Bùng nổ tội phạm ở New York
Ba tháng sau khi được bầu vào vị trí thị trưởng New York (Mỹ), ông Rudolph Giuliani phát biểu trong một hội nghị vào năm 1994 rằng: “Tự do không có nghĩa là con người có thể làm bất cứ điều gì họ muốn, là bất cứ điều gì họ có thể được. Tự do là sự tự nguyện của mỗi con người trong việc phải nhường lại cho chính quyền hợp pháp trách nhiệm quyết định về những gì bạn làm và cách bạn làm điều đó”. Nhiều người sẽ cho rằng đó là sự tụt dốc trong chính sách tự do của nước Mỹ. Song, tìm hiểu tình hình, rõ ràng Rudolph Giuliani không còn đối sách nào khác trong bối cảnh New York trở thành trung tâm của thế giới tội phạm.
Các vụ phạm tội xảy ra gần như liên tục trên đường, trong các góc tối ở New York vào đầu thập niên 1990. Bên cạnh đó, tội phạm có tổ chức - hay còn gọi là các băng đảng mafia - thao túng rất nhiều hoạt động thương nghiệp cũng như gây sức ép đối với chính quyền. Tờ New York Times bình luận rằng, thành phố với 8,5 triệu dân đang trở thành hố đen thu hút mọi loại tội ác. Cuộc sống tưởng như văn minh bậc nhất thực chất lại nơm nớp nỗi lo chết chóc, đốt phá và cướp bóc.
Ví dụ, năm 1993, New York xảy ra vụ trộm cắp, 86.000 vụ cướp, gần 2000 vụ giết người. Nhà báo Edward Gill của kênh CNN - nạn nhân của một vụ cướp khi đang tác nghiệp trên phố - phải đau đớn thốt lên rằng: “Nước Mỹ đang cố gắng trở thành cảnh sát của thế giới. Thế nhưng, chúng ta lại không thể trở thành cảnh sát để bảo vệ cuộc sống của chính người dân ở đất nước mình”.
Chiến dịch “trong sạch thành phố”
‘Từ một biểu tượng về kinh tế, New York đang đứng trước nguy cơ - một nguy cơ rất lớn - là trở thành biểu tượng về tội phạm” - thị trưởng Rudolph Giuliani đã nói như vậy trước khi phát động một “cuộc chiến” chống lại các hình thức phạm tội, bao gồm cả việc hạn chế một số quyền tự do của công dân.
Rudolph Giuliani chỉ đạo sở cảnh sát New York theo sát các doanh nghiệp bị nghi ngờ liên quan đến tội phạm có tổ chức, ví như chợ cá Fulton và trung tâm Javits (thuộc kiểm soát của gia đình mafia Gambino). Đồng thời, ông cho phép mở rộng lực lượng cảnh sát New York thêm 25%, biến lực lượng này thành đội ngũ cảnh sát đông đảo nhất nước Mỹ với trên 50.000 viên chức. Ngoài ra, chính quyền cũng thông qua một đạo luật để cắt một phần thuế nhất định cho hoạt động giữ gìn an ninh trật tự.
Trong cuốn hồi ký “Chuyến đi về tâm bão - Journey to the storms heart” xuất bản năm 1996, một ký giả tự do đến từ Anh đã phải thừa nhận: “Ở mỗi góc phố cuộc sống của người dân New York đều bị giám sát chặt chẽ. Ở đây đang có một cuộc chiến. Nhà cầm quyền đã và đang chiến đấu trước sự chống cự ngoan cố của giới tội phạm để giành quyền kiểm soát thành phố. cảnh sát có súng, và tội phạm cũng vậy”.
Người ta ghi nhận rằng đã xảy ra không dưới 20 vụ đấu súng giữa cảnh sát và tội phạm trong năm 1994 (con số đó thậm chí còn tăng lên vào năm 1995). Ít nhất 13 cảnh sát đã thiệt mạng trong các cuộc đấu súng, trong khi đó, niềm tin của người dân vào chính quyền lung lay dữ dội khi họ biết rằng tiền thuế đang được sử dụng rất nhiều cho mục đích trấn áp tội phạm thay vì an sinh xã hội. Rudolph Giuliani đối diện với áp lực rất nặng nề từ cử tri cũng như từ phe đối lập, nhưng ông không bỏ cuộc, ông nghĩ đến biện pháp mới: Tuyên truyền.
Những chương trình giáo dục bài trừ tội phạm được đưa vào trường học, đồng thời, các khu dân cư được khuyến khích tổ chức các điểm tuyên truyền về tác hại của những kẻ phạm tội. Tuy không giải quyết tình trạng tội phạm nhanh bằng súng ống, giải pháp tuyên truyền lại có tác dụng lâu dài hơn. Tỷ lệ phạm tội vặt trong thanh thiếu niên - ví như cướp giật, móc túi, trộm cắp ở cửa hàng, siêu thị hay thậm chí là hãm hiếp - đã giảm rõ rệt trong giai đoạn cuối những năm 1990.
Các thị trưởng tiếp theo của New York đều nhận thấy sự cần thiết phải chống lại hoạt động phạm tội. Chính vì thế, họ kiên quyết giữ lực lượng cảnh sát đông đảo và nguôgn ngân sách lớn dành cho an ninh. Nhờ đó, tỷ lệ tội phạm của New York đã giảm rõ rệt. Năm 2014, tỷ lệ tội phạm ở New York thấp hơn mức trung bình của Mỹ, chỉ có 328 vụ giết người (số lượng ít nhất từ năm 1963) và 24.000 vụ cướp, về mặt nào đó, New York đã được “thanh lọc” thành công.
Nhà tù trở thành khách sạn
Như một hệ quả của nạn tội phạm tràn lan, các nhà tù ở New York được xây dựng liên tục. Trong vòng hơn 30 năm (từ 1960 đến 1994), chính quyền đã phải mở cửa thêm 18 nhà giam, nâng tổng số trại giam giữ tội phạm ở New York lên con số 81. Trong đó, có những nhà tù dành cho những tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm những tên giết người hàng loạt và những kẻ tội phạm tâm thần, ví như Rudolph Giuliani (giết vào làm bị thương 8 người), Conrado Juarez (kẻ giết cháu gái 10 tuổi và cắt từng bộ phận để bán) hay Colin Ferguson (xả súng vào 25 hành khách trên tàu, giết chết 3 người vào năm 1992).
Tuy nhiên, nhờ chiến dịch đàn áp tội phạm, số người bị kết án của New York đã giảm đi nhanh chóng. Trong năm 2012 chỉ có hơn 800 án tù được tuyên. Điều này dẫn đến một vấn đề: Thừa trại giam. Hiện tại, đa phần nhà tù ở New York đều không hoạt động hết công suất, thậm chí, vài nhà tù chỉ có lác đác mấy phạm nhân. Trong số đó, nhà giam Núi McGregor (trên đỉnh núi cùng tên) đã không “đón tiếp” phạm nhân nào từ 3 năm qua.
Ông John Bakers (trưởng trại Núi McGregor) cho biết: “Kể từ khi ông B. mãn hạn tù giam ở đây vào tháng 6/2013, nhà tù này đã bỏ trống. Đội ngũ hơn 20 nhân viên của nhà tù vẫn hoạt động, nhưng, chúng tôi chẳng giam giữ ai cả. Đó là một sự lãng phí đối với tiền thuế của nhân dân”.
Chính ông John Bakers là người đầu tiên đệ đơn lên chính quyền thành phố New York để xin phát mãi nhà tù Núi McGregor. Với diện tích 325 ha, trại giam này ở vị trí đắc địa, nằm trên đỉnh núi tuyết phủ và có cảnh quan xung quanh rất đẹp lại không xa thành phố, nên hoàn toàn có thể trở thành điểm du lịch lý tưởng hoặc khách sạn độc đáo.
Văn phòng phát triển kinh tế bang New York đã đồng ý với đề xuất của ông Bakers và thông báo rằng ngày 7/7 tới đây sẽ là hạn chót để các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức đăng ký đấu giá trại giam Núi McGregor. Chưa biết trại giam này thuộc về tay ai, song, việc “trại giam không có tù nhân” cho thấy sự đúng đắn đáng ghi nhận trong cuộc chiến chống lại tội phạm ở thành phố New York.
Theo Như Ý (Tuổi trẻ & Đời sống)