Tàu cá của dân Diễn Ngọc hầu hết cỡ nhỏ, đánh vùng khơi không hiệu quả và không an toàn.
Nhiều ngư dân ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) tỏ ra sợ hãi khi nhắc đến lực lượng kiểm ngư của tỉnh vì liên tục bị lực lượng này phạt vi phạm hành chính. Nhiều tàu cá phải chặt lưới bỏ chạy khi thấy bóng tàu kiểm ngư.
Ngư dân khóc hết nước mắt vì bị xử phạt
Ngày 14.8, tàu cá của anh Lê Sĩ Dũng (xóm Yên Thịnh, xã Diễn Ngọc, Diễn Châu) và tàu của anh Vũ Văn Dân (xóm Đông Lộc, xã Diễn Ngọc) đang đánh cá bằng lưới giã cào tại vùng biển Quỳnh Lưu thì bị lực lượng đi trên tàu kiểm ngư Nghệ An bắt giữ do đánh cá sai tuyến. Hai tàu bị xử phạt 4 triệu đồng, cộng thêm 100.000 đồng “chi phí nộp phạt”. Chị Lê Thị Hiền - vợ anh Lê Sĩ Dũng - nghe chồng gọi điện tất tả chạy ra nộp phạt nhưng không đủ tiền, khóc lóc xin không được, phải về nhà vay mượn để đóng nộp.
Vào tháng 7.2015, tàu cá số hiệu 2084 của ông Hồ Văn Thắng (xã Diễn Ngọc) cũng bị kiểm ngư bắt giữ do đánh sai tuyến. Do ông Thắng bị ốm nên con rể là Vũ Văn Đức đi thay. “Lúc đó, tàu hỏng máy nên đi vào bờ, bị kiểm ngư bắt đưa về đồn biên phòng. Vào đến nơi, cán bộ lập biên bản xé đến 3 lần vì sai sót gì đó. Sau bọn em phải đi vay nộp phạt cho họ 6 triệu đồng mới được thả”, anh Vũ Văn Đức kể lại.
Ông Vũ Văn Quảng (SN 1968, xã Diễn Ngọc) có vợ bị đau tim và 6 con, chủ tàu cá 2529 công suất 48CV cũng đã bị phạt 2 lần, mất 4 triệu đồng. Vào cuối tháng 5 âm lịch, tàu cá 2958 của anh Đặng Vinh (xã Diễn Ngọc) bị kiểm ngư bắt tại lạch Lò (Cửa Lò), phạt 7 triệu đồng. “Lúc đó, trên tàu có lượng hải sản mới đánh bắt trị giá khoảng 5 triệu đồng, em van xin cho đưa đi bán để lấy tiền nộp, nhưng họ không chấp nhận. Đến khi chạy được tiền thì cá đã ươn hết. Tính ra nhà em mất hơn chục triệu đồng. Em van lạy họ cũng không cho”, chị Nguyễn Thị Vân - vợ anh Vinh - bức xúc.
“Bọn em bây giờ thấy bóng tàu kiểm ngư là hết hồn luôn, kéo nhau bỏ chạy. Nhiều tàu chặt bỏ cả lưới để chạy”, anh Vũ Văn Đức - một thuyền trưởng - nói.
Bị phạt gắt gao, dân vẫn đánh sai tuyến!?
Nguyên nhân việc ngư dân bị bắt, xử phạt là do đánh sai tuyến. Theo quy định, tàu công suất lớn không được đánh cá ven bờ, đánh ở vùng lộng mà phải đánh ở vùng khơi. “Chúng tôi biết rõ điều này nhưng vì tàu nhỏ, ra khơi ít cá, lỗ và không an toàn nên bọn tôi buộc phải đánh trong vùng lộng”, ông Nguyễn Hồng Quảng (xóm Tây Lộc, Diễn Ngọc) cho biết. Nhiều ngư dân tâm sự: “Đầu tư tàu lớn thì không có vốn, dân chỉ biết bám biển gần bờ kiếm sống. Nếu ai bị dính “án” phạt coi như trắng tay. Kiểm ngư làm gắt quá, dân không còn đường sống”.
Ông Trần Đăng Tuấn - Phó Chi cục Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản tỉnh Nghệ An - cho biết: 7 tháng đầu năm nay, lực lượng này đã kiểm tra, phát hiện 351 lượt tàu cá vi phạm, nhắc nhở 266 trường hợp, xử phạt 85 trường hợp với số tiền hơn 320 triệu đồng, trong đó 50 trường hợp lỗi khai thác trái tuyến. Theo ông Tuấn, những tàu cá bị phạt lỗi khai thác trái tuyến chủ yếu ở Diễn Châu, do các tàu này sử dụng lưới giã cào khai thác gần bờ, vừa làm cạn kiệt thủy sản vừa gây hỏng lưới rê của các ngư dân khác. “Đã có hiện tượng đánh, chém nhau trên biển. Những người đánh lưới rê liên tục gọi điện đề nghị xử lý tàu giã cào đánh gần bờ”, ông Tuấn nói.
Khi PV đề cập nguyên nhân buộc người dân phải đánh cá gần bờ, ông Tuấn nói: “Như vậy thì buộc họ phải bỏ nghề, chuyển đổi nghề”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Lương - Trưởng Chi cục Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản tỉnh Nghệ An - lại tỏ ra thông cảm với ngư dân: “Hoàn cảnh ngư dân rất khó khăn, cửa lạch Vạn lại cạn, để chuyển đổi sang phương thức khác quả thật rất khó. Chúng tôi rất hiểu hoàn cảnh ngư dân, nhưng ở trong tình thế “trên đe dưới búa” không làm không được. Bọn tôi chỉ có cách là áp dụng khung phạt nhẹ nhất”. Ông Lương cho biết, sắp tới sẽ cho tàu kiểm ngư neo đậu thường xuyên tại vùng cấm đánh bắt, để ngư dân thấy kiểm ngư thì sẽ không vi phạm, hạn chế được việc xử phạt. “Có ngư dân nói với tôi rằng, các anh phạt thì bọn tôi cũng phải đánh ở đó, may thì thoát không may thì bị phạt”, ông Lương nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét