Ở ga trăm tỉ Hạ Long, PV một tờ báo “chộp” được hình ảnh “đàn bò nhẩn nha gặm cỏ trong sân ga, người chăn bò dựa lưng cây cột điện ngủ ngon lành”. Theo tính toán, mỗi chuyến tàu tới đây lỗ chẵn 10 triệu đồng do bộ máy cồng kềnh và gánh đủ các loại chi phí. Thậm chí, mỗi chuyến tàu dẫu hoành tráng nhưng doanh thu không bằng một… xe khách.
Nguyên do: Hàng hóa sẽ đội chi phí rất lớn nếu phải chuyển từ tàu chạy đường ray khổ 1m sang khổ 1,435m ở tuyến này.
Thành phố mới Bình Dương với công suất “125.000 người định cư và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc” thì thênh thang một chiếc cổng nhưng cỏ lác thì um tùm, đường sá thì heo hút đìu hiu không một bóng người. Nguyên do, nói một cách mỹ miều là vì “tầm nhìn quá xa so với thực tiễn”.
Còn ở Bà Rịa - Vũng Tàu, từ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đến Trường Mầm non Bưng Riềng, cơ ngơi thì hoành tráng nhưng không có đường vào. Tháng tháng, khi bệnh viện hay trường học chưa kịp trả tiền thuê đường, chủ đất bèn kéo rào cho “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Nguyên do việc con đường đang tắc tị, theo Chủ tịch UBND TP.Bà Rịa Nguyễn Văn Hoàng, vì “liên quan đến giá đất đền bù” đang chờ phê duyệt.
3 câu chuyện ở 3 miền đất nước đang chỉ cho thấy những bất cập quanh hai chữ “đồng bộ” tưởng đáng lẽ là đương nhiên. Và, nói một cách công bằng, cho thấy “tầm nhìn”, “tầm trách nhiệm” bảo là quá xa nhưng “không quá lỗ mũi”.
Một đường ray khổ 1,435m có thể là nhìn xa cho tương lai. Nhưng cái tầm nhìn không căn cứ vào thực tế là khổ ray chung trên toàn quốc vẫn là 1m đang khiến hàng trăm tỉ đồng - không thể gọi khác - bị lãng phí nghiêm trọng. Lãng phí trong khi thiếu vốn vẫn là căn bệnh trầm kha không chỉ của ngành đường sắt, không chỉ của ngành GTVT.
Một thành phố, có thể là cách hướng tới tương lai. Nhưng với giá đất được cho là “cắt cổ” đang gần như bị bỏ hoang, có vẻ như đang quá vô duyên lạc lõng với thực tế là hàng ngàn công nhân Khu công nghiệp Bình Dương đang sống trong một diện tích thuê trọ còn “tối thiểu” hơn cả diện tích người ta dùng để nuôi một con bò sữa!
Còn những công sở bịt bùng không đường vào vì phải chờ phê duyệt giá đền bù có lẽ là chuyện “chỉ có ở Việt Nam” khi làm lấy được, đầu tư lấy được, xây dựng lấy được vẫn là chuyện phổ biến mà ngay cả Bộ trưởng Bộ KHĐT có lần cũng than khổ!
Nếu là người dân, bằng tiền túi của mình, có bao giờ đầu tư, xây dựng những ga tàu ma, những thành phố ma, những công sở bịt bùng như thế - dẫu là nhân danh tương lai, nhân danh tầm nhìn xa?!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét