễn thị thực với EU cho Ukraine, chúng ta đã hoàn thành giai đoạn đầu và chúng ta sẽ triển khai để kết thúc giai đoạn thứ hai một cách nhanh chóng sao cho người dân Ukraine bắt đầu từ tháng 1-2015 có thể đi du lịch mà không cần thị thực.

Thỏa thuận Liên hiệp, chúng ta xem xét như là bước đầu tiên hướng tới việc trở thành thành viên chính thức trong Liên hiệp Châu Âu.

Không ai có quyền phủ quyết lựa chọn Châu Âu của Ukraine.

Nhận ra điều này có nghĩa là theo đuổi chính sách hòa bình và yên ổn ở Ukraine.

Chính sách đó đã thất bại từ những năm ba mươi của thế kỷ trước.

Để thực hiện những kế hoạch đầy tham vọng, chúng ta cần không chỉ có hòa bình và thống nhất đất nước, mà còn cần tập hợp tất cả các lực lượng yêu nước, các lực lượng ủng hộ Ukraine và ủng hộ Châu Âu.

Chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ những bài học khắc nghiệt của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của những năm mười bảy - hai mươi thế kỷ trước.

Vào thời điểm đó, các chính trị gia của chúng ta đã không thể đoàn kết và chống lại xâm lăng. Volodymyr Vynnychenko chiến đấu chống lại Mykhailo Hrushevskyi, Symon Petliura chiến đấu chống lại Pavlo Skoropadskyi. Và Nestor Makhno chiến đấu chống lại tất cả.

Xung đột và mâu thuẫn không ngừng nghỉ giữa những người Ukraine nổi dậy dẫn đến việc mất độc lập của chúng ta. Bài học nên được rút ra không chỉ từ tài liệu lưu trữ trăm năm trước, mà còn từ những sự kiện gần đây.

Chúng ta không được lặp lại sai lầm cũ và phải đảm bảo phối hợp công việc của Tổng thống, Quốc hội và Nội các.

Bây giờ chính là lúc xây dựng một đất nước vĩ đại mới, hiện đại, công nghệ cao, vững chắc và có tính cạnh tranh.

Chúng ta hãy học tập kinh nghiệm của các nước đã xuất hiện trên bản đồ chính trị chỉ một vài thập niên trước nhưng đã đi đầu bằng cách phát triển trí tuệ và công nghệ mới nhất. Bởi điều quý giá nhất không phải là tiền, nhà máy, công ty, mà là “vốn con người”, cái mà Ukraine đang có.

Không nghi ngại mà nói rằng chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đảm bảo hòa bình và yên ổn. Không ai có thể biến chúng ta thành nô lệ tội phạm và quan liêu, thành đầy tớ của chính quyền thực dân.

Cả thế giới đang ủng hộ chúng ta. Trong ba ngày qua, tôi đã có đủ khả năng để xác nhận được điều đó. Đất nước Ukraine và tất cả người dân Ukraine trên toàn thế giới đoàn kết cùng chung một ý tưởng độc lập, tự do, tự tôn, nhà nước pháp quyền, hội nhập Châu Âu.

Nhân dân đã lên tiếng trong sự kiện cách mạng, trong cuộc chiến để chống xâm lược, trong quá trình bầu cử. Bây giờ đến lượt của chúng ta, của chính quyền.

Tôi chìa tay hòa bình cho những người đã bỏ phiếu cho tôi và những người đã không bỏ phiếu; cho tất cả những người sẽ giúp thiết lập hòa bình, trật tự và yên ổn tại Ukraine; cho tất cả những người tin tưởng vào tương lai Châu Âu của Ukraine.

Chúng ta, một dân tộc từng bị chia cắt từ quê hương Châu Âu, nay đang trên đường trở về nhà.

Một lần và mãi mãi.

Cầu mong hòa bình cho chúng ta!

Cầu Chúa ban phước lành cho chúng ta!

Vinh quang Ukraine!

Chú thích (của ND):

1. Tên gọi chung những người hy sinh và đứng lên ở Quảng trường Euromaidan vào tháng 2-2014.

2. Các bí danh của những kẻ tham gia bạo loạn, gây rối.

3. Sách “Phúc Âm Ma-thi-ơ”, chương 26, câu 52: “Đức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Hãy nạp gươm vào vỏ; vì hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết về gươm”. 
Hồ Hoàng My & Hoàng Thị Vinh chuyển ngữ

Tỷ giá bật tăng sau phát biểu của Thống đốc

- Chỉ trong 1 tiếng đầu giờ sáng nay (9/6), các ngân hàng thương mại đã hai lần nâng giá USD trên biểu niêm yết.

Các ngân hàng lại nâng giá bán USD sát trần, một diễn biến sau phát biểu của Thống đốc...


Tỷ giá bật tăng sau phát biểu của Thống đốc
Việc để ngỏ khả năng điều chỉnh đồng nghĩa với việc không hạn chế kỳ vọng của thị trường vào thời điểm này; tâm lý nắm giữ ngoại tệ chờ khả năng điều chỉnh có thể tiếp tục định hình.

In
Chỉ trong 1 tiếng đầu giờ sáng nay (9/6), các ngân hàng thương mại đã hai lần nâng giá USD trên biểu niêm yết. Một diễn biến mới có sau phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.

Mở cửa giao dịch tuần mới, giá USD bán ra tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tăng một bước 10 VND, ngược với hướng giảm đáng kể cuối tuần trước (giảm từ mức trần 21.246 VND về 21.210 VND).

Đến 8h47, Eximbank tiếp tục có điều chỉnh, mức giá mới của USD tại ngân hàng này đã là 21.240 VND, cách trần một bước nhỏ và tăng 20 VND so với cuối tuần qua.

Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giá bán ra USD cũng đã tăng trở lại, ở mức 21.240 VND, cùng tăng 20 VND.

Tăng đáng kể ngay từ khi mở cửa tuần giao dịch mới là diễn biến đáng chú ý, có sau phát biểu của Thống đốc Nguyễn Văn Bình trên truyền hình tối qua (8/6).

Trong phát biểu đó, Thống đốc nói rằng, hiện các điều kiện khách quan để điều chỉnh tỷ giá, để buộc phải điều chỉnh tỷ giá là chưa có. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khẳng định sẽ giữ ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm.

Song, người đứng đầu cơ quan điều hành chính sách tỷ giá cũng để ngỏ khả năng về việc điều chỉnh trong nửa cuối năm nay, cùng cam kết nếu điều chỉnh sẽ không quá 2%.

“Để có thể khuyến khích xuất khẩu, để đồng Việt Nam không bị định giá quá cao, thì việc Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh tỷ giá ở mức độ phù hợp cũng là việc xã hội rất quan tâm. Chúng tôi cam kết rằng thị trường ngoại hối sẽ tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm và nếu có điều chỉnh thì Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động điều chỉnh và mức điều chỉnh sẽ không quá 2%”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.

Thống đốc cho rằng, tỷ giá biến động những ngày qua chủ yếu do tâm lý kỳ vọng vào việc điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước. Và việc để ngỏ khả năng điều chỉnh đồng nghĩa với việc không hạn chế kỳ vọng của thị trường vào thời điểm này; tâm lý nắm giữ ngoại tệ chờ khả năng điều chỉnh có thể tiếp tục định hình.

Dĩ nhiên, có thể hiểu một cam kết cứng trong điều hành chính sách thường phải đối diện với rủi ro; còn với một định hướng mở nhưng có giới hạn, Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều kiện để linh hoạt hơn.

Trong diễn biến sáng nay, điểm dễ nhận thấy là dù tăng nhưng nhiều ngân hàng vẫn khá thận trọng khi nới rộng chênh lệch giá mua vào - bán ra. Mức chênh tới 90 VND là hiếm thấy trong một thời gian dài, hay mức giá mua vào thấp hơn nhiều so với giá bán ra có thể xem là một hướng phòng ngừa rủi ro.

Bầu Kiên nhận 30 năm tù, nộp phạt hơn 75 tỷ đồng

Ngoài việc xác định Nguyễn Đức Kiên dùng thủ đoạn xảo quyệt thực hiện 4 tội danh, tòa tuyên bố khởi tố thêm 2 vụ án liên quan ACB và Huỳnh Thị Huyền Như.

8h20 hôm nay, sau nửa tháng xét xử, TAND Hà Nội đã ra phán quyết với 8 người bị cáo buộc kinh doanh trái phép, cố ý làm trái gây thoát hàng chục nghìn tỷ đồng.
Mở đầu phần tuyên án, thẩm phán Nguyễn Hữu Chính (Phó chánh án TAND Hà Nội) thay mặt HĐXX tóm tắt lại nội dung vụ án. Bị cáo đầu vụ Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên, cựu phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB) nghe luận tội với thái độ bình tĩnh, thi thoảng cười mỉm.
Sau hơn nửa tiếng đứng nghe bản án, trong 7 bị cáo xin ngồi, riêng cựu tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải vẫn đứng.
Các bị cáo nghe tuyên án.
Theo tòa, ngày 15/5/2007 đến 3/8/2008, Nguyễn Đức Kiên thông qua 6 công ty do mình làm chủ tịch HĐQT hoặc chủ tịch hội đồng thành viên để tổ chức hoạt động kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng trái quy định với tổng số tiền gần 21.500 tỷ đồng.
Cũng thông qua một trong các công ty này, ông Kiên bị cáo buộc trốn thuế hơn 25 tỷ đồng trong thương vụ kinh doanh giá vàng trên tài khoản ngoài lãnh thổ Việt Nam với ngân hàng ACB. Ông Kiên còn bị truy tố đã lừa đảo bán 20 triệu cổ phần của Công ty thép Hoà Phát (đã thế chấp tại ngân hàng) cho Công ty TNHH Một thành viên thép Hoà Phát, chiếm đoạt 264 tỷ đồng.
Theo cáo buộc, bị cáo Kiên còn cùng cựu tổng giám đốc Lý Xuân Hải, 3 cựu phó chủ tịch HĐQT ACB là Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, cựu phó tổng giám đốc Huỳnh Quang Tuấn thống nhất uỷ thác cho các cá nhân gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Trong số này có 718 tỷ đồng vào Vietinbank và đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank TP HCM) chiếm đoạt.
Ngoài ra, với hành vi thống nhất, ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, các sếp của ACB còn bị cáo buộc đã ra chủ trương đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB trái quy định của nhà nước, gây thiệt hại gần 688 tỷ đồng.
9h40, khép lại phần đọc nội dung vụ án, chủ tọa nêu lại quan điểm của luật sư Bầu Kiên cho rằng thân chủ không phạm tội Kinh doanh trái phép, việc góp vốn là hoạt động đầu tư theo quy định của luật doanh nghiệp, không phải là kinh doanh tài chính như cáo trạng nêu. Còn việc kinh doanh vàng là kinh doanh vàng phái sinh, vàng trạng thái (sản phẩm bình thường) nên không phạm tội.
Về cáo buộc 6 cựu quan chức ACB đã ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào Vietinbank khiến bị Huyền Như chiếm đoạt, theo quan điểm của luật sư, việc này "không trái quy định tại luật các tổ chức tín dụng năm 1997". Ngày 1/1/2011, luật này mới có hiệu lực nên Bầu Kiên và đồng phạm không làm trái. Việc chiếm đoạt 718 tỷ đồng theo các luật sư là do lỗi của Vietinbank nên phải trả lại ACB số tiền này.
Về việc đầu tư cổ phiếu, các luật sư cho rằng, không có sai phạm trong chủ trương này của các thành viên HĐQT ngân hàng ACB.
Bản án cũng cho biết, tại tòa, Vietinbank không thừa nhận có sai phạm trong quá trình nhận tiền do các nhân viên của ACB gửi. Vietinbank cho rằng các nhân viên trên không thực hiện đầy đủ các quy định về việc gửi tiền dẫn đến việc Huyền Như chiếm đoạt tiền. Vì thế, Vietinbank không có trách nhiệm gì về số tiền trên...
Bầu Kiên lúc nghe tuyên án.. .
Tuy nhiên, HĐXX nhận định, Nguyễn Đức Kiên thông qua 6 công ty đã kinh doanh không đúng đăng ký hơn 21.400 tỷ đồng. Các công ty này không có giấy chứng nhận kinh doanh cổ phần, cổ phiếu, thực tế không có hoạt động kinh doanh gì khác ngoài lĩnh vực này. Điều đó cho thấy, mục đích lập các công ty trên Bầu Kiên chủ yếu kinh doanh cổ phần, cổ phiếu. Hành vi kinh doanh của bị cáo Kiên núp dưới hình thức mua cổ phần, cổ phiếu, thoả mãn đầy đủ dấu hiệu kinh doanh trái phép. Qua đây, việc phát hành cổ phiếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có sự giúp sức của Ngân hàng Vietbank và Kienlongbank. Tòa đề nghị cơ quan điều tra làm rõ việc này, nếu có dấu hiệu vi phạm thì xử lý.
Về hoạt động kinh doanh vàng, HĐXX cho rằng Công ty Thiên Nam (một trong 6 công ty trên) không đăng ký kinh doanh "mặt hàng" này. Ngoài kinh doanh giá vàng qua tài khoản nước ngoài, Thiên Nam còn kinh doanh vàng trong nước với ngân hàng ACB.
Tại toà, đại diện Ngân hàng nhà nước cho rằng việc kinh doanh vàng phải chịu sự quy định của nhà nước. Kinh doanh vàng nói chung đều phải đăng ký. Theo biên bản thỏa thuận của HĐQT, Công ty Thiên Nam đã uỷ quyền cho Bầu Kiên đặt lệnh trên hệ thống ghi âm của Ngân hàng ACB. Điều đó cho thấy, việc thực hiện ký các lệnh của giám đốc Thiên Nam Lê Quang Trung chỉ là hình thức, Bầu Kiên mới là người quyết định. Cho nên, việc bị cáo Kiên cho rằng ông Trung phải chịu trách nhiệm là không có căn cứ.
HĐXX cho rằng bị cáo Kiên không thành khẩn khai báo nên cần có bản án nghiêm khắc về hành vi này.
Về hành vi trốn thuế, theo tòa, Công ty B&B do Bầu Kiên làm chủ tịch đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư tài chính với ACB thực hiện giao dịch tài chính để kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trong năm 2009-2010, B&B kinh doanh có lãi, trong đó có cả kinh doanh vàng trạng thái có lãi nhưng không kê khai. Kết luận của Bộ Tài chính cho thấy, thuế thu nhập phát sinh mà B&B phải nộp là hơn 25 tỷ đồng. Từ sự phân tích trên, HĐXX nhận thấy bầu Kiên đã trốn thuế 25 tỷ đồng theo đúng truy tố của VKSND Tối cao. Hậu quả gây ra đến nay chưa khắc phục, cần phạt gấp 3 lần số thuế đã trốn là hơn 75 tỷ đồng, sung công quỹ nhà nước.
Về hành vi lừa đảo của Bầu Kiên, tòa nhận thấy, theo tài liệu và lời khai của ông Trần Đình Long (Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát) và Trần Tuấn Dương (Tổng giám đốc Thép Hòa Phát), hai người tham gia thoả thuận với Bầu Kiên, khi đàm phán, hai ông này không biết 20 triệu cổ phần của Thép Hòa Phát mua của ACBI đang được thế chấp tại ACB.
Bầu Kiên khai không có ý thức lừa đảo chiếm đoạt số tiền 246 tỷ đồng bán cổ phiếu trên cho phía Hòa Phát. Thực tế bị cáo hoán đổi cổ phần khác cho ACB. Qua các lời khai, tài liệu, tòa xác định, Công ty TNHH một thành viên Thép Hoà Phát đã chuyển 264 tỷ đồng cho ACBI. Trong khi đó, khi nhận tiền, Chủ tịch HĐQT ACBI là bị cáo Kiên không có bất cứ hành vi nào về việc đề nghị giải chấp số cổ phần này. "Điều đó cho thấy ý thức chiếm đoạt của bị cáo", bản án nhận định. HĐXX cho rằng bị cáo Kiên không thành khẩn nên đề nghị có hình phạt nghiêm khắc, phạt bổ sung 100 triệu đồng sung công quỹ nhà nước.
Về hành vi cố ý làm trái của bị cáo Kiên, HĐXX cho rằng căn cứ biên bản làm việc giữa thanh tra Ngân hàng nhà nước và ACB, xác định việc HĐQT ACB ra nghị quyết đồng ý uỷ thác cho nhân viên gửi tiền là "hoàn toàn sai".
Dù Vietinbank hay Huyền Như phải chịu trách nhiệm số tiền trên thì ACB vẫn chưa thu hồi được. Hành vi của các bị cáo đã dẫn đến hậu quả mất 718 tỷ đồng nên HĐXX nhận thấy các bị cáo Kiên, Quang, Kỳ, Hải, Cang, Tuấn.. có đủ dấu hiệu phạm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Về trách nhiệm dân sự, 718 tỷ đồng đã được giải quyết trong vụ án Huyền Như nên không giải quyết trong vụ án này.
Theo HĐXX, vụ án này Huỳnh Thị Bảo Ngọc (Phó phòng quản lý quỹ Ngân hàng ACB) là người trực tiếp liên hệ với Huyền Như về việc gửi tiền, thoả thuận lãi suất vượt trần, tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt. Việc Huyền Như chiếm đoạt trót lọt có sự giúp sức của người này nên cần khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đánh giá hành vi cố ý làm trái của 6 cựu quan chức ACB trong việc mua cổ phiếu, HĐXX cho biết theo quy định công ty sở hữu 50% cổ phần của một công ty khác thì không được đầu tư mua cổ phiếu. Bản chất Công ty ACBS (Công ty chứng khoán ACB) do ACB sở hữu 100% cổ phiếu. Vì muốn mua cổ phiếu của chính mình, để lách luật, ACB cho Vietbank, KienLongbank vay rồi hai ngân hàng này cho ACI và ACI Hà Nội vay. Điều này cho thấy ACB không thể chuyển trực tiếp tiền sang ACBS mà phải qua trung gian là hai ngân hàng (dưới hình thức mua trái phiếu của ACI và ACI Hà Nội), như vậy "tiền của ACB vẫn là của ACB".
Qua lời khai của những người liên quan khác, tòa thấy có cơ sở xác định việc mua cổ phiếu trên là trái quy định. Toàn bộ việc mua trái phiếu ACI, ACI Hà Nội được mã hoá dưới hình thức hoạt động liên ngân hàng. HĐXX cho rằng đủ cơ sở xác định việc thống nhất ban hành chủ trương đầu tư mua chứng khoán của các thành viên HĐQT ACB đã gây thiệt hại gần 688 tỷ đồng.
Theo HĐXX, Bầu Kiên với tư cách phó chủ tịch Hội đồng sáng lập  giữ vai trò quan trọng trong việc ra các nghị quyết, thực hiện chủ trương đầu tư cổ phiếu. Ông này tuy không còn không tham gia HĐQT nhưng là cổ đông lớn nên có ảnh hưởng lớn tới các quyết định, nghị quyết của ACB.
.. và khi lên xe trở về trại giam sau khi nhận bản án 30 năm tù. Ảnh: Quý Đoàn
11h40, HĐXX xác định bị cáo Kiên giữ vai trò quan trọng, chủ mưu, không khai báo thành khẩn.
Bị cáo Lý Xuân Hải có vai trò sau bị cáo Kiên nhưng cao hơn những đồng phạm khác. Ông Hải bị xác định là người điều hành uỷ thác cho nhân viên gửi tiền, tham gia chủ trương mua cổ phiếu... Theo tòa, hai bị cáo này cần áp dụng tình tiết tăng nặng hình phạt. Tiếp tục kê biên các tài sản của bị cáo Kiên tại TP HCM. Các bị cáo còn lại được xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Theo đó, ông Kiên bị phạt 20 tháng tù về tội Kinh doanh trái phép, 6 năm 6 tháng về tội Trốn thuế, 20 năm về tội Lừa đảo, 18 năm do Cố ý làm trái. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải chấp hành là 30 năm; nộp phạt bổ sung 75 tỷ do trốn thuế và 100 triệu đồng về hành vi lừa đảo.
Bị cáo Trần Ngọc Thanh (giám đốc ACBI) lĩnh 5 năm 6 tháng tù về tội Lừa đảo, bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (kế toán ACBI) nhận 5 năm.
Đồng tội danh Cố ý làm trái, cựu tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải lĩnh 8 năm tù; bị cáo Lê Vũ Kỳ án 5 năm, Trịnh Kim Quang lĩnh 4 năm, Phạm Trung Cang án 3 năm tù, Huỳnh Quang Tuấn chịu hình phạt 2 năm.
Tòa kiến nghị qua vụ án, Ngân hàng nhà nước cần rà soát lại các văn bản, bổ sung các văn bản nhằm tháo gỡ những vướng mắc, hướng dẫn kịp thời chủ trương cho các ngân hàng. Bộ Kế hoạch & đầu tư cũng cần rà soát các văn bản pháp luật.
TAND Hà Nội tuyên bố khởi tố vụ án "kinh doanh trái phép tại ngân hàng ACB và Vietbank" và khởi tố vụ án "đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với Huỳnh Thị Huyền Như của Huỳnh Thị Bảo Ngọc".
Sau khi tòa tuyên án, các bị cáo nhanh chóng bị áp giải ra xe đi về trại giam. Một số người thân của họ đã bật khóc khi rời phòng xử.
Phiên xử 8 bị cáo được mở từ ngày 20/5, người thứ 9 liên quan vụ án là ông Trần Xuân Giá, cựu chủ tịch HĐQT ACB, được tạm đình chỉ điều tra do đang bị bệnh.
VKS đã đề nghị tuyên phạt ông Kiên 18-24 tháng tù về tội Kinh doanh trái phép; 4-5 tù do Trốn thuế, 16-18 năm tù về tội Lừa đảo, 14-15 năm tù về tội Cố ý làm trái. Tổng hình phạt ông Kiên bị đề nghị là 30 năm - mức án tối đa của khung hình phạt tù có thời hạn.
Ông Lý Xuân Hải bị VKS đánh giá "chưa ăn năn hối cải", đề nghị phạt 12-14 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; cấm đảm nhiệm điều hành, quản lý tổ chức tín dụng.
Cùng tội danh như ông Hải, 2 cựu phó chủ tịch HĐQT ACB Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang bị đề nghị lần lượt 7-8 năm và 6-7 năm. Cựu phó chủ tịch HĐQT ACB Phạm Trung Cang và cựu phó tổng giám đốc ACB Huỳnh Quang Tuấn mỗi bị cáo 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm. Nhóm bị cáo này được cho là làm theo chỉ đạo của bị cáo Kiên và đã "nhận ra một phần lỗi".
Ở tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Trần Ngọc Thanh (giám đốc ACBI, một trong 6 công ty do Bầu Kiên lập ra) bị đề nghị 9-10 năm; bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (kế toán ACBI) bị đề nghị 7-8 năm.
Việt Dũng
VnExpress.net

‘VN đâm tàu TQ hơn 1.400 lần’?

 BTTD: TQ- kẻ vừa ăn cướp vừa la làng

Cập nhật: 06:23 GMT - thứ hai, 9 tháng 6, 2014

Tàu tuần duyên Trung Quốc chạm trán với tàu Việt Nam trên Biển Đông
Trung Quốc cáo buộc Việt Nam đâm vào tàu của họ hơn 1.000 lần trên Biển Đông và nói rằng họ sẽ không từ bỏ nguyên tắc của mình mặc dù họ muốn có quan hệ tốt đẹp với nước láng giềng này, hãng tin Anh Reuters cho biết.
Reuters dẫn nguồn từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm Chủ nhật ngày 8/6 cho biết kể từ khi nước này đưa giàn khoan vào khu vực tranh chấp trên Biển Đông thì Việt Nam đã triển khai rất nhiều tàu cùng người nhái và đã thả xuống biển nhiều chướng ngại vật, trong đó có lưới cá.
“Kể từ 5 giờ chiều ngày 7/6, lúc cao điểm có tới 63 tàu Việt Nam trong khu vực. Các tàu này tìm cách phá vỡ hàng rào của Trung Quốc và đâm vào tàu chính phủ của Trung Quốc tổng cộng 1.416 lần,” thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rõ.
“Đối diện với các hành động khiêu khích của Việt Nam trên biển, Trung Quốc đã kiềm chế rất nhiều và đã có các biện pháp ngăn ngừa,” thông cáo viết và cho biết Trung Quốc đưa tàu ra khu vực để đảm bảo an toàn cho hoạt động của giàn khoan.
Cũng theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì nước này ‘đã liên lạc với phía Việt Nam hơn 30 lần ở nhiều cấp khác nhau’ để yêu cầu họ ‘chấm dứt các hành động phi pháp’.
“Trung Quốc muốn có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam, nhưng có những nguyên tắc mà Trung Quốc không thể từ bỏ. Kênh liên lạc giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn để mở.”
Trong khi đó, phía Việt Nam cho biết kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 ra khu vực quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp trên Biển Đông, Việt Nam đã nhiều lần đề nghị đàm phán với Trung Quốc nhưng đều bị cự tuyệt.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cáo buộc Trung Quốc nhiều lần đâm trực diện vào tàu của họ tại khu vực dẫn đến một tàu đánh cá bị chìm và 10 ngư dân bị rơi xuống biển hôm 26/5. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này.

8 tháng 6, 2014

Mỹ - Nhật có đủ sức phong tỏa Biển Đông, "trị" hải quân TQ


(PetroTimes) - Trước khi xảy ra sự cố Trung Quốc ngang ngược kéo giàn khoan 981 vi phạm chủ quyền Việt Nam, các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản cũng đã nhận ra được ý đồ của nước này. Liên minh Mỹ, Nhật đang đau đầu với câu hỏi: Làm thế nào để kiềm chế sức mạnh quân sự, trong đó có sức mạnh hải quân của Trung Quốc?
Tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa hành trình lớp Projekt 675 (Echo II) của Hải quân Liên Xô.
Hạm đội tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc lẽ ra có thể tạo ra mối đe dọa thực sự đối với Mỹ thì vẫn là mắt xích yếu của hải quân Trung Quốc. Các tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn và tàu ngầm nguyên tử tiến công thế hệ 1 của Trung Quốc hầu như không ra khơi. Thế hệ 2 hiện cũng thế. Ba tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn mới nhất lớp Type 094 Tấn hiếm khi rời khỏi bến cảng căn cứ Tam Á chỉ trong thời gian ngắn.
Các tàu ngầm này có độ ồn khá lớn, hoạt động của các lò phản ứng gây ra bị chê trách nhiều, không có hệ thống liên lạc mật với sở chỉ huy trên bờ nên cản trở việc đưa các tàu ngầm đi tuần tra đường dài. Nhưng chủ yếu nhất là tên lửa đường đạn xuyên lục địa Julang-2 (JL-2) có tầm bắn đến 7.400 km đến nay vẫn chưa được hoàn thiện hẳn. Nói cách khác, Trung Quốc vẫn còn lâu mới chế tạo được một hệ thống tàu ngầm chiến lược thực sự hiệu quả.

Nguyên nhân lạc hậu thì nhiều. Và có lẽ đóng vai trò không kém phần quan trọng ở đây là sự cố bi thảm xảy ra ở Biển Đông ngày 22/1/1983. Hôm đó, tàu ngầm nguyên tử tên lửa K-10 lớp Projekt 675 (NATO gọi là Echo II) dưới sự chỉ huy của Đại tá Valery Medvedev trực chiến tại vùng biển này đã đến điểm thực hiện phiên liên lạc với sở chỉ huy trên bờ. Nhưng tàu ngầm đã đến nơi hơi sớm một chút.
Trên mặt biển bão tố đang hoành hành. Dưới sống tàu là 4.500 m nước. Nhưng ở độ sâu 54 m mà tàu ngầm đang chạy, bão biển không cảm thấy rõ lắm. Hạm trưởng quyết định tiến hành trinh sát thủy âm khu vực để phát hiện xem tàu K-10 có bị đối phương tiềm tàng theo dõi hay không. Ông hạ lệnh bắt đầu chạy vòng sang trái để nghe vùng nước ở các góc hướng đuôi vốn là các vùng chết đối với trạm thủy âm của chiếc tàu ngầm hạt nhân.
Ở đây, cần nói đôi lời về tàu ngầm nguyên tử Projekt 675. Chúng được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” vì chúng dùng để tấn công các tàu nổi cỡ lớn của Mỹ, cũng như các căn cứ hải quân. Các tàu ngầm này được trang bị 8 tên lửa hành trình P-6, trong đó có các tên lửa mang cả đầu đạn hạt nhân, hoặc P-5D để tấn công mục tiêu bờ. Tuy nhiên, các tàu ngầm này có những nhược điểm lớn.
Chúng chỉ có thể phóng tên lửa ở trạng thái nổi, điều đó làm giảm tính bí mật của chúng, tức là giảm khả năng sống sót trong chiến đấu. Nhược điểm thứ hai là độ ồn cao. Đó không chỉ là do hoạt động của các cơ cấu mà cả do có các lỗ khoét-chặn khí phụt của các bệ phóng tên lửa trong vỏ nhẹ. Ngay khi tàu ngầm tăng tốc, các lỗ khoét này mà trong đó xuất hiện xoáy nước bắt đầu “gào rú”. Chính vì thế lính tàu ngầm Mỹ gọi các tàu ngầm Liên Xô là “những con bò rống”.

Vào năm 1970, những nhược điểm này suýt nữa làm đắm tàu ngầm nguyên tử K-108 do Đại tá Suren Bagdasaryan chỉ huy. Tàu ngầm sau khi hoàn thành các bài huấn luyện kiểm tra tại vịnh Avachinsk đang chờ tín hiệu quay về căn cứ. Thủy thủ đoàn đã đi nghỉ ngơi, trừ những người gác. Và đúng lúc tàu ngầm thực hiện một lần vòng sang trái để nghe “các vùng chết” bằng thiết bị thủy âm thì K-108 bị va chạm mạnh vào phần dưới mũi ở mạn phải.
Mũi tàu K-10 sau khi va chạm với tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông
Chiếc tàu ngầm Liên Xô bị tàu ngầm nguyên tử Mỹ Tautog bám theo sau tông phải với đúng nghĩa của từ này. Tàu K-108 bắt đầu rơi xuống sâu, mà dưới sống tàu là là hơn 2.000 m nước. Nhưng các hành động quyết liệt của hạm trưởng và thủy thủ đoàn đã cho phép chiếc tàu ngầm nguyên tử cải bằng và bơm khí vào các thùng nổi khẩn cấp.

Thực ra, Đại tá Bagdasaryan cho rằng, chủ yếu là nhờ sự tình cờ. Tàu ngầm Mỹ Tautog đâm tàu ngầm Liên Xô bằng phần che chắn các thiết bị thò thụt trên tháp tàu vào khu vực trục phải và nó đã làm giảm chấn, không để phá thủng vỏ chính của tàu K-108.

Giống như các hạm trưởng tàu ngầm nguyên tử Projekt 675 khác, Valery Medvedev biết rõ sự cố với tàu K-108, nên ông cố gắng cẩn thận.

Các chuyên gia thủy âm báo cáo rằng, xung quanh không có gì. Thì ngay lúc đó, những người trên tàu cảm thấy có sự va chạm. Cú va chạm không mạnh, nhưng có thể cảm nhận được. K-10 bị mắc vào một vật thể nào đó và đã chạy cùng với nó một thời gian ngắn. Cá voi ư? Hay con bạch tuộc khổng lồ? Không phải, là một cái gì đó khác, nhưng là cái gì?

Các báo cáo truyền đến từ các khoang nói rằng, các khoang đã được kiểm tra và không có vấn đề gì. Hồi 21 giờ 31, tàu nổi lên mặt nước. Bên trên, bão vẫn lồng lộn. Bóng tối dày đặc. Trên mặt biển, các thủy thủ K-10 chẳng nhìn thấy gì. Họ báo cáo về sự cố về sở chỉ huy. Sở chỉ huy hạ lệnh chạy về căn cứ Cam Ranh, Việt Nam. Khi kiểm tra tàu ngầm, ở phần mũi tàu, người ta phát hiện hư hại nặng và những miếng kim loại lạ.

Do chẳng có nước nào nhận có tàu ngầm bị hư hại hay bị chìm nên Bộ tư lệnh Hải quân Liên Xô cũng không đưa ra thông báo gì. Nhưng hai năm sau, trên báo chí Trung Quốc đã xuất hiện những tin chia buồn về vụ một tàu ngầm chìm ở Biển Đông vào năm 1983, cùng với các nhà khoa học và công trình sư hàng đầu làm nhiệm vụ phát triển tên lửa đường đạn cho tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn của hải quân Trung Quốc. Chắc chắn, họ đã trở thành nạn nhân của vụ va chạm với tàu ngầm K-10. Tại sao các chuyên gia thủy âm Liên Xô và Trung Quốc đã không nghe thấy nhau? Có lẽ, cơn bão cuồng loạn trên mặt biển đã gây nhiễu đối với hoạt động của trạm thủy âm.

Việc khôi phục trường phái nghiên cứu của các nhà khoa học và công trình sư phát triển tên lửa đường đạn phóng tàu ngầm Trung Quốc tử nạn đòi hỏi mất nhiều thời gian. Và yếu tố này đến nay vẫn ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng của hệ thống tàu ngầm chiến lược Trung Quốc.
Tàu ngầm diesel mang tên lửa đường đạn lớp Projekt 629 (Golf). Lượng giãn nước 3.553 tấn, chiều dài 98,8 m, tốc độ chạy ngầm tối đa 12,5 hải lý/h, thời gian hoạt động độc lập 70 ngày đêm. Thủy thủ đoàn 87 người. Vũ khí: 3 ống phóng trong phần bảo vệ các thiết bị thò thụt trên tháp chỉ huy dùng cho tên lửa đường đạn R-13 hay R-21, 4 ống phóng lôi ở mũi và 2 ống phóng lôi ở đuôi cỡ 533 mm. Liên Xô đã đóng cho hải quân nước này 21 tàu; và 2 tàu cho hải quân Trung Quốc với các bệ phóng tên lửa đường đạn R-11 tầm bắn 150 km.

Còn tàu ngầm điện-diesel mang tên lửa Trung Quốc đã va chạm với K-10 cũng là tàu ngầm Liên Xô. Đúng hơn là nó được lắp ráp theo thiết kế Projekt 629 tại Trung Quốc từ các linh kiện do Liên Xô cung cấp.

Ở Trung Quốc, tàu này được đặt ký hiệu Type 6631 và số hiệu 208. Sau này, ở Đại Liên, Trung Quốc đã lắp một tàu ngầm cùng loại khác có số hiệu 200. Chúng là những thành quả nổi bật cuối cùng của “tình hữu nghị Trung-Xô không gì phá vỡ nổi”. Hải quân Trung Quốc đã sử dụng các tàu ngầm Type 6631 mà sau này được đặt tên là Type 031 làm giá thử bắn các tên lửa đường đạn. Tàu mang số hiệu 200 đến nay vẫn được sử dụng để thử tên lửa đường đạn JL-2.

Hiển nhiên là ban lãnh đạo Trung Quốc nhận thức được sự cần thiết phải đưa lực lượng tàu ngầm chiến lược của hải quân Trung Quốc lên trình độ cao nhất thế giới. Và vì thế mà chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi thăm căn cứ Tam Á đã thăm chính tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn Trường chinh 9, còn các tàu khác ông ta chỉ xem.

Theo trang Strategy Page (Mỹ), hiện Trung Quốc đang ráo riết nghiên cứu chế tạo tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn thế hệ 3 lớp Type 096. Tàu sẽ sử dụng các lò phản ứng hạt nhận công suất lớn mới, các lớp phủ hấp thụ tiếng ồn, các trạm thủy âm hiện đại, các hệ thống điều khiển tàu ngầm tiên tiến và tổng thành, tổ máy công nghệ cao khác. Nghĩa là tàu ngầm lớp Type 096 sẽ là tàu ngầm hạt nhân chiến lược rất hoàn thiện.

Một số nguồn tin khẳng định rằng, việc đóng tàu Type 096 đã được bắt đầu. Tàu sẽ được trang bị 24 tên lửa đường đạn JL-3 tầm bắn hơn 10.000 km.

Để theo dõi các tàu ngầm này, Hải quân Mỹ sẽ buộc phải phái thêm tàu nổi, tàu ngầm và máy bay chống ngầm. Lúc đó, sẽ khó có thể phong tỏa hải quân đối với Trung Quốc.
Tàu ngầm diesel mang tên lửa đường đạn số 200 lớp Type 031 đến nay vấn được hải quân Trung Quốc sử dụng để thử nghiệm tên lửa đường đạn JL-2. Trên tàu có 1 bệ phóng cho tên lửa này.
Còn một yếu tố khác được Sean Mirski lưu ý trong bài báo của mình. Theo khẳng định của ông ta, yếu tố chính trị then chốt quyết định thành công của phong tỏa hải quân đối với Trung Quốc là khả năng của Mỹ lôi kéo được Nga tham gia phong tỏa. Quả thực, nếu không có điều kiện này, thì thật hài hước để nói về việc cô lập Trung Quốc. Liên bang Nga là một trong những nhà cung cấp tài nguyên năng lượng lớn nhất cho Trung Quốc và nó không được vận chuyển bằng đường biển mà qua các đường ống và đường sắt.

Tuy nhiên, Nga sẽ không thể tham gia phong tỏa hải quân chống Trung Quốc. Đơn giản là Nga không có tàu để làm việc đó.

Sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, trong đó có việc triển khai những đơn vị và binh đoàn được huấn luyện và trang bị tốt nhất, trong đó có các đơn vị tăng-thiết giáp, ở gần biên giới hai nước, hiển nhiên cũng khiến Moskva lo lắng. Đó là nơi mà nước Nga chẳng có gì để tự vệ.
Tàu chống ngầm cỡ lớn Đô đốc Levchenko trong cuộc tập trận chung với tàu tuần dương tên lửa Hue City của Hải quân Mỹ

Nhưng Trung Quốc cũng có gót chân Achiles của mình. Dân số 1,5 tỷ của họ đang sống ở một nửa lãnh thổ đất nước, chủ yếu ở vùng duyên hải và thung lũng các con sông, bởi vì nửa lãnh thổ còn lại hầu như không phù hợp để sinh sống. Và điều đó tạo ra những điều kiện lý tưởng để thực hiện các đòn tấn công hạt nhân vào một số những điểm hiểm yếu nhất. Một khi khai chiến, Trung Quốc sẽ hứng chịu những tổn thất kinh hoàng, không thể so sánh nổi. Và ở Bắc Kinh, tuy là tràn đầy tinh thần Maosim, người ta đã luôn hiểu điều đó và nay họ cũng hiểu.

Hiển nhiên là vấn đề sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc vẫn tồn tại. Và những bước đi có bàn, thống nhất nhằm kiềm chế sức mạnh đó thì cần phải tìm ra, nhưng phải trên cơ sở hai bên đều chấp nhận được. Hiện chưa thể làm được việc đó vì Washington và Moskva đều cố chơi còn bài Trung Quốc nhằm thu lợi cho mình, còn Bắc Kinh thì khôn khéo lợi dụng những mâu thuẫn Mỹ-Nga và bảo toàn lợi ích của mình rõ ràng đang chiếm thế thượng phong trong ván cờ này.

Tuy nhiên, cả ở đây cũng có thể xảy ra những chuyển động. Theo báo chí nước ngoài, Trung Quốc rõ ràng là bất mãn với kết quả của chuyến thăm Nga mới đây của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Và không chỉ là vì trong hội đàm, hai bên đã đề cập đến khả năng ký hiệp định hòa bình Nhật-Nga, cũng như chương trình tham vọng Nga-Nhật phát triển các dự án năng lượng chung.

Nguyên nhân chủ yếu khiến Trung Quốc lo ngại là mưu toan của Tokyo, tức cũng là Washington, thiết lập một “vành đai địa-chính trị” xung quanh Trung Quốc, bởi lẽ chỉ có nước Nga có khả năng thay đổi cán cân sức mạnh chiến lược không vững chắc ở châu Á.
Hải quân Nga - Trung Quốc trong một cuộc tập trận chung.
Theo Vietnamdefence
(Ảnh và tiêu đề do PetroTimes đặt lại)