Trang

18 tháng 9, 2013

“Bộ phận không nhỏ” làm giảm sút niềm tin



Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: "Đạo đức xuống cấp ở mọi lĩnh vực, y đức, giáo dục, tư pháp, hành pháp đều có cả, nguyên nhân vì sao đã đến lúc cần tìm ra" - Ảnh: N.H


- Xử lý tội phạm tham nhũng, lãng phí, chức vụ không công minh khiến lòng tin của nhân dân với Đảng và nhà nước bị thách thức...

- Quản lý nhà nước có vấn đề, đạo đức xã hội xuống cấp, một bộ phận cán bộ đảng viên thiếu gương mẫu mà xử lý không nghiêm dẫn đến niềm tin của nhân dân giảm sút, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhìn nhận.
Nghe 4 báo cáo và dự thảo luận cả ngày 17/9 về về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch nước cũng đồng ý với đánh giá là năm 2013 công tác phòng ngừa tội phạm có tiến bộ nhất định. 
Tuy nhiên, bà vẫn rất phân vân vì theo báo cáo thì tất cả các lĩnh vực như giao thông, y tế, phòng chống cháy nổ, trật tự, đất đai đều dùng các cụm từ khá phổ biến, diễn biến phức tạp, nghiêm trọng… Tại sao dù hết sức cố gắng, có bộ máy tốt nhưng sao tình hình nghiêm trọng hơn?


Nhấn mạnh một trong các nguyên nhân do đạo đức xã hội xuống cấp đáng báo động, Phó chủ tịch nước cũng nói thêm là báo cáo các năm trước không đánh giá như thế này. 


"Đạo đức xuống cấp ở mọi lĩnh vực, y đức, giáo dục, tư pháp, hành pháp đều có cả, nguyên nhân vì sao đã đến lúc cần tìm ra", Phó chủ tịch nói.


Một “điểm nhấn” nữa tại báo cáo được Phó chủ tịch chỉ ra đó là niềm tin của nhân dân giảm sút.


Theo bà, từ chỗ quản lý nhà nước có vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp, nhân dân nhìn vào một bộ phận cán bộ đảng viên thiếu gương mẫu mà xử lý không nghiêm, không tương xứng, dẫn đến niềm tin giảm sút nghiêm trọng.


Nếu một tay nắm pháp luật, một tay nguyên tắc Đảng còn trái tim luôn hướng về đồng bào thì không có chuyện niềm tin bị giảm sút, bà Doan nói.


Ngày xưa nghèo đói như thế mà tinh thần đoàn kết như thế, còn bây giờ tình hình như vậy có phải do chính một “bộ phận không nhỏ” cán bộ đảng viên. Một bộ phận này hãy chấp hành đúng pháp luật thì tình hình đã tốt lắm rồi. Nhưng vì bộ phận này thiếu, có bảo kê, có tiêu cực nên mới thế này, Phó chủ tịch nhận định.




Bà cũng đề nghị khi hoàn thiện báo cáo, Chính phủ cần kiểm điểm thêm trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc để xảy ra tình trạng này. Cũng phải trình bày thêm nguyên nhân, không phải chỉ do năng lực, hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành… mà là sự xuống cấp đạo đức trong một bộ phận đảng viên . 

Ngay sau phát biểu của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng bày tỏ khá nhiều lo lắng, băn khoăn.


Dù nhận định đấu tranh chống tội phạm rất quyết liệt nhưng tình hình dân đã yên chưa thì cần thẳng thắn là chưa. Tội ác vô cùng man rợ, độc ác, ngang nghiên, vô cùng xuống cấp về đạo đức mà không phải lâu lâu mới có 1 vụ, gần như liên tục, các lĩnh vực đều có, giáo dục, y tế còn có, gia đình, nhà trường, con cái, bạn bè đều có cả, ông nói.


Đề nghị phải làm thật rõ tình hình, Chủ tịch cho rằng nếu nhận định tình hình diễn biến tích cực thì không phải, vì có thể số lượng giảm nhưng mức độ nghiêm trọng tăng. 


Ông cũng nhắc đến một vụ việc được Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nêu tại phiên thảo luận là qua 14 năm với 4 lần tố tụng lại trở về bản án sơ thẩm ban đầu rồi nhấn mạnh: đó là lãng phí kinh phí, lãng phí niềm tin kinh khủng cái này ai đền cho nhà nước?


Không biết xử lên xử xuống như vậy có kỷ luật ai không, chắc không, chắc vẫn lên chức thôi, Chủ tịch nói.


Đi vào những vấn đề cụ thể hơn, một số ý kiến gặp nhau ở nỗi lo về phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng, chức vụ, kinh tế…


Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng việc phát hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng, kinh tế chức vụ còn yếu, còn có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.


Bên cạnh đó khi xử án còn có nhiều biểu hiện nương nhẹ với các loại tội phạm này, khi có vụ người phạm tội rất nghiêm trọng đã được áp dụng hai lần tình tiết giảm nhẹ để xử dưới khung hình phạt.


Trong khi đó, theo nhận xét của ông Quyền thì nhiều viện kiểm sát địa phương rất lười ra kháng nghị vì sợ va chạm. Khi giữ quyền công tố thì đề nghị hình phạt rất cao nhưng khi tòa cho hưởng án treo, xử nhẹ thì vẫn ngồi im. Và ông Quyền nhấn mạnh “đó là không bình thường, thấy xử nhẹ thì anh phải kháng nghị”.


Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, bỏ lọt tội phạm thông qua xử lý vi phạm hành chính là tình trạng tương đối nhiều.


Cũng rất rõ, theo bà Nga là tình trạng bảo kê. Khi nhiều tội phạm ngang nhiên diễn ra cạnh các cơ quan bảo vệ pháp luật như mại dâm, ma túy, xây dựng trái phép... mà không phát hiện được cho đến khi dân tố cáo hoặc công an cấp trên vào cuộc.


Ủy viên Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương cho rằng không thể đổ hết trách nhiệm cho các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương. 

Không hành động cũng là thiếu trách nhiệm, vụ chôn thuốc sâu ở Thanh Hóa là có thể bắt và khởi tố ngay chủ doanh nghiệp mà sao cứ để mãi, ông Đương đặt câu hỏi.


Tình hình tự xử nổi lên âm ỉ kéo dài, dân bất lực tự thiêu, tự cầm súng bắn lên đầu chính quyền theo ông Đương đều cần nhìn nhận sâu sắc về trách nhiệm của chính quyền địa phương chứ không phải chỉ có mấy cơ quan pháp luật.


Chung nhận định với nhiều vị khác, đại biểu Đương nói, phát hiện án tham nhũng, chức vụ rất hạn chế, dân bức xúc về những vụ tham nhũng lớn nhưng chỉ phát hiện được tham nhũng vặt. Mà người tham nhũng thường là đảng viên, không có chân trong đảng cầm quyền thì dừng hòng có chức vụ, ông Đương phát biểu.


Xử lý tội phạm không công minh, nhất là trong những vụ án tham nhũng, lãng phí, chức vụ, khiến lòng tin của nhân dân với đảng và nhà nước bị thách thức, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước nhìn nhận.

Nguyễn Lê ( VnEconomy)

Bao nhiêu vụ tham nhũng đã bị can thiệp xử nhẹ?


Bao nhiêu vụ tham nhũng đã bị can thiệp xử nhẹ? Đây chỉ là một trong nhiều câu hỏi đã không thể có câu trả lời thỏa đáng, tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2013, sáng 18/9.

Và bởi vậy, thời gian dành cho nội dung này đã được kéo dài hơn một tiếng so với dự kiến ban đầu.

Theo đánh giá của Chính phủ, tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với thủ đoạn tinh vi, kín đáo, khó phát hiện.


Tham nhũng lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản tại một số doanh nghiệp nhà nước đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong xã hội. Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng có tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.


Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh báo cáo trong năm nay đã phát hiện 73 vụ, 80 đối tượng có hành vi liên quan tham nhũng với số tiền 117 tỷ đồng, chuyển cơ quan hình sự 11 vụ, 34 đối tượng. Đã có 36 người đứng đầu bị xử lý vì để xảy ra tham nhũng, trong đó 4 người bị xử lý hình sự.
Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng, song tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm mà ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn.


So với cùng kỳ năm 2012 thì năm nay công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng đã tăng cả về số vụ và số đối tượng phạm tội (khởi tố tăng 8 vụ với 91 bị can; truy tố tăng 91 vụ với 202 bị can), báo cáo thẩm tra của ủy ban so sánh.


Tuy  nhiên, số lượng các vụ án tham nhũng năm nay được phát hiện, xử lý tăng nhưng việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng lại giảm 34% so với cùng kỳ năm trước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh một trong các nguyên nhân dẫn đến tình hình nói trên.


Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng tham nhũng nghiêm trọng có nguyên nhân từ tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, trong đó có lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị. 


Tuy nhiên, cả hai bản báo cáo, theo nhiều ý kiến thảo luận đều còn không ít khoảng trống.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đánh giá tình hình như trong báo cáo còn nhẹ hơn đánh giá trong nghị quyết của Trung ương. Thế giới đánh giá thế nào, báo chí và mặt trận là hệ thống đánh giá hết sức quan trọng có ý kiến ra sao, có tham nhũng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng hay không, Chủ tịch đưa ra hàng loạt câu hỏi.


Ông cũng không thật đồng tình với đánh giá của cơ quan thẩm tra về việc người dân rất ít tham gia tố cáo tham nhũng vì “góp ý mãi mà không có tác dụng gì cả”.


Chủ tịch cũng băn khoăn khi chưa nhìn thấy rõ sau khi sửa luật, không còn các ban chỉ đạo trong hệ thống hành pháp, thì công tác phòng, chống tham nhũng thay đổi như thế nào.


Không đánh giá vấn đề này là một khoảng trống mà "cứ thế đem nói với toàn dân là nguy hiểm", Chủ tịch lưu ý.


Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước hỏi, các cơ quan bảo vệ pháp luật nhận được bao nhiêu thông tin về tham nhũng và xử lý thế nào?


Ông cũng muốn biết trong các vụ án tham nhũng nghiêm trọng thì có bao nhiêu vụ án đã có sự can thiệp của lãnh đạo chủ chốt các cấp cản trở hoặc làm hẹp lại? Nếu làm rõ thì cũng hạn chế một số đồng chí có chức có quyền can thiệp vào quá trình điều tra của các cơ quan chức năng, ông nói.


Lần lượt trả lời, song cả Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện và cả Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cùng Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hải Phong đều không làm rõ được các câu hỏi nói trên.


Nếu không có cơ quan điều tra chống tham nhũng độc lập thì vẫn là tình trạng “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”, ông Phong phát biểu.


Về ý kiến lãnh đạo can thiệp vào các vụ án tham nhũng mấy anh tố tụng không có báo cáo nên chúng tôi không báo cáo được, ông Tranh phân trần.


Vẫn băn khoăn, ông Ksor Phước nêu thực tế có nhiều vụ án nghiêm trọng kéo dài, có cả kết luận của Thủ tướng rồi mà lòng thòng im lặng cả năm trời khiến lòng dân không yên.


“Cán bộ cỡ Trung ương như tôi cũng băn khoăn dù Trung ương nhiều thông tin nhất, trong đợt này cần làm rõ”, ông đề nghị.


Ông cũng “gợi ý”, câu trả lời cho câu hỏi có bao nhiêu ý kiến can thiệp làm xẹp án tham nhũng của ông nếu không trả lời được trước Quốc hội thì cũng phải nói ở Trung ương hoặc Bộ Chính trị và Bộ Chính trị phải có ý kiến và báo cáo Trung ương, chứ không thể im lặng. Bởi dân phạm tội trộm cắp 2 triệu thì bắt đi tù, cán bộ nhà nước cả mấy tỷ thì án treo, đó là dấu hiệu của tham nhũng, nghi vấn cao động cơ về tham nhũng.


Lê Nguyên (VnEconomy)

Tài xế xe bồn ngăn thảm họa là một anh hùng

“Chú thật can đảm và có tinh thần trách nhiệm trong công việc. Xã hội rất cần có những người dũng cảm giống chú. Cảm ơn chú đã cứu một vụ hỏa hoạn và đưa bình yên đến cho người dân”.

Đó là nhận xét của độc giả Tiên La về người lái xe nhanh trí trong bài viết "Cháy cây xăng, tài xế xe bồn dũng cảm ngăn thảm họa" . Chiều 16/9, tài xế Trần Thanh Long đánh xe về cây xăng ở huyện Bình Chánh, sau khi nhận xăng đầy bồn từ Cát Lái (quận 2, TP HCM). Như thường lệ, ông cho xe bồn vào cách hầm chứa của cây xăng khoảng 4 m, kiểm tra an toàn cháy nổ tại khu vực này rồi mở van rót xăng. Tuy nhiên, khi còn khoảng 100 lít cuối thì có người hét lớn cháy. Nhìn vào phía hầm chứa, ông thấy lửa phụt ra dữ dội và lan rất nhanh đến ống dẫn xăng của xe bồn.
Thấy chiếc bình chữa cháy cầm tay, ông chụp lấy xịt nhưng chẳng ăn thua. Cũng lúc này, chân và tay trái của ông bị lửa vây lấy. “Trong khoảnh khắc đó, tôi nghĩ ngay đến việc khóa van xăng ở bồn xe và thế là bất chấp nửa thân người như ngọn đuốc, tôi cố lao vào, vì nếu không lửa có thể sẽ đi vào trong và làm nổ bồn xăng. Hỏa hoạn sẽ kinh khủng hơn, có thể sẽ lan sang cả khu vực dân cư nếu bồn xăng phát nổ”, ông Long nói.
Đến chiều 17/9, tài xế Trần Thanh Long (58 tuổi) đã qua cơn nguy kịch và đang điều trị tại Bệnh viên Chợ Rẫy. Ông Long bị bỏng 19% cơ thể, tập trung chủ yếu ở tay và chân trái.
Hành động dũng cảm, liều mình xông vào dập lửa tại cây xăng của tài xế Trần Thành Long đã khiến cộng đồng mạng cảm phục tinh thần của anh. “Đó mới là người anh hùng trong thời bình. Công việc dũng cảm mà không ai cũng làm được như bác. Chúc bác mau hồi phục”, bạn đọc Hoang Lan nói.
“Bác ấy là một anh hùng”
“Một bác tài can đảm hy sinh vì cộng đồng, tôi thật cảm phục tinh thần của bác”, bạn đọc Giang chia sẻ. “Trường hợp nguy hiểm như vậy, mọi người ở xa còn lo sợ mà bác ấy vẫn quên mình để khóa van xăng, chạy xe khỏi khu vực nguy hiểm, tránh gây hậu quả xấu nhất. Rất ít người có thể đủ bình tĩnh làm được như bác. Biểu dương hành động của tài xế Long”, bạn đọc Đỗ Minh Thế nói.
Còn bạn đọc Hoàng Sơn chia sẻ: “Tài xế Trần Thanh Long 58 tuổi. Ở độ tuổi được sinh ra trong thời chiến, thật đúng là một tinh thần dũng cảm và kiên cường của thế hệ cha ông. Cháu thật sự rất cảm động trước việc làm dũng cảm của chú. Cháu chúc chú sớm bình phục và mạnh khỏe”.
bong-1-3259-1379409025.jpgÔng Long đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy với tay và chân bỏng nặng. Ảnh: Thiên Chương.
“Nếu không có hành động dũng cảm như vậy thì hậu quả thật khôn lường”
Cách đây hơn 3 tháng, vụ hỏa hoạn chưa từng có khi xe tiếp xăng bốc cháy trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) khiến ngọn lửa bốc cao ngùn ngụt, khói cao thành cột. Cả trạm xăng, quán cơm và nhiều phương tiện gần như chìm trong biển lửa. Hàng trăm cảnh sát và toàn bộ phương tiện chữa cháy của Hà Nội dùng vòi rồng hối hả phun vào đám cháy, nhưng phải mất tới gần 3 tiếng ngọn lửa mới được khống chế, gây thiệt hại lên tới 4 tỷ đồng
“Nhớ đến vụ hỏa hoạn đó so với hành động này của tài xế Long, tôi lại càng cảm phục anh gấp bội. Bởi nếu không có sự dũng cảm liều mình của anh không biết sẽ xảy ra thảm họa như thế nào? Cần phải biểu dương kịp thời cho anh Long”, độc giả Jack nói.
“Đúng thế, đây quả là một hành động dũng cảm. Bác ấy đã kịp ngăn chặn được chiếc xe bồn chở xăng cháy và phát nổ. Nếu không điều đó xảy ra thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng mà không ai có thể lường được điều gì sẽ xảy ra”, bạn đọc Đinh Đức tâm sự.
Còn bạn đọc Minh Khôi nói: “Hành động của bác Long là rất khâm phục, một con người dũng cảm và nhanh trí, nếu không hậu quả khôn lường. Chúc bác mau chóng bình phục và mong cơ quan đoàn thể khen thưởng, hỗ trợ về vật chất cho hành động vì cộng đồng của bác”.
Tâm Lê tổng hợp ( VnExpress)


Hãy so sánh hành động của người tài xế bình dị này với các cảnh sát PCCC ưu tú tại TTTM Hải Dương

Mỏi mòn chờ công lý

Cụ ông 88 tuổi thắng kiện vụ đền bù 2.500 đồng mỗi m2 đất

Sau 15 năm bị mất đất, cụ Bảy đòi được tiền đền bù đúng với giá trị thực của gần 2.400 m2 đất được UBND TP Cà Mau bồi thường chỉ 2.500 đồng một m2.

Chiều 18/9, TAND TP Cà Mau tuyên xử chấp nhận đơn kiện của ông Trần Văn Bảy ở phường 2, tuyên hủy một phần thông báo số 479 của Hội đồng bồi thường và tái định cư thành phố về việc bồi thường cho cụ ông 88 tuổi này 2.500 đồng một m2 đất. HĐXX buộc UBND TP Cà Mau áp dụng giá đất bồi thường và các quy định về hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cho ông Bảy tại thời điểm năm 2012.
cu-Bay-7580-1379517757.jpg
Cụ Bảy thắng kiện UBND TP Cà Mau, buộc chính quyền hủy phương án bồi thường đất chỉ có giá 2.500 đồng một m2. Ảnh: Giã Hoàng Nhựt.
Theo hồ sơ vụ án, năm 1998, UBND thị xã Cà Mau (nay là TP Cà Mau) giải tỏa của ông Bảy hơn 25.381 m2 đất các loại để làm nghĩa trang, tiền bồi thường trên 170 triệu đồng. Sau nhiều lần khiếu nại giá đất, tháng 3/2003, số tiền trên giảm xuống còn hơn 32,6 triệu đồng.
Đầu năm 2012, TP Cà Mau điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang, đất ông Bảy bị thu hồi giảm xuống chỉ còn gần 2.400 m2. Một năm trước, Phó Chủ tịch UBND TP Cà Mau Hứa Minh Hữu ký thông báo 479, chỉ chấp nhận bồi thường cho ông Bảy giá đất năm 1998 là 2.500 đồng một m2. Bức xúc vì giá bồi thường quá thấp, ông Bảy ủy quyền cho con gái kiện UBND TP Cà Mau, đòi bồi thường trên 167,6 triệu đồng (70.000 đồng một m2).
Luật sư Giã Hoàng Nhựt cho rằng, ông Bảy kiện là hợp lý vì Nhà nước không thể bồi thường cho dân một m2 đất với giá chỉ bằng thỏi kẹo cao su.
Duy Khang ( VnExpress)

Vô cảm, vô trách nhiệm đã thành tội ác

Xả lũ đột ngột, cả thị trấn tan hoang

 - Sau một ngày bị nhấn chìm trong biển nước, sáng 18/9 nước lũ đã rút để lại cảnh hoang tàn đổ nát tại thị trấn Eađrăng (H. Eahleo, Đắc Lắc). Hàng chục ngôi nhà cùng hàng trăm hecta hoa màu của người dân trong phút chốc đã bị dòng nước lũ cuốn trôi.

Theo bà con, nước lũ về đột ngột nhanh và hung hãn đã quét qua khu vực các khối 3,5,6 thuộc thi trấn Eađrăng.
Lũ về rất bất ngờ nên bà con trở tay không kịp khiến nhiều gia đình mất sạch tài sản.
Xả lũ; thị trấn; tan hoang; Đắc Lắc

Đứng trên nhà mình giờ chỉ còn lại nền đất, bà Dương Thị Lý ở khối 6 buồn bã cho biết, toàn bộ tài sản gồm tiền bạc, vật dụng giấy tờ đã bị nước cuốn trôi.
Cùng cảnh ngộ với bà Lý, những người hàng xóm đang cố gắng bới tìm, thu gom những gì còn sót lại nhưng tất cả đều vô ích.
Chưa có con số thông kê cụ thể, nhưng sơ bộ hàng chục ngôi nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, số hư hại có thể hàng trăm căn. 
Nước lũ cũng làm ngập sâu và hư hỏng nặng cầu Eakal khiến giao thông trên Quốc lộ 14 bị ách tắc nhiều giờ liền. Lực lượng chức năng đã kịp thời có mặt phong tỏa khu vực cầu, nhưng nhiều người dân hiếu kỳ vẫn tập trung rất đông tại khu vực nguy hiểm. Được biết thị trấn Eađrăng nằm trong vùng hạ lưu của đập Eađrăng có dung tích 1.500.000 m3. Những cơn mưa gần đây đã làm cho mực nước trong đập lên đến mức báo động.
Để đập khỏi vỡ buộc lòng phải xả tràn và hậu quả đã gây thiệt hại về tài sản, hoa màu của người dân…Ông Dương Công Nguyên, một người dân ở khối 6, thị trấn Eađrăng bức xúc: “Chúng tôi không hề được chính quyền và Ban quản lý đập thông báo từ sớm để di dời, bảo toàn tài sản. Khi lũ đã tràn về rồi mới được thông báo, lúc đó đã quá muộn, người dân chỉ còn biết chạy lũ thoát thân, tất cả tài sản đều phải bỏ lại…”.
Hình ảnh PV VietNamNet ghi lại:

Xả lũ; thị trấn; tan hoang; Đắc Lắc
Xả lũ; thị trấn; tan hoang; Đắc Lắc
Xả lũ; thị trấn; tan hoang; Đắc Lắc
Xả lũ; thị trấn; tan hoang; Đắc Lắc
Xả lũ; thị trấn; tan hoang; Đắc Lắc

Đinh Nga
 

    16 tháng 9, 2013

    Vệ sinh thực phẩm. SOS !

    Nhức nhối an toàn vệ sinh thực phẩm: “Tổng kho” thịt thối đường biên


    Chưa bao giờ, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lại trở nên nhức nhối đến vậy. Chúng tôi đã có mặt ở những điểm nóng để kịp thời phản ánh những ghi nhận chân thực và sống động về vấn đề này.

    Thời gian qua, cả nước rúng động bởi hàng loạt sự cố an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó là chất phát sáng (Tinopal) trong bún, phở, hủ tiếu, bánh canh; sữa “dính” chất nhiễm độc; thịt heo, nội tạng thối tràn vào từ biên giới; gà, trứng lậu “vượt biên” vào mâm cơm gia đình…
    Trong vai một nhóm người đang mở nhà hàng ở Thanh Trì (Hà Nội), đồng thời làm đầu mối bỏ hàng thực phẩm giá rẻ cho các nhà hàng, quán ăn khác trong khu vực, chúng tôi tìm lên Lạng Sơn, nơi khởi nguồn nhiều vụ vận chuyển nội tạng động vật thiu thối được tẩm ướp hóa chất độc hại tràn vào nội địa để tiêu thụ.
    Nhức nhối an toàn vệ sinh thực phẩm: “Tổng kho” thịt thối đường biên (1)
    Vận chuyển gà nhập lậu bằng xe máy tại Lạng Sơn.
    “Tổng kho bí mật”
    Dạo một vòng ở các nhà hàng lớn và chợ Đồng Đăng, chủ nhà hàng quán ăn nào cũng nói, dân Lạng Sơn không bao giờ ăn thực phẩm nhập từ Trung Quốc. Hàng nhập về đều chạy thẳng về xuôi. Cuối cùng, nhờ chỉ dẫn của một tiểu thương ở chợ Tân Thanh, chúng tôi mới dần làm quen được một nữ đầu nậu tên T., nhà khu Bãi Gianh, gần ga Đồng Đăng.

    Chúng tôi hẹn gặp T. để hỏi thăm về tình hình giá cả, nguồn hàng nhập về. Ban đầu, T. còn rất dè chừng, cho đến khi tin rằng chúng tôi đang có ý định nhập thực phẩm với số lượng lớn từ Trung Quốc về để rải cho các mối quen ở khu vực Thanh Trì, Hoàng Mai (Hà Nội) thì cô ta mới tiết lộ thông tin. T. cho biết, trước đây vẫn đánh hàng, thậm chí áp tải theo xe về Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội. 
    Mặt hàng chính là gà thịt và gà con vì lợi nhuận rất cao, lãi gấp 3 - 4 lần so với giá mua tại Trung Quốc. Song từ đầu năm 2013 đến nay, buôn gia cầm rất khó vận chuyển, dễ lộ nên không chỉ cô ta mà nhiều đầu nậu ở Lạng Sơn đều chuyển sang buôn hàng đông lạnh về xuôi.
    Không chỉ thịt, nội tạng động vật mà cả gà bây giờ cũng đều phải thuê người vặt lông ngay bên kia biên giới, sau đó đóng thùng xốp, thuê người bỏ đá ướp lạnh rồi dùng hai hình thức đưa về Việt Nam. Một là thuê cửu vạn xách lậu qua các mốc, lối mòn. Hai là thuê người dân ở khu vực biên giới xách kiểu nhỏ lẻ qua cửa khẩu. Sau đó, hàng về sẽ được các đầu nậu thu gom lại, trả công cho cửu vạn, rồi đưa về một “tổng kho bí mật” gần quốc lộ 1A, chờ đêm đến là chất lên xe. 
    Nhức nhối an toàn vệ sinh thực phẩm: “Tổng kho” thịt thối đường biên (2)
    Một ô tô chở giống gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc bị bắt giữ.
    Sau khi đồng ý cho chúng tôi xem hàng trước khi hợp đồng chính thức, T. cùng một người nữa dẫn chúng tôi lên gần cửa khẩu Cốc Nam nhưng không đi thẳng vào đây mà rẽ phải đi một quãng đường khá xa cửa khẩu (khoảng 5km), đến xã Bảo Lâm. T. cho biết, hầu như thực phẩm, nội tạng động vật đều phải tuồn về qua xã Bảo Lâm chứ không ai dám gần cửa khẩu. 
    Từ trục đường trung tâm, chỉ đi bộ khoảng 3 - 4km là sang đến đất Trung Quốc, vượt qua vài cột mốc là sang chợ Lũng Vài (Trung Quốc) chuyên kinh doanh thực phẩm, gia cầm. Từ Bảo Lâm, có mấy con đường tắt quanh co, hiểm trở chạy thẳng ra xã Thụy Hùng gần TP Lạng Sơn, nằm ngay sát quốc lộ 1A. Như vậy sẽ không phải đi qua các trạm kiểm soát ở quanh cửa khẩu Tân Thanh và Trạm kiểm soát liên ngành Dốc Quýt.

    T. cũng cho biết, không chỉ cô ta mà bất cứ chủ nào có máu mặt ở Bảo Lâm đều có thể nhận làm đầu mối cung cấp hàng. Có hai hình thức thỏa thuận: Một là khách sẽ tự lo làm luật dọc đường khi xe hàng về. Hai là nếu không lo được thì các chủ nậu sẽ lo luôn nhưng giá hàng phải đội lên gấp 3 lần. Trong khi đó, qua tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người dân ở Bảo Lâm đều đi làm… “cửu”, tức là nhận đi sang chợ Lũng Vài xách hàng về cho các chủ nậu. 
    Họ có thể xách bất cứ mặt hàng thực phẩm nào các chủ nậu thuê. Tuy nhiên, riêng T. thì chỉ chuyên buôn mặt hàng nầm, nội tạng heo Trung Quốc như dạ dày, lòng, tràng… vì đã có các mối quen, lợi nhuận lại cao hơn gia cầm nhiều. 
    Nhức nhối an toàn vệ sinh thực phẩm: “Tổng kho” thịt thối đường biên (3)
    Cơ quan chức năng bắt giữ một vụ vận chuyển thịt động vật nhập lậu.
    Nhức nhối an toàn vệ sinh thực phẩm: “Tổng kho” thịt thối đường biên (4)
    Một loại thực phẩm nhập lậu vào Việt Nam.
    Sau một hồi lòng vòng, dẫn chúng tôi vào một nhà dân, T. nói đây là “tổng kho” cất hàng của cô ta. Đi vào sau nhà, tới gần bếp thì T. mở ra một cái tủ đá, cho xem cả đống bao tải xếp chật ních bên trong, mở ra là những bộ lòng, nầm, tràng heo… đóng bánh chặt cứng. Mùi hôi thối, tanh tưởi xộc lên tận óc, khiến chúng tôi muốn ói. T. bảo: “Đây là hàng về từ đêm hôm qua nhưng em chưa kịp bố trí xe áp về xuôi vì còn chưa… “thông đường”. 
    Trong khi đó chủ hàng ở dưới Bắc Giang ngày nào cũng gọi lên hỏi hàng đến khi nào thì về. Đêm nay em sẽ đưa hàng lên xe”. Cô ta than thở: “Hàng càng nằm lâu thì em càng lo. Mấy thứ hàng này, có cất tủ lạnh thì nó vẫn bốc mùi ghê lắm. Bên kia chủ hàng họ đã tẩm ướp hóa chất, đóng đá cả rồi nhưng đưa lên xe chạy cả trăm cây số nên cũng khó bảo quản”.

    T. nói, cũng có thời điểm không có hàng vì toàn bộ nội tạng heo phải vận chuyển về từ tận Quảng Tây, Trung Quốc. Những lúc khan hàng thì phải sau 3 - 4 ngày mới thu gom đủ một chuyến. Sau đó, T. yêu cầu chúng tôi để lại địa chỉ và số điện thoại để liên lạc. Cô ta đề nghị chúng tôi ban đầu cứ thử lấy tạm một tấn hoặc vài tạ hàng nầm về tiêu thụ. Đặt tiền xong, sẽ có xe chở về tận địa chỉ cần giao nhận. Sau đó, khi đã quen nhau thì chỉ cần alô lên, gửi tiền qua tài khoản là hàng về đều đều theo nhu cầu. Chúng tôi trả lời là muốn có cuộc hội ý riêng, sẽ trở lại vào buổi tối để nói chuyện rồi đánh bài chuồn.
    Thịt thối, nội tạng bẩn len lỏi khắp nơi
    Rời Lạng Sơn, trên đường về qua TP Bắc Giang, nhờ lân la dò hỏi, chúng tôi lại tiếp cận được thêm một đầu nậu khác chuyên mua bán, thu gom các mặt hàng nội tạng từ Trung Quốc đánh về, đó là V. Bà ta nói, trước đây đánh hàng tạp hóa về xuôi nhưng từ khi hàng Trung Quốc có lợi nhuận rất cao mà nhu cầu lúc nào cũng lớn, dễ tiêu thụ nên chuyển hẳn sang buôn nội tạng. 
    Hiện nay, khách của bà V. ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên rất nhiều. Từ đây, các chủ con lại tiếp tục đánh hàng tỏa đi khắp nơi tiêu thụ, thậm chí đóng lên cả máy bay chở vào TPHCM.

    Bà V. tiết lộ thêm: sau khi hàng được cửu vạn xách qua biên giới và đã tập kết lên xe thì chở về xuôi rất đơn giản. Chỉ cần ném lên xe khách hoặc gửi xe container trống (xe về) là ít khi bị kiểm tra. Cứ mỗi xe khách gửi khoảng 1 - 3 tạ. Có ngày, bà chuyển cho các đầu mối dưới xuôi khoảng 2 - 3 tấn. 
    Hỏi về giá cả mua bán thế nào, bà V. bảo: “Cái này thì phải báo giá theo ngày, hoặc theo chuyến vì còn phụ thuộc vào giá bên kia thế nào”. Thời điểm hiện tại, mặt hàng nội tạng heo được bà V. báo giá là 60.000 đồng/kg nầm heo, loại rẻ hơn chỉ 45.000 - 50.000 đồng. Còn loại ngon thì lên tới 70.000 đồng.

    Thấy chúng tôi còn ngần ngừ, bà V. cố gắng thuyết phục: “Thực ra bọn chị cũng chẳng lời lãi được bao nhiêu đâu. Lo tiền cho cửu, rồi cước xe cộ, làm luật… cũng gần hết rồi”. Rồi bà ta tính: “Này nhé, cước về đến Bắc Giang đã 3 triệu đồng, còn về Hải Dương là 5 triệu đồng. Về tới chợ Long Biên là 7 triệu đồng. Càng xa thì cước càng cao. Giá chung mà”.
    Theo giới buôn lậu tiết lộ, hiện nay, thịt thối, nội tạng bẩn có thể tràn về từ nhiều ngả nhưng tuồn qua cửa ngõ Lạng Sơn là gần nhất, chi phí ít nhất vì xe khách chạy từ Tân Thanh, Đồng Đăng về Hà Nội, Hải Dương rất nhiều, quãng đường ngắn, xe có thể chạy với tốc độ rất cao để vượt mặt các lực lượng tuần tra dọc đường.
    Mặc dù cơ quan chức năng đã bắt được rất nhiều vụ nhập lậu thực phẩm bẩn, không an toàn vào nội địa, nhưng từ thực tế, vẫn còn rất nhiều lô hàng đưa trót lọt vào thị trường nội địa tiêu thụ. 
    Ông Đỗ Văn Cầu, Trạm trưởng Kiểm dịch Hữu Lũng (Lạng Sơn) cho biết: “9 tháng qua, không chỉ có hơn 2.000kg nầm heo bị phát hiện xử lý mà trạm chúng tôi còn bắt giữ tới 5 tấn thịt gà và lạc đà, cừu cùng một số loại thực phẩm bẩn khác qua ngả Hữu Lũng”.
    Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Cầu cũng chia sẻ, trạm Hữu Lũng là chốt kiểm soát chống buôn lậu cuối cùng nằm trên quốc lộ 1A của địa phận tỉnh Lạng Sơn. Thời gian qua, trạm hoạt động rất tích cực trong việc kiểm soát hàng hóa, thực phẩm nhập lậu nhưng vẫn có những khó khăn như phương tiện truy đuổi xe chở hàng lậu không có, quanh trạm lại có tới 6 đường xương cá mà các xe từ biên giới về không cần đi qua trạm, nên không thể kiểm soát xuể.

    Trong khi đó, đại tá Nguyễn Đình Tân, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm môi trường, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: 9 tháng đầu năm 2013, riêng lực lượng công an ở địa phương đã phát hiện và xử lý tới 27.000kg sản phẩm nội tạng động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Đáng lo ngại là tất cả các lô nội tạng bắt được khi mở ra đều đã phân hủy, nhớt nháp, bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Còn theo Đội Kiểm soát kinh tế Công an huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), chỉ qua 4 vụ gần đây đã phát hiện và xử lý tới 2.336kg nầm heo lậu.
    Một ô tô vận chuyển 20.000 con gà giống nhập lậu từ biên giới Việt - Trung vào đất liền tiêu thụ, đã bị Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ vào sáng hôm qua 16-9. Sự việc xảy ra tại Km106+500 quốc lộ 18A, thuộc địa phận phường Hà Khẩu, thành phố Hạ Long. Đội tuần tra kiểm soát giao thông trung tâm - Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh Quảng Ninh) đã kiểm tra ô tô tải 14N-2935 do Nguyễn Văn Sơn (37 tuổi, trú tại thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) điều khiển đi hướng Móng Cái - Hạ Long, phát hiện trên xe vận chuyển 20.000 con gà con không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Toàn bộ tang vật đã được bàn giao cho lực lượng Cảnh sát môi trường xử lý theo quy định của pháp luật.
    Văn Đức
    Theo Nhóm phóng viên
    Sài Gòn giải phóng