Trang

27 tháng 12, 2013

Từ Liêm lên quận: Đại biểu duy nhất không thông qua lên tiếng


Theo Bảo Anh Vneconomy

Đại biểu Nguyễn Hữu Kiên là người duy nhất không biểu quyết thành lập hai quận Từ Liêm...

“Với đề án do huyện Từ Liêm xây dựng, có thể thấy rõ đây thực chất là nâng Từ Liêm từ một huyện thành một quận, chứ không phải tách thành hai quận riêng biệt”.

Đó là nhận xét của ông Nguyễn Hữu Kiên, đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Từ Liêm. Ông Kiên cũng là người duy nhất trong Hội đồng Nhân dân huyện đã không bấm nút thông qua đề án tại phiên họp ngày 5/12 vừa qua của Từ Liêm.

Trong một văn bản gửi VnEconomy và một số cơ quan báo chí cuối tuần qua, ông Kiên đã chỉ ra một số điểm bất hợp lý của việc tách Từ Liêm thành hai quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm.

Theo ông Kiên, nếu phân tích các số liệu do đề án đưa ra thì thấy rằng đây là một đề án bảo vệ việc nâng Từ Liêm từ một huyện đủ điều kiện lên thành một quận. Bởi lẽ, nếu tách làm hai quận tức phải so sánh các số liệu, dân cư, công trình hạ tầng của từng đơn vị quận mới Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm. Nếu vậy sẽ thấy ngay một số điều kiện không đáp ứng được.
 
Cụ thể, theo điều 7, khoản 2 của Nghị định 62/2011 của Chính phủ, thì mật độ dân số tối thiểu của một quận phải là 7.000 người/km2. Quy định này đã ưu tiên cho những huyện gần nội đô, còn nếu không theo khoản 1 của điều 7 phải là 10.000 người/km2.

Thế nhưng, với số liệu đưa ra tại trang 64 của đề án đã cho thấy quận Nam Từ Liêm không đáp ứng được điều này bởi 233.369 người/3.363,23 ha = 6.938 người/km2. 
 
Bên cạnh đó, theo ông Kiên, để ép mật độ dân số các phường mới đạt quy định của Nghị định 62/2011, đề án này còn tự tạo cho mình cách tính mật độ dân số riêng đó là: mật độ dân số = số dân chia cho diện tích đất tự nhiên trừ mặt nước, trừ diện tích được quy hoạch công viên rừng,  trừ diện tích đất không thể cư trú, xây dựng…để làm sao phải vượt tối thiểu 7.000 người/km2.
 
Một thực tế cho thấy, hiện nay tại huyện Từ Liêm, các công trình hiện đại phần lớn được xây dựng tại khu vực dự kiến là quận Nam Từ Liêm, vì vậy nếu tách làm hai quận thì về đáp ứng điều kiện hạ tầng đô thị thì quận Nam Từ Liêm sẽ có thể đáp ứng những tiêu chuẩn cao mà Thông tư 34/2009 của Bộ Xây dựng đặt ra. Ngược lại thì khu dự định là quận Bắc Từ Liêm sẽ còn thiếu một số tiêu chuẩn.

Đáng chú ý, để có đủ dữ liệu thông qua một đề án quan trọng đòi hỏi có thời gian đủ dài để nghiên cứu mới có thể xem xét thông qua. Thế nhưng, với một đề án dài 78 trang được chuyển cho đại biểu lúc 8h kém 5 phút sáng và 8h bắt đầu vào họp để thảo luận quyết ngay trong buổi sáng, theo ông Kiên thì “khó có thể coi là chuẩn bị chu đáo được”.

Một nội dung khá quan trọng khác là chi phí để chuyển đổi tách làm hai quận hay sẽ phải xây thêm bao nhiêu trụ sở mới với mức kinh phí dự kiến bao nhiêu đã không được đề cập một dòng nào trong đề án. Vấn đề nhân sự được đề cập chung chung  vẻn vẹn chưa đầy nửa trang A4 tại trang 74.

“Tôi không phản đối việc nâng Từ Liêm thành quận mới, song cách đặt vấn đề như đề án, nếu cứ cho nhắm mắt bỏ qua số lượng nhân sự và vấn đề chi phí, thì cũng chỉ đủ dữ liệu để quyết nâng huyện Từ Liêm lên thành một quận. Còn việc tách thành hai quận thì rõ ràng ngay từ đầu cách đặt vấn đề của đề án đã lệch hướng và không đủ các dữ liệu quan trọng. Thậm chí có dữ liệu cho thấy nó vi phạm quy định của pháp luật”, ông Kiên nói.

 Là một đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Từ Liêm, ông Kiên cũng lưu lý, quyết toán năm 2012 cho chi phí thường xuyên của huyện Từ Liêm là hơn 563 tỷ đồng. Như vậy nếu có thêm một quận thì hàng năm ngân sách sẽ phải bỏ ra chí ít là 563 tỷ nữa, chưa kể các chi phí xây mới trụ sở, mua sắm trang thiết bị, xe cộ và các chi phí đổi giấy tờ khác.
 
Trong phần kết của bức thư, ông Kiên khẳng định: “Thấm nhuần lời dạy của Bác, việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng cố làm; việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng cố tránh”. Đó cũng là lý do vì sao ông không bấm nút thông qua đề án tại cuộc họp của Hội đồng Nhân dân huyện Từ Liêm.


Bình luận (7)
Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết. Đang hiển thị 7/7 bình luận.

  • Tôi rất tâm đắc quan điểm thẳng thắn, có tầm và khách quan của ông Kiên ĐBHĐND. Tôi biết rằng ý kiến của ĐB Kiên và rất nhiều bạn đọc lúc này chỉ phản ánh những suy nghĩ có tâm của nhiều bạn đọc có ý thức trách nhiệm với đất nước, chứ không thể thay đổi gì kế hoạch của nhiều quan chức đang hoan hỉ mong có thêm nhiều “ghế”, thêm chức tước, thêm quyền hành, đương nhiên là thêm “lộc”…., chứ việc phục vụ nhân dân có tốt hơn không thì phải còn chờ đó. Đương nhiên là ngân sách sẽ phải phình lên đáng kể cho nhiều nhu cầu bố trí cho cả một hệ thống hành chính của một quận, không thể là chuyện “nhỏ” cho dù mọi người vẫn cứ hô khẩu hiệu “chống lãng phí”. Mọi người đều đã biết trong một tập thể cụ thể nào đó, đôi khi số đông chưa chắc đã là đúng, số ít, thậm chí chỉ là 1 người có khi vẫn là phía chân lý!. Tôi và nhiều nhiều bạn đọc chỉ mong ước rằng các vị lãnh đạo cấp cao hãy có tâm và có tầm để nhận ra điều này, để động viên cổ vũ những người đôi khi ở bên “thiểu số”, để từ đó những điều tốt, cái hay được phát huy vì đại cuộc, vì dân vì nước, chứ không phải vì lợi ích của một nhóm người!
    09:26 (GMT+7) - Thứ Tư, 11/12/2013Trả lờiThích18 người thích bình luận này
  • Không phải lúc nào số đông cũng đúng, Số ít mà có chất lượng còn tốt hơn nhiều so với số đông "theo hiệu ứng đám đông". 

    Xem ý kiến của Bác Kiên, Tôi nhớ lại câu nói của Galilê "Dù sao, Trái Đất vẫn quay"

    Galilê đã tập hợp những bằng chứng nói lên tính chất hợp lí của hệ thống Kôpecnich trong cuốn sách "Thông điệp của Trời". Ông bị toà án giáo hội xét xử là tà giáo, buộc phải từ bỏ quan điểm và bị cầm tù, khi đó Galilê đã 70 tuổi. Song, khi ra tù, Galilê vẫn tuyên bố: "Dù sao, Trái Đất vẫn quay", một câu nói đã trở thành nổi tiếng. Mãi đến 1992, giáo hoàng Jăng Pôn II (Jean Paul II) mới chính thức nhận sai lầm của giáo hội về việc này. Galilê mất trong tình trạng bị mù, ở nơi tù đày. 
    21:08 (GMT+7) - Thứ Ba, 10/12/2013Trả lờiThích4 người thích bình luận này
  • Rất tiếc là chỉ có duy nhất một người bấm nút "Không".
    13:09 (GMT+7) - Thứ Ba, 10/12/2013Trả lờiThích9 người thích bình luận này
  • Tôi cũng đồng ý quan điểm của bác Kiên. Tách đôi quận ra chỉ thêm tham nhũng, lãng phí...mà thôi. Đất nước còn khó khăn, càng tinh giảm bộ máy hành chính các tốt, bác nào không đủ phẩm chất lãnh đạo thì...trảm.
    07:41 (GMT+7) - Thứ Ba, 10/12/2013Trả lờiThích3 người thích bình luận này
  • Mình đồng ý với ý kiến của bác Kiên. Không nên phải nói là tuyệt đối không nên tách Từ LIêm thành 2 quận mà chỉ nên nâng Từ Liêm lên thành quận là khả thi nhất.Bởi vì việc tách ra gây nhiều tốn kém,việc quản lý nếu bây quá tải thì có thể bổ xung nhân sự chứ tách ra thì phải lập thêm trụ sở...rồi kéo theo bao nhiêu vấn đề khác tốn nhều chi phí, thời gian mà hiệu quả khó được như mong muốn,nếu tách ra là tốt thì thì sao lại có việc Hà Tây gộp lại với Hà Nội để làm gì, có ý nghĩa gì. Hiện nay bộ máy nhà nước theo mình thấy cũng còn nhiều bộ phận chưa thực sự hoạt động hiệu quả,cồng kềnh,còn chất lượng và phẩm chất thì khó nói. Việc tách ra cần phải tính toán thật kĩ lại chứ đừng vội vàng, có những việc chỉ đẹp bởi người ta thấy cái quy mô sự hoành tráng của nó mang lại mà cái mặt xấu thì chắc chắn là nhận ra nhưng lại ít đề cập tới. Thực sự mà nói mình thấy rất nhiều dự án đề án quy hoạch không có khoa học không có hiệu quả thiếu sự hoàn chỉnh ...còn nhiều vấn đề khác nhưng mình chỉ nói đến đây. Nếu mình nói có gì sai mong được hồi đáp
    22:42 (GMT+7) - Thứ Hai, 9/12/2013Trả lờiThích12 người thích bình luận này
  • Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của đại diện duy nhất của nhân dân trong HDND
    10:44 (GMT+7) - Thứ Hai, 9/12/2013Trả lờiThích18 người thích bình luận này
  • Tôi rất bất ngờ trưóc thông tin của ông Nguyễn Hữu Kiên đưa ra.Đây là một dự án lớn đòi hỏi phải được nghiên cứu kỹ càng,khoa học và phải được cân nhắc kỹ càng,và khi chỉ đạo thực hiện thì phải kiên quyết.
    Các dữ liệu căn cứ để nghiên cứu và thực hiện dự án phải căn cứ vào nhu cầu và đảm bảo tính thuận lợi cho yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội nói chung.Sự chuẩn bị thượng tầng,đến cơ sở hạ tàng phải được xây dựng chặt chẽ theo quy mô của những đề án nhỏ theo từng chuyên môn cụ thể về diện tích,về nhân sự,khối hành chính,điện,đường,y tế giáo dục vv...nằm trong dự án chung.
    Nếu theo thông tin bài báo này cung cấp là xác thực thì rõ ràng đề án này quá hời hợt,chưa đủ thông tin dữ liệu để xem xét chứ đừng nói là thực hiện.Nếu việc thực hiện vẫn diễn ra thì viêc lãng phí tiền bạc ngân sách,của dân là việc không tránh khỏi.
    Đề nghị xem xét lai cho chặt chẽ khả thi hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét