Trang

20 tháng 10, 2013

"Quốc hội cần được đổi mới"

"Tôi rất lo lắng về tình hình kinh tế xã hội cũng như an ninh - trật tự xã hội hiện nay. Vì thế, tôi mong các đại biểu nhìn thẳng vào thực tế tình hình đất nước khi thảo luận", ông Vũ Mão đặt hy vọng tại kỳ họp Quốc hội khai mạc ngày 21/10.

Trao đổi với VnExpress, nguyên chánh văn phòng Quốc hội Vũ Mão chia sẻ nhiều tâm tư về kỳ họp Quốc hội cuối năm - kỳ họp bàn thảo, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước.
- Trong nghị trình kỳ họp cuối năm, ông quan tâm nhất vấn đề nào?
- Mối quan tâm số một của tôi là Hiến pháp. Hiến pháp trong nhiều tháng qua đã có cố gắng chuẩn bị công phu, có tổ chức lấy ý kiến nhân dân... Nhưng tôi vẫn có băn khoăn. Việc lấy ý kiến nhân dân vừa qua theo báo cáo là đã lấy ý kiến sâu rộng, công phu. Nhưng thực tế, với tư cách là một người dân, quan sát nơi tôi ở (quận Ba Đình), tôi cảm nhận không hoàn toàn được như thế. Vẫn có phần mang tính hình thức, lấy cho có số lượng. Theo tôi đáng ra là cần có phiếu lấy ý kiến rất chi tiết cụ thể từng chương, từng điều một, nhất là những vấn đề quan trọng. Cần đưa ra các phương án để người dân thể hiện chính kiến.
Còn tốt nhất, như tâm nguyện của Bác Hồ và đa số người dân thì cần được trưng cầu dân ý. Thời gian còn lại để thông qua không còn nhiều nữa, vì thế theo tôi cần có sự cố gắng ở mức cao nhất để có một bản Hiến pháp có thể chấp nhận được.
Trong tình hình đất nước hiện nay, đáng lẽ sự kiện trọng đại này phải tạo ra được sự đồng tâm nhất trí của toàn dân, tạo ra động lực để phát triển đất nước; nhưng điều đáng tiếc lần này chưa làm được như thế.
Mối quan tâm thứ hai là Luật đất đai. Một đạo luật vô cùng hệ trọng nhưng thời gian qua lại để xẩy ra rất nhiều tồn tại. Nguyên nhân có nhiều, từ quan điểm đến nội dung văn bản pháp luật nhất là việc tổ chức thực hiện thì có quá nhiều vấn đề. Nói một cách chính thống thì chúng ta chưa thật sự tôn trọng quyền làm chủ đất đai của người dân. Tham nhũng thời gian vừa qua chủ yếu liên quan đến đất đai.
Và cũng như Hiến pháp, Luật Đất đai cũng chưa được lấy ý kiến của nhân dân một cách thỏa đáng.
vm1-990024-1369377940-500x0-5170-1382271
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão. Ảnh: Nguyễn Hưng.
- Kỳ họp diễn ra vào giữa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 2011-2015. Trước hoàn cảnh kinh tế hiện nay, ông muốn gửi gắm tới đại biểu điều gì?
- Tôi rất lo lắng về tình hình kinh tế xã hội cũng như an ninh - trật tự xã hội hiện nay. Vì thế, tôi mong hai điều. Một là, Chính phủ cần phân tích sâu sắc các nguyên nhân của tồn tại để đưa ra các hệ thống giải pháp đồng bộ, đồng thời cần chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện. Hai là, tôi mong các đại biểu nhìn thẳng vào thực tế tình hình đất nước khi thảo luận, phát huy dân chủ để tìm nguyên nhân sâu sắc. Cần tập trung thảo luận, biểu hiện chính kiến (đồng ý hoặc không đồng ý) với các giải pháp của Chính phủ đưa ra. Mục đích của chúng ta, cả Quốc hội và Chính phủ phải đồng tâm nhất trí, quyết tâm đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Thực ra, Hiến pháp, Luật đất đai và thực trạng kinh tế xã hội có mối quan hệ rất khăng khít. Trong đó Hiến pháp và Luật đất đai là hai vấn đề mấu chốt, nếu xử lý tốt hai vấn đề này thì sẽ hỗ trợ cho phát triển kinh tế xã hội đất nước đang ở giai đoạn khó khăn, khủng hoảng. Bàn vấn đề này là có liên quan vấn đề kia. Chỉ có điều, đánh giá thực trạng là quan trọng.
Tôi lấy ví dụ như một vài cuộc đối thoại chính sách vừa qua trên truyền hình, qua phát biểu có vẻ thấy những người tham gia đối thoại tỏ ra lạc quan trong đánh giá. Nhiều ý kiến hơi chủ quan so với thực trạng hiện có mà chưa đưa ra giải pháp thiết thực. Chúng ta có lo lắng, có trách nhiệm nhưng chưa đủ tầm nên lúng túng trong xử lý, thiếu sự nhất quán, mà rõ nhất là xử lý lạm phát. Nhìn tổng thể hướng xử lý là chưa vững chắc.
- Là người hoạt động Quốc hội lâu năm, khi nhiều vấn đề hệ trọng tập trung trong một kỳ họp, ông có lo ngại gì?
- Tôi nghĩ nội dung kỳ họp này nặng nề quá. Thời gian của kỳ họp có dài hơn các kỳ trước, nhưng với cách thức làm việc như hiện nay, thì các cơ quan hữu quan vẫn bị cập rập trong việc tiếp thu, chỉnh sửa. Và như thế, chất lượng văn bản khó đảm bảo.
Nhìn vào việc bố trí chương trình kỳ họp, thời gian thảo luận ở tổ nhiều quá, tôi nhẩm tính thấy có tới 14 buổi, tương đương 20% thời gian kỳ họp. Qua kinh nghiệm của nhiều khoá, tuy thảo luận ở tổ được nhiều người phát biểu, nhưng tác dụng rất hạn chế bởi hai nhược điểm: Một là, cơ quan soạn thảo không đủ thời gian để nghiên cứu tiếp thu. Trên thực tế, lâu nay việc tiếp thu chưa đạt tới 30% các ý kiến đóng góp. Những ý kiến không tiếp thu, hầu hết là cho qua, rất hiếm trường hợp có trình bày trở lại rằng, vì sao không tiếp thu. Điều đó gây bức xúc cho các đại biểu.
Hai là, các ý kiến phát biểu ở tổ, lại được “bê nguyên si” ra phát biểu ở hội trường. Thời gian thảo luận ở hội trường ít nên nhiều vấn đề không được tranh luận, không được làm rõ. Tức là chưa thể đi đến cùng để tạo sự nhất trí. Vì thế, tôi đề nghị chỉ bố trí từ 5% đến 10% thời gian thảo luận ở tổ.
- Ngoài đề xuất nêu trên, ông thấy Quốc hội cần có cải tiến điều gì để nâng chất lượng hoạt động?
- Theo tôi, phải tính tới việc đổi mới cách thức trong kỳ họp Quốc hội. Ví dụ, thời gian thảo luận ban ngày không đủ thì cần bố trí thêm một số buổi tối nữa, nhất là  các vấn đề nóng bỏng. Quốc hội nhiều nước vẫn làm như thế đấy! Tất nhiên, khi thảo luận (nhất là về buổi tối) không nhất thiết cứ phải ngồi kín cả hội trường, nhưng khi biểu quyết thì phải có mặt rất đầy đủ. Tôi nói điều này, chắc sẽ có không ít người chưa đồng tình. Điều đó không sao. Chúng ta cùng nhau trao đổi thêm.
Thứ hai, với kỳ họp kéo dài thì không ai có thể ngồi suốt 40 ngày. Ở các nước, hàng tuần người ta đều bố trí cho đại biểu về nơi ứng cử để tiếp thu thêm ý kiến của cử tri và giải quyết các công việc ở địa phương. Theo tôi, với kỳ họp kéo dài 40 ngày thì có thể nghiên cứu tách ra, họp 20 ngày, 10 ngày cho đại  biểu về địa phương giải quyết công việc, tiếp thu ý kiến cử tri.
Trong 10 ngày giữa kỳ họ đó các cơ quan soạn thảo có điều kiện nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh văn bản.  Đây là thời gian vàng, quý giá vô cùng. Sau đó, kỳ họp lại được tiếp tục để thảo luận và thông qua các văn kiện. Cách làm như thế sẽ đạt chất lượng cao hơn.
- Ông đánh giá thế nào về hai ứng viên phó thủ tướng là ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam?
- Trước hết, tôi đồng tình với việc Quốc hội xem xét, bổ sung nhân sự của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội. Với nhân sự của Chính phủ, tôi hoan nghênh hai vị này. Đây là các cán bộ trẻ, có nặng lực và triển vọng. Là một cử tri, tôi gửi gắm sự tin cậy cũng như trông chờ vào sự rèn luyện, phấn đấu một cách trong sáng của họ.
Ông Vũ Mão: "Đây là kỳ họp dài nhất trong nhiệm kỳ 13. Thậm chí cũng là một trong những kỳ họp dài nhất kể từ nhiệm kỳ khóa 12. Thực ra, so với nhiệm kỳ của khóa IX, X và XI thì chưa phải là dài nhất. Có kỳ họp của nhiệm kỳ khóa X, tổng thời gian tới 50 ngày. Khi đó chúng tôi đánh giá hợp lý vì xuất phát từ nội dung và phương thức hoạt động dân chủ của Quốc hội. Lâu nay tôi có cảm nhận từ khóa XII, XIII hình như hơi bị gò ép về thời gian làm việc của kỳ họp. Thực ra với nội dung và tầm quan trọng của vấn đề thì thời gian như vậy cũng chỉ là gần  đủ".
Nguyễn Hưng thực hiện ( Theo Vnexpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét