Trang

2 tháng 2, 2015

"Đảng cần khôi phục khí thế Đổi mới hay là chết"

 Theo Ông Vũ Mão:

"Thành công của Đại hội VI là do Đảng dám nhìn thẳng vào sự thật, nhận thấy có sai lầm, thiếu sót nên đưa tinh thần "đổi mới hay là chết". Tôi cho rằng cần khôi phục không khí của cuộc đổi mới này", nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão chia sẻ với VnExpress.
- Từ khi ra đời từ năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể nào thưa ông?
- Đảng Cộng sản Việt Nam đã 85 năm tuổi, so với một đời người là rất già dặn, chín chắn, từng trải và có những thăng trầm. 85 năm, từ không đến có, Đảng đã vượt qua nhiều khó khăn để đạt được thành quả to lớn, trong đó giai đoạn khó khăn nhất là 1930-1945, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng đã làm nên cuộc cách mạng tháng 8, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời và có được Hiến pháp từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên. 
Từ 1946 đến 1975 là giai đoạn chống Pháp, Mỹ và những chiến công huy hoàng như chiến thắng Điện Biên Phủ và đại thắng mùa xuân 1975. Bốn năm sau đó Việt Nam phải chống lại cuộc xâm lăng của Pôn Pốt ở biên giới Tây Nam, đồng thời giúp nước bạn Campuchia đánh tan chế độ diệt chủng, hồi sinh đất nước. Từ năm 1986 Đảng tiến hành Đại hội VI với hừng hực khí thế "Đổi mới hay là chết". Từ nước thiếu lương thực, chúng ta đã xuất khẩu được lương thực, có đủ cơm no áo ấm cho đại bộ phận người dân. 
vu-mao-1-124633-1368798453-500-5685-9407
Ông Vũ Mão cho rằng, Đảng cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.  Ảnh: NH.
- Bên cạnh những kết quả như vừa nêu, theo ông Đảng gặp phải những khó khăn, thách thức gì?
- Từ năm 2000 đến nay, đất nước bước sang giai đoạn mới đòi hỏi phát triển về chất chứ không chỉ về lượng. Tuy nhiên, Đảng đang gặp nhiều thách thức. Đó là sự nghiệp Đổi mới có phần bị chững lại, sửa chữa những sai lầm có phần chậm trễ. Thói kiêu ngạo cộng sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo không sửa chữa được bao nhiêu. Sự tha hóa, suy giảm đạo đức phẩm chất, nạn tham nhũng tràn lan đang trở nên nhức nhối. Những sai lầm đó chính là kẻ thù bên trong, là giặc nội xâm rất nguy hiểm.
Thời cách mạng tháng 8 năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có gần 5.000 đảng viên, nhưng nói đến Đảng là nói đến sự thiêng liêng, cao quý, mến phục của nhân dân. Vì vậy, niềm tin, sự lan tỏa của đảng viên rất mạnh. Bây giờ, số lượng đảng viên tăng lên gần 1.000 lần nhưng người dân nhìn cán bộ, đảng viên không còn được như trước. 
Không phủ nhận rằng vẫn có nhiều cán bộ, đảng viên gương mẫu, giữ vững truyền thống tốt đẹp của đội ngũ tiên phong, nhưng bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức có quyền lại không được như thế. Tệ nạn tham nhũng đã ăn sâu vào bộ máy công quyền. Đảng hiện nay đông nhưng chưa mạnh. Đó là nỗi đau, là điều đáng báo động.
- Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ông đánh giá thế nào về việc này?
- Chủ trương lấy phiếu tín nhiệm có từ Hội nghị Trung ương 4, nhưng tới Hội nghị Trung ương 10 mới thực hiện cho thấy Trung ương, Bộ Chính trị hết sức thận trọng, đã cân nhắc và rút kinh nghiệm qua việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội.
Trước đây, định kỳ Bộ Chính trị có bản kiểm điểm trình bày trước Trung ương, nghe Trung ương góp ý kiến. Nay Bộ Chính trị tổ chức lấy phiếu tín nhiệm là một việc làm rất đáng hoan nghênh, cho thấy thêm quyết tâm, sự dũng cảm của các đồng chí lãnh đạo của Đảng. Việc lấy phiếu này cũng là khâu quan trọng để Trung ương thấy được mức độ tín nhiệm của các lãnh đạo Đảng, qua đó có sự chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng XII. 
Tuy nhiên, để lấy phiếu tín nhiệm được khách quan, theo tôi cần phải có 4 loại văn bản của người được lấy phiếu tín nhiệm. Đó là bản kiểm điểm cá nhân; đánh giá của Bộ Chính trị với từng người; đánh giá của khu dân cư nơi người đó sinh sống và bản kê khai tài sản. Việc kê khai tài sản cần làm thực chất chứ không hình thức như hiện nay. Có nghĩa là, bản kê khai tài sản phải được xác minh công phu và có trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. Minh bạch và công khai tài sản là khâu then chốt để đánh giá có tham nhũng hay không?
Tôi cũng cho rằng Trung ương cần công bố phiếu tín nhiệm cho nhân dân biết. Điều 4 của Hiến pháp quy định Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội, là đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, vậy thì nhân dân rất cần biết Đảng lãnh đạo thế nào, chịu trách nhiệm thế nào và nhân dân được giám sát ra sao. 
- Trước những khó khăn hiện nay, theo ông Đảng cần phải làm gì?
- Từ những phân tích trên, chúng ta phải tỉnh táo và nhận thức sâu sắc rằng 85 năm qua, Đảng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng vẫn còn những tồn tại không nhỏ. Các giải pháp để khắc phục đã được đề ra khá nhiều, nhưng việc tổ chức thực hiện lại yếu. Tôi muốn nhắc lại lời dạy của Bác Hồ với tinh thần: Chính sách - Một, kế hoạch - Năm, thực hiện - Mười. Nghĩa là nói được và phải làm được.
Thành công của Đại hội VI và những thành quả sau đó có được là do Đảng dám nhìn thẳng vào sự thật, nhận thấy có sai lầm, thiếu sót nên đưa tinh thần "đổi mới hay là chết". Tôi cho rằng cần khôi phục, tìm lại không khí của cuộc đổi mới này. Lãnh đạo của Đảng là bộ phận tiên tiến nhất, vì vậy cần phải đổi mới sâu sắc. 
Tôi cũng kiến nghị Đảng cần quan tâm thực chất trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật vì mục tiêu của chúng ta là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; trong đó coi trọng việc nghiên cứu và thừa hưởng tối đa thành quả này của các nước trên thế giới. Chúng ta đang muốn xây dựng nhà nước pháp quyền nhưng hiện mới có khoảng 300 luật, các nước thường có ít nhất 1.000 luật, nhiều từ 2.000 - 3.000 luật. Điều quan trọng nữa là chất lượng của luật. Hiện nay luật ống, luật khung quá nhiều. 
Tôi tha thiết đề nghị Đảng cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Mỗi cán bộ, đảng viên phải ý thức mình là đảng viên của Đảng tiên phong, phải nâng cao tư tưởng và tính chiến đấu, rèn luyện đạo đức, tư cách để xứng đáng với niềm tin của nhân dân dành cho suốt 85 năm qua.
Hoàng Thùy thực hiện

551 cổ đông của VNCB bỗng nhiên “trắng tay”?

NHNN trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của VNCB, còn các cổ đông hiện hữu của ngân hàng bị chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông.

Ngân hàng Nhà nước vừa có thông báo cho biết, tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2015 lần thứ 3 diễn ra ngày 31/1/2015 đã quyết định không thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng bằng mức vốn pháp định (3.000 tỷ đồng).
Căn cứ Luật Các TCTD, Quyết định số 48/2013/QĐ-NHNN ngày 01/8/2013 về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông VNCB, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuyên bố quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNCB với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần.
Quyết định này đồng nghĩa với việc NHNN trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của VNCB, và các cổ đông hiện hữu của ngân hàng bị chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông.
Theo số liệu do VNCB công bố, kể từ ngày 31/5/2013, khi TrustBank đổi tên thành VNCB, ngân hàng có tổng cộng 551 cổ đông, trong đó 6 cổ đông pháp nhân và 545 cổ đông thể nhân. Các cổ đông pháp nhân gồm 3 cổ đông thuộc Khối văn phòng Nhà nước; 1 cổ đông là TCTD đó là Ngân hàng Agribank và 1 cổ đông là doanh nghiệp nhà nước là Công ty lương thực Long An.
Về vốn điều lệ, theo thông báo của ngân hàng, từ tháng 6/2011 VNCB có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và từ 26/12/2013 được tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng.
Trên thị trường từng có thông tin rằng VNCB đã bị âm vốn chủ sở hữu nên ngân hàng phải tổ chức ĐHCĐ bất thường lần này để bổ sung vốn. Nếu đó là thông tin chính xác thì việc NHNN mua lại cổ phần của VNCB với giá 0 đồng/cổ phần cũng không ảnh hưởng gì tới các cổ đông, vì thực tế các cổ đông này đã chẳng còn gì để mất.
Và việc NHNN sở hữu 100% VNCB, thực hiện các quyền và nghĩa vụ có liên quan đến VNCB chỉ có lợi cho khách hàng của VNCB và hệ thống mà thôi.

Hồi cuối tháng 7/2014, cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam và khởi tố đối với nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB Phạm Công Danh, nguyên Tổng giám đốc Phan Thành Mai và ông Mai Hữu Khương, nguyên giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn.
Đầu tháng 12, cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố bổ sung tội danh “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” đối với bị can Phạm Công Danh; Phan Thành Mai và Mai Hữu Khương.
Đồng thời, khởi tố bổ sung đối với 6 bị can nguyên là cán bộ của Ngân hàng Xây dựng trong vụ này.
Theo thông tin được đăng trên báo Tiền phong, nhóm cán bộ Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), đã có hành vi giúp sức cho ông Phạm Công Danh lập khống nhiều hồ sơ về việc nâng cấp hệ thống CoreBanking, thuê trụ sở để rút hơn 660 tỷ đồng của VNCB. Ngoài ra, các bị can còn giúp ông Danh lập 39 hồ sơ khống để vay hơn 5.000 tỷ đồng của VNBC, rồi dùng tiền vào việc cá nhân.


Tùng Lâm
Theo InfoNet

1 tháng 2, 2015

Chạy chức quyền và những tin nhắn mùi... tiền

Đăng Bởi  - 

Chay chuc quyen

Có câu Bệnh từ miệng bệnh vào, vạ từ miệng vạ ra. Đôi khi, vạ chả cần từ miệng mà ra như trường hợp ông “Luật chạy chức quyền”, mà vạ cũng có thể từ điện thoại di động… vạ ra!

Hiếm có tuần nào như tuần này, quan trí và quan đức bỗng nhiên được dư luận xã hội quan tâm và bàn tán rôm rả. Là bởi có hai vụ việc với những phát ngôn, những thông tin khá ấn tượng, để lại dư âm vừa khá hài vừa khá … thất vọng.
Vạ từ miệng vạ ra
Đó là bởi cách đây ít lâu, các cán bộ, đảng viên vừa thảo luận góp ý cho dự thảo các văn kiện ĐH Đảng XI về việc cần thay đổi cơ chế bầu chọn cán bộ một cách dân chủ, trước dư luận chạy chức chạy quyền, đến mức bị gọi là “đấu thầu” cán bộ. Ý kiến chưa ngã ngũ, thì xã hội bỗng xới xáo lên phát ngôn ấn tượng của ông PGS.Ts N. H.T, nguyên Viện trưởng Viện KH hành chính (Học viện HCQG), khi ông điềm nhiên cho rằng, cần luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền.
Ở góc độ truyền thông, tờ báo phỏng vấn ông đã thành công khi gây tranh cãi ồn ào, cuốn hút bạn đọc.
Chay chuc quyen
Thi tuyển công chức ở Bộ Nội Vụ. Ảnh: Lê Anh Dũng 
Ở góc độ phát ngôn ấn tượng, ông N.H.T cũng đã thành công khi khiến cả XH phải tốn bút mực bàn luận về những phát ngôn của ông.
Nhưng ở góc độ tư duy, ông cũng là người “thành công” nốt khi khiến cả XH thêm ấn tượng sâu sắc ... xấu về quan trí. Dù đọc toàn bộ bài trả lời phỏng vấn, thấy ở ông là sự chân thành.
Để dẫn chứng cho luận điểm của mình, ông đưa ra rất nhiều cách nhìn trong thời kinh tế thị trường, tựu trung lại, có hai phép so sánh sinh động nhưng là so sánh… chết người. Bởi đó là sự khập khiễng, sự lầm lẫn những giá trị, thậm chí như là đánh tráo khái niệm.
Khập khiễng, khi ông ám chỉ việc chạy chức chạy quyền ở Mỹ, ngay cả ông Obama cũng phải “chạy”.
Giá Obama biết tiếng Việt, hẳn sẽ kiện ông tội vu khống.
Bởi ông quên rằng, thiết chế chính trị tam quyền phân lập của Mỹ khác hẳn với thiết chế chính trị của nhiều nước. Ở đó, việc ứng viên tranh cử để được đảng (của họ) tiến cử phải thông qua một chương trình, một cương lĩnh phát triển nghiêm túc. Đồng tiền họ cần để “chạy” chính là khi vận động, tranh thủ các cử tri bỏ phiếu, và đồng tiền này là của các doanh nghiệp làm Mạnh thường quân tài trợ cho các đảng phái. Nhưng tất cả đều phải tuân thủ nguyên tắc- minh bạch.
Trong khi đó, cái chữ “chạy” của không ít kẻ trong XH nước Việt, thực chất là mua quan bán tước, mua ghế, thực chất là anh rút chân giò tôi thò chai rượu. Ở đó, chỉ có giao dịch đen giữa cá nhân với cá nhân, mà cương lĩnh của kẻ “chạy”, dù không tuyên bố nhưng ai cũng hiểu, là làm sao vơ vét được thật nhiều, để bù vào cái khoản đã “chạy”. Tham nhũng nối tiếp hối lộ. Đó là vòng đời được … minh bạch của “chạy”.
Người dân còn chưa quên những chữ ký gấp của nhiều quan chức trước khi hạ cánh cho không ít các thuộc cấp của họ có chức có quyền. Cho dù các vị này cuối cùng hạ cánh có an toàn đi chăng nữa, thì trăm năm bia miệng hãy còn trơ trơ.
Nay cái chữ “chạy” đó bỗng nhiên được đề nghị luật hóa, được thừa nhận, có nghĩa là sự thừa nhận công cuộc phòng chống tham nhũng đó không thành công, thừa nhận nước Việt lại tiếp tục... cô đơn với một quy định luật pháp mà chả quốc gia nào văn minh, tiến bộ đi trước lại ứng dụng. Vì nó không chỉ gây rối ren trong đạo lý văn hóa một xã hội, mà nó còn nhầm lẫn và đánh tráo khái niệm, thực sự đi ngược lại những giá trị của nhân cách người. Vì sao?
Chay chuc quyen
Nhầm lẫn và đánh tráo khái niệm, là bởi, ông N.H.T nhắc đi nhắc lại về cơ chế thị trường: Như vậy, trong tổ chức, trong cán bộ cũng phải theo cơ chế thị trường bởi nó không có gì xấu vì vẫn là quan hệ cung- cầu. Thế nhưng, chúng ta không quan niệm cơ chế thị trường trong công tác tổ chức cán bộ nên mới dẫn đến tình trạng để cho nó phát triển ngầm quy luật này, mới sinh ra chạy chức, chạy quyền.
Cơ chế kinh tế thị trường với nước Việt còn quá mới mẻ, nhất là lý luận còn mỏng, chưa đủ sức thuyết phục. Nhưng sản phẩm chủ thể của cơ chế thị trường là hàng hóa. Còn chủ thể của quyền lực- quyền uy, dù muốn hay không là trí tuệ, và phẩm cách con người. Một khi nén bạc đã đâm toạc phẩm cách, thì cái phẩm cách đó có đủ sức hướng đạo cho cả một nền tảng văn hóa- đạo lý XH hay không? Nếu thực chất đồng tiền luôn đứng sau… chỉ đạo?
Xin được hỏi, nếu “Luật chạy chức, chạy quyền” được thừa nhận, liệu ông có bảo đảm những người “đấu thầu” trúng chức quyền, đều là những người tài giỏi, có năng lực? Bởi tiếc thay trong XH ta, không phải lúc nào sự tài giỏi và có tiền bạc cũng là cặp đôi hoàn hảo.
Và hãy thử tưởng tượng thực tế này. Nếu “Luật chạy chức, chạy quyền” thành hiện thực, tất sẽ kéo theo rất nhiều hiện tượng cung- cầu khác. Vì quy luật phát triển bao giờ cũng đòi hỏi tính đồng bộ, tương đồng, tương thích của một XH.
Việc mua bằng- bán điểm sẽ phải được hợp pháp, thay cho sinh viên, học trò phải khổ công học hành.
Việc mua chỗ làm cũng sẽ phải được công nhận, thay cho tuyển dụng nhiêu khê.
Việc mua bằng giả các ngành học từ phổ thông đến Ts cũng sẽ được công nhận hợp pháp vv.và… v.v..
Bởi tất cả những hiện tượng đó đều có thể là quy luật cung – cầu, theo lý luận của ông.
Chả trách trong một bài viết trên VietNamNet, ngày 26.01, tác giả Đinh Duy Hòa đã dự báo: Bộ máy nhà nước chắc sẽ bao gồm những người nhiều tiền kinh khủng, từ các bộ toàn những người tiền trên thiên hạ mới đấu thầu trúng được, rồi chủ tịch các tỉnh, huyện. Hệ thống hành chính chắc phải đổi lại là hệ thống hành chính tiền tệ cho chính xác.
Chưa biết, “Luật chạy chức, chạy quyền” có biến thành hiện thực hay không, nhưng với tư duy khác đời như thế, đã có những câu hỏi hoài nghi ngay chính về bằng cấp của ông.
Tiền nhân xưa có câu ngạn ngữ thâm thúy: Phải uốn lưỡi 07 lần trước khi nói, để khuyên nhủ người đương thời và hậu thế nên biết cẩn trọng khi phát ngôn, kẻo vạ từ miệng vạ ra.
Mà với câu răn dạy đó, hẳn ông N.H.T là học trò… kém?
Mùi gì?
Dư luận XH về “Luật chạy chức, chạy quyền” chưa lắng xuống, XH lại “sốc” tiếp bởi một vụ việc chả lấy gì làm tốt đẹp, hay ho, xung quanh những mẩu tin ngắn được nhắn qua lại giữa hai người, một quan chức, một doanh nhân, bất ngờ bị (hay được) công khai trên báo chí. Một người là ông N. H. T, Thứ trưởng Bộ GTVT. Người kia là một nữ doanh nhân có tên H.
Đọc toàn bộ tin nhắn đã công khai, người ta dễ suy luận ra là bà H đòi lại ông này số tiền mà theo tin nhắn nguyên văn: Tổng em đưa cho anh bảy lần, 4 lần nhớ chính xác là 200 triệu và 10 ngàn đô, còn 3 lần nữa em không nhớ vì sáng nay em không cầm sổ, để em hỏi lại cậu thư ký hay đi cùng, anh thích trả cho em bao nhiêu thì trả, em phải vay lãi 1 triệu/10 nghìn ngày đó anh ạ (Bảo vệ pháp luật, ngày 23.01).
Chay chuc quyen
Ảnh: saigondautu.vn 
Hóa ra cái tin nhắn đó liên quan đến việc xin tham gia gói thầu RAI/CP1 thuộc dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam VRAMP, mà bà H, Chủ tịch HĐQT Công ty cố phần TH, là một trong những đơn vị doanh nghiệp có nhu cầu.
Đặt cái tin nhắn đầy mùi tiền bạc đó, trong bối cảnh ông Thứ trưởng GTVT là người có thẩm quyền bút phê dự án này, trong bối cảnh xã hội nạn tham nhũng phổ biến, hẳn người có trí tuệ trung bình trở lên cũng phải nghĩ, đó là tin nhắn đòi lại tiền đã đưa. Tiến sĩ Tô Văn Trường trong một bài viết trên mạng truyền thông XH đã gọi đích danh “Đã bốc mùi hối lộ chạy dự án”.
Còn những người quá hiểu “luật đời” trong mối quan hệ làm ăn với các dự án cho rằng, một trong hai người đã phạm “luật giang hồ”- tức là không thực hiện được đúng cam kết, thì phải trả lại tiền. Thực hư ra sao, bản chất những tin nhắn đó là gì, chắc chắn chỉ hai người trong cuộc biết với nhau.
Cũng ngay trong tuần, trước những thông tin, những bình luận ồn ào trên báo chí, mạng truyền thông, lãnh đạo Bộ GTVT đã có ngay một hành động nhanh chóng, như mọi lần xảy ra các vụ việc, liên quan đến thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ. Đó là ra quyết định thanh tra đột xuất công tác đấu thầu gói thầu RAI/CP1 thuộc dự án quản lý tài sản đường bộ VN (VRAMP), nhằm làm rõ các thông tin đăng tải trên báo chí trước đó cho rằng, bút phê của Thứ trưởng Bộ GTVT N. H.T vào đơn xin tham gia thực hiện các gói thầu thuộc dự án VRAMP do bà H.T.D.H. – Chủ tịch HÐQT Công ty CP đầu tư TH – gửi ông này.
Tuy nhiên, cho dù nhanh chóng có động thái để xử lý vấn đề, dư luận xung quanh vụ việc này lại bỗng hoài nghi, trước cung cách và quan niệm xử lý vụ việc.
Vì sao, việc thanh tra đột xuất công tác đấu thầu gói thầu RAI/CP1 thuộc dự án quản lý tài sản đường bộ VN (VRAMP) đang có nhiều tai tiếng, lại do chính thanh tra của Bộ GTVT tiến hành. Điều đó được ví như Bộ GTVT vừa đá bóng vừa thổi còi. Vì nếu có tiêu cực thật, sớm muộn gì Bộ GTVT và những người quản lý, có trách nhiệm cũng có liên quan. Vậy việc thanh tra liệu có bảo đảm kết quả khách quan?
Trong khi mối quan hệ này rõ ràng không thể chỉ là mối quan hệ cá nhân, nó liên quan đến lợi ích của một doanh nghiệp, liên quan đến việc đấu thầu một gói thầu mà Bộ GTVT là chủ đầu tư dự án, liên quan đến cả tư cách của một quan chức cấp bộ.
Chỉ xin mượn ý câu trong ca khúc Phượng hồng: Ai cũng hiểu chỉ một người không chịu hiểu/ Nên có một gã không khờ ngọng ngịu ngó làm lơ.
Và thêm điều này mới đáng chú ý, ngay sau vụ việc tin nhắn tai tiếng, ngay sau những quyết định của Bộ GTVT còn khiến dư luận XH ồn ào bàn tán, theo báo Đất Việt, ngày 27/01, Bộ GTVT liên tiếp đưa những thông tin mang tính cảnh báo, răn đe những người gọi điện thoại đến các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT, để liên hệ công tác, làm việc, xưng danh là người thân quen của đồng chí Bộ trưởng GTVT. Theo đó, việc xưng danh là người thân quen của Bộ trưởng là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Bộ trưởng cũng như công việc chung của Bộ GTVT, đồng thời gây phiền hà cho các cơ quan, đơn vị.
Văn bản này cũng do chính ông Thứ trưởng N. H. T ký tên.
Việc làm này, đặt trong bối cảnh “tin nhắn hai chiều” vừa diễn ra với những nghi vấn tiền bạc không sòng phẳng, phải chăng, nó là một thứ thủ pháp, mẹo mực khôn mà không ngoan của ai đó tham mưu cho Bộ GTVT nhằm xóa nhòa đi nghi vấn vụ việc mới đây. Tuy nhiên, trong thời đại của IT, của thế giới phẳng, sự trí trá có thể giúp cho những ai đó thoát tội, nhưng không dễ đánh lừa được dư luận XH.
Mọi vụ việc của “tin nhắn hai chiều” nói trên, của cuộc thanh tra gói thầu dự án vẫn còn đang bỏ ngỏ… Dư luận XH vẫn đang chờ đợi và đòi hỏi cách giải quyết minh bạch, sòng phẳng của Bộ GTVT, đặc biệt sau phần chia sẻ của người đứng đầu bộ này tại cuộc họp báo Chính phủ.
Chợt nhớ một câu ngạn ngữ rất sâu sắc: Người ta có thể đánh lừa được một người, đánh lừa được một tập thể, thậm chí đánh lừa một cộng đồng, nhưng không thể đánh lừa được cuộc đời.
Lại có câu Bệnh từ miệng bệnh vào, vạ từ miệng vạ ra. Đôi khi, vạ chả cần từ miệng mà ra như trường hợp ông “Luật chạy chức, chạy quyền”, mà vạ cũng có thể từ điện thoai di động… vạ ra!
Kỳ Duyên (Vietnamnet)
Tags : Luật chạy chức quyền, tin nhắn hai chiều, mùi tiền, quan chức, dư luận xã hội

TQ mở rộng hạ tầng quân sự trên Biển Đông

Quan chức Mỹ ước tính rằng, việc xây dựng của TQ ở Bãi Chữ Thập có thể cung cấp một đường băng đủ dài cho hầu hết máy bay quân sự TQ.


Theo Thời báo Los Angeles, TQ đang xây dựng một chuỗi các đảo nhân tạo nhằm củng cố vị trí của mình trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Báo này cho biết, TQ đang xây dựng 5 đảo nhân tạo rõ ràng là để củng cố yêu sách chủ quyền ở vùng biển chiến lược quan trọng này. Hòn đảo lớn nhất gần như hoàn tất là ở Bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của VN.
TQ, Biển Đông, Mỹ, Hoa Đông, Nhật Bản, chủ quyền, Gạc Ma, Bãi Chữ Thập, Trường Sa, hải quân
Hình ảnh mô tả sân bay tương lai của TQ ở Đá Gạc Ma

Quan chức Mỹ ước tính rằng, việc xây dựng của TQ ở Bãi Chữ Thập có thể cung cấp một đường băng đủ dài cho hầu hết máy bay quân sự TQ. Bắc Kinh cũng được cho là đang xây dựng một cảng nhỏ trên đảo.

TQ cũng đang mở rộng các đảo nhân tạo ở những khu vực khác như Gạc Ma, Đá Châu Viên và Đá Ga Ven. "TQ dường như đang mở rộng và nâng cấp hạ tầng quân sự và dân sự gồm rađa, trang thiết bị thông tin vệ tinh, phòng không, súng hải quân, bãi đáp trực thăng và bến tàu - trên một số đảo nhân tạo”, Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - TQ nhận định trong một báo cáo tháng 12/2014.

Theo báo cáo này, một khi đường băng đi vào hoạt động, quân đội TQ có thể sử dụng nó như “điểm khởi động” cho các hoạt động phòng không hỗ trợ tàu hải quân tại Biển Đông.

Báo cáo nhấn mạnh, sự hiện diện của đường băng này chỉ làm gia tăng căng thẳng và mất lòng tin trong khu vực - vốn đã khá phức tạp vì chồng lấn chủ quyền hàng hải.

Theo ông Saburo Tanaka, chuyên gia Nhật chuyên nghiên cứu về quân đội TQ, các đảo nhân tạo tại Biển Đông sẽ giúp cho TQ vừa có khả năng bao bọc tuyến tiếp tế bằng đường biển ở phía bắc eo biển Malacca, vừa có thể ngăn hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tiến vào Biển Đông từ biển Celebes.

Sự gây hấn của TQ trong vùng biển này đã khiến nhiều nước láng giềng phải lo toan rào giậu. Mỹ cũng đang tích cực ủng hộ Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn trong tuần tra ở Biển Đông. Máy bay Nhật gần đây chỉ thường xuyên tuần tra ở Hoa Đông nhưng Mỹ mong muốn Nhật sẽ mở rộng các chuyến bay giám sát ở Biển Đông. " "Tôi cho rằng, hoạt động của lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản ở Biển Đông sẽ có ý nghĩa thiết thực trong tương lai", Đô đốc Robert Thomas, chỉ huy hạm đội 7 của Mỹ nói.

Hải quân TQ muốn kiểm soát Ấn Độ Dương
Theo tạp chí National Interest (Mỹ), Hải quân TQ đang chuẩn bị cho việc triển khai lâu dài đến Ấn Độ Dương và lên kế hoạch sử dụng các cảng “đa mục đích” như nơi cất giấu đạn dược bí mật và hỗ trợ các hoạt động quân sự.

Tạp chí Mỹ cho biết, TQ muốn chiếm ưu thế ở Ấn Độ Dương sau khi đưa tàu đổ bộ Changbaishan và một tàu ngầm hạt nhân đến khu vực. Nước này đã nỗ lực thiết lập vị thế người chơi hàng hải lớn ở Ấn Độ Dương bằng cách gia tăng các hoạt động chống hải tặc, tập trận hải quân, đầu tư vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng hàng hải. Các hoạt động này dẫn tới sự lo ngại rằng, Bắc Kinh sẽ theo đuổi chiến lược hàng hải quả quyết hơn trong tương lai.

Các tàu ngầm của hải quân TQ cập cảng ở Colombo (Sri Lanka) hai lần năm ngoái và TQ được cho là đã gây dựng những cơ sở quân sự ở nước này. Bắc Kinh cũng nắm giữ cổ phần kiểm soát cảng Hambantota phía đông nam Sri Lanka. Theo đó, các công ty TQ có quyền điều hành 4 bến tàu của cảng.

Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố các hoạt động này là một phần trong dự án Con đường Tơ lụa hàng hải, nhưng vẫn có những lo ngại rằng, TQ tìm cách củng cố “chuỗi hạt trai” bao vây Ấn Độ.

Thái An (theo Businessinsider, Wantchinatimes)

Ngoại trưởng Mỹ bị phạt tiền vì không dọn tuyết trước nhà


Bọn tư bn náo quá !
Dân trí Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bị phạt 50 USD vì không dọn tuyết tại vỉa hè trước nhà tại thành phố Boston, Mỹ. Đây được xem là lời khiển trách công khai đối với cư dân nổi tiếng bậc nhất của thành phố.


Phía trước nhà của Ngoại trưởng John Kerry tại thành phố Boston sau khi đã dọn 
Phía trước nhà của Ngoại trưởng John Kerry tại thành phố Boston sau khi đã dọn tuyết. (Ảnh: Boston Globe)
Sau trận bão tuyết lớn ở New York, mọi đường phố Boston đều ngập trong tuyết. Để dọn sạch lớp tuyết dày hơn 60 cm, Thị trưởng thành phố Boston Martin Walsh đã quyết định sẽ phạt bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để tuyết phủ trên vỉa hè trước nhà hay cơ quan. 
Lệnh của Thị trưởng Walsh đã được thi hành ngiêm túc. Vào 9h45 sáng 29/1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bị ghi phiếu phạt 50 USD vì để tuyết phủ trên vỉa hè trước nhà. 
AP dẫn lời ông Glen Johnson, phát ngôn viên của Ngoại trưởng Mỹ giải thích rằng một dải băng cảnh báo tại khu vực nhà riêng của ông Kerry đã khiến công ty dọn tuyết hiểu lầm rằng cảnh sát dùng dải băng để ngăn mọi người tiếp cận khu vực này.
Thực chất đây là tín hiệu nhắc nhở người đi bộ cảnh giác băng tuyết có thể rơi từ đỉnh tòa nhà. Sau đó, những nhân viên dọn tuyết đã vào khu vực này để làm sạch tuyết trên vỉa hè vào trưa hôm 25/1. 
Phát ngôn viên của Ngoại trưởng Mỹ cho hay ông Kerry sẽ nộp phạt đúng thời hạn và cho biết vào thời điểm bão tuyết tràn ngập thành phố Boston, Ngoại trưởng Kerry đang tháp tùng Tổng thống Barack Obama trong chuyến công du đến Ả-rập Xê-út. 
Thoa Phạm
Theo AFP

23 tháng 1, 2015

9.000 văn bản sai, 90 triệu người khổ!

Đăng Bởi  - 

van ban sai
Một trong số những văn bản "trời ơi" được ban hành, bị dư luận ném đá.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác tư pháp được tổ chức tuần qua, Bộ Tư pháp cho biết: Trong 10 tháng của năm 2014, đã có đến 9.017 văn bản pháp luật vi hiến, trái pháp luật, chiếm 22% tổng số các văn bản đã ban hành (TT, 21:10 GMT+7, 15.1.2015)!

Khó hình dung một nền tư pháp đã vận hành, phát triển suốt 70 năm (1945-2015) lại có thể nhầm lẫn, vượt quyền, tắc trách đến mức mỗi ngày ban hành sai đến 30 văn bản! Cho dù có làm ‘mềm’ bằng cách tính ‘thiệt hại’ là 22%, thì con số các văn bản vi hiến, trái luật kia vẫn là một sai phạm khó chấp nhận.
Những hệ lụy của ‘bút sa gà chết’ là không thể đo đếm, bởi nếu không nguy hại thì cha ông đã không tổng kết thành cái thành ngữ gớm ghê kia.
Trước hết, đó là vấn nạn gây nên biết bao phiền hà cho người dân vì cái lý do giản dị nhất: Nếu các văn bản cứ luôn tạo ra một mê cung của sự rối rắm, người dân chẳng biết đâu mà lần. Điều tiếp theo là chính sự chồng chéo của các quy định sẽ ‘mở đường’ cho vô số những tiêu cực. Các quan chức lâu nay đã có gang, có thép trong phát ngôn, tha hồ mà “vận dụng” các kẽ hở để tự tung, tự tác, khiến cho người dân hoang mang, giảm sút lòng tin, tốn kém cả thời gian và tiền bạc.
Bên cạnh đó cũng phải thấy rằng khi mỗi ngày có đến văn bản vi hiến, trái luật được ‘sản xuất’, có nghĩa là bộ máy tư pháp hiện nay yếu, kém ở mức đáng báo động. Cứ tạm tính rằng mỗi văn bản có ít nhất ba người liên quan trực tiếp: “Ông” trợ lý, tham mưu; “ông” thư ký và “ông” đặt bút ký, ta sẽ có ngay con số hàng vạn cán bộ, nhân viên thiếu năng lực quản lý, thiếu hiểu biết về pháp lý. Đó là chưa nói có những văn bản chỉ được ‘sinh ra’ sau vô số cuộc họp, liên quan đến hàng chục người thì con số cán bộ yếu kém thực sự sẽ là bao nhiêu?
Từ thực trạng trên sẽ chẳng khó để thấy sự lãng phí toàn diện về tài năng, công sức đào tạo, tiền của… Người dân có quyền đặt câu hỏi rằng, nếu một bộ máy có đến 22% không đủ năng lực pháp lý thì làm sao tạo nên sự ổn định và lành mạnh của xã hội? Nói cách khác, 22% đó có cũng như không; thậm chí họ còn gây ra sự phiền hà, tốn kém cho xã hội. Con số 22% cũng gần bằng với con số 1/3 cán bộ công chức cắp ô da diết mỗi ngày!
Bộ Tư pháp không cho biết những sai phạm đó sẽ được giải quyết như thế nào? Chẳng lẽ cứ sai thì sửa, sửa nếu có sai suốt năm này qua năm khác vẫn không sao? Chẳng lẽ cứ ký bừa, ký ẩu rội tặc lưỡi cho qua vì đã lỡ ban hành mà không phải chịu trách nhiệm, không phải chuyển công tác khác mà quanh đi quẩn lại chỉ kiểm điểm sâu sắc, phê bình nghiêm khắc?
Xin nhấn mạnh rằng tình trạng văn bản pháp luật sai đã được nói hoài, nói mãi trong nhiều năm qua. Không thể để cho tình trạng đó tiếp diễn nếu mong muốn một sự phát triển ổn định, hài hòa. 
Chấn chỉnh lại bộ máy, tinh giản đội ngũ, bổ sung tài năng thực sự được đào tạo có chất lượng là đòi hỏi bức thiết của xã hội. Có thể hình dung ‘chiếc xe’ đất nước đang phải di chuyển trên một con đường hết sức gập ghềnh: Nó không thể tăng tốc, nó thường xuyên bị hư hỏng vì các loại ‘ổ gà’ luôn tiềm ẩn vô số tai ương…
Hà Văn Thịnh

Đừng để “mặt tiền” của đất nước khó nhìn như thế!

Đăng Bởi  - 

VTV xin loi
Chuyển động 24h ví người mua vé Hải Phòng - HAGL như hổ đói.

Biết nhận lỗi và xin lỗi là một trong những tiêu chí không thể thiếu của một xã hội văn minh, chẳng hạn, thống kê cho biết, người Pháp là dân tộc sử dụng từ xin lỗi nhiều nhất thế giới. Thế nhưng, một cơ quan văn hóa, theo cách nói của Bộ trưởng Trần Đại Quang, “mặt tiền của mặt tiền” của một quốc gia là Đài Truyền hình Trung ương mà cứ xin lỗi mãi hoài thì không ai có thể chấp nhận!

Người xưa dạy “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy’, hàm ý cảnh báo rằng có khi, chỉ một lời nói ra, gây nguy hại khôn lường đến nỗi không thể nào sửa chữa được. Một lời đối với bốn con ngựa quả là cách ví von đầy sức nặng. Lời nói quan trọng đến mức Kinh Phật xếp vào vị trí thứ hai của ba cái tội (tam nghiệp – chướng), thân, khẩu, ý. Và, ít ai không biết một trong những câu ca dao hay nhất: Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Những lời bàn ở trên chỉ giới hạn trong ứng xử, giao tiếp thường ngày. Những cái sai của VTV lớn hơn rất nhiều: Vừa là báo hình lại vừa là báo tiếng; có nghĩa là mọi chương trình được phát ra đều có sự chuẩn bị, biên tập, xét duyệt kỹ càng. Không thể biện minh cho cái sự lỡ lời để rồi xin lỗi mãi hoài, trễ tràng.
Căn nguyên của vấn đề không chỉ là lỡ mà là cái kém của phổ văn hóa, cái tắc trách của tinh thần trách nhiệm, cái thiếu nhân văn của sự tôn trọng con người. Không muốn suy rộng hơn nữa trong sự cố nghiêm trọng như Điều ước thứ 7: Biết sai mà vẫn phát, có gần cả năm trời để sửa sai cũng không cần biết, nói dối toàn tập vẫn cứ khăng khăng bào chữa, nếu không phải cố tình… sai để đốt đền cho nổi tiếng, theo cách vô trách nhiệm, ít nhân, thiếu nghĩa đến tận cùng, thì là gì?
Cái sai gần nhất, khi ví khán giả Hải Phòng với hổ đói, quả là không tài nào hiểu nổi. Nói đến cọp rừng hay hổ đói là nói đến cái tính trội hung hãn của thú tính, không thể kiềm chế… Xúc phạm cả một thành phố lớn với hàng triệu người, đâu phải chỉ một lời xin lỗi là xong?
Trên đây có nhắc đến câu nói của Bộ trưởng Trần Đại Quang khi ông nhắc nhở CSGT phải giữ bộ mặt ‘đẹp’ cho ngành công an vì công an là ‘mặt tiền’ của đất nước, còn CSGT lại là ‘mặt tiền của mặt tiền’.
Quả thật, chưa bao giờ đất nước ta có không ít cái mặt tiền của mặt tiền đáng phải nhăn nhó khi biết, khi nhìn. Mặt tiền của đất nước về tinh hoa tri thức là các trường đại học với những học giả có bằng cấp cao, vậy mà mỗi năm, có đến 500-600 bằng thạc sĩ, tiến sĩ được tiêu thụ thì đúng là sự ô danh không nơi nào có.
Mặt tiền về luật pháp mà mỗi ngày ‘phát hành’ 30 văn bản vi phạm Hiến pháp hay trái luật thì ngay cả nhà văn viết truyện viễn tưởng là Jule Verne cũng phải bó tay. Mặt tiền về cảnh quan, đi lại mà suốt nhiều năm qua, trung bình mỗi ngày có vài chục người chết vì tai nạn giao thông, vẫn cứ là chuyện… bình thường(!)
Mặt tiền đang ngang dọc quảng bá hình ảnh đất nước trên bầu trời là ngành hàng không thì cùng lúc có hàng trăm nhân viên kỹ thuật cao đổ bệnh. Mặt tiền kinh doanh thực phẩm thì hầu như tuần nào cũng có thịt thối bị bắt, lòng thối bị phát hiện. Mặt tiền về hình ảnh, phát ngôn là VTV thì cứ sai rồi xin lỗi, xin lỗi rồi lại sai…
Từ xuống cấp xem ra là từ bị lạm dụng nhiều nhất hiện nay. Ai cũng muốn tránh nói đến những từ “nhạy cảm”, “vùng cấm” khi không muốn nói đến những từ nặng hơn. Thật là đáng phải nghĩ suy khi VTV được dân gian truyền tụng là ba chữ tắt của cụm từ “vẫn thất vọng”. Chúng ta buồn ít về cái sai của VTV nhưng buồn nhiều hơn, nặng nề nhiều hơn vì không muốn tin rằng ‘mặt tiền’ của đất nước lại khó nhìn đến thế…
Hà Văn Thịnh
Tags : VTV, xin lỗi, Chuyển động 24h, Điều ước thứ 7, Trần Đại Quang, khán giả, bằng giả, văn bản, Hà Văn Thịnh, hổ đói