Trang

2 tháng 3, 2014

COC: Trì hoãn sinh căng thẳng


(PetroTimes) - Theo dự kiến, ngày 18/3, các nhà đàm phán của ASEAN và Trung Quốc sẽ họp tại Singapore để thương đàm về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) sau khi các cuộc họp về COC năm ngoái có rất ít tiến triển. Trong khi đó, Hãng Reuters cho biết, bất chấp nỗ lực của Mỹ thúc đẩy Trung Quốc và ASEAN sớm tiến hành đàm phán và ký COC để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, Bắc Kinh vẫn lập lờ khả năng trì hoãn vô thời hạn. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng cảnh báo, quá trình đàm phán COC càng dài, những căng thẳng trên Biển Đông càng có nguy cơ bùng phát thành xung đột.
Biên đội tàu chiến Trung Quốc hành quân trên biển
Philippines quyết đấu với Trung Quốc
Ngày 25/2, Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila Tôn Hướng Dương đến để kịch liệt phản đối hành vi ngăn chặn ngư dân Philippines đánh bắt cá ở Scarborough/Hoàng Nham của Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết, ngư dân Philippines đã tìm nơi trú ẩn tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham khi gặp thời tiết khắc nghiệt, nhưng tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng xua đuổi họ. Đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng bắn vào tàu cá nước khác trên Biển Đông. Tổng thống Philippines Aquino cũng yêu cầu Trung Quốc trả lời rõ ràng về vụ việc này trước dư luận.
Trước đó (24/2), phát biểu tại diễn đàn của Hiệp hội Phóng viên nước ngoài ở Philippines, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Emmanuel Bautista đã cáo buộc tàu Cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vòi rồng xua đuổi ngư dân Philippines gần bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Tướng Emmanuel Bautista cho biết, vụ việc kể trên xảy ra hôm 27/1, nhưng ông không cung cấp thông tin cụ thể.
Trong khi đó, trang tin Rappler của Philippines cho biết (26/2), Trung Quốc đã đưa ra một số nhượng bộ bao gồm rút tàu khỏi bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham và tăng cường đầu tư, đổi lại Philippines rút hồ sơ vụ kiện tại Tòa án Trọng tài quốc tế về Luật Biển (ITLOS) trước ngày 30/3.
Ngày 24/2, Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg dường như đã đi xa hơn các đồng nghiệp của mình trong việc chỉ trích “đường lưỡi bò” của Trung Quốc khi khẳng định: Không có cái gọi là “đường lưỡi bò” bởi không tin yêu sách này có thể qua được vòng kiểm tra pháp lý để xác định hoặc giải quyết vấn đề Biển Đông. Việc này đã phá vỡ thông lệ phản ứng trước đây của Mỹ khi chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg cũng khuyến cáo không nên thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và các vùng có tranh chấp khác trong khu vực, kêu gọi các nước tuân thủ luật quốc tế. Đồng thời nhấn mạnh, Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo sự tự do đi lại ở các khu vực biển giàu tài nguyên tại châu Á và không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp, nhưng giữ vững các nguyên tắc của mình. Trước đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel chỉ yêu cầu Bắc Kinh làm rõ cơ sở pháp lý đối với yêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông.
Ngày 24/2, tờ Thời báo Hoàn Cầu đăng bài "Mỹ đã lập căn cứ thường trú bí mật ở Philippines chuyên theo dõi hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông". Bởi Tổng thống Philippinese Aquino đã bày tỏ thái độ công khai về việc tăng cường đàm phán cho Mỹ đóng quân ở nước này, theo đó quân đội Mỹ quay trở lại thường trú ở các căn cứ hải, không quân Philippines sắp trở thành hiện thực. Ngoài ra, Mỹ còn muốn bố trí 2 radar trinh sát tầm xa ở căn cứ Subic và như vậy tình hình Biển Đông sẽ tăng thêm biến số mới. Cũng trong ngày 24/2, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris Jr., đã tới Manila. Trước đó, khi được hỏi Mỹ có hỗ trợ Philippines khi nước này xung đột quân sự với Trung Quốc, Tướng Jonathan Greenert cho biết, Washington đương nhiên ủng hộ Manila vì có Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Philippines. Đây là lần đầu tiên Mỹ bày tỏ sự ủng hộ rõ ràng nhất đối với Philippines trong tranh chấp Biển Đông. Nhưng Philippines phải để Mỹ sử dụng tối đa căn cứ quân sự Clark và Subic.
Tướng Ammanuel Bautista trong cuộc trả lời phỏng vấn Hãng AP
Kẻ gây rối
Ngày 25/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh đã gọi Nhật Bản là "kẻ gây rối" đang phá hoại hòa bình và ổn định khu vực. Tuyên bố này được đưa ra nhằm phản ứng lại phát ngôn của Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và sau khi Tokyo công khai chỉ trích Bắc Kinh "làm leo thang căng thẳng ở Đông Bắc Á". Ngày 25/2, khi trả lời phỏng vấn Hãng AP, ông Fumio Kishida coi sự bành trướng quân sự của Trung Quốc là mối quan ngại. Ngày 24/2, Hãng tin Kyodo cho biết, Nhật Bản sẽ đưa vấn đề ADIZ ra Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế (ICAO) tại cuộc họp dự kiến kết thúc vào ngày 14/3, sau khi Trung Quốc thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông.
Trung Quốc vừa bày tỏ quan ngại sau khi có tin Nhật Bản soạn thảo kế hoạch xuất khẩu vũ khí trở lại sau nhiều thập niên “ngủ yên”. Theo Hãng tin Kyodo, ngày 25/2, nội các Nhật Bản đã thông qua dự luật để phê chuẩn Hiệp ước Buôn bán vũ khí (ATT) - Hiệp ước quốc tế đầu tiên kiểm soát buôn bán vũ khí thông thường đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua hồi tháng 4/2013. Theo kết quả điều tra dư luận do Hãng tin Kyodo tiến hành mới đây, 66,8% số người được hỏi đã phản đối việc nới lỏng xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản. Điều này chứng tỏ cử tri tỏ ra thận trọng về động thái muốn thay đổi quy định hạn chế xuất khẩu vũ khí mà Nhật Bản tự áp đặt. Được biết, Nhật Bản đang xem xét cho phép xuất khẩu vũ khí tới các nước nằm dọc theo các tuyến đường biển để đảm bảo sự an toàn của vận chuyển.
Ngày 26/2, tờ Hải dương Trung Quốc cho biết, Cục trưởng Cục Văn vật quốc gia Trung Quốc Lệ Tiểu Tiệp vừa ngang ngược tuyên bố, tàu khảo cổ dưới nước đầu tiên của nước này (Khảo cổ Trung Quốc 01) sẽ được đưa vào hoạt động tại vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ tháng 5. Ngày 22/2, Hãng ABS CBN News dẫn lời 1 quan chức an ninh Philippines giấu tên cho biết, 4 tàu Trung Quốc đã xuất hiện (bất hợp pháp) tại bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam), sau nhiều tháng rút lui kể từ những lần xâm nhập (trái phép) trước đó. Trước đó, tại hội thảo quốc tế về Biển Đông và biển Hoa Đông được tổ chức vào hạ tuần tháng 2 ở Kyoto (Nhật Bản), các chuyên gia đến từ Ấn Độ, Australia, Mỹ, Thái Lan… đều cho rằng, tranh chấp biển ở khu vực này đang ngày càng phức tạp.
Ngày 24/2, Press TV đưa tin, Mỹ đang huấn luyện quân đội Nhật Bản "đổ bộ tái chiếm một hòn đảo bị chiếm bởi lực lượng thù địch" trong một cuộc tập trận thường xuyên của hai nước. Thủy quân lục chiến Mỹ và bộ binh Nhật Bản đang tham gia cuộc tập trận Iron Fisst kéo dài một tháng tại Trại Pendleton tại miền Bắc San Diego ở California, Mỹ. Đây là cuộc tập trận chung lần thứ 9 của Mỹ - Nhật kể từ khi bước vào năm 2014 và lần này Nhật Bản đã điều đơn vị tinh nhuệ phụ trách tác chiến đảo nhỏ WAiR với khoảng 270 binh sĩ tham gia diễn tập cùng số lượng tàu chiến nhiều với quy mô chưa từng có. Tuy nhiên, do Nhật Bản chưa thành lập Bộ Tư lệnh thống nhất, nên không thể trực tiếp chỉ huy hiệu quả tác chiến liên hợp 3 quân chủng, cộng với việc mua sắm và huấn luyện của 3 quân chủng này độc lập, do đó hiệu suất hiệp đồng bị giảm mạnh.
Căn cứ vào kế hoạch xây dựng lực lượng tác chiến đổ bộ thuộc lực lượng tự vệ trên bộ, Nhật Bản đã chi gần 4,9 triệu USD để mua 4 trong tổng số 52 xe thiết giáp lưỡng dụng AAV7 của Mỹ. Và trong 5 năm tới, Tokyo dự chi 239 tỉ USD, thành lập Trung đoàn thủy - lục cơ động thuộc lực lượng tự vệ mặt đất, lực lượng chịu trách nhiệm phòng vệ các đảo xa của Nhật Bản, với biên chế 3.000 binh sĩ, nhiều gấp 4 lần biên chế của Trung đoàn bộ binh cơ giới. Ngày 24/2, ông Shinzo Abe đã bày tỏ mong muốn, một vị thủ tướng cần được trao nhiều quyền hành hơn trong các tình huống khẩn cấp thông qua việc sửa đổi Hiến pháp.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino.
Những mối quan hệ đáng lưu tâm
Ngày 24/2, Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga Vasily Kashin cho rằng, Trung Quốc sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến tranh ngắn gọn và nhanh chóng trên biển Hoa Đông, nhưng kịch bản nào cũng rất có thể trở thành thảm họa đối nội và đối ngoại cho Bắc Kinh. Trước đó, kênh Channel News Asia từng đưa tin, Nhật Bản đã kêu gọi thế giới dũng cảm đương đầu với Trung Quốc đang ngày một hung hăng hoặc sẽ phải đối mặt với những hậu quả kinh tế thảm khốc một khi nổ ra xung đột tiềm tàng trong khu vực.
Ngày 25/2, tờ The Wall Street Journal cho biết, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tìm cách giảm nhẹ căng thẳng trong tranh chấp biên giới với Ấn Độ - tránh phản bác gay gắt chỉ trích của ứng viên Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Bởi trước đó (22/2), ông Narendra Modi, người của đảng BJP đối lập đã kêu gọi Trung Quốc từ bỏ tư duy bành trướng. Trong khi đó giới quân sự coi động thái khôi phục sân bay quân khu phía đông của Bộ Quốc phòng Nga để tăng cường bảo vệ biên giới khu vực Viễn Đông (đầu tiên là xây dựng lại căn cứ Thảo nguyên tại khu vực ngoại Baikal, gần biên giới với Trung Quốc, trị giá 7,8 tỉ rub) là nhằm đối phó với Trung Quốc.
Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Fernando Manalo cho biết, ngày 15/3, Seoul và Manila sẽ chính thức ký hợp đồng mua sắm 12 máy bay chiến đấu FA-50 với tổng trị giá 422 triệu USD. Và việc này sẽ giúp không quân Philippines nâng cao năng lực tác chiến tại Biển Đông. Ngày 24/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố, Washington sẽ tiếp tục kế hoạch chuyển trục chiến lược tới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bất chấp tình hình ngân sách bị thắt chặt.
Theo ông Termsak Chalermpalanupap, nhà phân tích chính trị tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cựu thành viên Ban Thư ký ASEAN cho biết, một dự thảo không chính thức được Indonesia soạn thảo trước đó đã phác họa một mối quan hệ khu vực để kiềm chế các hoạt động quân sự thường xuyên ở Biển Đông và các nguyên tắc xử lý tranh chấp theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNLCOS), nhưng Trung Quốc không muốn bàn về dự thảo này.
Ngày 25/2, Tân Hoa xã dẫn phát biểu của Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, tướng Phòng Phong Huy khi gặp tướng Moeldoko, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Indonesia cho biết, Trung Quốc muốn tăng cường hợp tác hàng hải và diễn tập chống khủng bố chung với Indonesia. Trước đó (chiều 24/2), Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã hội đàm với người đồng cấp Indonesia Marty Natalegawa về các vấn đề an ninh hàng hải, tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và Châu Á - Thái Bình Dương nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương.
Vấn đề lịch sử gây tranh cãi
Theo Tân Hoa xã, ngày 25/2, Quốc hội Trung Quốc cho biết, đang xem xét lấy ngày 3/9 là "Ngày Chiến thắng của nhân dân Trung Quốc trong cuộc chiến chống đế quốc Nhật Bản xâm lược", đồng thời cân nhắc lấy ngày 13/12 là ngày tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát Nam Kinh năm 1937. Theo Hãng Kyodo, ngày 25/2, nhân kỷ niệm 1 năm ngày bà Park Geun-hye nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida một lần nữa kêu gọi Hàn Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa hai nước. Đây là động thái nhằm cải thiện quan hệ song phương đang xấu đi do những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và nhận thức về lịch sử giữa Tokyo và Seoul.
Ngày 24/2, Hãng AFP cho biết, một giới chức cao cấp trong chính quyền Nhật Bản thông báo, Tokyo có thể sẽ xem xét lại các lời xin lỗi chính thức năm 1993 về nạn phụ nữ châu Á bị đưa vào các nhà thổ của quân đội Nhật trong Thế chiến II. Động thái này khiến dư luận nghi ngờ Tokyo muốn giảm nhẹ trách nhiệm của Nhật Bản trong vấn đề này. Theo các sử gia, có đến 200.000 phụ nữ châu Á (nhiều nhất là phụ nữ Hàn Quốc) phải phục vụ trong các nhà thổ của quân đội Nhật trong Thế chiến II. Trước đó (23/2), Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu quan chức ngoại giao Nhật Bản ở Seoul để trao công hàm phản ứng việc Tokyo cử quan chức chính phủ tham dự lễ kỷ niệm về chủ quyền quần đảo Takeshima/Dokdo.
Ngày 24/2, Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ đã đưa ra phân tích mới nhất của họ về mối quan hệ Nhật - Mỹ, trong đó bày tỏ mối lo ngại trước quan điểm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về các vấn đề lịch sử gây tranh cãi có thể làm đảo lộn quan hệ khu vực và làm tổn thương lợi ích của Mỹ. Đồng thời quan tâm tới sự suy giảm trong quan hệ giữa Tokyo và Seoul, hai đồng minh lớn và quan trọng nhất của Mỹ tại khu vực Đông Á.
Hồng Thất Công -Tuấn Quỳnh

Trận derby kinh điển


Ronaldo cứu Real thoát thua derby Madrid


CR7 nổ súng những phút cuối trận, giúp Real cân bằng tỷ số 2-2 trước Atletico trong trận đấu tối 2/3.
Việc Real và Atletico đang so kè nhau trên đường đua vô địch La Liga càng khiến trận derby Madrid trở nên căng thẳng và hấp dẫn. Khác với El Clasico, nơi người hâm mộ mong đợi những màn trình diễn kỹ thuật đẹp mắt, derby Madrid được xem là một cuộc chiến thực sự. Ở đó chứa đựng sự quyết liệt, va chạm, cãi vã, những tình huống gây tranh cãi, và tất nhiên không thể thiếu những bàn thắng.
Khi trận đấu trôi qua được ba phút, Benzema khiến sân Vicente Calderon như chết lặng bằng pha đệm bóng cận thành mở tỷ số. Bàn thua sớm không làm các cầu thủ Atletico nao núng. Koke và Gabi ghi liên tiếp hai bàn trong hiệp một giúp đội chủ nhà dẫn ngược. Với lối đá áp sát, Atletico thực sự làm khó Real, duy trì cách biệt cho đến những phút cuối. Nhưng đến phút 82, Ronaldo có mặt đúng lúc ra chân ghi bàn thắng gỡ hòa 2-2.
Cách lựa chọn nhân sự của HLV Ancelotti cho thấy ông thận trọng đến thế nào trong chuyến làm khách ở Vicente Calderon. Marcelo và Carvajal, hai hậu vệ cánh có thiên hướng tấn công của Real ngồi trên ghế dự bị, để Coentrao và Arbeloa thay thế. Carletto muốn đảm bảo Real chơi chắc chắn ở phần sân nhà, trước khi nghĩ đến việc ghi bàn. Nhất là khi đối thủ Atletico là những cầu thủ mạnh mẽ, không ngại va chạm và giàu thể lực.
Tiếp cận trận đấu thận trọng dẫn đến 45 phút đầu Real không tạo ra được nhiều cơ hội nguy hiểm, ngoài bàn thắng sớm của Benzema. Đó là tình huống Di Maria tạt bóng như đặt để tiền đạo người Pháp dễ dàng đệm bóng mở tỷ số.
Từ phút thứ 10 trở đi, thế trận hoàn toàn nghiêng về đội chủ nhà Atletico. Với lối đá pressing, các cầu thủ áo sọc đỏ trắng tổ chức lấy bóng rất nhanh. Real, đã có bàn làm vốn, tập trung phòng ngự và chờ đợi phản công. Tuy nhiên, với cách áp sát không ngại va chạm của đội chủ nhà, hàng tiền vệ Real gồm Modic, Di Maria, Alonso đối mặt với bài toán khó đưa bóng lên tuyến trên.
Bộ ba Benzema - Bale - Ronaldo khi không được tiếp đạn cũng khó làm nên chuyện trước một hàng phòng ngự chắc chắn của đội chủ nhà. Hậu vệ Atletico không chỉ tổ chức vây bắt ở phần sân nhà, mà còn sẵn sàng theo sát Bale và Ronaldo khiến bộ đôi này không có nhiều khoảng trống để uy hiếp khung thành. Bale chỉ có đúng một tình huống gây sóng gió khi đánh đầu ngược bất ngờ, đưa bóng đi trúng vị trí của thủ môn Courtois chờ sẵn. Benzema ngoài bàn mở tỷ số cũng im hơi lặng tiếng. Ronaldo, trước khi ghi bàn gỡ hòa chơi năng nổ nhưng tính hiệu quả quá thấp.
article-2571436-1BF8414E000005-5897-7985
Ronaldo có nhiều pha dứt điểm thiếu chính xác trong trận đấu tối qua.
Diego Costa, người đang so kè với Ronaldo trong cuộc đua Pichichi tối qua thi đấu đầy năng nổ. Nhưng khác với CR7, hiệu quả trong những lần dứt điểm của tiền đạo Atletico còn thấp hơn. Costa tung ra 6 cú dứt điểm về phía Lopez, đa số đều ở những vị trí thuận lợi nhưng thường chệch mục tiêu. Tình huống đáng chú ý nhất của Costa diễn ra ở phút 11 khi anh bị Ramos phạm lỗi rõ ràng trong vòng cấm. Trọng tài chính sau đó cho trận đấu tiếp tục mà không thổi phạt đền Real.
Đến phút 65, Costa một lần nữa ngã trong vòng cấm sau pha va chạm với Arbeloa và lần này ông trọng tài rút thẻ vàng vì cho rằng tiền đạo gốc Brazil ăn vạ. Không chịu đựng nổi quyết định của trọng tài, trợ lý HLV của Atletico lao ra đường biên quát tháo (Xem video).
Cầm còi những trận derby căng thẳng luôn khiến các trọng tài chịu sức ép lớn. Ngoài việc tập trung để đưa ra quyết định công bằng, trọng tài còn phải quyết đoán để xử lý những pha va chạm nảy lửa trên sân và cả những pha đóng kịch tài tình. Pepe tối qua đã chơi tiểu xảo khi lăn ra đất tỏ vẻ đầy đau đớn sau cú chạm đầu rất nhẹ của Godin. Ở tình huống này, trọng tài đã tỉnh táo khi tặng mỗi cầu thủ một thẻ vàng. (Xem video)
1393778193237-lc-galleryImage-7836-1282-
Koke mừng bàn gỡ hòa 1-1.
Sau những nỗ lực tạo sức ép, Atletico cuối cùng đã có bàn gỡ hòa nhờ sai lầm của hàng phòng ngự Real. Không ai theo kèm Koke trong vòng cấm để tiền vệ mang áo số 6 thoải mái tung cú vô lê quyết đoán hạ gục thủ thành Lopez.
Đến phút 43, Ramos và Pepe tiếp tục mắc sai sót khi để Costa dễ dàng thoát xuống đối mặt với Lopez nhưng lần này thủ môn Real cản phá thành công cú dứt điểm của Costa.
Hai phút sau, Diego Lopez bị khuất tầm nhìn, anh hơi chần chừ trong việc di chuyển. Nhờ vậy cú nã đại bác tầm xa của Gabi đã đưa bóng nằm gọn trong lưới Real. (Xem video)
Nhận thấy sự thiếu hiệu quả ở khâu tấn công, HLV Ancelotti lần lượt tung Marcelo rồi Carvajal vào sân. Hiệp hai vì thế chứng kiến nhiều pha ăn miếng trả miếng hấp dẫn của hai bên. Atletico và Real đều có những cơ hội ngon ăn nhưng đều bỏ lỡ trước khi Ronaldo ghi bàn quyết định khép lại trận đấu. 
Một điểm có được không phải quá tệ với Atletico. Họ chỉ kém Real có 3 điểm nhưng có lợi thế về chỉ số đối đầu (1 thắng, 1 hòa) - chỉ số để xét hơn kém nếu hai đội bằng điểm nhau.
* Bàn thắng: Koke (28'), Gabi (45') - Benzema (3'), Ronaldo (82')
Đội hình thi đấu
Capture-PNG-8874-1393795832.png

Hữu Nhơn (Vnexpress)

Bất chấp rủi ro, nhà đầu tư mua cổ phiếu

Bất chấp rủi ro, nhà đầu tư dốc tiền mua cổ phiếu

- Từ đầu năm 2014 đến nay thị trường CK VN đã tăng trung bình 20%. Lúc này nên dừng mua đuổi giá, chốt lời. BTTD


Bất chấp mọi cảnh báo của CTCK, nhận định của chuyên gia, nhà đầu tư đã dốc tiền mua cổ phiếu dù nhiều mã đã tăng hơn 50% chỉ trong vòng 1 tháng và thị trường chung cũng đã tăng điểm mạnh.

Thị trường chứng khoán tăng điểm bất ngờ và tăng với chuỗi ngày dài hơn bất kỳ dự đoán nào của các nhà đầu tư cũng như công ty chứng khoán.

Dường như, nhà đầu tư đang trong tâm trạng hết sức mâu thuẫn: Sợ cơ hội tăng như bây giờ sẽ khó gặp lại sau này. Nhà đầu tư "say máu" với thị trường chứng khoán. Họ biết rủi ro! Chắc vậy!. Ai đầu tư chẳng cân nhắc tiền của mình đang rót vào đâu. Tiền của mình có thể sinh lãi hay không. Ai đầu tư chẳng ít nhất một lần đặt tay lên trán mà nghĩ "...nếu lỗ thì sao?". Cân nhắc lựa chọn là điều CHẮC CHẮN phần đông nhà đầu tư phải làm, đã làm vì chính đồng tiền của mình.

Nhìn thị trường những ngày qua, tôi lại nhớ đến bài thơ "vội vàng" của nhà thơ Xuân Diệu.
"...Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian...."
Và, nhà đầu tư lựa chọn. Họ chọn dốc tiền vào thị trường chứng khoán khi thị trường đã tăng điểm cực mạnh. Hầu hết những nhận định của Công ty chứng khoán, chuyên gia, nhà đầu tư về thị trường thời gian qua đều...lệch pha. Thị trường đã và đang biến động mạnh theo tâm lý là chủ đạo.
Tiền vào chứng khoán ầm ầm
Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua, VnIndex giảm 1,31 điểm so với phiên trước đó nhưng chốt cả tuần tăng 2,78% so với cuối tuần trước và tăng 16,23% so với đầu năm. Còn HNX đạt mức tăng 3,68% trong tuần; tăng 22,52% so với đầu năm! 
Để nhà đầu tư mường tượng được mức tăng 2 tháng qua của thị trường như thế nào, chúng tôi xin nhắc lại điểm nhấn đáng chú ý là: "Năm 2013, VN-Index là một trong 10 chỉ số có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất thế giới với mức tăng 21,97%. Năm 2013, HNX-Index tăng 18,83%".
Điều này có nghĩa là 2 chỉ số chỉ mới đi 1/6 quãng đường của một năm nhưng 2 sàn đạt mức tăng cao và riêng HNX-Index đã đạt mức tăng cực kỳ ấn tượng.
2 chỉ số tăng giá nhưng đặc biệt đáng chú ý là thanh khoản ở mức cao. HNX đạt bình quân 842 tỷ đồng/phiên tuần qua, tăng 1,29% so với bình quân của tháng và tăng hơn 30% so với bình quân từ đầu năm đến nay. HSX đạt bình quân khớp lệnh 2.470 tỷ đồng/phiên tuần qua, tăng 8,53% so với bình quân của tháng và tăng hơn 37,44% so với bình quân từ đầu năm đến nay.
Mỗi ngày, tiền chảy ồ ạt vào thị trường chứng khoán. Nhiều người cho rằng là vì lãi suất huy động thấp quá, nhiều người lại bảo là nhờ khối ngoại, nhiều người cho rằng vì bất động sản chưa hồi phục, và, đặc biệt là nhiều người cho rằng dòng tiền margin là chính....Mười người trăm ý nhưng chung quy lại một điều: Thị trường đang thực sự nóng, nhà đầu tư sẵn sàng rót tiền mua chứng khoán dù nhiều mã tăng rất mạnh.

Nhiều mã đã tăng rất mạnh, nhà đầu tư cần tỉnh táo trước khi dốc tiền mua
Thống kê của chúng tôi cho thấy, nhiều mã cổ phiếu đã tăng rất mạnh thời gian qua. Thậm chí, nhiều mã tăng hơn 50% chỉ trong vòng 1 tháng.
MHC-tăng 72% trong 1 tháng: Dù kết quả kinh doanh năm 2013 đã nhiều cải thiện so với những năm trước đó với khoản lãi ròng (LNST thuộc cổ đông công ty mẹ) gần 16 tỷ đồng nhưng nếu so với vốn điều lệ hơn 135 tỷ đồng thì kết quả này cũng không phải quá cao. Thị giá cổ phiếu MHC tăng vọt trong 1 tháng qua dù cổ phiếu này vẫn đang bị duy trì trạng thái bị kiểm soát bởi 2009, 2010 thua lỗ. Cuối năm 2013, công ty vẫn còn số lỗ lũy kế chưa phân phối hơn 56 tỷ đồng.
NBB tăng 57% trong 1 tháng: Một nghịch lý giữa KQKD và thị giá cổ phiếu NBB là Luỹ kế cả năm 2013 công ty chỉ lãi ròng 25 tỷ đồng tức chưa bằng 1/10 mức lãi 285 tỷ đồng năm 2012 nhưng thị giá cổ phiếu NBB tăng 57% trong thời gian công bố BCTC. NBB cho biết trong bản giải trình nguyên nhân lợi nhuận giảm sâu là năm 2014 sẽ đủ điều kiện ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ phần còn lại của dự án căn hộ Carina, phần còn lại của dự án đất nền tại Bạc Liêu, Sơn Tịnh-Quảng Ngãi...Đồng thời, công ty cũng có chiến lược thoái vốn tại một số dự án không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính như: CTCP KS Quảng Ngài, vốn tại dự án BOT Rạch Miễu, vốn tại Thủy điện Đá Đen-Phú Yên...Tuy nhiên, ước tính ghi nhận bao nhiêu thì công ty không đưa ra.
PXT tăng 55% trong 1 tháng: Vốn điều lệ 200 tỷ đồng, chỉ lãi hơn 1 tỷ đồng năm 2013, giảm sâu so với cùng kỳ và chưa hoàn thành kế hoạch lợi nhuận mà ĐHCĐ giao phó. Thế nhưng, cổ phiếu PXT đã tăng rất mạnh trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh. Thanh khoản cũng tăng vọt.
PPI tăng 53% trong 1 tháng: Không như những doanh nghiệp khác, cổ phiếu PPI tăng khá đều nhưng không quá "sốc" với chuỗi dài tím. Cổ phiếu này lầm lũi tăng và có những phiên đứng giá, vài phiên giảm điểm nhẹ đan xen. Tính chung 1 tháng qua, PPI được xếp vào top tăng giá mạnh. KQKD năm 2013 của công ty không mấy sáng khi vốn 140 tỷ đồng nhưng lãi cả năm chưa đầy 140 triệu đồng, giảm sâu so với mức thấp của năm ngoái! 
HT1 tăng 51% trong 1 tháng: Xi măng Hà Tiên 1 nổi tiếng với khoản nợ hơn nửa tỷ đô và mỗi năm chỉ lãi vài tỷ đồng bởi chi phí lãi vay đã ngốn hết lợi nhuận trong kỳ. Tình trạng này xảy ra hết năm này đến năm khác với HT1 và chừng nào chuyện vay nợ vẫn nặng gánh thì lợi nhuận của công ty khó lòng bứt phá. Ngoại trừ thông tin Vincem "đỡ bớt" một phần nợ thông qua việc phát hành cổ phiếu mà chúng tôi đã đưa tin từ rất lâu thì công ty không có thông tin gì đáng chú ý mới.
IDI tăng 50% trong 1 tháng: Kết quả kinh doanh 2013 với lợi nhuận gần 38 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm ngoái nhưng thị giá của công ty lại đang tăng rất mạnh. Hiện, MB Capital đang đăng ký bán bớt 200 nghìn cổ phiếu này.
SGT tăng 50% trong 1 tháng: Tất bật chuẩn bị cho kế hoạch hủy niêm yết cổ phiếu trên HNX và chuyển sàn sang UPcOM nên công ty công bố muộn KQKD năm 2013. Tuy vậy,  kết quả lợi nhuận năm nay là có lãi chưa đầy 5 tỷ đồng sau khi đã lỗ hàng trăm tỷ đồng năm 2011, 2012. 
Thanh Hiên
Theo Trí Thức Trẻ

Can thiệp Ukraine, Nga thiệt hại gì?




Rủi ro kinh tế đầu tiên mà Nga có thể phải hứng chịu là đồng Rúp vốn dĩ đang yếu có thể mất giá mạnh thêm - Reuters.
In

Theo nhận định của tờ Wall Street Journal, nước Nga có thể chịu thiệt hại lớn về mặt kinh tế nếu “phớt lờ” những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế về kiềm chế can thiệp quân sự vào Ukraine. Tuy nhiên, giới quan sát cũng cho rằng, những nguy cơ tổn thất kinh tế có thể vẫn chưa đủ để ngăn Nga có những hành động xa hơn.

Rủi ro kinh tế đầu tiên mà Nga có thể phải hứng chịu là đồng Rúp vốn dĩ đang yếu có thể mất giá mạnh thêm. Bên cạnh đó, trong trường hợp Nga có những động thái tiến xa hơn, nước này có thể đối mặt với khả năng bị tẩy chay hội nghị nhóm G-8 dự kiến dễ ra ở Sochi trong mùa hè này, cũng như nguy cơ bị đóng băng tài sản và chịu các lệnh trừng phạt kinh tế.

“Nước Nga có thể nói rằng họ có sức mạnh, nhưng việc thể hiện sức mạnh đó sẽ chỉ khiến họ thiệt hại lớn, cả trên trường quốc tế và về mặt kinh tế”, chuyên gia Lilit Gevorgyan thuộc hãng nghiên cứu IHS Global Insight phát biểu. “Có rất nhiều lợi ích của Nga bị đặt vào thế rủi ro ở đây”.

Cho đến hiện tại, Nga vẫn bỏ qua những lời kêu gọi của phương Tây về kiềm chế có hành động quân sự xa hơn ở Ukraine.

Trong diễn biến mới nhất liên quan đến tình hình ở Ukraine, lãnh đạo nước này cho rằng, Nga đã “công bố chiến tranh”. “Đây không phải là một lời đe dọa. Đây thực sự là lời công bố chiến tranh đối với đất nước chúng tôi”, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk phát biểu bằng tiếng Anh được hãng tin Reuters trích dẫn.

Hôm thứ Bảy vừa rồi, Quốc hội Nga đã cho phép Tổng thống Vladimir Putin đưa quân vào Ukraine. Theo hãng tin CNN, đến ngày Chủ nhật, các tướng lĩnh Nga đã dẫn quân tới 3 căn cứ ở Crimea, yêu cầu các lực lượng Ukraine ở đây đầu hàng và giao nộp vũ khí. Một quan chức Mỹ cho biết, đến cuối ngày Chủ nhật, quân Nga đã “kiểm soát hoàn toàn Crimea”. Phía Mỹ ước tính hiện có khoảng 6.000 quân Nga thuộc các lực lượng mặt đất và hải quân hiện có mặt ở Crimea.

Cùng với đó, Nga cũng thực hiện việc cấp hộ chiếu nhanh cho những người nói tiếng Nga ở Ukraine.

Nếu Nga tiến xa hơn việc giành quyền kiểm soát Crimea, việc trừng phạt kinh tế đối với Nga có thể xảy ra. Một số chính trị gia của Nga nói rằng, họ đã lường trước điều tồi tệ nhất.

“Chúng ta cần chuẩn bị cho tình huống họ có biện pháp chống lại chúng ta. Nhưng chúng ta phải tiếp tục con đường của mình”, ông Nikolai Ryzhkov, một thành viên Thượng viện Nga, phát biểu hôm thứ Bảy.

“Rõ ràng đang có áp lực lớn hình thành bên trong việc Nga thể hiện những chiến lược và chiến thuật cứng rắn với Ukraine và phương Tây. Nga cảm thấy mình đã “qua mặt” ở Kiev và không hài lòng với hành vi của Mỹ và châu Âu trong mấy tháng vừa qua”, ông Dmitri Trenin, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Carnegie Moscow Center, phát biểu.

Theo đánh giá của ông Steven Pifer, cựu Đại sứ Mỹ ở Ukraine, sự gắn bó lâu dài về mặt lịch sử giữa Nga với Ukraine - nhất là vùng Crimea, vùng đất còn là một phần của Nga cho tới năm 1954 - và quan điểm của Nga cho rằng, các nước thuộc Liên Xô cũ nên chịu ảnh hưởng lớn từ Moscow có thể khiến Nga gạt sang bên tất cả những lo ngại về phản ứng của phương Tây.

“Nếu nhìn lại những gì Nga đã làm ở Moldova và Georgia, có vẻ như họ tính toán rằng, giữ các nước láng giềng trong thế mất cân bằng là một điều tốt”, ông Pifer nói.

Mặc dù vậy, một vấn đề có thể khiến Nga đắn đo khi lựa chọn nên tiếp tục hành động quân sự ở Ukraine hay không là mối ràng buộc năng lượng với châu Âu. Khả năng xảy ra xung đột có thể làm gián đoạn hệ thống đường ống dẫn khí đốt huyết mạch của Ukraine. Đây là hệ thống được tập đoàn khí đốt quốc doanh khổng lồ OAO Gazprom của Nga sử dụng để chuyển năng lượng tới châu Âu.

“Trong suốt 30 năm qua, Nga đã nỗ lực thể hiện hình ảnh là một nguồn năng lượng đáng tin cậy của châu Âu. Nếu họ quyết định tiến xa hơn ở Ukraine, thì có lẽ họ không còn quan tâm tới uy tín của mình ở châu Âu, bởi chắc chắn, châu Âu sẽ phản ứng quyết liệt trong trường hợp nguồn cung khí đốt bị cắt dù chỉ tạm thời”, cựu Đại sứ Mỹ ở Ukraine, ông Pifer, phát biểu.

Một số quốc gia phương Tây hiện đã từ bỏ việc lên kế hoạch cho các phiên họp trong khuôn khổ cuộc họp của nhóm G-8 tại Sochi, khu nghỉ mát thuộc miền Nam nước Nga, nơi vừa diễn ra Thế vận hội mùa đông. Nếu cuộc họp này của G-8 bị tẩy chay trên diện rộng, thì điều đó sẽ xói mòn những nỗ lực của Moscow nhằm sử dụng hình ảnh của thành phố mới xây dựng này để quảng bá hình ảnh của nước Nga với tư cách một địa chỉ làm ăn hấp dẫn.

Theo chuyên gia Gevorgyan, khoản đầu tư 52 tỷ USD mà Nga đã bỏ ra để chuẩn bị Sochi cho Thế vận hội sẽ được sử dụng lần nữa cho hội nghị G-8 vào tháng 6. Nếu mọi việc không diễn ra suôn sẻ, Nga sẽ bỏ phí một cơ hội lớn.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Trenin thuộc trung tâm nghiên cứu Carnegie Moscow Center, tất cả những rủi ro kinh tế mà Nga phải đối mặt sẽ chỉ trở thành hiện thực nếu Nga mở rộng sự hiện diện quân sự ở Ukraine.

“Ở thời điểm này, Nga đã kiểm soát Crimea, và tôi không cho rằng đây là một cuộc xâm lược có trù tính. Có thể Nga đã cho rằng, nếu có sự phản kháng nhằm vào Kiev ở Crimea, điều đó có thể dẫn tới một cuộc nội chiến. Nên chắc là ông Putin xem đây như một cách để ngăn chặn xung đột”, ông Trenin phát biểu.

Nước Mỹ có tổng thống yếu kém...

Báo USA Today: Nước Mỹ có một tổng thống yếu kém và do dự
Sự lép vế của Mỹ trong cuộc khủng hoảng Ukraine xuất phát từ chính chính sách đối ngoại của chính phủ tổng thống Obama.

Tờ USA Today dẫn lời nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rogers – Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ phát biểu trên Fox News: “Putin đang đánh một ván cờ, và tôi nghĩ chúng ta đang là quân cờ”. Rogers cho rằng người Nga “đang chạy vòng vòng quanh chúng ta” trong các cuộc đàm phán, hệt như các cuộc đàm phán trước về vấn đề Syria hay phòng thủ tên lửa.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham phát biểu trong chương trình State of the Union của CNN nhận định: “Chúng ta đang có một vị tổng thống yếu và thiếu quyết đoán” và “đó chính là nguyên nhân mời dẫn sự khiêu khích”.
Trước đó, kết quả cuộc trưng cầu do CBS News và The New York Times tiến hành và công bố hôm 28.2 cho thấy có đến 59% dân chúng Mỹ thất vọng với nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama.
Đa số người thất vọng đều thuộc đảng Cộng hòa với tỉ lệ 91%, độc lập 66% và số cử tri đảng Dân chủ thất vọng chiếm 22%.
Chỉ có 40% người Mỹ được hỏi đã trả lời là hài lòng với nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama.
Trong khi đó, ngoại trưởng John Kerry cho biết  chính phủ của ông Obama đang làm việc với các đồng minh của Mỹ để tiến hành các biện pháp trả đũa việc Nga tiến quân vào Ukraine. Ông Kerry cho rằng các biện pháp trừng phạt Nga về kinh tế sẽ được đưa ra nếu quân đội Nga tiếp tục khiêu khích ở Crimea.
Các đồng minh của Mỹ “đã chuẩn bị tấn công trong trật tự nhằm cô lập Nga vì hành động tiến chiếm này” – ông Kerry nói trên chương trình Face The Nation của CBS. “Họ đã chuẩn bị áp đạt các lệnh cấm vận, họ đã chuẩn bị cô lập kinh tế Nga”
Trả lời chương trình Meet The Press của NBC, Kerry cho biết Nga cũng sẽ phải đối mặt với các án cấm vận về visa, phong tỏa tài khoản cùng với các án phạt về thương mại và đầu tư. Kerry cũng cho biết Mỹ đã chuẩn bị để tẩy chay hội nghị G-8 vào tháng 6 tại Nga và cũng có thể dẫn đến khả năng Nga bị loại ra khỏi tổ chức này.
L.H.L (Motthegioi)
Ảnh: 59% dân Mỹ thất vọng với cách điều hành đất nước của ông Obama

Các nước tẩy chay Hội nghị G8 tại Nga


Anh và Pháp tuyên bố không tham gia các cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao G8 ở Nga, trong khi NATO lên án việc Moscow đưa quân vào Crimea là đe dọa "hòa bình và an ninh của châu Âu".

http://russiancouncil.ru/
Anh, Pháp, Canada cảnh báo sẽ tẩy chay Hội nghị G8 dự kiến tổ chức ở Sochi, Nga vào ngày 4-5/6 tới. Ảnh: Russiancouncil.ru
"Trong tuần, Anh sẽ cùng các quốc gia G8 khác đình chỉ hợp tác trong khuôn khổ G8 mà Nga làm chủ tịch năm nay, bao gồm các cuộc họp nhằm chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao G8", AFP dẫn lời Ngoại trưởng Anh William Hague hôm nay cho biết.
Ông Hague cho hay quyết định trên được đưa ra nhằm phản đối hành động can thiệp quân sự vào Ukraine của Moscow. Hội nghị cấp cao G8 dự kiến tổ chức vào tháng 6 tại thành phố Sochi.
Cùng ngày, nguồn tin thân cận với Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết nước này cũng sẽ không tham gia vào cuộc họp trù bị cho Hội nghị G8 sắp tới. Quyết định trên được đưa ra trong một cuộc họp giữa ông Hollande và Ngoại trưởng Laurent Fabius.
Thủ tướng Canada Stephen Harper cũng lên tiếng đe dọa có thể cùng Mỹ tẩy chay Hội nghị G8, đồng thời triệu hồi đại sứ nước này tại Nga về nước.
Ông Anders Fogh Rasmussen, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hôm nay cũng yêu cầu Nga chấm dứt các hoạt động quân sự chống lại Ukraine và lên án Moscow đe dọa "nền hòa bình và an ninh của châu Âu".
"Chúng tôi ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine. Chúng tôi ủng hộ việc người dân Ukraine có quyền quyết định tương lai của mình mà không có sự can thiệp từ bên ngoài", ông Rasmussen nhấn mạnh. "Ukraine là quốc gia láng giềng và là đối tác quan trọng của NATO".
Trong khi đó Giáo hoàng Francis kêu gọi các bên tại Ukraine vượt qua bất đồng và cộng đồng quốc tế cần có hành động thúc đẩy đối thoại.
"Tôi yêu cầu các bạn hãy một lần nữa cầu nguyện cho Ukraine, quốc gia đang trải qua một tình cảnh rất tế nhị", Giáo hoàng nói trong buổi lễ hôm nay tại Vatican. "Tôi hy vọng các bên trong nước hãy làm việc để vượt qua bất đồng và cùng nhau xây dựng tương lai nước nhà".
Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh một đoàn xe của quân đội Nga đã di chuyển tới Simferopol, thủ phủ của nước cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine, một ngày sau khi lực lượng quân sự Nga tràn qua bán đảo chiến lược này mà không có tiếng súng.
Đức Dương (Vnexpres)

Việt Nam và Ukraina chung một số phận?



 



Quốc kỳ VN (trái) và Ukraina (phải)


 Việt Nam và Ukraina ở cách xa nhau, điều kiện địa lý, xã hội khác nhau nhưng có một yếu tố kinh tế- chính trị cơ bản khá giống nhau: Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc, Ukraina phụ thuộc vào Nga và châu Âu. Tương lai của VN và Ukraina nằm trong chiến lược khu vực, chính sách toàn cầu của TQ và Nga với sự can thiệp của Mỹ, châu Âu và quốc tế.

 Tại Ukraina. Khủng hoảng bùng nổ khi tổng thống Yanukovic bị các đảng đối lập biểu tình lật đổ vì chính phủ của ông thân Nga, tham nhũng, trấn áp người biểu tình.
 Theo diễn biến tình hình hiện nay, chắc chắn Nga sẽ can thiệp quân sự vào Ukraina để bảo vệ quyền lợi của Nga trước châu Âu và Mỹ.  Bán đảo Crime với 58% người Nga sẽ tuyên bố độc lập dưới sự bảo trợ của Nga. Các vùng nói tiếng Nga như Doneck, Kharkov... sẽ theo Nga, ủng hộ cựu tổng thống bị truất quyền Yanukovic chống lại chính phủ lâm thời mới ở Kiev. Các vùng nói tiếng Ukraina, các đảng đối lập với Yanukovic do các thủ lĩnh Tymoshenco, Vitaly Klistchco, tổng thống tạm quyền Olekxandr Turchvnov... lại thân phương Tây. Rất có thể Ukraina sẽ tồn tại hai chính quyền: Một- thân Nga, một- thân châu Âu và Mỹ. Viễn cảnh Ukraina bị chia cắt thành hai hoàn toàn có thể xảy ra, quốc gia Ukraina có nguy cơ nội chiến và suy vong.

 Tại Việt Nam. Tuy chưa xảy ra tổng khủng hoảng như Ukraina nhưng tình hình kinh tế- chính trị ở VN cũng đang tiềm ẩn thùng thốc súng đợi thời điểm bùng nổ. Nguyên nhân là do mâu thuẫn giữa chính quyền tham nhũng với nhân dân, đối kháng giữa nhân dân VN với TQ xâm lược.
Ở VN tham nhũng đã thành quốc nạn, vô cảm đã thành quốc bệnh, xã hội suy đồi, người lao động ngày càng nghèo khổ.
- TQ muốn bành trướng độc chiếm biển Đông, vươn ra Thái Bình Dương thì VN là điểm đầu tiên mà TQ cần chinh phục. Thực tế TQ đã công khai chiến lược nô dịch VN, đảng cộng sản VN đã thuần phục họ. Giai đoạn đầu tiến trình "Hán hóa" của TQ đã thành công (tham khảo: VN trước đại họa bị TQ nô dịch, "TQ đang có âm mưu gì ở Hà Tĩnh và Quảng Trị?").  Bước tiếp theo TQ sẽ khống chế chính trị và làm chủ thị trường VN để khai thác tài nguyên và xuất khẩu hàng hóa dư thừa, áp đạt văn hóa "Hán nô" ở VN, từng bước xâm lấn lãnh hải, lãnh thổ VN, xây dựng các căn cứ quân sự ở Hoàng Sa, Trường Sa để khống chế biển Đông và Đông Nam Á, di dân là nam giới sang VN để đồng hóa người Việt. Mục đích cuối cùng của TQ là nô dịch VN, biến VN thành thuộc địa kiểu mới của TQ (đặc khu tự trị), tiến tới sát nhập VN là một tỉnh  của TQ.

 Khủng hoảng tại Ukraina hiện nay, kéo Nga, Mỹ, châu Âu và thế giới tập chung chú ý vào Đông Âu, tạo điều kiện thuận lợi cho TQ có thể đẩy nhanh tiến trình "Hán hóa" VN và bành trướng biển Đông. TQ đang có cơ hội để nô dịch VN với sự tiếp tay, quy thuận của bè lũ Việt gian.

 Tuy nhiên ở VN vẫn có các phong chào, lực lượng phản kháng chống TQ, chống chế độ tham nhũng: Đó là các tổ chức yêu nước, dân tộc chủ nghĩa, các nhóm nhân sĩ trí thức, các nhóm blogger, một số ít quan chức cao cấp của đảng có tinh thần độc lập dân tộc, các cuộc phản kháng cục bộ ở một số địa phương...Nhưng sức phản kháng mạnh mẽ nhất đang tiềm ẩn lại chính là nhân dân VN, mặc dù lúc này người dân VN vẫn còn đang nhẫn nhịn, cam chịu- đó chỉ là vẻ bề ngoài, bên trong trái tim họ là những ngọn lửa đang âm ỉ cháy, những ngọn sóng Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa đang đợi cơ hội bùng lên đốt cháy, càn quét bọn bành trướng xâm lược và bè lũ Việt gian.
 Từ lịch sử mấy ngàn năm với những mưu đồ xâm lược, nô dịch VN bất thành, TQ hiểu rằng, không dễ dàng khuất phục được nhân dân VN.

 Việt Nam và Ukraina, hai quốc gia đang có chung một số phận, liệu ai sẽ bảo vệ được nền độc lập dân tộc, xây dựng, phát triển đất nước sánh vai với cộng đồng quốc tế?
 Ukraina còn có sự trợ giúp của Nga, châu Âu và Mỹ. Ukraina còn có nền tảng dân chủ, tự do của châu Âu. Dẫu nửa theo Nga, nửa theo châu Âu thì Ukraina vẫn được viện trợ, bảo hộ và có lợi ích riêng.
 VN hiện nay gần như không có đồng minh và người bảo vệ (vì sự độc quyền, chuyên chế của đảng cng sản VN), thế nên nhân dân VN hoặc phải đơn thương độc mã chống TQ, hoặc phải quỳ gối khuất phục, chịu làm kiếp nô dịch cho TQ.
 VN muốn giữ được nền độc lập trừ khi đảng cộng sản VN phải đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, phải liên minh với các nước Philippine, Malaisia, Nhật...chống TQ. Phải tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế và Mỹ. Việc đầu tiên là phải khởi kiện TQ ra tòa án quốc tế...

 Con đường phía trước của hai đất nước xinh đẹp, giàu tài nguyên, nhiều tiềm năng này còn đầy khó khăn, gian khổ và muôn vàn thử thách, thậm chí có nguy cơ suy vong.

Phạm Hải