Trang

25 tháng 2, 2015

'Trưng cầu phải đúng là ý dân'

BTTD: "Trưng cầu dân ý" chỉ có tác dụng trong xã hội có "tự do và dân trí".

 - Chủ tịch QH cho rằng "trưng cầu ý dân thì phải đúng là ý dân - người dân được độc lập, tự chủ, thể hiện chính kiến bằng lá phiếu", do đó công tác tổ chức phải đảm bảo lá phiếu không bị tác động.
Dự thảo luật Trưng cầu ý dân được đưa ra UB Thường vụ QH lấy ý kiến lần đầu tiên hôm nay, với yêu cầu “có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp”. Hội Luật gia Vđược giao chủ trì xây dựng luật này, dự kiến trình QH tại kỳ họp tháng 5 tới và biểu quyết tại kỳ họp cuối năm nay.
Tờ trình của cơ quan soạn thảo nêu rõ: Trưng cầu ý dân là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Tuy nhiên, từ khi thành lập nước đến nay, nhất là từ sau năm 1976, kết quả của các hoạt động lấy ý kiến nhân dân, để nhân dân quyết định trực tiếp đối với những vấn đề trọng đại về quốc kế dân sinh cũng còn rất nhiều hạn chế, do chưa có thể chế pháp lý rõ ràng về trưng cầu ý dân dù đã được hiến định.
Trên thế giới, trưng cầu ý dân đã được thừa nhận rộng rãi như một trong những giá trị của dân chủ trực tiếp trong xã hội hiện đại, rất nhiều nước đã ban hành luật Trưng cầu ý dân.
Quốc hội, trưng cầu ý dân, dân chủ
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại UB Thường vụ QH. Ảnh: TTXVN
Đối với dự thảo đầu tiên này, Hội luật gia VN đưa ra 7 vấn đề còn ý kiến khác nhau: Thứ nhất là những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân, chỉ quy định về mặt nguyên tắc, khái quát những vấn đề nào được đề nghị để QH quyết định đưa ra trưng cầu, hay cần quy định rõ, liệt kê những vấn đề nào được đưa ra.
Thứ hai là phạm vi trưng cầu ý dân, chỉ nên tổ chức ở quy mô toàn quốc, hay tuỳ thuộc vào tính chất, tầm quan trọng và phạm vi tác động của vấn đề đưa ra trưng cầu mà QH quyết định quy mô tổ chức cho hợp lý, toàn quốc, hoặc trong một vùng, hoặc chỉ trong một tỉnh, thành phố.
Thứ ba là giám sát trưng cầu ý dân. Thứ tư, chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu. Thứ năm là UB trưng cầu ý dân trung ương. Thứ sáu: Kỹ thuật thiết kế các quy định về danh sách cử tri và khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân.
Và thứ bảy là về kết quả trưng cầu ý dân. Dự thảo đang xây dựng trên cơ sở kết quả có giá trị quyết định, do đó phải đảm bảo số lượng cử tri nhất định theo công thức “quá bán kép”, cụ thể là: “Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Phương án trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành”.
Nếu là trưng cầu ý dân về Hiến pháp thì cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá 2/3 tổng số cử tri có tên trong danh sách đi bỏ phiếu và phương án được quá 2/3 số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành.
Thảo luận trong UB Thường vụ QH hôm nay có nhiều ý kiến khác nhau về các điểm trên, cũng như về việc trưng cầu dân ý nói chung.
Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu thấy nội dung đưa ra trưng cầu ý dân còn quá chung chung: Dự thảo nói là các vấn đề về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nhưng theo Hiến pháp, đó là tất cả các quyền về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội... Vậy những vấn đề như hôn nhân đồng tính, gia nhập TPP..., có trưng cầu không?"
Ông Giàu cũng băn khoăn về kinh phí tổ chức. Riêng với kết quả trưng cầu, ông đặt câu hỏi về giá trị của việc trưng cầu trong trường hợp một phương án chỉ nhận được 25% tán thành theo công thức "quá bán kép".
Theo Chủ nhiệm UB Khoa học Công nghệ Phan Xuân Dũng, không nên chỉ tổ chức trưng cầu trên phạm vi toàn quốc: "Có những vấn đề thực tế như xây dựng nhà máy điện hạt nhân, chỉ cần trưng cầu ý dân trong khu vực chịu tác động, ảnh hưởng".
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì chưa thấy dự thảo đề cập đến điều kiện để đưa một nội dung ra trưng cầu ý dân: Việc này phải khác với việc lấy ý kiến nhân dân về Hiến pháp, bộ luật Dân sự, Hình sự, luật Hôn nhân gia đình... như ta đã làm, vì kết quả trưng cầu sẽ là quyết định bắt buộc thực hiện. Vậy khi QH, UB Thường vụ QH khi trình ra một vấn đề để trưng cầu ý dân phải đảm bảo những tiêu chí nhất định.
Bà Mai cũng đề nghị quy định về phạm vi không trưng cầu ý dân. Đồng tình điểm này, Chủ tịch HĐ Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh cần "nghiêm cấm đề nghị đưa ra trưng cầu ý dân những vấn đề trái với Hiến pháp, luật pháp", vì những văn bản này có gì không ổn thì QH có đủ sức xử lý.
Ông Ksor Phước tỏ ra thận trọng: Đây là việc quan trọng, không thể mơ mơ màng màng. Nếu làm tốt sẽ thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của dân, nếu xử lý không tốt thì sẽ đẩy mình vào nguy cơ bất ổn, tự ta làm rối ta.
"Hiện nay thông tin mạng nhiều, nhiều thế lực lợi dụng để nhao nhao đòi sửa đổi nhiều điều, vậy thái độ của ta như thế nào, phải kỷ cương. Có lẽ sau khi trưng cầu ý dân, QH sẽ xem xét quyết định việc thực hiện kết quả?", Chủ tịch HĐ Dân tộc góp ý.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cũng chung băn khoăn: Nếu kết quả trưng cầu ý dân không đúng như ý muốn thì có tổ chức trưng cầu lại không, phải làm rõ nếu dân không đồng ý thì thế nào.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng muốn sau khi có kết quả, UB Thường vụ QH sẽ báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất để QH thảo luận và ra nghị quyết công nhận kết quả trưng cầu ý dân.
Chia sẻ những băn khoăn trên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Vấn đề quan trọng là dự thảo luật đang quy định theo hướng kết quả trưng cầu ý dân có ý nghĩa quyết định, trong khi chưa làm rõ QH có bắt buộc thực hiện hay được phép sử dụng kết quả trưng cầu ý dân như thế nào.
"Hiến pháp quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân chỉ có thể bị hạn chế bởi luật, chứ không phải bởi trưng cầu ý dân. Mà luật là do QH ban hành. Lập hiến, lập pháp là việc của QH, không phải của dân", ông Hùng nói.
Chủ tịch QH cũng cho rằng "trưng cầu ý dân thì phải đúng là ý dân - người dân được độc lập, tự chủ, phát biểu ý kiến của mình, thể hiện chính kiến của mình bằng lá phiếu", do đó công tác tổ chức phải đảm bảo lá phiếu không bị tác động, xuyên tạc. Do đó, "nếu quy định chưa chặt chẽ thì không thể đem ra thực hiện được, nguy hiểm lắm".
Thường vụ QH yêu cầu ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo luật, lấy ý kiến Chính phủ, bổ sung đánh giá tác động, trình lại trước kỳ họp thứ 9 để UB Thường QH cho ý kiến và quyết định có đưa vào chương trình kỳ họp này không.
Chung Hoàng

Kinh hoàng mật gấu đểu

Kinh hoàng mật gấu pha chề từ mật heo và tạp chất

Đăng Bởi  - 
Mat gau

Tùng tận tình hướng dẫn chúng tôi cách pha mật gấu dạng nước theo công thức do anh ta tự “sáng chế”. Theo đó, Tùng mua mật heo từ chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền và Hóc Môn về, bỏ vào đun cách thủy khi đạt dạng cao lỏng thì cho tiếp một ít phụ phẩm rồi đổ vào các lọ nhỏ...

“Ông trùm mật gấu” giá bèo
Tùng được xem là “ông trùm” buôn mật gấu giá rẻ trên mạng internet. Hắn có nhiều tài khoản để rao bán mật gấu trên mạng. Lấy lý do là muốn mua mật gấu về bán lại, sau vài lần liên hệ qua điện thoại, Tùng đã đồng ý gặp chúng tôi.
Chiều 20/1, chúng tôi đến khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa (TP. HCM) và gọi điện cho Tùng. Sau đó, hắn dẫn chúng tôi vào một quán nước khá vắng vẻ. Tùng liên tục đảo mắt quan sát xung quanh xem có động tĩnh gì không. Đợi một hồi, thấy không có gì khả nghi Tùng mới lấy mấy lọ mật gấu trong túi xách ra cho chúng tôi xem.
“Loại xịn giá trên 1,2 triệu đồng/cc. Mua nổi không?”, Tùng hỏi. Rồi Tùng khuyên muốn kinh doanh có lời nhiều nên chọn loại mật gấu giá rẻ, dạng nước chỉ 50.000 đồng/cc, dạng khô chỉ 1,5 triệu đồng/100gram.
Chúng tôi vờ thắc mắc tại sao mật gấu thật lại rẻ đến thế? Tùng tỏ vẻ khó chịu, nhưng vẫn giải thích: “Mật gấu giá rẻ bèo thế này thì phải pha chế chứ. Người nào ham rẻ mua thì ráng chịu, mình cứ bán kiếm lời thôi”. Tuy vậy, Tùng vẫn quả quyết rằng, trong lọ của mình cũng có mật gấu thật. Theo lời hắn, mật gấu thật được mua tại một số trại gấu ở tỉnh Nghệ An, Đắc Nông về pha thêm bán kiếm lời.
Nhìn kỹ lọ mật gấu chỉ với giá 50.000 đồng/cc, chúng tôi thấy nó có màu vàng nâu, dưới đáy đặc sệt, bên trên lõng bõng như nước trà pha đậm. Khi đưa lên ngửi, một mùi tanh xộc lên. Không biết có phải thấy chúng tôi có vẻ “ngây ngô” quá không mà Tùng bỗng dưng thành thật bất ngờ: “Mình pha thêm cũng vừa vừa thôi, đừng làm “lố” quá người ta phát hiện. Thật ra một túi mật gấu ngựa phải trên 22 triệu lận. Giờ mua được hàng thật cũng khó khăn lắm, có người mất cả chục ngàn đô mới săn được”.
Mat gau

Mật gấu giá rẻ bèo thế này thì phải pha chế chứ!" 
Nói xong, Tùng tận tình hướng dẫn chúng tôi cách pha mật gấu dạng nước, theo công thức do anh ta tự “sáng chế”. Theo đó, Tùng mua mật heo từ chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền và Hóc Môn về, bỏ vào đun cách thủy khi đạt dạng cao lỏng thì cho tiếp một ít phụ phẩm rồi đổ vào các lọ nhỏ. Chúng tôi hỏi phụ phẩm là thứ gì, Tùng nói đó là dạng bột được bán ở một cửa hàng gần chợ Kim Biên (quận 5). Hàng này không bán cho người lạ. Nếu cần anh ta sẽ mua giúp với giá 300.000 đồng/100gram. Về túi mật gấu khô, Tùng nói mật thật chỉ chiếm khoảng 60%, còn hơn 40% được làm từ mật bò, khô bò xay nhuyễn.
Thấy chúng tôi tỏ vẻ lo sợ, bán mật dỏm sẽ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, Tùng trấn an: “Mật heo ít ra cũng có thể trị được bệnh đại tràng, vàng da... lo gì. Trước khi bán, tui có hỏi thăm những người thân đang làm Đông y rồi không dám pha bậy bạ đâu. Họ uống vào mà có chuyện gì thì mình ở tù như chơi. Công năng của mật gấu trị bệnh 10 phần thì mật pha mình bán trị được 3-4 phần. Giá đó, họ chữa được nhiêu bệnh đó là được”.
Lúc ra về, Tùng không quên dặn với chúng tôi, khi rao bán nên đăng những thông tin “khéo” để tránh bị cơ quan chức năng “sờ gáy”. Đại loại phải rao như: “Có người quen biếu tặng mật gấu nhưng không có nhu cầu sử dụng nên bán lại giá rẻ...”.
Muốn xem tận mắt, giá hét ngất trời
Qua nguồn tin từ cảnh sát môi trường, chúng tôi liên hệ một địa chỉ khác chuyên bán mật gấu. Đó là căn nhà nằm sâu trong con hẻm nối ra đường tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân, TP. HCM). Người bán mật tên Lân. Thấy có người lạ đến hỏi, ông Lân chỉ thò đầu qua cửa để trao đổi, không cho khách vào nhà. Nghe chúng tôi muốn mua mật với số lượng nhiều, ông dẫn sang quán nước trước hẻm để nói chuyện.
Mat gau
Lấy mật gấu. Ảnh minh họa.  
Ông Lân đưa cho chúng tôi xem một số lọ thủy tinh đựng mật gấu. Quan sát lọ mật, chúng tôi nhận thấy dưới đáy lọ có màu xanh, phần trên màu vàng đậm. Ông Lân nói, giá bán là 100.000 đồng/cc. Ông luôn miệng quảng cáo mật này có thể trị được bách bệnh, từ đau dạ dày, tan máu bầm, giảm đau, tăng cường sinh lực... Để chứng minh cho chúng tôi tin, ông lấy tay quệt vào lọ mật, đưa lên miệng nếm, rồi lên giọng: “Mấy chú thấy đó, giả đâu mà giả. Giả thì tôi uống làm gì. Mua về uống không hết bệnh, tui trả lại tiền”.
Ông Lân cho biết mật gấu được ông mua từ các trang trại ở Đồng Nai, Bình Dương nên giá mới rẻ như vậy. Ông có thể cung cấp số lượng mật gấu lớn, mua càng nhiều giá càng giảm. Bất ngờ hơn, ông Lân còn cho biết nhà ông cũng đang nuôi gấu. Nếu khách trực tiếp xem cảnh lấy mật, ông bán với giá 3 triệu/cc.
Ông Lân cho rằng, sở dĩ có sự chênh lệch giữa việc mua lọ sẵn và lấy mật trực tiếp là do được tận mắt chứng kiến quy trình lấy mật sạch. Nhưng khi chúng tôi hỏi quy trình sạch là thế nào, ông Lân ậm ờ rồi chuyển sang chủ đề khác. Những lúc chúng tôi lái câu chuyện về nguồn gốc và chất lượng mật giá rẻ, ông Lân luôn tỏ thái độ bực tức: “Mật thật 100%, đảm bảo, nếu uống chết xuống đây mắc đền”.
Chúng tôi tìm tiếp đến một địa chỉ trại nuôi gấu ở quận 12. Điểm nuôi gấu này luôn kín cổng cao tường, rất khó tiếp cận. Dùng các thiết bị ghi hình từ xa, chúng tôi nhận thấy bên trong có nhiều chuồng nuôi gấu, chạy dọc theo dãy dài. Đó là những cái chuồng nhỏ, xây bằng xi măng, có cửa sắt.
Mat gau

Gấu nuôi nhốt trong những lồng chật chội 
Người dân địa phương cho biết, điểm nuôi gấu này rất kín đáo, không ai biết được chuyện gì đang xảy ra bên trong. ‘Thỉnh thoảng tôi thấy có vài ba chiếc xe hơi sang trọng ra vào. Nhưng họ vào đó làm gì thì dân ở đây làm sao biết được. Chúng tôi chỉ biết bên trong nuôi gấu thôi, còn nuôi để làm gì thì chỉ có ông chủ trại gấu mới biết thôi”, một người dân sống gần trại nuôi gấu nói.
Nguồn tin từ Cục cảnh sát môi trường cho hay, đây là điểm nuôi gấu hợp pháp (có đăng ký với Chi cục Kiểm lâm TP.HCM) lớn nhất TP. HCM. Vậy ở đây có hút mật gấu bán không? Chúng tôi đặt câu hỏi, một cán bộ Cục cảnh sát môi trường trả lời cũng bằng một câu hỏi: “Nuôi gấu quy mô như thế, tốn kém như thế nếu không để lấy mật thì nuôi để làm gì?”
Mặt gấu  đâu ra?
Dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có quy định cấm hút mật gấu từ 10 năm nay nhưng trên thị trường mật gấu vẫn còn được bán khắp nơi. Vậy mật gấu ở đâu ra? Một cán bộ Chi cục Kiểm lâm TP. HCM cho biết, trên thực tế vẫn còn nhiều nơi lén lút hút mật gấu, việc phát hiện xử lý rất khó khăn. Đây là chuyện có thể xảy ra trên cả nước chứ không chỉ ở TP. HCM.
Mật gấu thật thường bán giá rắt cao, khách hàng là người giàu có khá giả, đường dây tiêu thụ cũng rất kín đáo. Còn mật gấu bán trôi nổi trên thị trường đa phần là mật dỏm. Để cung cấp cho nhu cầu mua mật gấu của người dân, nhiều đối tượng dùng các loại mật động vật khác trộn với các tạp chất, hóa chất bán với giá rẻ.
Theo quy định, gấu nuôi hợp pháp phải được gắn chip để theo dõi. Con chip này cũng chỉ là mã số điện tử nhằm giúp cơ quan kiểm lâm xác định nó đã được đăng ký nuôi hay chưa chứ không có chức năng định vị giúp phát hiện chuyện lấy mật.
Hiện nay, tại Việt Nam đã có nhiều trung tâm cứu hộ gấu nhằm tiếp nhận những con gấu do người dân chuyển giao sau một thời gian nuôi nhốt. Tuy nhiên, vẫn chưa có con gấu nào được cứu hộ thành công đến mức có thể phục hồi đầy đủ bản năng hoang dã để thả về tự nhiên.
An Nhiên – Yên Phú – Đoàn Huy
(Tuổi trẻ & Đời sống)

“Phải nắn chỉnh lại thị trường tài chính”

BTTD: Chậm còn hơn không !

Thống đốc: “Phải nắn chỉnh lại thị trường tài chính”

“Cần chấm dứt ngay thời kỳ mà tín dụng ngân hàng vừa cấp vốn ngắn hạn, trung dài hạn cho doanh nghiệp, vừa chảy vào chứng khoán”...

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã có những chia sẻ với chúng tôi về những bất cập và việc cần làm để thị trường tài chính thoát khỏi tình trạng… đi một chân!
Thưa ông, 4 năm nay, Ngân hàng Nhà nước đang cố nắn chỉnh lại dòng vốn của hệ thống ngân hàng theo hướng được cho là bền vững, kể cả khi phải đối mặt với om sòm do xung đột lợi ích. Ông nói gì về vấn đề này?
Cơ cấu hệ thống tài chính gồm có ba trụ cột chính là tiền tệ, vốn và bảo hiểm. Nhưng ở Việt Nam, thực chất chỉ có thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán, trong khi vai trò của thị trường bảo hiểm khá mờ nhạt.
Một thời gian dài, chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang thị trường, rất khó tránh khỏi những bất cập. Một trong những bất cập lớn là sự bành trướng của lĩnh vực ngân hàng, dù thực tế, vẫn tồn tại song song thị trường chứng khoán và bảo hiểm.
Xét về mặt quy mô tài sản, thị trường ngân hàng chiếm tỷ trọng tới 80% còn chứng khoán và bảo hiểm chỉ chiếm khoảng 20%.
Riêng thị trường chứng khoán, kể từ khi ra đời đến nay, bên cạnh những thành quả đóng góp cho nền kinh tế thì còn khá nhiều bất cập, đặc biệt là tính bền vững.
Năm 2007, thị trường chứng khoán khởi sắc đạt đỉnh trên 1.170 điểm, sau đó tụt dốc xuống 300 điểm, rồi 400 điểm và nay là quanh 600 điểm. Ở một góc độ nào đó, điểm số là quan trọng nhưng tính bền vững còn quan trọng hơn.
Nhiều người biết rằng, khi thị trường chứng khoán lên đỉnh trên 1.170 điểm là ảo nhưng làm thế nào để nó không “ảo”, trở về với giá trị thật thì không biết hỏi ai.
Nhưng với ngân hàng thì không thể như thế được, khi tín dụng tăng trưởng ảo tới hàng chục phần trăm thì dứt khoát phải phanh lại và giữ ở một mức độ ổn định. Vai trò quản lý Nhà nước chính là chỗ đó.
Trở lại với câu chuyện “nắn chỉnh dòng tín dụng”, Ngân hàng Nhà nước thấy rằng, bản chất hoạt động ngân hàng chủ yếu chỉ cung cấp dòng vốn ngắn hạn và các loại dịch vụ, còn vốn đầu tư dài hạn thì phải đẩy sang thị trường vốn.
Một nền kinh tế muốn đầu tư phát triển thì phải nhìn vào thị trường vốn, không thể cứ trông sang ngân hàng. Nếu cứ duy trì mãi như vậy càng làm méo mó chức năng thị trường vốn ngắn hạn và trung, dài hạn trong hệ thống ngân hàng.
Ý của Thống đốc là do thị trường chứng khoán phát triển thiếu bền vững, nên hệ thống ngân hàng phải gánh việc thay và như thế là bất cập?
Đơn giản nhất, nếu bước vào thị trường chứng khoán và hỏi một người mới chập chững cho đến nhà đầu tư chuyên nghiệp rằng: công ty X, Y hoạt động như thế nào, thực lực tài chính ra sao, liệu có nhận được câu trả lời xác đáng? Thế nên mới có tình trạng thấy người ta mua thì mình cũng mua, và ngược lại.
Dĩ nhiên, đã là thị trường thì phải sống chung với đầu cơ, tin đồn, thổi giá nhưng chỉ ở một mức độ nhất định nào đó chứ không thể định vị chúng như là một thuộc tính cố hữu và để nó chi phối toàn bộ thị trường được. Ở một số thời điểm, có những mã cổ phiếu thị giá gấp hàng chục lần mệnh giá.
Ai đó có thể cho rằng đã là thị trường thì lên xuống bao nhiêu là do thị trường quyết định, anh chấp nhận chơi thì phải chấp nhận thua. Nhưng cứ kéo dài như nói trên thì nhà đầu tư lụn bại, dân thua thiệt, mà dân chết thì Nhà nước cũng chết theo.
Phải nói thẳng, cần chấm dứt ngay thời kỳ mà tín dụng ngân hàng vừa cấp vốn ngắn hạn, trung dài hạn cho doanh nghiệp, vừa chảy vào chứng khoán.
Để giải quyết câu chuyện này thì phải đi từ đâu, thưa Thống đốc?
Đã bước ra thị trường chứng khoán, trước hết phải có “kỷ cương tài chính”, doanh nghiệp phải minh bạch công khai, phải chứng minh được mình hơn người khác những gì để khẳng định giá của mình ở mức này, mức kia.
Muốn thế, cơ quan quản lý phải nắm bắt được tình hình doanh nghiệp để cho phép lên sàn hay không và công bố xếp hạng từng đơn vị.
Ví dụ, doanh nghiệp X xếp hạng AAA, doanh nghiệp Y kém hơn thì chỉ ở mức AA thôi. Những thông tin này vô cùng cần thiết cho các nhà đầu tư, và đó là tiền đề xác lập tính bền vững cho thị trường.
Biết rằng, để làm được điều này không phải một sớm một chiều, nhưng một năm không xong thì năm hay mười năm. Đã bao nhiêu năm nay, gần như không có một cơ sở thông tin hay dữ liệu nào chắc chắn để các nhà đầu tư tham chiếu trong các quyết định mua hay bán.
Vậy, trách nhiệm xác lập “kỷ cương tài chính” cho doanh nghiệp là do cơ quan nào thực hiện?
Gần đây, cả nền kinh tế bước vào công cuộc tái cấu trúc, trong đó có việc tái cấu trúc doanh nghiệp. Mặc dù rất đa dạng về sở hữu, mô hình hoạt động, quy mô vốn nhưng tựu trung lại, điểm đến đầu tiên trong tái cấu trúc doanh nghiệp là phải có “kỷ cương tài chính”.
Trách nhiệm xác lập “kỷ cương tài chính” là do cơ quan quản lý chứng khoán và ngân hàng phối kết hợp với nhau.
Cụ thể, doanh nghiệp muốn lên sàn, phải minh bạch và đáp ứng bộ tiêu chí mà ở đó, không có tình trạng nợ ngân hàng đầm đìa, nợ cao hơn vốn quá mức quy định nhưng giá cổ phiếu vẫn cao gấp nhiều lần mệnh giá được.
Khi làm được như vậy, cổ phiếu của doanh nghiệp kể cả đã niêm yết lẫn phát hành lần đầu sẽ thu hút được lực mua một cách bền vững.
Lúc đó, doanh nghiệp sẽ tự chủ được nguồn tiền dài hạn cho mình trong các kế hoạch đầu tư mở rộng, thay vì cứ vác hồ sơ đến vay ngân hàng, khiến cho thị trường vốn và thị trường tiền tệ bị mất cân đối như lâu nay.
Giả định, những gì ông nói không thể thay đổi được thì hệ quả ở đây là gì, thưa Thống đốc?
Nếu cứ để quy mô thị trường tiền tệ quá lớn như vậy, sẽ chi phối hết cả thị trường tài chính và tình trạng ngày một trầm trọng thêm, kéo theo thị trường chứng khoán èo uột mãi.
Thử hình dung, khi vốn lưu động lẫn vốn đầu tư đều nhờ vào hệ thống ngân hàng sẽ đẩy cao nhu cầu vốn vay ngân hàng. Dẫn đến ngân hàng càng phải cho vay ra nhiều hơn và càng phải huy động nhiều vốn trong dân. Sau đó là gì? Lãi suất 4%/năm không huy động được thì nâng lên 5 - 6 - 7%, thậm chí là mười mấy phần trăm/năm để có được tiền.
Lúc đó, thị trường chứng khoán cứ phải nói lời “chào thân ái và quyết thắng”!
Vì sao? Bản chất thị trường chứng khoán là trông vào cổ tức, lãi suất ngân hàng cứ ngất ngưởng mười mấy phần trăm thì cổ tức nào cho lại được? Chưa kể, cổ tức chắc gì đã được nhận đủ, lắm khi còn bị giữ lại để tái đầu tư; trong khi gửi ngân hàng không bao giờ lo mất tiền, lại vừa trả lãi không thiếu một cắc.
Trong tình cảnh đó, ai ngược đời đi mua cổ phiếu! Thêm một hệ lụy nữa, nếu có mua cổ phiếu thì lướt sóng tí cho vui, không thể đầu tư trung dài hạn được.
Một thị trường chứng khoán mà chỉ để làm thú vui thì bao giờ mới có các nhà máy A, B, C phát triển ổn định, bền vững?

Theo Nguyễn Hoài
Vneconomy

Đầu Xuân luận “anh hùng điện ảnh”

Các thành viên chính trong đoàn làm phim HIỆP SĨ...

1- Tui viết kịch bản phim HIỆP SĨ GIỮA ĐỜI THƯỜNG mất hơn một năm. Tui thành lập Hãng phim Phú Hải với 90% vốn điều lệ (Thực tế là 100%), Huỳnh Phú có 10% (thực tế k góp 1 xu mô). Tôi đầu tư và tổ chức sản xuất phim, tự mình mần Giám đốc sản xuất, mần phim cật lực mất hơn một năm nữa. Zậy mà ông Huỳnh Phú- Đạo diễn/ Giám đốc điều hành của tui bán phim cho C.ty ÁNH SÁNG XANH, họ sửa lại Opening và Ending, trên phim không có tên Hãng phim Phú Hải mà còn xuất hiện tên 2 vị anh hùng ma là:
1.    Tổ chức sản xuất Lê Thị Túy Nga
2.    Giám đốc sản xuất Trần Huy Cường.
Hổng biết 2 con ma ni chui ở mô ra? Tên ông đạo diễn Huỳnh Phú thì to to, dài dài thiệt dài lun, xuất hiện lâu ơi là lâu trên Opening, còn tên tui thì phải biết ăn cướp mới nhìn thấy.
Tui mần điện ảnh thì dở chứ bắt ma thì giỏi lắm nha. Tụi ma giáo coi chừng nha! Ha ha ha ! 

2- Q và C là bạn của G, quen biết tui qua G.
- Q là 1 phó GĐ thuộc ngành Gas VN, ít coi phim, không thích phim VN nhưng hùng hồn tuyên bố: “Các anh không biết làm phim”!
- C là chủ một nhà máy bia bình dân, ít coi phim và cũng không thích phim VN thì nhẹ nhàng hơn: “Tôi đọc sơ qua kịch bản (HIỆP SĨ GIỮA ĐỜI THƯỜNG) của anh rồi, không làm phim được đâu. Tôi bận chứ không thì…”.
- G là người chuyên nghề “bán nước”, theo tui coi mần 1 phim rùi cao hứng lên SG mở hãng phim. Hắn iu điện ảnh đến nỗi dở trò ăn cắp đạo diễn Huỳnh Phú- đang làm giám đốc điều hành cho tui, phản tui sang mần cho hắn… Nhưng hơn nửa năm rùi mà họ vẫn chưa có giấy phép mần phim.
(liệu 1 đứa phản bạn và 1 tên phản thầy thì có tử tế được với nhau không hỉ? Có mần được phim tử tế không hỉ ?). Tui nói: KHÔNG DỄ ĐÂU NHA !
Ngày còn học phổ thông, tui vốn dốt văn nhưng vẫn nhớ mang máng thơ của Tú Xương:
-       “Văn chương nào phải là đơn thuốc
     Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu”.
Tui học theo cụ Tú mà rằng:
-      Điện ảnh nào phải trò chạy mánh
    Chớ có chơi xằng chết bỏ bu”.
Họ quả là những “anh hùng điện ảnh” đáng được lên phim. Rảnh tui sẽ viết kịch bản về đề tài ni.
Ha ha ha ! Hãy đợi coi phim “bắt ma” nha !

Phạm Hải

24 tháng 2, 2015

Tại sao lãnh đạo khai bút theo nét chữ đã chuẩn bị?

BTTD: Sao k viết mà lại tô hỉ?

- Bức hình các lãnh đạo Hà Nội và Bộ GD-ĐT viết theo nét chữ đã có trước ở lễ Khai bút đầu xuân 2015 vừa diễn ra sáng 23/2 khiến nhiều người băn khoăn.
Sáng 23/2, Hà Nội tổ chức lễ khai bút đầu xuân tại đình thờ nhà giáo Chu Văn An tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì.
Buổi lễ có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cùng Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, lãnh đạo huyện Thanh Trì cùng lãnh đạo ngành GD-ĐT thủ đô và đông đảo người dân trong khu vực.
khai bút, đền thờ nhà giáo Chu Văn An
Các đại biểu khai bút đầu xuân với 5 chữ: Đức-Trí-Học-Thành-Nhân. (Ảnh: Văn Chung)
Năm chữ được ngành GD-ĐT thủ đô chọn khai bút đầu xuân là Đức-Trí-Học-Thành-Nhân.
Những hình ảnh một số nhà quản lý viết theo nét chữ đã vạch sẵn ở buổi lễ này nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Không ít người xem cho rằng đây là "sự biểu diễn hình thức".
Chiều 24/2, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Hiệp Thống (Phó GĐ sở GD-ĐT Hà Nội), đơn vị tổ chức sự kiện này chia sẻ:
“Khai bút đầu xuân là việc làm đã được đánh giá là rất có ý nghĩa và làm năm thứ 2 ngành giáo dục Hà Nội tổ chức. Còn việc viết chữ cũng đã được tập luyện kĩ. Nhưng để chữ thật mẫu mực thì vẫn nên cần có một chữ mẫu để cho thật đẹp”.
Sau khi các đại biểu viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ 5 chữ trên, các thành viên của CLB thư pháp UNESCO Việt Nam đã chuyển những chữ này ra chữ thư pháp bằng tiếng Hán.
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những người "khai bút" cho biết: "Các đại biểu đều tham gia với mục đích hưởng ứng một phong tục đẹp của dân tộc, chứ không phải vì mục đích gì khác. Việc này cũng đã làm 2 năm nay tại đền thờ nhà giáo Chu Văn An".
Chiều cùng ngày, trao đổi với VietNamNet, ông Trần Quốc Chí, Phó Chủ nhiệm CLB thư pháp UNESCO Việt Nam cho biết: “Đây (bản thư pháp chuẩn bị của các đại biểu-PV) không phải chữ viết sẵn, chỉ là bản phác thảo. Các đại biểu là người không biết hoặc chưa từng cầm bút lông bao giờ. Do đó, ban tổ chức đã có ý tưởng viết bằng chì mờ đi, sau đó các đại biểu viết theo để nét cho chuẩn, đều nhau và đẹp”.
Về vấn đề có nhất thiết viết chữ Hán mà thay vào đó chữ Nôm và quốc ngữ, ông Chí chia sẻ: Các đại biểu muốn viết chữ quốc ngữ là chữ gần gũi, người dẫn đang sử dụng. Tuy nhiên khi thể hiện ở đình thờ nhà giáo Chu Văn An để thể hiện sự tôn nghiêm nên có phần viết thư pháp bằng chữ Hán theo sau".
Ông Chí cho rằng: “Cần hiểu hành động khai bút đầu xuân của các vị lãnh đạo ở đây nhằm động viên mọi người học hành, phấn đấu, một hình thức khuyến học. Tất nhiên, nếu các lãnh đạo viết đẹp và biết thư pháp thì quá chuẩn”.
  • Văn Chung

Sân bay Long Thành lại lên bàn Thường vụ Quốc hội

BTTD: SG- Biên Hòa- Long Thành là tam giác có cạnh <50 km mà có tới 3 sân bay, 2 trong đó là sb quốc tế. VN chơi sang hè?

Sân bay Long Thành lại lên bàn Thường vụ Quốc hội

Đây là bước chuẩn bị để trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án này tại kỳ họp thứ 9, tháng 5/2015...

Trong phiên họp thứ 35 diễn ra từ 25 -27/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đây là bước chuẩn bị để trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án này tại kỳ họp thứ 9 sẽ diễn ra vào cuối tháng 5/2015.
Cuối năm 2014, tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng đã từng làm nóng nghị trường với các quan điểm còn trái chiều.
Đề cương báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội thứ 8 được đoàn thư ký kỳ họp chuẩn bị gửi các vị đại biểu tham khảo đã dành gần 300 chữ để nói về chủ trương đầu tư xây dựng công trình này.
Theo đó, tại các phiên thảo luận, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành chủ trương đầu tư và cho rằng nước ta cần có một cảng hàng không quốc tế hiện đại đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế và khu vực cũng như tình hình kinh tế của đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nợ công tăng nhanh và khả năng thanh toán còn bấp bênh, chất lượng tăng trưởng chưa cao, hiệu quả đầu tư chưa được làm rõ…, nên nếu triển khai dự án sẽ tạo ra sức ép lớn cho nền kinh tế.
Nhiều vị đại biểu Quốc hội băn khoăn về thời điểm đầu tư dự án, tính hợp lý, hiệu quả, khả thi về nguồn vốn đầu tư của toàn bộ dự án, phương thức huy động vốn và phân kỳ đầu tư… Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục phân tích, nghiên cứu các ý kiến của đại biểu, hoàn thiện dự án để báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.
Sau đó, trong phiên họp tháng 12/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các cơ quan có liên quan tiếp tục chuẩn bị hồ sơ dự án đầy đủ hơn để trình Quốc hội.
Ông nói, mặc dù qua thảo luận, đại đa số ý kiến tán thành chủ trương xây dựng sân bay Long Thành, song vẫn cần phải trả lời được hai câu hỏi.
Đó là có phải dứt khoát không thể mở rộng sân bay Tân Sân Nhất? Và mức độ yên tâm của sơ đồ tài chính của từng giai đoạn cũng như tổng thể như thế nào?
Theo chương trình phiên họp thứ 35, vào sáng 26/2 tới, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Ngoài nội dung này, phần lớn thời gian của phiên họp được dành cho công tác xây dựng pháp luật.
Các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của các dự án luật: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Một số dự án luật lần đầu tiên được đặt lên bàn nghị sự là Luật Trưng cầu ý dân, Luật Tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Phương án phân bổ vốn dự phòng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 cũng sẽ được cho ý kiến tại phiên họp này.
Theo Nguyễn Lê
Vneconomy