Vụ đông xuân năm 2013, do gieo cấy giống lúa BC15, vụ mùa chính này mất trắng do lúa không cho hạt, đẩy đời sống người dân ở đây vào hoàn cảnh rất khó khăn, thậm chí có những gia đình rơi vào thiếu đói cả năm.
Trước những khó khăn trên, Nhà nước chủ trương giúp đỡ người dân bằng cách hỗ trợ tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho những hộ này. Tổng số 151 hộ dân trên địa bàn 8 xóm được nhận số tiền là 280 triệu đồng.
Qua điều tra, xác minh thực tế tại các hộ dân nằm trong danh sách được hỗ trợ, phóng viên Dân trí không khỏi bất ngờ khi hầu hết những hộ dân được hỏi đều trả lời rằng họ chưa nhận bất cứ một đồng tiền hỗ trợ nào.
Một số hộ “may mắn” được cấp tiền nhưng con số thực tế được nhận lại “lệch” quá xa so với bản danh sách có chữ ký của những hộ dân này. Có người chỉ nhận được 300.000 đồng nhưng trong danh sách số tiền lên đến 2.100.000 đồng...
Sau khi báo Dân trí phản ánh, huyện Tân Kỳ thành lập đoàn thanh ra kiểm tra, rà soát và đã thu hồi hơn 250 triệu đồng do chi trả sai nguyên tắc.
Thật ra việc xà xẻo của dân ở cái thời “người ta ăn của dân không từ một cái gì” như lời Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan không phải là hiếm. Song điều đáng buồn, “người ta” ở đây có lẽ hầu hết là cán bộ, đảng viên, tức là những người có chức, có quyền. Dù kỉ luật của Đảng rất nghiêm khắc nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Trong bài “Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng: “Bảo bối” cần duy trì lâu dài và thường xuyên” đăng trên báo Đảng Cộng sản, ông Nguyễn Đức Hà Vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương, Thành viên Tổ giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cho biết: “Năm 2012, xử lý kỷ luật 16 nghìn đảng viên; năm 2013, xử lý kỷ luật trên 21 nghìn đảng viên; năm 2014, xử lý kỷ luật trên 17 nghìn đảng viên.
Như vậy qua 3 năm, chúng ta đã xử lý kỷ luật trên 54 nghìn đảng viên và đưa ra khỏi Đảng qua những hình thức xử lý khác đối với hàng nghìn đảng viên khác. Hơn 54 nghìn đảng viên này là có án, có hình thức, còn diện kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm sâu sắc còn lớn hơn”.
Vậy là nếu cộng các hình thức như “kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm”, số cán bộ, đảng viên vi phạm lên đến trên 100 ngàn. Đây là một con số quá lớn đối với một Đảng cầm quyền luôn phấn đấu cho mục đích công bằng, dân chủ và trong sạch.
Tại Hội thảo “Nâng cao vị thế, vai trò và trách nhiệm cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tình hình hiện nay" diễn ra ngày 28/1 tại Quảng Ninh, Nhà báo Hữu Thọ viết về những nguyên nhân có thể dẫn đến mất quyền, đó là: “Để kinh tế chậm phát triển, trì trệ, đời sống nhân dân không được nâng cao, thậm chí suy giảm; không thực hiện dân chủ và công bằng xã hội trong đánh giá con người và phân phối lợi ích; lợi dụng lợi ích để tham nhũng, lợi dụng quyền hành để lãng phí công quỹ…”.
Đối với vụ việc ở xã Đồng Văn chính là “lợi dụng lợi ích để tham nhũng”, tức là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến mất quyền lãnh đạo của Đảng.
Có 280 triệu đồng hỗ trợ người dân sau một vụ mùa mất trắng mà đang tâm “ăn” tới 250 triệu đồng thì quả là một kỉ lục về sự “ăn” của dân một cách “tàn bạo”.
Khi mình viết xong bài này, trên Dân trí lại vừa đăng tải một vụ việc còn “kỉ lục” hơn, đó là cán bộ chính sách ở xã Trịnh Xá (tp Phủ Lý, Hà Nam) nhiều năm nay âm thầm ăn chặn mất 90.000 đồng trong số 270.000 đồng tiền trợ cấp của Nhà nước/tháng dành cho người khuyết tật nặng mà với số tiền đó tính ra chỉ đủ để mua 3 gói mì tôm/ngày.
Hình như lòng tham đã không còn giới hạn, phải không các bạn?!
Bùi Hoàng Tám
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét