Trang

25 tháng 11, 2013

Đẹp về nhan sắc, dốt về văn hoá

- Đó là ý kiến của một trong số rất nhiều độc giả gửi phản hồi về VietNamNet xung quanh sự cố đeo dải băng ghi sai tên nước của Hoa hậu Trần Thị Quỳnh tại cuộc thi Hoa hậu quý bà thế giới 2013.

Không thể chấp nhận
Một bạn có tên Hoàn bức xúc: "Quỳnh nói rất vô trách nhiệm. Băng đeo gắn vào người, thà rằng nó là tiếng Anh, tiếng Trung không biết còn chấp nhận được đằng này tên của đất mẹ mà cũng không biết đúng sai thì thua cả đứa trẻ tiểu học".
Bạn An An trách móc: "Lỗi ở cô ấy, người phụ nữ đoan trang, nết na, khi mặc đồ cũng phải xem có chỉnh tề chưa? Ra đường, nơi đông người cũng phải xem trước diện mạo chứ". Đồng quan điểm này, độc giả Huyền đặt câu hỏi: "Không phải trách nhiệm của Quỳnh thì của ai? Do cẩu thả, hời hợt thì nhận lỗi là đúng rồi".
Kim Hồng, Trần Thị Quỳnh
Niềm vui chưa trọn khi có những sự cố ghi sai tên nước.
Độc giả Quốc Hội bày tỏ: "Không thể chấp nhận với lời giải thích như vậy mà phải nói thật là cẩu thả của người đại diện cho Việt Nam đi thi hoa hậu cuộc thi này. Nếu băng đeo không đúng tên đất nước mình thì không đeo, chẳng lẽ tên của quốc gia Việt Nam mà chị Quỳnh lại không đọc được à?"
Trong khi đó độc giả Nguyễn Dzung gay gắt phê phán những thiếu sót của Trần Thị Quỳnh: "Đẹp về nhan sắc, dốt về văn hoá". Một độc giả cảm thán: "Mang hoa hậu làng đi thi quốc tế nó vậy đó. Vừa hiểu biết hạn hẹp, vừa thiếu tự tin, vừa ít trách nhiệm".
Bạn đọc khác bày tỏ: "Tội cho một số người đẹp. Đôi khi họ quá tập trung cho sự hào nhoáng mà quên đi lòng tự trọng. Có thể chỉ là sự vô tình của BTC nhưng nhiều người lại nghĩ, Quỳnh biết nhưng nghi ngờ rằng tên nước viết theo tiếng nước ngoài nên không dám phản ứng".
Kim Hồng, Trần Thị Quỳnh
Trần Thị Quỳnh tại cuộc thi.
Mọi người hãy độ lượng
Bên cạnh những ý kiến phê phán, phản ứng kịch liệt có khá nhiều độc giả bày tỏ sự chia sẻ với Trần Thị Quỳnh xung quanh sự cố này. Bạn Phạm Xuân Thu viết: "Phụ nữ đẹp không bao giờ có lỗi! Phải chăng chúng ta không có đủ lòng bao dung cho người đẹp?".
Một độc giả tên Hieu Phuong thì dành những lời động viên: "Tội nghiệp em, tai nạn xảy ra không trừ một ai. Em đi thi có cả BTC sang cùng thế mà xảy ra chuyện họ ném đá đủ để em xây biệt thự".
Bạn đọc Lê Cừ lý lẽ bênh vực đại diện Việt Nam: "Ban tổ chức cuộc thi ở Trung Quốc họ in tên nước rồi họ khoác lên người thi chứ Quỳnh có in, chú ý đâu mà trách em. Em cầu thị, xin lỗi sơ xuất của mình thế là tốt rồi. Mọi người hãy độ lượng".
Kim Hồng, Trần Thị Quỳnh
Dải băng ghi đúng tên nước Việt Nam được Trần Thị Quỳnh đeo trong một buổi tập.
Đồng quan điểm với Lê Cừ, độc giả Minh Đức lên tiếng: "Sao lại 'ném đá' người ta chứ! Ai chẳng có lúc sai, người ta có cố ý làm như vậy đâu, có bao giờ mọi người đặt địa vị mình vào người khác chưa? Hay chỉ biết chửi bới, miệt thị người khác thôi! Hãy nghĩ lại đi nhé!".
Bạn đọc xury bày tỏ: "Tại sao 'phải ném' đá người đeo, có nói thì nói ban tổ chức chứ sao lại nói thí sinh. Họ đâu có tội?". Còn độc giả Lê Đức Dũng khẳng định: "Theo tôi, việc này không nên làm lùm xùm nữa. Các cá nhân có trách nhiệm và liên quan đã thừa nhận rồi. Cứ đăng đi đăng lại các hình ảnh trên thì chỉ xấu hổ thêm".
Anh Phương

Lấy chồng ngoại nhưng ít Việt Kiều?

Cập nhật: 15:06 GMT - thứ hai, 25 tháng 11, 2013

Một gia đình chồng Hàn vợ Việt ở Seoul - hình của Chung Sung-Jun
Số liệu ở một hội nghị trong tháng 11/2013 cho rằng trung bình có 100 nghìn phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài mỗi năm, tính từ 2008 đến 2010.
Đa số các cuộc hôn nhân này xảy ra giữa các cô gái trẻ Việt Nam và đàn ông các nước châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan và cả Trung Quốc.
Hôn nhân với đàn ông là Việt Kiều có vẻ không nhiều, ít ra là theo khảo sát từ một xã ở Hải Phòng vài năm về trước.
Trang BấmThanh Niên hôm 22/11 vừa qua trích quan chức Việt Nam thuộc Ủy ban Quốc gia người Việt ở nước ngoài đưa ra các số liệu tại hội nghị hôm 19/11 vừa qua với sự tham gia lần đầu của 200 phụ nữ Việt Nam có hôn nhân với người nước ngoài tham gia.
Ông Đặng Thế Hùng, phó Chủ nhiệm Ủy ban cho rằng số phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài “tăng đều hàng năm”, và cho biết đa số các cuộc hôn nhân này diễn ra qua môi giới, và “có mục tiêu thương mại”.
Ông Hùng cũng nói có hiện tượng các băng đảng tổ chức đám cưới giả với cô dâu Việt Nam bị bán sang Đài Loan hoặc Hàn Quốc để lao động trái phép.
Gần đây, theo báo chí Việt Nam, số phụ nữ nước này lấy chồng Trung Quốc cũng bắt đầu tăng.

Rất ít Việt Kiều

Tại BấmHội nghị Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài ở Hà Nội (19/11) với sự tham gia của một số quan chức cao cấp gồm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, ông Nguyễn Thiện Nhân, hai vấn đề được cho là nổi cộm, cần quan tâm.
"Trong số 721 trường hợp lấy chồng nước ngoài, chỉ có 5 trường hợp (0,6%) lấy chồng Việt kiều"
Tiến sỹ Hoàng Bá Thịnh
Đó là chuyện lao động Việt Nam là phụ nữ ở nước ngoài, và phụ nữ Việt Nam lấy chồng và ra nước ngoài sinh sống.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2013, hiện có khoảng 500.000 người Việt Nam đang lao động ở nước ngoài, trong đó phụ nữ chiếm khoảng 30-35% ở Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia.
Còn theo Bộ Tư pháp Việt Nam, trong các năm 2008- 2010 đã có khoảng 300.000 cô dâu Việt Nam lấy chồng người nước ngoài và con số này tiếp tục tăng lên.
Bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa, tập quán và tuổi kết hôn quá trẻ, không có trình độ, công việc và thu nhập là các vấn đề lớn đang xảy ra trong các cuộc hôn nhân của phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài.
Cô Ngô Ngọc Quý Hồng là một trong số đông đảo phụ nữ Việt lấy chồng ở Hàn Quốc
Vì thế, họ phải phụ thuộc vào chồng, gia đình chồng, và trong nhiều trường hợp bị ngược đãi, bị bất lợi khi ly hôn và nuôi con, theo thông tin báo chí từ hội nghị này.
Ngược lại, hiện tượng hôn nhân với người nước ngoài cũng đang có tác động với xã hội Việt Nam.
Theo một Bấmbáo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình gần đây, căn cứ vào nghiên cứu chỉ ở một địa phương nhỏ là xã Đại Hợp, Kiến Thuỵ, Hải Phòng sáu năm trước thì hiện tượng phụ nữ trẻ lấy chồng Hàn Quốc đã gây mất cân bằng hôn nhân.
Hậu quả là hiện nay tình trạng khan hiếm phụ nữ ở độ tuổi kết hôn, nam giới tại xã đến tuổi kết hôn phải đi lấy vợ xa khác địa phương và khó lấy vợ, theo quan chức Đại Hợp.
Đặc biệt, điều tra này, do một nhà nghiên cứu là Tiến sỹ Hoàng Bá Thịnh biên soạn còn cho thấy đàn ông Việt Kiều không phải là mục tiêu của các cô gái ở xã này.
"Trong số 721 trường hợp lấy chồng nước ngoài, chỉ có 5 trường hợp (0,6%) lấy chồng Việt kiều", báo cáo viết.
Cũng có chuyện nhiều cô dâu Việt phải bỏ trốn về quê vì "quê chồng khổ cực hơn quê mình", dẫn tới các vụ ly hôn nhiều khó khăn, nhưng khi về lại Việt Nam, con của họ "khó hòa nhập với cuộc sống nơi quê mẹ", theo Bấmbáo Việt Nam.
Theo bbc

Xử “đại án” tham nhũng tại Vifon

 Lạ kỳ, 2 Bộ Tài chính và Công thương từ chối là… bị hại!


Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Phùng Bắc
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Phùng Bắc



Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã không thực hành đầy đủ quyền nguyên đơn dân sự, cả 2 bộ này cũng chưa bao giờ có đơn đòi bồi thường thiệt hại đối với các bị cáo.

Báo Lao động 
Chiều hôm qua (25.11), phiên xử “đại án” tham nhũng tại Công ty Vifon tiếp tục diễn ra với phần tranh luận của các luật sư bào chữa cho các bị cáo với VKSND. Luật sư cho rằng, Bộ Công Thương thì từ chối nguyên đơn dân sự (người bị hại) trong vụ án này, Bộ Tài chính cũng vắng mặt suốt phiên xử từ tuần trước đến nay, Bộ Tài chính cũng từ chối là nguyên đơn dân sự… Vậy ai là bị hại trong vụ án này? Đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) cần xem xét có phải là vụ án “tham ô tài sản” của Nhà nước?
Luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Huyền (nguyên Phó Tổng giám đốc Vifon) - cho rằng: “Đến hôm nay, đại diện Bộ Tài chính vẫn không có mặt tham dự phiên tòa. Về mặt lịch sử quá trình hình thành Vifon, thời điểm vốn 100% nhà nước, từ thời gian 51% vốn Nhà nước và đến khi 100% cổ đông tư nhân, cần phải có cái nhìn xuyên suốt các giai đoạn để biết được vốn Nhà nước có bị các bị cáo chiếm đoạt hay không? Trong khi đó, nguyên đơn dân sự lại từ chối trách nhiệm của mình, thậm chí không tham gia phiên tòa”.
Luật sư Phan Trung Hoài cũng nhấn mạnh: “Cần xác định các bị cáo chiếm đoạt của Nhà nước là bao nhiêu? Toàn bộ phần vốn của Nhà nước giao cho các bị cáo quản lý, đã được bảo toàn, cũng như các phần vốn liên doanh đều được báo cáo cơ quan thuế, Bộ Công nghiệp… là 127 tỉ đồng, số tiền này không bị chiếm đoạt mà đã được giao về cho Nhà nước. Đối với số tiền 43 tỉ đồng là phần chi phí của Vifon bỏ ra liên doanh với 2 Công ty khác. 43 tỉ đồng này đều được báo cáo rất rõ về Bộ Công nghiệp, Cục Thuế TPHCM.
Như vậy, 43 tỉ đồng nằm trong phần vốn của Nhà nước đặt tại Vifon, mặc dù Vifon báo cáo đến Bộ Công nghiệp, Cục Thuế TPHCM để xem xét xử lý, thế nhưng các cơ quan chức năng này chưa trả lời, thì lại có đơn tố cáo là bà Huyên âm mưu chiếm đoạt. Như vậy tố cáo này là không chính xác”.
“Khoản tiền hơn 9,8 tỉ đồng mà Viện KSND TPHCM truy tố bị cáo Huyền và thu hồi, thì đây là không phải nguồn tiền của Nhà nước, nên đề nghị HĐXX xem xét. Kiến nghị HĐXX xem xét đối với giám định viên, vì giám định này vi phạm nghiêm trọng các quy định, vì giám định viên ra bản giám định lại đi buộc tội các bị cáo. Giám định viên tư pháp của Bộ Tài chính cử làm giám định viên, giám định thiệt hại, nhưng Bộ Tài chính lại là nguyên đơn dân sự trong vụ án, là người bị hại trong vụ án, vậy có khách quan không?
Nhưng ngay cả Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã không thực hành đầy đủ quyền nguyên đơn dân sự, cả 2 bộ này cũng chưa bao giờ có đơn đòi bồi thường thiệt hại đối với các bị cáo. Ngay cả tại phiên tòa này, đại diện Bộ Công Thương cũng từ chối quyền trách nhiệm nguyên đơn dân sự, nghĩa là từ chối là người bị hại, Bộ Tài chính cũng vắng mặt. Vậy cả 2 bộ này xác định trong vụ án này không có thiệt hại tài sản của Nhà nước, các bị cáo không chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Như vậy đề nghị HĐXX xem xét, vì bị cáo Huyền không tham ô tài sản của Nhà nước” - luật sư Phan Trung Hoài tranh luận.
“Bà Huyền không phải là chủ tài khoản, không là người trực tiếp quản lý khoản tiền. Rất nhiều người tham gia ký vào các phiếu thu, chi, nhưng Viện KSND chỉ truy tố một mình bị cáo Huyền tội tham ô tài sản là chưa thỏa đáng, đề nghị HĐXX xem xét” - luật sư nêu.
Việc chiếm đoạt tài sản của Vifon, nhưng hiện nay Công ty Vifon lại đang nợ gia đình bà Huyền trong 2 bản án phúc thẩm do TAND Tối cao đã tuyên, mặc dù phía Công ty Vifon cho rằng đang kiến nghị giám đốc thẩm 2 bản án này. Nhưng đến thời điểm này, thì Công ty Vifon vẫn nợ của gia đình bà Huyền hơn 12 tỉ đồng. Trong khi đó, quy buộc bà Huyền chiếm đoạt của các cổ đông Công ty Vifon số tiền 1,3 tỉ đồng là không có căn cứ - luật sư Phan Trung Hoài khẳng định.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bi (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc) cũng cho rằng, không xác định người bị hại, bởi cả Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đều từ chối quyền nguyên đơn dân sự, vậy các bị cáo chiếm đoạt tiền của Nhà nước hay không? Bởi cả hai bộ này nhận định rằng, các bị cáo không chiếm đoạt tiền của Nhà nước…! Mà không thiệt hại tài sản của Nhà nước thì không có căn cứ quy buộc bị cáo Bi “cố ý làm trái…”.
Luật sư bào chữa cho các bị cáo Hồng và Liên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt so với Viện KSND TPHCM đề nghị, vì những bị cáo này khai báo thành khẩn, thân nhân tốt, vi phạm lần đầu, cũng như phạm tội hạn chế...
Phiên tòa tạm dừng lúc 17h45 chiều nay (25.11); ngày hôm nay (26.11) tòa tiếp tục diễn 
Theo Phùng Bắc, Báo Lao động

Bùn đỏ rất tốt cho cây trồng?

 - Chuyện khôn, dại của nông dân qua sự kiện ông Nguyễn Thanh Chấn bị tù oan 10 năm và sự kiện vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Bình Thuận.

( Bà con nông dân hãy đọc bài " Tác hại của bùn đỏ" để hiểu sự nguy hại của bùn đỏ nhé!- BTTD ).

Nông dân ta luôn được tiếng chất phác thật thà. Nhưng cũng có người dại, tức là không được khôn ngoan cho lắm. Xin dẫn chứng một vài việc:
Bùn đỏ rất có ích cho cây trồng là thuyết phục của đại diện đơn vị để hồ chứa bùn bị vỡ.
Bùn đỏ rất có ích cho cây trồng là thuyết phục của đại diện đơn vị để hồ chứa bùn bị vỡ.

Ngày 18.11 hồ chứa bùn đỏ là chất thải do khai thác titan ở Bình Thuận bị vỡ tràn ngập cả một vùng rộng lớn. Du khách tắm biển chạy loạn xạ như gặp sóng thần. Hai phụ nữ bị cuốn đi suýt chết. Xe khách “nín thở” qua suối bùn, chỉ sợ bị trôi. Một vùng bờ biển xã Thuận Quý bị biến dạng, cát trên bờ, nước dưới biển đỏ ngầu chết chóc. Cây cối trong vùng ảnh hưởng bị bùn vây kín gốc rễ…

Nông dân trong vùng không biết mô tê, thấy bùn đỏ gây ra những chuyện tai hại như thế liền gọi điện, phản ứng, kêu toáng lên cầu cứu. Tưởng thế là khôn, nhưng sau mới biết là dại. Bởi vì, ngay sau đó ông  
Tô Tài Tích - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuậnđã giải thích rõ ràng rằng: “Do trong hồ có bùn đỏ, khi vỡ thì nước cuốn cát bùn trong khai thác chảy ra ngoài, có gì lạ!”. Và vị lãnh đạo nhiều trí tuệ ấy đưa ra một tin “mật”: “Bùn này rất tốt cho cây trồng” (theo báo Đất Việt 19.11).

Thì ra, “bùn này rất tốt cho cây trồng”, chắc là lâu nay công ty tích trữ để tính bán ra lấy tiền hay sản xuất phân bón xuất khẩu, giấu nhẹm sợ người ta đến múc trộm. Nay không may vỡ ra, đành chịu thiệt bón cho đồng ruộng, rừng cây, miễn phí. Vậy mà nông dân không biết tận dụng, như gánh về nhà tích trữ dùng dần rồi cảm ơn công ty, lại còn kêu ca ầm ĩ, thế không phải dại thì là gì?

Dại như anh Nguyễn Thanh Chấn, người vừa được thả sau 10 năm lao lý oan gia khai rằng do anh bị ép cung, bức cung, bị bắt tập giết người trước khi thực nghiệm hiện trường, đóng giả tội phạm cho đến khi thành thục nên mới ra người có tội. 

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang bèn tra cứu, hỏi những người có liên quan, nay đều là quan chức cả, yêu cầu họ trình bày thực hư lời tố của anh Chấn đúng sai ra sao. Tất cả có tới 6 người. Tất tật họ đều đồng thanh: “Làm gì có chuyện đó. Xem lại kỹ rồi, trong vụ này chẳng có vấn đề gì!”. Nghĩa là không hề có chuyện ép cung, bức cung, tất nhiên nhục hình càng không! 

Chúng khẩu đồng từ, cả 6 vị quyền cao chức trọng nói như thế thì ai hồ nghi mấy cũng phải tin! Không tin họ thì tin ai, mất “niềm tin” sao? 

Vậy thì, lòi ra cái ông Chấn dại. Không ai bức cung, ép cung, người ta ngọt ngào để ông tự giác khai báo đàng hoàng, vô tội thì cứ nói mình vô tội có sao đâu! Vậy mà ông lại nhẹ dạ cả tin, tự nguyện nhận tội giết người tầy đình, tưởng thế là hay. May có bố là liệt sĩ, nếu không đã phải “dựa cột” từ lâu. Sao dại thế ông Chấn ơi? Họ không bức cung ông mà ông tự gánh tội vào thân, bây giờ gỡ sao đây? Có ai dại như ông không chứ?

Khôn dại là chuyện khó lường. Mong rằng nông dân nơi có bùn đỏ chảy tràn hãy chớ vội tin vào vị tổng giám đốc trí tuệ mà nên hỏi các nhà khoa học xem cái thứ bùn ấy nó tốt xấu thế nào rồi hẵng hay, để khỏi mắc dại lần nữa. 

Còn ông Chấn, ông đang được cả nước chú ý, làm nóng cả nghị trường, quyết làm rõ thực hư chứ đâu có nhẹ dạ mà giao cho Bắc Giang. Cả nghi phạm giết người trước khi đầu thú cũng đặt điều kiện đừng giao nó cho tỉnh này kia mà. Xin ông yên tâm và đừng có “dại” nữa. Có gì nói nấy, có gì khai nấy, thủ phạm đã đầu thú rồi, lật ngược thế cờ đâu có dễ, nhiều phần chắc là ông gỡ được án oan. 
Mong ông bảo trọng. 

24 tháng 11, 2013

Tập Cận Bình quyết thực hiện 'Giấc mơ Trung Quốc

Hội nghị đảng Cộng sản Trung Quốc vừa rồi cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ đích thân chỉ huy cải cách trên cả hai phương diện, gồm điều chỉnh cơ cấu kinh tế và tăng cường quyền lực của đảng.


Xi-Hu-8560-1385109662.jpg
Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Tập Cận Bình (phải) và người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Ảnh:Xinhua
Trong cuộc họp Ban chấp hành Trung ương hôm 15/11, Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Tập Cận Bình công bố kế hoạch cụ thể, giải thích các quyết định về cải cách được thông qua trước đó trong Hội nghị Trung ương ba, khóa 18.
Bản kế hoạch này đề ra 60 nhiệm vụ xoay quanh mục tiêu tự do hóa nền kinh tế ở mức độ phù hợp, cải cách xã hội và hành chính. Truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục đưa tin với cường độ cao, gửi đi hai thông điệp quan trọng: đảng Cộng sản Trung Quốc quyết tâm thực hiện nhiệm vụ cải cách và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đích thân giám sát thực thi.
Bản kế hoạch được công bố dưới hình thức bài phát biểu chỉ đạo của ông Tập. Theo truyền thông nước này, ông là người phụ trách quá trình khởi thảo văn kiện. Động thái này hoàn toàn khác biệt với người tiền nhiệm, cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Trong hai nhiệm kỳ của ông Hồ, công việc khởi thảo các văn kiện liên quan đến cải cách kinh tế, xã hội được giao cho cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo.
"Tổng bí thư Tập Cận Bình dành nhiều tâm sức, đọc kỹ từng câu, từng chữ trong mỗi bản thảo mà tổ văn kiện gửi lên và đưa ra rất nhiều ý kiến sửa chữa quan trọng", Tân Hoa xã cho hay trong một bài xã luận gần đây.
Ông Bao Đồng, thư ký của cố tổng bí thư Triệu Tử Dương cho biết, ông Tập và Ban thường vụ Bộ Chính trị muốn người dân Trung Quốc tin tưởng vào quyết tâm cải cách của đảng, đặc biệt là mục tiêu tăng cường vai trò của yếu tố thị trường trong nền kinh tế.
"Các nhà lãnh đạo thực sự muốn cải thiện tình hình kinh tế hiện tại. Họ hy vọng thông qua việc nâng cao tầm quan trọng và khả năng sáng tạo của thị trường để đạt được mục tiêu trên", New York Times dẫn lời ông Bao.
Ông Cheng Li, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ), cho rằng, các mục tiêu cải cách tựu chung lại là nhằm hướng đến thực hiện "Giấc mơ Trung Quốc", một khái niệm mới được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra từ những ngày đầu cầm quyền. Khái niệm này có nội hàm chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc thế giới.
Ông Tập sẽ quản cả kinh tế?
Việc điều hành kinh tế Trung Quốc thường do thủ tướng phụ trách, chủ tịch và tổng bí thư chỉ đưa ra các chỉ đạo mang tính vĩ mô. Tuy nhiên, vai trò của Chủ tịch Tập trong nền kinh tế Trung Quốc được cho là sẽ lớn hơn nhiều so với những người tiền nhiệm.
"Kết quả mang tính quyết định của Hội nghị lần này củng cố thêm vị thế của ông Tập Cận Bình. Ông đang dần trở thành nhà lãnh đạo có sức ảnh hưởng lớn nhất Trung Quốc trong vòng hơn 10 năm trở lại đây", Christopher Johnson, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, cho biết.
Một trong những kết quả được chú ý nhiều nhất của Hội nghị Trung ương ba lần này là quyết định thành lập Ủy ban anh ninh quốc gia và Tổ lãnh đạo thúc đẩy cải cách toàn diện. Hai cơ quan mới được cho là sẽ tăng cường vị thế lãnh đạo của ông Tập trong hệ thống chính trị Trung Quốc.
"Việc thành lập hai cơ quan mới chứng tỏ ông Tập có đủ sức ảnh hưởng để có thể đưa ra phương án giải quyết mang tính hệ thống, tránh tình trạng chịu sự cản trở của nhiều khối cơ quan", ông Johnson bình luận.
Theo tờ Quang minh nhật báo, Tổ lãnh đạo sẽ trực thuộc Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tổng thể, phối hợp điều hành, xúc tiến và giám sát thực hiện. 
Ông Stephen Green, trưởng nhóm nghiên cứu khu vực Trung Quốc thuộc ngân hàng Standard Chartered lại cho rằng, Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ phụ trách Tổ lãnh đạo, bởi kinh tế là lĩnh vực phụ trách của thủ tướng. Ông Lý với bằng tiến sĩ kinh tế tại trường đại học Bắc Kinh, được biết đến như thủ tướng đầu tiên của Trung Quốc được đào tạo bài bản về điều hành kinh tế vĩ mô.
Green cũng đồng ý với quan điểm Trung Quốc cần một cơ quan ở tầm cao nhất phụ trách quán triệt công tác cải cách, tránh tình trạng bất hợp tác từ các cơ quan hành chính.
Ông Bao Đồng cho rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng có thể phụ trách Tổ lãnh đạo, nhằm thể hiện quyết tâm cải cách và sự đoàn kết thống nhất của Trung ương đảng, nhưng Thủ tướng Lý Khắc Cường vẫn sẽ là người chịu trách nhiệm xây dựng dựng và thực hiện các chính sách kinh tế cụ thể.
"Các vấn đề kinh tế quan trọng nhất sẽ được tập trung quyết định tại Tổ lãnh đạo. Tôi cho rằng người phụ trách sẽ không phải là ai khác mà chính là Tổng bí thư Tập Cận Bình", ông Bao kết luận.
Đức Dương (tổng hợp)

TQ thực hiện "giấc mơ Trung Hoa"

Nhằm thúc đẩy và thực hiện giấc mơ Trung Hoa, ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc phân tích ba vấn đề mà ngoại giao Trung Quốc cần thực hiện: triển khai các sáng kiến ngoại giao mới; đổi mới lý luận và thực tiễn ngoại giao; tích cực nghiên cứu và áp dụng những thành tựu đổi mới về lý luận và thực tiễn trong công tác ngoại giao.











Sau khi Đại hội Đảng 18 kết thúc, TW/ĐCS/Trung Quốc cùng với Tổng bí thư Tập Cận Bình, với những điều kiện mới và nhiệm vụ mới, đã tập trung vào chương trình nghị sự dài hạn và chiến lược của Trung Quốc. Với nhận thức về lợi ích trong nước và quốc tế của Trung Quốc và duy trì tính liên tục và nhất quán trong các chính sách ngoại giao cơ bản, trung ương đã thúc đẩy sự sáng tạo trong lý luận và thực tiễn ngoại giao bằng cách bắt kịp với các xu hướng của thời đại. Trung ương đã đề ra nhiều ý tưởng chiến lược quan trọng về công tác đối ngoại của Trung Quốc cũng như các chính sách và nguyên tắc ngoại giao, thực hiện nhiều sáng kiến đối ngoại lớn nhằm không chỉ tạo môi trường bên ngoài thuận lợi cho công việc của Đảng và Nhà nước mà còn làm giàu và phát triển hệ thống lý thuyết ngoại giao mang màu sắc TQ.



I. Triển khai các sáng kiến ngoại giao mới mang bản chất chiến lược, tổng thể và sáng tạo.
Chủ tịch Tập Cận Bình có sự thể hiện ngoại giao đầu tiên thông qua gặp gỡ các đại diện các chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Trung Quốc. Sau đó Bộ Chính trị tổ chức một khóa nghiên cứu tập thể về kiên định con đường phát triển hòa bình. Trong cả hai sự kiện này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra những đánh giá quan trọng về chiến lược và chính sách đối ngoại mở cửa của Trung Quốc, thể hiện rõ thông điệp rằng giới lãnh đạo mới tại Trung Quốc cam kết cải cách và mở cửa, theo đuổi con đường phát triển hòa bình và chiến lược hợp tác cùng thắng với thế giới bên ngoài trong khi giữ vững những lợi ích quốc gia cốt lõi của nước này.
Kể từ khi kết thúc kỳ họp thường niên của Quốc hội và Ủy ban TW/ĐCS trong năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo nhà nước khác của Trung Quốc đã thăm viếng nhiều quốc gia ở châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh, châu Âu và Bắc Mỹ, đón hàng chục lãnh đạo nước ngoài, đã gặp hơn 100 nguyên thủ và lãnh đạo quốc gia:
1. Tích cực thúc đẩy quan hệ với các cường quốc: CT Tập Cận Bình thăm Nga trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới nhằm tăng cường quan hệ song phương về kinh tế, thương mại, năng lượng và an ninh chiến lược. Ông Tập cũng hội đàm với TTh Obama tại Mỹ và hai nhà lãnh đạo thống nhất làm việc cùng nhau để xây dựng mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới. Trong khi các lãnh đạo đảng và nhà nước khác của Trung Quốc thăm các nước châu Âu, đón TTh Pháp Hollande và các nhà lãnh đạo châu Âu khác để mở ra những lĩnh vực hợp tác mới giữa Trung Quốc và châu Âu.
2. Nỗ lực làm việc nhằm ổn định và thúc đẩy quan hệ hữu nghị và láng giềng tốt với các khu vực xung quanh. Nhìn chung, quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng đang phát triển theo hướng thuận lợi. Tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2103, Chủ tịch Tập Cận Bình đã giải thích những điểm mới trong chính sách đối nội, đối ngoại của Trung Quốc nhằm tăng cường lòng tin chiến lược với các nước liên quan và nâng cao quan hệ với các nước láng giềng. Trung Quốc đã đón tiếp các nhà lãnh đạo từ các nước láng giềng như CTN Trương Tấn Sang của Việt Nam, TTh Park Geun-hye của Hàn Quốc, TTg Nawaz Sharif của Pakistan. Liên quan đến vấn đề đảo Điếu Ngư/Senkaku và Biển Đông, Trung Quốc kiên quyết giữ vững chủ quyền lãnh thổ, các quyền và lợi ích hàng hải thông qua đối thoại và đàm phán. Đối với vấn đề Bắc Triều Tiên, Trung Quốc cam kết mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc đã làm việc với các bên liên quan để làm giảm căng thẳng.
3. Tăng cường mạnh mẽ quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước đang phát triển: Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiến hành thành công các chuyến thăm tới châu Phi và Mỹ La-tinh, cho thấy sự coi trọng của Trung Quốc đối với các nước đang phát triển. Thông qua thăm Tanzania, Nam Phi, Cộng hòa Công-gô, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt ra một tiền lệ về một nhà lãnh đạo nhà nước Trung Quốc thăm châu Phi trong chuyến công tác nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới. Qua thăm Trinidad và Tobago, Costa Rica và Mexico; tổ chức hội đàm với lãnh đạo 8 nước Caribbe, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tăng cường lòng tin chính trị và sự hợp tác có kết quả với những nước này.
4. Can dự và định hình mạnh mẽ các quá trình ngoại giao đa phương. Theo đó Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và vai trò quan trọng của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác. Chủ tịch Tập Cận Bình đã tham dự hội nghị của các nhà lãnh đạo BRICS lần thứ 5 nhằm tăng cường trao đổi, phối hợp với các nước đang phát triển lớn khác về các vấn đề kinh và chính trị toàn cầu. Hội nghị Thượng định này đã đưa ra Tuyên bố eThekwini và Kế hoạch Hành động với quyết tâm thành lập một ngân hàng phát triển và thống nhất về một khoản dự trữ khẩn cấp giữa các nước BRICS, qua đó tạo động lực mạnh mẽ cho việc hình thành một trật tự chính trị và kinh tế quốc tế mới công bằng, bình đẳng hơn.
Trên cơ sở những thành tựu ngoại giao trong quá khứ, những công việc ngoại giao của TW Đảng và Chủ tịch Tập Cận Bình đã có khởi đầu tốt đẹp. Với bố cục toàn diện và cân bằng, ngoại giao Trung Quốc trong hoàn cảnh mới cho thấy những đặc điểm như giàu về ý tưởng, rõ ràng về các ưu tiên, vững vàng về lập trường và độc đáo về phong cách. Điều này không chỉ thu hút sự quan tâm lớn hơn của các nước trong việc thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, dọn đường cho những công việc ngoại giao từ nay đến cuối năm và trong 5 - 10 năm tới, mà còn nâng cao tinh thần của Đảng, quân đội và nhân dân,qua đó động viên lòng nhiệt tình của đảng và nhân dân làm việc hướng tới các mục tiêu 2 thế kỷ mà ĐH 18 đã đề ra.
II. Đổi mới lý luận và thực tiễn ngoại giao đã đem lại những thành tựu lớn. 
Đối mặt với tình hình quốc tế phức tạp, Trung Quốc đã thực hiện truyền thống gắn lý luận với thực tiễn, gắn đối nội với đối ngoại, gắn những đặc điểm của Trung Quốc với các xu hướng của thời đại và đạt được hàng loạt những đột phá quan trọng về lý luận và thực tiễn ngoại giao trong một thời gian rất ngắn
1. Đề ra tư duy quan trọng về giấc mơ Trung Hoa với những nội hàm giàu ý nghĩa nhằm tăng cường trao đổi và hợp tác giữa Trung Quốc và thế giới. Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, giấc mơ Trung Hoa là giấc mơ chung của toàn thể người dân Trung Quốc, nó cần đến một môi trường quốc tế và láng giềng hòa bình, ổn định. Trung Quốc cam kết thực hiện giấc mơ này thông qua phát triển hòa bình. Vì giấc mơ Trung Hoa gắn với giấc mơ của nhân dân thế giới, Trung Quốc can kết giúp đỡ các nước khác, đặc biệt là các nước đang phát triển và láng giềng, cùng phát triển. Trung Quốc sẽ chia sẻ nhiều hơn các cơ hội phát triển với các nước khác nhằm tạo thuận lợi cho họ đạt được giấc mơ của mình. Trung Quốc hy vọng chứng kiến hợp tác cùng thắng và phát triển chung với thế giới.
Giấc mơ Trung Quốc là sự cụ thể hóa toàn diện, sâu sắc và tinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình về duy trì và phát triển tư duy phát triển hòa bình của Trung Quốc trong kỷ nguyên mới, nó không chỉ củng cố quyết tâm và sự tin của nhân dân Trung Quốc trong việc đạt được đại phục hưng của dân tộc Trung Hoa mà còn nâng cao đáng kể sự hấp dẫn và ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới.
2. Đề ra tầm nhìn về xây dựng mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới giữa Trung Quốc và Mỹ, trong khi nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các nước lớn khác. Trung Quốc và Mỹ đã đạt thỏa thuận quan trọng về xây dựng mô hình quan hệ kiểu mới trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và TTh Barack Obama nhằm đem lại lợi ích cho cả nhân dân hai nước. Chủ tịch Tập Cận Bình đã khái quát mô hình mới này bằng ba điểm:
(i) Không xung đột và không đối đầu: hai bên cần nhìn nhận ý định chiến lược của nhau một cách khách quan, hiểu biết, cùng nhau là đối tác chứ không phải kẻ thù, xử lý đúng đắn các khác biệt và tranh chấp thông qua đối thoại và hợp tác.
(ii) Tôn trọng lẫn nhau: hai bên tôn trọng sự lựa chọn về hệ thống xã hội và con đường phát triển của nhau, tôn trọng lợi ích cốt lõi và những quan tâm chính của nhau, tìm kiếm điểm chung, gác lại khác biệt, không ngừng học hỏi về nhau và cùng nhau tiến bộ
(iii) Hợp tác cùng thắng: hai bên cần từ bỏ tư duy “zero-sum”, quan tâm đến lợi ích của nước khác khi theo đuổi lợi ích của mình, thúc đẩy phát triển chung khi phát triển bản thân, tiếp tục làm sâu sắc các lợi ích chung.
Trong khi đó, quan hệ của Trung Quốc với các nước lớn khác cũng đạt tiến triển và đột phá mới. Trung Quốc và Nga đã tăng cường lòng tin chiến lược, mở rộng quy mô hợp tác kinh doanh, có những đột phá mới trong các dự án hợp tác năng lượng lớn; duy trì phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế và khu vực lớn và trong quản trị kinh tế toàn cầu. Trung Quốc và Liên minh châu Âu cũng mở rộng các lĩnh vực hợp tác, tăng cường lợi ích chung và tiếp tục nâng cao quan hệ và hợp tác chiến lược.
3. Đề ra hướng tiếp cận đúng để duy trì công bằng và tìm kiếm lợi ích nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng và các nước đang phát triển. Đây là truyền thống của Trung Quốc, vừa định hướng cho cả ứng xử cá nhân lẫn quan hệ của Trung Quốc với các nước khác. Về mặt chính trị, giữ vững công bằng và tìm kiếm lợi ích là nguyên tắc mang tính định hướng của Trung Quốc. Về kinh tế, Trung Quốc nên theo đuổi cùng có lợi và cùng phát triển. Với các nước đang phát triển đang gặp nhiều thách thức trong phát triển, Trung Quốc sẽ quan tâm đến lợi ích của nước đó hơn là tìm kiếm lợi ích làm phương hại cho nước đó.
4. Đề xuất kế hoạch cấp cao mạnh mẽ hơn và hoạch định chiến lược trong công tác ngoại giao nhằm quyết tâm bảo vệ các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. TW Đảng yêu cầu theo sát các xu hướng mới trong hoạch định chiến lược và có điều chỉnh chính sách kịp thời trong môi trường quốc tế thay đổi để xử lý các vấn đề mới trong ngoại giao. Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh trong khi cam kết với phát triển hòa bình, Trung Quốc nhất định không từ bỏ lợi ích hợp pháp hoặc thỏa hiệp các lợi ích cốt lõi. Đừng nước nào hy vọng Trung Quốc sẽ ăn trái đắng làm hại đến lợi ích chủ quyền, an ninh và phát triển. Trung Quốc sẽ nỗ lực xử lý các khác biệt với các nước liên quan, trong khi thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực khác nhau để mở rộng lợi ích chung.
5. Đề ra nhu cầu tăng cường phối hợp trong công tác ngoại giao để bảo đảm sự lãnh đạo trung ương thống nhất trong các hoạt động. TW Đảng kêu gọi sự đánh giá cân bằng, hoạch định tổng thể, chỉ huy thống nhất và triển khai có sự phối hợp. TW Đảng yêu cầu các chính quyền trung ương và địa phương, các NGO và các cơ quan đối ngoại hợp tác đồng bộ với nhau. Cũng nên tạo động lực cho các cơ quan liên quan tham gia và kích thích sự sáng tạo của các cơ quan này, đồng thời đặt hoạt động của các cơ quan đó dưới sự quản lý thống nhất được định hướng bởi lợi ích quốc gia.
III. Cần tích cực nghiên cứu và áp dụng những thành tựu đổi mới về lý luận và thực tiễn ngoại giao để đạt được những tiến bộ mới trong công tác ngoại giao.
Công tác ngoại giao của Trung Quốc đang trong những điều kiện mới, với một khởi đầu tốt, đã chuyển từ giai đoạn lập kế hoạch sang giai đoạn triển khai toàn diện. Đánh giá lại, Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn quan trọng có cơ hội chiến lược để hoàn thành nhiều mục tiêu. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang đối phó với nhiều thách thức phức tạp, khó lường. Những thành tựu sáng tạo quan trọng trong lý luận và thực tiễn ngoại giao không chỉ tạo ra nền tảng vững chắc cho công tác ngoại giao trước mắt mà còn định hướng lâu dài. Chúng ta nên xây dựng trên khởi đầu tốt đẹp và định hướng tương lai bằng tinh thần tiên phong. Trong khi tiếp tục cải thiện việc hoạch định chiến lược, cần phát huy hơn nữa vai trò hàng đầu của ngoại giao lãnh đạo, mạnh mẽ phát triển quan hệ với các nước lớn, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng thắng với các nước láng giềng và các nước đang phát triển khác và thúc đẩy trật tự quốc tế theo hướng công bằng bình đẳng hơn. Chúng ta nên hiện thực hóa những tư tưởng mới trong ngoại giao Trung Quốc, thực hiện đường lối của đảng và ngoại giao hướng tới nhân dân, nỗ lực lập nên những tiến bộ mới trong công tác ngoại giao, tạo môi trường đối ngoại thuận lợi hơn nữa để biến giấc mơ Trung Hoa, sự đại phục hưng của dân tộc Trung Hoa trở thành hiện thực.
Trần Quang (gt)

Đã xác định được người đánh đập, ép cung ông Chấn ?

“Đạo diễn tự phong”_ Ls Nguyễn Trường Sơn

Độ 10 ngày trước, tôi đã có bài “Ông Chấn rồi sẽ… “không oan" (tại đây), hàm ý cảnh báo  hai nội dụng:
 1/ Rất có thể “luật rừng” sẽ xảy ra – ông Chấn thoát tội “giết người” nhưng sẽ bị kết án về tội “khai báo gian dối” trong tương lai ( né được trách nhiệm bồi thường Nhà nước).

2/ Không phải ngẫu nhiên mà các điều tra viên đồng loạt phủ nhận hành vi đánh dập, ép cung, đối với ông Chấn, vì họ hiểu rằng : sẽ không bao giờ có chứng cứ chứng minh việc bức cung trong quá khứ. 
Nay ông chánh án đăng đàn trước quốc hội, cũng chính thức lên tiếng : “Nếu có đánh đập , ép cung thì phải CHỨNG MINH” . Quả nhiên điều dự báo đã trở thành sự thật. Ok, chính xác, ông chánh án ko sai . 

  Nhưng hỡi ôi, chứng minh ư, còn khuya nhé ?! Thời điểm  đó chỉ có một mình ông Chấn và  nhóm điều tra viên kia. Không hình ảnh, không ghi âm, không ghi hình, không nhân chứng, không thương tích ( 10 năm đã liền sẹo)…Tất cả đều “không”. Vậy thì việc đòi hỏi phải có chứng cứ chứng minh rồi mới xử lý là đều KHÔNG TƯỞNG. Với phát biểu này, coi như con đường thoát của họ đã rộng thênh thang…Hic.

Theo tôi, với diễn biến này, có thể sắp tới một kịch bản hoàn hảo sẽ xảy ra: Một ngày đẹp trời nào đó, công an tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức họp báo nội dung rằng: Vụ oan án của ông Chấn  rất nghiêm trọng, cực kỳ nghiêm trọng, với sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, chúng tôi đã khẩn trương xác minh điều tra. Trên tinh thần xử lý nghiêm, sai đến đâu xử đến đó, bất luận người đó là ai, đang giữ cương vị gì…Hôm nay chúng tôi xin công bố danh tính của người trực tiếp đáng đập , ép cung ông Chấn đó là ….Điều tra viên Nguyễn Văn X, nhưng  đồng chí này  ĐÃ CHẾT vì bị tai nạn giao thông cách đây mấy năm. Chấm hết !

Quả là một kết thúc “có hậu” cho tất cả các bên !?

Tác giả gửi  Quê Choa 
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
- BTTD: He he he!!! Hu hu hu!!!