LTS: Số liệu y tế mới nhất báo động gia tăng bệnh tật nguy hiểm ở Việt Nam: Trung bình mỗi năm có 75.000 người tử vong vì ung thư và hơn 150.000 ca mắc bệnh mới! Đáng lo hơn, số ca bị ung thư mới ở Việt Nam hiện thuộc tốp đầu thế giới. Một trong những nguyên nhân chính đến từ những thứ mà chúng ta đưa vào miệng hằng ngày chứa đầy độc tố. Nguy hiểm hơn, độc tố từ các loại thức ăn, nước uống… cũng có phần do người Việt mình “đang tự đầu độc nhau”.
Từ số báo này, Lao Động gửi tới bạn đọc loạt bài dài kỳ “Người Việt, đừng tự đầu độc!” phản ánh thực trạng đáng báo động trên ở nhiều mảng, lĩnh vực trong đời sống, từ đó kiến nghị những giải pháp khắc phục.
(Kỳ 1): Heo “xì ke” tràn ngập thị trường
Rà theo những hộ chăn nuôi lớn chuẩn bị xuất chuồng heo, thương lái đưa cho người nuôi chất tạo nạc (trong nghề gọi là “xì ke”) đề nghị cho ăn rồi sẽ ưu tiên mua giá cao. Khi người nuôi kêu thương lái đến bắt heo, câu đầu tiên thương lái hỏi không phải giá cả mà là “heo anh có chất “xì ke” không”? Nhiều người chăn nuôi bức xúc phản ánh với phóng viên Lao Động. Thịt heo “xì ke”- mầm mống của bệnh ung thư - đã và đang tràn ngập thị trường…
Người nuôi heo bức xúc
Mới đây, Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh thông báo phát hiện 8/31 mẫu heo dương tính với chất cấm thuộc nhóm beta - agonist (chất tạo nạc, thuốc tăng trọng cho heo) có xuất xứ từ tỉnh Tiền Giang khi nhập vào các lò giết mổ ở thành phố này. Tiền Giang lập tức cho kiểm tra lấy mẫu nước tiểu trên đàn heo tại các trang trại, hộ gia đình chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. 50 mẫu xét nghiệm ban đầu đã dương tính với chất beta - agonist. Kết quả giám định của Cơ quan Thú y vùng II TPHCM cho thấy có đến 32 mẫu dương tính với chất tạo nạc.
Tiền Giang có trên 550.000 con heo nuôi tập trung tại huyện Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Đông. Có mặt tại xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo - một trong những địa phương có đàn heo lớn nhất Tiền Giang, đến đâu chúng tôi cũng nghe người nuôi heo bức xúc với chuyện những lái heo tỏa khắp nơi để bán (thậm chí cho không) chất tạo nạc cho người nuôi. “Heo nào có chất tạo nạc họ ưu tiên mua trước với giá cao hơn 500 đồng/kg, thử hỏi người nuôi làm sao mà bỏ qua. Người dân trồng dừa, nhưng mấy năm nay giá dừa xuống thấp, nhờ đàn heo mà dân sống được, nay chất tạo nạc len lỏi vào trong dân khiến chúng tôi vô cùng khổ sở”.
Anh Huỳnh Phương Vũ (hộ chăn nuôi heo tại ấp An Lạc Trung, xã Xuân Đông, Chợ Gạo) kể: “Heo tôi tới lứa, điện thoại kêu lái heo. Câu đầu tiên họ không hỏi giá cả mà hỏi, heo anh có “xì ke” không, nếu có thì họ mới mua”. Anh Vũ giải thích “xì ke” là chất tạo nạc mà trước đó các lái heo cho người chăn nuôi bỏ vào thức ăn khoảng 20 ngày trước khi xuất chuồng. Heo ăn chất này vào lông xù, đùi to ra, lượng mỡ giảm đáng kể. Anh không cho thức ấy vào bữa ăn của heo vì sợ bệnh cho mình và cho người tiêu dùng. Vậy là anh bán chỉ được 45.000 đồng/kg, thay vì 47.000 đồng/kg. Anh bức xúc: “Người chăn nuôi ai cũng biết, dùng chất “xì ke” là không nên, nhưng lái heo thao túng đầu ra như vậy, thử hỏi làm sao chúng tôi chịu được? Xin đừng đổ cho chúng tôi hám lợi mà giết người tiêu dùng”.
Truy tìm kẻ gieo rắc chất “xì ke”
Tại Bến Tre, Thanh tra Sở NNPTNT vừa kiểm tra 4 cơ sở có quy mô chăn nuôi từ 50 con heo trở lên trên địa bàn 4 huyện: Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam. Đoàn đã lấy 20 mẫu (mỗi cơ sở 4 mẫu nước tiểu và 1 mẫu thức ăn) để xét nghiệm. Kết quả, đã phát hiện chất tạo nạc Salbutamol trên cả 4 mẫu nước tiểu và 1 mẫu thức ăn của cơ sở ông Phạm Văn Tánh (ấp Phú Tây, xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam). Ông Tánh cho biết, chất tạo nạc Salbutamol mà ông đang sử dụng được cung cấp từ một đại lý của Cty CP Chăn nuôi CP Việt Nam (có địa chỉ tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Đoàn thanh tra đã xử phạt 15 triệu đồng và tạm niêm phong, cấm xuất bán đối với cơ sở này trong thời gian điều tra truy tìm nguồn gốc xuất xứ thật sự của chất cấm trên. Đoàn kiểm tra cũng đã thông báo kết quả trên đến Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang và Công an Bến Tre để phối hợp điều tra.
Cùng lúc, ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NNPTNT Bến Tre đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thành lập đoàn kiểm tra chuyên ngành để khẩn trương tiếp tục kiểm tra ở một số điểm nóng khả nghi sử dụng chất cấm để tạo nạc trong chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh. Nếu phát hiện các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi như đã công bố, sẽ xử phạt hành chính. Người vi phạm phải cung cấp đầy đủ nguồn gốc heo được thu mua (nếu là đại lý, doanh nghiệp) để cơ quan chức năng truy tìm và có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang cũng chính thức vào cuộc truy tìm người bán chất “xì ke” cho heo. Đại tá Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng PC 46 Công an tỉnh Tiền Giang, cho biết, đã cử trinh sát đi điều tra nắm rõ tình hình mua bán chất tạo nạc. PC 46 kêu gọi người dân hợp tác, cung cấp thông tin người bán, bán cho ai, khi nào, ở đâu để phối hợp truy tìm, xử lý đúng pháp luật.
Những hành vi gian lận bị bóc mẽ
Tại cuộc họp báo tổng kết công tác tháng 8, kế hoạch tháng 9.2015 của ngành nông nghiệp, ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Bộ NNPTNT) - cho biết: Chỉ trong 6 tháng đầu năm, Chi cục Thú y TP.HCM đã lấy 227 mẫu nước tiểu heo giết mổ của 51 lô, thì phát hiện tới 31 mẫu dương tính hàm lượng cao với chất Salbutamol. Trong 7 lô heo dương tính với Salbutamol thì có tới 4 trường hợp có xuất xứ từ Đồng Nai, 2 trường hợp ở Tiền Giang và 1 trường hợp ở Long An.
Ngay sau khi phát hiện nguồn gốc lô heo có hoạt chất cấm, đoàn thanh tra đã làm việc với Sở NNPTNT Đồng Nai, kiểm tra 44 trong tổng số gần 2.000 trang trại trên địa bàn tỉnh, phát hiện 14 trang trại có heo dương tính với hoạt chất Sabutamol. Các trang trại vi phạm chủ yếu tập trung tại huyện Vĩnh Cử, Trảng Bom và Biên Hòa. Theo Thanh tra Bộ NNPTNT, hành vi vi phạm chủ yếu tập trung tại các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ từ 100 - 200 con. Tại những trang trại này, chủ yếu con giống có chất lượng kém, nên chủ trại đưa chất cấm vào để tăng trọng, nhằm thu lợi bất chính.
Bênh cạnh đó, một số cá nhân, thương lái đã lợi dụng sơ hở của các chủ trang trại, thu lại các trang trại chăn nuôi rồi thu mua heo đã xuất chuồng của các công ty có uy tín về “nuôi thúc” bằng thức ăn có chất cấm. Với cách nuôi này, chỉ trong vòng 10 - 30 ngày, đàn heo đã tăng trọng lượng khoảng 130 - 140kg. Như vậy trừ chi phí, mỗi đầu heo đều tăng lợi nhuận từ 5 trăm ngàn đến một triệu đồng. Chưa kể, những kẻ vô lương tâm này còn quay vòng phiếu tiêm phòng, hợp lý hóa thủ tục để tiến hành xin cấp giấy kiểm dịch của cơ quan thú y.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét