Tàu Trường Sa sẽ đóng quân tại bến cảng Á Long, căn cứ Tam Á thuộc đảo Hải Nam, căn cứ chính của hạm đội. Tàu khu trục này mang số hiệu 173, đã được hoàn thành vào tháng 12.2013 và được thiết kế để gia tăng khả năng phòng không cũng như chống hạm cho hạm đội Trung Quốc ở biển Đông.
Trung Quốc hiện có tổng cộng 8 tàu chiến được trang bị loại radar mảng pha quét điện tử mệnh danh là "Aegis của Trung Quốc", nhằm giúp nước này gia tăng sức mạnh quân sự.
Trong 8 tàu chiến hiện đại nhất đó chỉ có 2 tàu Type 52D là Côn Minh và Trường Sa, 6 tàu còn lại là tàu khu trục Type 052C.
Type 052D là loại tàu khu trục được cải tiến từ Type 052C và được Trung Quốc "khoe khoang" là có sức mạnh tương đương với tàu khu trục lớp Flight III Arleigh Burke của Mỹ.
Vũ khí đáng chú ý nhất của tàu là 64 tên lửa phòng không tầm xa HHQ-9 có tầm bắn 200km, tốc độ Mach 4,2, trần bay 30.000m. Tên lửa sử dụng phương thức dẫn đường quán tính trong giai đoạn đầu và giữa, đến cuối hành trình thì chuyển sang dùng radar chủ động.
Hỏa lực chống hạm của Type 052D gồm 8 tên lửa tầm xa YJ-12 có tầm bắn 400km, tốc độ Mach 2,5, giai đoạn cuối bay cách mặt biển 30m, phương thức dẫn đường của YJ-12 tương tự như HHQ-9.
Ngoài ra, tàu còn được trang bị pháo hạm 130mm H/PJ-38, tên lửa phòng không tầm ngắn HHQ-10 và hệ thống phòng thủ tầm cực gần H/PJ-12. Bệ phóng thẳng đứng của Type 052D có thể bắn cả tên lửa hành trình đối đất CJ-10 và tên lửa chống ngầm Y-8.
Trung Quốc đã lên kế hoạch đóng tới 10 tàu khu trục thuộc Type 052D này nhằm gia tăng sức mạnh cho hạm đội của mình.
Việc Trung Quốc điều tàu khu trục tên lửa Trường Sa đến biển Đông, được xem như là một động thái gia tăng căng thẳng trên biển Đông, vốn đã gia tăng gần đây bởi những hành động của Trung Quốc như xây dựng đảo nhân tạo, tập trận khổng lồ, xây dựng lực lượng dân quân biển...
Trước đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên tiếng phản đối cuộc tập trận của Trung Quốc trên biển Đông một trong những hành động được xem là gây hấn mới nhất: "Đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, ngăn cản đà phát triển quan hệ hai nước, đe dọa an ninh an toàn hàng hải trong khu vực. Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Quốc thực hiện những hành động có trách nhiệm và dừng ngay những hành động làm căng thẳng, phức tạp trong khu vực".
Thiên Hà (theo Want China Times)