(Quan hệ quốc tế) - Những mối quan hệ quốc tế nhờ Ukraine làm chất xúc tác, cho đến thời điểm này đã chứng tỏ rằng cục diện thế giới đơn cực đã chấm hết.
Chất xúc tác Ukraine
Ngày 19/9/2014, một động tác nhỏ của Ukraine đã có một tác động lớn tới cục diện của châu âu và thế giới khi Kiev thành lập một liên minh quân sự với hai nước trong khối NATO.
Tại Thủ đô Warsaw của Ba Lan, Bộ trưởng Quốc phòng 3 nước Ukraine, Ba Lan, Litva đã ký kết thoat thuận hợp tác quân sự dưới sự làm chứng của Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski. Theo đó, 3 quốc gia này sẽ thành lập một lực lượng quân sự chung, có tên là LITBOLUKRBRIG (lữ đoàn Litva-Ba Lan-Ukraine).
Lực lượng này thực tế là một liên minh quân sự của 3 nước, có nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, hoặc nếu cần thết có thể thành lập một nhóm chiến đấu của NATO trong khu vực. Hiện tại, cả Litva và Ba Lan đều là thành viên của NATO, có biên giới giáp với Belarus và Nga.
Động tác này của Ukraine, cùng với cuộc tập trận của NATO trên lãnh thổ quốc gia Đông Âu này cho thấy quyết tâm trở thành thành viên khối quân sự mạnh nhất hành tinh này của Kiev.
Lực lượng mới có tên LITBOLUKRBRIG (lữ đoàn Lithuania-Ba Lan-Ukraine) |
Thực tế, để đứng trong hàng ngũ NATO, chiểu theo luật lệ mà tổ chức này đặt ra, Ukraine sẽ phải giải quyết dứt điểm tình trạng khủng hoảng chính trị và cuộc nội chiến của quốc gia này. Bởi NATO không cho phép những quốc gia đang có xung đột vũ trang trở thành thành viên của mình.
Tuy nhiên, khi ký hiệp ước với các thành viên trong NATO, Ukraine đã gián tiếp có được sự bảo trợ từ liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo. Bởi nếu có bất kỳ thế lực nào tấn công Ukraine, đồng nghĩa với việc hai quốc gia còn lại sẽ động binh, và cuộc chiến giữa NATO và thế lực đó chính thức bắt đầu. Và bất kỳ ai cũng có thể hiểu rằng, thế lực đáng lo ngại nhất lúc này chỉ có thể là Nga.
Hành động của Ukraine quả thực sẽ chọc giận nước Nga. Để quốc gia nhỏ bé này tham gia vào NATO là một điều đại kỵ trong chiến lược của Moscow. Nước Nga chắc chắn sẽ làm mọi việc để phản đối điều này.
Tuy nhiên, Moscow dù có tức giận, nhưng đó chỉ là quan điểm cá nhân của họ. Suy cho cùng, Nga cũng đã tự thiết lập cho mình những liên minh quân sự dựa trên nền tảng là quan hệ song phương với các quốc gia xung quanh để làm cầu nối.
Tiêu biểu trong đó phải kể đến Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Nga. Hoặc Tổ chức hợp tác Thượng Hả SCO (dù chưa chính thức trở thành liên minh quân sự).
Thực tế, mỗi quốc gia đều có quyền tự quyết việc mình sẽ liên minh với ai, quan điểm chính trị quân sự thế nào. Nếu Nga phản ứng gay gắt trong vấn đề này, chỉ có thể khẳng định rằng họ đã quá tham lam và chủ quan để áp đặt suy nghĩ của mình lên một quốc gia khác.
Thế giới đa cực và cuộc đối đầu Đông – Tây thế kỷ 21
Nga giận Ukraine một phần, nhưng cũng phải lo dần cho tương lai của mình. Nguy cơ nhãn tiền cho thấy Nga đang ngày càng bị cô lập, khi đối trọng phương Tây của Nga đang ngày càng phình to và tên lửa của NATO đã có thể đặt trước cửa ngõ Moscow bất kỳ lúc nào.
Điện Kremlin hiểu rõ điều này. Và ngay lập tức, nước Nga có lời đáp trả, một lời đáp tầm vĩ mô nhưng không thiếu sự kiên quyết.
Tại một diễn đàn ở khu nghỉ dưỡng Sochi, Thủ tướng Nga Dmitriv Medvedev đã tuyên bố: "Việc tăng cường vai trò của đất nước ở khu vực châu Á, không còn nghi ngờ gì nữa sẽ góp phần gia tăng quyền lực ở các khu vực khác, trong đó cho phương Tây."
Cái bắt tay giữa ông Putin và ông Tập Cận Bình đang thể hiện nhiều điều |
Không còn nghi ngờ gì nữa, Nga đã rơi vào tình thế buộc phải hướng Đông, buộc phải tìm đến những người bạn cũ từ thời Liên Xô để có chỗ đứng cho mình. Tuy nhiên, những người có thể đưa bàn tay ra với nước Nga lúc này không nhiều.
Nhìn vào những đồng minh mà Nga đang có, những cái tên không mấy tiếng tăm, những nền kinh tế, quân sự nhỏ bé. Khác với Mỹ có bạn bè là những Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Israel... toàn thế giới, toàn những nước giàu và mạnh. Nga hiểu rằng họ cần một đồng minh lớn, một quân hậu trên bàn cờ, đủ để họ có thể thiên biến vạn hóa cục diện. Và Trung Quốc là lựa chọn duy nhất với Nga vào thời điểm này.
Vì sao Trung Quốc sẵn sàng đưa tay ra với Nga, bởi họ có chung một hoàn cảnh, hoặc ngạn ngữ Trung Hoa sẽ gọi là "đồng bệnh tương lân." Bệnh của Trung Quốc ở đây cũng đang rơi vào thế cô lập. Nhưng có phần thảm hơn Nga, bởi ngoài việc bị chuỗi đảo của Mỹ siết chặt đường ra biển thì chính những chiến lược của Bắc Kinh về tranh chấp biển đảo đã khiến họ tự cô lập chính mình trong mắt các quốc gia khác.
Không sớm thì muộn, dù còn nhiều nghi kỵ, Nga và Trung Quốc sẽ buộc phải đứng vào với nhau trong một hàng ngũ, rất có thể sẽ có liên minh quân sự tạo thế cân bằng với phương Tây.
Một lần nữa, thế giới sẽ phải chứng kiến cuộc đối đầu Đông - Tây trong tương lai rất gần. Duy chỉ có điều, với thế kỷ 21, sẽ không đơn giản chỉ là hai cực ý thức hệ mà là xung đột giữa những mối quan hệ chồng chéo, lợi ích và mâu thuẫn đan xen khiến cho cuộc đối đầu lần này sẽ khốc liệt, khắc nghiệt hơn trước nhiều lần. Và vũ khí hạt nhân sẽ là chiêu bài được nhắc đến nhiều hơn. Hòa bình, yên ổn phát triển đã trở nên mong manh hơn.
Máy bay Mỹ tấn công các căn cứ của Nhà nước Hồi giáo IS |
Thực tế, thế giới sau chiến tranh lạnh là cuộc chơi đơn cực của nước Mỹ. Nhưng đến thời điểm hiện tại, như những gì Tổng thống Putin tuyên bố trong bài diễn văn khi sáp nhập bán đảo Crimea: thế giới đơn cực chấm dứt từ đây.
Các ông lớn gồng mình quá sức...
Nhìn vào cục diện này cho thấy, châu Âu đối đầu với Nga, Nhật Bản đối đầu với Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Vậy nước Mỹ đang ở đâu?
Họ tiếp tục sa lầy trong vũng bùn chiến tranh Trung Đông với lời tuyên chiến với Khủng bố Hồi giáo IS của Tổng thống B.Obama. Và với những châu lục được nêu trên, Mỹ vẫn phải có trách nhiệm, vẫn phải giữ vai trò nhạc trưởng của mình. Có thể nói, nước Mỹ đã căng mình quá sức.
Sự dàn trải ấy khiến cho mọi chiến lược của họ khó lòng có thể mang lại một hiệu quả tích cực. Nhưng đừng vội nhìn vào đó để phán xét về một "triều đại" đang thoái trào. Bởi để có thể đối chọi được với Mỹ, Nga cũng phải gồng mình ứng phó. Ở đâu có Mỹ, ở đó có sự hiện diện của Nga. Các quân cờ trên bàn cờ thế giới đã và đang di chuyển với tốc độ nhanh hơn.
Nếu ở châu Âu, Mỹ có đồng minh của mình - khối EU giàu có san sẻ gánh nặng, thì Nga phải một mình gồng gánh miền Đông Ukraine. Dù cho Mỹ có buông lơi Ukraine, EU can thiệp cầm chừng, nhưng Nga sẽ phải toàn tâm toàn ý chăm lo cho vùng đệm miền Đông ấy.
Còn ở châu Á - Thái Bình Dương, nhất cử nhất động của Trung Quốc đều đang trong sự kìm kẹp của Nhật Bản. Thêm một sự gồng mình của Nga, bản thân họ sống trong một mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh, nhưng chưa bao giờ thôi đề phòng.
Bằng chứng là Nga đều đặn năm nào cũng phải tập trận khủng ở miền viễn Đông để luyện cho quân đội của họ phản ứng nhanh và thạo điạ hình. Tiêu biểu như cuộc tập trận 10 vạn quân có tên Vostok-2014 đang tiến hành.
Căng mình đối đầu với Mỹ, nhưng vẫn phải đề phòng mũi dao sau lưng của Trung Quốc- đồng minh ruột. Xem ra Nga có phần vất vả hơn đối thủ nhiều lần.
Đỗ Minh Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét