Trang

29 tháng 12, 2014

Người Việt thiếu bao dung, ưa cấu kết

-“Tính đố kỵ, hẹp hòi đang bào mòn chúng ta. Nhiều người không thích ai hơn mình, họ tìm cách che mờ người khác bằng những chiêu trò vặt, nhỏ mọn đã góp phần làm xấu, làm suy yếu sức mạnh văn hóa dân tộc”, nhà biên kịch Hồng Ngát.

Dân tộc nào cũng yêu nước nồng nàn
Nhà báo Thu Hà:Chúng ta đã có những thành công nhờ gây dựng được những phong trào. Ngày nay, những phòng trào này vẫn tồn tại như các khu văn hóa, gia đình văn hóa, các cụm văn hóa… nhưng xem ra cũng phong trào đó của ngày nay khác với ngày xưa nhiều lắm phải không?

Nhà biên kịch Hồng Ngát: Tôi cho rằng nếu làm thật sự thì sẽ thúc đẩy được sự tiến bộ xã hội. Nhưng nhiều khi phong trào chỉ mang tính hình thức. Ngày xưa, chúng ta tham gia các phòng trào này với niềm tin và lòng nhiệt tình cách mạng. Bây giờ bệnh chạy theo thành tích hơi bị nhiều nên người ta phát động cũng chỉ cốt ghi điểm thôi nên không đi vào thực chất. 

Ví dụ như việc xây dựng phong trào khu phố văn hóa, làng văn hóa, thôn xóm văn hóa, gia đình văn hóa… khắp nơi hai chữ văn hóa bị lạm dụng tơi bời. Nếu làm thực sự thì người đứng đầu, người chỉ huy có tâm huyết sẽ phải thường xuyên xuống tận nơi cập nhật tình hình. Xuống để xem khu phố này, gia đình này đã văn hóa thực sự chưa, còn gì “phản văn hóa” không để tìm cách tháo gỡ, giúp đỡ và giải quyết. Nhưng thực tế thế nào mọi người đều thấy rồi. Đâu đâu cũng treo biển Khu phố văn hóa, làng văn hóa nhưng rác vẫn vứt bừa bãi, người vẫn đánh chửi nhau, trộm cắp vẫn xảy ra. Mặc dù theo báo cáo tổng kết thì tỉ lệ gia đình văn hóa trên cả nước đạt ở mức rất cao nhưng số lượng tệ nạn xã hội cũng cao không kém. 

Cứ nhìn vào văn hóa giao thông chen lấn tắc đường hàng tiếng là khắc biết cuộc sống nơi đó văn minh đến đâu. Đặc biệt hệ thống loa truyền thanh nhan nhản khắp nơi, từ thành phố cho đến các huyện, xã… oang oang từ tinh mơ tới đêm khuya gây ồn ào náo nhiệt không cần thiết. Tiếng loa nén bị tiếng ồn xe cộ, bị gió thổi tạt nghe tiếng được tiếng mất, các bài hát không đủ kỹ thuật truyền phát rất khó chịu. 

Nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên: Mục đích xây dựng phong trào văn hóa là tốt đẹp, bởi mỗi gia đình là tế bào của xã hội, từng tế bào khỏe mạnh thì cơ thể sẽ khỏe mạnh. Nhưng cũng những phong trào này, ở thời xưa chúng ta làm thực chất hơn vì còn trọng giá trị thật. Mặc dù lúc đó cũng đã thấy tính hình thức. Nhưng giai đoạn đó người ta chấp nhận được, xã hội cũng lành mạnh hơn, và đó là thời cuộc của những phong trào. 
Mỗi cơ chế quản lý sẽ ứng với một cách làm khác nhau về văn hóa. Nhưng có cảm giác, các nhà quản lý không nghĩ gì đến điều này. Họ làm văn hóa như quán tính, thói quen công chức, rập theo nếp cũ để lấy thành tích báo cáo. Hoặc tư duy họ lẫn các quân sư, các cán bộ tham mưu chỉ đến thế thôi. Có bao nhiêu xài bấy nhiêu. Mà văn hóa là “mưa dầm thấm đất”, được xài kiểu… mưa rào.
Văn hóa, Người Việt, Sống tử tế, Nhà báo Kim Dung, Nhà biên kịch Hồng Ngát, Nhà báo Thu Hà
Nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên, nhà biên kịch Hồng Ngát, nhà báo Thu Hà (từ trái qua phải).

Từ khi chúng ta chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ thế thị trường, những thang giá trị văn hóa cũng theo thời thế, bổ sung, hoặc có nhiều thay đổi thì rõ ràng cách làm văn hóa, chấn hưng dân khí, “văn hóa khí, đạo đức khí, văn minh khí” phải thay đổi rất nhạy bén, khôn ngoan và tinh tế để phù hợp với hiện tại thời mới. 

Nếu cứ dùng những chiếc “mũ cũ kỹ” của ngày xưa-thời bao cấp, để trang trí cho cuộc sống ngày nay thì đương nhiên sẽ khó phù hợp, sống sượng. 

Nếu vẫn giữ cách nghĩ, cách làm của ngày xưa để mặc định cho ngày nay thì hệ quả sẽ là sự hình thức, thậm chí là tiếp tục nói dối, một căn bệnh trầm kha của xã hội.

Nhà báo Thu Hà: Nhìn sang các nước láng giềng, các chị có bình luận gì về cách người Nhật tương kính lẫn nhau, hay cách mà người Do Thái đã vượt khó để minh định thương hiệu dân tộc họ? 

Nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên: Cả hai dân tộc đó đều đáng kính nể trong số gần 200 quốc gia trên thế giới. Chính các giá trị văn hóa, mang đậm bản sắc và bền vững của các dân tộc đó đã tạo ra thương hiệu quốc gia và uy tín cũng như sự hùng mạnh của dân tộc họ. Nó cho thấy đụng chạm tới lòng yêu nước, chẳng dân tộc nào kém dân tộc nào. Vấn đề là cách thể hiện, thời điểm thể hiện. 

Sẽ chẳng ai quên được sự kiện sóng thần 03 năm trước tại nước Nhật. Cả thế giới phải thán phục, ngưỡng mộ người Nhật về ý chí, lòng nhân ái, tính kỷ luật, và tinh thần dấn thân. Văn hóa của người Nhật đã góp phần gắn kết họ với nhau và tạo ra sức mạnh vượt qua thời khắc khó khăn, mất mát. 

Ẩn trong đó là sự công tâm của người lãnh đạo, người cầm quyền. Họ đã phải rất “nhẫn” để chiêu hiền đãi sĩ. Đó là sức mạnh dùng người, chứ không phải là lòng tự trọng theo kiểu kẻ sĩ.
Gần đây tôi có đọc một tài liệu về dân tộc Do thái, về sự thần kỳ của đất nước Do thái. Toàn bộ điều kiện cho đất nước này rất khắc nghiệt. Diện tích chỉ trên 20.000 km2, tức là chỉ lớn hơn tỉnh Nghệ An của ta chút ít. Tuy nhiên quốc gia này lại được mệnh danh là “thung lũng silicon” của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ nước. Chỉ với 2,5% dân số làm nông nghiệp nhưng mỗi năm Israel xuất khẩu chừng 3 tỷ USD nông sản, là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Ít ai biết rằng, những sản phẩm rau quả từ Arava – một trong những nơi khô cằn nhất thế giới – lại chiếm tới trên 60% tổng sản lượng xuất khẩu rau của Israel và 10% tổng sản lượng hoa xuất khẩu.
Điều đáng nói, từng cá nhân người Do Thái định cư ở đâu cũng góp phần làm vẻ vang cho đất nước, cho dân tộc họ. Sức mạnh thần kỳ của dân tộc Do Thái, đặc biệt nhất là ở cách dùng người, đặc biệt là văn hóa người lãnh đạo, họ rất tôn trọng và lắng nghe các ý tưởng, sáng kiến khác biệt. Ẩn trong đó là sự công tâm của người lãnh đạo, người cầm quyền. Họ đã phải rất “nhẫn” để chiêu hiền đãi sĩ. Đó là sức mạnh dùng người, chứ không phải là lòng tự trọng theo kiểu kẻ sĩ. Chính văn hóa đó đã định vị thương hiệu và uy tín của dân tộc Do thái trên trường quốc tế.
Nhà biên kịch Hồng Ngát: Nước Nhật không được thiên nhiên ưu đãi nhiều tài nguyên như các nước khác. Tài nguyên duy nhất của họ là chất xám. Là tri thức, là tài năng được trọng dụng ở các lĩnh vực. Chính vì vậy họ đã có những phát mình, những sáng chế khiến cả thế giới phải nể phục. Họ đã làm cho đất nước họ ngày càng phồn vinh. Sự phồn vinh đi đôi với nề nếp, với đạo đức, lối sống. Cứ nhìn cung cách họ ra nước ngoài- biết họ là người Nhật, ở đâu và ai ai cũng kính trọng. Thật thèm khát và ao ước làm sao bao giờ người Việt mình cũng được kính trọng như thế?
Văn hóa, Người Việt, Sống tử tế, Nhà báo Kim Dung, Nhà biên kịch Hồng Ngát, Nhà báo Thu Hà
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (trái)

Người Do Thái cũng vậy. Một dân tộc cực kỳ thông minh và có ý chí. Trước đây họ không có mảnh đất cắm rùi đồng nghĩa với sự không có Tổ quốc, nay có rồi nhưng cũng chả rộng lớn gì. Song, người Do Thái có mặt ở khắp những nơi được vinh danh trong nhiều lĩnh vực của khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội. Tôi nhớ hồi học ở VGIK (trường điện ảnh Matxcova) các giáo sư, tiến sĩ – những người thầy giỏi nhất trường được kính nể nhất trường đều là người gốc Do Thái. 

Tính đố kỵ đang bào mòn chúng ta

Nhà báo Thu Hà:Dân gian người ta so sánh rằng, một người Việt thì bằng một người Nhật, nhưng ba người Việt sẽ thua ba người Nhật? Các chị suy nghĩ gì về thực tế này?

Nhà biên kịch Hồng Ngát: Điều đó cho thấy rằng sự tương tác, tính cộng đồng của người Việt rất kém. Trong quá khứ, trong chiến tranh, trong những lúc khốn cùng nhất, chúng ta đã rất đồng lòng, và làm nên lịch sử, làm nên uy tín quốc gia. Vậy tại sao giờ đây, những mối quan hệ người với người trong xã hội, trong mỗi tập thể, trong từng gia đình lại trở nên lỏng lẻo và mờ nhạt như hiện nay?

Chính tính đố kỵ, lòng ghen ghét thiếu bao dung, vị kỷ đang bào mòn chúng ta. Nhiều người không thích ai hơn mình, họ luôn tìm cách che mờ người khác bằng những chiêu trò vặt vãnh, nhỏ mọn đã góp phần làm xấu, làm suy yếu sức mạnh văn hóa dân tộc. 

Ví dụ, khi bắt đầu cùng nghiên cứu một đề tài, hay cùng làm một việc họ tỏ ra rất đồng lòng. Nhưng nếu chẳng may đề tài đó, công việc đó không thành công thì họ sẽ tìm cách đổ lỗi cho nhau. Hoặc nếu thành công thì tìm cách nhận thật nhiều thành quả về phía mình, tranh nhau hơn thua vị trí cũng như đãi ngộ.. Sự mất đoàn kết, thiếu tương kính mỗi ngày một nhiều. Không ít trường hợp, từ mối quan hệ người trong một nhà lại trở thành kẻ thù, từ những người bạn tốt lại trở thành xa lạ. 

Ở nước Nhật, ngay từ bé, người ta đã không thêu dệt mộng mị cho những đứa trẻ mà họ nói thẳng rằng đất nước họ không có tài nguyên và những đứa trẻ đó buộc phải cố gắng vươn lên nếu muốn tồn tại, họ dạy nhau và cùng nhau gìn giữ tính kỷ luật, lòng bao dung và yêu thương chia sẻ. Từ bé, trẻ em Nhật đã ý thức được điều đó, trong gia đình cũng vậy, họ sống chia sẻ và nhường nhịn, nên khi cơn bão ập đến, văn hóa của người Nhật đã giúp họ ngẩng cao đầu, vượt qua gian khó rất nhanh. Đói khát đến mấy, một đứa trẻ Nhật cũng không xin xỏ, chen lấn, tranh cướp đồ ăn, em bé kiên nhẫn  xếp hàng chờ đến lượt chứ không đòi ưu tiên. 

Nhìn lại mình, tôi thấy báo chí một dạo phản ảnh việc mượn trẻ con, thuê trẻ con đi ăn xin nhằm đánh vào lòng thương hại. Người lớn thì ngồi nhà chăn dắt thật đúng là tụt xuống tận đáy sự liêm sỉ, sự nhẫn tâm. Xe bị nạn đổ rơi hàng hóa thì xông vào hôi của, không quan tâm tới đồng loại đang bị nạn.
“Người Việt thông minh nhưng chậm lớn”
Văn hóa, Người Việt, Sống tử tế, Nhà báo Kim Dung, Nhà biên kịch Hồng Ngát, Nhà báo Thu Hà
Nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên và nhà biên kịch Hồng Ngát (trái qua phải)

Nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên: Về vấn đề này, tôi thấy dân tộc Việt Nam có một đặc điểm rất rõ. 

Đó là khi lâm vào chiến tranh, phải chiến đấu bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc, người Việt rất biết đoàn kết, sẵn sàng xả thân cho đất nước. Lòng yêu nước thực sự trở thành “định hướng, hướng đạo” cho họ cách sống văn hóa, cách sống đẹp trong ứng xử với vận mệnh đất nước, ứng xử trong cộng đồng, giữa cá nhân với nhau. Cuộc chiến tranh cứu nước của Việt Nam, với hai lần chiến thẳng, thắng Pháp, thắng Mỹ chính là nhờ có sức mạnh tinh thần đoàn kết, sức mạnh văn hóa cộng đồng này. 

Nhưng chuyển sang giai đoạn hòa bình, và nhất là hiện nay, khi xã hội chuyển sang cơ chế thị trường, thì một điều rất lạ, kinh tế tốt hơn, đời sống thay đổi hơn nhiều, con người có nhiều cơ hội làm giàu vốn văn hóa và kinh tế thì ngược lại, chúng ta đã không đạt được sự đoàn kết, tương kính và bao dung. 

Khi giáo sư Ngô Bảo Châu được nhận giải Field, tôi có viết một bài tựa đề “Người Việt thông minh nhưng chậm lớn”. Một dân tộc thông minh nhưng chậm lớn ở chỗ, người Việt không có tính cộng đồng thực sự, mà thường có tính a dua, không có tính đoàn kết, mà là tính cấu kết. Điều này thể hiện rất rõ trong lễ hội Hoa Xuân Hà Nội năm nào. Người ta a dua hái hoa, ngắt hoa, phá hoa, có khi hái xong chả làm gì lại vứt. Nhưng thấy người khác làm là cũng phải làm theo. 

Quan hệ xã hội bây giờ người ta đặt lợi ích cá nhân làm trung tâm, có lợi thì chơi, nói là bè bạn, nhưng tính bè rất rõ, rõ hơn cả tính bạn. Bởi lợi ích cá nhân làm trung tâm, chi phối chính quan hệ bạn bè đó.

Cao hơn nữa, giờ đây báo chí, dư luận xã hội, và ngay cả các quan chức cao cấp cũng thường nói về tác hại của lợi ích nhóm.

Lý giải về điều này, chỉ xin chọn một góc nhỏ, xuất phát từ nền văn minh nông nghiệp, về tư duy người Việt.

Có lẽ do bản chất là đất nước nông nghiệp, 80-90% là nông dân, và cái tư duy tiểu nông, tư hữu đã cố hữu ăn sâu vào máu thịt, vào tâm thức chúng ta kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”, “cái sân nhà anh không thể cao hơn sân nhà tôi”. Đặc tính này có thể quan sát ở các ngôi nhà tầng tại đô thị. Hai nhà xây cùng ở cạnh nhau, nhà xây sau dứt khoát xây cái ban công, cao hơn hẳn ban công nhà bên cạnh, mà xây trước. Đó không phải sự khác biệt, mà là sự không muốn người khác hơn mình. Có thể nói đây là một cá tính rất xấu thâm căn cố đế của tư duy ích kỷ, kém văn minh. 

Chuyển từ một đất nước nông nghiệp sang nền kinh tế thị trường chúng ta đã có cuộc sống tốt hơn, nhưng tiếc rằng, tầm nhìn hạn hẹp, ích kỷ nên nhiều người đã bị đồng tiền chi phối, giật dây cộng với bối cảnh cơ chế của chúng ta còn nhiều lỗ hổng, đã góp phần làm xấu, làm suy yếu sức mạnh văn hóa dân tộc.

Còn nữa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét