Trang

18 tháng 11, 2013

Tác hại của Bùn đỏ

GS.TS NGUYỄN LÂN DŨNG   -Thứ Năm, 11/11/2010, 10:55 (GMT+7)

* Xin cho biết bùn đỏ trong khai thác Bôxít có gì độc hại mà sự cố ở Hungary lại gây ra thiệt hại lớn đến thế?
Bùi Thị Nguyên, Gia Nghĩa, Đắk Nông
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì bùn đỏ (Red muds) là tên gọi một sản phẩm chất thải của công nghệ Bayer, phương pháp chủ yếu được áp dụng trong quá trình tinh luyện bauxite để sản xuất nhôm. Nó bao gồm một hỗn hợp các tạp chất rắn và kim loại và là một trong những vấn đề về chất thải quan trọng nhất của ngành luyện nhôm. Màu đỏ là do hiện nay sắt bị oxy hoá, có thể chiếm đến 60% khối lượng của bùn đỏ. Bùn đỏ không thể dễ dàng xử lý.
Trong hầu hết các quốc gia mà bùn đỏ được tạo ra, nó được bơm vào ao bùn đỏ. Những "ao" chỉ đơn giản là khu vực đầy bùn đỏ. Bùn đỏ là một vấn đề vì nó chiếm diện tích và khu vực đất này không thể dùng cho xây dựng hay làm trang trại ngay khi nó đã khô. Do quá trình sản xuất bùn có độ pH cao từ 10 đến 13. Người ta đang nghiên cứu để sử dụng thích hợp bùn đỏ cho ứng dụng khác.
 Vào ngày 4/10/2010, đê bao hồ chứa chất thải số 10 của Nhà máy Bauxite - Nhôm Ajkai Timfoldgyar Zrt thuộc miền Tây Hungary bị vỡ khiến hơn 1 triệu mét khối bùn đỏ đã tràn ra ngoài tạo ra những đợt sóng cao 1-2m, quét qua một khu vực rộng tới 40km2 và nhấn chìm tất cả, trong đó có làng Kolontar và thị trấn Devecser, trong bùn đỏ. Ba ngày sau, lũ bùn lan tới Danube, con sông lớn thứ hai ở châu Âu.
Thống kê ban đầu cho biết đã có 9 người thiệt mạng và hơn 120 người khác bị thương, hàng vạn người phải đi sơ tán. Chính quyền Hungary đã ra lệnh di tản toàn bộ dân làng Kolontar và Devecser gần Nhà máy Ajka và cấp tốc huy động quân đội đắp con đê phụ cao 4-5m với chiều dài 1.500m, rộng 30m nhằm ngăn ngừa một lượng bùn đỏ 500.000m3 có thể trào ra bất cứ lúc nào.
Quy mô của vụ ô nhiễm môi trường nơi 180 triệu lít bùn độc hại tràn ra ngoài sau khi vỡ đập chứa công nghiệp ở Hungary đã được so sánh với vụ tràn dầu tại  vịnh Mexico sau khi dàn khoan của Công ty BP bị sập gây rò rỉ khoảng 200 triệu gallon dầu.
Các nhà khoa học cho biết, nồng độ cao chất asen và thủy ngân có trong bùn đỏ có thể gây ung thư nếu chúng được phát tán trong không khí và thâm nhập vào hệ thống hô hấp của con người. Cứ sản xuất được 1 tấn nhôm thì tạo ra gần 3 tấn bùn đỏ. Vì thế, để kim loại nhôm có giá thành cạnh tranh trên sàn giao dịch quốc tế, một số nhà sản xuất "ăn xổi ở thì" không còn cách nào khác là chôn lấp bùn đỏ để cho thế hệ tương lai gánh hậu họa thay vì xử lý bùn đỏ theo công nghệ trung hòa chất kiềm - pH đạt trị số 7 - với chi phí 500 USD cho 1 tấn bùn.
Cảnh báo về chất asen, crôm và thủy ngân ở quá mức cho phép khi bị rò rỉ xuống sông có thể được hấp thụ bởi  cá có thể gây tổn hại lâu dài tới môi trường đã Greenpeace đưa ra. Mức độ asen trong nước lấy từ làng Kolontar hôm 5/10/ 2010 (1 ngày sau thảm họa) cho thấy cao hơn gấp 25 lần tiêu chuẩn an toàn và trong bùn đỏ nó còn cao gấp đôi.
Vấn đề bùn đỏ vẫn là vấn đề nan giải và cùng với các vấn đề môi trường khác đặt ra cho việc khai mỏ bauxit lộ thiên - vấn đề bảo tồn lớp thổ nhưỡng, vấn đề tuần hoàn nước, vấn để ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tác động xã hội đến cư dân bản địa, ảnh hưởng đến nước ngầm và nước mặt, ô nhiễm không khí do bụi, ô nhiễm tiếng ồn, mất cảnh quan.
Sự cố xảy ra ở Hungary khiến chúng ta phải thẩm định lại nghiêm túc khu vực sẽ lưu trữ bùn đỏ sao cho có thể bảo đảm tuyệt đối an toàn về môi trường và cần thiết phải khôi phục lại rừng ngay sau khi khai thác quặng.
Theo NNVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét