Trang

22 tháng 3, 2014

Nga đẩy NATO vào thế bí

- BTTD: Nếu vì khủng hoảng tại Ukraina mà dẫn đến đối đầu quân sự giữa Nga và NATO thì sẽ là thảm họa cho thế giới. Chắc chắn "những cái đầu nóng" sẽ biết đi "mat-xa lạnh" đúng lúc.

Những bước đi dứt khoát của Nga trong vấn đề Ukraine và Crimea đã đẩy NATO vào tình thế không có nhiều lựa chọn cho việc thể hiện vị thế của một khối liên minh quân sự, khi Mỹ cũng mới chỉ dừng lại ở những lệnh trừng phạt.
Các công nhân thay biển hiệu mới ở tòa nhà quốc hội Crimea tại thủ phủ Simferopol hôm qua, sau khi nước cộng hòa tự trị này sáp nhập Nga. Ảnh: Reuters
Sự kiện Crimea cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể thực hiện hành động quyết đoán mang tính toàn cầu, và cho phương Tây thấy rằng Nga có những lợi ích mà sẽ bảo vệ đến cùng.
Ukraine khó có thể gia nhập NATO
Bên cạnh mục tiêu kiểm soát các khu vực nói tiếng Nga, Kremlin còn phải đảm bảo Ukraine sẽ không hiện thực hóa "cơn ác mộng tồi tệ nhất", đó là gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Thách thức hiện nay của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama là có biện pháp nào để ngăn Nga tiến thêm tới các phần còn lại của Ukraine không. James Goldgeier, chủ nhiệm Khoa Quốc tế thuộc Đại học Mỹ (American University) cho rằng việc đảm bảo Ukraine không đi theo phương Tây quan trọng hơn cả với Putin.
Hôm 17/3, Bộ Ngoại giao Nga có tuyên bố vạch ra tầm nhìn của thỏa thuận về Ukraine, quyền tự trị rộng rãi của các khu vực của Ukraine có thể đưa đất nước trở thành liên bang và nên được chấp thuận bởi cuộc trưng cầu dân ý trên khắp Ukraine. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng tình trạng trung lập của Ukraine phải được Nga, Mỹ, EU và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chấp thuận, với mục tiêu là ngăn chặn Ukraine trở thành thành viên của NATO.
Oleksandr Chalyi, cựu thứ trưởng ngoại giao thứ nhất của Ukraine nhận định, nguyên nhân cơ bản của xung đột hiện nay là Nga lo ngại Ukraine trở thành thành viên của NATO. Ông thúc giục chính phủ Mỹ chấp thuận đề xuất của Nga là đảm bảo vị trí trung lập của Ukraine.
Thủ tướng tạm quyền của Ukraine Arseniy Yatsenyuk hôm 18/3 phát biểu trên truyền hình rằng, việc gia nhập NATO "không có trong chương trình nghị sự" của Ukraine. "Một quân đội Ukraine hiện đại sẽ bảo vệ đất nước", ông Yatsenyuk nói.
Kiev đã theo đuổi mối quan hệ thân cận hơn với khối liên minh NATO do Mỹ giữ vai trò chi phối trước khi cựu Tổng thống Yanukovich nắm chính quyền hồi năm 2010. Ông Yanukovich sau đó chính thức từ bỏ ý định trở thành thành viên của NATO, tuyên bố quan điểm trung lập của Ukraine khi bị kẹt giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, chuyên gia Fiona Hill, thuộc Viện Brookings ở Washington, cho rằng, NATO sẽ không từ bỏ ý định mở rộng cửa chào đón Ukraine trong tương lai. Robin Niblett, giám đốc Chatham House, Học viện Hoàng gia về Các vấn đề Quốc tế tại London thì nhận định, việc khuyến khích Ukraine gia nhập NATO hiện nay sẽ gây hại cho an ninh của cả châu Âu.
NATO tiến thoái lưỡng nan
Tàu khu trục tên lửa Mỹ USS Truxtun trong cuộc tập trận hải quân ở Biển Đen hôm qua, tức là chỉ cách bán đảo Crimea vài trăm km. Ảnh: Reuters
Trên Gazeta.ru, Fyodor Lukyanov, chủ tịch Hội đồng Các chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga viết, Moscow đã bắt đầu một cuộc chơi nghiêm túc. "Rủi ro rất lớn, nhưng cái đạt được cũng rất hấp dẫn. Trật tự thế giới cũ ngưng hoạt động và trật tự mới sẽ sớm được hình thành", ông Lukyanov nói.
Ian Bond, giám đốc về chính sách ngoại giao tại Trung tâm Cải cách châu Âu đặt tại London cho rằng, Putin đang "tạo việc làm" cho NATO. Tuy nhiên, câu hỏi ở đây là "NATO có tham gia cuộc chơi không?". Thời điểm này có tính quyết định cho việc Putin tiến thêm các bước. Nếu các lực lượng của Nga tiến vào miền đông của Ukraine, thì NATO có làm vậy không?
Kể từ khi khủng hoảng ở Ukraine bắt đầu, Mỹ, với tư cách là đồng minh, đã gửi thêm máy bay chiến đấu F-16 tới Ba Lan và loại F-15 tới Baltic. Washington còn khởi động Hệ thống kiểm soát và Cảnh báo Trên không (AWACS) ở biên giới Ba Lan và Romania, cũng như diễn tập của tàu chiến ở Biển Đen.
"Là đồng minh của NATO, chúng ta có cam kết nghiêm túc với tình hình quốc phòng chung, và chúng ta sẽ giữ vững cam kết đó", Tổng thống Mỹ Obama khẳng định hôm 17/3.
Tuy nhiên, khi Putin cho rằng Nga có quyền bảo vệ người Nga ở khắp nơi, Mỹ sẽ phải chịu thêm áp lực duy trì và thể hiện sức mạnh quân sự ở châu Âu, cùng lúc với việc "xoay trục về châu Á".
Một cựu quan chức an ninh cấp cao của chính quyền Obama nhận định, tình hình thế giới hiện nay "rất xấu, dẫn tới những tính toán sai lầm". Tuần trước, Obama đã phái phó Tổng thống Mỹ Biden tới Đông Âu nhằm xoa dịu lo lắng. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk hôm 18/3 nói, tình hình Ukraine là một thách thức với cả thế giới, nên không chỉ Ba Lan mà cả châu Âu phải lên tiếng mạnh mẽ.
Phát biểu tại Viện Brookings hôm 19/3, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen miêu tả hành động can thiệp quân sự của Nga vào Crimea là "nguy cơ trầm trọng nhất" với an ninh châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Cả Mỹ và NATO đều hứa sẽ hỗ trợ thêm về quân sự cho Ukraine. Ông Rasmussen cho biết, liên minh này đang cân nhắc việc hỗ trợ thêm để giúp Ukraine ngăn chặn Nga can thiệp quân sự. "Tôi chắc chắn NATO sẽ hỗ trợ Ukraine", người đứng đầu NATO nói. Ông Rasmussen hy vọng cuộc gặp các ngoại trưởng của NATO trong cuộc họp từ 1-2/4 tới sẽ đưa ra quyết định cung cấp những gì.
Tuy nhiên, chính ông Rasmussen, khi tới Washington hôm 18/3, trong lúc ăn tối cùng Ngoại trưởng Mỹ John F. Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice, đã khẳng định rõ ràng là NATO không thể đảm bảo ổn định ở châu Âu. Việc can thiệp quân sự nhân danh Ukraine sẽ không "ngon ăn" đối với Mỹ hay NATO.
Khánh Lynh (tổng hợp theo Vnexpress )

ĐỨNG hay QUỲ ?

Trung Quốc lớn bởi Việt Nam quỳ xuống
Hỡi nhân dân hãy đứng thẳng người lên !

Phỏng theo Ma-rat 

Lương của lính tàu ngầm Việt Nam là bao nhiêu?

(Sức mạnh quân sự Việt Nam) - Tàu ngầm là lực lượng tàu chiến đặc biệt tinh nhuệ nên thủy thủ tàu ngầm được đào tạo rất bài bản. Chế độ dinh dưỡng, đãi ngộ dành cho họ cũng được nhà nước ưu ái.

Tối 19/3), tàu ngầm Kilo TP Hồ Chí Minh đã được tàu vận tải Rolldock Star của Hà Lan vận chuyển về tới vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam.
Như vậy, Hải quân Việt Nam đã có trong trang bị một cặp đôi tác chiến hoàn hảo là tàu ngầm HQ-183 TP Hồ Chí Minh và HQ-182 Hà Nội. Hai “chiến binh” Kilo này sẽ đảm nhận nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng hết sức vinh quang, đó là góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả một loại vũ khí thì yếu tố con người vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, Việt Nam đã đầu tư đào tạo những kíp thủy thủ đặc biệt tinh nhuệ cho lữ đoàn tàu ngầm, đồng thời dành nhiều sự quan tâm tới chế độ đãi ngộ cho lực lượng này.
Tuyển chọn và huấn luyện
Mỗi chiếc tàu ngầm Kilo 636MV của Việt Nam có sức chiến đấu tương đương với một lữ đoàn tàu mặt nước nên việc lựa chọn thủy thủ tàu ngầm vô cùng nghiêm ngặt.
Để khai thác, làm chủ được những con tàu hiện đại này, Quân chủng Hải quân đã có một chương trình huấn luyện, đào tạo rất bài bản và nghiêm túc từ khâu tuyển chọn thủy thủ đến việc thành lập các kíp để cho đi đào tạo ở Liên bang Nga, Ấn Độ, đồng thời xây dựng một trung tâm huấn luyện hiện đại tại Cam Ranh.
Quy trình tuyển chọn được tổ chức nghiêm ngặt từ yêu cầu sức khỏe tốt đến lý lịch gia đình, phẩm chất chính trị. Nhiều tiêu chí khi tuyển chọn thủy thủ tàu ngầm còn cao hơn tuyển chọn phi công chiến đấu.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh thăm sĩ quan, thủy thủ tàu ngầm đang học tập tại Học viện Kỹ thuật quân sự (tháng 4-2012). Ảnh: Trong Thiết
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh thăm sĩ quan, thủy thủ tàu ngầm đang học tập tại Học viện Kỹ thuật quân sự (tháng 4-2012). Ảnh: Trọng Thiết
Ngoài thời gian đào tạo ở Học viện Kỹ thuật Quân sự gần 1 năm, gồm học tiếng, rèn luyện sức khỏe và các môn đại cương tàu ngầm, các thủy thủ tiếp tục được chọn lựa chọn lần cuối để sang Nga đào tạo tiếp gần 1,5 năm nữa. Các sĩ quan, thủy thủ tàu ngầm Việt Nam được trực tiếp thao tác, thực hành ngay trên con tàu mà mình làm chủ dưới sự hướng dẫn của chuyên gia, sau đó các kíp độc lập khai thác, vận hành, làm chủ tàu dưới sự giám sát chặt chẽ của các giáo viên nước ngoài. Tính kỷ luật được đặt ra rất cao đối với các thủy thủ trong quá trình khai thác, sử dụng.
Sau khi làm chủ, vận hành được tàu ngầm, các thủy thủ phải tiếp tục được huấn luyện nâng cao về kỹ, chiến thuật khi tác chiến trên biển.
Khóa huấn luyện thủy thủ đoàn của tàu ngầm HQ-182 Hà Nội đã tốt nghiệp từ cuối năm 2012, trong khi đó kíp thủy thủ lái tàu ngầm thứ hai – HQ-183 TP. Hồ Chí Minh cũng đã chính thức nhận bằng tốt nghiệp vào ngày 6/11/2013 vừa qua. Còn lại những kíp thủy thủ tàu ngầm tiếp theo vẫn đang tích cực học tập và huấn luyện tại Nga để sẵn sàng vận hành những con tàu mới. Các chuyên gia nước ngoài đánh giá rất cao ý thức học tập cũng như khả năng tiếp thu nhanh của các học viên Hải quân Việt Nam.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh chụp ảnh kỷ niệm với kíp tàu số 2 mang tên TP Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh chụp ảnh kỷ niệm với kíp tàu số 2 mang tên TP Hồ Chí Minh.
Chế độ dinh dưỡng
Theo các chuyên gia đầu ngành, vấn đề chăm lo sức khỏe cho thủy thủ tàu ngầm là yêu cầu mới và cấp bách không những đối với y học Hải quân mà cả ngành quân y của Việt Nam.
Trao đổi với báo Đất Việt, PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Thanh Chò, Chủ nhiệm bộ môn Dinh dưỡng, Bệnh viện 103 – Học viện Quân Y cho biết, do làm việc trong điều kiện bất lợi như tiếng ồn, rung lắc (say sóng), độ ẩm cao, nhiệt độ cao, ô nhiễm không khí và cô lập khép kín nên thủy thủ tàu ngầm dễ bị thiếu chất, mất cân bằng chuyển hóa. Tiếng ồn và độ rung lớn có thể đè nén hoạt động của dạ dày, lượng dịch tiêu hóa bị giảm thiểu, ảnh hưởng đến chức năng của hệ tiêu hóa.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chò: “Chế độ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho các thủy thủ làm việc dưới tàu ngầm phải đảm bảo những nhu cầu chung tối thiểu là không khí, nước sạch, ánh sáng, nhiệt độ và các nhu yếu phẩm riêng theo tiêu chuẩn riêng để đảm bảo cho các thủy thủ đoàn có thể hoạt động làm việc bình thường cũng như nâng cao khả năng thích nghi và sức chịu đựng trong thời gian đi biển độc lập dài ngày”.
Trước đó, theo Thông tư số 186/2013/TT-BQP của Bộ Quốc phòng mới ban hành, sẽ tăng định lượng, mức tiền ăn cho quân nhân, đặc biệt là các học viên tàu ngầm từ ngày 1/1/2014.
Tính từ năm 2010 đến nay, Bộ Quốc phòng đã 4 lần ra văn bản điều chỉnh tăng tiền ăn nhằm cải thiện chất lượng bữa ăn của bộ đội.
Riêng học viên tàu ngầm Hải quân lần lượt được tăng lên: 58.000 đồng (áp dụng từ 1/1/2011); 70.000 đồng (từ 1/1/2012); 73.000 đồng (từ 1/1/2013), và theo Thông tư mới áp dụng từ ngày 1/1/2014 mức tiền ăn của học viên tàu ngầm được tăng lên 81.000 đồng.
Cán bộ Viện Công nghệ mới giới thiệu sản phẩm viên nén thực phẩm chức năng
Cán bộ Viện Công nghệ mới giới thiệu sản phẩm viên nén thực phẩm chức năng.
Năm 2012, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ mới (Viện Khoa học và Công nghệ quân sự) cũng đã bước đầu nghiên cứu sản xuất thành công sản phẩm viên nén thực phẩm chức năng sử dụng cho lực lượng tàu ngầm.
Sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu là các loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thiên nhiên.
Viên nén được thiết kế theo tiêu chí thực phẩm cứu sinh (tối ưu về dinh dưỡng, tối thiểu về trọng lượng). Mỗi viên nén có khối lượng từ 3g đến 3,5g, năng lượng từ 8 Kcal/viên đến 10 Kcal/viên, được đóng gói phù hợp, thuận tiện trong sử dụng (sản phẩm dùng cho cá nhân được đóng gói dạng tuýp, dùng cho tập thể được đóng gói trong hộp thiếc).
Sản phẩm được dùng để bổ sung hoàn thiện khẩu phần ăn hàng ngày hoặc có thể sử dụng thay thế bữa ăn trong tình huống cứu sinh, thủy thủ tàu ngầm có thể nhai, ngậm để bổ sung dinh dưỡng, chống oxi hóa, chống căng thẳng và mệt mỏi.
Tiền lương
Đảm nhận nhiệm vụ vô cùng nặng nề nên thủy thủ tàu ngầm cũng dành được nhiều sự ưu ái về chế độ đãi ngộ.
Phó Tư lệnh hải quân Việt Nam - Chuẩn Đô đốc Nguyễn Văn Ninh (Ảnh: Tuổi trẻ)
Phó Tư lệnh hải quân Việt Nam - Chuẩn Đô đốc Nguyễn Văn Ninh (Ảnh: Tuổi trẻ)
Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ số Xuân 2012, Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh, phó tư lệnh Quân chủng Hải quân cho hay: “Thủ tướng Chính phủ đã có nghị định ban hành chế độ chính sách cho lực lượng đặc biệt này (hải quân) với nhiều ưu đãi về lương, phụ cấp, nhà ở, tuổi phục vụ… Hải quân đang bắt đầu triển khai xây dựng nhà công vụ cho tất cả sĩ quan hải quân đang tại ngũ – một kiểu “thành phố quân sự” để anh em yên tâm chuyện gia đình mà lo tập trung huấn luyện chiến đấu. Chế độ lương mới cho sĩ quan và chiến sĩ tàu ngầm cũng đã có. Theo tôi, mức lương 35 triệu đồng cho một trung úy và 55 triệu đồng cho một đại tá phục vụ dưới tàu ngầm (gấp hơn hai lần so với lương chuẩn đô đốc của tôi) đủ cho một sĩ quan yên tâm lo cho một gia đình nhỏ để phục vụ quân đội và quân chủng lâu dài”.
Nhìn chung, với quá trình tuyển chọn và huấn luyện chuyên nghiệp, song song với chế độ bồi dưỡng, đãi ngộ được ưu ái như vậy, có thể thấy Việt Nam luôn đề cao tầm quan trọng của lực lượng tàu ngầm. Đây là miếng ghép cuối cùng để Quân chủng Hải quân có đầy đủ các binh chủng. Lực lượng tàu ngầm sẽ là một trong những “quả đấm thép” của Hải quân nhân dân Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
(Theo Tri Thức Trẻ)

Chủ tịch JTC Nhật Bản thừa nhận hối lộ quan chức VN 80 triệu Yên


   Chủ tịch JTC Nhật Bản thừa nhận hối lộ cho một quan chức cấp cao tại một cơ quan có trách nhiệm quản lý dự án tại Đường sắt Việt Nam. Đổi lại, JTC trúng thầu một dự án ODA trị giá 4,2 tỷ Yên.


Chủ tịch JTC Nhật Bản thừa nhận hối lộ quan chức Việt Nam 80 triệu Yên
Tờ Yomiuri Shimbun đưa tin, thứ Ba tuần trước (18/3), Chủ tịch Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) ông Tanio Kanikuma thừa nhận công ty mình đã "lại quả" tổng cộng 130 triệu Yên để dành được hợp đồng trong 5 dự án ODA tại Việt Nam, Uzbekistan và Indonesia.

Trong đó, một nguồn tin cho Yomiuri Shimbun biết, JTC đã hối lộ 80 triệu Yên (khoảng 16,5 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) cho một quan chức cấp cao tại một cơ quan có trách nhiệm quản lý dự án tại Đường sắt Việt Nam. Đổi lại, JTC trúng thầu một dự án ODA trị giá 4,2 tỷ Yên (~867 tỷ đồng).

JTC còn lại quả 30 triệu Yên cho một quan chức cao cấp tại Tổng cục Đường sắt Indonesia để trúng ba gói thầu tổng trị giá 2,9 tỷ Yên, và 20 triệu Yên cho một quan chức tại công ty đường sắt nhà nước Temir Yollari của Uzbekistan để nhận được dự án trị giá 700 triệu Yên.

Tổng số tiền hối lộ 130 triệu Yên này được đưa thành 40 lần từ tháng 2 năm 2008 đến tháng 2 năm nay. Khi bị thẩm vấn tại Văn phòng Công tố Tokyo, Chủ tịch Kanikuma đã khai chi tiết tới từng lần hối lộ vào thời gian nào, và hối lộ bao nhiêu.

Theo JTC, cả bốn dự án mà họ đưa hối lộ để trúng thầu đều có liên quan tới thiết kế công trình đường sắt, khảo sát xây dựng, và các dịch vụ khác. Ông Kanikuma đã ký bản nhận tội nhưng nói ông không biết gì về các vụ hối lộ kể trên.

Thanh tra thuế phát hiện

Chủ tịch JTC Nhật Bản thừa nhận hối lộ quan chức Việt Nam 80 triệu Yên (1)
Chủ tịch JTC Tanio Kanikuma
Vụ việc trên bị phát hiện sau cuộc thanh tra của Cục thuế khu vực Tokyo. Dù khi ấy chưa biết ai là người nhận tiền, nhưng Cục thuế khu vực Tokyo vẫn coi đây là "chi phí bị che giấu của doanh nghiệp", và phạt JTC 40 triệu Yên.

Ngay cả sau khi bị thanh tra thuế (vào tháng 4 năm ngoái), JTC vẫn tiếp tục đưa hối lộ với tổng số tiền khoảng 10 triệu Yên.

Ban đầu, JTC ghi nhận tổng số tiền 100 triệu Yên vào mục chi phí trả trước, sau đó chia nhỏ số tiền rồi mới đưa dần vào chi phí. Tuy vậy, hành vi này không qua mắt được thanh tra thuế. Hiện JTC đã nộp tờ khai thuế điều chỉnh và nộp số thuế còn thiếu, kể cả tiền phạt.

JTC là ai?

JTC là công ty chuyên về thiết kế công trình đường sắt và khảo sát mặt bằng. Thành lập năm 1958, JTC có hai cổ đông chính là hai công ty con do Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản và Công ty Đường sắt Trung Nhật Bản sở hữu toàn phần.

JTC bắt đầu mở rộng ra nước ngoài kể từ thập niên 1990. Công ty đã trúng thầu 19 dự án ODA với tổng giá trị hợp đồng 25 tỷ Yên kể từ năm 2000.

Ra đời năm 1874, hiện Yomiuri Shimbun là tờ báo có lượng phát hành lớn nhất thế giới và Nhật Bản với 10 triệu bản mỗi ngày.


Việt Dũng
Theo Trí Thức Trẻ/Yomiuri Shimbun

Quốc tế bình luận cảnh vượt suối ở VN


Hình ảnh học sinh vượt suối trong túi nylon đã khiến cư dân mạng xúc động lẫn phẫn nộ
Cảnh cô giáo và học sinh xã bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nầm Pồ, tỉnh Điện Biên phải băng qua suối để đến trường trong túi nylon đã xuất hiện trên báo Anh và thu hút nhiều lượt bình luận, trong lúc Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam thông báo sẽ sớm xây cầu treo.

'Rơi nước mắt'
Đoạn video dài khoảng 4 phút do cô giáo Tòng Thị Minh, một giáo viên trường Tiểu học Nà Hỳ 2 ghi lại đã khiến dư luận trong nước bị chấn động trước thực trạng khó khăn của các trường học ở vùng sâu, vùng xa tại Việt Nam trong lúc chính quyền đang bị chỉ trích là đổ hàng triệu đôla vào những công trình không có giá trị kinh tế.
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 21/3, bà Lò Thị Thùy, hiệu trưởng Trường tiểu học Nà Hỳ 2, cho biết trường được thành lập từ tháng 8 năm 2004 nhưng trung tâm trường lại đặt ở một bản rất xa.
"Đến năm 2006 thì trường xin được chuyển về trung tâm xã Nà Hỳ. Tuy nhiên, công tác chiêu sinh vẫn gặp nhiều khó khăn vì chúng tôi phụ trách 10 điểm trường lẻ mà học sinh toàn là dân tộc Mông và Dao," bà cho biết.
"Tháng Tám là chuẩn bị vào năm học mới thì tháng Bảy các thầy cô giáo phải bắt đầu đi chiêu sinh. Ngay cả trong mùa mưa thì vẫn hoàn toàn phải đi bộ, băng qua rừng suối, điểm gần thì 5km mà điểm xa thì 18km."
"Mặc dù vất vả khó khăn" nhưng "học sinh vẫn quyết tâm lội suối đi học" và "các thầy cô vẫn cố gắng làm đúng chỉ tiêu của nhà nước", bà nói thêm.
Cũng theo hiệu trưởng trường, trong số 59 thầy cô giáo đang giảng dạy tại trường thì có "80% là người miền xuôi".
Những ngày đầu, chứng kiến cảnh học sinh lặn lội đến trường, họ "cũng bỡ ngỡ và còn phải rơi nước mắt đấy", bà nói.
"Nhưng với thời gian rồi cùng với tâm huyết với nghề thì cũng vượt qua hết."
"Các thầy cô lên đây một, hai năm rồi cũng xây dựng gia đình ở trung tâm xã. Đầu tuần thì các thầy cô vào bản dạy xong cuối tuần lại về với gia đình."
"Con suối đấy mùa khô thì bình yên thôi, nhưng đến tháng 5, 6 thì lũ to lắm, các thầy cô có hôm không dám băng qua để về"
"Ban giám hiệu nhà trường cũng chỉ đạo các thầy cô giáo là lũ to quá thì không được đi qua nhưng những lúc có việc phải về thì phải nhờ nhân dân dắt qua suối."

Bộ Giao thông vào cuộc

Các báo trong nước trong tin đăng ngày 19/3 cho biết sau khi xem đoạn video do bà Tòng Thị Minh ghi lại, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã trực tiếp nhắn tin để cảm ơn bà và hứa sẽ "nghiên cứu để làm sớm một cây cầu treo."
Báo Dân trí trong tin ngày 20/3 thì dẫn thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải cho biết dự án cầu treo qua suối Nậm Pồ, bản Sam Lang, sẽ được triển khai xây dựng trong hai tháng, với vốn đầu tư khoảng 3,5 tỷ đồng và sẽ do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư.
Cũng theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, dự án cầu treo chỉ là giải pháp tạm thời và trong thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu để triển khai thi công đường giao thông.
Trước tin này, bà Thùy cho biết "thầy cô giáo mừng, học sinh cũng mừng, nhân dân trong bản cũng mừng".
"Cũng bất ngờ vì cái clip đã được quay từ tháng Tám năm 2013 nhưng mà do ở xa xôi quá nên cũng không biết gặp ai để đưa nên cứ giữ mãi từ hồi đó đến giờ," bà nói.
"Đến khi đoàn công tác báo Tuổi Trẻ lên thì họ mới nói là sao đường đi khó thế này, chúng tôi mới bảo chừng đó chưa ăn thua gì so với mùa mưa đâu. Chúng tôi đưa clip cho xem họ mới tin."
"Ngoài hỗ trợ những cây cầu cho các cháu học sinh cũng như thầy cô đi lại thuận tiện thì cũng rất muốn là nhà nước, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp giúp đỡ cho trường cho các cháu đỡ khổ."


Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng thông báo sẽ sớm thi công cầu treo giúp học sinh băng qua suối
"Trường thì giờ chỉ có phòng học thôi, còn phòng ở cũng như công trình vệ sinh, bể nước rồi nhà tắm thì chưa có, học sinh vẫn phải ra suối để tắm nên mùa lũ thì rất nguy hiểm."

Dân Anh 'ngạc nhiên'

Hình ảnh học sinh Việt Nam vượt suối trong túi nylon để đến trường đã xuất hiện trên nhiều báo Anh và thu hút nhiều lượt bình luận.
Báo Telegraph gọi cảnh tượng này là "kỳ lạ", trong khi trang Express.co.uk viết: "Những đứa trẻ này muốn được học đến nỗi chúng sẵn sàng được đưa đến trường trong một cái túi nylon. Đây mới thực sự gọi là quyết tâm."
Một độc giả trên báo Daily Mail với nick 'Joy', viết: "Cảnh tượng này khiến tôi rơi nước mắt. Chúa phù hộ người đàn ông này vì đã bảo vệ con mình khỏi bị ướt và bị ốm. Nhà cầm quyền nên cảm thấy xấu hổ vì để xảy ra những cảnh tượng như thế này. Chắc chắn rằng con cái của giới lãnh đạo sẽ không bị bọc trong một cái túi nylon để đưa đến trường."
Độc giả 'Marshall1964' bình luận: "Cảnh tượng này khiến những đứa trẻ lười biếng, hư hỏng, được nuông chiều quá đỗi của chúng ta phải xấu hổ."
Một độc giả khác với nick 'elephante' thì viết: "Tôi ngưỡng mộ trước động lực và quyết tâm được tiếp cận giáo dục. Thế nhưng chẳng lẽ không ai nghĩ đến việc xây một cây cầu hay sao?"
"Đường đến trường ở Việt Nam cứ như là ở Thế Vận hội. Anh ta là một vận động viên đoạt huy chương vàng," nick 'noodle' viết.
Theo bbc

Tiêu hủy gián đất TQ ở VN. Ai chịu trách nhiệm?

- BTTD: Sở KHĐT tỉnh Bắc Ninh phải đền bù thiệt hại cho ông Nguyên, vì: "Tôi có một yêu cầu một điều là Sở KHĐT đã cấp phép cho gia đình tôi kinh doanh, nuôi gián đất là sai quy định thì cũng phải chịu sự xử lý chứ?" - ông Nguyên nói.

(LĐO) THÀNH AN 
Đã tiêu hủy toàn bộ gián đất Trung Quốc ở Việt Nam. ẢNH: THÀNH AN
Theo các cơ quan chức năng ở Bắc Ninh cho biết, toàn bộ số gián đất có nguồn gốc Trung Quốc trong thời gian qua đến hôm nay đã bị tiêu hủy hoàn toàn sau khi có "lệnh" của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) và Thứ trưởng Vũ Văn Tám.

Không còn sót một con
Đến 19 giờ ngày 20.3, trao đổi với PV Lao Động - ông Phạm Văn Dần - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú - cho biết: "Từ sáng sớm, gia đình ông Nguyễn Đình Nguyên (hộ gia đình nuôi gián đất - PV), đã tẩm xăng đốt một nửa số gián đất; đến trưa nay, khi đoàn chúng tôi đến kiểm tra và yêu cầu hủy toàn bộ, gia đình ông Nguyên tiếp tục trộn xăng dầu vào các bồn đựng gián đất và đốt, sau đó đào hố sâu hơn 1m và lấp lại tại khu vực gần đấy. Tôi cùng với các anh em chức năng của xã và huyện có cả phòng kinh tế, thú y, công an, dân quân tự vệ và người dân trực tiếp chỉ đạo và xem việc tiêu hủy; đến giờ phút này, toàn bộ số gián đất đã bị hủy sạch và đã rắc vôi khử trùng tại nơi đã chôn và nuôi".
 Những con gián đất có nguồn gốc Trung Quốc ở Bắc Ninh đã bị trộn với xăng và tiêu hủy. ẢNH: THÀNH AN
Về sự việc này, ông Vũ Thái Ninh - Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NNPTNT) Bắc Ninh) cho biết, sở mới chính thức nhận được văn bản chỉ đạo của bộ về xử lý vi phạm tự ý nhập khẩu và nhân nuôi gián đất ngày 17.3. Cũng trong ngày này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám đã điện thoại thoại chỉ đạo trực tiếp về việc này. Ngay lập tức, sở đã gấp rút gửi văn bản tham mưu UBND tỉnh ra văn bản yêu cầu tiêu hủy gián đất ngay.
Ngay sau khi UBND tỉnh nhận được văn bản chỉ đạo của bộ, ngay sáng ngày 18.3 tỉnh đã có ra ngay văn bản 498 chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan ban ngành gồm Sở NNPTNT, Sở Tài Nguyên-Môi Trường, Công an tỉnh, Sở KHĐT tỉnh, đặc biệt là chính quyền xã Xuân Lai của huyện Gia Bình và xã Quảng Phú - huyện Lương Tài về việc xử lý, tiêu hủy gián đất và báo cáo lại UBND tỉnh trước ngày 21.3.
"Đến ngày hôm nay, chúng tôi đã phối hợp với lãnh đạo chính quyền các cấp ở địa phương và đã tiêu hủy toàn bộ số gián đất có nguồn gốc từ Trung Quốc được nuôi ở trong toàn tỉnh, không còn sót một con gián đất nào" - ông Ninh khẳng định.
Ngay sau đó, PV Lao Động đã có cuộc nói chuyện với ông Nguyễn Đình Nguyên - chủ nuôi gián đất - được biết ngày 18.3, sau khi nhận được thông báo lãnh đạo tỉnh yêu cầu tiêu hủy gián đất của Bộ NNPTNT, gia đình ông đã làm theo. Đến chiều tối nay, gia đình ông đã tiêu hủy hoàn toàn số gián đất đã nuôi trong thời gian qua dưới sự chứng kiến của lãnh đạo xã, huyện, tỉnh, báo chí và người dân xung quanh.
"Bỏ cả đống tiền ra, rồi cả Sở Kế hoạch-Đầu tư (KHĐT) cấp phép cho công ty tôi nuôi gián, giờ lại bắt tôi tiêu hủy, đau xót lắm nhưng vẫn phải chấp hành quy định tiêu hủy gián ngay, biết làm sao được. Số gián đất này có tên là địa miết trùng, chỉ biết ăn, biết bò trong bồn quanh quẩn như vậy chứ đã biết là nó có biết bay, biết cắn phá hay truyền dịch bệnh như gián thường đâu" - ông Nguyên nói.
Ai chịu trách nhiệm?
"Tôi có một yêu cầu một điều là Sở KHĐT đã cấp phép cho gia đình tôi kinh doanh, nuôi gián đất là sai quy định thì cũng phải chịu sự xử lý chứ?" - ông Nguyên nói.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyên cho biết: "Gia đình tôi góp vốn với gia đình anh Đại, chị Lương ở Gia Bình lập Công ty Đại Thiên - ngành nghề chính là nuôi gián đất, nhưng sau đó gia đình tôi đã tách ra nuôi riêng và bổ sung mục 11 là ngành nghề nuôi gián đất vào giấy phép kinh doanh của gia đình và đã được Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh cấp phép ngày 15.8.2013.
Sau đó, gia đình chúng tôi đã mua gián đất về để nuôi, lúc này Phòng Chăn nuôi của tỉnh đã về kiểm tra, có biên bản làm việc và đã ký cho gia đình tôi nuôi thí nghiệm từ khi gián trong trứng tới khi thu hoạch, nếu có vấn đề gì thì yêu cầu gia đình tôi báo lên cơ quan cấp trên, hiện nay việc nuôi gián đã được 7 tháng; vậy mà đùng một cái, gián đất đang trong quá trình phát triển thì bộ có lệnh cấm nuôi và tiêu hủy. 
Giờ chỉ mong bộ làm rõ đơn vị cấp phép cho chúng tôi sai thì sẽ làm gì đối với chúng tôi, ai đúng - ai sai sẽ xử phạt như thế nào, chứ gia đình tôi bỏ cả đống tiền ra, đi tiên phong mà bị như vậy, ai sẽ chịu trách nhiệm?".
 Ai chịu trách nhiệm?  ẢNH: THÀNH AN

21 tháng 3, 2014

Con gái thuê côn đồ đánh cha ruột để trả thù


(Tin tức pháp luật) - Để trả thù cha thường xuyên đánh đập và dằn mặt vợ chồng mình liên quan đến chuyện đất đai, Loan thuê côn đồ hành hung cha mình.
Ngày 21/3, Công an huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) thực hiện quyết định khởi tố và bắt tạm giam 2 tháng đối với Nguyễn Thị Kim Loan (40 tuổi), ngụ thôn Tân Phú, xã Ninh Gia (Đức Trọng), người thuê côn đồ hành hung cha ruột.
Nguyễn Duy Dũng (giữa) cùng nhóm thanh niên tại trại tạm giam thuộc Công an Đức Trọng.
Nguyễn Duy Dũng (giữa) cùng nhóm thanh niên tại trại tạm giam thuộc Công an Đức Trọng.
Cùng ngày, cơ quan điều tra đến huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) bắt 2 nghi can liên quan gồm Trần Văn Tài (23 tuổi) và Đỗ Duy Cường (24 tuổi), đều ngụ xã Đan Phượng (Lâm Hà), vì có hành vi cướp tài sản, hủy hoại tài sản.
Trước đó, Công an Đức Trọng đã khởi tố, bắt giam 6 nghi can cùng nhóm với Tài và Cường, những người này đều ngụ xã Đan Phượng gồm: Nguyễn Duy Dũng (29 tuổi), Nguyễn Văn Cường (22 tuổi), Trần Văn Toàn (20 tuổi), Đàm Văn Đồng, Đỗ Đình Minh và Nguyễn Chí Thanh (đều 21 tuổi).
Theo cơ quan điều tra, bố ruột Loan là ông Nguyễn Văn Khâm (62 tuổi, ngụ An Giang), đang ở nhờ nhà ông Phạm Văn Thanh (40 tuổi), ngụ thôn Tân Phú (Ninh Gia), có mâu thuẫn chuyện đất đai với Loan. Ông Khâm đã từng đánh đập Loan, thuê côn đồ chặn đường dằn mặt Loan và chồng là Phan Văn Tấn Ngót.
Để “dằn mặt” lại cha mình, Loan thuê côn đồ hành hung ông Khâm. Nhóm thanh niên côn đồ trên do Nguyễn Duy Dũng cầm đầu, mang theo hung khí đến đánh ông Khâm và đập phá nhà ông Thanh. Chưa dừng lại, sau đó nhóm này còn đến nhà bà Nguyễn Thị Nở (em ông Thanh) cướp bia để nhậu.
Bước đầu, bà Loan thừa nhận đã thông qua bà Hồ Thị Năm (50 tuổi, ngụ xã Đinh Lạc, H.Di Linh) và Đỗ Duy Cường để thuê nhóm thanh niên trên đánh bố ruột với giá 6 triệu đồng.
Trong thời gian vừa qua, dư luận đã chứng kiến nhiều sự việc đau lòng cha giết con, chồng giết vợ và bây giờ là con thuê người đánh cả cha ruột của mình.
Mới đây, ngày 15/3, dư luận đã bàng hoàng khi có thông tin bé trai Đỗ Doãn Lộc (8 tuổi, ở phố Nhà Chung, phường Tiền An, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), bị chính bố đẻ đánh đập tàn ác, phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, chấn thương sọ não, hôn mê sâu. Và đến ngày 18/3, cháu Lộc đã tử vong mặc dù được các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức tận tình cứu chữa.
Cụ thể, ngày 15/3, Nguyễn Thi Hà, vợ hờ của Lợi phát hiện bị mất 20.000 đồng nên đã đánh cháu Lộc. Lợi tra hỏi con nhưng cháu Lộc không nhận mình lấy tiền. Do đó, Lợi đã dùng điếu cày đánh liên tiếp vào người cháu, Lộc bị ngã ngửa, bất tỉnh.
Khi thấy con bị ngất, Lợi bế con sang sang nhà anh trai là Đỗ Văn Thắng, nhờ đưa con đi bệnh viện vì lý do cháu bị ngã.
Sau khi gửi con đi cấp cứu, cả Lợi và Hà đều bỏ trốn khỏi nhà. Cơ quan công an đã bắt giữ được cả hai. Hiện cơ quan điều tra đã khởi tố Đỗ Văn Lợi, đang xem xét hành vi của Bùi Thị Hà để làm rõ.
Thảo My (Tổng hợp)