Trang

25 tháng 5, 2014

Các địa phương tiếp tục đốt ngân sách vô tội vạ

Kiểm toán nhà nước cho biết, việc ứng trả nợ thay cho các dự án được Chính phủ bảo lãnh có xu hướng ngày càng tăng.

Bảo lãnh vay nợ của Chính phủ gia tăng
Theo thông tin trên tờ Thanh Niên, báo cáo của Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra rất nhiều bất cập trong quản lý chi ngân sách nhà nước khi thực hiện kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012.
Theo đó, có tới 31/34 tỉnh, thành được kiểm toán vượt dự toán chi thường xuyên được Hội đồng nhân dân giao đầu năm.
Trong đó, 20/34 địa phương chi quản lý hành chính, đảng, đoàn thể có mức vượt trên 30%; trong điều hành ngân sách còn sử dụng 569 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, nguồn thu tiền sử dụng đất, nguồn cải cách tiền lương, dự phòng... để bổ sung chi thường xuyên sai quy định.
Ngoài ra, việc sử dụng kinh phí sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức xảy ra phổ biến tại các địa phương.
"Một số bộ, cơ quan T.Ư và 26/34 địa phương được kiểm toán còn sử dụng sai nguồn kinh phí 1.570,72 tỷ đồng, trong đó một số địa phương sử dụng kinh phí bổ sung có mục tiêu của T.Ư và của địa phương... để bù hụt thu ngân sách”, báo cáo nêu.
Trong năm 2013, Chính phủ cũng đứng ra bảo lãnh cho các dự án đầu tư vay của các tổ chức tún dụng, bảo lãnh trái phiếu trong nước, bảo lãnh cho cá chương trình dự án vay vốn của các tổ chức tín dụng nước ngoài hoặc phát hành trái phiếu.
Chính phủ đã phải đứng ra bảo lãnh cho Công ty Mua Bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC- Bộ Tài chính) phát hành trái phiếu đảo nợ thay cho Tập đoàn Vinashin hai khoản nợ: 11.000 tỷ đồng nợ các ngân hàng trong nước và 600 triệu đô la Mỹ từ các chủ nợ nước ngoài.
Trước đó, năm 2011 bên cho vay đòi chính phủ Việt Nam trả 600 triệu đôla tiền nợ bảo lãnh của Vinashin khi tập đoàn này vỡ nợ.
Kế hoạch vay, trả nợ năm 2014 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hạn mức các khoản vay bảo lãnh của chính phủ, trong đó vay trong nước là 70,492 tỷ đồng (khoảng 3.4 tỷ đôla) và nước ngoài là 2,8 tỷ đôla. Đây là mức tăng 30% so với tổng mức vay bảo lãnh 4.2 tỷ đôla trong năm 2013.
Các khoản vay này thường được ưu đãi cho khối doanh nghiệp nhà nước hoặc ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.
Mỗi người gánh 900 USD nợ công
Đồng hồ nợ công thế giới The global debt clock của tạp chí The Economist lúc 10h30 ngày 25/5 đã điểm nợ công của Việt Nam vượt con số 81 tỷ USD, với tổng dư nợ cả năm tăng 11%, chiếm 47,8% GDP. Tính trên dân số 90,668 triệu người, mỗi người Việt hiện đang gánh trên vai trung bình 900,8 USD.
Biểu đồ nợ công của Việt Nam trong 10 năm.
Biểu đồ nợ công của Việt Nam trong 10 năm.
Cách đây 10 năm, nợ công Việt Nam là 17,4 tỷ USD, bình quân 211 USD mỗi người. Như vậy, chỉ trong một thập kỷ, tổng nợ đã tăng hơn gấp 4.
Trong khi con số công bố về nợ công của Việt Nam đang ở khoảng 90 tỷ USD nhưng thực chất, theo TS Phạm Thế Anh - trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội nếu tính cả nợ của các doanh nghiệp nhà nước thì nợ công đang ở khoảng 180 tỷ USD. Số nợ này gấp khoảng 4 lần thu ngân sách của Việt Nam mỗi năm.
TS Phạm Thế Anh cũng từng cho biết, theo tính toán, với 45 tỷ USD Việt Nam vay trong nước với lãi suất trung bình 10%/năm thì mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra khoảng 4-5 tỷ USD trả lãi.
Theo Hà Anh
Đất Việt

Chính phủ sẽ đẩy mạnh thực hiện giải pháp đột phá về thể chế?

Thời gian tới, song song với các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, CP sẽ thực hiện các giải pháp đột phá về thể chế để đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững trong dài hạn.

Theo Báo cáo tình hình thực hiện công tác trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 69/2013/QH13 tại kỳ họp 6, Quốc hội khóa XIII của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) đối với nội dung triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế, MPI cho biết: 

Sau khi Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ  đã trình Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 19/06/2013 về một số nhiệm vụ triển khai trong ba năm 2013 – 2015 nhằm thực hiện Đề án. Chỉ thị đã xác định danh mục gồm 58 nhiệm vụ cụ thể ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2013 – 2015, trong đó chỉ định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời hạn hoàn thành và kết quả phải đạt được. 

Cả nước tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. 

Từ tháng 10/2013 đến nay kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định: lãi suất tiếp tục đi xuống, chỉ số lạm phát trong mức độ cho phép, cán cân vãng lai và cán cân thương mại thặng dư, tỷ giá ổn định, tăng trưởng GDP vẫn còn thấp nhưng quý sau cao hơn quý trước, niềm tin của các nhà đầu tư được hồi phục, thu ngân sách vượt dự toán. 

Từ tháng 10/2013 đến tháng 3/2014 chỉ số mua hàng của các nhà quản trị PMI liên tục trên 50, thể hiện sự hồi phục mạnh của các đơn hàng, việc làm và doanh thu của các doanh nghiệp tiêu biểu. Ngày 18/03/2014 Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong đó nhấn mạnh một số giải pháp: 

(1) Đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp; (2) Cải cách quy trình hồ sơ và thủ tục nộp thuế; (3) Rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng của các dự án đầu tư, doanh nghiệp xuống còn 70 ngày; (4) Hoàn thiện quy trình về quyền sở hữu và bảo vệ nhà đầu tư vào Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp sửa đổi. 

Nhìn chung, quá trình Tái cơ cấu kinh tế đang được các Bộ, Ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc và đã có một số kết quả nhất định. Tuy nhiêntiến độ thực hiện vẫn chưa được như mong muốn do còn số một vướng mắc trong thể chế, trong tổ chức bộ máy,.... 

Do đó, trong thời gian tới, song song với việc thực hiện các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đột phá về thể chế để đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững trong dài hạn. 
Q. Nguyễn
Theo Trí Thức Trẻ

'Trung Quốc bên bờ một sai lầm lớn?'


Cập nhật: 18:41 GMT - thứ bảy, 24 tháng 5, 2014
Lãnh đạo Trung Quốc
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nên thận trọng trong vụ giàn khoan 981, theo nhà quan sát.
Trung Quốc cần thận trọng nếu không muốn mắc sai lầm chiến lược khi làm cho Việt Nam và nhiều nước láng giềng nổi giận vì những hành động 'khiêu khích và thách thức' chủ quyền, theo một nhà nghiên cứu Trung Quốc đương đại từ châu Âu.
Trao đổi với BBC hôm 23/5 từ Viện Nghiên cứu Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông của Pháp tại Paris (INALCO), Giáo sư Francois Huchet cho rằng tính toán của ê kíp lãnh đạo do ông Tập Cận Bình đứng đầu có thể đang dẫn tới 'một sai lầm lớn'.
Sai lầm này có thể xảy ra với Trung Quốc, khi hàng loạt các quốc gia láng giềng ở khu vực lần bị đẩy tới thế 'bắt tay nhau' trong một dạng thức 'liên minh mới' được Hoa Kỳ hậu thuẫn để đối lại Trung Quốc.
Hôm thứ Sáu, cựu Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại thuộc Đại học Rennes II của Pháp, nói:
"Sau một loạt các diễn biến, tôi cho rằng Trung Quốc đã đang nhận thấy một tình thế nguy hiểm, bên bờ xảy ra, khi một loạt quốc gia xung quanh Trung Quốc từ Nhật Bản tới Việt Nam, hay Philippines và Hàn Quốc thảo luận với nhau và đều nổi giận với Trung Quốc,
"Các hành động này của Trung Quốc không chỉ gây ra các xung đột đơn lẻ với từng quốc gia mà Trung Quốc khiêu khích, thách thức, mà còn tạo ra một dạng thức liên minh mới với Hoa Kỳ"
GS Jean-Francois Huchet
"Tôi nghĩ sẽ ngày một khó khăn hơn cho Trung Quốc đẩy tới các áp lực và đưa ra các hành động khiêu khích khác trong tương lai."

'Trung Quốc đã khôn ngoan?'

Trước câu hỏi liệu động thái đưa giàn khoan HD-981 của Trung Quốc vào khu vực Hoàng Sa trên Biển Đông có phải là một động thái và tính toán 'khôn ngoan' hay không, nếu Việt Nam, quốc gia lâu nay vẫn bị Trung Quốc gây áp lực về chủ quyền biển đảo, tìm cách tiếp cận gần hơn nữa với Hoa Kỳ và xoay hẳn lưng lại với Trung Quốc, GS Huchet nói:
"Rõ ràng là nếu Trung Quốc tiếp tục tỏ ra hung hăng trên các vùng biển ở khu vực như họ đã làm đặc biệt trong hai ba năm trở lại đây, chắc chắn các quốc gia bị thách thức và khiêu khích trong vùng sẽ tìm kiếm sự bảo vệ từ Hoa Kỳ,
"Chúng ta đã thấy xuất hiện hàng loạt các tuyên bố giữa các quốc gia đó với Hoa Kỳ, với Hoa Kỳ cũng tích cực hoạt động và hiện diện nhiều hơn trong khu vực trong hai năm trở lại đây,
Lãnh đạo Việt Nam, Philippines
Vụ giàn khoan HD-981 của TQ đã đẩy Việt Nam và Philippines 'xích lại' nhau.
"Tổng thống Obama đã nói Hoa Kỳ muốn trở lại ở khu vực và Hoa Kỳ cũng đã đang có lập trường rất mạnh mẽ, như trong chuyến thăm gần đây ở châu Á, tại Nhật Bản, ông Obama đã nói quần đảo Senkaku thuộc quyền tài phán của người Nhật,
"Do đó Hoa Kỳ đưa quần đảo này vào vùng ảnh hưởng của mình, do vậy, tôi nghĩ rằng mọi sự sẽ trở nên khó khăn hơn cho Trung Quốc nếu họ tiếp tục hung hăng, lấn tới,
"Bởi vì các hành động này của Trung Quốc không chỉ gây ra các xung đột đơn lẻ với từng quốc gia mà Trung Quốc khiêu khích, thách thức, mà còn tạo ra một dạng thức liên minh mới với Hoa Kỳ,
"Mà liên minh này sẽ không chỉ giới hạn ở các khu vực như Biển Đông, hay biển Hoa Đông, mà cũng liên quan tới cả nơi khác như Ấn Độ,
"Đây không chỉ là vấn đề về dầu lửa, câu chuyện đi xa hơn thế rất nhiều, thế nhưng Trung Quốc có thể đang phạm một sai lầm khi họ đang muốn bước đi quá nhanh trong vấn đề này"
GS. Jean-Francois Huchet
"Hiện tại Ấn Độ đang tìm kiếm nhiều hơn một liên minh với Hoa Kỳ từ năm 2005 tới nay, do đó, ở chung quanh Trung Quốc, có thể ngoại trừ Pakistan, Kazakhstan hoặc Bắc Hàn - quốc gia có quan hệ đặc biệt với Trung Quốc,
"Nhưng chúng ta thấy một dạng liên minh để bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ không dám hung hăng hơn và không dám mở rộng ảnh hưởng của nước này quá xa."

'Nếu VN kiện đòi Hoàng Sa?'

Trước câu hỏi liệu động thái giàn khoan HD-981 có thể khơi mào một tình huống bất lợi hơn cho Trung Quốc, khi Việt Nam, sau hơn bốn mươi năm 'im lặng', nay có thể vừa kiện Trung Quốc ra quốc tế về vụ giàn khoan, vừa kiện đòi Trung Quốc rút toàn bộ các lực lượng khỏi các đảo đã cưỡng chiếm trên Hoàng Sa từ năm 1974 và trả lại chủ quyền cho Việt Nam, nhà nghiên cứu nói:
"Trung Quốc hiện nay đang muốn mở rộng vùng ảnh hưởng của mình và đẩy lui, đẩy hẳn Hoa Kỳ ra khỏi châu Á, để Trung Quốc có thể thống lãnh khu vực, không chỉ về mặt kinh tế như trong 20 năm trở lại đây, mà còn thống trị về mặt quân sự và bảo vệ các nguồn năng lượng,
"Cho nên đây không chỉ là vấn đề về dầu lửa, câu chuyện đi xa hơn thế rất nhiều, thế nhưng Trung Quốc có thể đang phạm một sai lầm khi họ đang muốn bước đi quá nhanh trong vấn đề này,
Trung Quốc và Nga
Nga và Trung Quốc 'xích lại' gần nhau, trong lúc dàn khoan HD-981 vẫn đang còn ở Hoàng Sa.
"Vì các quốc gia láng giềng, trong đó đương nhiên có Việt Nam, nước có lịch sử rất phức tạp với Trung Quốc, đã đang và sắp đối đáp lại với những hành động đó. Do đó, tôi nghĩ Trung Quốc nên thận trọng mà không nên khiêu khích quá mức các quốc gia đó."
Trước câu hỏi tính toán gì đang thực sự diễn ra sau các động thái mà ông Tập Cận Bình, lãnh đạo Trung Quốc và bộ tham mưu của ông, đã quyết định tiến hành trong vụ làm nóng lên khu vực biển Đông từ đầu tháng Năm trở lại đây, Giáo sư Huchet nói:
"Trước đây, nội bộ của Trung Quốc có thể có tình huống một cánh quân sự nào đó trong Ban lãnh đạo cao cấp Trung Quốc có thể muốn tỏ ra mạnh mẽ và lấn lướt hơn bằng các động thái quân sự, so với cánh khác thiên hơn về ngoại giao,
"Nhưng qua những gì quan sát được, có thể đoán rằng các động thái đối ngoại và hướng ngoại cứng rắn vừa rồi của Trung Quốc, cho thấy các cánh quân sự, thiên về sức mạnh, đã không thể nào hành động mà không có sự nhất trí của ông Tập Cận Bình,
"Và tôi nghĩ đằng sau tất cả các động thái gần đây, từ thách thức, khiêu khích Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, Philippines và gần đây nhất là Việt Nam ở Biển Đông, rõ ràng đây là một toan tính nhằm thăm dò phản ứng của các quốc gia láng giềng và sự chống đối của Hoa Kỳ,
"Thế nhưng nay thì Trung Quốc đã thấy họ đã tạo ra sự khiêu khích quá lớn và đã gây ra phản ứng rất mạnh ở Việt Nam, và tôi chắc rằng, lãnh đạo cao cấp Trung Quốc đang phải cân nhắc lại tình huống và chắc chắn họ sẽ phải thận trọng hơn"
GS. Jean-Francois Huchet
"Đương nhiên là nếu không có sự phản ứng nào đối kháng lại, Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn tới, lấn lướt xa hơn, và họ sẽ có nhiều các hành động khác,
"Thế nhưng nay thì Trung Quốc đã thấy họ đã tạo ra sự khiêu khích quá lớn và đã gây ra phản ứng rất mạnh ở Việt Nam, và tôi chắc rằng, lãnh đạo cao cấp Trung Quốc đang phải cân nhắc lại tình huống và chắc chắn họ sẽ phải thận trọng hơn với các hành động trong tương lai."

'Không thể trông đợi EU'

Được hỏi về việc liệu Liên minh Châu Âu (EU) có thể có vai trò nào đáng kể hay không cho Việt Nam trong trường hợp Hà Nội muốn đương đầu với Bắc Kinh trong tranh chấp về chủ quyền quốc gia, biển đảo và kiện Bắc Kinh ra quốc tế về vụ giàn khoan, nhà nghiên cứu từ châu Âu nói:
"Tôi có thể thẳng thắn nói rằng chúng ta không nên kỳ vọng bất cứ sự hậu thuẫn đáng kể nào của EU; ở khu vực này của thế giới, EU có một ảnh hưởng rất yếu, họ còn đang quá bận rộn với nhiều vấn đề phải giải quyết liên quan Ukraine,
"Tôi không nghĩ Liên minh Châu Âu sẽ có bất cứ một hành động nào ở khu vực này và thực tế EU không có thực lực hay sức mạnh quân sự để làm điều đó, cường quốc duy nhất có thể làm được một điều gì đó thực sự có ý nghĩa ở khu vực là Hoa Kỳ, chứ không phải là EU."
Hải quân Trung Quốc
TQ thay đổi từ một 'đối tác đầu tư' sang một 'thế lực tham vọng' về quân sự ở khu vực.
Theo ông Huchet, ngoại trừ một vài tuyên bố mang tính chính trị, quốc tế có thể không nên kỳ vọng thêm 'bất cứ điều gì to tát' từ EU tại khu vực Biển Đông, tuy nhiên, một lần nữa, theo nhà nghiên cứu, Trung Quốc hiện nay nên thận trọng để tránh sai lầm.
Ông Huchet nói: "Trung Quốc đang thay đổi cách chơi, trong một hai chục năm trở lại, họ xuất hiện ở khu vực châu Á, Đông Nam Á như một đối tác đầu tư, hợp tác kinh tế,
"Thế nhưng sau khi được cho là đã nắm được nhiều lợi thế gây dựng được ở nhiều quốc gia trong khu vực, khẳng định được ảnh hưởng và vị thế kinh tài, họ lại muốn chuyển sang một bộ mặt khác, họ muốn chơi những con bài để đạt được sự thống trị ảnh hưởng và áp lực về an ninh, quân sự,
"Đây là điểm mà theo tôi, Trung Quốc phải hết sức thận trọng, nếu như họ không muốn phạm phải một sai lầm lớn tạo ra một liên minh chống đối Trung Quốc trong khu vực, cộng thêm với đối thủ lâu nay của họ là Hoa Kỳ," ông Huchet nói với BBC.

'Tạm rút nhưng sẽ quay lại?'

Giới quan sát hiện đang tiếp tục theo dõi và dự đoán các động thái, kịch bản xử lý cuộc xung đột xung quanh vụ giàn khoan HD-981 giữa Trung Quốc và Việt Nam.
"Nếu Trung Quốc thực sự muốn khoan dầu, họ sẽ đánh dấu vị trí giếng dầu sau khi giàn khoan khổng lồ này được đưa đi. Đồng thời Trung Quốc sẽ vẫn duy trì các tàu hải cảnh ở khu vực được cho là có dầu"
GS Carl Thayer
Hôm thứ Bảy, 24/5, Giáo sư Carl Thayer, một nhà nghiên cứu từ Học viện Quốc phòng Úc được tờ báo mạng VnExpress.net của Việt Nam trích dẫn lời, nêu nhận định:
"Có vẻ như Trung Quốc sẽ rút giàn khoan dầu về nước trong hoặc trước ngày 15/8 tới để tránh mùa bão lớn trên biển... Các cơn bão sẽ đem lại cơ hội cho Trung Quốc xuống thang."
Tuy nhiên nhà nghiên cứu này cho rằng Trung Quốc có thể sẽ trở lại và sau khi tạm rút, sẽ vẫn có những động thái bảo vệ ảnh hưởng tại khu vực.
"Nếu Trung Quốc thực sự muốn khoan dầu, họ sẽ đánh dấu vị trí giếng dầu sau khi giàn khoan khổng lồ này được đưa đi. Đồng thời Trung Quốc sẽ vẫn duy trì các tàu hải cảnh ở khu vực được cho là có dầu," GS. Thayer được dẫn lời nói thêm.
"Dự đoán Trung Quốc có thể sẽ cân nhắc lập một vùng nhận dạng phòng không giới hạn phía trên đảo Hải Nam và quần đảo Trường Sa nhằm thiết lập thẩm quyền của thành phố Tam Sa."
Theo nhà quan sát này, trước viễn cảnh đó, Việt Nam tiếp tục cần cân nhắc những biện pháp, trong đó các bước đi, động thái cả về pháp lý lẫn ngoại giao.
"Việt Nam phải tiếp tục đưa vụ việc này ra cộng đồng quốc tế, nếu không sẽ đứng trước nguy cơ bị cô lập. Việt Nam có thế đứng vững chắc, với điều kiện không bị khiêu khích bởi Trung Quốc...
"Việt Nam và Philippines là hai nước ở tiền tuyến trong số các nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Sự hợp tác giữa Việt Nam và Philippines mới đây là một bước đi rất tích cực," ông Thayer nói với tờ báo mạng của Việt Nam.

Diễn biến mới nhất sau cuộc đảo chính ở Thái Lan


Đăng Bởi  - 
Ảnh: Quân đội trưng chứng cứ âm mưu khủng bố
Ảnh: Quân đội trưng chứng cứ âm mưu khủng bố
Quân đội giải tán Thượng viện và bắt một nhóm “khủng bố” được lãnh đạo phe “áo đỏ” ủng hộ chính phủ nữ Thủ tướng Yingluk Shinawatra ra lệnh tiến hành tấn công khủng bố ở Khon Kaen (đông bắc Thái Lan).
Theo báo Nation ngày 25.5, Thiếu tướng Thawat Plangsuk, phó chỉ huy Quân khu 2 cho biết, 21 người đàn ông và một phụ nữ bị bắt trong hai ngày qua cùng một số vũ khí bị tịch thu. Họ đã khai nhận lên kế hoạch tấn công khủng bố ở Khon Kaen, theo lệnh của những lãnh đạo cứng rắn trong “phe áo đỏ”.
Các cuộc điều tra khác cũng tiến hành với các nghi can và lãnh đạo “áo đỏ” tại một số vùng, để tìm hiểu có phải họ tính mở một loạt vụ tấn công khủng bố phối hợp ở vùng đông bắc Thái Lan hay không.
Theo một nguồn “chỉ điểm”, các binh lính, cảnh sát và dân thường đã đến một dãy nhà ở Khon Kaen, phát hiện 22 nghi can trên đang họp ở hai phòng 406 và 407. Nhóm tuần tra cũng phát hiện thuốc nổ, 3 lựu đạn, 1 quả lựu đạn cay, 2 hộp đạn cùng nhiều viên đạn, điện thoại di động, áo chống đạn, đèn pin, tài liệu huấn luyện lực lượng nhân dân tự vệ, thẻ tổ chức Mặt trận thống nhất vì nền dân chủ chống độc tài (UDD) của họ.
Cũng có ảnh các nghi can chụp chung với một số “chop bu” của UDD. Cũng theo Tướng Thawat, nhóm nghi can khủng bố này đang bị giam ở một chỗ an toàn, trong khi các cán bộ chủ chốt của UDD ở các tỉnh đông bắc đang bị giám sát chặt.
Người phát ngôn của quân đội cũng nói đã có 150 người bị Hội đồng duy trì trật tự và hòa bình quốc gia (NCPO) tạm giam và thời gian tạm giam sẽ không quá 7 ngày, tùy theo vai trò của họ liên quan những hoạt động phá rối hòa bình và trị an. Những người có trát bắt từ đầu cuộc biểu tình sẽ bị truy tố.
NCPO cũng cho biết, đã bắt tạm giam nữ cựu Thủ tướng Yingluck cùng một số thành viên nội các bị lật đổ. Nhóm bị bắt này sẽ bị tạm giam không quá 7 tuần.
NCPO còn ra lệnh triệu tập thêm 35 người, gồm một số giáo sư và lãnh đạo “áo đỏ”, vào  lúc 16 giờ chiều 24.5, nếu không trình diện thì họ có thể bị tù 2 năm hoặc bị bắt nộp phạt 40.000 bath, hoặc chịu cả hai hình phạt này.
NCPO cũng đã cho phép 14  đài truyền hình phát sóng trở lại, với điều kiện không phát các nội dung có thể kích động bạo lực.
Tối 24.5, Tướng tư lệnh Prayuth Chan-ocha với vai trò Thủ tướng lâm thời, đã giải tán Thượng viện, cơ quan lập pháp cuối cùng, và ông sẽ lãnh trách nhiệm, theo một tài liệu do NCPO cung cấp.
Tài liệu này nêu các vấn đề cần có sự chấp thuận của Thượng hoặc Hạ viện thì nay sẽ do chủ tịch NCPO duyệt. Việc giải tán Thượng viện sẽ mở đường để lập một quốc hội được chỉ định và soạn hiến pháp mới, đồng thời xóa tin đồn Thượng viện có thể chỉ định Thủ tướng mới. 
Tướng Prayuth hôm 23.5 đã nói ông sẽ lập quốc hội với một hội đồng cải cách chính trị toàn quốc. Việc soạn hiến pháp mới sẽ tiến hành cùng lúc với cuộc cải cách này. Trước mắt, toàn bộ chức năng lập pháp nằm trong tay ông.

Sáng 24.5, khoảng 200 người đã tụ tập trước một rạp hát ở Bangkok để phản đối cuộc đảo chính trước khi họ bị binh lính giải tán. Cuộc đảo chính này đã bị cộng đồng quốc tế lên án.
Nền dân chủ mong manh của Thái Lan đã trải qua 19 vụ đảo chính hoặc toan đảo chính kể từ năm 1932 đến nay. Các nhà phân tích nói có khả năng quân đội sẽ nắm quyền lực suốt một thời gian dài, sau khi quân đội nói tướng Prayut đã gởi thư báo cáo cuộc đảo chính của ông lên Nhà Vua Bhumibol Adulyadej 86 tuổi.
Quân đội nói Vua đã “công nhận” thư của tướng Prayuth. Vị vua già được các thần dân Thái Lan kính trọng, quân đội khi tổ chức đảo chính thường xin Vua ban ơn để hợp thức hóa hành động của họ. 
Trần Trí (theo Nation,AFP)

Phóng viên báo nước ngoài: Những gì TQ rêu rao là bịa đặt


Đăng Bởi  - 
Hình ảnh tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam - Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam
Hình ảnh tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam - Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam
“Ra đây, tôi đã chứng kiến Trung Quốc triển khai rất nhiều tàu ở trong khu vực này. Tôi rất ngạc nhiên và sốc khi chứng kiến những hành động của Trung Quốc",  nhà báo Toshihiro Yatagal, Trưởng văn phòng đại diện Hãng tin Nhật Bản -  Kyodo News tại Bangkok (Thái Lan), đã thốt lên như vậy.
Sự có mặt của báo chí nước ngoài trên vùng biển Hoàng Sa giúp họ có cái nhìn khách quan, chính xác về hành động của Trung Quốc
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được dư luận trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm. Những ngày qua, cùng với các phóng viên trong nước, nhiều nhà báo của các cơ quan báo chí nước ngoài cũng kịp thời có mặt tại “điểm nóng” Hoàng Sa, chứng kiến hành động hung hăng của các tàu Trung Quốc.
Đã qua tuổi 50 nhưng nhà báo Toshihiro Yatagal, Trưởng văn phòng đại diện Hãng tin Nhật Bản -  Kyodo News tại Bangkok (Thái Lan) rất năng động. Từng có mặt tại các điểm nóng trong vùng chiến sự ở nhiều nước trên thế giới, nhưng khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, nhà báo Toshihiro Yatagal đã kịp thời đến Hoàng Sa tận mắt chứng kiến sự việc.
Ông Toshihiro yatagal, Trưởng Văn phòng Hãng tin Kyodo news (Nhật Bản) tại Bangkok Thái Lan trả lời phỏng vấn của PV VOV (Ảnh Nguyễn Đông) 
Nhà báo Toshihiro Yatagal cho biết, ông quan tâm đến sự kiện này bởi nó không còn là vấn đề của 2 nước Việt Nam và Trung Quốc mà liên quan đến đường hàng hải quốc tế, được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm. Trả lời câu hỏi của phóng viên về hành động của Trung Quốc và phản ứng của Việt Nam trên thực địa, nhà báo Toshihiro Yatagal cho rằng: Trung Quốc đưa quá nhiều tàu ra vùng biển này chỉ làm tăng thêm căng thẳng tại biển Đông.
“Ra đây, tôi đã chứng kiến Trung Quốc triển khai rất nhiều tàu ở trong khu vực này. Tôi rất ngạc nhiên và sốc khi chứng kiến những hành động của Trung Quốc. Tôi cũng đã chứng kiến rất nhiều lần tàu Việt Nam tiến vào gần khu vực giàn khoan thì phía Trung Quốc lập tức đưa tàu ra để ngăn chặn. Có những lúc có tới 4 đến 5 tàu Trung Quốc kèm 1 tàu Việt Nam. Tôi cho rằng, phía Trung Quốc không nên hành động như vậy trong khu vực này”, ông Toshihiro Yatagal.
Nhà báo Hoàng Đình Nam, phóng viên Hãng thông tấn AFP tại Hà Nội cũng có mặt trên tàu cảnh sát biển Việt Nam ra điểm nóng Hoàng Sa. Những ngày cùng lực lượng chấp pháp Việt Nam tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981, ông đã ghi lại nhiều hình ảnh các tàu Trung Quốc đâm va, dùng vòi rồng phun nước vào các tàu Việt Nam làm nhiệm vụ trên biển.
 Nhà báo Hoàng Đình Nam, Hãng thông tấn AFP trả lời phỏng vấn phóng viên VOV (Ảnh Vinh Thông)
Nhà báo Hoàng Đình Nam cho biết, với những gì diễn ra tại thực địa rõ ràng thông tin mà phía Trung Quốc rêu rao rằng, tàu Việt Nam “đâm va” tàu Trung Quốc là bịa đặt.
“Qua 4, 5 ngày tác nghiệp trên vùng biển Hoàng Sa, gần nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan nước sâu và mang đến cả đội tàu rất đông đảo để bảo vệ. Tôi đã mục kích sự vi phạm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Rõ ràng trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà Trung Quốc mang cả đội tàu lớn và có những hành xử rất ngỗ ngược”, ông Nam chia sẻ.
Việt Nam kiên quyết đấu tranh yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam. Việc đẩy mạnh tuyên truyền, tranh thủ dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền vùng biển của mình là hết sức cần thiết. Sự có mặt của đội ngũ báo chí nước ngoài trên thực địa vùng biển Hoàng Sa hiện nay giúp họ có cái nhìn khách quan, chính xác và lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam.
Đình Thiệu-Vinh Thông/VOV- Miền Trung 

Tàu hộ vệ tên lửa TQ rút ra xa giàn khoan - Thế giới lo ngại chiến tranh

(Tinmoi.vn) Diễn biến mới về tình hình già khoan Hải Dương 981, tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc đã được đưa ra cách xa giàn khoan Hải Dương 981, neo ở phía Đông Nam đảo Tri Tôn (nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép).
Trung Quốc rút tàu hộ vệ tên lửa nhưng tăng số lượng tàu
Theo tin tức của Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong ngày hôm qua (24/5), tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc đã được đưa ra cách xa giàn khoan Hải Dương 981, neo ở phía Đông Nam đảo Tri Tôn (nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép).
Tại buổi họp báo do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 23/5, ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát Biển cho biết, ngoài tàu hộ vệ tên lửa mà Trung Quốc mang ra để bảo vệ giàn khoan trái phép thì TQ còn có các tàu vận tải đổ bộ 17 nghìn tấn có 8 ống pháo tên lửa phòng không; tàu tên lửa tuần tiễu tấn công nhanh; tàu tuần tiễu săn ngầm; tàu tuần tiễu tấn công nhanh cũng tham gia bảo vệ giàn khoan, các tàu này cùng giàn khoan và nhiều tàu, thuyền khách của TQ đang ngang nhiên vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, vùng tài phán của VN. Những tàu này đều đã bị Cảnh sát biển VN ghi lại đầy đủ số hiệu. 
Tàu hộ vệ tên lửa TQ rút ra xa giàn khoan, thế giới lo ngại chiến tranh tại châu Á
Tàu hộ vệ hạng nhẹ Huệ Châu Type 056 của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc.
Như vậy, mặc dù rút tàu hộ vệ tên lửa nhưng TQ vẫn còn duy trì những tàu quân sự khác để bảo vệ giàn khoan trái phép.
Cũng theo Cục Kiểm ngư, trong ngày hôm qua (24/5), tại khu vực xung quanh giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc gia tăng số lượng tàu với 127 tàu các loại (tăng 5 tàu so với ngày 23/5).
Cụ thể, Trung Quốc có 44 tàu hải cảnh, 18 tàu vận tải, 14 tàu kéo, 50 tàu cá các loại (tàu cá vỏ sắt tải trọng từ 140-200 tấn, tàu cá vỏ gỗ) và 1 tàu chiến.
Trong những ngày qua, các tàu chấp pháp của VN liên tục tiến sát giàn khoan Hải Dương 981, có những lúc tàu của ta đã tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 với khoảng cách 3,7 hải lý. Tuy nhiên, các tàu Trung Quốc tiếp tục tấn công, tăng cường đâm va, dùng vòi rồng phun nước vào các tàu của ta khiến 8 tàu bị hư hỏng.
Việt Nam sẵn sàng kiện
Bên lề kỳ họp Quốc hội (24/5), Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay sau khi nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình biển Đông, đoàn Quốc hội rất đồng tình và ủng hộ các giải pháp mà Chính phủ đưa ra. "Chúng tôi rất đồng tình, phát biểu của Thủ tướng thể hiện quan điểm, lập trường của người đứng đầu Chính phủ. Chúng ta cần nói với thế giới rằng Việt Nam yêu chuộng hoà bình, nhưng chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, chúng ta đã, đang và sẽ có các giải pháp theo đường lối hoà bình và tự vệ".
Tàu hộ vệ tên lửa TQ rút ra xa giàn khoan, thế giới lo ngại chiến tranh tại châu Á
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: "Trung Quốc không rút giàn khoan Hải Dương 981, Việt Nam sẵn sàng khởi kiện"
Ông Phúc khẳng định :"Chính phủ đang chuẩn bị hồ sơ, chứng lý để sẵn sàng làm cơ sở để khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nếu họ không rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam". Trong buổi họp báo Bộ Ngoại giao về tình hình biển Đông ngày 23/5, đại diện lãnh đạo UB Biên giới quốc gia của Việt Nam đã đưa ra những bằng chứng cụ thể, mạnh mẽ về chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa theo đúng quy định của Công ước luật Biển.
Thế giới lo nguy cơ chiến tranh ở châu Á
Trước những diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu lắng xuống ở biển Đông, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng châu Á có nguy cơ bùng phát chiến tranh nếu các nước trong khu vực không giải quyết các vấn đề căng thẳng một cách có trách nhiệm.
"Không quốc gia nào muốn chiến tranh. Các nước sẽ cố gắng tránh viễn cảnh đó nhưng không có nghĩa là chiến tranh không thể xảy ra. Từ những căng thẳng và các vụ va chạm nhỏ, tình hình sẽ leo thang. Những tính toán sai lầm có thể gây ra tình trạng xung đột không ai mong muốn", tờ Business Times dẫn lời Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại hội nghị Tương lai châu Á tại Tokyo ngày 23/5.Trọng tâm của hội nghị tương lai châu Á năm nay là tình trạng căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước ASEAN và ở Hoa Đông giữa Trung Quốc với Nhật Bản.
Tàu hộ vệ tên lửa TQ rút ra xa giàn khoan, thế giới lo ngại chiến tranh tại châu Á
Nhập mô tả cho ảnhThủ tướng Singapore. Ảnh: Todayonline.
Thủ tướng Singapore cho rằng châu Á có hai viễn cảnh trong hai thập niên tới: Hòa bình, thịnh vượng hay chia rẽ, tranh chấp.
Ông Lý Hiển Long cũng khẳng định rằng tương lai của khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ dựa vào sự tương tác của 3 cường quốc là Mỹ, Nhật và Trung Quốc.
Mỹ sẽ vẫn là siêu cường ưu việt trên thế giới vào năm 2034, ông Lý cho hay. Trong khi đó, Nhật Bản “sẽ là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới với sức mạnh to lớn trên lĩnh vực khoa học và công nghệ”. Tuy nhiên, “sự thay đổi lớn nhất đối với châu Á trong 20 năm tới sẽ là sự lớn mạnh về quyền lực và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc”, ông nhấn mạnh.
Thuận Phong
Nguồn : Tin Mới / Nguoiduatin.vn

Yêu nước qua mạng: Tại sao lại phê phán?


Hoàn cảnh thời đại đã khác, do đó cách biểu đạt lòng yêu nước cũng phải có những thay đổi. "Yêu nước qua mạng" cũng là một cách thể hiện khác biệt, mới mẻ của thế hệ trẻ.
Lòng yêu nước là một khái niệm có tính lịch sử, thời nào cũng có, cũng cần nhưng lại được biểu hiện theo nhiều cách khác nhau, phù hợp với đòi hỏi và điều kiện khách quan của xã hội từng thời kỳ nhất định. Tùy từng thời mà có khi "ái quốc" phải gắn liền với "trung quân", có khi là "trung với nước, hiếu với dân" và "sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì tổ quốc", v.v...
Ở xã hội hiện đại, thông tin đang trở nên ngày càng cập nhật nhanh chóng, rộng rãi, những người Việt trẻ sinh ra và lớn trong một thời kỳ lịch sử mới với những giá trị cuộc sống mới. Kéo theo đó, họ cũng có những cách biểu đạt lòng yêu nước của riêng mình.
Nhưng giới trẻ nói chung và thế hệ 9x nói riêng dường như thiệt thòi khi đang phải chịu những định kiến từ xã hội và thế hệ trước, xuất phát từ một bộ phận không nhỏ những người trẻ vô tình hay cố ý tiếp nhận những văn hóa ngoại nhập không có chọn lọc. Hậu quả của nó là lối sống hời hợt và thực dụng.
Song những biểu hiện mang tính hiện tượng này lại bị khái quát thành đặc trưng cả một thế hệ, dẫn đến những những báo động thiếu căn cứ và bi quan quá mức. Bất chấp những cố gắng mà giới trẻ đang biểu hiện, có một định kiến phổ biến là lòng yêu nước của thế hệ trẻ bị lu mờ bởi những cám dỗ của cuộc sống hiện đại.
Lòng yêu nước của giới trẻ Việt chưa được kiểm chứng qua hoàn cảnh chiến tranh, súng đạn, nhưng ít nhiều cũng được thể hiện rõ trước những biến cố lớn của dân tộc. Chẳng hạn gần đây là quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp (10/2013) và hành động xâm phạm chủ quyền VN của TQ vừa qua. Qua đó, chúng ta thấy được thông điệp về lòng yêu nước mà thế hệ trẻ gửi đến xã hội.
Giàn khoan, HD-981, Hải Dương-981, biển Đông, ASEAN, Trung Quốc, COC, DOC, yêu nước, tuần hành, vòi rồng, bành trướng, chiến tranh, Trường Sa, Hoàng Sa, chủ quyền, độc lập dân tộc
Bức ảnh được nhiều "cư dân mạng" sử dụng làm ảnh bìa Facebook
Hoàn cảnh thời đại đã khác, do đó cách biểu đạt lòng yêu nước cũng phải có những thay đổi. "Yêu nước qua mạng" cũng là một cách thể hiện khác biệt, mới mẻ của thế hệ trẻ, có ưu thế trong lan truyền và quan trọng hơn thế, nó phù hợp với những thói quen của thế hệ.
Cách biểu đạt đó có thể là đơn giản như việc chia sẻ đồng loạt hình ảnh Đại tướng nắm chặt tay thể hiện tinh thần quyết thắng, cùng lá cờ Tổ quốc gắn băng đen trong ngày quốc tang Người. Hay hình ảnh những bàn tay đan chặt vào nhau tạo nên hình ngôi sao, chiếc thuyền chiến ẩn hiện trên nền cờ đỏ thắm được đồng loạt đổi thành hình đại diện trên mạng xã hội. Hay những dòng trạng thái thể hiện sự phẫn nộ, lên án hành động của TQ và sẵn sàng "lên đường khi Tổ quốc cần", v.v...
Những việc làm đó không phải chỉ là phòng trào, vô nghĩa. Bởi nếu chẳng có một tâm niệm nào về lòng tiếc thương vô hạn khi người anh hùng dân tộc nằm xuống và đau đáu khi một phần máu thịt của Tổ quốc bị chà đạp, thì sẽ không có những bức ảnh, những dòng trạng thái đầy trăn trở như thế.
Ý nghĩa của "yêu nước qua mạng" không thể đo trên những kết quả hiện hữu, có thể đong đếm được. Nhưng giá trị mà nó mang lại là sự cổ vũ tinh thần, là thôi thúc sự đoàn kết và biểu đạt sự phẫn nộ đến cao độ trước thái độ ngang ngược của hàng xóm "bốn tốt", tạo cơ sở cho hành động thực tiễn. Ngoài ra, nó cũng là cách lan truyền thông điệp và thể hiện quan điểm rất hữu hiệu ra bên ngoài khi mà giờ đây toàn thế giới đã kết nối với internet, với mạng xã hội.
Tuy nhiên, những thành kiến sẵn có đang gắn cho cách biểu hiện yêu nước này những cái mác như "ếch ngồi đáy giếng", "anh hùng bàn phím", "lý thuyết suông"... Hoặc bị mỉa mai rằng bày tỏ yêu nước khi đang  "ngồi điều hòa, ăn gà rán và uống Coca", hay "được mấy người ra trận khi Tổ quốc cần", v.v...
Cách đánh giá này có quá bất công? Trong lịch sử, chúng ta từng chính thống phát động những hoạt động thuần tính tinh thần như: gấp hạc giấy, viết thư cho bộ đội Trường Sa, làm thơ về biển đảo... để hưởng ứng, cổ vũ lòng yêu nước. Trong khi đó, cũng nhằm truyền tải những thông điệp về lòng yêu nước và đoàn kết dân tộc, yêu nước qua mạng lại bị cho là hành động vô ích, sáo rỗng, và thậm chí bị quy kết là biểu hiện cho sự thờ ơ của thế hệ trẻ với vận mệnh của quốc gia khi thực hiện nó như một phong trào.
Mọi người không nhìn nhận một cách tích cực rằng yêu nước qua mạng sẽ là một sức mạnh tinh thần đồng hành cùng với những biểu hiện yêu nước khác. Tất nhiên, nó chỉ thực sự có ý nghĩa khi trở thành nền tảng cho những hành động thiết thực, như trau dồi bản thân để ngày càng hoàn thiện, tự tin, xây dựng đất nước giàu mạnh và vươn ra biển lớn, như lên đường khi Tổ quốc cần, v.v...
Chúng ta cần có một niềm tin để giới trẻ sống và chịu trách nhiệm về cuộc sống của họ. Cũng như cần có  sự tôn trọng, cái nhìn tích cực đối với cách biểu hiện yêu nước của giới trẻ, để nuôi dưỡng, cổ vũ, nhân rộng những hạt mầm tốt lành đó. Có như vậy nhân tâm cả nước, không phân biệt già trẻ, sang hèn... mới kết tụ thành sức mạnh đồng nhất trong hoàn cảnh Tổ quốc nguy biến.
Phong Trần