Cuộc họp về Dự án Cát Linh - Hà Đông có quá nhiều lời nói thẳng, quá nhiều gay gắt, quá nhiều bất bình, và bất lực chỉ vì nguyên nhân cũ rích là sự chậm trễ.
Thẳng, đến mức TGĐ Ban QLDA Đường sắt Lê Kim Thành nói toạc móng heo: “Vướng mắc nhất là Tổng thầu Trung Quốc đồng ý rồi lật lại, kể cả là đồng ý bằng văn bản. Trong mọi vấn đề, Tổng thầu hứa cả trăm lần nhưng không thực hiện”.
Nhưng nói thẳng cũng chẳng ai thẳng hơn Bộ trưởng Thăng khi ông có lần… nói thẳng rằng, không muốn dự án này “là nơi thí điểm cho những người không đủ năng lực và thiếu lương tâm”.
Nhưng càng “nói thẳng”, càng “gay gắt”, dự án lại càng chậm tiến độ, nói như ông Lê Kim Thành - cứ như thể “họ đang giấu giếm điều gì đó”, như thể họ thách thức. Chậm, dù “hạn chót” 31.12 để hoàn thành 12 nhà ga đang đến rất gần, nhưng đến giữa tháng 9 này, Tổng thầu Trung Quốc còn đang “kỳ kèo”, còn chưa thèm ký hợp đồng với thầu phụ. 
Chậm, ở chỗ dù khối lượng thi công đã bàn giao nhưng Tổng thầu không thanh toán cho thầu phụ khiến dư nợ vọt lên đến hơn 300 tỉ đồng.
Chậm, dù khoản vay bổ sung 250 triệu USD đã được Chính phủ phê duyệt, nhưng đến giờ, Tổng thầu vẫn “chưa có ý kiến phản hồi”.
Tất cả sự chậm trễ đều có địa chỉ là “Tổng thầu Trung Quốc”. Và sự chậm trễ này cũng đang cho thấy tất cả những “hạn chót” mà Bộ GTVT đưa ra đều bị “ném sọt rác”.
Hôm qua, Bộ GTVT tiếp tục đưa ra một “hạn chót” mới với một “tối hậu thư” cũ: “Kiến nghị thay giám đốc điều hành dự án”.
Thật buồn với một dự án, vay chứ không phải xin - đang để “đối tác” tự tung tự tác trong sự bất lực của cơ quan quản lý và sự phẫn nộ của nhân dân.
Đến bao giờ dự án đội vốn khủng khiếp và chậm như rùa bò này mới hoàn thành là câu hỏi mà ngay chính Bộ trưởng Bộ GTVT cũng không thể trả lời.
Nhưng dẫu sao, chúng ta cũng được một bài học đích đáng về chất lượng nhà thầu Trung Quốc. Một bài học lớn về việc vay vốn ODA, tưởng rẻ, nhưng lại là quá đắt, quá phiền phức, quá thiếu hiệu quả.
Chỉ có điều, Cát Linh - Hà Đông có trở thành một bài học hay không thì lại là chuyện rất khác, khi ODA vẫn được coi là bầu sữa, là “thứ cho không” trong tư tưởng của không ít người!