Trang

10 tháng 10, 2014

Tâm sự tác giả phim HIỆP SĨ GIỮA ĐỜI THƯỜNG


Mình là dân kinh doanh, đây là lần đầu tiên cao hứng viết kịch bản phim.
HIỆP SĨ GIỮA ĐỜI THƯỜNG viết mất hơn một năm với bao đêm thức trắng theo dòng cảm xúc. Động lực viết kịch bản này xuất phát từ thiên nhiên hùng vỹ với núi xanh, biển thẳm và những người dân chài mộc mạc, chất phác của vùng biển Bà Rịa- Vũng Tàu. Tư liệu có sẵn trong đầu của thời trai trẻ và cuộc sống phong trần trải khắp hai miền Nam Bắc. Mình cũng gửi một chút riêng tư của đời mình vào hai nhân vật trong phim là Thắng Hiệp Sĩ (khi trẻ) và Giám đốc Danh (ngày nay). Cố gắng xây dựng lối sống nhân văn mang tính giáo dục cho lớp trẻ về một xã hội nhân ái, yên bình.
Quyết tâm sản xuất phim này, mình đã thành lập Hãng phim Phú Hải và đầu tư sản xuất phim với một người góp vốn là anh G ở VT (theo tỷ lệ 50/50).
Mình đã làm nhiều việc khó, khổ như làm nông dân… đã tự thiết kế, xây dựng, quản lý chợ ở Belorussia, đối phó với Mafia Nga…nhưng chưa bao giờ mình làm việc nhiều và cực nhọc như thời gian sản xuất phim Hiệp Sĩ GIỮA ĐỜI THƯỜNG.
Tất cả trí tuệ và sức lực của mình đã trút ra để góp phần hoàn thiện bộ phim này.
Cuối cùng đứa con tinh thần của mình cũng đã ra mắt công chúng (9/9/2014)
Xin cám ơn tập th đoàn làm phim !
Hy vọng HIỆP SĨ GIỮA ĐỜI THƯỜNG sẽ được công chúng ủng hộ.
Phạm Hải

9 tháng 10, 2014

Khi quan đầu tỉnh nghênh ngang đùa giỡn dư luận

Đăng Bởi  - 

Nhà của ông Trần Phùng, 211 đường Bùi Thị Xuân, đang xây “phình bụng” ra phía đường.
Nhà của ông Trần Phùng, 211 đường Bùi Thị Xuân, đang xây “phình bụng” ra phía đường.

Quan chuyên “chăm lo” cho khối đoàn kết toàn dân thì lại đang công khai... làm chao đảo khối đoàn kết, nếu không muốn dùng từ nặng hơn.
Trên con đường mới mở ở khu Bầu Vá, Kiệt 211 - chưa biết đến khi nào nó sẽ... gặp(?) đường Bùi Thị Xuân, Phường Đúc, Huế - có hai cảnh nhức nhối “ung dung tự tại”, nghênh ngang đùa giỡn với dư luận, mỉa mai cái đúng, bỡn cợt điều nên...
Phía bên kia là đoạn đường đã trải nhựa xong nhưng bên này đất vẫn còn nham nhở. Sự thể giản dị lắm: Nhà của ông Hồ Viết Tư, đương kim Phó GĐ Sở Tư pháp, không chịu di dời bất kể tiền dân của nước đang phơi nắng, dầm sương ngóng đợi, trông chờ.
Cách đó chưa đến 50m lại một sự chềnh ềnh kệch cỡm, mà dẫu khách quan nhất cũng chẳng thể nào chịu nổi: Nhà của ông Trần Phùng, đương kim Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thừa Thiên Huế, ở ngay đầu ngã ba đường, công nhiên xây lấn – phình “bụng” ra phía lề đường gần hai mét – trong khi cả dãy nhà dân phải đập sát sạt theo đúng quy định.
Hai cảnh tượng trên thách thức kỷ cương, phép nước và chắc chắn, thách thức mọi nỗi đau của người dân. Hai ông quan phụ mẫu hàng tỉnh dường như chẳng hề biết đến cái nỗi bức xúc (phải nói thẳng là phẫn nộ) của người dân khi “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”  - thực sự là những bằng chứng rõ ràng, phản ánh không thể đầy đủ hơn về nỗi bất công.
Làm sao người dân có thể tin tưởng vào bộ máy công quyền khi quan cao nhất nhì về luật pháp thì thế, quan chuyên “chăm lo” cho khối đoàn kết toàn dân thì lại đang công khai... làm chao đảo khối đoàn kết.
Con đường dở dang đang “chờ” nhà của ông Phó GĐ Sở Tư pháp  
Ông Phó GĐ Sở Tư pháp lập luận ra sau khi tất cả mọi người dân đều chấp hành lệnh di dời từ bộ máy mà trong đó ông là một trong những thành viên chủ chốt nhưng phớt lờ cái lệnh mà chính ông là một người có trách nhiệm – thành viên gián tiếp, đã ban hành? Phải chăng vì muốn “nhà nước” bồi thường cho... tư nhân một số tiền lớn hơn nên đường cứ phải chờ nhà, dân cứ phải chờ quan?
Ông Chủ tịch Mặt trận không thể nào biện minh nổi là việc xây nhà trái quy định đó, tự nó, đã phủ định mọi điều tốt đẹp mà ông nhân danh quyền lực để rao giảng: Sự thách thức cố ý hàm nghĩa coi thường  dân, đứng trên dân, với một “đẳng cấp” khác dân(?), đã được mặc định hiển nhiên.
Sự “đùa giỡn” với kỷ cương, phép nước của hai ông quan chắc hẳn đã lâu lắm rồi nên nếu đến quán cà phê buổi sáng gần Kiệt 211, đường Bùi Thị Xuân, sẽ được nghe 4 câu vè chua chát:
Em ơi Bầu Vá có về
Kiệt thì chẳng có, đường thì cập kênh
Bởi chăng Tư tỉnh (quan tỉnh) tư tình
Cùng ông Phùng trận (mặt trận) muốn phình bụng ra...
Đừng hy vọng có được niềm tin, sự ủng hộ của dân khi quan chức cứ lộng hành, tung tăng mọi thứ quyền lực. Các cơ quan có trách nhiệm về xây dựng, quy tắc đô thị... trả lời sao trước những sự thật phản văn hóa trên đây?
 Hà Văn Thịnh

Hội An đang 'trượt dần' xuống biển

Đăng Bởi  - 

Biển xâm thực mạnh ở Hội An. Ảnh: L.Đ.Dũng.
Biển xâm thực mạnh ở Hội An. Ảnh: L.Đ.Dũng.
Có mặt tại bờ biển Hội An dọc Cửa Đại lên đến gần huyện Điện Bàn, chúng tôi ghi nhận tình trạng biển đang xâm thực dữ dội vào bờ biển thành phố cổ này. Người dân cho biết, chỉ trong 3 ngày gần đây, biển đã ăn sâu vào đất liền vài mét. 
Rất xót xa, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam) nói với tôi: “Năm 2007, anh là Trưởng ban chỉ huy PCLB thành phố, xuống chỉ đạo diễn tập phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn ở bờ biển Cửa Đại dọc đoạn đường 603 (là đường du lịch). Từ đoạn đường du lịch đi ra vị trí đứng chỉ huy là 150m. Nhưng giờ mình xuống đứng trên tuyến đường đó để kiểm tra thì nước biển đã chảy tràn dưới chân rồi. 7 năm, biển đã lấn sâu vào bờ 150m!
Kinh hoàng biển dữ
Có mặt tại bờ biển Hội An dọc Cửa Đại lên đến gần huyện Điện Bàn, chúng tôi ghi nhận tình trạng biển đang xâm thực dữ dội vào bờ biển thành phố cổ này. Người dân cho biết, chỉ trong 3 ngày gần đây, biển đã ăn sâu vào đất liền vài mét.
Từ bờ biển dọc bãi tắm công cộng Cửa Đại xuống tới khu du lịch Victoria, hằng ngày, dù trời nắng, sóng biển vẫn đánh vào bờ dữ dội.
 Theo ông Dũng, 7 năm biển đã lấn vào bờ biển Hội An 150m. Ảnh: L.Đ.Dũng.
Anh Nguyễn Văn Đông, một người bán hàng ăn uống chỉ ra xa phía biển tầm hơn chục mét nói, trước giờ tôi bán đồ nhậu vào buổi chiều ở đây, khách còn ngồi tràn vào ngoài xa kia; vậy mà vài ngày nay biển nó ăn sát vào rặng dừa này rồi.
Anh Đông cho biết, với tình trạng này, chỉ cần mùa mưa bão tới đây, hàng dừa bên đường Âu Cơ này cũng sẽ bị cuốn phăng ra biển.
 Một cây dừa vừa bị sóng cuốn ngã. Ảnh: L.Đ.Dũng.
Tốc độ biển xâm thực ở đây đang tính từng ngày. Sóng từng lớp cuồn cuộn đánh vào dữ dội. Cứ lâu lâu lại có một cây dừa bị sóng quật xuống. Rõ nhất là khuôn viên biển phía trước Hội An beach resort. Tại đây, người ta đang hối hả dồn bao cát, đóng trụ sắt để chắn sóng đánh vào nhưng không đủ trước sức mạnh sóng biển. Những hàng dừa liên tiếp bị nước kéo xuống. Để giữ cây, người ta đã phải cho giằng dây thừng níu các cây lại, giữ được cây nào hay cây đó.
Phía khách sạn Victoria Hoi An Resort & Spa, doanh nghiệp cũng đang thuê nhân công hối hả chở đá để lấp giữ kè. Bảo vệ ngồi trong buồng canh, sóng từng cơn đánh trùm lên chực kéo xuống.
Xa về phía cảng Cửa Đại, hai khu resort là Fusion Alya và Vinpearl Hội An đang sụp đổ dần từng hạng mục.
 Resort Fusion Alya bị nhấn chìm xuống biển. Ảnh: L.Đ.Dũng.
Rõ nhất là khu resort Fusion Alya. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Fusion Alya có 50 cái biệt thự, một cái như vậy ít nhất có giá 2,5 tỉ đồng. Tính ra, từ khi xây dựng đến nay doanh nghiệp này đã bỏ ra vài trăm tỉ xây dựng nhưng vì bị biển xâm thực dữ dội nên đành phải ngừng thi công. Những hạng mục nhà liền kề khác cũng không thể nghiệm thu được.
Tại đây, mọi thứ gần như đã bị bỏ hoang. Chỉ có vài người bảo vệ được thuê canh giữ. Những ngôi nhà sát biển bị sóng đánh sập tan hoang, những khối bê tông đồ sộ dần trôi ra biển. Nước tiếp tục ăn sâu vào.
“Hai khu resort này, 3 năm nay người ta phải gia cố giữ đất nhưng giữ không nổi nên giờ phải bỏ. Tính ra tiền bỏ ra để khắc phục không đủ bù lỗ, người ta chán không muốn giữ nữa”, ông Dũng cho biết thêm.
 Chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP.Hội An đang hối hả chống biển xâm thực. Ảnh: L.Đ.Dũng.
Tại hiện trường, ông Lê Đình Dương, Trưởng ban chỉ huy đơn vị bảo vệ biển Cửa Đại cho biết: “Hiện tại, chúng tôi thực hiện kè 300m khẩn cấp, dùng bao cát, đá kè các vị trí có nguy cơ sạt lở với mỗi 1m3 cát/bao. Gần một tháng qua, chúng tôi đã huy động 60 công nhân làm ngày đêm trước khi bão đến; cứ 3 ngày phải hoàn thành thực hiện 10m. Để chống sóng, chúng tôi đã đóng cọc cừ lá sen làm bờ xây với chiều dài 8m, đóng sâu xuống 4m; sau đó tiếp tục đóng ở các khu vực khác. Toàn bộ công trình sử dụng khoảng 3 ngàn bao địa kỹ thuật được nhập từ Hà Lan nên kinh phí chỉ có thể vừa làm đến đâu tính đến đó”.
Theo đơn vị thi công, việc khó khăn nhất trong thi công là điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Để đảm bảo tiến độ, công nhân phải vừa làm, vừa sống luôn tại vùng biển ngày cũng như đêm và huy động 2 máy xúc, xe tải để làm thật nhanh.
Hậu quả của việc chống lại thiên nhiên
Những khách sạn, resort ở Hội An đều đang nằm ngay sát biển. Trước đó, khi cho quy hoạch, chân những công trình này cách xa mép biển phải đến 150m.
 Biển đang nuốt dần Hội An. Ảnh: L.Đ.Dũng.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, hậu quả đang xảy ra là xuất phát từ việc chống lại thiên nhiên.
Cụ thể, khi quy hoạch xây dựng các resort, khách sạn dọc bờ biển, cơ quan chức năng đã tạo khoảng cách từ khu xây dựng đến bờ biển trung bình khoảng 150m. Và dọc bãi biển này, trước đây là cả một rừng dương, cây trồng thêm.
Thế nhưng, khi triển khai xây dựng, các doanh nghiệp đã cho san bằng toàn bộ nhằm thi công cho dễ. Nhưng lợi bất cập hại, đến nay biển đã ăn sát vào chân các công trình này.
 Các resort, khách sạn ở Hội An nay đều ở bên chân biển. Ảnh: L.Đ.Dũng.
“Cái khác trong quy hoạch xây dựng, kinh doanh ở chúng ta là không nương vào thiên nhiên, chống lại thiên nhiên. Điều này trái với cách làm ở nước ngoài. Cũng bãi biển đó, cũng những rừng chắn sóng đó thì người ta quy hoạch giữ lại và nương vào nó để tạo cảnh quan, như vậy mới bền vững”, ông Dũng nói.
Cũng theo vị này, chỉ cách đây vài năm, đất dọc biển Hội An, doanh ngiệp người ta sắp hàng xin vào đầu tư nhưng nay thì ai cũng ngán ngẩm vì lo sợ trước tình trạng xâm thực.
 Hậu quả của việc chống lại thiên nhiên. Ảnh: L.Đ.Dũng.
Hiện tại, Hội An có hơn 7km bờ biển du lịch; trong đó có khoảng 300m ở bãi tắm Cửa Đại có tốc độ bị xói lở 2-3m/ngày. Khoảng 137m bờ biển giữa hai khu resort Fusion Alya và Vinpearl Hội An có mức đầu tư 15 tỉ để xây dựng hệ thống kè sẽ hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay.
Để giải quyết tình hình cấp bách trước mắt, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương hỗ trợ TP.Hội An khoảng 10 tỉ đồng để triển khai xử lý đoạn sạt lở ở bãi tắm Cửa Đại.
 Việc xây kè biển chống xâm thực ở Hội An sẽ rất khó khăn. Ảnh: L.Đ.Dũng.
Tính về mặt kinh tế, ông Dũng cho rằng: “Biển Hội An là khu vực bị xâm thực mạnh do dòng chảy của biển ăn sát vào bờ. Nếu muốn giữ đất thì cần phải xây dựng hệ thống kè biển xuyên suốt. Tình trạng hiện nay là nguồn vốn không có nên cứ xin ngân sách làm được ở chỗ này thì chỗ kia lại bị sạt. Như vậy vừa rất tốn tiền vừa lại không hiệu quả”.
Với tính chất cấp bách, tỉnh Quảng Nam đang giao cho sở Xây dựng nghiên cứu, đánh giá lại hệ thống bờ kè ở Hội An. Việc này chỉ mang tính chất giải quyết hậu quả ban đầu, tức là trước đây khi quy hoạch xây dựng hệ thống khách sạn bờ biển, chưa có một chuyên gia, đánh giá cụ thể về dòng biển và tình trạng xâm thực ở Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung. 
 Để mất rừng cây chống gió, giữ đất khiến Hội An đang gặp hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: L.Đ.Dũng.
“Hội An là thành phố du lịch, nguồn thu cho ngân sách là từ dịch vụ. Do đó, mong muốn của chúng tôi là làm sao có được nguồn vốn để hoàn thành tuyến kè biển, như vậy mới giải quyết triệt để được vấn nạn xâm thực; khi đó doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư và du khách yên tâm ở lại”, ông Dũng, nói.
Lê Đình Dũng 

Đường băng TQ ở Hoàng Sa là vô giá trị

 - Hành động xây dựng đường băng của phía Trung Quốc là vô giá trị, không thể làm thay đổi thực tế là Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 7/10, mạng Tin tức Hải Nam (Trung Quốc) đưa tin Trung Quốc đã hoàn tất việc mở rộng cảnh quan, xây dựng đường băng có chiều dài 2.000m cùng các trang thiết bị hỗ trợ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
TQ, Hoàng Sa, chủ quyền, Biển Đông
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình. Ảnh: VOV
Hôm nay, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước hành động nêu trên của phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hành động trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc ký tháng 10/2011, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước; vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm căng thẳng và phức tạp, không có lợi cho việc phát triển mối quan hệ giữa hai nước.
Hành động nêu trên của Trung Quốc là vô giá trị, không thể làm thay đổi thực tế là Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động phi pháp này của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không để tái diễn những hành động sai trái tương tự, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông".
PV

Nợ nhiều, ăn hết lấy đâu đầu tư

10/10/2014 07:58 GMT+7
TT - "Trước đây, chi trả nợ duy trì ở mức 11-12% tổng chi ngân sách nhà nước, song từ năm 2012 đã phải thực hiện vay đảo nợ với tổng số năm sau cao hơn năm trước."
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tình hình thu chi ngân sách - Ảnh: V.Dũng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tình hình thu chi ngân sách - Ảnh: V.Dũng
Từ Chủ tịch, phó chủ tịch Quốc hội cho đến các chuyên gia, người dân không khỏi sốt ruột sau khi bộ trưởng Bộ Tài chính và chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách trình bày báo cáo và báo cáo thẩm tra tình hình thu chi ngân sách năm 2014, kế hoạch 2015 tại phiên họp thường vụ Quốc hội ngày 9-10.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết ngân sách cân đối rất căng thẳng, bội chi cao hơn mức đầu tư phát triển, phải vay để đảo nợ, không bố trí được nguồn để tăng lương...
Nợ đè lên đầu lên cổ
72% ngân sách dành cho chi thường xuyên, còn lại chưa đến 30% phải vừa dành đầu tư phát triển, vừa trả nợ vừa làm những việc khác. Đấy là một cái ngân sách có cơ cấu rất xấu. Từ đó phải vay, phải tăng bội chi, phải phát hành trái phiếu, rồi phải đảo nợ... 
Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN SINH HÙNG
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, từ năm 2012 trở về trước, do cân đối được ngân sách nên dự toán chi đầu tư phát triển bố trí cao hơn mức bội chi ngân sách nhà nước hằng năm.
Năm 2013, do kinh tế khó khăn, tăng trưởng thấp, nhu cầu chi thực hiện các chính sách xã hội và tiền lương tăng cao nên để bố trí chi đầu tư phát triển cao hơn bội chi ngân sách nhà nước đã phải bố trí chi trả nợ thấp hơn mức yêu cầu, đồng thời phải kết hợp với phát hành đảo nợ khoảng 40.000 tỉ đồng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng báo cáo: “Năm 2014 nhu cầu chi trả nợ lớn do tăng vay để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ nên dự toán bố trí trả nợ cao hơn năm 2013 là 15.000 tỉ đồng và phải phát hành đảo nợ khoảng 70.000 tỉ đồng, chi đầu tư phát triển vẫn phải bố trí thấp hơn bội chi ngân sách nhà nước."
"Năm 2015 và vài năm tới ngân sách còn nhiều khó khăn, chi trả nợ, chi thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội tăng nhanh nên vẫn chưa thể bố trí chi đầu tư phát triển theo yêu cầu của Đảng và nghị quyết của Quốc hội” - ông Dũng thừa nhận.
Trong khi nghị quyết của Quốc hội yêu cầu năm 2015 bội chi ngân sách ở mức 4,5%, kể cả trái phiếu chính phủ, thì Chính phủ đề nghị bội chi 5% và chưa kể trái phiếu (nếu cộng cả khoản trái phiếu chính phủ thì bội chi ngân sách 2015 sẽ lên đến 7%).
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - ngân sách do Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển trình bày cũng cho thấy sự sốt ruột trước tình trạng chi đầu tư phát triển giảm quá nhanh so với giai đoạn trước.
“Trước đây, chi trả nợ duy trì ở mức 11-12% tổng chi ngân sách nhà nước, song từ năm 2012 đã phải thực hiện vay đảo nợ với tổng số năm sau cao hơn năm trước. Đây là dấu hiệu không lành mạnh, đòi hỏi phải kiểm soát rất thận trọng, chặt chẽ các khoản vay và trả nợ để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia” - Ủy ban Tài chính - ngân sách cảnh báo.
Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lên tiếng: “Sang năm các đồng chí thấy nợ công đã ở mức hơn 64% rồi, không được trên 65%. Thế đến năm 2015 xơi hết rồi thì đến năm 2016, 2020 lấy gì mà bội chi, lấy gì mà phát triển nữa?”.
Ông nói: “Các đồng chí phải đặt ra những vấn đề từ khó khăn này để tìm ra cách giải căn bản, lâu dài bài toán cân đối ngân sách. Tôi thấy xấu lắm rồi. Bây giờ thu được đồng nào các đồng chí đem xài hết, thứ hai là đầu tư các đồng chí giảm đi, thứ ba là cứ vay thêm ào ào. Như vậy thì một là không phát triển được đất nước, hai là trả nợ không được."
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng  gay gắt: "Bài toán tài chính năm năm tới các đồng chí phải tính ngay từ bây giờ... Tôi nói tính thế nào thì tính nhưng phải trở lại tinh thần 50% chi thường xuyên, 30% chi đầu tư phát triển và 20% trả nợ. Trước đây chúng ta vay dài hạn 10, 15, 20 năm, bây giờ các đồng chí phát hành trái phiếu chỉ có hai, ba năm và thậm chí chỉ một năm, vậy cái việc trả nợ nó đè lên đầu lên cổ làm sao mà sống được”.
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Trước đây chúng ta vay dài hạn 10, 15, 20 năm, bây giờ phát hành trái phiếu chỉ có hai, ba năm và thậm chí chỉ một năm, vậy cái việc trả nợ nó đè lên đầu lên cổ làm sao mà sống được" - Ảnh: TTXVN
Chưa thể tăng lương
Chi trả nợ tăng 30% so với cùng kỳ năm trước
Chín tháng đầu năm thu ngân sách được 636.000 tỉ đồng, đạt hơn 81% dự toán. Đáng mừng là thu nội địa tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2013 cho thấy sức khỏe doanh nghiệp đã phục hồi, nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Bà Vũ Thị Mai, thứ trưởng Bộ Tài chính, thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tài chính chiều 9-10. Bộ Tài chính ước tổng số thu cả năm sẽ vượt 9% so với dự toán.
Tuy nhiên trao đổi với báo giới, bà Mai cho biết số thu vượt dự toán sẽ dành một phần để tăng chi trả nợ. Chín tháng đầu năm nay, thực hiện chi trả nợ, viện trợ trên 101.000 tỉ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
L.THANH
“Do cân đối ngân sách nhà nước năm 2015 khó khăn như nêu trên nên chưa bố trí được ngân sách cải cách tiền lương, không có điều kiện điều chỉnh tiền lương cơ sở” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Trong khi đó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhắc Chính phủ “phải thu xếp trả nợ bảo hiểm xã hội 22.500 tỉ đồng”, đây là khoản tiền ngân sách mà Chính phủ phải nộp vào quỹ để trả lương cho người về hưu.
“Năm 2014 đã hoãn lộ trình tăng lương, năm 2015 Chính phủ cũng báo cáo không bố trí được nguồn để thực hiện. Có một số ý kiến và dư luận cũng băn khoăn về việc này” - Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị: “Các đồng chí trở lại bài toán cơ bản đi, đừng quên những bài toán cơ bản. Cân bằng thu chi, thu lấy mà chi, không phát hành (thêm tiền) để chi, không vay quá nhiều để chi... Làm sao để có tích lũy mà tiêu dùng, làm ra có của ăn phải có của để chứ. Bây giờ mình ăn hết rồi thì lấy đâu mà đầu tư. Ăn hết rồi mà lại không có lương thì tôi chẳng hiểu thế nào. Bài toán đó các đồng chí phải tính chứ”.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Không tăng lương với mấy ông đang đi làm như tôi hay các đồng chí, hay kêu gọi tinh thần cán bộ công nhân viên chức còn được, nhưng các cụ về hưu, những người có công với cách mạng mà các đồng chí nói không giải quyết gì cả thì sao được. Các đồng chí phải tính lại cơ cấu chi, tôi lấy ví dụ chi thường xuyên cho Văn phòng Quốc hội là 100 thì ông phải dành một khoản để giải quyết lương. Ông không giải quyết lương cao cho Chủ tịch Quốc hội thì ông phải giải quyết lương thấp cho người thu nhập có 2, 3 triệu đồng/tháng”.
Hơn 210.000 doanh nghiệp báo lỗ
Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định tình hình kinh tế - xã hội trong chín tháng năm nay tiếp tục có chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực.
Nền kinh tế tiếp tục phục hồi với tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Tăng trưởng kinh tế chín tháng đạt 5,62%. Thu ngân sách nhà nước đạt cao so với cùng kỳ những năm gần đây.
Việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế, với trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực...
Thừa nhận những điểm tích cực như trên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế chỉ ra những điểm khó khăn, bất cập nổi lên trong năm nay, đặc biệt số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động vẫn lớn (chín tháng năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới là 52.525, số doanh nghiệp giải thể, phá sản là 51.244, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 18.873). “
Có 213.000 doanh nghiệp kê khai lỗ không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp, chiếm 68,6% tổng số doanh nghiệp nộp tờ khai. Số nợ thuế khó thu tăng 7,3% so với cuối năm 2013” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết.
Cùng với đó là việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiệu quả chưa cao, khoảng 17% so với kế hoạch. Tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trở lại.
Ủy ban Kinh tế nêu những băn khoăn: “Về mối quan hệ giữa các chỉ tiêu như tại sao tổng mức đầu tư toàn xã hội giảm, doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động mấy năm nay rất lớn mà tăng trưởng vẫn tăng cao hơn các năm trước, trong khi tăng trưởng kinh tế còn dựa vào vốn đầu tư.  Nhiều ý kiến cho rằng với tình hình khó khăn doanh nghiệp như trên song chỉ tiêu tạo việc làm mới năm nào cũng đạt xấp xỉ 1,6 triệu lao động là chưa thuyết phục. Một số ý kiến cho rằng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GDP quý 3 tăng 6,19% là chưa thuyết phục vì chưa làm rõ được nguồn lực nào tạo tăng trưởng đột biến”.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải thích việc khai thác vượt kế hoạch khoảng 1 triệu tấn dầu thô đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng GDP năm nay.
Đánh giá tổng quát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Điều quan trọng là mình thấy một năm khá là tốt, cả về quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội... Nhưng hạn chế, yếu kém vẫn còn nhiều. Nợ công là mối đe dọa, cân đối ngân sách chưa tích cực, sức cạnh tranh còn yếu, năng suất lao động xã hội rất thấp. Hàng loạt nguyên liệu, máy móc vẫn phải nhập khẩu... Tôi thấy nhiệm vụ năm 2015 là nặng nề. Vốn đầu tư toàn xã hội năm 2015 đưa ra kế hoạch là 28% GDP, tôi đề nghị phải tăng lên 30%, nếu không thì mục tiêu tăng trưởng 6,2% rất khó. Ngân sách của chúng ta vẫn còn chi tiêu lãng phí ở chỗ này chỗ kia thì bớt đi, đưa vào đây để đầu tư được không?”.
Đại biểu CAO SỸ KIÊM (ủy viên Ủy ban Kinh tế):
Tốt nhất là siết chặt kỷ luật thu chi
Các con số, chỉ số như vậy cho thấy tình hình ngân sách rất căng thẳng, đúng như Chủ tịch Quốc hội nói là rất xấu. Xu hướng khó khăn, mất cân đối thu chi đã diễn ra nhiều năm, nhưng điều đáng chú ý là ngày càng trầm trọng bởi nhu cầu chi luôn tăng cao, thậm chí chi luôn vượt dự toán nhưng thu vẫn rất khó khăn. Ba năm liên tiếp không những bội chi ở mức cao mà chúng ta phải đi vay để đảo nợ. Đây là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, nó cũng giống như một gia đình túng quẫn cứ phải vay chỗ này “đập” vào chỗ kia, chứ đồng vốn đi vay ấy không phải để dành cho đầu tư, cho phát triển.
Việc không bố trí được nguồn tiền để thực hiện tăng lương theo lộ trình rất đáng suy nghĩ, bởi nó sẽ gây ra nhiều tâm tư trong xã hội. Nợ công đã tiến đến giới hạn được cảnh báo, do đó Quốc hội càng phải thận trọng hơn trong việc quyết định từng khoản chi, đại biểu sẽ khó khăn hơn mỗi khi phải bấm nút quyết định những dự án lớn như chủ trương đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành mà Chính phủ vừa trình.
Về lối ra thì không còn cách nào khác, tốt nhất vẫn phải là siết chặt kỷ luật thu chi. Tôi nghĩ chúng ta vẫn còn dư địa để tăng thu cho ngân sách nếu chúng ta siết chặt kỷ luật, tính toán lại các nguồn thu, không để tình trạng rơi rụng, lách luật, ăn chia, trốn thuế, nợ đọng... Trong chi tiêu càng phải kiểm soát tốt, chấm dứt tình trạng chi vung tay, vượt dự toán, lãng phí, thiếu minh bạch, thiếu hiệu quả.
TS PHẠM THẾ ANH (trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội):
Tiết kiệm chi, bán bớt doanh nghiệp nhà nước
Đã đến lúc phải thắt chặt chi tiêu. Thứ nhất là giảm biên chế, giảm chi thường xuyên. Thứ hai là bán bớt doanh nghiệp nhà nước. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp nhà nước cơ bản không tạo nguồn thu ngân sách thì nên bán bớt. Bán doanh nghiệp nhà nước cũng giúp tăng hiệu quả, từ đó tăng thu ngân sách.
Trong những vấn đề tạo nên tình hình hiện nay, tôi thấy cần phải xem xét lại cơ cấu phân bổ ngân sách cho các địa phương và phương thức chi tiêu trái phiếu chính phủ. Hiện nay, phân bổ ngân sách địa phương có theo tiêu chí dựa trên thu của địa phương đó không, tiêu chí thế nào theo tôi chưa thật rõ ràng. Các địa phương vẫn muốn có nhiều dự án để chi. Chi trái phiếu chính phủ cũng chưa được đưa vào danh mục chi ngân sách, vì vậy việc thẩm định, giám sát không được như chi ngân sách. Như việc xây sân bay Long Thành cũng thuộc dạng này, không có đủ thẩm định, phản biện, được xây dựng dựa trên ý chí một số người.
LÊ KIÊN - CẦM VĂN KÌNH ghi
LÊ KIÊN

Câu trả lời cho sự biến mất của Kim Jong-un

Lễ kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động, một sự kiện rất quan trọng mà ông Kim Jong-un chưa từng vắng mặt kể từ khi nắm quyền, diễn ra vào ngày mai có thể là điểm mấu chốt trả lời cho những nghi hoặc về sự biến mất của nhà lãnh đạo Triều Tiên. 
s4-reutersmedia-net-Kim-jpeg-3046-141285
Ông Kim Jong-un thăm điện Kumsusan ở Bình Nhưỡng hôm 27/7. Ảnh: Reuters
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã không chính thức xuất hiện trước công chúng hơn một tháng nay. Nếu ông tiếp tục vắng mặt trong sự kiện chính trị quan trọng vào ngày mai, những đồn đoán nhằm vào tình hình sức khỏe cũng như khả năng nắm giữ quyền lực của ông Kim tại Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục gia tăng, theo Reuters.
Ngày mai là kỷ niệm 69 năm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên, một sự kiện mà ông Kim hai năm qua đều ghi dấu bằng việc tổ chức một chuyến thăm sau nửa đêm tới lăng Bình Nhưỡng, nơi cha và ông nội ông được chôn cất.
Cơ quan truyền thông nhà nước Triều Tiên thường đưa tin khá chi tiết về cuộc sống của ông Kim Jong-un nhưng từ hôm 3/9 họ chưa đề cập đến bất cứ hoạt động nào của vị lãnh đạo trẻ.
Ông Kim có dấu hiệu đi khập khiễng trong một sự kiện hồi tháng 7. Hôm 25/9, lần đầu tiên sau ba năm kể từ khi nắm quyền, ông vắng mặt trong cuộc họp quan trọng của quốc hội.
"Nếu ngày mai ông ấy không xuất hiện, đó sẽ là cơ sở cho những suy luận rằng lãnh đạo trẻ Triều Tiên bằng cách này hay cách khác đang rơi vào thời kỳ khó khăn", Reuters dẫn lời Curtis Melvin, nhà nghiên cứu tại Viện Mỹ-Hàn từ trường Johns Hopskins thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế ở Washington, nói. "Kim biến mất khỏi tầm mắt của công chúng càng lâu thì sự không chắc chắn về số phận cũng như chế độ của ông sẽ càng tăng lên".
Truyền thông nhà nước trước đây thường đưa tin về cố lãnh đạo Kim Jong-il, cha của Kim Jong-un, khi ông tham dự các buổi tiệc hay tới thăm nhà máy vào ngày lễ kỷ niệm 10/10, theo thông tin lưu trữ từ báo chí.
Giới chức Bình Nhưỡng đã phủ nhận việc vắng mặt của ông Kim có liên quan đến vấn đề sức khỏe. Một quan chức Mỹ theo dõi sát tình hình Triều Tiên cho rằng không có dấu hiệu nào chứng tỏ ông Kim bị bệnh nặng hay gặp rắc rối về chính trị.
Những suy đoán cho rằng ông Kim vắng mặt do vấn đề sức khỏe xuất phát từ một thông báo của kênh truyền hình nhà nước Triều Tiên cuối tháng trước nói ông Kim đang cảm thấy "khó chịu".
Nhiều quan sát viên nhận định Kim có thể bị đẩy sang một bên trong cuộc đấu tranh quyền lực. Kịch bản này càng được củng cố với chuyến thăm bất thường hôm 4/10 của một phái đoàn cấp cao Triều Tiên tới Hàn Quốc để tham dự lễ bế mạc đại hội thể thao châu Á.
Đây không phải lần đầu tiên ông Kim Jong-un biến mất trước công chúng. Hồi tháng 6/2012, chỉ 6 tháng sau khi lên nắm quyền lực, truyền thông nhà nước cũng không đưa bất kỳ bản tin hay hình ảnh nào của ông trong 23 ngày. Ông tái xuất hiện vào tháng sau đó tại một bể nuôi cá heo.
Tờ Rodong Sinmun, một ấn bản của đảng Lao động Triều Tiên, từng đăng tải ba bức thư từ đồng minh nước ngoài gửi tới ông Kim trên trang nhất. Báo này cũng đưa tin việc các vận động viên trở về từ đại hội thể thao châu Á cảm ơn nhà lãnh đạo vì sự ủng hộ của ông trong suốt cuộc thi.
Andray Abrahamian, từ tổ chức Chosun  Exchange, nhóm đang thực hiện một dự án hỗ trợ người Triều Tiên ở Đông Nam Á, tin rằng sự vắng mặt của Kim thật sự vì lý do sức khỏe, ông không hề bị lật đổ. "Kim Jong-un vẫn luôn chia sẻ quyền lực với các nhân vật chủ chốt khác. Thậm chí, nếu hệ thống quyền lực nội bộ có thay đổi thì họ dường như cũng không muốn loại bỏ ông bởi giá trị hình tượng to lớn ông mang lại. Một lần nữa, tất cả mọi người vẫn chỉ đang suy đoán".
Vũ Hoàng (theo Reuters)

Khoảnh khắc đẹp về Hà Nội qua các thời kỳ

60 bức ảnh là 60 khoảnh khắc đẹp về Hà Nội từ khi mới giải phóng đến hôm nay, được trưng bày "mở" trên vỉa hè đường Lê Thái Tổ, bên bờ Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm).
Triển lãm ảnh chủ đề "Thủ đô anh hùng - 60 năm xây dựng và phát triển" diễn ra từ ngày 8 đến 12/10 giới thiệu 60 khoảnh khắc đặc sắc về Hà Nội từ năm 1954 tới nay. Các tác phẩm được báo Hà Nội Mới, đơn vị tổ chức triển lãm,trình bày trên một không gian mở bên Hồ Gươm, tại 44 Lê Thái Tổ.
 
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” tháng 5/1954, Pháp ký Hiệp định Giơnevơ chấp nhận rút quân về nước. Ngày 10/10/1954, đoàn quân giải phóng tiến về tiếp quản thủ đô trong sự đón mừng của người dân Hà Nội.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh góp ý vào bản dự án quy hoạch thủ đô Hà Nội, tháng 11/1959. Thời kỳ này miền Bắc còn nhiều khó khăn, trong khi tại miền Nam, Mỹ từng bước thiết lập chế độ thực dân kiểu mới.
 
Cuối tháng 12/1972, Mỹ thực hiện chiến dịch ném bom rải thảm hủy diệt các thành phố lớn ở miền Bắc, thủ đô bước vào "12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không". Người Hà Nội kiên cường trong mưa bom, bão đạn. Cảnh mua bán tại một quầy hàng lưu động trên phố Yết Kiêu diễn ra xen giữa những đợt bom Mỹ.
 
Thủ đô thời bình, Quốc kỳ tung bay trên Cột cờ Hà Nội.
 
Phía Tây - Tây Bắc Hà Nội nhìn từ trên cao. Diện mạo thành phố thay đổi nhanh chóng, ngày càng hiện đại.
 
Không gian đô thị Hà Nội ngày càng mở rộng.
 
Đại lộ Thăng Long và đường trên cao (Phạm Hùng).
 
Cầu Nhật Tân - cầu dây văng dài nhất Việt Nam - đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng.
 
Quý Đoàn