(Tin tức thời sự) - Chủ đầu tư dự án thuỷ điện Thượng Kon Tum đã hoàn thành hồ sơ khởi kiện nhà thầu Trung Quốc ra trung tâm trọng tài quốc tế.
Thông tin trên được ông Nguyễn Thúc Nghiêm, đại diện phía Công ty CP Thuỷ điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh, chủ đầu tư dự án thuỷ điện Thượng Kon Tum cho biết hôm 12/1.
Hoàn thành hồ sơ khởi kiện
Theo đó, "Công ty chúng tôi và nhà thầu Trung Quốc (Liên danh Viện Hoa Đông Tập đoàn thủy điện Trung Quốc và Công ty TNHH Cục Đường sắt Trung Quốc số 18 - PV) đang thực hiện các bước tố tụng theo quy định của pháp luật và hợp đồng. Chúng tôi đang gửi hồ sơ cho Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)", ông Nghiêm nói.
Đại diện phía Công ty CP Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh cũng cho rằng, việc này sẽ phải mất cả năm để giải quyết.
Khu vực cửa dẫn vào đường hầm chuyển nước dài 17km xuyên lòng núi tại công trình thủy điện Thượng Kon Tum vắng bóng công nhân |
Về việc tìm nhà thầu khác để thay thế nhà thầu Trung Quốc, ông Nghiêm cho biết, Công ty CP Thuỷ điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh đang thực hiện các bước đề nghị Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ cho cơ chế đặc thù.
"Đây không phải chuyện đơn giản mà muốn làm ngày một ngày hai là xong. Chưa giải quyết xong làm sao đưa nhà thầu khác vào được?! Khi nào chấm dứt với nhà thầu Trung Quốc xong, tính toán công việc họ đã thực hiện, đền bù bao nhiêu, xác định khối lượng công việc còn lại, giá trị thế nào mới đưa nhà thầu khác vào làm được", ông Nghiêm nói.
Liên danh Viện Hoa Đông Tập đoàn thủy điện Trung Quốc và Công ty TNHH Cục Đường sắt Trung Quốc số 18 đã trúng Gói thầu (TKT-4.2.1) Thiết kế và xây dựng tuyến năng lượng đoạn 2 dự án thủy điện Thượng Kon Tum vào tháng 10/2010 với giá 1.614 tỉ đồng, rẻ hơn một nửa so với giá nhà thầu khác đưa ra. Tuy nhiên, sau khi trúng thầu, nhà thầu liên tục yêu sách, viện đủ lý do để đòi thêm hơn 800 tỉ đồng, chây ì, chậm tiến độ, sau đó rút máy móc, nhân công về nước.
Khó khăn gì?
Trao đổi với Đất Việt về việc khởi kiện nhà thầu Trung Quốc của Công ty CP Thuỷ điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh, luật sư Trần Thu Nam, trọng tài viên của Trung tâm trọng tài quốc tế Thái Bình Dương cho biết, do vụ việc có yếu tố nước ngoài nên các cơ quan tố tụng ở Việt Nam khi thụ lý gặp khó khăn trong việc tống đạt các quyết định.
"Khó khăn ở đây chính là vấn đề triệu tập, thông báo, ra phán quyết, nếu họ không hợp tác cũng rất khó thi hành án. Phía Việt Nam sẽ phải thông qua các cơ quan hợp tác quốc tế trong vấn đề tư pháp, hỗ trợ tư pháp quốc tế, nhờ đến các cơ quan ngoại giao của Việt Nam để tống đạt các quyết định đến cơ quan mẹ của nhà thầu ở Trung Quốc. Nếu nguyên đơn nhờ trung tâm trọng tài quốc tế phân xử thì càng khó khăn hơn", ông Nam nói.
Một khó khăn khác được luật sư Trần Thu Nam chỉ ra, đó là việc lựa chọn pháp luật giải quyết tranh chấp.
"Cái này rất phức tạp. Phải xem trong thoả thuận hay hợp đồng quy định áp dụng pháp luật của nước nào. Thường thì các vụ việc khi có yếu tố nước ngoài không bao giờ các bên lựa chọn pháp luật của một trong hai bên để giải quyết tranh chấp mà lựa chọn pháp luật của nước thứ ba nhằm đảm bảo công bằng".
Theo ông Nam, phán quyết của trung tâm trọng tài quốc tế có hiệu lực thi hành án ở tất cả các nước tham gia ký Công ước New York 1958. Để đảm bảo bản án được thi hành, mỗi trung tâm trọng tài quốc tế có quy tắc tố tụng riêng và những hợp tác quốc tế riêng.
"Sau khi ra phán quyết, trung tâm trọng tài quốc tế sẽ gửi cho các cơ quan thi hành án hoặc hỗ trợ quốc tế trong vấn đề thi hành án, áp dụng các luật quốc tế để giải quyết. Tuỳ từng trung tâm sẽ có biện pháp thi hành án riêng".
Qua vụ việc nhà đầu tư thuỷ điện Thượng Kon Tum kiện nhà thầu Trung Quốc ngừng thi công, luật sư Trần Thu Nam cho rằng, phía Việt Nam sẽ phải cẩn thận hơn trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
"Đặc biệt khi có liên quan đến các yếu tố nước ngoài, Việt Nam phải luôn chuẩn bị tư tưởng nếu có tranh chấp xảy ra thì sẽ giải quyết như thế nào, từ đó lựa chọn nhà thầu có uy tín hơn. Trên trường quốc tế có rất nhiều nhà thầu uy tín như các nhà thầu châu Âu, tại châu Á có nhà thầu Nhật Bản, còn nhà thầu Trung Quốc đã bị tiếng, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác", ông Nam nói.
Minh Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét