Đám lâm tặc ‘hồn xiêu, phách lạc” khi thấy con rắn to bằng thân đứa bé, dài cả chục mét, trên đầu có mào đỏ chót như gà trống đang ngóc đầu, nhe nanh nhìn trừng trừng.
Chuyện xảy ra chính xác khi nào không ai nhớ nữa, chỉ biết rằng từ đó mấy chục năm qua, không một người dân nào trong vùng dám bén mảng đến khu rừng này đốn chặt cây.
Huyền thoại ly kỳ
Lần theo sự chỉ dẫn của một số cán bộ huyện Tây Trà, chúng tôi tìm đến rừng Nà Trút, thuộc tổ 4, thôn Xanh, xã Trà Trung vào một ngày gần giữa tháng 11.
Nhìn khu rừng rộng hàng trăm ha nằm cách tuyến đường Di Lăng (huyện Sơn Hà)-Trà Trung (huyện Tây Trà), tỉnh Quảng Ngãi, chỉ hơn cây số với dày đặc các loại gỗ quý, như: Lim, chò, sến, táu... nằm san sát nhau đến ngút tầm mắt. Trong số đó có cây gốc to đến 6 người ôm không xuể, giống như “mỡ treo miệng mèo” nhưng vẫn còn gần như nguyên vẹn suốt hàng trăm năm qua, khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng.
Theo lời của già làng nơi đây, thì rừng Nà Trút được như vậy là nhờ có xà thần canh giữ. Chuyện kể rằng ngày xưa cả một khu vực Nà Trút là vùng đất khá bằng phẳng, đất đai màu mỡ. Vì vậy, nơi đây rất đông đúc và sầm uất chứ không thưa thớt như bây giờ.
Cuộc sống của người dân làng này đang êm ấm, với lúa thóc tràn bồ, lợn gà đầy chuồng, thì bất ngờ một hôm bỗng dưng xuất hiện một con xà thần hung dữ. Không chỉ gia súc, gia cầm mà xà thần còn bắt cả người để ăn thịt, làm ngôi làng tiêu điều hoang vắng, sợ hãi bao trùm.
Không đành lòng rời bỏ nơi bao đời gắn bó như nhiều người khác, 8 gia đình đã lần lập đàn cúng Giàng (cúng trời - người viết) để cầu xin trừ hậu họa. Nghe động lòng, Giàng đã cưỡi mây xuống và dùng phép vun một phần đất của Nà Trút thành một vách núi cao; đồng thời biến nơi đây thành một khu rừng rậm. Trước khi đi, Giàng gọi số gia đình này lại và căn dặn: Phải giữ khu rừng nguyên vẹn để xà thần có chỗ ở, mới không quấy phá.
Cây gỗ lim ở rừng Nà Trút |
Theo lời Giàng dặn, ngày ngày người dân trong làng cắt người đi tuần tra để trông giữ khu rừng này cẩn mật. Nhiều người còn kể: Một lần thấy rừng Nà Trút gỗ quý dày đặc, một nhóm người làng bên nảy lòng tham nên rủ nhau vào đốn chặt.
Khi những nhát rìu đầu tiên vung lên và cắm phập vào gốc cây chò hàng trăm năm tuổi, thì bất ngờ nghe có tiếng thở phì phò sát bên. Theo đó nhóm người dừng tay và quay lại và tất cả ‘hồn xiêu, phách lạc” khi nhìn thấy một con rắn to bằng thân đứa bé, dài cả chục mét, còn trên đầu có mào đỏ chót như gà trống đang ngóc đầu, nhe nanh nhìn trừng trừng. Thế là tất cả quăng, vứt rìu rựa cắm đầu bỏ chạy thục mạng.
Kể từ đó đến nay, không một người dân nào trong vùng dám bén mảng đến khu rừng này đốn chặt cây nữa. Một số khác khẳng định: Xà thần thì chưa biết có thật hay không, thế nhưng đã không ít lần vào rừng đã gặp rắn hổ to bằng bắp chân người.
Không bò trườn dưới đất như thường thấy, con rắn đi như lướt trên ngọn bụi cây. Cứ mỗi lần nó di chuyển đến nơi nào, thì cuốn theo gió làm cây cối nơi đó oằn xuống và ngã rạp, tạo nên âm thanh ào ào như gió lốc. Chưa hết, có người còn bắt gặp mảnh da rắn lột to bằng 2 bàn tay gộp lại.
Những “thần rừng” thời hiện đại
Truyền thuyết về “xà thần” hay rắn hổ lướt như bay trên ngọn cây... có thật không thì chưa rõ, thế nhưng một sự thật mà không ai có thể phủ nhận, đó là suốt từ hàng trăm năm qua khu rừng này luôn được canh giữ bởi những thế hệ của người dân sinh sống ở Nà Trút này.
Trong ngôi nhà đơn sơ nằm ngay lối mòn nhỏ dẫn vào khu rừng, già Hồ Văn Ba (74 tuổi), người được ví là “mắt thần” canh cửa cho “mỏ vàng xanh” này, chậm rãi: Việc giữ rừng Nà Trút thì thời tao tóc còn để chỏm đã có rồi. Và nó trở thành chuyện đương nhiên như thể “con người muốn sống phải ăn” của người dân ở làng này vậy.
Hồi còn giặc Mỹ, có lần thấy máy bay vòng quanh, sợ nó phun lửa, bỏ chất độc để phá khu rừng này nên tao đã lấy súng bắn đuổi. Già Ba (70 tuổi), nhớ lại.
Gần cả cuộc đời gắn bố với rừng Nà Trút, đến nay tuy tuổi đã cao nên cái chân của già Ba không còn đủ sức để ngày nào cũng vào rừng kiểm tra nữa. Thế nhưng dù ngày, hay đêm thì sự xâm nhập và những tiếng động khác lạ nào phát ra từ khu rừng này, gần như cũng không lọt qua được ánh mắt, đôi tai của già Ba.
Bọn chúng (lâm tặc) chỉ muốn chặt cây lớn mới bán được nhiều tiền. Nhưng cây lớn cứng lắm phải dùng cưa máy, tiếng kêu rất to; xung quanh rừng Trút dốc cao và chỉ có một con đường ra duy nhất là đi qua làng nên biết liền, già Ba giảng giải.
Một góc ngôi làng của người dân ở tổ 4 ở cạnh bìa rừng |
Và nhiệt huyết giữ rừng của già Ba ngày nào giờ truyền sang cho con cháu không chỉ trong làng này, mà cả những vùng lân cận. Nhà cách đây gần 4 cây số, thế nhưng mỗi khi rảnh rỗi thì anh Hồ Văn Hùng (25 tuổi), ở thôn Vàng, cùng xã lại đi xe đến cùng với mọi người ở tổ 4 đi tuần tra rừng.
Nói về lý do “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của mình, anh Hùng giải thích: Già Ba đã dạy phải giữ rừng để con thú có chỗ ở không phải bỏ đi nơi khác; con chim có cây để đậu, làm tổ. Và mùa khô, con suối sẽ không bị cạn để người trong làng lấy nước về dùng.
Dù đang giữ cả một “kho” gỗ quý, lên đến hàng ngàn cây thế nhưng 100% ngôi nhà của người dân ở thôn 4 đều làm bằng các loại gỗ tạp. Nếu tao đốn làm nhà được, thì người khác cũng sẽ làm theo. Vậy thì rừng sẽ mất đi nhiều cây - già Ba bày tỏ.
Bao năm nay, cuộc sống của 8 hộ, khoảng 40 khẩu của tổ 4, khó khăn và thiếu thốn trăm bề thế nhưng cũng chưa bao giờ có người dân nào đốn hạ cây trong khu rừng này để bán. Theo lời của nhiều chủ gỗ khét tiếng ở Quảng Ngãi, thì với mỗi cây gỗ lim có đường kính như nói trên, thì hiện thị trường cũng có giá cả tỷ đồng.
Trao đổi với báo Dòng Đời, ông Nguyễn Phúc Ánh, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Trà, chủ rừng Nà Trút, cho biết: Rừng Nà Trút có diện tích ước khoảng 150ha, nằm trong Tiểu khu rừng phòng hộ 104, thuộc xã Trà Trung. Đây là một trong những khu rừng nguyên sinh khá hiếm hoi nằm gần khu vực dân cư nhưng được giữ gìn gần như nguyên vẹn.
Ngoài các loại cây gỗ quý như táu, sến... thì nhiều nhất là lim xanh, lim xẹt... với tuổi đời nhiều cây lên đến 300-500 năm tuổi. Và trong số gần 700ha rừng phòng hộ của Tiểu khu 104, mà đơn vị đã hợp đồng giao cho người dân thôn Xanh của xã này quản lý, thì khu vực tổ 4 được đánh giá là ổn định nhất. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, số trường hợp xâm nhập trái phép để đốn chặt gỗ tại Nà Trút tính chưa hết “bàn tay xòe”, ông Ánh khẳng định.
Với công gắn bó, trông giữ từ nhiều thế hệ đối với khu rừng này, nếu có nhu cầu sử dụng một vài cây cho gia đình, thì cơ quan chức năng có thể hoàn toàn linh động giải quyết. Thế nhưng chưa bao giờ những hộ gia đình tổ 4 kiến nghị về việc này - ông Ánh bày tỏ.
Chỉ vì cái lợi trước mắt mà thời gian qua không biết bao nhiêu cánh rừng ở Quảng Ngãi và nhiều tỉnh thành khác trong nước đã bị triệt hạ để lấy gỗ bán, lấy đất sản xuất; thì người dân ở tổ 4 không quản ngày đêm để bảo vệ và trông giữ khu rừng Nà Trút gần như nguyên vẹn. Với việc làm đó, không có gì là quá khi ví von rằng họ như những “thần rừng” ở thời hiện đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét