Trang

20 tháng 12, 2015

Giá nhà Việt Nam cõng gần 50% phụ phí: Dân gánh chịu


Đăng Bởi  - 
gia nha viet nam

 Tùy từng dự án BĐS, có dự án phụ phí chiếm gần 50%, dù không chính thống nhưng đây là thực tế.

Chi phí phòng cháy, chữa cháy chiếm 25%
KTS Võ Kim Cương – nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM cho biết, từ những kinh nghiệm xương máu nên các nước trên thế giới vô cùng coi trọng công tác phòng cháy, chữa cháy trong các tòa nhà cao tầng.  
Ông cho biết, xét về cơ cấu giá thành nhà ở giữa Việt Nam và các nước đang phát triển thì không thấp hoặc chỉ tương đương nhưng chất lượng lại bị bỏ xa. Tại Úc chi phí để đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy cho một tòa nhà bao giờ cũng chiếm tới 25% giá trị toàn công trình.
Hệ thống phòng cháy, chữa cháy cho một tòa nhà không chỉ có phương tiện phòng cháy, còi báo cháy, bình chữa cháy ở đây còn yêu cầu phải đảm bảo về chiều rộng của cầu thang thoát hiểm, khoảng cách giữa căn hộ xa nhất tới cầu thang thoát hiểm là bao nhiêu mét, bề rộng cầu thang hành lang có tương ứng với số người ở hay không, rồi vật liệu chịu lửa chịu được trong thời gian bao lâu. Ngay cả việc bố trí các họng nước chống cháy xung quanh khu nhà cũng phải được tính toán cụ thể.  
Còn ở Việt Nam, hầu hết các tòa nhà đều không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy chữa cháy, chưa nới tới các yếu tố khác như khoảng cách, mật độ… 
Vị chuyên gia gọi đây là “chia sẻ chất lượng công trình” giữa chủ đầu tư với nhà quản lý, cuối cùng thiệt thòi đẩy hết về phía người dân. Bao gồm từ việc cắt xén các hạng mục, thay đổi nguyên vật liệu, xây thêm tầng, hay không đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy… 
TS. Phạm Sỹ Liêm lưu ý, trong quản lý nhà ở tại Việt Nam đang có một kẽ hở rất lớn là cấp giấy phép xây dựng nhưng không cấp chứng nhận hoàn công.
Ở các nước trên thế giới, một công trình đã hoàn thiện và chỉ được đưa vào sử dụng khi có được giấy chứng nhận hoàn công do cơ quan quản lý nhà nước ký nhận. Giấy chứng nhận hoàn công là cơ sở để người mua nhà được đăng ký quyền sở hữu, giấy chứng nhận sổ đỏ. Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn bỏ quên điều này.  
Nhiều tòa nhà, chưa xây xong người dân đã vào ở, vừa ở vừa hoàn thiện là điều không thể chấp nhận được.

Phụ phí chiếm gần 50% 
Chỉ rõ lý do đẩy giá nhà Việt Nam lên cao mà chất lượng vẫn chỉ nhàng nhàng hạng trung, KTS Võ Kim Cương cho biết, chủ yếu là do các khoản phụ phí tại Việt Nam quá cao, những khoản phụ phí này đã bị tính vào giá thành và người dân phải chịu.
Tuy nhiên, mức giá cũng chỉ được đẩy lên tới một giới hạn nhất định, vì nếu cao quá hiệu quả đầu tư không cao, nhà không bán được, do đó, lựa chọn của chủ đầu tư là cắt bớt các hạng mục công trình hoặc phải bớt nguyên vật liệu.
Đầu tiên, ông cho rằng giá đất bị đẩy lên cao hơn so với giá trị thực tại. Một phần do nguồn cung thấp, thiếu đất xây nhà, phần khác là do lựa chọn vị trí đẹp, đắc địa nên giá thành cũng bị đội lên. 
Thứ hai là, chi phí bôi trơn hay còn gọi là phụ phí. Thứ ba, ông Cương nói là chi phí cho quảng cáo. Ở nước ngoài chi phí quảng cáo chiếm tới mấy chục phần trăm giá trị công trình, còn ở VN chưa có con số thống kê chính xác, nhưng đây cũng là lý do đẩy giá nhà lên cao.
PGS.TS Phạm Văn Khôi – Giảng viên Khoa Bất động sản và Kinh tế Tài nguyên - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thẳng thắn cho biết, chi phí bôi trơn mà nhiều người nói dù không chỉ ra cụ thể nhưng đây là điều ai cũng phải thừa nhận. 
Theo ông Khôi, chi phí bôi trơn (hay nói cách khác là chi phí quản lý nhà nước) chiếm tỉ lệ rất cao trong mỗi công trình xây dựng nhà ở. Bao gồm từ công tác giải phóng mặt bằng, tới khâu cấp giấy phép xây dựng, khâu quản lý, giám sát… ở khâu nào chủ đầu tư sẽ phải chi tiền bôi trơn cho khâu đó. 
Theo vị chuyên gia, chính vì các khoản phụ phí quá cao nên nhiều hạng mục công trình, hệ thống đảm bảo an toàn, ngay cả yêu cầu về khoảng cách giữa các công trình phía trên và cả phía dưới… đều không đảm bảo, hoặc bị cắt xén.  
“Nếu tính đủ giá trị một sản phẩm đáp ứng đúng những yêu cầu trên thì phần hưởng thụ của người dân còn phải hưởng thấp hơn nhiều hay nói cách khác là giá dịch vụ còn phải đẩy lên cao hơn nữa. Dù đây là quyền lợi hiển nhiên mà người dân phải được hưởng”, vị chuyên gia lo ngại. 
"Tôi có nghiên cứu một dự án liên quan đến thu hồi đất, trong đó có liên quan tới lợi ích của những người kinh doanh BĐS, nghiên cứu này đã chỉ rõ phí bôi trơn dù không chính thống nhưng là thực tế.
Ví dụ, để xin một giấy phép xây dựng ngoài việc phải chi những khoản chính thống chủ đầu tư sẽ phải chi thêm bao nhiêu phần trăm để có được giấy phép đó. Tôi biết, có những dự án chi phí này gần như chiếm tới 50% tổng dự án”, ông Khôi cho biết.
Loại phí thứ hai, vị chuyên gia nhắc tới là lãi suất ngân hàng. Các nhà đầu tư, kinh doanh BĐS nếu dựa trên vốn tự có là rất thấp, hầu hết đều phụ thuộc vào vốn vay bao gồm cả vốn DN chiếm dụng được từ người mua nhà.
Những năm trước, chủ đầu tư thường yêu cầu người mua đặt cọc trước mới xây nhà (hiện nay ít hơn vì người mua nhà thông minh hơn. Phải thấy dự án mới nộp tiền và có điều kiện theo quy định mới được thu tiền – PV), chính nhờ nguồn vốn chiếm dụng này mà chủ đầu tư đã giảm được nguồn vốn vay từ ngân hàng.  
So với những năm trước, nguồn vốn vay ngân hàng có lãi suất rất cao, đây cũng là nguyên nhân khiến hiệu quả đầu tư giảm, chi phí đầu tư bị tăng lên, giá nhà cao hơn. 
Chi phí vô hình còn tùy thuộc vào cơ chế của từng địa phương từng khu đô thị. Ví dụ như ở Hà Nội, ngoài những chi phí bôi trơn, còn có cơ chế buộc chủ đầu tư phải để lại tỉ lệ phần trăm, số căn hộ chuyển từ nhà ở thương mại sang xã hội hoặc sử dụng trong chính sách đối ngoại. 
Vì thế, ông Khôi nói rằng lợi nhuận mà xã hội đang nhìn về các nhà kinh doanh BĐS thì nó đang được chuyển một phần cho các nhà quản lý với một tỉ lệ không hề nhỏ. Theo tính toán, tỉ lệ này vào khoảng 30%-40% trong tổng số 100% lợi nhuận nhà đầu tư đạt được.  
Vì thế mới có câu chuyện, chủ đầu tư lách luật, tranh thủ mật độ xây dựng để trục lợi. Ông Khôi đánh giá, về yêu cầu mật độ xây dựng hiện nay hầu hết các công trình ở Việt Nam đều không đảm bảo, chỉ một số ít dự án thuộc khu vực Linh Đàm có thể đáp ứng được tiêu chuẩn này. 
Về nguyên tắc, những tòa nhà cao tầng phải giữ đủ một khoảng cách an toàn nhất định (được tính bằng cách đo bóng đổ của tòa này không được chạm vào tòa nhà khác). Tuy nhiên, cứ nhìn ở khu vực Trung Hòa – Nhân Chính khoảng cách này hoàn toàn không thể đáp ứng. Tất cả đều xuất phát từ lợi ích của chủ đầu tư.  
Nguyên nhân như đã nói ở trên, tất cả là do phần phụ phí quá cao, chủ đầu tư phải chi những khoản phí nhằm thỏa hiệp lợi ích với các cơ quan quản lý để trốn tránh, lách luật, đẩy khó cho người dân. Ai cũng thấy, phần hưởng lợi không hoàn toàn rơi vào túi nhà đầu tư như bấy lâu dư luận vẫn tưởng.  
Ông Khôi cho biết, nếu tính đúng giá trị thực, giá nhà hiện tại chỉ vào khoảng 14-15 triệu/m2. Với mức giá này, tỉ suất lợi nhuận chủ đầu tư được hưởng trên mỗi dự án cũng vào khoảng 30%-40%. Những dự án siêu lợi nhuận, tỉ lệ sẽ cao hơn nhiều. 
Trước đây, ai cũng nói đất mua rẻ, đền bù thấp, xây nhà bán mấy chục triệu/m2 thì nhà kinh doanh BĐS lãi to, nhưng không hoàn toàn như vậy. Đến bây giờ kinh doanh BĐS bao gồm những hình thức xây dựng, tạo ra những sản phẩm để kinh doanh BĐS… mặt bằng lợi nhuận đã bị giảm xuống thấp so với trước đây.  
Vũ Lan (báo Đất Việt)
 

“Giá bảo hiểm y tế dù tăng cũng chỉ bằng 2-3 bữa nhậu”- Ts Nguyễn Văn Tiên


“Giá bảo hiểm y tế dù tăng cũng chỉ bằng 2-3 bữa nhậu”
Ảnh minh họa

Đó là ý kiến của TS Nguyễn Văn Tiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khi đề cập về việc tăng giá dịch vụ y tế cũng như bảo hiểm y tế trong năm 2016.

Vấn đề tăng viện phí đang là nỗi lo với nhiều người bệnh, đặc biệt là người nghèo. Mặc dù thời hạn tăng viện phí đã hoãn lại trong năm 2015 nhưng dự kiến sẽ được triển khai vào quý I năm 2016. Điều đó đồng nghĩa với 1.800 loại dịch vụ y tế sẽ tăng giá, viện phí nói chung sẽ tăng gấp 2-4 lần sau khi tính đủ các chi phí trực tiếp cộng thêm phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và kết cấu tiền lương của nhân viên y tế.
Đề cập về lý do hoãn việc tăng viện phí sang năm 2016, PGS.TS Phạm Lê Tuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Để việc triển khai có hiệu quả và đạt được mục tiêu đặt ra, Bộ Y tế đã báo cáo với Chính phủ để lùi lại đến quý I năm 2016. Chúng tôi thấy, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cần được chuẩn bị kỹ lưỡng bởi việc này ảnh hưởng tới cuộc sống của tất cả người dân, nhất là đối với người có thẻ bảo hiểm và người bệnh. Việc thay đổi cần được tuyên truyền một cách sâu rộng để người dân hiểu rõ rằng, giá dịch vụ chính là một phần mà cơ quan bảo hiểm sẽ thanh toán cho người có thẻ bảo hiểm y tế.
Khi giá được điều chỉnh lên, người có thẻ sẽ được bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh hơn. Bên cạnh đó, thời hạn lùi lại sẽ giúp Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có thêm điều kiện thực hiện việc điều chỉnh, thành lập các quỹ khám, chữa bệnh hỗ trợ cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn”.
PGS.TS Phạm Lê Tuấn cũng lý giải: “Giá dịch vụ điều chỉnh do một phần nhu cầu bệnh viện phải có để chi phí cho việc cung cấp dịch vụ chất lượng. Trước đây, Nhà nước bao cấp cho các cơ sở khám, chữa bệnh để phục vụ người dân. Sau đó, Chính phủ và Quốc hội đã thống nhất chuyển sang cơ chế bảo hiểm y tế. Điều này có nghĩa cơ quan bảo hiểm y tế thay mặt cho người bệnh để thanh toán với cơ sở khám, chữa bệnh. Khi người dân đã đóng tiền để có thẻ bảo hiểm y tế, quyền lợi của họ đối với dịch vụ y tế cũng nằm trong đó. Nếu mức giá thấp hoặc Nhà nước không cấp đủ kinh phí cho bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh, tiền phí mới cần được thu thêm từ người bệnh để đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt”.
Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Tiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội lại cho rằng: “Nếu chúng ta có thể tiến hành tăng viện phí sớm hơn, trước quý I năm 2016 cũng sẽ tốt vì việc này đã được chuẩn bị suốt 1 năm qua. Việc điều chỉnh diễn ra chậm ngày nào, người bệnh bị thiệt thêm ngày đó, đồng thời chính sách bảo hiểm y tế của chúng ta yếu đi theo. Bởi điều này thuộc về quyền lợi của người bệnh, nếu cứ giữ quyền lợi của họ thì thiệt nhất vẫn là những người có bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, quá trình tiến hành chậm sẽ không khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế, họ trở nên chủ quan với vấn đề chăm lo sức khỏe. Tôi nghĩ rằng, bảo hiểm y tế dù tăng cũng chỉ bằng 2-3 bữa nhậu của người Việt Nam. Nếu chúng ta tiết kiệm hơn, tập trung cho vấn đề sức khỏe cũng sẽ không phải lo cuống cuồng chữa bệnh khi cần”.
“Quan điểm của Nhà nước, Quốc hội hiện nay là đầu tư chăm sóc sức khỏe nhân dân và phần khám, chữa bệnh cần phải được thông qua bảo hiểm y tế. Chúng ta đã xác định chắc chắn bảo hiểm y tế là bắt buộc. Vì thế, Nhà nước khi cung cấp bảo hiểm y tế thì sẽ không cấp tiền cho phần lớn các bệnh viện tuyến trung ương. Từ đó, các bệnh viện buộc phải đổi mới để nâng cao chất lượng, dịch vụ buộc phải nâng cấp để thu hút người đến khám, chữa bệnh. Bảo hiểm y tế đã được áp dụng ở nhiều nước và được chứng minh là một cơ chế nhân văn. Việc điều chỉnh giá là cần thiết để giúp người dân được nâng cao quyền lợi và đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt. Hơn nữa, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh linh hoạt theo giá thị trường nên tác động tới giá bảo hiểm”, TS Nguyễn Văn Tiên nhấn mạnh.
Do đó, theo TS Nguyễn Văn Tiên, việc khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế là điều cần thiết, đồng thời phải giúp người dân hiểu đúng hơn về lợi ích của việc có bảo hiểm y tế dù giá tăng lên.
Theo VTV
TỪ KHÓA

18 tháng 12, 2015

Con ruồi, 7 năm tù, giá như không có ruồi


(Người Việt) - Không chỉ anh Võ Văn Minh, người mới ngồi tù vì con ruồi trị giá 500 triệu đồng trong chai nước ngọt mới ao ước “Giá như không có ruồi”.

Con ruoi, 7 nam tu, gia nhu khong co ruoi
Tòa tuyên án, vợ con anh Võ Văn Minh ôm nhau ngồi khóc. Ảnh: Tuổi trẻ
Hẳn bạn đọc còn nhớ một truyện ngắn của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng thế giới Azit Nexin, truyện “Giá như không có ruồi”. Truyện kể về một gã vô tích sự nọ, lúc nào cũng chỉ đổ tại giá như thế nọ thế kia mà hắn không làm gì nên chuyện. Năm 42 tuổi, hắn quyết trở thành nhà văn viết nên một tác phẩm để đời, nhưng rồi cuối cùng vì ruồi vo ve bên tai khiến mất tập trung tư tưởng nên cái tác phẩm để đời ấy không bao giờ có.
Tại sao tôi lại nhắc đến truyện ngắn này? Chung quy cũng chỉ tại con ruồi trong chai nước ngọt của công ty Tân Hiệp Phát, con ruồi trứ danh trị giá nửa tỷ đồng mà anh Võ Văn Minh 35 tuổi, ở huyện Cái Bè, (Tiền Giang) đưa ra mặc cả với công ty để rồi cuối cùng anh nhận mức án 7 năm tù giam trong phiên xử kết thúc ngày hôm qua, 18/12.
“Giá như không có ruồi”. Đó là điều ước mà tất cả những người đã từng đọc tin tức về vụ án này muốn thốt lên như thế.
Giá như chai nước không có ruồi, người ta đã uống chai nước cái rụp, thế là xong. Nhưng không, chai nước ngọt lại có ruồi, vô tình thôi, chẳng ai lại bào chế thêm ruồi vào chai nước ngọt, vì thế mà cái sảy nảy cái ung, đời vẽ ra trăm ngàn điều éo le, cay đắng.
Con ruồi ấy được anh Minh mang ra mặc cả với người đại diện của công ty Tân Hiệp Phát, công ty này báo công an đến bắt anh. Anh Minh ra tòa, bị kết tội “gây nguy hiểm cho xã hội, uy hiếp, đe dọa gây thiệt hại đến tài sản của người khác” và bị khép 7 năm tù.
Bao nhiêu là tranh cãi đã nổ ra. Đạo đức, tình người, lòng tham, sự tử tế, trung thực… đã được đem ra mổ xẻ, cũng vì có con ruồi trong chai nước ngọt.
Anh Minh có “gây nguy hiểm cho xã hội” không? Không biết. Nhưng con ruồi gây nguy hiểm cho sức khỏe của anh trước nhất. Anh Minh có “đe dọa thiệt hại đến tài sản của người khác” không? Không biết, nếu anh Minh bị tiêu chảy, ngộ độc vì chai nước có ruồi phải đi nằm viện, thì tải sản, tính mạng của anh phải bị đe dọa trước tiên.
Nhưng trước tòa, anh Minh không còn là nạn nhân nữa. Chỉ vì một chút xíu sơ sẩy, một giao ước không thành, một lòng tin bị bội phản, anh Minh đã bị “gài” khi công ty mời anh đến nhận tiền và báo công an như một vụ tống tiền. Anh Minh trở thành thủ phạm.
Âu cũng là cái giá quá đắt cho lòng tin. Cái giá đắt cho sự ngây thơ đến mức ngớ ngẩn. Tin rằng với 1 con ruồi, một người tiêu dùng có thể tống tiền một công ty to mà đâu biết rằng, người ta có thể rút củ cà rốt lại bất cứ lúc nào và chìa ra cái còng số 8.
Âu cũng là một bài học quý về sự xử lý khủng hoảng truyền thông liên quan đến sản phẩm và người tiêu dùng. Nếu là một nhà sản xuất ngay thẳng, chính trực. Công ty nước ngọt kia có thể nhận lại sản phẩm từ anh Minh, chấp nhận “scandal con ruồi” để chịu sự phán xét của người tiêu dùng. Cái mất có thể mất ngay lúc đó, nhưng sẽ được lâu dài về sau.
Còn đằng này, một mặt tỏ ra muốn thỏa thuận để “bịt miệng” người tiêu dùng, một mặt lại báo công an đến cho người ta vào bẫy. Ngay lúc đó, nhà sản xuất không mất 500 triệu, nhưng cái mất khổng lồ khó đong đếm về sau thì bây giờ đã thấy.
Những cú “đi đêm” tưởng là đất trời không biết, thiên hạ không biết, cuối cùng từ một cái lỗ rò đã vỡ to ra cho nước ào vào thuyền. Một bên từ người đã chịu án ngồi tù 7 năm để lại cha mẹ già, vợ dại con thơ ôm nhau khóc ở sân tòa. Một bên rời phiên tòa trong tình thế phải có công an bảo vệ áp tải vì sợ người dân “gây bạo động”.
Giá như không có ruồi, người ta đã không phải buồn tái tê như thế về tình người, lẽ phải và sự công bằng cho kẻ yếu thế. Giá như không có ruồi, người ta đã không phải uất ức, bức xúc về sự bất nhất, thủ đoạn của một nhà sản xuất.
Sau khi tòa tuyên án, trên mạng rào rào lên phong trào tẩy chay nước ngọt của nhà sản xuất. Nhưng đằng sau đó là công ăn việc làm của hàng ngàn người lao động nghèo khó, hỏi có buồn không?
Ruồi ơi là ruồi. Giá như đừng bao giờ mày sa chân vào chai nước ngọt.
  • Mi An

Nhà nước đang thực hiện sai lệch nhiều chức năng

Quá trình tái cơ cấu: 

Đăng Bởi  - 
Nha nuoc con “so” thi truong, coi nhe canh tranh cong bang

Việt Nam đang thiếu chính sách toàn diện về cạnh tranh. Tư duy quản lý của Nhà nước còn sợ thị trường, coi nhẹ cạnh tranh công bằng, không nhận thức được đó là cốt lõi của nền kinh tế thị trường, là động lực đối với doanh nghiệp và người dân…

Giằng co giữa hành chính - thị trường
Nhận định trên được đưa ra tại hội thảo “Đánh giá quá trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam 2011-2014”, do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 17.12 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của CIEM quá trình tái cơ cấu trong thời gian 2011-2014 đã cải thiện được hiệu quả đầu tư và tăng năng suất lao động; kinh tế vĩ mô được giữ vững, môi trường kinh doanh có cải thiện, tăng trưởng kinh tế được phục hồi; chuyển dịch trên cơ cấu thu ngân sách nhà nước cũng đang chuyển sang hướng tích cực…
Tuy nhiên, bên cạnh những điều làm được thì quá trình tái cơ cấu cũng còn không ít tồn tại. Đó là việc điều phối thị trường chưa chiếm được ưu thế, còn giằng co giữa tập trung, hành chính quan liêu và thị trường. 
Bên cạnh đó, trong phân bổ các yếu tố sản xuất, hành chính phân bổ hoặc điều hành đang chiếm ưu thế, làm méo mó các thị trường khác.
Theo ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, vấn đề tài sản và sở hữu tài sản còn nhiều vấn đề tồn tại. Nhiều loại tài sản chưa được ghi nhận và thừa nhận là tài sản nên đương nhiên không có chủ quyền và quyền sở hữu tương ứng.
“Sở hữu toàn dân còn chiếm tỉ trọng lớn, không được thực thi về mặt pháp lý, không phải tất cả các tài sản đều có chủ sở hữu rõ ràng. Một phần đáng kể tài sản không thương mại được hoặc rất khó thương mại. Đồng thời, quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân chưa được bảo vệ một cách chắc chắn và tin cậy” – ông Cung nói.
Ông Cung cho hay, Việt Nam không có thị trường sơ cấp về đất đai, tài nguyên thiên nhiên. Thị trường thứ cấp rất méo mó, sai lệch, rủi ro cao, chi phí giao dịch cao. Nhà nước sử dụng đất là công cụ chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách xã hội bán để tăng thu ngân sách. Thị trường đất đai còn hoang sơ, chưa có vai trò phân bố và điều tiết…
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, Việt Nam gia nhập thị trường có bước tiến lớn nhưng vẫn chưa có môi trường kinh doanh trật tự và công bằng.  
Cụ thể, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề lớn như số lượng kinh doanh có điều kiện còn quá lớn, rào cản gia nhập các loại thị trường này còn cao và tốn kém dẫn đến hạn chế, ngăn cản cạnh tranh...
Hệ thống giám sát chưa rõ ràng
Đánh giá cao những thông tin trong báo cáo nêu ra, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhấn mạnh rằng, trong quá trình tái cơ cấu cần duy trì ổn định vĩ mô, nhưng cái cần phá vẫn phải phá, cần cho chết vẫn phải cho chết.
“Trong thời gian qua, nhiều trường hợp nhân danh sự ổn định vĩ mô nên không cho phá vỡ bất cứ cái gì. Điều này đang cản trở quá trình tái cơ cấu” – bà Lan nói.
Bà Chi Lan cũng cho biết thêm, trên thực tế chưa thấy thị trường tái phân bổ nguồn lực bởi thị trường cũng không có quyền lực để phân bổ. Nguyên nhân là vì nguồn lực cơ bản vẫn nằm trong tay Nhà nước. Cơ chế thị trường sẽ giúp phân bố nguồn lực tốt hơn cơ chế phân bổ hành chính.
Đồng tình với ý kiến này, nhóm nghiên cứu của CIEM cũng cho rằng, Nhà nước Việt Nam không tổ chức theo mô hình tam quyền phân lập, do đó hệ thống giám sát và kiểm tra chéo lẫn nhau là chưa rõ ràng.
Bên cạnh đó, thể chế kinh tế thị trường đòi sự công bằng và minh bạch trong hoạt động của Nhà nước, do đó cần có hệ thống giám sát và kiểm tra phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam.
Báo cáo cũng cho hay, các tổ chức có chức năng giám sát như Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, thanh tra nội bộ các bộ và địa phương cần phải có quy chế độc lập để tránh bị ảnh hưởng từ các cơ quan công quyền đối với kết quả giám sát, kiểm tra.
Theo nhóm nghiên cứu, Việt Nam đang thiếu chính sách toàn diện về cạnh tranh. Tư duy quản lý Nhà nước còn sợ thị trường, coi nhẹ cạnh tranh công bằng, không nhận thức được cạnh tranh công bằng là cốt lõi của nền kinh tế thị trường, là động lực đối với doanh nghiệp và người dân.
Song song với đó, Nhà nước đang thực hiện sai lệch nhiều chức năng, dẫn đến hệ quả là phía thị trường rất thiếu “thị trường”, thừa “thị trường” ở phía Nhà nước.
Góp ý tại hội thảo, chuyên gia Raymond Mallon – cố vấn cao cấp của dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam cho rằng, bài học cho Việt Nam là các mục tiêu tái cơ cấu phải rõ ràng, phải hướng đến một Việt Nam cạnh tranh, thịnh vượng hơn. Kế hoạch hành động đơn giản nhưng tin cậy để đạt được mục tiêu và cần xác định chuỗi logic giữa kế hoạch hành động và mục tiêu.
Bên cạnh đó, tiến trình phải có được sự ủng hộ từ lãnh đạo cấp cao và phải có quá trình giám sát, có kế hoạch đấu tranh với những tư tưởng, tệ quan liêu chống đối nỗ lực cải cách; xây dựng liên minh cải cách để tạo sức ép thay đổi bằng cách phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, cộng đồng doanh nghiệp, đối tác phát triển…
Hoàng Long

Nội bộ Trung Quốc tranh cãi về vụ kiện 'đường lưỡi bò'


Giới chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc có thể đang lo lắng trước nguy cơ bị bẽ mặt trong vụ Philippines kiện "đường lưỡi bò" trước tòa án quốc tế. 
noi-bo-trung-quoc-tranh-cai-ve-vu-kien-duong-luoi-bo
Hoạt động bồi đắp phi pháp của Trung Quốc trên một bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa. Ảnh: Bloomberg
Một cuộc tranh luận đang nổ ra trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc về việc nước này nên phản ứng như thế nào khi Tòa Trọng tài Thường trực sắp ra phán quyết với vụ Philippines kiện "đường chín đoạn" (hay còn gọi là "đường lưỡi bò") mà Trung Quốc ngang nhiên vẽ ra trên Biển Đông, theoBloomberg.
Sau khi Philippines nộp hồ sơ kiện "đường lưỡi bò" lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Trung Quốc đã tẩy chay phiên tòa và tuyên bố không thừa nhận quyền tài phán của PCA. Đây được coi là một phần trong chính sách giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng cơ chế song phương của Bắc Kinh mà không thông qua tòa án và các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, việc từ chối tham gia vụ kiện cũng có nghĩa là họ sẽ không thể đưa ra bất cứ lập luận nào trong các phiên tranh tụng trước tòa.
Trong lúc Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn mải tranh luận xem liệu có nên xuất hiện tại tòa khi phiên tranh tụng bắt đầu vào cuối tháng trước, các chuyên gia luật quốc tế của nước này lại không thể đảm bảo với các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ thắng trong vụ kiện, hai quan chức giấu tên có hiểu biết về vấn đề tiết lộ.
Tháng 12/2014, Trung Quốc đưa ra một bản tuyên bố lập trường cho rằng đơn kiện "đường lưỡi bò" của Phillipines đề cập đến vấn đề tranh chấp chủ quyền, nên không thuộc thẩm quyền xét xử của PCA. Trung Quốc khăng khăng rằng họ "có chủ quyền không tranh cãi" khi "là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên, khám phá và khai thác các nguồn tài nguyên" trong khu vực. Tòa PCA đã bác bỏ luận điểm này và coi hồ sơ của Philippines "đủ cấu thành một vụ kiện" mà tòa có quyền xét xử.
Khi PCA tuyên bố sẽ ra phán quyết vào giữa năm 2016, vụ kiện "đường lưỡi bò" đã trở thành trò "đá bóng" đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Hai cục trong bộ này đã tranh cãi về trách nhiệm giải quyết vụ kiện trong khoảng một năm, trước khi đẩy cho các quan chức ngoại giao cấp thấp hơn, theo hai nguồn tin trên.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời các câu hỏi qua đường fax hôm 17/12 về cách giải quyết của họ với vụ kiện này.
"Có người cho rằng đây là một bước đi khôn ngoan và linh hoạt theo chính sách đối ngoại 'tiến hai bước, lùi một bước' của Trung Quốc. Nhưng tôi không nghĩ vậy, bởi đây có thể là cách suy diễn quá xa xôi", James Kraska, giám đốc Trung tâm nghiên cứu luật quốc tế Stockton thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, nói.
noi-bo-trung-quoc-tranh-cai-ve-vu-kien-duong-luoi-bo-1
Trụ sở Tòa Trọng tài Thường trực, nơi xét xử vụ kiện "đường lưỡi bò" của Philippines. Ảnh: Reuters
Cuộc tranh luận trong nội bộ Bộ Ngoại giao cho thấy các quan chức ngoại giao Trung Quốc đang lo lắng rằng nếu Phillipines thắng kiện, Trung Quốc sẽ bị bẽ mặt trước cộng đồng quốc tế, nhất là khi Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt nhiều kỳ vọng vào các dự án bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông. Ông đã coi hoạt động xây đảo nhân tạo ở Biển Đông là "niềm tự hào quốc gia" và là trọng tâm của việc trỗi dậy thành một cường quốc quân sự của Trung Quốc.
"Điều này cũng phản ánh sự thiếu tầm nhìn chiến lược của các quan chức ngoại giao Trung Quốc, những người vốn chỉ chuyên hoạt động ngoại giao mà thiếu đi nền tảng chính trị thường thấy của các chiến lược gia ở các nước khác", Zhang Baohui, giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương ở Đại học Lingnan, Hong Kong, nhận định.
Từ lâu các nhà phân tích đã dày công tìm hiểu tư duy đối ngoại của Trung Quốc. Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger trong cuốn "Bàn về Trung Quốc" xuất bản năm 2011 cho rằng tư duy đối ngoại của Trung Quốc dựa trên binh pháp Tôn Tử, trong đó chủ trương theo đuổi các mục tiêu lâu dài dựa trên sự hiểu biết về đối thủ.
"Hiện nay, mọi cấp trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều toàn là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp, và giới học giả tin rằng nền tảng hiểu biết của họ không đủ tầm để định hướng cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Một cường quốc lớn như Trung Quốc cần những người có tư duy chiến lược tầm cỡ", ông Zhang nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bắt đầu vào làm ở Bộ Ngoại giao sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1982, cho đến khi trở thành người đứng đầu cơ quan này vào năm 2013. Người tiền nhiệm của ông là Dương Khiết Trì cũng có thâm niên làm việc trong Bộ Ngoại giao từ năm 1975.
"Trung Quốc cũng dễ mắc sai lầm trong chính sách đối ngoại như bất kỳ quốc gia nào. Các vấn đề chính trị nội bộ và cạnh tranh diễn ra trong bộ máy ngoại giao khiến cho việc giải quyết các vấn đề phức tạp luôn rất khó khăn. Đây là một cuộc chơi tương đối mới, vì thế không có gì ngạc nhiên khi họ hoang mang", Nick Bisley, giáo sư quan hệ quốc tế Đại học La Trobe, Melbourne, nhấn mạnh.
Duy Sơn

Đảng Cộng sản Ukraine bị cấm hoạt động

Tòa hành chính khu vực Kiev đã ra phán quyết cấm Đảng Cộng sản Ukraine hoạt động theo đơn kiện của Bộ Tư pháp nước này.

Ngày 16/12, tòa án trên đã hoàn tất việc xem xét đơn kiện của Bộ Tư pháp về việc cấm Đảng Cộng sản Ukraine hoạt động. 

Thông cáo cho biết: "Tòa án hoàn toàn chấp nhận đơn kiện của Bộ Tư pháp Ukraine, cấm Đảng Cộng sản Ukraine hoạt động". Vụ việc này được xem xét với sự tham gia của bên thứ ba là Ủy viên Nhân quyền của Quốc hội Ukraine. 

Ngày 8/7/2014, Bộ Tư pháp Ukraine và Cơ quan đăng ký Ukrgosreestr đã kiện lên Tòa hành chính khu vực Kiev yêu cầu cấm Đảng Cộng sản hoạt động trên lãnh thổ Ukraine. Ngày 30/9, Tòa hành chính khu vực Kiev theo đơn kiện của Bộ Tư pháp đã đình chỉ hoạt động của Đảng Cộng sản Ukraine (mới) và Đảng Cộng sản công nông.
Theo Komersant

17 tháng 12, 2015

Trưởng đại diện JICA mơ an tâm ăn rau Việt


(Tin tức thời sự) - "Với tư cách là một người sống tại Hà Nội, nguyện vọng của tôi chính là có thể an tâm ăn rau", Trưởng đại diện JICA Mori Mutsuya chia sẻ.

Trong buổi họp báo về hợp tác nông nghiệp giữa Nhật Bản và Việt Nam tổ chức ngày 16/12 tại Hà Nội, Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Mutsuya đã chia sẻ những băn khoăn cá nhân khi tiêu dùng nông sản ở Việt Nam và những vấn đề nông nghiệp mà phía Nhật Bản quan tâm.
Truong dai dien JICA mo an tam an rau Viet
Tình trạng lạm dụng thuốc tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thuốc kích thích tại Việt Nam đã trở nên báo động
Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời ông: "Trước tiên là độ an toàn. Với tư cách là một người sống tại Hà Nội, nguyện vọng của tôi chính là có thể an tâm ăn rau. Tiếp theo là mức độ chế biến thấp, với trên 90% sản phẩm được tiêu thụ chưa qua chế biến và chưa tạo được giá trị gia tăng cao. Thu nhập của người dân tăng cao, cuộc sống hàng ngày càng bận rộn thì nhu cầu về sản phẩm chế biến ngày càng cao...
Bên cạnh tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp, có cản trở nào cho sự phát triển của nông nghiệp hay không?
Xử lý sau thu hoạch chưa đầy đủ. Ví dụ, không có cơ sở bảo quản lạnh khiến tình trạng rau hỏng khi tới thị trường tiêu thụ trầm trọng hơn. Sản phẩm nông nghiệp không được phân loại, nên giá thành sản phẩm tốt cũng như sản phẩm kém đều giống nhau, làm mất dần ý thức cải thiện chất lượng của người sản xuất.
Do nghi ngờ về tính an toàn, nên cho dù có sản xuất rau an toàn cũng không có thị trường để bán được giá cao.
Tiêu thụ hàng hóa phức tạp. Ví dụ, thương lái thu mua, số tiền đã trừ chi phí và bán hàng mấy ngày sau mới được trả, nên người nông dân không thể dự toán được lợi nhuận của mình nên ngại đầu tư tiếp tục sản xuất.
Cho dù mục tiêu là hướng tới xuất khẩu, thì với giá đầu vào như đất và phân bón cao, thì năng lực cạnh tranh cũng không có. Những nội dung trên đây mới chỉ là một ví dụ, ngoài ra còn rất nhiều các vấn đề khác".
Lời chia sẻ của Trưởng đại diện JICA cũng chính là nỗi lo của người dân Việt Nam về nông sản bấy lâu nay, đặc biệt là vấn đề an toàn. Đích thân Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp đi xem người nông dân trồng rau ở ngoại thành Hà Nội và vùng lân cận, và ông phải thừa nhận rằng đúng là có chuyện "rau hai luống":  "Luống cho mình và luống để bán. Luống cho mình xấu hơn, luống để bán xanh hơn”.
Phó Thủ tướng cho rằng: "Suy cho cùng người nông dân cũng vì lợi ích thôi. Hôm nay họ bán được thì vẫn để 2 luống rau nhưng ngày mai không ai mua nữa thì phải thay đổi".
Theo Phó Thủ tướng, khu bếp của nhiều gia đình trung lưu ở Việt Nam hiện nay luôn có chiếc máy lọc nước riêng.
“Họ cũng thường mua rau tại cửa hàng rau sạch. Nhiều người nhờ người thân ở quê để có nguồn rau, thịt riêng. Tôi không biết uống rượu nên không phân biệt được, nhưng bạn tôi nói rượu càng đắt thì rượu giả càng nhiều. Nhiều người khuyên giờ đi đâu uống rượu thì uống rượu rẻ tiền thôi", ông cho hay.
Mặt khác, Phó Thủ tướng cho rằng Việt Nam sát với Trung Quốc nên việc kiểm soát thuốc tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thuốc kích thích, gia vị nhập lậu vô cùng khó.
“Tôi đã làm chủ tịch một tỉnh có biên giới sát Trung Quốc rồi, những loại hàng đó không qua hải quan đâu. Bên kia là Trung Quốc, bên này Việt Nam, nói tiếng giống nhau không phân biệt được, chỉ lội nước là sang”, Phó Thủ tướng cho biết.
Các mặt hàng trong siêu thị cũng cơ bản tốt. Tuy nhiên Việt Nam lại ngược với hầu hết các nước khi 80% lượng thực phẩm tiêu thụ đến từ các chợ nhỏ lẻ chứ không phải siêu thị.
Trong khi việc kiểm soát sản xuất, phân phối cho 80% thị trường nhỏ lẻ này rất khó khăn. Tình trạng nhập lậu thuốc tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật vẫn diễn ra tràn lan.
Ông cho rằng: "Cách tốt nhất để cảnh báo cho người dân là trong tất cả các chợ có đặt thiết bị thử để người nào nghi ngờ thì có thể vào đó thử; nếu thực phẩm không sạch thì sẽ không mua nữa”.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đã phải đau xót thốt lên rằng: "Có thể nói con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế!".
Minh Thái