Trang

8 tháng 11, 2012

SÀI GÒN THỜI KHỦNG HOẢNG


  Mấy tháng rồi mình ít về Sài Gòn. Có một số bạn bè lâu ngày không gặp mình ở Sài Gòn nên thông báo cho nhau “ thằng Hải xuống Vũng Tàu đi tu rồi”. Hài thiệt! Vũng Tàu thì kiếm đâu ra chỗ có nhiều ni cô để tui tu?Ha ha!  Mấy bữa nay có việc về SG. Sáng sớm phải tranh thủ chạy xe đề phòng kẹt xe, trễ giờ họp. Chạy tới bùng binh ngã ba Vũng Tàu thì đã có hiện tượng kẹt xe. Ngồi lái xe một mình nên mình mở nhạc to, rồi cáu, chửi thề cho mình nghe để xả xi-choét…Từ Vũng Tàu đến Biên Hòa 90 km mình chạy hết có 1h10p. Từ Biên Hòa về Hồ Con Rùa chỉ 30 km mà chạy hết tiếng rưỡi. Quá bực mình!
 Bề ngoài SG vẫn thế: Ồn ào, đông đúc, đường tràn ngập người và xe cộ, bụi, ô nhiễm nặng. Cảnh kẹt xe là chuyện thường giờ.
 Ít về SG nên mỗi lần về là phải giải quyết 1… sọt việc. Hiện tại mình đang sản xuất phim nên đối tác đa số là giới văn nghệ sĩ, hoa hậu, người mẫu và diễn viên. Các đối tác này có thói quen không thích làm việc trong văn phòng, họ thích ngồi nhà hàng-café nói chuyện công việc lý thú hơn.
 Trời đất! Chỉ riêng 1 ngày hôm qua thôi, từ sáng đến 11h tối mà mình ngồi ở 3 quán café, 1 nhà hàng và 1 quán bar quanh Q.1, Q.3  để “ làm việc” đó. Vẫn biết đây là thói quen xấu nhưng vì công việc mình không thể không theo. Mệt thiệt, lại còn phải mở laptop để kiểm tra mấy rổ chứng khoán đang rớt giá nữa chứ. Giờ ngồi ở nhà uống nước lọc viết nhật ký mới thấy sót sa cho cái “ hầu bao” đang lép dần của mình. Thôi, coi như trả phí đi thực tế thị trường vậy, ráng lấy thêm hóa đơn đỏ về kê khai để giảm thuế DN, đỡ lỗ.
 Tĩnh tâm suy nghĩ mình mới thấy rõ là suy thoái kinh tế đã ngấm sâu vào đời sống, sinh hoạt của người dân SG. Các quán café “ trung lưu” vẫn đông khách, nhưng nhìn trên bàn thấy đồ uống của khách có vẻ rẻ tiền hơn, phần lớn là café đá, dừa tươi, nước suối, thuốc lá “ Con mèo…Các quán ăn bình dân lượng khách vẫn đông. Còn ở các nhà hàng sang trọng thì lượng khách giảm tới 30-40 %. Khoảng 10h tối mình ghé 1 quán bar trên đường LTT, Q.1 để “coi giò” 1 em diễn viên. Bar đầy nhân viên nhưng vắng khách ( tất nhiên giờ này còn sớm để vô bar ). Trong các siêu thị lượng khách cũng giảm 25-30 %, ít mua đồ. Chủ yếu khách vô nhìn ngắm, tránh nắng và đi nhờ wc. Cô gái bán mỹ phẩm xinh đẹp nhưng mới học hết lớp 7, lần đầu tiên nói được 1 câu rất có học: " Suy thoái xã hội anh ơi, hàng bán chậm lắm". Khoảng 3h chiều mình nghé thăm công ty của anh bạn- một doanh nghiệp khá lớn kinh doanh về dịch vụ du lịch và môi giới, đầu tư bất động sản. Ba năm trước công ty này làm ăn phát đạt, khách khứa, xe cộ vào ra tấp nập. Nay thì quang cảnh đìu hiu, chẳng thấy bảo vệ và cũng không có lễ tân đón mình như trước. Mình vô thẳng phòng giám đốc thì thấy anh bạn giám đốc đang chơi bài với mấy nhân viên. Anh ta mắc cỡ giải thích: Làm ăn thua lỗ vì vay nợ ngân hàng, giờ chỉ hoạt động cầm chừng hy vọng lãi suất giảm và suy thoái qua nhanh.
 Mặc dù phải tập chung làm việc nhưng mình vẫn cảm nhận được cái gì đó là lạ của người dân SG: Ở café Hồ Con Rùa nghe được mấy vị khách trung niên đang bàn luận đến mấy blog bị chặn như là “ Quan Làm Báo, Dân Làm Báo, Biển Đông”…Ở café trên đường Lê Lợi, bàn bên có mấy bạn trẻ đang nói chuyện về Huỳnh Thục Vy - cô gái từng bị công an bắt vì tội biểu tình chống Trung Quốc. Chuyện về cô sinh viên Phương Uyên bị công an bắt vì tội làm thơ chống Trung Quốc, chống nhà nước. Trong nhà hàng Ngọc Sương mình lại nghe lỏm được mấy vị khách lớn tuổi ( vẻ trí thức ) bàn luận về vụ án CLB nhà báo tự do. Họ nhắc đến tên Điếu Cày,  Anh Ba SG, Tạ Phong Tần, rồi cả tên nhà báo Hoàng Khương nữa…Nghe lỏm thôi mà đã thấy sợ rồi…biết đâu có ngày họ lại bắt cả “ Biển trời tự do” thì sao? Sợ quá, sợ quá thể ! Thôi, không nghe lén nữa.
 Mình thấy lạ là trước nay người SG chỉ lo làm ăn kiếm tiền rồi rong chơi, sao bây giờ lại quan tân đến chuyện xã hội thế?
 Ồ mệt quá, nghỉ thôi. Dừng viết vậy. Xong việc là mình dọt ngay về VT “tu”, nơi đó có 1 góc riêng của mình, nhưng.... chưa hẳn có được BIỂN TRỜI TỰ DO.
                                                                                           Phạm Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét