Trang

20 tháng 5, 2014

TQ bất chấp thỏa thuận cấp cao


- Việc TQ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN là vi phạm đặc biệt nghiêm trọng lãnh thổ VN, bất chấp những thỏa thuận cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước - Chủ tịch QH phát biểu khai mạc kỳ họp QH.
Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 7 QH khóa 13 sáng nay (20/5), Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ ý kiến về tình hình Biển Đông.
chủ quyền, giàn khoan, Hải Dương 981, Trung Quốc, Chủ tịch QH, UNCLOS, DOC, Nguyễn Sinh Hùng, Biển Đông
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: Lê Anh Dũng
Ông Nguyễn Sinh Hùng nói: "Những ngày qua, nhân dân và các ĐBQH đang theo dõi sát tình hình Biển Đông với những diễn biến rất phức tạp, khó lường. Việc TQ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN, cùng với việc huy động, trong đó có cả tàu chiến và máy bay quân sự, là vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ VN, đe dọa hòa bình và an ninh, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), bất chấp những thỏa thuận cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước Việt - Trung".
Chủ tịch QH khẳng định: Đồng bào ta thực sự lo lắng và kiên quyết phản đối, cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, lo lắng, chia sẻ và tỏ tình đoàn kết với VN.
Ông Nguyễn Sinh Hùng cho biết tại kỳ họp này, QH sẽ nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông, cho ý kiến về vấn đề này với tinh thần kiên quyết bằng mọi giải pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời kiên trì gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, kiên trì bảo vệ và giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước VN-TQ.
Trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói: Trước việc TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã cực lực phản đối, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích chính đáng phù hợp với luật pháp quốc tế và truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta.
An toàn tuyệt đối cho DN nước ngoài
Trước đó, theo báo VnEconomy, trưa 19/5, một báo cáo do Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh ký và gửi đến các ĐBQH có riêng một mục “Về vấn đề liên quan đến chủ quyền ở Biển Đông”.
Trong đó, Chính phủ nhận định: Trước các hoạt động của TQ vi phạm chủ quyền nước ta trên Biển Đông, ta đã thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh cả trên thực địa, ngoại giao, tuyên truyền vận động quốc tế; tạo được sự đoàn kết của cả dân tộc, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và các nước trên thế giới.
Từ đó Chính phủ cam kết “thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, tăng cường lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia ở biển Đông”, tái khẳng định nỗ lực giải quyết tình hình phức tạp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 và DOC, tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của cộng đồng quốc tế, phát huy tinh thần yêu nước và sức mạnh của toàn dân tộc trong bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Nhận định tình hình phức tạp ở một số địa phương với các hành vi vi phạm pháp luật, manh động phá hoại cơ sở sản xuất, có cả cơ sở sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài và chống người thi hành công vụ, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, sinh hoạt bình thường của người dân, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước, Chính phủ khẳng định "làm hết sức mình tạo mọi thuận lợi và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, doanh nghiệp và cơ quan nước ngoài tại Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật và các cam kết quốc tế của Việt Nam".
Theo lịch, ngay chiều nay QH sẽ họp kín nghe Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh báo cáo về tình hình Biển Đông. Các đại biểu sẽ thảo luận tại đoàn về chủ trương và giải pháp của VN vào sáng mai (21/5).
Báo cáo trước QH ý kiến cử tri, Chủ tịch UB TƯ MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân cho biết nhân dân cả nước đặc biệt tỏ ra rất bất bình về việc TQ đã ngang nhiên hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế nước ta, huy động một lượng lớn tàu thuyền, kể cả tàu quân sự và máy bay để bảo vệ cho việc làm trái luật pháp quốc tế này, đe dọa và làm tổn hại tàu, thuyền của VN hoạt động hợp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Nhân dân trong nước, kiều bào ta sinh sống ở nước ngoài cực lực phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN, gây tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đồng thời bày tỏ sự đồng tình với lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề này qua phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar ngày 11/5 và phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc hội nghị TƯ 9 ngày 14/5.
Nhân dân tin tưởng và mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có biện pháp phát huy truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường, nhân nghĩa của dân tộc VN, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế. Nhân dân cũng lên án một số kẻ xấu đã tổ chức các hoạt động xâm phạm quyền, lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài tại VN, ủng hộ chủ trương của Chính phủ xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, làm tổn hại đến các nhà đầu tư và uy tín của đất nước.
Chung Hoàng - Cẩm Quyên

19 tháng 5, 2014

Đừng coi nhau là thù địch !


Giặc ngoại xâm Trung Quốc đang chiếm đóng lãnh hải Việt Nam, mưu đồ độc chiếm biển Đông, Hán hóa- nô dịch VN. Giặc nội xâm- tham nhũng, nhóm lợi ích, đang tàn phá đất nước.

Tổ quốc lâm nguy !

Người Việt Nam hãy bình tâm suy xét:
- Đừng coi những người nói ra sự thật là nói xấu xã hội!
- Đừng coi người biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc xâm lược là gây rối, là phản động!
- Đừng coi người bất đồng chính kiến là kẻ thù!
- Đừng coi người không thích mình là “thế lực thù địch"!
- Đừng vu cáo, bôi nhọ các nhóm, các cá nhân chống TQ, chống tham nhũng là “zận chủ”, là Việt Tân!
- Đừng coi tất cả các tuyên truyền viên là “dư lợn viên”!
- Đừng chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ!
- Đừng cố tình áp đặt, nghi ngờ, đẩy nhau về phía kẻ thù!
- Đừng “giàu thì ghét, nghèo thì khinh, thông minh thì diệt”!
Một câu nói, một đồng bạc lẻ, một hành động tiến bộ vì Tổ quốc, vì Nhân dân đều đáng trân trọng!
Hãy vì một Việt Nam Độc lập- Tự do- Công bằng- Dân chủ!
Sự nghiệp xây dựng- bảo vệ Tổ quốc là của toàn dân, của bạn và của tôi!

Thắp ngọn nến nhỏ thôi
Cho đêm đỡ tăm tối
Xíu hơi ấm cho đời
Có hơn không bạn ơi !

Dân đen Phạm Văn Hải

TS Giáp Văn Dương và cuộc cách mạng trong giáo dục


Đăng Bởi  - 
TS Giáp Văn Dương và cuộc cách mạng trong giáo dục
Trở về Việt Nam sau nhiều năm học tập và làm việc ở nước ngoài, Tiến sĩ Giáp Văn Dương (*) đã gần như ngay lập tức tạo “sóng dư luận” bằng sự kiện khai trương GIAPSCHOOL – một loại hình giáo dục chưa từng có ở Việt Nam.
MOOC là gì? Câu trả lời phổ biến nhất sẽ là: MOOC là viết tắt của cụm từ Massive Open Online Course, tức Khóa học Trực tuyến Mở Đại trà. Trực tuyến vì được dạy và học trên mạng internet; Mở vì bất cứ ai cũng có thể tham gia; Đại trà vì số lượng người tham gia học có thể lên đến hàng trăm nghìn người. Khóa học đông người tham gia nhất hiện nay của MOOC là khóa Nhập môn Khoa học máy tính (CS 101) của Udacity với 300 nghìn người tham dự.
Sự ra đời của MOOC được nhiều chuyên gia đánh giá là một cuộc cách mạng trong giáo dục. Vì lẽ đó, tạp chí The New York Times đã gọi năm 2012 là năm của MOOC. Tất nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những lo ngại vê tương lai của MOOC.
TS Giáp Văn Dương
Tuy vậy, bản thân khái niệm MOOC cũng vẫn đang phát triển và thay đổi không ngừng. Cho đến nay, vẫn chưa có một định nghĩa nhất quán về MOOC. Nhưng chúng ta có thể tạm hiểu MOOC như một sự phát triển mới nhất của hình thức học trực tuyến (e-learning), trong đó nhấn mạnh đến sự phát triển của một khái niệm mới, một cách tiếp cận mới, hơn là một sự thay đổi về công nghệ, vì cả MOOC và e-learning đều sử dụng internet làm nền tảng triển khai nội dung đào tạo của mình.
Còn về GiapSchool, thì đó là một cổng MOOC tiên phong ở Việt Nam, được thiết kế để tải lên hàng trăm khóa học trực tuyến mở, cho hàng chục nghìn người tham người tham dự cùng một lúc. Trên thực tế, số khóa học có thể tải lên và số người tham gia học trên cổng GiapSchool là không hạn chế.
Hiện giờ, GiapSchool đang khai giảng các khóa học về nhiều cấp độ và lĩnh vực khác nhau, với tốc độ dự kiến là 2 khóa/tuần. Khóa học đầu tiên “Hiểu về giao tiếp” đã có hơn 1500 người đăng ký học, và vẫn tiếp tục tăng từng ngày. Các khóa khác số người đăng ký có ít hơn vì quá chuyên sâu vào một lĩnh vực hẹp, nhưng con số cũng rất đáng khích lệ.
Như anh mô tả , GIAPSCHOOL có vẻ là mô hình giáo dục chưa từng có ở Việt Nam. Người đứng đầu GIAPSCHOOL đang đứng trước những thuận lợi và thách thức gì?
Thuận lợi duy nhất là tôi có thể rút kinh nghiệm về thành công của một số cổng MOOC khác của thế giới, như edX, Coursera, vì họ ra đời trước khoảng một năm. Còn khó khăn thì vô vàn. Đầu tư cho giáo dục trực tuyến mở đòi hỏi chi phí về nhân lực và tài chính rất lớn.
Chẳng hạn, edX được Harvard và MIT đầu tư 60 triệu USD, còn Coursera được các nhà đầu tư cung cấp 65 triệu USD để phát triển. Ngay Khanacademy, một cổng giáo dục trực tuyến tương tự như MOOC, cũng được đầu tư đến nay gần 10 triệu USD từ Google, Bill & Melinda Gates Foundation và cộng đồng Mỹ và thế giới.
Nhưng GiapSchool đến giờ vẫn là một dự án cá nhân, được xây dựng bằng tiền túi của một người, nên không đủ tiềm lực để đầu tư lớn về cơ sở vật chất. Ngay cả nhân lực cũng rất hạn chế. Tôi gần như phải làm tất cả mọi việc to nhỏ khác nhau, từ soạn bài, giảng bài, đến quản trị trang, giải đáp thắc mắc của học viên…
Vì thế, tôi phải tìm một cách vận hành GiapSchool hoàn toàn khác với các cổng MOOC hiện thời, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng của các khóa học. Việc đó thực sự rất khó khăn.
Ở Anh, Internet đóng góp 8,3% GDP. Ở Việt Nam, hơn 35% dân số sử dụng Internet và những mô hình như GIAPSCHOOL có gợi lên được những hi vọng mới nào cho đời sống tinh thần và kinh tế của Việt Nam không, thưa anh?
Con số 35% dân số Việt Nam tiếp cận internet, tương ứng với khoảng 30 triệu dân, là con số rất đáng khích lệ. Tuy phần lớn những người này còn dùng internet cho các mục đích giải trí, thì tôi cho rằng đây cũng là một tin mừng, một số lượng tới hạn để các mô hình giáo dục, kinh tế trên internet hoạt động được.
Trên thực tế, internet đã thay đổi rất nhiều thói quen sinh hoạt của nhiều người Việt Nam, đặc biệt là những người sống ở thành thị. Rất nhiều người khởi đầu một ngày mới bằng việc vào internet để kiểm tra thư điện tử, tin nhắn, lịch làm việc, tìm kiếm thông tin, đọc báo v.v. và cũng thường kết thúc một ngày theo cách tương tự.
Cách tiếp cận và xử lý thông tin, cách giao tiếp và triển khai công việc cũng hoàn toàn khác trước. Cả thế giới rộng lớn được mở ra trên mạng. Không còn lo thiếu thông tin nữa, mà lo xử lý thông tin sao cho hiệu quả và chính xác. Như vậy, rõ ràng internet có ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhóm người này.
Trong bối cảnh đó, các mô hình giáo dục như GiapSchool hoàn toàn có thể có những đóng góp rất tích cực cho xã hội. Để đơn giản, chị có thể hình dung một câu chuyện như sau: Sau một ngày mệt nhọc, buổi tối chị phải dạy con học bài. Nhưng chị quá mệt mỏi để đọc sách và giảng bài cho con. Kiến thức của chị có thể cũng không đủ cập nhật, hoặc đơn giản là chị đã quên mất. Vậy thì làm sao?
Thật đơn giản: mở điện thoại, máy tính bảng, máy tính cá nhân để vào các trang như GiapSchool và chọn bài giảng phù hợp. Hai mẹ con có thể cùng xem, hoặc con chị có thể tự học một mình. Vậy là chị không còn phải mệt nhọc để hướng dẫn con học vào buổi tối nữa. Con chị có thể tự học, vì luôn có một gia sư ở bên cạnh.
Cháu cũng có thể tự học ở nhà theo chỉ dẫn của cô giáo. Sáng hôm sau đến trường, thay vì học các khái niệm mới, cháu sẽ được thảo luận với cô về bài học ở nhà, sau đó làm bài tập. Như vậy qui trình học đã thay đổi hoàn toàn. Việc học cũng được cá nhân hóa ở mức rất cao.
Một tình huống khác là chị cũng muốn học thêm một lĩnh vực nào khác, hoặc củng cố kiến thức cũ của mình, vậy là chị lại vào GiapSchool chọn một khóa học phù hợp mà không cần phải đến trường. Và bất cứ người nào khác cũng đều có thể làm như chị.
Khi quyết định trở về từ môi trường làm việc ở Singapore, anh đã nghĩ đến việc mở GIAPSCHOOL ? Ai ủng hộ anh mạnh mẽ nhất trong quyết định này?
Tất nhiên rồi, thưa chị. Khi rời Singapore, tôi mang theo hai ý tưởng: xây dựng Tủ sách chuyên gia và cổng giáo dục trực tuyến mở GiapSchool. Ban đầu tôi ưu tiên cho tủ sách, vì không nghĩ mình có thể tự làm cổng giáo dục trực tuyến mở, do đầu tư quá lớn.
Nhưng sau hai tháng, công việc của tủ sách tiến triển rất chậm vì vướng mắc bản quyền. Kinh tế vẫn chìm trong khủng hoảng nên việc vận động kinh phí biên dịch gặp khó khăn rất lớn, các nhà xuất bản cũng không mặn mà với thể loại sách này, nên tôi phải đẩy dự án về cổng giáo dục trực tuyến mở thành ưu tiên trước. Thoạt nhìn thì hai dự án này rất khác nhau, nhưng thực tế lại cùng chung mục đích đưa tri thức thế giới về Việt Nam.
Và người ủng hộ tôi nhất là vợ và cả các con tôi. Lúc đó, chúng tôi không còn cách nào khác là phải làm việc. Khó khăn đến mấy cũng phải tìm cách vượt qua. Nếu không, chuyến trở về của cả gia đình sẽ trở thành vô nghĩa. Lúc đó chúng tôi gần như sống biệt lập ở ngoại ô Hà Nội suốt 6 tháng trời, và câu cửa miệng của cả nhà trong suốt mấy tháng đó là GiapSchool. Ngay cả cô con gái nhỏ chưa đầy 5 tuổi của tôi cũng tình nguyện đọc giúp mấy bài thơ thiếu nhi cho GiapSchool.
Còn mới quá nhưng vẫn muốn hỏi: anh tin bao nhiêu phần trăm vào sự tồn tại và phát triển của GIAPSCHOOL?
Là 100%. Nếu không, tôi đã chẳng mạo hiểm như vậy.
Thanh Nguyễn - Người Đô Thị

Chủ tịch Quốc hội: "Hòa bình và an ninh đang bị đe doạ"


20/05/2014 09:01 (GMT + 7)
TTO - 9g sáng nay (20-5), kỳ họp thứ bảy (Quốc hội khóa XIII) khai mạc trọng thể tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội.
Chủ tich Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng giao lưu với các đại biểu trước giờ khai mạc Kỳ 7 Quốc hội khóa XIII - Ảnh: Việt Dũng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao lưu với các đại biểu trước giờ khai mạc Kỳ 7 Quốc hội khóa XIII - Ảnh: Việt Dũng 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng và Nhà nước dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh  - Ảnh: Việt Dũng
Trước đó vào lúc 7g15, các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh kỳ họp lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, tuy nhiên kinh tế trong nước chuyển biến tích cực, lạm phát được kiềm chế, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng khá. Tuy vậy kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, tái cơ cấu nền kinh tế chuyển biến chậm, đang xuất hiện khó khăn mới, cần có giải pháp đồng bộ, sử dụng hợp lý có hiệu quả các nguồn lực của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội nói cần đoàn kết, nhất trí, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2014.
Về lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói cần xem xét sửa đổi, hoàn thiện để tiếp tục thực hiện chủ trương này.
Chủ tịch Quốc hội nói tình hình ở biển Đông đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép với tàu chiến và máy bay bảo vệ là vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, bất chấp các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước, đe dọa hòa bình và an ninh, đồng bào ta lo lắng và kiên quyét phản đối, cộng đồng quốc tế chia sẻ và bày tỏ tình đoàn kết với Việt Nam.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về tình hình biển đông, tinh thần là bằng mọi biện pháp bảo vệ chủ quyền với đường lối hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ để kỳ họp thành công tốt đẹp.
Tiếp theo, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra cho năm 2013 có 10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 3 chỉ tiêu xấp xi kế hoạch, 2 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch là tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP, tỷ lệ giảm hộ nghèo...
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngay từ đầu năm 2014 Chính phủ đã có nghị quyết về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cho năm 2014, trong đó tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cơ bản giải phóng mặt bằng cho dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Kỳ họp Quốc hội lần này sẽ thông qua các dự án luật gồm: Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật đầu tư công, Luật Hải quan (sửa đổi); Luật phá sản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi); Luật xây dựng (sửa đổi); Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật công chứng (sửa đổi). Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét về nội dung thi hành khoản 2 điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam.
Các Nghị quyết trình Quốc hội thông qua gồm: Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về việc gia nhập công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (công ước và nghị định thư Cape Town).
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội cũng sẽ giám sát tối cao nội dung "việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012".
Đáng chú ý là Quốc hội sẽ dành thời gian để nghe Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về tình hình biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, chủ trương và giải pháp của Việt Nam.
Ngoài ra, các cơ quan bộ ngành hữu quan cũng sẽ chuẩn bị các báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu, gồm: Báo cáo về việc triển khai, thi hành Hiến pháp 2013; báo cáo về việc ban hành văn bản quy định chỉ tiết, hướng dẫn thi hành đối với luật, pháp lệnh; báo cáo vệc thực hiện các nghị quyết về chất vấn; báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; báo cáo về việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; báo cáo về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội; báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; báo cáo về việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công...
Các đại biểu Quốc hội cũng sẽ được báo cáo tình hình tham gia của Việt Nam trong việc hình thành cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào năm 2015; báo cáo về kiểm tra, rà soát sở hữu chéo có tác động méo mó thị trường trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh vàng theo nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014...
>> TTO tiếp tục cập nhật
Kỳ họp này sẽ tiếp tục triển khai Nghị quyết của Quốc hội về một số cải tiến, đổi mới về hoạt động của Quốc hội, chương trình kỳ họp  được thiết kế theo hướng: Rút ngắn thời gian trình bày báo cáo, tờ trình tại Hội trường; sắp xếp hợp lý giữa thảo luận Tổ và thảo luận tại Hội trường để có thời gian tập hợp, tổng hợp đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội và dự kiến tiếp thu chỉnh lý; hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được bố trí hợp lý; tăng cường phát thanh, truyền hình trực tiếp các phiên làm việc của Quốc hội tại Hội trường.

V.V.THÀNH

Không thể đổi chủ quyền lấy 'hòa bình'


Cập nhật: 16:13 GMT - chủ nhật, 18 tháng 5, 2014
Việt Nam 'đúng đắn' khi tuyên bố không thể trả giá cho 'hòa bình' bằng cách làm mất chủ quyền của đất nước mình và nhà nước cần phân biệt giữa biểu tình 'ôn hòa, có tổ chức' với 'lợi dụng, phá hoại', theo một nhà quan sát từ trong nước.
Trao đổi với BBC hôm 18/5/2014 từ Hà Nội, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ thời các ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải làm thủ tướng nói:
“Việt Nam hết sức cố gắng kiềm chế, hết sức cố gắng để duy trì hòa bình, duy trì khả năng thương lượng với Trung Quốc, đàm phán với Trung Quốc tới mức tối đa,
“Nhưng Việt Nam chắc chắn không trả giá cho hòa bình bằng cách là làm mất chủ quyền của nước mình,
"Nên để cho các tổ chức họ có thể đứng ra đăng ký với nhà nước để biểu tình. Và những tổ chức đã đăng ký biểu tình phải cam kết với nhà nước là chúng tôi biểu tình ôn hòa, không gây ra chấn động gì"
Bà Phạm Chi Lan
“Thì câu tuyên bố của ông Đam (Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam) là không thể trả giá cho hòa bình bằng chủ quyền của đất nước, tôi nghĩ là đấy là một lời tuyên bố đúng đắn,
“Có nghĩa ở đây phải khẳng định là nếu như đàm phán không được mà tất cả các biện pháp hòa bình không giải quyết được, thì Việt Nam cũng phải sẵn sàng với những biện pháp khác 'không hòa bình' như là Trung Quốc đang làm để bảo vệ chủ quyền của mình.”

'Cần cho đăng ký biểu tình'

Trước câu hỏi nhà nước Việt Nam có nên phân biệt giữa biểu tình ôn hòa và các hành vi lợi dụng, phá hoại hay không, bà Phạm Chi Lan, từng giữ cương vị Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói:
“Theo tôi nhà nước có thể phân biệt như thế này các cuộc biểu tình nên để cho các tổ chức họ có thể đứng ra đăng ký với nhà nước để biểu tình
“Và những tổ chức đã đăng ký biểu tình phải cam kết với nhà nước là chúng tôi biểu tình ôn hòa, không gây ra chấn động gì,
“Và chỉ với mục tiêu duy nhất là chống việc Trung Quốc đặt giàn khoan ở Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi Việt Nam, thì như vậy đấy là những biểu tình yêu nước, ôn hòa mà đã thường diễn ra ở một số nơi như đã diễn ra ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác trong Chủ nhật tuần trước,
“Ngoài biểu tình đó ra, những biểu tình khác mang tính chất tự phát ở các nơi thì cần phải có một nơi nào đó đứng ra đăng ký và cam kết giữ được ôn hòa,
“Thì tôi nghĩ điều đó hoàn toàn làm được,” nhà bình luận nói với BBC.

Kiện TQ ra tòa để đòi công lý trong hòa bình


(Dân trí) - Dù khó khăn, phức tạp bao nhiêu, Việt Nam cũng phải dốc hết sức lực, trí tuệ để kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Đây là biện pháp đấu tranh đòi công lý trong hòa bình.
 >> Tổng Bí thư: Kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ
 >> Chủ tịch nước: Nếu “cãi nhau” hoài không có kết quả thì phải ra tòa!
 >> Thủ tướng: Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 trên vùng biển chủ quyền Việt Nam đến nay, những gì diễn ra có thể tóm tắt như sau:

- Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan.

- Toàn thế giới lên tiếng ủng hộ Việt Nam, phản đối hành vi gây hấn của Trung Quốc.

- Nhân dân Việt Nam đoàn kết, thể hiện lòng yêu nước và tinh thần chống ngoại xâm.

- Chính phủ Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nhưng trên tinh thần hòa bình, hợp tác, hữu nghị, tôn trọng pháp luật quốc tế.

- Trung Quốc không có thiện chí rút lui mà ngày càng tỏ ra hung hãn, leo thang.

Trước tình hình như vậy, Việt Nam vẫn kiên nhẫn thuyết phục. Những hoạt động quyết liệt của kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam phát đi một thông điệp đến toàn thế giới rằng: Vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam. Đây không phải là thông điệp bằng một văn bản hay lời nói, mà bằng hành động chấp pháp.

Về phía Trung Quốc, họ tiếp tục tăng cường thêm tàu, máy bay ra khu vực hạ đặt giàn khoan để uy hiếp lực lượng chấp pháp của Việt Nam. Tàu của kiểm ngư, cảnh sát biển của Việt Nam ít và nhỏ hơn tàu của Trung Quốc nhiều lần, nhưng không lùi bước, đeo bám thực hiện công tác tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu về nước. Cộng đồng thế giới đã quan sát và thấy rõ Việt Nam kiên quyết đấu tranh, nhưng kiên trì thể hiện tinh thần hòa bình.

Việt Nam  trải qua nhiều cuộc chiến tranh, cho nên mang nỗi khát khao hòa bình hơn ai hết.  Cộng đồng quốc tế còn nhớ rõ, ngày 27.9.2013 tại diễn đàn Đại hội đồng Liên hiệp quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu với chủ đề “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo”. Thủ tướng kêu gọi gọi hòa bình bởi vì toàn nhân loại cần cuộc sống hạnh phúc, không phải chỉ riêng một ai, Thủ tướng nói: “Sinh mạng con người dù màu da nào cũng quý như nhau. Mạng sống của một con người bị cướp đi thì đối với một gia đình - dù ở ngay khuManhattan này hay ở nơi hẻo lánh nào đó trên trái đất - cũng đều là mất mát thương đau”. Cho nên, “Dù còn cơ hội nhỏ nhoi nhất về hòa bình chúng ta cũng tận dụng”.

Và ngay bây giờ, với chiếc giàn khoan xâm lược từ Trung Quốc, Việt Namvẫn tìm mọi cơ hội dù nhỏ nhất để tìm giữ gìn hòa bình.

Hòa bình cho nhân dân Việt Nam, cho nhân dân Trung Quốc, hòa bình cho cả khu vực, an toàn cho hàng hải quốc tế. Không thể tưởng tượng được những đoàn tàu chở hàng hóa, chở nhiên liệu đi qua biển Đông, gặp tên rơi đạn lạc, trở thành những chiếc hòm hỏa táng trên biển. Trong các đoàn tàu đó, có rất nhiều tàu của Trung Quốc.

Vì sự ổn định, an toàn trong khu vực, Việt Nam chọn lựa con đường đối thoại. Ngoài hoạt động ngoại giao, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế đề xuất kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Tại cuộc tiếp xúc cử tri TPHCM ngày 16.5, có nhiều cử tri đặt vấn đề kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, chúng ta không loại trừ khả năng dùng biện pháp pháp lý, tuy nhiên phải xem xét lúc nào là cần thiết. Chủ tịch nước khẳng định: “Nếu tôi và anh cứ cãi nhau hoài mà không có kết quả thì đành phải dẫn nhau ra tòa”, 

Cách giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế là sự thể hiện tinh thần hòa bình cao nhất, đồng thời cho thấy Việt Nam tôn trọng pháp luật quốc tế. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng để chứng minh chủ quyền của mình trên biển Đông. Việt Nam được thế giới ủng hộ, Việt Nam có chính nghĩa, Việt Nam sẽ chiến thắng.

Dù khó khăn, phức tạp bao nhiêu, Việt Nam cũng phải dốc hết sức lực, trí tuệ để kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Đây là biện pháp đấu tranh đòi công lý trong hòa bình.

 Lê Chân Nhân 

24h Biển Đông: Tàu TQ dàn hàng ngang chặn tàu VN


 Máy bay chiến đấu TQ bay trên tàu cảnh sát biển VN, QH sẽ thảo luận tình hình Biển Đông, công nhân TQ ở Vũng Áng được tạo điều kiện về nước... Đây là những thông tin nổi bật về Biển Đông 24h qua.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao báo cáo QH về Biển Đông
Chiều 19/5, tại buổi họp báo công bố chương trình kỳ họp QH, Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, QH sẽ dành thời gian nghe Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh báo cáo về tình hình Biển Đông, việc TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của VN, cũng như chủ trương và giải pháp của VN.
Trung Quốc, kiểm ngư, giàn khoan, chủ quyền, Biển Đông, Bình Dương, biểu tình, Hoàng Sa, Hải Dương 981
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cũng nói thêm, đây sẽ là một phiên họp kín, diễn ra ngay buổi chiều ngày khai mạc kỳ họp do tính chất cấp bách và phức tạp của vấn đề
Đọc tin tại đây
Máy bay chiến đấu TQ bay trên tàu Cảnh sát biển VN
Sáng 19/5, VN phát hiện 1 chiếc máy bay chiến đấu kiểu JH-7 bay qua phía trên các tàu của lực lượng cảnh sát biển 4 vòng ở độ cao 700 đến 1.000 mét.
Trung Quốc, kiểm ngư, giàn khoan, chủ quyền, Biển Đông, Bình Dương, biểu tình, Hoàng Sa, Hải Dương 981
Ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa được kiểm ngư tăng cường bảo vệ.Ảnh: VOV
Tàu cá TQ với kích thước lớnđã dàn thành hàng ngang trên đường di chuyển của lực lượng VN, ngăn cản tàu chấp pháp VN đi làm nhiệm vụ. Khoảng 30 tàu cá đã vây ép, đâm va, uy hiếp tàu cá của VN.
Đọc tin tại đây
Không để tái diễn biểu tình ở Bình Dương
Gặp gỡ báo chí chiều 19/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam cho biết, tỉnh quyết tâm lập lại trật tự, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của các DN, kiên quyết không để hình thành, tụ tập thành đám đông và tái diễn biểu tình.
Đọc tin tại đây
Công nhân TQ ở Vũng Áng được tạo điều kiện về nước
Theo đề nghị từ Đại sứ quán TQ tại Hà Nội và chủ nhà thầu là người TQ tại dự án Formosa, Vũng Áng, Hà Tĩnh, cơ quan có trách nhiệm của VN đã tạo điều kiện thuận lợi, chu đáo để TQ đưa số công nhân của nhà thầu TQ về nước bằng đường hàng không (đối với một số người bị thương) và đường biển.
Đọc tin tại đây
Hồng Nhì tổng hợp