Trang

11 tháng 4, 2015

Không mơ hồ “16 chữ vàng” và “4 tốt”

Ý KIẾN BÌNH LUẬN
28/05/2014 00:06

 ( Tổ Quốc ). Đối với Việt Nam, Trung Quốc là một nước láng giềng quá lớn không thể không tính đến và không thể thoái thác quan hệ. Cuộc khủng hoảng HD-981 do Trung Quốc gây ra đã đẩy quan hệ Việt-Trung vào thế bế tắc. Người Việt Nam ta cần nhìn lại mối quan hệ này, xác định một cách minh triết bản chất mối quan hệ ấy, tránh những điều mơ hồ, ngộ nhận. Tránh cái bẫy ý thức tư tưởng có thể gây chập chững về chiến lược, nhập nhằng và mơ hồ giữa các ngôn từ hữu nghị, đối tác, đồng chí, đại cục, v.v.. và v.v..
Kể từ khi phía Trung Quốc khái quát phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, nêu trong Tuyên bố chung cấp cao 1999, phía ta lại thêm vào đó một chữ “vàng”. 16 chữ vàng tạo nên sự ngộ nhận to lớn.
Đến năm 2002, người Trung Quốc lại khái quát một phương châm nữa, gọi là “4 tốt”: "Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt".
Điều mơ hồ nhất trong những điều mơ hồ lần này chính là hai chữ “đồng chí”. Nó hàm ý một điều phi lý là hai bên cùng chung ý thức hệ, cùng chung chí hướng. Làm quên mất một điều sơ đẳng nhất của chính trị quốc tế trong mọi thời đại: Giữa các quốc gia, “không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn”. Đặng Tiểu Bình và Michail Gorbachev đều rất thích dùng lại câu nói này của một chính khách nổi tiếng người Anh, Lord Palmerston, thế kỷ 19. Họ đều lấy lợi ích quốc gia làm trục cốt lõi để xoay các quan hệ đối ngoại sao cho tối đa hóa lợi ích quốc gia. Nhưng lại dùng những lời mĩ miều nhằm gây mơ hồ và chập chững cho phía đối tác hoặc đối tượng.
Năm nguyên tắc chung sống hòa bình  do hai thủ tướng Trung Quốc và Ấn Độ long trọng tuyên bố ngày 29/4/1954 làm cơ sở cho quan hệ giữa hai nước lớn: “Tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau; không tấn công nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng và hai bên cùng có lợi; chung sống hoà bình”, được nhiều quốc gia khác coi là nguyên tắc chỉ đạo quan hệ giữa các nước trong thời kỳ hiện đại. Thế nhưng các nguyên tắc ấy đã không ngăn cản Trung Quốc mở cuộc chiến tranh bất ngờ chống lại Ấn Độ năm 1962.
Tương tự như vậy, ngày 15/10/2013, hai Thủ tướng Trung Quốc và Việt Nam thỏa thuận những nguyên tắc giải quyết các xung đột trên Biển Đông thì chưa đầy 7 tháng sau, Trung Quốc đã đưa giàn khoan vào hạ đặt tại thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Việt Nam là một nước nhỏ so với Trung Quốc, sao có thể làm  “bạn bè tốt”? Một nước yếu và một nước mạnh sao có thể làm “đối tác tốt”?
Nhưng, láng giềng vẫn là láng giềng, đối tác vẫn là đối tác, vẫn cứ hợp tác toàn diện, vẫn cứ hướng tới tương lai... Đâu có gì là không được! Nhưng cần đặt các quan hệ này trên một nền tảng minh bạch, không ngộ nhận, không mơ hồ.
Trong quan hệ với Trung Quốc những năm gần đây, Việt Nam luôn nêu cao “3 không” (không liên minh quân sự, không cho đặt căn cứ quân sự của nước ngoài, không liên minh với nước này chống nước khác). Nhưng điều Trung Quốc muốn là sự khuất phục. Người Trung Quốc thường đề cao phương châm “nước mạnh ắt bá quyền”. Cứ mỗi lần, khi hai nước có đụng độ trên biển, các phần tử hiếu chiến lại đe dọa động binh, hòng gây mất ổn định Việt Nam. Việt Nam vì lợi ích ổn định, an ninh, phát triển lâu dài đất nước, không thể để mất quyền chủ động chiến lược và những con bài chiến lược.
Từ giữa những năm 1950 đến nay, Trung Quốc lần lượt năm lần lấn chiếm Biển Đông của Việt Nam. Hai lần hải chiến trên biển, một lần trên đất liền. Sự kiện giàn khoan 981 từ đầu tháng 5/2014 đến nay là giai đoạn thứ sáu của cuộc lấn chiếm biển đảo của Việt Nam. Ngay trong giai đoạn mà các chữ vàng và những điều tốt được nhắc đi nhắc lại, thì Trung Quốc tích cực tranh chấp, tích cực khai thác Biển Đông, đàn áp ngư dân Việt Nam hoạt động trên những ngư trường truyền thống, cắt cáp của tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, v.v.. Trong quan hệ kinh tế, Việt Nam phải trả một giá cao.
Nhân dịp này, thiết tưởng cần sòng phẳng với lịch sử. Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước mấy chục năm trước nhằm thực hiện mục tiêu độc lập, thống nhất đất nước, nhân dân Việt Nam đã kiên trì chiến đấu, không ngại hy sinh gian khổ. Trong các thời kỳ khó khăn gian khổ ấy, chúng ta ghi nhớ công ơn giúp đỡ to lớn của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Nhưng, sự hy sinh to lớn của nhân dân Việt Nam cũng đã đóng góp quan trọng vào việc Pháp và các nước phương Tây năm 1954 buộc phải ngồi vào bàn thương lượng với Trung Quốc để giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương, tạo điều kiện cho Trung Quốc đột phá bức màn chiến tranh lạnh sau cuộc viện Triều chống Mỹ ở Triều Tiên. Tại Hội nghị Giơnevơ 1954, Ngoại trưởng Mỹ từ chối bắt tay Thủ tướng Trung Quốc, nhưng đến năm 1972, Tổng thống Mỹ phải đến Bắc Kinh để thúc đẩy giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam, từ đó mở ra cục diện mới quan hệ Trung-Mỹ.
Ngày nay, chúng ta cần có cách tiếp cận cụ thể và đổi mới đối với các khái niệm truyền thống “ta-địch”, “đối tượng-đối tác”, tuyệt đối không để những khái niệm “đồng chí, anh em” gây mơ hồ, để ta có thể thực hiện những mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc phù hợp với lợi ích quốc gia của mỗi nước.
Để độc lập, tự chủ chính trị thì cần độc lập tự chủ về kinh tế. Giai đoạn tới, ta phải sắp xếp lại ngôi nhà kinh tế của mình trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc và với các đối tác tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chính lĩnh vực kinh tế đòi hỏi tinh thần yêu nước và trách nhiệm cao nhất của mỗi người Việt Nam ta.
Trước cuộc xung đột tại Biển Đông hiện nay, ta không để bị kích động. Cũng không tự mình kích động. Kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhưng bình tĩnh, tỉnh táo để không sa vào cái bẫy chiến tranh. Sự dũng cảm ngoan cường của những ngư dân bám biển, của các chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư chống chọi với lực lượng lớn hải quân và ngư chính của phía Trung Quốc tại vùng biển Hoàng Sa, sự đồng lòng nhất trí của nhân dân, sự thẳng thắn trong phát biểu của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tại diễn đàn ASEAN ở Naypyidaw, hay tại diễn đàn kinh tế quốc tế ở Manila, tuyên bố mạnh mẽ của Quốc hội Việt Nam về vấn đề Biển Đông... đã thúc đẩy dư luận quốc tế lên tiếng phản đối Trung Quốc và ủng hộ quyền lợi chính đáng của Việt Nam. Và buộc Bắc Kinh phải cân nhắc hành động khi leo thang xung đột.
Quan hệ Việt-Trung sắp tới cần được đặt vào quỹ đạo mới không bị chi phối bởi lời lẽ mơ hồ mà trên cơ sở những lợi ích của quốc gia, của hợp tác cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau và hữu nghị giữa hai dân tộc, hai nước láng giềng liền núi, liền sông, liền biển./.
Người bình luận

10 tháng 4, 2015

VN thực thi pháp luật kém nhất thế giới

Việt Nam “dẫn đầu” và “nhất thế giới”?

Năm 2013, Ngân hàng Thế giới chỉ ra: Việt Nam thuộc nhóm nước dẫn đầu thế giới về xây dựng pháp luật nhưng lại thuộc nhóm nước yếu kém nhất thế giới về thực thi pháp luật.

Năm 2013, Ngân hàng Thế giới đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai chương trình đánh giá chỉ số quản trị đất đai của Việt Nam. Một kết luận không mới nhưng đủ cơ sở thực tiễn để chứng minh:Việt Nam thuộc nhóm nước dẫn đầu thế giới về xây dựng pháp luật nhưng lại thuộc nhóm nước yếu kém nhất thế giới về thực thi pháp luật (Khảo sát đã công bố năm 2013 của WB và Bộ TN&MT - Xemtại đây).
Mới đây nhất, chuyện sửa Luật BHXH ngay khi vừa được QH thông qua, và hàng loạt văn bản pháp luật... trên trời khác buộc phải điều chỉnh đã cho thấy, rất nhiều chính sách được xây dựng xa cách đời thực, thiếu ý kiến khách quan từ người dân.
Chúng ta rất cố gắng đưa pháp luật vào cuộc sống nhưng còn rất nhiều khó khăn vì chưa đưa được cuộc sống vào pháp luật trong quá trình xây dựng.
Ảnh
minh họa. Nguồn: duthaoonline.quochoi.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: duthaoonline.quochoi.vn
Ngay trong Luật Đất đai, có những điều không bao giờ được thực hiện, ví dụ như quy định“giá đất của Nhà nước phải phù hợp với giá đất trên thị trường”.
Quy định này không được thực hiện theo đúng nghĩa vì Luật giao cho cơ quan hành chính nhiệm vụ định giá đất, vừa khó khăn và vừa lạ lẫm. Người dân biết nhưng các cơ quan hành chính ở địa phương vẫn muốn nắm giữ thẩm quyền này...
Cho đến nay, Chính phủ và Quốc hội cũng đã có nhiều lần quyết định lấy ý kiến của dân đối với một số Luật quan trọng. Chi phí lấy ý kiến của dân cũng được quyết định ở mức khá cao, triển khai rộng khắp, bố trí đủ nhân lực để thực hiện. Ví dụ như vừa qua thực hiện việc lấy ý kiến của dân đối với Hiến pháp và Luật Đất đai sửa đổi, hay như Bộ luật Dân sự hiện nay.
Thứ nhất, việc lấy ý kiến của dân chưa được thực hiện đối với tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, việc này chỉ được thực hiện đối với một số Luật khi lãnh đạo đất nước thấy cần thiết. Thứ hai, cách lấy ý kiến vẫn chủ yếu dựa vào hội thảo với chuyên gia và giao cho chính quyền cấp xã tổ chức họp dân.
Trên thực tế, không phải chuyên gia nào cũng sát với đời thực và không phải chính quyền cấp xã nào cũng biết thực nghe nguyện vọng của dân. Nghe rồi song tiếp thu ra sao, có khách quan hay vẫn chủ quan.
Cảm giác của nhiều người vẫn là văn bản pháp luật tiếp tục được phát hành từ các văn phòng có máy lạnh theo tư duy chủ quan của người quản lý, kể cả các văn bản đã được lấy ý kiến “cẩn thận” của dân.
Đây là lý do chính làm cho các văn bản quy phạm pháp luật có đời sống không dài, phải sửa đổi liên tục. Luật Đất đai trước năm 2003 cứ 2,5 năm phải sửa một lần, sau đó Luật Đất đai 2003 cũng phải sửa 2 lần mới tới được Luật Đất đai 2013, nay Luật Đất đai 2013 vừa có hiệu lực thi hành hơn nửa năm thì đã có quy định vênh với Luật Nhà ở 2014.
Làm gì để các văn bản quy phạm pháp luật không chỉ đi ra từ các phòng có máy lạnh mà phải tiếp nhận được sức nóng khách quan từ đời thực. Một cơ hội tuyệt vời để giải quyết tận gốc việc này đã đến: Quốc hội hiện đang xem xét để thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi trong kỳ họp sắp của tới Quốc hội. Đây là đạo luật gốc để ban hành mọi văn bản pháp luật, tầm quan trọng chỉ kém có Hiến Pháp.
Vấn đề thứ nhấtđược đặt ra là việc lấy ý kiến của dân đối với các văn bản quy phạm pháp luật có cần được coi như một nguyên tắc xuyên suốt trong quy trình xây dựng luật pháp hay không? Điều này dễ thấy là cần thiết. Từ năm 1945, Bác Hồ đã nói “mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân”, có nghĩa là nhân dân có quyền tham gia quyết định luật pháp, hạ tầng trụ cột của Nhà nước pháp quyền. Hiến pháp 2013 đã đưa tinh thần này vào thành quy định tại Điều 28 “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.
Vấn đề thứ hailà việc lấy ý kiến của nhân dân cần được thực hiện như thế nào để bảo đảm người dân có cơ hội được phát biểu thực lòng, ý kiến được thành tâm lắng nghe để tiếp thu hợp lẽ và Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm kinh phí phù hợp, tạo điều kiện hợp lý để thực hiện hiệu quả nhất.
Trước hết, nội dung quy định của pháp luật phải được chuyển tải giản dị nhất tới dân. Sau đó, người dân mong được phát biểu ý với các tổ chức xã hội gần gũi với mình để ý kiến của mình được chuyển trung thực đến các cơ quan xây dựng luật pháp. Cuối cùng, người dân muốn nhận được ý kiến phản hồi mang tính trách nhiệm giải trình từ các cơ quan xây dựng pháp luật với lý lẽ hợp lý về việc tiếp thu hay không tiếp thu ý kiến của dân. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi cần có những quy định chi tiếp để việc lấy ý kiến của dân là thực.
Vấn đề thứ balà trách nhiệm thẩm định dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật nên đặt vào tay cơ quan nào? Cho đến nay ở Việt Nam, mọi việc thẩm định đều do các cơ quan nhà nước thực hiện, giữ nguyên như thời kỳ bao cấp. Như vậy, cơ quan nhà nước nghiên cứu, cơ quan nhà nước dự thảo, cơ quan nhà nước thẩm định và cơ quan nhà nước ban hành đã trở thành chuỗi quy trình thiếu vắng những ý kiến mang tính khách quan để chỉ ra các quy định sinh ra từ cách suy nghĩ mang tính lối mòn quản lý (vẫn gọi là quan liêu), và cũng để kiểm soát việc quy định thẩm quyền quản lý không hợp lý (vẫn gọi là nguy cơ tham nhũng).
Đây chính là nguồn cơn để xây ra tình trạng các Bộ xây dựng luật pháp vẫn vun vén quyền cao nhất cho mình. Để giải quyết vẫn đề chủ quan quản lý trong quy trình xây dựng pháp luật, cơ chế thẩm định nằm giữa dự thảo và quyết định là điểm chốt của vấn đề. Như vậy, có thể đổi mới cơ chế thẩm định dựa trên nguyên tắc: bên cạnh nhiệm vụ thẩm định giao cho cơ quan hay hội đồng của Nhà nước, cần giao nhiệm vụ thẩm định độc lập cho một hội đồng gồm các tổ chức xã hội ngoài nhà nước là đại diện cho lợi ích của các cộng đồng cư dân. Hội đồng thẩm định độc lập sẽ chỉ ra những bất cập trong dự thảo đối với việc bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc lấy ý kiến thực chất của các tổ chức xã hội, của người dân và việc tổ chức thẩm định độc lập với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật sẽ làm cho Nhà nước phải chi phí nhiều hơn, thời gian mất nhiều hơn và đòi hỏi nguồn nhân lực tham gia cũng nhiều hơn. Những tốn kém này nhằm đánh đổi lấy các văn bản pháp luật phù hợp hơn với cuộc sống, tuổi thọ pháp luật dài hơn, hiệu lực thi hành cao hơn. Hơn nữa, đây là quá trình thực thi dân chủ, mang lại bền vững xã hội cao. Tổng lại thì lợi ích vẫn lớn hơn chi phí, nên đó là việc cần làm. Nhìn sang các nước công nghiệp mới, các luật đều có đời sống tới vài chục năm; ở các nước phát triển, các luật đã được hình thành vài trăm năm mà vẫn giữ nguyên hiệu lực.
Việc giải quyết tất cả mọi vấn đề nêu trên đều trông chờ vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi. Việc cần làm ngay là phải lấy ý kiến thật đầy đủ, chi tiết, thành tâm của các tổ chức xã hội, của mọi công dân về dự thảo Luật này để cùng nhau có được một quy trình xây dựng pháp luật đạt hiệu suất, hiệu quả và hiệu lực cao. Đây là nền tảng để tạo dựng một Nhà nước pháp quyền bền vững, của dân, do dân và vì dân.
Gs. TsKh. Đặng Hùng Võ
(Theo Vietnamnet)

9 tháng 4, 2015

Tượng đài, dinh thự và… cứu đói!


1.500 tấn gạo vừa được Chính phủ rót xuống để cứu đói cho người dân tỉnh Quảng Nam kỳ giáp hạt. Một tỉnh nghèo cần được cả nước quan tâm giúp đỡ! Nhưng có lẽ không phải vậy. Họ vừa xây xong nhà khách tỉnh ủy nguy nga tốn 165 tỷ đồng, vừa khánh thành một tượng đài hơn 400 tỷ
Tượng đài, dinh thự và… cứu đói! - ảnh 1Người dân ở nhiều địa phương vẫn thường gặp cảnh đói kỳ giáp hạt  -  Ảnh: H.X.Huỳnh 
Chuyện trái khoáy! Song đó là một thực tế ở nước ta. Đáng lo là tiền để làm những công trình ấy đều là tiền dân, tiền nước. Nếu một tổ hợp khách sạn, hội nghị, kèm theo khu biệt thự, hồ bơi, sân tennis… đẳng cấp 5 sao do tư nhân đầu tư sẽ là chuyện đáng mừng với một địa phương nghèo, vì đã thu hút được đầu tư. Nhưng khi chính quyền vung trăm tỷ, ngàn tỷ để xây các công trình không đem lại lợi ích cho kinh tế địa phương hoặc chưa cần thiết trong hiện tại trong khi năm nào cũng cầu cứu chính phủ cấp gạo cứu đói thì rất đáng quan ngại.
Đáng buồn, đây không phải là chuyện của một địa phương.
Qua thông tin báo chí, người ta chưa thấy nhiều điểm sáng kinh tế địa phương, ngoài một số gương mặt quen thuộc như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Phòng… Với những nơi còn nghèo, thật mừng khi nghe được thông tin như: tỉnh này xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả, tỉnh kia lo được cho dân sung túc… Nhưng những thông tin ấy thường hiếm và quý. Cái mà các địa phương này được chú ý lại thường là những thông tin như đã xây được nhà hát trăm tỷ, xây tượng đài hoành tráng, trung tâm văn hóa đồ sộ…
Trong một cuộc họp quốc hội vào năm ngoái, đại biểu Ksor Phước đã phát biểu: “Chỉ nói về xây dựng trụ sở, có tỉnh làm việc rất nghiêm túc, sử dụng hết công năng, nhưng có tỉnh xây dựng lộng lẫy như cung điện. Đây là trụ sở phục vụ nhân dân chứ không phải nơi tham quan du lịch, xây dựng lộng lẫy gây phản cảm vì người dân còn nghèo, tỉnh còn khó khăn”.
Nghèo thế, nhưng “khát vọng” của lãnh đạo nhiều địa phương không hề nhỏ. Cứ xem, nhiều tỉnh nghèo những vẫn đua nhau xin được đầu tư xây cảng biển, xây cảng hàng không, khu kinh tế, khu công nghiệp… trong khi cơ sở hạ tầng chưa đạt yêu cầu, thậm chí cũng chưa tính toán được xây xong sẽ khai thác thế nào và hiệu quả đến đâu. Những dự án này hầu như phải tính bằng tỷ đô-la. Và thực tế cho thấy, không ít cảng biển, cảng hàng không xây xong nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt”, khu công nghiệp “đắp chiếu”… trong khi dân không có đất để sản xuất, phải bỏ quê đi kiếm việc làm nơi khác.
Theo thống kê, chỉ trong dịp trước tết và giáp hạt của năm 2015 này, đã có 21 tỉnh thành trên cả nước đề nghị Chính phủ cung cấp gạo cứu đói cho dân. Điều đó có nghĩa là có đến 1/3 số tỉnh thành trên cả nước còn có người đói kém, sống “dưới mức nghèo khổ”. Lẽ nào tình trạng này mãi tiếp diễn?
Mô hình “làng thần kỳ” của Nhật Bản đã được áp dụng tại Lâm Đồng cho kết quả rất khả quan. Đây là một ví dụ cụ thể khi đặt vấn đề về việc nâng cao đời sống người dân với các địa phương: Cũng làm nông nghiệp nhưng tại sao người ta giàu có, còn mình thì không?
Trước đây, những ông chủ của “làng thần kỳ” xứ Phù Tang cũng là những người nông dân nghèo ở nơi mà “thiên không thời, địa không lợi”, nhưng quyết tâm vượt lên hoàn cảnh thì có thừa. Họ không làm giàu theo kiểu chụp giật, đầu độc người khác để kiếm tiền. Rau củ của họ làm ra có thể ăn tại ruộng. Đó là mơ ước của hàng triệu người Việt Nam: được ăn rau sạch.
Nhu cầu thị trường trong nước rất lớn, nhưng sao các vùng nông nghiệp của mình không đáp ứng được. Bài toán này các bạn Nhật đã giải quyết được, người Việt ta cũng phải làm được. Quan trọng là chúng ta có tư duy về điều đó không, hay chỉ lo xây những công trình bề thế tốn tiền mà không giải quyết được những bức bách trước mắt, cũng có thể là cả về lâu dài.
Tượng đài, khách sạn 5 sao, sân bay, hay cảng biển… rồi đến thời điểm nào đó cũng sẽ có, nhưng chưa phải lúc này. Chuyện trước mắt của “nhà nghèo” là phải tìm cho được một mô hình kinh tế thiết thực và hiệu quả để vươn lên giàu có, để không còn phải hàng năm xin trợ cấp cứu đói. Đó mới là hình ảnh khiến lòng người ngưỡng mộ.
Đoàn Đạt*
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống và làm việc tại TP.HCM.

Không cải thiện xếp hạng, Việt Nam sẽ đi sau Campuchia

Nếu không thay đổi, chắc chắn y học Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu, ngay cả so sánh với Campuchia khi họ hiện nay đã tiếp cận và thực hiện các chương trình của Úc.

“Y học VN có giỏi không?” Câu hỏi này xuất hiện ít nhất một lần trong đời của mọi cán bộ y tế ở VN nhưng có lẽ chưa bao giờ có một câu trả lời nào tương đối rõ ràng, thỏa đáng.
Lạc hậu và không tương đồng
Trong báo cáo hệ thống y tế toàn cầu năm 2000 của Tổ chức y tế thế giới (WHO), VN được xếp hạng tổng thể ở mức 160/ 191, thông qua đánh giá 05 nhóm chỉ số đo lường năng lực và trách nhiệm.
Trong khu vực Đông Nam Á, VN xếp trên Lào, Campuchia, và Myanmar. Việt Nam cũng nằm trong 09 nước phân bố ngân sách cho y tế thấp nhất.
Đây là lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất cho đến nay WHO đưa ra xếp hạng, và dù có quá nhiều tranh cãi về phương pháp đánh giá, kết quả thứ hạng của VN cũng có thể coi là tương đối tin cậy và ít bàn cãi.  Có vẻ từ bấy đến nay chưa có bất cứ bằng chứng cụ thể nào cho thấy VN đã cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng. Vì sao?
Vấn đề thứ nhất là đào tạo y khoa ở ta đã lạc hậu, không còn tương đồng với thế giới. Các nền y học phát triển hiện tại ở Bắc Mỹ, châu Âu hay Úc có một số phiên bản khác nhau, đào tạo bác sĩ (thế giới gọi là medical doctor, hay doctor of medicine, hay TS y khoa) là đào tạo sau ĐH cực cấp hoặc chuyên nghiệp của y học.
Trong khi đó, chương trình đào tạo BS đa khoa ở ta là đào tạo ĐH với thời lượng 06 năm, kể từ khi rời ghế phổ thông. Chúng ta cũng cấp một tấm bằng được dịch ra tiếng nước ngoài không khác gì, trong khi với 06 năm tương tự, thì Pakistan chỉ dám gọi đó là cử nhân y khoa(bachelor of medicine). Vì thế, tấm bằng của chúng ta chỉ có giá trị ở VN, ngoại trừ vài quốc gia châu Phi và bán đảo Ả rập mà VN đã có hợp tác chuyên gia tại các vùng sâu vùng xa ít năm trước đây.
Một vài trường y chọn đầu vào các SV có kết quả thi ĐH rất tốt. Song quá trình đào tạo lại  bộc lộ nhiều điểm yếu.
Khác biệt lớn nhất chính là các môn học cơ bản tiền y khoa, thứ mà các chương trình nước ngoài dành tới bốn năm để tạo cho SV nền tảng hiểu biết cụ thể, suy luận logic, và năng lực nghiên cứu, thì chúng ta chỉ dành một năm, cả l‎ý thuyết và thực hành. Thêm vào đó, lại dành cả năm trời cho các môn đề cương chung không mấy liên quan.
thay đổi tận gốc, ngành y, Nguyễn Công Nghĩa, Canada, Y tế, Việt Nam, hộ lý, công hay tư
Ảnh minh họa: Cẩm Quyên
Giáo trình đào tạo là một điểm yếu cố hữu khi mà hiện tại những giáo trình y khoa cho nhiều bộ môn xuất bản từ những năm 80 vẫn còn đang được dùng. Máy móc thiết bị cho phòng lab thực hành tiền lâm sàng tại các trường vẫn thô sơ, thiếu thốn. Các trường y không thuộc TOP đầu thì tình hình tệ hơn nhiều. Ngoại ngữ là một trở ngại lớn cho sự hội nhập của các SV y khoa và sau này là sự tham gia của y học VN trong các hội nghị y khoa quốc tế.
Ví dụ, VN là một trong 14 quốc gia nhận tài trợ 1 tỷ USD của PEFFAR cho phòng chống HIV/AIDS, nhưng trong các hội nghị gần đây nhất về HIV/AIDS khu vực châu Á-Thái bình dương, đoàn VN dù tham gia với số lượng đông nhưng gần như không bao giờ làm chủ tọa một phiên họp toàn thể nào, và hầu hết thông qua phiên dịch.
Điều này hoàn toàn khác với sự tự tin của đại diện các quốc gia y học không nổi trội như Philippines, Myanmar, và ngay cả Campuchia. Hy vọng có một trường y của VN lọt top 200  thế giới là xa vời, có thể không bao giờ đạt tới.
Triết lý đào tạo y khoa của các trường y VN chắc chắn cần dựa trên ba trụ cột cơ bản: toàn cầu (global), trí tuệ (intelligent) và tự trọng (self-esteem). Nếu không thay đổi, chắc chắn y học VN sẽ ngày càng tụt hậu, ngay cả so sánh với Campuchia khi họ hiện nay đã tiếp cận và thực hiện các chương trình của Úc (có thể thấy ngay rằng chúng ta không còn những học viên y khoa từ Campuchia như 10 năm trước đây).
Cách hành xử chuyên nghiệp
Vấn đề thứ hai là phải thay đổi tận gốc quan niệm của xã hội và của chính ngành y.  Ở bất cứ cấp độ hay hoàn cảnh nào, mối quan hệ bệnh nhân và thầy thuốc phải được thay bằng quan hệ giữa người sử dụng dịch vụ và cung cấp dịch vụ. Đó là cách hành xử chuyên nghiệp. Trong một thời gian quá dài, mặc định từ truyền thông và giáo dục rằng hành nghề y học là “hy sinh, cao qúy” hoàn toàn chỉ là sự suy tôn giá trị không cần thiết.
Chính quan niệm này đã tạo nên quan hệ mang tính hàm ơn, ban ơn, xin cho từ phía người thầy thuốc về những thứ mà người bệnh hoàn toàn có quyền được đòi hỏi và được phục vụ bởi sự chi trả minh bạch từ tiền túi của họ hay từ bảo hiểm y tế.
Điều cần làm, rất đơn giản là trả ngành y về đúng giá trị, tương tự như mọi ngành nghề lương thiện khác của xã hội, như người lính trên mặt trận quốc phòng, công nhân làm ca trong nhà máy, hay người nông dân cày cuốc trên cánh đồng. Người bệnh hoàn toàn không cần phải kêu gọi lòng từ tâm của thầy thuốc.
Cũng chính quan niệm hàm ơn, ban ơn này, cùng với sự phát triển kinh tế thị trường đã phát sinh văn hóa phong bì bắt đầu từ giữa những năm 90, và đó là nỗi khổ lớn nhất của người bệnh, dễ thấy nhất tại các cơ sở y tế công lập.  Chính nó đã thay đổi rất nhiều diện mạo của y học.
Trong hơn 20 năm hành nghề bác sĩ của người viết, có thể khẳng định rằng không có chuyện người bệnh tự nguyện đưa phong bì, mà thực tế họ bị buộc phải làm như vậy, và đây là sự mất công bằng cho người nghèo. Khi nhận phong bì, các thày thuốc đánh mất lòng tự trọng  nghề nghiệp. Người hiếm hoi giữ được tự trọng thì cảm thấy mình đơn độc và thiệt thòi.
Các thước đo giá trị về tính chuyên môn, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, sự đầu tư cho nghiên cứu đã bị bóp méo bởi việc kiếm tiền thực dụng trên bệnh nhân thông qua sự độc quyền kỹ thuật và ban phát. Không thể ngụy biện, phải chấm dứt vô điều kiện tệ nạn này, và việc đó hoàn toàn có thể.
Quyền hạn, nhiệm vụ và thái độ hành xử của mỗi cán bộ y tế, từ lãnh đạo đến các vị trí thấp nhất như hộ lý, tại bất kỳ cơ sở y tế công hay tư, đều phải được quy định bằng văn bản và có hình phạt tương xứng khi vi phạm.
Có lẽ, nên quay trở lại tinh thần của gần 20 năm trước, khi cựu Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương ký văn bản quy định 12 điều y đức trong đó"Không nhận quà biếu của bệnh nhân dưới bất kỳ hình thức nào".
(còn nữa)
  • Nguyễn Công Nghĩa, TS, BS, Đại học Waterloo, Ontario, Canada

TBT Nuyễn Phú Trọng đang thăm TQ... thì...

Trung Quốc công khai mục đích quân sự ở đảo nhân tạo trên Biển Đông







(Vnexpress). Trung Quốc hôm nay công bố kế hoạch sử dụng những đảo nhân tạo mà nước này đang xây dựng trái phép trên Biển Đông, ngang nhiên cho rằng chúng sẽ được sử dụng để "phòng vệ quân sự và cung cấp dịch vụ dân sự có lợi cho các nước xung quanh".
bà Hoa Xuân Doanh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: fmprc.gov.cn.
Bà Hoa Xuân Doanh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh:fmprc.gov.cn.
Hoạt động cải tạo đất và xây dựng tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông phần nào "là cần thiết do rủi ro từ những cơn bão gây ra với nhiều tuyến hàng hải xa đất liền", Reuters dẫn lời bà Hoa Xuân Doanh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát biểu tại một cuộc họp báo.
"Chúng tôi đang xây dựng nơi trú ẩn, hỗ trợ điều hướng, tìm kiếm và cứu hộ, dịch vụ dự báo khí tượng hàng hải, dịch vụ nghề cá cùng thủ tục hành chính cần thiết cho Trung Quốc, các nước láng giềng cũng như chính các tàu" đang hoạt động trên Biển Đông, bà Hoa nói.
Theo bà Hoa, các đảo và bãi đá còn "đáp ứng nhu cầu phòng thủ quân sự" của Trung Quốc.
Đây được xem là lần hiếm hoi giới chức Trung Quốc công bố chi tiết kế hoạch cho những đảo nhân tạo nước này đang xây dựng trái phép ở Biển Đông. Hoạt động cải tạo đất nhanh chóng của Bắc Kinh tại 7 bãi đá trên Biển Đông đã khiến nhiều nước láng giềng lên án gay gắt. Động thái của Trung Quốc cũng vấp phải chỉ trích từ phía Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, người đang có chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bà Hoa còn ngang nhiên nói quá trình xây dựng hoàn toàn nằm trong chủ quyền của Trung Quốc, và "không ảnh hưởng và không nhằm chống lại bất kỳ nước nào".
Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Mỹ mới đây công bố ảnh chụp hôm 16/3 cho thấy Bắc Kinh đang đẩy nhanh việc cải tạo đất ở Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là hoạt động bồi đắp mới nhất của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, bất chấp sự phản đối của nhiều nước. Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn vào năm 1995.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, chồng lấn lên một số quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Biển Đông có tiềm năng về năng lượng và là tuyến đường hàng hải quan trọng, với lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được vận chuyển qua vùng này mỗi năm.
Việt Nam nhiều lần phản đối việc Trung Quốc xây dựng, mở rộng công trình trên các bãi, đá và làm thay đổi nguyên trạng tại quần đảo Trường Sa. Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý cùng bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm Tuyên bố về ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC) đã được Trung Quốc ký kết với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002.
vanh-khan-3574-1428542692.jpg
Hình ảnh được chụp ngày 16/3 ở Đá Vành Khăn cho thấy hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc. Ảnh: CSIS
Như Tâm

7 tháng 4, 2015

"Việt Nam tụt hậu 1-2 thế kỷ"


(GDVN) - Trong thế kỷ 21 này, ngành nào cũng có biến đổi và biến đổi nhanh chóng, nhưng có một ngành mãi vẫn lạc hậu và không thay đổi gì hết, đó là sư phạm.
GS.TSKH Hồ Ngọc Đại - người đã từng từ chối làm Thứ trưởng để dạy tiểu học đã bình luận như vậy khi nói về vai trò của người thầy - yếu tố thiên cốt tạo nên sức sống của nền giáo dục.
"Ai cũng dạy được, thất cơ lỡ vận có chữ là dạy được"
GS Hồ Ngọc Đại nhận định: "Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi chúng ta bắt đầu chuẩn bị cuộc cải cách giáo dục với nhiều ảo tưởng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi về tôi cuộc cải cách giáo dục như thế nào? Tôi trả lời ngay: "Sẽ thất bại, vì chiến lược về nền giáo dục hiện đại dông dài, ly kỳ, khó hiểu. Cho đến bây giờ, Việt Nam chúng ta nếu nhìn về mặt triết học thì ngang bằng lịch sử, nhưng thực chất là đang tụt lùi 1-2 thế kỷ”.
GS.TSKH Hồ Ngọc Đại: Trong thế kỷ 21 ngành nào cũng có biến đổi và biến đổi nhanh chóng, nhưng có một ngành mãi vẫn lạc hậu và không thay đổi gì hết (kể cả nguyên tắc lý thuyết) đó là sư phạm. Ảnh: Ngọc Quang.
Nếu đặt ra câu hỏi: Trước quá nhiều chuyện xấu xí của nền giáo dục, chúng ta phải chọn vấn đề gì cần phải làm trước để mở đường cho một cuộc cải cách? Hẳn bất cứ ai có hiểu biết về giáo dục đề sẽ trả lời: Cái lõi của sự đổi mới, không gì hơn được, đó chính là người thầy. Nếu người thầy năng lực không tốt, không mẫn cán mà nói vui là không chịu được áp lực "lái tàu cao tốc" thì hệ lụy là sẽ làm hỏng nhiều thế hệ học sinh. Nhưng dường như ngành giáo dục chưa có một kế hoạch đủ mạnh để thay đổi vai trò của người thầy. Do đó, GS Hồ Ngọc Đại đánh giá rằng, trong thế kỷ 21 này, ngành nào cũng có biến đổi và biến đổi nhanh chóng, nhưng có một ngành mãi vẫn lạc hậu và không thay đổi gì hết (kể cả nguyên tắc lý thuyết) đó là sư phạm.
“Đi đến đâu tôi cũng kể lại câu chuyện ông bố Kennedy mở lớp dạy cho trẻ con và nói rằng, dòng họ Kennedy sẽ làm tổng thống nước Mỹ. Nếu không làm Tổng thống nước Mỹ mà làm bất cứ nghề gì, kể cả đó là nghề móc cống thì cũng là người móc cống giỏi nhất nước Mỹ. Điều đó có nghĩa là xã hội đòi hỏi sự chuyên nghiệp hóa, nhưng chúng ta hiện nay không có tính chuyên nghiệp gì cả.
Khi nghiên cứu về tâm lý học, tôi thấy rất tự ái về nghề, vì rằng ai cũng làm giáo viên được cả, kể cả thất cơ lỡ vận có chữ là dạy được. Do đó, tôi muốn biến cái nghiệp vụ sư phạm thành công việc chỉ có thầy giáo mới làm được, ngoài ra không ai làm được”, GS Đại chia sẻ.
Đào tạo giáo viên dư thừa quá lớn
Song song với yêu cầu nâng cao chất lượng đời sống cho người thầy thì công tác tuyển sinh ngành sư phạm cũng phải siết thật chặt, không nên để điểm đầu vào quá thấp như mấy năm qua. Nói cách khác, những ai không xứng đáng thì cũng đừng đứng vào hàng ngũ người thầy.
PGS.TS Nguyễn Thám – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế cho hay: “Tôi thống kê hiện nay có 43 trường sư phạm, hoặc các trường không sư phạm nhưng lại có khoa sư phạm đào tạo giáo viên, thậm chí có những trường không có khoa sư phạm cũng đào tạo giáo viên. Năm trước, chỉ tiêu đào tạo giáo viên của Bộ Giáo dục là 16 nghìn có ngân sách nhưng các trường ở địa phương thì tăng lên 25.500 chỉ tiêu. Dù chủ trương của Bộ Giáo dục là giảm chỉ tiêu đào tạo giáo viên, nhưng năm nay vẫn có tới 25.250 chỉ tiêu đào tạo ở tất cả các trường trên cả nước. Như vậy là quá dư thừa".
PGS.TS Nguyễn Thám - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế đề nghị ngăn chặn sự phát triển ồ ạt đào tạo giáo viên. Ảnh: Ngọc Quang.
Trước thực trạng trên, PGS Nguyễn Thám đề nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục cần phải ngăn chặn được sự phát triển ồ ạt vượt quá hệ thống các trường đào tạo giáo viên.
"Nếu không kiên quyết điều chỉnh lại hệ thống các trường đào tạo giáo viên, không kiên quyết giảm chỉ tiêu của các trường đào tạo giáo viên thì đừng nói đến chuyện. Tôi biết rằng chuyện này khó, nhưng phải kiên quyết làm cho được, đây là câu chuyện mang tầm quốc gia và nếu chỉ có riêng Bộ Giáo dục thì không thể làm được", PGS Thám nói.
Chia sẻ về những lo lắng này với PV Báo Giáo dục Việt Nam, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận định rằng "đào tạo vẫn rất nhiều và tuyển dễ dãi dẫn tới vàng thau lẫn lộn".
GS Thuyết đánh giá, chương trình - SGK hay trang thiết bị dạy học rất quan trọng, nhưng vai trò của nhà giáo luôn luôn là số một. Chính vì vậy, trong lần đổi mới này, chúng ta cần đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, nếu không đổi mới được trước thì ít nhất cũng phải song song với đổi mới chương trình - SGK.
"Trước hết, cần đổi mới ở khâu tuyển sinh. Lâu nay, biện pháp miễn học phí cho sinh viên, học viên sư phạm đã tỏ ra hết hiệu lực, không hấp dẫn được học sinh giỏi như trước nữa; bởi vì được miễn vài triệu đồng học phí, lúc ra trường phải chạy hàng trăm triệu đồng mới có một chỗ dạy học thì thầy cô lương ba cọc ba đồng lấy tiền đâu để bù vào khoản “tiêu cực phí” ấy? Chi bằng họ chọn nghề khác, tuy lúc ra trường vẫn phải “chạy việc” nhưng khả năng kiếm thêm, bù lại vẫn nhiều hơn. Để hấp dẫn người giỏi vào ngành sư phạm, theo tôi, Nhà nước cần xác định được tương đối chính xác nhu cầu giáo viên để không đào tạo tràn lan và đảm bảo công ăn việc làm cho giáo sinh lúc ra trường. Xác định điều này hoàn toàn không khó khi đã có số liệu về trường, lớp, môn học, số trẻ sinh ra mỗi năm…
Sau khâu tuyển sinh là phương thức đào tạo. Công tác đào tạo ở các trường sư phạm phải gắn với đơn vị sử dụng lao động. Giáo sinh chỉ nên dành tối đa 60% thời gian học ở trường sư phạm, còn 40% thời gian học ở trường phổ thông. Có như vậy thì đào tạo mới gắn liền với thực tế, giáo viên mới giỏi được", GS Thuyết chia sẻ.

5 tháng 4, 2015

Chẳng có cấp chính quyền nào nhận mình sai

Sự việc sông Đồng Nai cho thấy, trong khi các nhà chuyên môn thường thể hiện tính chính quy trong phán xét sự việc thì cấp chính quyền nào cũng vậy, chẳng mấy khi nhận sai trái về phần mình. Thế rồi, chuyện phải đến đã đến, đó là lúc các bộ, ngành và cơ quan chức năng trung ương vào cuộc.

Dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” sau hơn hai tuần lễ gây nhiều tranh cãi giữa địa phương và giới chuyên môn ở trung ương được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, đã phải tạm dừng theo đề nghị của nhà đầu tư.
Thông báo của UBND tỉnh Đồng Nai hôm 27-3 nói rõ lý do là “để tiếp thu, lắng nghe ý kiến của các bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng để làm rõ tác động của dự án” mà đơn vị này đang thi công. Đây là một kịch bản gần như đã trở thành “kinh điển” đối với các dự án lớn “có vấn đề” mà gần đây nhất là dự án thay thế cây xanh ở Hà Nội và xa hơn là dự án khai thác bauxite ở Dăk Nông đến nay không chỉ là nỗi nhức nhối về tác hại môi trường.
Với dự án cải tạo trên sông Đồng Nai, khi mà những tranh cãi liên quan đến tác hại môi trường nổ ra gay gắt, tràn ngập trên các kênh truyền thông thì sự kiện này nhanh chóng trở thành dòng thời sự chủ lưu mấy tuần qua.
Các nhà khoa học, chuyên viên thuộc nhiều cơ quan chức năng với một bồ kiến thức chuyên sâu đã đưa ra nhiều luận điểm đầy thuyết phục, phân tích rõ những tác hại do thay đổi dòng chảy sông Đồng Nai, chế độ thủy văn và xói lở ảnh hưởng đến 11 tỉnh trong khu vực được xem là vùng kinh tế năng động.
Lấp sông Đồng Nai, Môi trường, nhà báo Trần Trọng Thức
Một nhánh sông Đồng Nai.
Đồng Nai phản ứng chống chế không thuyết phục rằng dự án này nằm trong quy hoạch của tỉnh, sau khi các sở ngành liên quan có ý kiến thì UBND tỉnh đã có quyết định chấp thuận cho Công ty Toàn Thịnh Phát đầu tư dự án. Việc lấn sông không ảnh hưởng bao nhiêu đến dòng chảy và môi trường. Tỉnh mạnh dạn hơn khi quả quyết việc cấp phép là đúng chức năng, không cần xin ý kiến của Bộ Xây dựng hay của tỉnh, thành nào khác vì đây là dự án của địa phương không nằm trong đề án sông Đồng Nai.
Cũng dễ hiểu sự khác biệt này. Trong khi các nhà chuyên môn thường thể hiện tính chính quy trong phán xét sự việc thì cấp chính quyền nào cũng vậy, chẳng mấy khi nhận sai trái về phần mình. Thế rồi, chuyện phải đến đã đến, đó là lúc các bộ, ngành và cơ quan chức năng trung ương vào cuộc.
Trước tiên là Bộ Tài nguyên và Môi trường nói rằng, địa phương chưa hề xin ý kiến của bộ là cơ quan có thẩm quyền trong việc xem xét dự án và đã yêu cầu các đơn vị của bộ kiểm tra, báo cáo tình hình. Người phụ trách trực tiếp lĩnh vực tài nguyên nước nói vấn đề chi phối của dự án này không hẳn là môi trường mà là sự chi phối của Luật Tài nguyên nước, liên quan đến chỉnh trị dòng sông.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì sao? Người đứng đầu Tổng cục Thủy lợi nói: Vụ Đê điều, Vụ Phòng chống bão lụt, rồi Cục Thiên tai, chẳng có nơi nào thấy tỉnh Đồng Nai, chủ đầu tư xin phép, xin ý kiến gì về việc “lấn sông” này cả. Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải cũng có ý kiến về dự án.
Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tuần qua đã đến Đồng Nai tìm hiểu tình hình. Và trong một buổi họp mới đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Đồng Nai làm rõ về dự án lấn sông, báo cáo Thủ tướng chậm nhất là trong tháng 5-2015.
Quá nhiều các cơ quan quyền lực vào cuộc đã khiến “Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” vượt khỏi tầm tay của địa phương lẫn nhà đầu tư là Công ty Toàn Thịnh Phát, một doanh nghiệp lớn, có thế lực trong lĩnh vực xây dựng tại Đồng Nai và Bình Dương.
Kịch bản sẽ đến hồi thứ hai với một cuộc chạy tìm thuốc chữa để dự án có thể vượt qua cơn bĩ cực. Vận động viên không chỉ địa phương mà cả nhà đầu tư đã bỏ vào một khoản tiền lớn cho dự án đang được thi công và không muốn nửa đường phải đứt gánh. Danh sách nơi phải đến càng dài thì đó là một cuộc chạy marathon trải qua nhiều trạm, hao tốn nhiều sức lực lẫn thời gian. Bộ máy hành chính lâu nay cố vùng vẫy mà chưa thoát khỏi tệ nạn quan liêu vẫn còn đó quá nhiều cục, nhiều vụ sẵn sàng thể hiện quyền hành. Thế là lại ban phát, lại xin - cho, lại phong bì và những giải pháp khắc phục.
Vất vả này trước tiên thuộc về địa phương bởi về nguyên tắc nhà đầu tư có thể đổ hết trách nhiệm: anh cấp phép cho tôi thì tôi tin cậy hoàn toàn vào anh, giữa đường có chuyện gì thì anh phải lo giải quyết, tôi vi phạm thì anh xử thế nào tôi cũng chịu mọi thiệt hại về mình. Nhưng về thực tế thì lại khác: anh có thế, tôi có lực, cùng tìm cách hóa giải khó khăn vì tinh thần cộng sinh, vì uy tín của anh để người ta không chê là làm ăn bất nhất và vì quyền lợi của tôi, đã phóng lao thì phải theo lao.
Giải pháp là gì đây? Hoặc rút giấy phép vì dự án này tác hại đến mức không thể chấp nhận được và sẵn sàng cấp đất cho một dự án khác. Thế là phát sinh thêm vấn đề ai phải bỏ tiền ra đền bù cho những thiệt hại của nhà đầu tư? Hoặc trước sự đã rồi nên phải đi vào lối mòn “khắc phục” những hạn chế của dự án theo yêu cầu của các bộ, ngành như giảm bớt một số hạng mục, cam kết bảo vệ môi trường, đền bù thiệt hại cho các bên liên quan...
Cũng rất có thể giải pháp thứ hai mang tính thỏa hiệp được chọn lựa với lý do đơn giản là dễ thực hiện và ít gây thiệt hại hơn cả cho đôi bên. Và nếu không gặp phản ứng gay gắt của xã hội thì sẽ trở thành “chuyện để lâu cứt trâu hóa bùn” như người đời xưa thường nói và người đời nay thường làm. Thế là kết thúc một vòng chạy thuốc sau khi tiếp thu và lắng nghe những ý kiến sáng giá và đầy trách nhiệm giữa bao nhiêu quy định không rõ ràng của pháp luật và sự toan tính của địa phương lẫn doanh nghiệp.
Trần Trọng Thức(theo TBKTSG)