Trang

8 tháng 3, 2018

Tây Sơn nội chiến


Sau khi chiếm được Gia Định, mâu thuẫn giữa anh em nhà Tây Sơn bắt đầu lộ diện. Nguyễn Huệ muốn tiến đánh quân Trịnh ở Phú Xuân, Nguyễn Nhạc không đồng ý. Sau đó Nguyễn Hữu Chỉnh báo lại tình hình Phú Xuân thì Nguyễn Nhạc mới đồng ý cho đánh.
Sau khi đánh chiếm được Phú Xuân, Nguyễn Huệ tự tiện đưa quân thẳng tiến ra Bắc Hà, diệt Trịnh với danh nghĩa phù Lê. Nguyễn Nhạc biết tin, không yên tâm với sự phát triển thế lực riêng của Nguyễn Huệ, nên ra Bắc gọi Nguyễn Huệ trở về Nam. 
Nguyễn Huệ từ Bắc Hà trở về mang theo rất nhiều của cải lấy được của Lê- Trịnh, Nguyễn Nhạc yêu cầu nộp lại số vàng bạc đã lấy nhưng Nguyễn Huệ không giao.
Ở vùng Thuận Hóa, Nguyễn Huệ tự ý xây dựng thành quách, tự thưởng cho các thân quan mà không tấu trình. Nguyễn Nhạc nhiều lần cho gọi Nguyễn Huệ về Quy Nhơn nhưng Huệ không đi.
Nguyễn Nhạc cho rằng mình bị xem thường, nên năm 1787, Nhạc đem binh ra Phú Xuân hỏi tội Huệ. Nghe tin, Nguyễn Huệ vỗ án nói:
- “Tội gì mà hỏi? Ðánh Nam dẹp Bắc để giữ vững ngôi báu cho anh, đó là tội à? Còn đất Thuận Hóa này là của ta lấy nơi tay Chúa Trịnh. Ta thọ phong chẳng qua vì tình anh em đó thôi. Chớ đâu phải anh ta cắt đất của mình phong cho ta, mà bắt ta nhất nhất phải tuân theo mệnh lệnh? Công có lại quên, tội không có lại buộc! Sao lại bất công thế. Ta không chịu nổi”.
Nguyễn Nhạc mắng Huệ:
- “Làm em mà không nghe lời anh là bất nghĩa, làm tôi mà không nghe lời vua là bất trung. Tôi chạy ngược xuôi buôn bán nuôi cậu từ nhỏ. Tôi chăm sóc mẹ, cậu và mấy đứa em nheo nhóc, để bây giờ cậu phản tôi à?”
Hai anh em đánh nhau nảy lửa, nhưng do từ nhỏ đến lớn học võ cùng một thầy, biết hết thế miếng của nhau, nên đánh rất lâu mà không phân thắng bại. Từ chuyện này trong dân gian lưu truyền câu thơ:
Đao đỡ thương rồi thương đỡ đao,
Thương qua đao lại chẳng ai nhường.
Quy Nhơn chiến địa nơi binh dữ,
Huynh đệ tương tàn cảnh đáng thương.
Sau khi đánh nhiều hiệp không phân thắng bại, Nhạc mệt và xuống sức do cao tuổi hơn. Lợi dụng tình thế này Nguyễn Huệ đánh Nguyễn Nhạc bị thương nhẹ.
Nguyễn Nhạc tức giận xua quân tấn công. Huệ cho quân rút lui. Nghĩ rằng Huệ đã sợ, Nguyễn Nhạc cho quân đuổi gấp. Đột nhiên nghe thấy quân sĩ hò reo dậy đất, phục binh hai bên đổ ra đánh, đồng thời Nguyễn Huệ cũng cho quân quay lại đánh kịch liệt. Quân Nguyễn Nhạc bị bất ngờ không chống nổi, chết rất nhiều, Nguyễn Nhạc đành thúc ngựa chạy thẳng về thành Quy Nhơn cố thủ.
Nguyễn Huệ cho quân công thành, nhưng thành Quy Nhơn vốn dễ thủ khó công, cho quân đánh thẳng vào thì sẽ hao tổn rất nhiều lính. Vì thế Nguyễn Huệ quyết định cho quân vậy chặt thành, cắt mọi nguồn lương thực, để Nguyễn Nhạc hết lương phải đầu hàng.
Theo thư của một số Linh mục Pháp thời đấy còn lưu lại, thì để có 6 vạn quân vây thành Quy Nhơn, Nguyễn Huệ đã cho bắt tất cả đàn ông ở Thuận–Quảng đi lính, chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ con.
Nguyễn Nhạc thấy lương thực cạn dần thì lo lắng, viết thư cho Nguyễn Lữ báo tin Nguyễn Huệ tạo phản, nhờ em đến giải vây. 
Nguyễn Lữ nhận thư, sai Đặng Văn Trấn đem binh cứu vua anh. Nhưng Nguyễn Huệ đoán biết Nhạc sẽ nhờ Lữ đến cứu, nên sai quân mai phục sẵn ở Phú Yên. Quân của Đặng Văn Trấn đến Phú Yên thì bị đánh bất ngờ nên tan tác, tướng Đặng Văn Trấn bị bắt sống.
Thấy Nguyễn Nhạc không chịu hàng, Nguyễn Huệ tìm cách công thành nhưng không hạ được, liền chiếm núi Long Cốt, đưa đại bác lên núi cao bắn vào thành, những vị trí xung yếu trong thành đều bị phá.
Đạn pháo bắn rung cả thành khiến gia quyến Nguyễn Nhạc lo lắng, Nguyễn Nhạc phải lên mặt thành kêu khóc với Nguyễn Huệ rằng: “Bì oa chử nhục, đệ tâm hà nhẫn”. 
Trước đây Nguyễn Nhạc không dám nói thật cho mẹ biết, giờ không thể dấu được nên đành nói thật. Bà mẹ biết chuyện thì ra khỏi thành gặp Nguyễn Huệ, rồi sau đó Nguyễn Lữ cũng đến khuyên can, nhờ đó anh em mới được giải hòa.
Sau sự việc việc, để tiện cho anh em cai quản các nơi, tháng 4 năm 1787, Nguyễn Nhạc đã phân chia như sau:
Nguyễn Nhạc xưng là Trung Ương Hoàng đế, đóng đô ở Quy Nhơn.
Phong Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương, cai quản vùng đất Gia Định.
Phong Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương, cai quản vùng đất từ đèo Hải Vân trở ra Bắc.
Sau sự phân chia đó, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ vẫn ngầm mâu thuẫn. 
Năm 1788, sau khi sai Nguyễn Duệ đánh Nguyễn Huệ không thành, Nguyễn Nhạc nhụt chí, đành trao quyền cho Nguyễn Huệ là vua Quang Trung và cầu khẩn em mang gấp đại binh vào cứu Nam Bộ (theo chiếu lên ngôi của Quang Trung). Lúc này, Nguyễn Phúc Ánh ngày một mạnh lên nhờ được lòng người dân Nam Bộ, khiến Nguyễn Nhạc lo sợ.
Tuy nhiên năm 1789, vua Quang Trung còn bận đánh quân Thanh và ổn định Bắc Hà. Đến năm 1792, Nguyễn Nhạc thua Nguyễn Phúc Ánh ở cửa Thị Nại, vua Quang Trung đang chuẩn bị cho quân vào bình Nam thì qua đời…
(Theo Trần Hưng- Trithucvn)
Phạm Văn Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét