Trang

28 tháng 3, 2014

Nguyễn Thanh Nghị được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang


Chiều 28/3, Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang khoá VIII (nhiệm kỳ 2011 - 2016) tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 11, bầu ông Nguyễn Thanh Nghị giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.

Trước đó, Bộ Chính trị ra Quyết định số 1085-QĐNS/TW, ngày 28/02/2014 điều động, phân công ông Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang nhiệm kỳ 2010 - 2015.       
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang phân công ông Nguyễn Thanh Nghị cùng với ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo khối kinh tế, trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị Đề án thành lập “Đặc khu Hành chính Kinh tế Phú Quốc” và chỉ đạo đầu tư phát triển Phú Quốc.
Theo Lê Huy Hải
Baotintuc.vn

Thông cáo báo chí chung Việt Nam - Cuba


(Dân trí) - Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba Raul Castro Ruz, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức nước Cộng hòa Cuba từ ngày 26/3 đến ngày 28/3.

1. Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba Raul Castro Ruz, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức nước Cộng hòa Cuba từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 3 năm 2014.

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Raul Castro Ruz đã chủ trì lễ đón chính thức và hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

2. Thủ tướng cũng đã gặp làm việc với Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Miguel Diaz Canel gặp Chủ tịch Quốc hội của Chính quyền nhân dân Estaban Lazo đặt vòng hoa tại Tượng đài anh hùng dân tộc Cuba Jose Marti và Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Chương trình hợp tác Việt Nam – Cuba phát triển lúa gạo tại tỉnh Pinar del Rio và một số di tích lịch sử, văn hóa tại Thủ đô La Habana.

3. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp gỡ cảm động với Lãnh tụ lịch sử của Cách mạng Cuba, Tổng tư lệnh Fidel Castro, người đã ôn lại những mối quan hệ gắn bó của mình với nhân dân Việt Nam anh em.

4. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Raul Castro Ruz và Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Miguel Diaz Canel cùng đoàn đại biểu chính thức hai nước đã có các cuộc trao đổi hiệu quả về quan hệ song phương, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Hai bên bày tỏ hài lòng về quan hệ rất tốt đẹp hiện nay giữa hai nước và khẳng định quyết tâm củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đoàn kết anh em, hữu nghị truyền thống và hợp tác chặt chẽ Việt Nam-Cuba, phục vụ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước.

Hai bên nhất trí nhiều biện pháp tăng cường quan hệ Việt Nam-Cuba, nhất là trong các lĩnh vực hai nước có tiềm năng và thế mạnh để bổ sung cho nhau như thương mại, nông nghiệp, viễn thông, năng lượng, y tế, công nghệ sinh học-dược phẩm, xây dựng, du lịch, quốc phòng, giáo dục và đào tạo.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trái) và Chủ tịch Raul Castro Ruz. Ảnh: Đức Tám – TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trái) và Chủ tịch Raul Castro Ruz. Ảnh: Đức Tám – TTXVN

5. Các nhà Lãnh đạo hai nước cam kết phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2015 nhất trí về ý nghĩa đặc biệt của sự kiện này cũng như tầm quan trọng của việc giáo dục thế hệ trẻ của hai nước về tinh thần đoàn kết anh em truyền thống Việt Nam-Cuba. 

6. Việt Nam chúc mừng nhân dân Cuba anh em về những thành tựu đã đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Cách mạng Cuba yêu cầu chính quyền Mỹ chấm dứt ngay và không điều kiện cuộc bao vây, cấm vận phi lý về kinh tế, chính trị, tài chính và các hành động thù địch khác chống Cuba kéo dài hơn nửa thế kỷ qua, tái khẳng định ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho 3 chiến sĩ yêu nước Cuba đang bị giam cầm ở Mỹ.

Đánh giá cao uy tín và vị thế của Cuba tại Mỹ Latinh và Caribê được khẳng định qua thành công của Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribê (CELAC) được tổ chức gần đây tại Thủ đô La Habana, tin tưởng chắc chắn rằng đường lối cập nhật hóa mô hình kinh tế Cuba sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới vì lợi ích của nhân dân Cuba, vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội phồn vinh và bền vững.

7. Cuba chúc mừng Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam về những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của công cuộc Đổi mới, thể hiện qua tốc độ phát triển kinh tế nhanh, duy trì ổn định chính trị-xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân. Cuba đánh giá cao chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, hợp tác quốc tế của Việt Nam, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. 

8. Hai bên nhất trí rằng các tranh chấp quốc tế cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết của các dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. 

9. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về Hợp tác Kinh tế và Khoa học-Công nghệ giữa hai nước, nhất trí phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị tổ chức Khóa họp 32 của Ủy ban vào nửa cuối năm 2014. Các nhà Lãnh đạo hai nước cũng đánh giá cao kết quả thực hiện cơ chế Tham khảo Chính trị thường niên giữa hai Bộ Ngoại giao.

10. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Raul Castro nêu bật tầm quan trọng của Chương trình nghị sự kinh tế song phương trung hạn được ký trong khuôn khổ chuyến thăm, coi đó là khuôn khổ chỉ đạo cho các mối quan hệ kinh tế giữa hai nước trong 5 năm tới nhất trí chỉ đạo các cơ quan chính phủ của hai nước tích cực thực hiện Chương trình nghị sự trên qua đó làm sâu sắc hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước. Đồng thời, hai nhà Lãnh đạo công nhận tầm quan trọng của các thỏa thuận hợp tác khác đạt được trong các lĩnh vực y tế, thông tin và truyền thông, công nghiệp, nông nghiệp…

11. Hai Lãnh đạo nhất trí hai nước sẽ tăng cường phối hợp, hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương mà hai nước cùng là thành viên như Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Diễn đàn hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới.

12. Hai bên tái khẳng định sự ủng hộ của mình đối với Nhóm G77, vai trò Chủ tịch Nhóm của nước Cộng hòa đa dân tộc Bolivia và Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm này sẽ được tổ chức vào tháng 6 năm 2014.

13. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn Chủ tịch Raul Castro Ruz đã thay mặt Nhà nước Cuba trao tặng Thủ tướng Huân chương Jose Marti, Huân chương cao quý nhất của nước Cộng hòa Cuba, để ghi nhận những đóng góp vào việc không ngừng củng cố và phát triển quan hệ giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước.

14. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Chủ tịch Raul Castro Ruz , Chính phủ và nhân dân Cuba về sự đón tiếp trọng thị và nồng ấm dành cho Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam. 

15. Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng mời Chủ tịch Raul Castro Ruz trở lại thăm chính thức Việt Nam. Chủ tịch Raul Castro Ruz đã cảm ơn và vui vẻ nhận lời. Chuyến thăm sẽ được thu xếp cụ thể qua đường ngoại giao.

La Habana, ngày 27 tháng 3 năm 2014.

PV

Kịch bản nào cho quan hệ Nga, TQ và NATO?


Phía đông châu Âu đang bồn chồn trước những động thái của Nga, Trung Quốc thì có nhiều lo lắng. Vậy kịch bản nào sẽ diễn ra khi phương Tây trở nên yếu đuối?
Quân Anh ở Ba Lan và các nước Baltic
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak cho biết, Mỹ nên tăng cường hiện diện quân sự tại nước này và các thành viên khác của NATO tại Đông và Trung Âu vì cuộc khủng hoảng Ukraina.
Nga, Putin, Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Crưm, Ukraina
Để làm điều đó, NATO có thể quyết định gửi đi một tín hiệu quân sự bằng cách củng cố biên giới. “Điều đó có nghĩa là nếu có bất kỳ áp lực nào ở các biên giới này, Nga sẽ đối mặt với lực lượng NATO”, giáo sư Michael Clarke thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) nói.
Quân đội Anh sẽ là chọn lựa. “Chúng ta cần sẵn sàng đi tới các đối tác Đông Âu, nhất là Ba Lan hoặc các nước Baltic để thể hiện rằng, chúng ta cam kết bảo vệ tập thể của NATO. Điều này khá quan trọng trong thời gian tới”, Clarke nhấn mạnh.
Quan hệ Trung - Nga có thể xấu đi
Hành động của Nga ở Crưm đã gây khó xử cho Trung Quốc. Trên các trang mạng như Weibo, nhiều người đã tự hỏi phản ứng nào nếu Tây Tạng cũng tổ chức cuộc trưng cầu dân ý tương tự. Và điều quan trọng là, Trung Quốc không công nhận Nam Ossetia sau khi khu vực này tuyên bố độc lập, tách khỏi Grudia năm 2008.
"Trung Quốc cũng sẽ không công nhận Crưm”, Natasha Kuhrt, chuyên gia về quan hệ Nga - Trung tại Khoa nghiên cứu chiến tranh Trường  King's College nói. "Trung Quốc có thể cho rằng Putin đã liều lĩnh, và sự can thiệp vào một khu vực hay các nhóm dân tộc không bao giờ được hoan nghênh ở trong nước. Quan điểm của Trung Quốc về tự trị rất rõ ràng và nhất quán”.
Tới thời điểm này, phản ứng của Trung Quốc khá âm thầm, họ đã bỏ phiếu trắng một nghị quyết của LHQ nhằm lên án cuộc trưng cầu dân ý tại Crưm, và tuyên bố, điều này sẽ chỉ “dẫn tới sự đối đầu và làm phức tạp tình hình”.
"Nga đã cảm ơn Trung Quốc về việc bỏ phiếu trắng, nhưng thực tế thì thế nào? Thực ra chỉ là vẻ bề ngoài”, Kurht nhấn mạnh.
Nga có thể tìm kiếm một liên minh gần gũi hơn với Trung Quốc khi quan hệ với châu Âu suy giảm. Nhưng mọi thứ cần chờ xem Bắc Kinh sẽ phản ứng thế nào. "Hành động ở Crưm khiến Putin bị xem là đối tác mạo hiểm, và ưu tiên của Trung Quốc luôn luôn là trật tự, ổn định”, Kurht cho biết.
G8 thành G7 chống lại Nga
Thực tế khá trái ngược với niềm tin phổ biến hiện nay. “Không ai có thể ‘đình chỉ’ Nga hay loại bỏ họ khỏi hàng loạt sự trao đổi và các mạng lưới không chính thức”, TS Andrew Baker, chuyên gia về vai trò quản lý các nhóm G tại Đại học Queen's Belfast nói.
"Nga không vi phạm bất kỳ quy định chính thức nào trong văn bản của nhóm. Và Nga hiện ở ghế chủ tịch. Những gì xảy ra một cách hiệu quả là G7 sẽ tự làm những gì của họ, nhưng điều này hoàn toàn là một quyết định tùy hứng”.
Đức, nước chủ tịch tiếp theo vào năm 2015 có thể quyết định cấm Nga góp phần và Mỹ cũng có thể phủ quyết sự tham dự của họ.
G8 không còn là “diễn đàn chính sách tối ưu”, Baker nói. "G20 nắm giữ điều đó, và Nga nằm trong G20. Do phạm vi của các quốc gia G20 mà khó có thể loại trừ Nga. Quan hệ giữa G7 và Nga có thể trở nên băng giá”.
Thái An(theo huffingtonpost)

Bé gái 'tự bốc cháy' bây giờ ra sao?


Cuối năm 2012, một bé gái 11 tuổi ở TP.HCM được cho là có khả năng tự phát lửa gây cháy đồ vật. Thông tin lập tức gây “chấn động”. Báo chí, cơ quan chức năng và cả nhà khoa học, tâm linh vào cuộc khiến thông tin ngày một lan rộng.
Rất nhiều cuộc nghiên cứu được tiến hành. Một gia đình bình thường trở nên nổi tiếng. Tuy nhiên, ngay sau một “làn sóng” nhằng nhịt thông tin, sự kiện nhanh chóng bị bỏ quên cho đến bây giờ.

Bỗng dưng... phát lửa


Bé gái tên Th., con của anh V., một người làm việc trong ngành hàng không, nhà ở khu tập thể A75 trên đường Bạch Đằng, quận Tân Bình, TP.HCM. Cuối năm 2012, người dân xôn xao vì cô bé bỗng nhiên tự phát lửa khiến căn nhà của gia đình suýt bốc cháy. 
Bé gái, 'tự bốc cháy', TP.HCM, phát lửa
Một số vật dụng trước đây được cho là cháy do Th. tự phát hỏa gây cháy-Ảnh: Internet
Theo lời kể của bố bé Th., hiện tượng kỳ lạ bắt đầu từ cuối tháng 4.2012 khi cô bé đi đến đâu, điện trong nhà bị mất đến đó. Quá lo lắng, gia đình đưa cháu đến Trung tâm Cảm xạ địa Sinh học thuộc Trường đại học quốc tế Hồng Bàng, TP.HCM. 
Tại đây, các nhà khoa học cho bé đeo một thiết bị để kiểm tra thì không thấy hiện tượng cháy nữa nhưng bé lại bị co giật. Khi tháo thiết bị này ra, hiện tượng co giật hết nhưng lại xảy ra cháy.
Đoàn công tác đặc biệt do các nhà khoa học của Trường đại học quốc tế Hồng Bàng hay tin đã đến nhà cháu Th. để điều tra, nghiên cứu. Đoàn đã tiến hành đo chụp hào quang. 
Kết quả sơ bộ cho thấy, bán cầu não phải của cháu Th. có một vệt hơi lạ mà theo một chuyên gia, chỉ có nhà tu hành, nhà triết học hay họa sĩ mới có hiện tượng đó. Đại học Hồng Bàng tuyên bố tiếp tục nghiên cứu trường hợp hy hữu này.
Một tháng sau, khi công trình nghiên cứu khoa học chưa đưa ra lý giải nào, đến lượt nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cùng đoàn của Trung tâm nghiên cứu Tiềm năng con người cũng trực tiếp tới nhà bé Th. 
Đoàn nghiên cứu cũng cho biết khi cháu Th. bất ngờ thông báo thấy trong người mệt mỏi thì tủ đồ nơi cháu tiếp xúc bị cháy sém.
Một loạt các tờ báo lập tức “chạy đua” thông tin theo nhiều nguồn, nhiều góc cạnh. Sự tò mò và thậm chí hoang mang trong dư luận ngày càng lan rộng.
Tuy nhiên, ngay sau những tuyên bố “chấn động”, Đại học Hồng Bàng và cả Trung tâm nghiên cứu Tiềm năng con người bất ngờ ngưng toàn bộ các cuộc nghiên cứu mà không giải thích lý do. Cho đến tận bây giờ, sự việc vẫn trong vòng “bí ẩn” và chưa có câu trả lời thỏa đáng.

“Cháu Th. không phát hỏa”
Lần theo địa chỉ được giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà anh V. ở khu tập thể A75. Hỏi bất kỳ ai về cháu Th., chúng tôi cũng nhận được những cái nhìn ái ngại hoặc thiếu thiện cảm. 
“Con bé bình thường mà. Làm gì có chuyện phát hỏa như đồn đoán”- anh Tuấn, chạy xe ôm đầu đường dẫn vào nhà cháu Th. nói. Anh Tuấn nói hồi đó, có một vài sự việc trùng hợp ngẫu nhiên, do cha Th. quá hoang mang nóng vội nên mới hốt hoảng, cộng với sự vào cuộc ồ ạt của lời đồn thổi phồng sự việc lên quá mức.
Tôi tiếp cận căn nhà cháu Th. Hàng xóm cho biết ba mẹ cháu đi làm cả ngày nên nhà không có người. Khi bấm chuông, tôi được Th. trực tiếp ra cửa tiếp chuyện. 
Nhìn dáng ngoài, Th. là một cô bé bình thường, xinh xẻo và rất hiền lành. Chỉ có nét mặt em là hơi buồn. Thấy khách lạ đến, Th. không nói chuyện nhiều, chỉ cho biết đang học một trường quốc tế và thông báo là cha mẹ đi vắng và từ chối cho số điện thoại.
Bé gái, 'tự bốc cháy', TP.HCM, phát lửa
Những vật dụng trước đây được cho là do cháu Th. tự phát lửa gây cháy 
Biết nhà báo đến hỏi thăm sức khỏe cháu Th., bà bán cà phê hàng xóm cháu ở chạy xộc sang nói thẳng: “Để con bé yên” đồng thời dặn cháu Th. tuyệt đối không được mở cửa. 
Sau khi nghe chúng tôi trình bày mục đích của mình, bà mới xuống giọng:“Cháu nó bình thường, không có việc gì đâu. Việc trước đây tôi không biết nhưng mấy năm rồi nó đâu có biểu hiện gì lạ. Cũng tại hồi đó báo chí làm quá, giờ chú đến không ai tiếp đâu”- bà nói. 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ khi xảy ra sự việc đến nay, gia đình anh V. không còn muốn tiếp xúc gì thêm với báo chí, chỉ muốn yên ổn như cũ.
Một điều lạ là hầu hết những hộ dân sống chung quanh gia đình cháu Th. đều biết chuyện trước đây nhưng không ai tường tận, cũng chỉ nghe qua báo chí. 
Không ít người hỏi ngược chúng tôi về tình trạng hiện tại của cháu Th. Sự thật của sự kiện chấn động như thế nào có lẽ không ai còn được biết rõ nhưng chúng tôi không khỏi tránh suy nghĩ nó chỉ là hệ quả của những sự “bốc đồng” của nhiều người.
Tất cả những lần phát hỏa của cháu Th. trước đây đều do anh V. phát hiện. Sau khi Trường đại học Hồng Bàng và Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, cả công an cũng phải vào cuộc để trấn an gia đình và dư luận. 
Nhiều giả thiết được đặt ra như cháu Th. nghịch đồ chơi hoặc vô tình chập điện. Thiếu tá Lê Văn Hiệp - Phó trưởng CAP.2, Q.Tân Bình, nơi gia đình cháu Th. sinh sống cho biết vụ việc không có kết luận chính thức nhưng gia đình anh V. rất mệt mỏi về chuyện này và chỉ mong trở lại cuộc sống bình thường".
(Theo Một thế giới)

27 tháng 3, 2014

Bauxite Tây Nguyên: Lỗ khủng nhưng cố làm

Bauxite Tây Nguyên làm theo đúng quy định thì...lỗ to!

- BTTD: Bauxite TN đã lỗ, đang lỗ và sẽ lỗ nhưng Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Bauxite vẫn hiệu quả!


Chính phủ cần phải tập trung các nhà khoa học, doanh nghiệp để tìm giải pháp tốt nhất cho hai dự án bauxite Tây Nguyên.

Ông Trần Sơn Lâm, Hội viên Tổng hội Địa chất Việt Nam, Nguyên chuyên viên cao cấp, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn phòng Chính phủ đã chia sẻ với Đất Việt như vậy.
PV: - Thưa ông Bộ Công thương vừa có báo cáo gửi đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra kiến nghị xin giảm đầu tư hồ chứa bùn đỏ vì thiết kế có độ an toàn quá cao. Không những thế Bộ Công thương còn xin giảm thuế môi trường, không đền bù tiền đất cho dân mà chỉ thuê có thời hạn. Có ý kiến cho rằng dự án đang phạm chính tiêu chí ban đầu đó là góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn xã hội. Do vậy tốt nhất là dừng hoặc cho không tài nguyên đi còn hơn. Ông có đồng tình với ý kiến này?
Ông Trần Sơn Lâm: - Tôi cho rằng về dự án bauxite Tây Nguyên nếu làm theo đúng quy định của pháp luật thì lỗ to, như vậy không thể giải quyết được vấn đề lấy bauxite trở thành nguồn lực để hiện đại hóa đất nước như mục tiêu ban đầu mà chủ dự án đã trình bày và báo cáo với Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền.
Lỗ này lại phải bù lại từ tiền thuế của người dân, của các doanh nghiệp, từ các hoạt động kinh tế khác như khai thác dầu mỏ, khoáng sản... và trực tiếp ảnh hưởng lên nền kinh tế của đất nước và phát triển xã hội.
Hoạt động kinh tế càng lỗ thì sẽ càng  ảnh hưởng đến phúc lợi, an sinh xã hội như y tế, giáo dục và đời sống của nhân dân, đặc biệt tình hình lạm phát và suy thoái kinh tế hiện nay vẫn chưa được cải thiện rõ rệt.
Dự án bauxite bị lỗ sẽ phải bù lại từ tiền thuế của người dân, của các doanh nghiệp, từ các hoạt động kinh tế khác như khai thác dầu mỏ, khoáng sản... và trực tiếp ảnh hưởng lên nền kinh tế của đất nước
Dự án bauxite bị lỗ sẽ phải bù lại từ tiền thuế của người dân, của các doanh nghiệp, từ các hoạt động kinh tế khác như khai thác dầu mỏ, khoáng sản... và trực tiếp ảnh hưởng tới nền kinh tế của đất nước
Thế nhưng hai dự án đang làm không thể nào dừng lại được vì đó là tài sản của nhân dân. Nhưng làm thế nào để dự án thành công thì cần phải suy nghĩ. Lý do là vì hàng tỉ đô la đang đổ vào đó, nếu dừng lại thì sẽ mất không số tiền đó.
Do đó nhà nước phải có quyết sách nào đó để duy trì dự án và phát triển lên.
Tôi nghĩ cần tập trung toàn lực các nhà khoa học kể cả trong nước và ở nước ngoài, viện nghiên cứu, công nghệ  đe chế biến bùn đỏ trở thành sản phẩm thương mại hóa được, kể cả mua công nghệ nước ngoài.  
Phải huy động các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế xắn tay cung tháo gỡ vấn đề.  
Không nên bán sản phẩm alumin mà phải đầu tư chế biến thành các sản phẩm nhôm, hợp kim nhôm để phục vụ cho nền kinh tế của đất nước và xuất khẩu. Tôi được biết trước khi hợp tác với Trung quốc, các đối tác khác như Pháp và Úc đã đề xuất khai thác bô xít và chế tạo thành kim loại nhôm ở ngay tại nước ta.
Tôi nghĩ đất nước ta không thiếu những con người có tài và có tâm để thực hiện việc này.  Đây cũng chính là thử thách để lựa chọn những người lãnh đạo.
Nếu bây giờ ta vẫn xuất khẩu quặng chưa tinh luyện, một mặt làm hao hụt lượng tài nguyên dự trữ của đất nước, mặt khác không thể thu hồi vốn nhanh để có thể đưa Việt Nam thành nước có nền công nghiệp hoá vào năm 2020.
Chúng ta hãy nhìn sang nước bạn Hàn Quốc, vào những năm 1970 họ cũng có nền kinh tế phát triển không cao hơn hẳn các nước Đông Nam Á nhưng chi hơn hai chục năm sau  họ đã trở thành một nước có nền công nghiệp hiện đại, kể cả  sản xuất các lò phản ứng hạt nhân cho nhà máy điện hạt nhân. Vì họ  biết tập trung nguồn lực và huy động nhân tài với phương châm làm đến cùng. 
Hiện nay dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đứng đầu thế giới, lên đến vài nghìn tỷ USD nên việc họ nhập quặng của ta để dự trữ tài nguyên cũng là việc làm bình thường trong kinh doanh. Ta đều biết Mỹ rất giàu tài nguyên nhưng họ đưa ra các đạo luật rất khắt khe để hạn chế việc khai thác bừa bãi, phá hủy môi trường.       
PV: - Thưa ông nhưng có ý kiến cho rằng trữ lượng bauxite không như giải trình của dự án nên nếu đầu tư công nghệ chế biến tinh sẽ rất tốn kém. Như vậy tiếp tục làm theo kiểu đâm lao, theo lao thì nguy hiểm hơn. Ông có nghĩ như vậy?
Ông Trần Sơn Lâm: - Theo tôi được biết, trước đây Tổng công ty than và khoáng sản Việt Nam trình các cấp có thẩm quyền bảy (7) dự án khai thác, nhưng tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, dư luận xã hội,  Bộ Chính trị quyết định chỉ làm hai (2) dự án thí điểm như hiện nay.
Khi báo cáo trước Quốc hội, có bộ trưởng đã nói trữ lượng bauxite của Việt Nam là 10-11 tỉ tấn. Vấn đề này đã được PGS.TS Nguyễn Khắc Vinh, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam, nguyên viện trưởng Viện Địa chất và Khoáng sản  VN làm rõ trong các báo cáo gửi các cấp có thẩm quyền trong đó nêu rõ con số 10-11 tỷ tấn chỉ là con số dự báo tài nguyên.
Cho đến nay, trên các tài liệu đã công bố, Việt Nam dự báo chỉ có 6,9 tỉ tấn tài nguyên bauxite, còn Mỹ nhận định trữ lượng bauxite của Việt Nam chỉ có 2,1 tỉ tấn. Tuy nhiên, khi thăm dò chi tiết, trữ lượng có thể thấp hơn nữa. Trong khi trữ lượng bauxite của cả thế giới chỉ có 38 tỉ tấn.
 Vì vậy để có bức tranh tổng thể về tài nguyên bauxite, chúng ta cần tiếp tục công tác thăm dò tìm kiềm để xác định được con số tương đối chính xác, từ đó đưa đến việc có tiếp tục đầu tư lớn nữa không, hay ở mức trung bình hoặc giữ   nguyên ở hai dự án như hiện nay để con cháu chúng ta tiếp tục phát triển.
Vấn đề đầu tư công nghệ chế biến cho hai dự án hiện nay theo tôi nghĩ là một bước cần thiết cho ngành chế biến luyện kim trong nước, đầu tư ở mức nào thì phải tính toán tương ứng với lượng quặng ta khai thác được.
PV: Vậy theo ông nên ứng xử như thế nào với hai dự án này?
Ông Trần Sơn Lâm: - Như trên tôi đã nói, bây giờ không thể bỏ hai dự án này được, vì đây là tài sản của toàn xã hội, của nhân dân. Vừa qua trên mặt trận giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao Thông cũng đã có các chỉ đạo quyết liệt trong việc thi công các con đường quốc lộ và đang thu được những thành công ban đầu, được dư luận hoan nghênh.
Vì vậy đối với dự án bauxite, bộ trưởng Bộ Công thương cũng phải có trách nhiệm đề xuất với chính phủ các biện pháp tháo gỡ các khó khăn, bảo đảm hai dự án bauxite phát triển trên nguyên tắc phải bảo tồn và phát triển nguồn vốn đã đầu tư và phải có lãi.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Bích Ngọc
Đất Việt

6 cán bộ Ngân hàng VDB làm thất thoát gần 1.000 tỉ đồng


- BTTD: Thời buổi ăn khủng khiếp, phá tàn bạo, chuyện thật mà cứ ngỡ là tiếu lâm. Vụ này cũng khủng nhưng chưa  độc bằng Huyền Như ở Vietinbank- một mình ngoạm hơn 4 ngàn tỷ... Sức dân còn được bao nhiêu?


Trong đó, có ba người bị bắt khẩn cấp gồm Trịnh Tuấn Mẫn - nguyên giám đốc, Huỳnh Quang Xuân - trưởng phòng tín dụng và Trần Kiều Oanh - cán bộ phòng tín dụng.

Ngày 25-3, Bộ Công an đã khởi tố sáu bị can tại chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Minh Hải (VDB Minh Hải, trụ sở tại TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) về cùng hành vi “vi phạm về hoạt động cho vay trong các tổ chức tín dụng” theo điều 179 Bộ luật hình sự.
Trong đó, có ba người bị bắt khẩn cấp gồm Trịnh Tuấn Mẫn - nguyên giám đốc, Huỳnh Quang Xuân - trưởng phòng tín dụng và Trần Kiều Oanh - cán bộ phòng tín dụng. Ba người còn lại được cho tại ngoại là Vũ Văn Hoan - nguyên phó giám đốc, Phan Văn Toàn - phó phòng tín dụng, Phan Thành Hải - nguyên phó phòng tín dụng (chuyển công tác làm phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng Đại Tín tại Cà Mau).
VDB Minh Hải (tiền thân là Quỹ hỗ trợ phát triển) giai đoạn 1999-2009 đã thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất đối với hàng loạt doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Đã quá hạn trả vốn nhưng đến nay VDB Minh Hải chưa thu hồi được vốn và lãi quá hạn, thất thoát gần 1.000 tỉ đồng.
Theo Đ.TRIỀU (Tuoitre)

Thế giới 24h: Bất lực với Nga?


EU khó có thể trừng phạt kinh tế Nga vào lúc này; Thái Lan phát hiện 300 vật thể trôi nổi nghi là mảnh vỡ của MH370 là những tin nóng trong ngày qua.

Tin nổi bật 
Phát biểu sau cuộc gặp ngày 26/3 với Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận rằng khó có thể trừng phạt Nga về mặt kinh tế sau khi Moscow sáp nhập Crưm. 
Ukraina, EU, Angle Merkel, Thế giới 24h
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: RT
Truyền hình Nga dẫn lời bà Merkel nói rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Moscow lúc này là chưa khả thi và nhấn mạnh rằng bà hy vọng một giải pháp chính trị sẽ tháo gỡ cuộc khủng hoảng Ukraina. 
Bà Merkel nói rằng bà ‘không muốn leo thang’ căng thẳng với Nga, trái lại, bà đang tìm cách xuống thang. 
Trên thực tế, Berlin có mối quan hệ kinh tế rất chặt chẽ với Nga, với kim ngạch thương mại hai nước tương đương khoảng 76 tỉ euro vào năm 2013. 
Có khoảng 6.000 doanh nghiệp và 300.000 nhân công của Đức phụ thuộc vào quan hệ kinh tế với đối tác Nga. 
Trong các nước thuộc Liên minh châu Âu, Đức hiện là quốc gia xuất siêu sang Nga lớn nhất. Nếu lệnh trừng phạt kinh tế áp vào Nga thì các hãng sản xuất xe hơi của Đức chịu thiệt hại đầu tiên vì khoảng một nửa số hàng xuất khẩu của Đức sang Nga là xe hơi và máy móc. 
Các hãng xe hơi hàng đầu của Đức đều có nhà máy ở Nga. Và Nga cung cấp 35% nhu cầu khí đốt cho Đức. 
Thêm vào đó, Nga đang cung cấp 25% khí đốt cho toàn bộ khu vực EU. 
Hãng tin AP cũng có bài xã luận cảnh báo các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga vì việc leo thang căng thẳng với Moscow có thể khiếp các khía cạnh quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ sụp đổ. 
Bài báo lấy ví dụ về tầm quan trọng của Nga trong các vấn đề đàm phán hạt nhân với Iran, việc thực thi giải giáp vũ khí hóa học tại Syria, và tuyến đường Nga cho Mỹ mượn để rút quân và thiết bị khỏi Afghanistan. 
Tin vắn 
Vệ tinh của Thái Lan phát hiện 300 vật thể trôi nổi ở Ấn Độ Dương, gần với khu vực được xác định là máy bay MH370 của Malaysia chấm dứt hành trình. 
Đan Mạch đã cho triển khai 6 máy bay tiêm kích đến khu vực Baltic. 
Nga phủ nhận tăng binh sĩ ở biên giới giáp Ukraina sau khi có thông tin cho rằng Moscow điều thêm quân tới khu vực này. 
Tổ chức Cấm vũ khí hóa học của Liên Hợp Quốc cho biết khoảng 49% số chất hóa học để sử dụng làm vũ khí hóa học và chất độc thần kinh tại Syria đã được tiêu hủy. 
Chính phủ Bỉ đã phải tốn một khoản chi phí lên tới 10 triệu euro để đảm bảo an ninh và lễ tân cho sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong vòng 24 giờ tại quốc gia này. 
Bộ Thống nhất của Hàn Quốc đã nhất trí gặp Triều Tiên để thảo luận về vấn đề ‘phụ nữ giải khuây’ trong thời gian Thế chiến II, tại Trung Quốc. 
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhóm họp để bàn thảo về việc Triều Tiên liên tiếp cho bắn các tên lửa tầm ngắn trong những ngày qua. 
Hai quan chức cấp cao tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã bị bãi miễn, một trong số hai quan chức đã từng lái xe trong tình trạng say rượu. 
Thông tin trong ảnh
Ukraina, EU, Angle Merkel, Thế giới 24h 
Hỏa hoạn đã thiêu rụi khu chợ Thong Khan Kham lớn nhất tại thủ đô của Lào vào đêm 26/3.
 Phát ngôn trong ngày 
Ukraina, EU, Angle Merkel, Thế giới 24h
Cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt
Cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt có bài viết trên tờ Die Zeit, rằng cách tiếp cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề Crưm là ‘hoàn toàn có thể hiểu được’ và cho rằng việc EU trừng phạt nhằm vào các cá nhân và doanh nhân, chính trị gia Nga là ‘một ý tưởng ngu ngốc’.  
Ông Helmut Schmidt cho rằng các biện pháp trừng phạt có bản chất chỉ mang tính biểu tượng, nhưng nếu lệnh trừng phạt kinh tế được áp dụng thì ‘điều đó sẽ tác động mạnh tới phương Tây y như với Nga’.  
Sự kiện 
Ngày 28/3/1911 – Tàu tuần dương SMS Goeben của Hải quân Đế quốc Đức được hạ thủy, chính phủ Tây Đức tháo dỡ tàu vào năm 1973.
Ngày 28/3/1930 – Hai thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ là Constantinopolis và Angora đổi tên thành Istanbul (hình) và Ankara trong quá trình cải cách của Mustafa Kemal Atatürk. 
Lê Thu (tổng hợp)