Trang

21 tháng 2, 2016

Đệ nhất lừa và Hà Hồ vồ kim cương

Tin khó tin
Leonardo Di Caprio vừa gửi thư xin lỗi khán giả vì đã lỡ thủ vai kẻ lừa đảo trứ danh Frank Abagnale trong bộ phim bom tấn “Hãy bắt tôi nếu có thể “. Anh ân hận bởi Frank Abagnale chỉ là muỗi mòng so với Lê Xuân Giang, thánh đa cấp thực hiện cú lừa thế kỷ ngót 1.900 tỷ đồng. Nhưng Tin khó tin còn nhiều câu chuyện khác hấp dẫn như: Hà Hồ vồ kim cương, hoàng tôn đi phụ hồ cùng bức tâm thư gửi Bí thư và đặc biệt là sử Việt mới được chép lại: Ngô Quyền đại thắng quân Nguyên!
1 .Đệ nhất lừa
Thưa Victor Vũ, Charlie Nguyễn, Quang Dũng, Lê Hoàng… các anh đừng bận tâm, kịch bản cho bom tấn cỡ “Hãy bắt tôi nếu có thể” vừa xuất hiện. Leonardo Di Caprio chắc cũng rất thèm một vai cỡ Lê Xuân Giang. Nghe đâu kẻ lừa đảo thế kỷ Frank Abagnale lừng danh địa cầu được mấy ông Mỹ tái hiện trong bộ phim trên tốn cả chục năm chỉ lừa được 20 triệu đô. 
Con số lẻ so với 1.900 tỷ (84,4 triệu đô) mà Giang đã lừa của bốn mươi năm ngàn nạn nhân một năm qua. Lúc bị bắt Giang còn nhõn 45 tỷ, đủ để mỗi nạn nhân chia nhau người một triệu. Nguyễn Văn Mười Hai cũng lạy bằng cụ, còn mấy anh đa cấp vớ vẩn đừng đua đòi với thánh lừa Lê Xuân Giang.
Đệ nhất lừa Lê Xuân Giang. Ảnh lkv.com.vn
Tôi cũng không hiểu sao muỗi như Frank Abagnale, kẻ phải chui lủi, đội lốt hết người này đến người khác lừa được ngần ấy mà Tây tôn làm huyền thoại, phim sách lung tung. Giang nhà ta ngang nhiên đi Đông về Tây, tuyên truyền rầm rộ, mạo danh công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng, đón bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, treo ảnh lãnh đạo Công ty chụp với VIP… Người ta không ngạc nhiên khi Giang bị tóm chỉ vỗ trán sao mãi giờ này anh ta mới tra tay vào còng. Xin hỏi nhỏ, mấy bác từng ủng hộ Giang có biết thánh này sẽ nổi danh thiên hạ đệ nhất lừa không ạ?
2. Hà Hồ vồ Kim Cương
Trong lúc nhiều chân dài ủng hộ Hà Hồ cặp đại gia có vợ thì các mẹ bỉm sữa nổi bão với nàng- gương mặt thân quen của những em thích chồng người ta. Cuộc chiến bất phân thắng bại dưới sự cổ vũ của nhiều nhà đạo đức, đông đảo còm sĩ, một số a dua…chưa biết hồi kết nhưng đã sản sinh ra nhiều bài còm rất chát. Đây vè trên face Duong Tieu:
Làm vợ phải như Hà Hồ
Đôla xuống giá thì vồ kim cương
Làm chồng phải như bạn Khoa
Nghìn kim cương đổi em Hà cũng nghe
Hà Hồ đang "vồ" kim cương. Ảnh soha.vn
Thêm bình phẩm của PGS- TS tâm lý học Trịnh Hoà Bình “Hà Hồ cũng là con người, lại là người thông minh, chắc hẳn nhìn thấy nhiều hơn rất nhiều ở vị đại gia kim cương. Vì rõ ràng, đôla thì không thể bằng được kim cương!”. 
Và status mới tối qua từ face Hằng Thanh “…Cực kỳ bài bản. Vừa ngọt ngào, vừa cay độc. Đọc cũng đủ thấy sự tử tế thấm đẫm thuốc độc. Diễn vô cùng chuyên nghiệp như một nạn nhân thật sự. Đúng là đàn bà dễ có mấy tay". Còn với tôi, bản chất tình yêu không có tội, có chăng là tội của De Beers. Ai bảo cứ gieo mãi vào não kim cương lấp lánh nghìn mặt …
Hà Hồ đang vồ kim cương. Ảnh soha.vn

3. Tâm thư gửi Bí thư Đinh La Thăng
"Lực lượng vũ trang của ta rất hùng mạnh, tại sao đánh thắng ngoại xâm mà lại không dẹp nổi đám thảo khấu nhãi nhép hoành hành trong lòng thành phố mình?! ". Công dân hỏi câu trên đang ở TPHCM quý vị ạ!
Một tên cướp bị CSGT và người dân TP HCM hạ gục. Ảnh plo.vn
Xin trích thêm tâm thư của nhà báo Đoàn Quý Lâm (VTV) gửi Bí Thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng “…Ông hãy vi hành cùng một hiệp sĩ đường phố, và họ sẽ chỉ cho ông xem bọn cướp nhiều đến cỡ nào. Chúng rình rập người dân, cưỡng cướp phụ nữ và cả đàn ông trên từng km đường, từng góc phố. Mất tài sản đã đành, nhiều tai họa theo đó mà ra: tai nạn, thương tích, mất mạng, đau khổ, kinh sợ, bất an, mất niềm tin…”
Trước tâm thư ít ngày, Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo CA TPHCM trong 3 tháng phải giảm tội phạm, đặc biệt là trộm cướp. Kết quả ra sao hồi sau sẽ rõ nhưng cứ vương vấn: sao trộm cướp lại lộng hành lâu năm thế nhỉ? Ai biết xin giơ tay trả lời, không chỉ cho riêng tôi đâu nhé! Trong khi chờ hạ hồi phân giải, hy vọng nếu trộm cướp còn tung hoành người phải đi như vụ biển báo chứ nhỉ?
4. Nghèo như cháu vua
Con vua thì lại làm vua? Không đâu, vì cha chẳng làm vua được nên cháu nội Thành Thái đang trong hoàn cảnh nghèo túng khó tin ngay tại Sài Gòn. Ông Nguyễn Phước Bảo Thành, con trai của Hoàng tử Vĩnh Du, một trong 9 người con của vua Thành Thái đang trọ trong căn phòng tồi tàn mà khi khách đến ông phải: "Mình ra quán cà phê phía trước nói chuyện. Tôi ở trên tầng 3 lên xuống khó khăn lắm...". 
Sau nhiều năm bán vé số, vị hoàng tôn này hiện đang cùng vợ phụ hồ ngày kiếm 200.000 chạy chữa cho công nương 10 tuổi bị liệt cả tay chân. Nhắc thời vàng son, ông nói “"Những chuyện ấy đã thuộc về dĩ vãng rồi có níu kéo cũng không được. Mình nên nhìn về tương lai”. Tôi like anh, hoàng tôn ạ! Tương lai dù vô định nhưng thay đổi được, nên cứ đơn giản cho đời thanh thản dù có là hoàng thân quốc thích.
Hoàng tôn Bảo Thành bên bàn thờ vua Thành Thái. Ảnh motthegioi.vn

5. Ấn tượng hôm qua : Lạy giời! Ngô Quyền đại thắng quân Nguyên.
Không phải chuyện bịa đâu, khẳng định của MC Thanh Huyền trong Chương trình du lịch "S-Vietnam" phát sóng vào tối 19.2 trên VTV1 đấy. Đây này, MC Saleem Hammad hỏi Thanh Huyền: "Huyền ơi, đố em biết vị tướng nào đã đánh thắng quân Nguyên Mông ba lần và đã có một trận chiến lẫy lừng trên sông Bạch Đằng?". MC Thanh Huyền đáp ngay "Chắc chắn là Ngô Quyền rồi, điều này thì người Việt Nam nào cũng biết" (?!).
Ôi cô em xinh đẹp ơi! Sao lại để Đức Thánh Trần buồn?  Đã bảo rồi nếu không biết thì tra gồ. Chẳng ai biết tuốt Huyền ạ, nhưng MC chương trình lịch sử thì đừng lầm điều người Việt nào cũng biết! Mà biên tập vẫn nghỉ Tết à? Phát trên VTV thế này bảo sao con trẻ chẳng biết thằng trộm nào lấy nỏ thần của An Dương Vương hay cứ vanh vách chị Dậu bán con vào hang thăm anh Trỗi. Một lo lắng không hề nhẹ bởi không phài lần đầu. Gần đây nhất,chương trình "Câu chuyện văn hóa" được phát sóng ngày 16.5.2015 đã đọc nhầm tên vua Thiệu Trị của Việt Nam sang vua Thuận Trị của Trung Quốc!
MC đã "viết" lại sử

Tin bài MỚI


20 tháng 2, 2016

"Chiến tranh Thế giới III có thể xảy ra ở Biển Đông"


(GDVN) - Ngay đầu năm 2016, nguy cơ một cuộc chiến tranh kiểu cũ đã bị đun sôi ở Biển Đông
The Independent vương quốc Anh ngày 20/2 bình luận, tháng 11/2018 tới đây sẽ là lúc kỷ niệm 100 năm Chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc. Đến khi đó thế giới lại có thể thấy một liên minh lớn vừa tuyên chiến với Trung Quốc.
Trong khi đó ngay đầu năm 2016, nguy cơ một cuộc chiến tranh kiểu cũ đã bị đun sôi ở Biển Đông, chỉ có điều dư luận có chú ý đến hay không. Tháng 9 năm ngoái khi thăm Hoa Kỳ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc đến cái bẫy Thucydides.
Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc tập trận trên Biển Đông, ảnh: Nhân Dân nhật báo.
Sự gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung đã đến mức lạ thường, ông Tập Cận Bình dẫn khái niệm cái bẫy Thucydides tại Mỹ trong khi Trung Quốc đã chuyển đổi hàng ngàn tàu buôn sang cho quân đội có thể trưng dụng bất cứ lúc nào, phát triển tên lửa "sát thủ tàu sân bay Hoa Kỳ", thử vũ khí siêu thanh có thể tấn công lãnh thổ Mỹ.
Năm 2015 bất chấp suy giảm kinh tế nói chung, Trung Quốc vẫn gia tăng ngân sách cho quốc phòng để "không một kẻ thù nào dám bắt nạt". Bây giờ đã tới lúc những khẳng định này của ông Tập Cận Bình được kiểm tra trong thực tế.
5 năm trước, khi sức mạnh kinh tế tăng vọt, Bắc Kinh đã gửi công hàm tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc để đòi "chủ quyền" với gần như toàn bộ Biển Đông.
Trung Quốc muốn làm bá chủ khu vực. Trong lịch sử, tất cả các nước láng giềng nhỏ hơn bên cạnh Trung Quốc đã phải đảm bảo hòa bình bằng cách phải cống nạp cho Trung Quốc hàng năm. Trong thế giới hiện đại, Trung Quốc đang tìm kiếm duy trì lệ triều cống dưới hình thức mới, một sự phục tùng, thuân thủ.
Nhưng kể từ khi Obama lên nắm quyền, ông đã cùng với Ngoại trưởng Hillary Clinton lựa chọn chuyển trọng tâm chiến lược đối ngoại sang châu Á để làm rõ với các đồng minh và đối tác, Trung Quốc sẽ không thể tự tung tự tác, thích làm gì thì làm.
Tháng Hai năm nay, Trung Quốc kéo tên lửa HQ-9 ra bố trí bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa là một động thái leo thang căng thẳng đẩy 2 nước vào một cuộc tranh cãi ngoại giao mới. Liệu điều này có đẩy Trung - Mỹ vào một cuộc chiến?
Nguy cơ này rất lớn, bởi những điều chỉnh đau đớn khó có thể đạt được một khi chiến tranh được tuyên bố và hai phía khởi động cho cuộc chiến này. Giáo sư Graham Allison từ Đại học Havard đã phân tích 16 trường hợp bẫy Thucydides trong 500 năm qua và có 12 trường hợp dẫn đến chiến tranh. 
Hồng Thủy

Ba mươi năm qua láng giềng vượt xa ta quá

Tọa đàm "Chính sách quốc gia và hạnh phúc của người dân":


-"Ngày hôm nay so với mình của ngày hôm qua, rõ ràng chúng ta đã tiến lên. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian ấy, thiên hạ đã đi nhanh hơn mình rất nhiều" - ông Vũ Ngọc Hoàng.
Nhà báo Thu HàThưa quý vị độc giả, vậy là một năm đã qua đi và mùa xuân đang tới với rất nhiều tín hiệu tốt lành, đi cùng với đó là những rào cản buộc chúng ta phải có quyết tâm chính trị rất cao mới có thể vượt qua được.
Theo truyền thống tết đến xuân về dịp mọi người ngồi lại với nhau để nhìn lại những việc mình đã làm và bàn về tương lai đang tới. Đầu xuân năm nay Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện với ông Vũ Ngọc Hoàng – Ủy viên Trung ương Đảng,  Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương và bà Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển xã hội quanh chủ đề chính sách quốc gia và hạnh phúc của người dân.
Để người dân hạnh phúc cần những gì?
 
Nhà báo Thu Hà:Thưa quý vị khách mời, hiện nay nhiều quốc gia trong chiến lược phát triển của mình đã lấy chỉ số hạnh phúc của con người để làm động lực, cơ sở cho hoạch định chính sách. Theo quí vị, chính sách quốc gia tác động như thế nào đến hạnh phúc của mỗi người dân?
Bà Khuất Thu Hồng: Trong những năm gần đây, việc coi hạnh phúc của người dân cũng như chất lượng cuộc sống là một trong những chỉ báo để đánh giá sự phát triển kinh tế cũng như thành công của chính sách xã hội là một xu hướng rất phổ biến.
Vừa rồi có hai nhà kinh tế đoạt giải Nobel từng đưa ra đề xuất rằng, bên cạnh việc sử dụng các chỉ báo về tổng sản phẩm quốc nội như là chỉ báo của sự phát triển nền kinh tế thì cần phải đề cập đến một số chỉ báo nữa là hạnh phúc, chất lượng cuộc sống, sự phân bố thu nhập của nền kinh tế. Và phải xem đó là những chỉ báo quan trọng đo lường sự phát triển của một quốc gia, để đo lường sự thành công của một quốc gia cũng như tính hiệu quả của chính sách công tại quốc gia đó.
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Hạnh phúc của mỗi con người là do người đó tạo ra.
Ngoài ra, có một yếu tố khác quyết định hạnh phúc của mỗi người dân chính là môi trường cuộc sống. Bao gồm môi trường về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, môi trường tự nhiên. Chính sách quốc gia chắc chắn tác động đến sự phát triển của từng  người dân. Vậy nên có ý nghĩa vô cùng quan trọng với hạnh phúc của mỗi người..
Nhà báo Thu HàCó một mục tiêu rất quan trọng, là mục tiêu xuyên suốt cách mạng Việt Nam qua rất nhiều thời kỳ, qua nhiều biến cố, qua rất nhiều giai đoạn phát triển, đó là mục tiêu dân giàu- nước mạnh-xã hội công bằng-dân chủ-văn minh. Theo ông, qua ngần ấy năm chúng ta đã đạt được mục tiêu này như thế nào rồi?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: So với 30 năm trước thời kỳ đổi mới, bây giờ đời sống kinh tế khá lên rất nhiều. Tôi nhớ ngày trước nước mình thiếu lương thực, phải đi xin viện trợ bột mỳ và bo bo. Bây giờ Việt Nam đã trở thành một trong hai quốc gia xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, nhiều mặt khác của đời sống kinh tế, đời sống văn hóa xã hội cũng đã được cải thiện.
Ngày hôm nay so với mình của ngày hôm qua, rõ ràng chúng ta đã tiến lên. Điều đó là đương nhiên, dễ hiểu.  Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian ấy, thiên hạ đã đi nhanh hơn mình rất nhiều.
Chính sách quốc gia, hạnh phúc, Đổi mới, Giáo dục,  Tự do, Hạnh phúc, Ông Vũ Ngọc Hoàng, bà Khuất Thu Hồng, Nhà báo Thu Hà
Ông Vũ Ngọc Hoàng.
Có thể ví von như thế này, trong 30-40 năm qua, khi mình đi được 30-40km, thì ở nhiều nơi,  thiên hạ người ta đã đi được 70-80km. Đây là điều buộc chúng ta phải thực sự suy nghĩ thấu đáo.
Chủ trương “dân giàu, nước mạnh” là rất đúng. Hầu như mọi quốc gia, dân tộc đều có mục tiêu như vậy. Dân có giàu thì nước mới mạnh, và nước mạnh thì mới tạo điều  kiện cho dân làm giàu. Chúng ta phải tiếp tục cố gắng hơn nữa, phấn đấu nhiều hơn nữa để thực hiện mục tiêu đó.
Bà Khuất Thu Hồng: Tôi rất chia sẻ với ông Vũ Ngọc Hoàng. “Dân giàu-nước mạnh” và hạnh phúc của người dân là thước đo sự phát triển toàn diện của một đất nước.
Khi nói đến hạnh phúc của người dân, chúng ta không nên chỉ coi hạnh phúc là tiêu chí, là chỉ số duy nhất. Vậy để mỗi người dân hạnh phúc thì cần những gì?
Thứ nhất, họ cần được học hành đến nơi, đến chốn, một nền giáo dục tiên tiến. Giờ thì sao, trẻ em suốt ngày phải đến trường, học rất nhiều, gánh nặng học hành quá lớn, tiền túi mà người lớn  phải bỏ ra đầu tư cho việc học hành cũng quá nhiều mà chúng ta vẫn như chưa học được gì. Triết lý của giáo dục đơn giản là để cho trẻ con biết cách làm người, biết phát huy các kỹ năng của mình để đóng góp cho đất nước, để có thể sinh tồn, thích nghi với cuộc đời.
"Giáo dục không phải để tạo ra những con người chỉ biết thừa hành, thụ động, làm theo, nói leo" - Ông Vũ Ngọc Hoàng.
Mà để có thể học được như thế thì không chỉ đến trường mới là học. Không chỉ là học trong những năm phổ thông hay đại học  mà cần được học suốt cuộc đời, học ở mọi nơi, mọi lúc tất cả những thứ người ta cần cho cuộc đời.
Thứ hai là sức khỏe. Sức khỏe là vấn đề then chốt của hạnh phúc. Nếu một người nói là tôi hạnh phúc mà đau ốm suốt ngày thì rất khó. Tôi nghĩ sức khỏe là một trong những thước đo, một chỉ báo quan trọng của hạnh phúc.
Thủ tướng Anh từng nói những công dân mạnh khỏe là thước đó quý giá nhất của một quốc gia. Một gia đình nhỏ cũng thế, nếu mọi thành viên đều khỏe mạnh thì họ sẵn sàng lao vào cuộc mưu sinh với tất cả sinh lực của mình. Và với một dân tộc cũng vậy, khi mà các công dân khỏe mạnh thì dân tộc đó có rất nhiều cơ hội tiến bước trên con đường phát triển kinh tế của mình.
Một đất nước có phát triển hay không phụ thuộc rất nhiều vào môi trường chính trị, kinh tế và xã hội. Môi trường đó không được hủy hoại, môi trường đó được bảo vệ một cách trong lành, đó chính là cơ hội, là điều kiện để người dân có được hạnh phúc.
Biết sử dụng thời gian cũng là tiêu chí của hạnh phúc. Sự cân đối thời gian trong ngày của một người như thế nào rất là quan trọng. Nếu một ngày có 24 tiếng mà phải dành 16 tiếng để làm việc thì dù có rất nhiều tiền thì vẫn không thể nói là hạnh phúc được, không có thời gian cân đối giữa làm việc, nghỉ ngơi và giải trí.
Khi bạn là phụ nữ bạn sẽ quan tâm cân đối giữa thời gian làm việc và thời gian chăm sóc con cái như thế nào, thời gian được nghỉ sinh con và nuôi con nhỏ. Bây giờ ở các nước phát triển và ở cả Việt Nam chúng ta nói đến việc là không phải là người phụ nữ, người mẹ được nghỉ khi sinh mà người cha cũng được nghỉ khi người vợ sinh con.
Câu chuyện về việc sử dụng thời gian cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng, thời gian còn quý hơn cả vàng. Thời gian đi rồi thì không trở lại, mất đi thời gian thì không thể kiếm lại được nữa, vàng và tiền có thể kiếm lại được, còn thời gian thì không thể kiếm lại được, thời gian là thước đo vô cùng quan trọng.
Chính sách quốc gia, hạnh phúc, Đổi mới, Giáo dục,  Tự do, Hạnh phúc, Ông Vũ Ngọc Hoàng, bà Khuất Thu Hồng, Nhà báo Thu Hà
Bà Khuất Thu Hồng.
Mức sống, hay nói cách khác là túi tiền cũng rất quan trọng đến hạnh phúc của mỗi người dân. Để có thu nhập thì bạn phải có công việc tốt, có môi trường để cống hiến. Công việc không phải chỉ là kiếm được tiền mà phải đem lại  niềm vui cho bạn khi làm việc. Khi làm công việc đó thì phải cảm nhận được phẩm giá của bạn được tôn trọng, bạn đóng góp cho xã hội chứ không đơn thuần là kiếm tiền.
Tự do là bậc nhất của hạnh phúc
Nhà báo Thu Hà: Liệu rằng có thể hạnh phúc được hay không khi mà mỗi ngày ra đường người dân cứ nơm nớp lo sợ về tai nạn, lo sợ ngày mai có đủ tiền cho con đi học, có đủ tiền nếu chẳng may đau ốm. Rồi  người nông dân thì không ngừng trăn trở, liệu ngày mai có còn ruộng để làm ăn, cày cấy?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Khi phải lo lắng nhiều điều, lúc nào cũng lo lắng chuyện này, chuyện khác thì không thể hạnh phúc. Nếu chỉ là lo tính cho công việc họ đam mê thích thú thì khác, còn nếu phải lo lắng, bất an về sự an toàn, về miếng ăn cái mặc thì không hạnh phúc.
Hạnh phúc còn cần thêm yếu tố nữa - đó là tự do. Tự do là hạnh phúc, là bậc nhất của hạnh phúc.
Cuộc sống đã chỉ ra rằng, khi không được tự do thì sẽ biết tự do đáng quý thế nào. Tự do là một mục tiêu vô cùng quan trọng, không tự do là không phát triển được. Tự do cho mỗi người và tự do cho mọi người là mục tiêu mà Hồ Chí Minh và Marx thường nhắc đến. Tự do trong tất yếu, tự do gắn với trách nhiệm, tự do trong giới hạn không được vi phạm tự do của người khác và không gây nguy hiểm cho cộng đồng. Tự do là mục tiêu vô cùng quan trọng để quyết định hạnh phúc.
Hạnh phúc một mặt nữa là sự tự chủ, không bị động, có khả năng làm chủ, có năng lực làm chủ. Giáo dục quốc gia cần phải chuẩn bị những con người có khả năng làm chủ, có năng lực để làm chủ; chuẩn bị những con người phát triển về nhân cách và năng lực.
Giáo dục không phải để tạo ra những con người chỉ biết thừa hành, thụ động, làm theo, nói leo. Nền giáo dục của nước ta một thời gian dài là một nền giáo dục chủ yếu là truyền thụ kiến thức và không ít trường hợp tiếp thu một cách thụ động.
Chính sách quốc gia, hạnh phúc, Đổi mới, Giáo dục,  Tự do, Hạnh phúc, Ông Vũ Ngọc Hoàng, bà Khuất Thu Hồng, Nhà báo Thu Hà
"Giáo dục không phải để tạo ra những con người chỉ biết thừa hành, thụ động, làm theo, nói leo"
Đến nay ta thấy việc đó không phù hợp, kiến thức thì làm sao mà truyền thụ cho hết, kiến thức nhiều vô kể. Càng ngày khối lượng kiến thức mới càng tăng lên như cấp số nhân. Nếu chỉ dựa vào ông thầy thì không thể truyền thụ hết khối lượng kiến thức như vậy được. Và việc truyền thụ thường là liên quan đến những kinh nghiệm đã qua, mà mục tiêu của giáo dục là phải chuẩn bị cho con em chúng ta khả năng sống và làm chủ những gì sắp tới.
Nói như vậy để thấy, nếu truyền thụ áp đặt thì bị giới hạn bởi ông thầy, con em chúng ta sẽ khó phát triển, khó lớn lên, khó thích nghi với thời cuộc. Cho nên, giáo dục của chúng ta cần phải thay đổi. Mục tiêu chính không phải là truyền thụ kiến thức, mà là phát triển năng lực. Phải mở ra kỷ nguyên tự do học thuật, tự do sáng tạo. Còn việc cung cấp kiến thức thì mạng Internet có thể hỗ trợ được. 
Trách nhiệm của người thầy là tác động vào phát triển năng lực của người học bằng việc giới thiệu kiến thức cốt lõi, rồi hướng dẫn các tiếp cận, cách giải quyết vấn đề, thông qua các tình huống, thông qua sự tương tác giữa thầy và trò. Sự tương tác này phải qua đối thoại, bình đẳng và dân chủ với nhau trong quá trình đi tìm chân lý chứ không phải là sự truyền thụ áp đặt, một chiều.
Một nền giáo dục như thế nào đó để có thể tác động tích cực nhất cho việc chuẩn bị cho con người có năng lực để làm chủ cuộc sống, đó cũng là con đường giúp người dân có được hạnh phúc.
Còn tiếp
“Lâu nay chúng ta quan niệm, ở Việt Nam có Đảng lãnh đạo, có nhà nước quản lý, có cơ chế vận hành rồi thì cần gì phải nói đến quản trị quốc gia nữa. Nghĩ như vậy là không đầy đủ”, ông Vũ Ngọc Hoàng quả quyết tại kỳ 2 cuộc trò chuyện Chính sách quốc gia và hạnh phúc của người dân. Mời quí vị đón đọc kỳ 2.
Tuần Việt Nam - Ảnh: Lê Anh Dũng

Một giáo sư người Việt xếp thứ 7/200 nhà kinh tế trẻ xuất sắc thế giới


32

Giáo sư Nguyễn Đức Khương (hiện đang giảng dạy ở Pháp) vừa được dự án nghiên cứu kinh tế học RePEc xếp thứ 7 trong số 200 nhà kinh tế trẻ xuất sắc của thế giới.

Một giáo sư người Việt xếp thứ 7/200 nhà kinh tế trẻ xuất sắc thế giới
Danh sách 200 nhà kinh tế trẻ này được chọn ra từ 18.625 nhà nghiên cứu kinh thế giới có ấn phẩm khoa học, mọi thể loại, xuất bản từ 10 năm trở lại đây.
Trong số 10 người đầu tiên của danh sách, có mặt các học giả từ những trường như Chicago, MIT, Yale, Wharton School of Business (Mỹ), Toulouse School of Economics (Pháp),v.v.
So với năm 2015, cũng trong bảng xếp hạng này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương đã tăng thêm 5 bậc (từ vị trí 12 lên vị trí số 7).
Nhà kinh tế Nguyễn Đức Khương hiện là giáo sư ngành tài chính, Phó giám đốc hợp tác khoa học quốc tế và nghiên cứu, Trưởng khoa Kinh tế - Tài chính tại Học viện quản lý và quản trị kinh doanh Paris (IPAG Business School), Pháp.
Anh cũng là cộng tác viên giảng dạy, nghiên cứu tại Đại học Sorbonne, Pháp, và nhiều đại học trên thế giới tại Anh, Ba Lan, Tây Ban Nha v.v.
GS Nguyễn Đức Khương có học vị tiến sĩ khoa học quản lí, chuyên ngành tài chính năm 2005; trước đó tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Thương mại (năm 2000).
Anh tham gia ban biên tập nhiều tạp chí chuyên ngành về kinh tế - tài chính và tổ chức nhiều hội thảo quốc tế.
GS Khương cũng là thành viên của nhóm tư vấn điều phối tài chính Châu Á (Asian Shadow Financial Regulatory Committee), tư vấn cho nhiều chính phủ Châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Philippines.
TS Khương có 3 năm làm chủ tịch Hội Tài chính người Việt trên toàn thế giới (từ năm 2012) và hiện là Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia tại Pháp (AVSE); tham gia các hợp tác đa ngành Pháp-Việt (Kinh tế, tài chính, xây dựng, v.v), tổ chức nhiều hội thảo, khóa đào tạo, làm nghiên cứu chuyên ngành liên quan đến Việt Nam.
RePEc xếp hạng các tổ chức nghiên cứu, trường đại học và các nhà nghiên cứu về kinh tế trên thế giới, có đăng kí vào cơ sở dữ liệu của RePEC.
Việc xếp hạng căn cứ vào nhiều chỉ tiêu khác nhau. Có khoảng 30 chỉ tiêu để xét chọn các nhà nghiên cứu, ví dụ số lượng bài, số lần được các bài báo và tạp chí khoa học khác trích dẫn, mức độ ảnh hưởng,v.v..
Dự án nghiên cứu kinh tế học RePEc (Research Papers in Economics) là nỗ lực hợp tác của hàng trăm tình nguyện viên tới từ 82 quốc gia trên thế giới nhằm tăng cường phổ biến nghiên cứu về kinh tế học và các ngành khoa học liên quan.
Các tài liệu, sách báo và phần mềm được thu thập và duy trì bởi các tình nguyện viên được phục vụ cho nhiều mục đích nghiên cứu khác nhau.
Theo Hạ Anh
Vietnamne

Mất Lịch sử cũng gần như mất Nước !

'Ối giời ơi! Ngô Quyền đánh thắng quân Nguyên?!'

MC của chương trình S-Việt Nam trên VTV1 đã nhầm tướng Ngô Quyền với Trần Hưng Đạo.
 

mc nham kien thuc lich su tren song truyen hinh
Đoạn hội thoại giữa MC với khách mời trong chương trình S - Việt Nam
Mới đây, trong phóng sự “Đầu năm vãn cảnh đình Hàng Kênh” - chương trình S-Việt Nam của Đài THVN, MC của chương trình đã nói rằng "Ngô Quyền là người 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng".
Cụ thể, trong video được phát trên trang web vtv.vn, một MC người nước ngoài đã hỏi MC người Việt, có biết vị tướng nào đã 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng? MC người Việt hồn nhiên trả lời: "Chắc chắn đó là Ngô Quyền, điều mà người dân Việt Nam nào cũng biết".


Tuy nhiên điều mà người dân nào cũng biết là vị tướng Trần Hưng Đạo đã 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông, trong đó có một lần trên sông Bạch Đằng chứ không phải là Ngô Quyền.
Lời nói của MC trong đoạn video khiến nhiều khán giả giật mình.
Theo sử sách ghi lại, tướng Ngô Quyền đã lãnh đạo toàn quân đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938. Trong khi đó Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn mới là người có công lớn trong việc đẩy lùi ba lần cuộc xâm lược của quân Mông Cổ và về sau là quân Mông-Nguyên ở thế kỷ 13.
Sự việc này đang gây bức xúc trong dư luận, có ý kiến cho rằng VTV là Đài truyền hình quốc gia mà lại cẩu thả, không xem xét kỹ trước khi phát sóng như vậy là không được.