Và khi bọc cho cái ác một lớp áo hào nhoáng ... cái ác trở nên quyến rũ hơn, và đắt khách hơn bao giờ hết!
Trong một tập phim CSI, kẻ giết người hàng loạt chuyên xử tử các cô vợ hờ của hắn được đưa ra xét xử. Ngạc nhiên thay, có cả một đội ngũ đông đảo phụ nữ đến tòa án để gởi gắm tình yêu và xin được kết hôn cùng hắn. Hiện tượng “kết hôn cùng Satan” có lẽ là một đề tài thú vị dành cho các nhà tâm lý học. Nhưng trước đó giới làm phim thì đã nhận ra từ lâu rằng cái ác cũng có sức hấp dẫn chẳng thua kém cái thiện.
Và khi bọc cho cái ác một lớp áo hào nhoáng mà kết quả là sự ra đời của những kẻ sát nhân điển trai, có chiều sâu tâm hồn và sự thông tuệ – cái ác trở nên quyến rũ hơn, và đắt khách hơn bao giờ hết!
Hannibal – Tận cùng trí tuệ, tận cùng tội ác
Hannibal Lecter là nhân vật hư cấu do nhà văn Thomas Harris tạo ra vào năm 1981. Được miêu tả là một tên giết người hàng loạt có sở thích ăn thịt các nạn nhân của hắn, nhưng Hannibal cũng đồng thời là một tiến sĩ tâm lý học có sự hiểu biết sâu sắc về con người. Hắn có kiến thức về tội phạm học, giải phẫu học và có những sở thích tinh tế như vẽ tranh, đọc sách. Một bộ óc lỗi lạc có thể điều khiển hành vi, tư duy của người khác dễ dàng như trở bàn tay.
Ở “Hannibal Rising”, tác giả lý giải cơn khát máu của Hannibal là do cú sốc trong thời thơ ấu khi phải chứng kiến những tên lính giết và nấu thịt em gái mình làm bữa ăn. Sau khi trưởng thành, hắn tìm lại những kẻ thù năm xưa và – máu phải trả bằng máu, thịt phải trả bằng thịt. Nhưng kể cả khi báo được thù, Hannibal vẫn không thể dừng lại. Giết chóc và ăn thịt người trở thành một đam mê, một thói quen. Sau khi bị bắt trong “Red Dragon”, Hannibal bị giam trong một viện tâm thần và trở thành tàn sản quí giá nhất của viện này – vì bộ não bác học và chứng cuồng loạn chưa từng có trong lịch sử tội phạm. Trong “Sự im lặng của bầy cừu”, Hannial Lecter chứng tỏ trí tuệ của mình khi chiến thắng oanh liệt trong cuộc đấu trí với lực lượng bảo vệ pháp luật khổng lồ. Vai diễn Hannibal trong “Sự im lặng của bầy cừu” đã mang lại cho Anthony Hopkins một giải Oscar, trong khi Hopkins giúp Hannibal lọt top “100 anh hùng và kẻ phản diện” do Viện phim Mỹ bình chọn; Top “100 nhân vật vĩ đại nhất trong 20 năm qua” của Entertaiment Weekly.
Các diễn viên thủ vai Hannibal đều có sức hút từ ngoại hình đến thần thái.
Năm 2013, Hannibal lại một lần nữa được tái sinh trong loạt phim truyền hình cùng tên. Một bác sĩ tâm lý lừng danh được chào đón trong mọi bữa tiệc thượng lưu, cái nhìn đầy cảm thông và sự tin tưởng, phong thái đĩnh đạc, tinh tế trong những bộ vest được cắt may hoàn hảo, Mads Mikkelsen thể hiện Hannibal như một phiên bản của Lucifer –thiên thần sa ngã. Yếu tố nghệ thuật và cũng kinh dị nhất của phim là rất nhiều thời lượng được dùng để miêu tả việc nấu nướng của Hannibal. Quả thực, cách Mads Mikkelsen chế biến món ăn tuyệt vời như một đầu bếp được phong hàm. Vô số khán giả hẳn đã đói bụng và mong muốn trở thành thực khách của Hannibal, cho đến khi họ nhận ra tất cả các bữa ăn đều được làm từ thịt người.
Hannibal luôn là nhân vật được tôn sùng và ưu ái, hắn chưa bao giờ là kẻ thua cuộc. Dường như hắn vẫn ở ngoài kia, nở nụ cười thông tuệ và nhìn thẳng vào từng ngóc ngách tăm tối nhất của nhân loại. Và chọn thực đơn cho bữa tối.
Phản diện hay anh hùng
Cùng chủ đề sát nhân biến thái như Hannibal, seri phimDexterđã đi đến mùa 8 và thu hút khoảng 3 triệu người xem mỗi tập. Dexter là một chuyên viên phân tích kiểm nghiệm máu ở phòng điều tra phá án Miami. Mồ côi từ nhỏ, Dexter được một vị cảnh sát nhận nuôi. Bị thôi thúc bởi cơn khát máu bên trong, Dexter đã từng giết các con thú xung quanh cho đến khi bị người cha phát hiện. Nhưng thay vì trách mắng, ông lại hướng dẫn anh cách thỏa mãn sự khát máu một cách thông minh nhất.
Đó là giết kẻ ác và không để lại dấu vết. Danh sách nạn nhân của Dexter bao gồm những tên sát nhân, bọn biến thái, kẻ lạm dụng trẻ em… Chúng có thể thoát khỏi luật pháp, nhưng không thể thoát khỏi lưỡi cưa của Dexter. Ban ngày là nhân viên công sở, tối đến cưa đám ác nhân ra từng mảnh nhỏ, đóng gói là quẳng xuống biển. Đó là cuộc sống của Dexter. Tất nhiên, anh cũng có những rắc rối nho nhỏ. Như chuyện hẹn hò và chứng sợ động chạm với phái nữ. Hay cô em nuôi giờ đang là cảnh sát thích quan tâm quá đà đến đời tư của anh mình. Và cả gã đồng nghiệp cú vọ “đánh hơi” được sự bất bình thường của anh. Rồi cũng đến lúc anh không thể giữ nguyên tắc “chỉ giết kẻ ác” của mình…
“Dexter” thú vị nhờ vào kể câu chuyện từ chính góc nhìn của kẻ sát nhân, một góc nhìn táo bạo, hài hước và không kém phần thuyết phục. Kết quả là mặc kệ cho tội ác càng ngày càng chồng chất, khán giả xem phim vẫn cầu mong Dexter “bình an vui sống” hết mùa phim này đến mùa phim khác.
Những tên tội phạm vũ trụ lắm fan
Trước tiên phải kể đến “Khan” – kẻ được xem là nguy hiểm và hung ác bậc nhất trong Star Trek. Nhưng thực tế, tất cả những gì khán giả có thể làm là…hét lên sung sướng mỗi khi Khan do Benedict Cumberbatch xuất hiện trên màn ảnh rộng.
Thôi được, chúng ta sẽ không nhắc đến Ben với vẻ đẹp trai khó cưỡng và giọng nói vô cùng quyến rũ của anh. Chỉ bàn riêng về Khan, mỗi thước phim về nhân vật này đều vô cùng đặc sắc, thậm chí cả khi anh ta phải chạy trốn và thua cuộc. Như hiểu lòng người hâm mộ, đến cuối phim Khan chỉ chịu hình phạt làm “người đẹp ngủ” chứ không bị xử tử. Ai cũng hi vọng anh sẽ được hồi sinh vào phần tiếp theo của Star Trek – dù biết anh ta sẽ gây rắc rối không nhỏ cho các nhân vật chính diện.
Nếu Khan được hâm mộ nhờ hình tượng hoàn-hảo-toàn-năng thì Loki lại là kẻ thất bại được yêu mến nhất. Xuất hiện như nhân vật phản diện trong Thor và The Avengers, nhưng Loki có nhiều fan chẳng thua những anh hùng khác. Lý do là vì anh được thừa hưởng đến hai lợi thế: Khơi gợi “Mẫu tính” của các khán giả nữ và yếu tố bromance. Loki là chàng hoàng tử mang mặc cảm mình là người thừa, anh cố gắng chứng tỏ bản thân nhưng rồi nhận ra mình mãi mãi không so được với Thor – vị thần Sấm lừng danh. Loki làm mọi thứ chỉ với mục đích – tìm một mái ấm thực sự thuộc về mình. Chính vì thế, mọi tội ác của anh được lý giải (theo cánh fangirl) là…cơn quấy phá của trẻ vị thành niên thiếu tình thương!
Suy nghĩ này càng được củng cố nhờ mối quan hệ kì lạ giữa anh em Thor – Loki. Trong khi cậu em phá phách xuyên vũ trụ thì ông anh chỉ một mực ca bài “Hãy về với anh”. Thor luôn muốn tự mình dạy dỗ thằng em nhỏ dại thay vì giao nó cho hiệp hội anh hùng. Ngay cả khi Loki phá tan nát New York thì kết quả cuối cùng vẫn chỉ là…bị ông anh xách cổ về nhà để phạt cấm túc. Loki 2 (tên thực sự của Thor 2) tiếp tục là một màn trình diễn của Loki. Anh chàng mỉa mai, cay nghiệt, đau khổ, bày trò và lấy nước mắt của người xem như trở bàn tay. Và nếu một ngà, Loki quyết định chọn Trái Đất cho chuyến vi hành của mình, tôi cam đoan rằng anh ta sẽ có một binh đoàn fangirl chờ sẵn.
Sau lớp màn nhung
Cách tạo ra một kẻ sát nhân quyến rũ là cho hắn một lý do, một quan điểm sống có vẻ sâu sắc, vài nguyên tắc làm việc và một vẻ ngoài bảnh bao. Vậy là xong – người đàn ông lý tưởng xuất hiện, đối tượng trong mộng của các cô gái và hình tượng đáng hâm mộ của cánh đàn ông. Ai thèm quan tâm chuyện anh ta mê giết người hay thích hủy diệt các hành tinh! Nghệ thuật lăng-xê cái ác đã phát triển đến nỗi các ranh giới giữa đúng – sai, yêu – ghét, tán dương – khinh bỉ nó trở nên mù mờ hơn bao giờ hết. Và liệu đến một lúc nào đó, cái ác sẽ hoàn toàn áp đảo cái thiện trong cuộc chiến màn ảnh? Trong khi chờ đợi câu trả lời cuối cùng, có lẽ bạn sẽ muốn “tham quan” qua nhân vật phản diện cuối cùng trong bài viết này: Patrick Bateman (do Christian Bale thủ vai) trong American Psycho.
Chàng trai hoàn hảo của phố Wall có cơ thể của một bức tượng thần Hy Lạp và ngoại hình được chăm chút tỉ mẩn đến từng chi tiết. Anh ta ở trong một căn hộ có vị trí đắc địa (và đắt tiền), di chuyển bằng Limousine và có một vị hôn thê cùng đẳng cấp. Nhưng anh ta cũng là một kẻ “tâm thần kiểu Mỹ” có thể giết chết bạn đồng nghiệp chỉ vì hắn ta có cái danh thiếp đẹp hơn mình, thuê gái mại dâm về để đánh đập và sẵn sàng giẫm chết con chó của người lang thang. Thậm chí cả khi chưa thực sự phạm phải tội ác nào ngoài tâm tưởng của hắn, Patrick Bateman vẫn làm người ta hoảng sợ khi nhận ra bên trong bộ cánh thượng lưu là một sự mục rỗng và thối nát không thể cứu chữa. “Tôi có tất cả các đặc điểm của một con người, máu, thịt, da, tóc. Nhưng không có một chút nhận thức cảm xúc nào, ngoại trừ sự tham lam và ghê tởm”.
Patrick Bateman là một bằng chứng cho thấy dù cái ác được ngụy trang khéo léo đến đâu, thì bản chất thật của nó vẫn còn đó. Lớp màn nhung mà điện ảnh tạo ra có thể khiến ta bị cuốn hút, nhưng rốt cuộc thì chẳng cái ác nào xứng đáng được tán dương hay đồng tình.
Theo Hạ Chi
Xanh Magazine
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét