Phải xem lại cơ cấu tổ chức bộ máy và dây chuyền hoạt động, các đại diện của các văn phòng, chi nhánh hoạt động như thế nào mà để một người có thể lũng đoạn được cả dây chuyền.
Bên lề Hội thảo “Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính” do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phối hợp với Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Ban kinh tế Trung ương Đảng tổ chức ngày 18/12/2013, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội xoay quanh vấn đề lỗ hổng trong giám sát tài chính mà trường hợp cụ thể là vụ án Huỳnh Thị Huyền Như sắp được đưa ra xét xử.
Ông có cho rằng trong vụ án của Huỳnh Thị Huyền như đã có lỗ hổng rất lớn về công tác giám sát ngân hàng hay không?
Tôi không có đầy đủ tài liệu về vụ án này, cần tham khảo ý kiến của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề ở vụ Huỳnh Thị Huyền Như là việc giám sát của ngân hàng chủ quản đối với hoạt động của các chi nhánh tại các địa phương vẫn còn lỏng lẻo.
Vụ án này không phải là trường hợp cá biệt mà trước đấy đã có nhiều trường hợp, cả về trong lĩnh vực thương mại.
Chẳng hạn như nhận tiền mua ô tô ở thời điểm cao nhưng lại viết phiếu biên lai tại đại lý, nhập nhèm đưa vào. Họ lợi những quy định bị vênh giữa các luật với nhau để căn cứ vào đó mưu lợi cá nhân, khi xảy ra sự cố họ vẫn thoát trách nhiệm phải đền bù tài sản.
Vậy bài học về giám sát đối với hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam qua vụ án của Huỳnh Thị Huyền Như nên rút ra như thế nào?
Đầu tiên phải nói đến công tác giám sát nội bộ của các tổ chức tín dụng hiện còn kém. Phải xem lại cơ cấu tổ chức bộ máy và dây chuyền hoạt động, các đại diện của các văn phòng, chi nhánh hoạt động như thế nào mà để một người có thể lũng đoạn được cả dây chuyền như thế mà toàn bộ những nhân viên làm cùng không phát hiện ra được.
Kế đến là trách nhiệm của các cơ quan giám sát bên ngoài, thực hiện chức năng giám sát Nhà nước về các hoạt động bình thường này. Các hoạt động này phải vào kế toán nội bảng mới giám sát được, chứ nếu để ngoại bảng thì chịu!
Thứ ba là tự mỗi người gửi tiền phải chịu trách nhiệm. Tại sao tôi nói thế, sở dĩ như trường hợp hơn 700 tỷ đồng của ngân hàng ACB gửi vào Vietinbank có phải tiền của mười mấy người đứng tên gửi tiền đâu? Đây là tiền của ngân hàng ACB. Khi đồng tiền không đi liền với khúc ruột thì sẽ không được họ quan tâm.
Tôi nghĩ rằng, phải nhiều yếu tố mới hình thành nên tội phạm, chứ một mình Huyền Như nếu không có sự giúp sức, vô tình hoặc cố ý của những người khác thì không thể làm nên chuyện. Gần 5.000 tỷ đồng đã bị “bay” mất chứ có ít đâu!
Vậy theo ông Vietinbank có trách nhiệm gì trong việc này không?
Không ai nói Vietinbank không liên quan trong vụ này. Nhưng vấn đề, theo Luật các tổ chức tín dụng thì trách nhiệm của Vietinbank ở mức độ nào? Có phải trách nhiệm Vietinbank phải đền bù hay không, hay đây là trách nhiệm của cơ quan tổ chức cán bộ? Bây giờ phải chờ tòa án tuyên mới biết được.
Có ý kiến cho rằng, cái mất lớn nhất ở vụ án này không chỉ là số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng mà quan trọng hơn cả là nó làm mất lòng tin của nhiều người đối với hệ thống quản lý, giám sát của ngân hàng, ông có nghĩ thế không?
Tôi nghĩ hẳn đã là như vậy. Vấn đề mấu chốt trong vụ việc này là chúng ta phải xem lại biên lai giấy tờ có giá của Huyền Như đưa cho những người kia như thế nào?
Tuy nhiên, ở một góc độ khác thì đôi khi cũng phải quay trở lại slogan "người tiêu dùng thông minh”, tức là khi bỏ tiền ra thì phải có trách nhiệm với đồng tiền của cá nhân mình, xem liệu nó có được đảm bảo bởi các văn bản pháp luật hay không.
Xin cảm ơn ông!
Khánh Linh (thực hiện)
Theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét