Trang

22 tháng 1, 2015

Bloomberg: Chứng khoán Việt Nam cao nhất 7 năm trong 2015


11 chuyên gia phân tích tham gia khảo sát của Bloomberg đã đưa ra mức dự báo trung bình rằng chỉ số VnIndex sẽ tăng lên mức khoảng 655 điểm vào cuối năm 2015.

Theo Bloomberg, các chuyên gia chứng khoán đang hoạt động ở Việt Nam nhận định chỉ số VnIndex sẽ đạt đỉnh cao nhất 7 năm trong năm nay. Tăng trưởng kinh tế tăng tốc giúp đẩy tăng lợi nhuận và mức giá trị rẻ nhất ở Đông Nam Á sẽ giúp thu hút nhà đầu tư.
11 chuyên gia phân tích tham gia khảo sát của Bloomberg đã đưa ra mức dự báo trung bình rằng chỉ số VnIndex sẽ tăng lên mức khoảng 655 điểm vào cuối năm 2015, tức tăng 15% so với mức điểm đóng cửa phiên hôm qua. Hệ số P/E của chứng khoán Việt Nam đang ở mức 12,5 lần, thấp hơn mức 14,3 lần của chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương.
Các chuyên gia phân tích này cũng dự báo lợi nhuận của các công ty trong chỉ số VnIndex sẽ tăng 10% trong 12 tháng tới, vượt trội so với mức giảm 2% của các công ty thuộc chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2015, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 6% lần đầu tiên kể từ năm 2011 vì đầu tư nước ngoài thúc đẩy xuất khẩu, các ngân hàng tăng cường cho vay và lạm phát thấp khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu.
“Mức giá và các yếu tố vĩ mô cơ bản tiếp tục hỗ trợ xu hướng tăng điểm”, Patrick Mitchell, trưởng bộ phận khách hàng doanh nghiệp của công ty chứng khoán VinaSecurities, nhận định.
Mitchell dự đoán chỉ số VnIndex có thể tăng lên mức 680 điểm trong năm nay và khuyến khích nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu của các công ty công nghệ và hàng tiêu dùng thiết yếu. Các cổ phiếu ưa thích của ông là Thế giới di động, FPT, Vinamilk và Masan.
Kể từ đầu năm đến nay, chỉ số VN Index đã tăng 4,3%, đóng cửa phiên hôm qua ở mức 569,12 điểm. Trong năm 2014, VnIndex tăng tổng cộng 8,1%.
Triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn bị bao phủ bởi nợ xấu của khu vực ngân hàng – yếu tố khiến tăng trưởng kinh tế chạm đáy 13 năm vào năm 2012. Mặc dù Moody’s đã nâng triển vọng ngành ngân hàng từ ổn định lên tích cực hồi tháng 12, tổ chức xếp hạng này cũng cảnh báo lợi nhuận của các ngân hàng vẫn phải chịu nhiều áp lực.
Các nhà đầu tư ngoại cũng phải đối mặt với khối lượng giao dịch thấp và những giới hạn trong tiếp cận cổ phiếu. Quá trình nâng giới hạn cho tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty niêm yết diễn ra khá chậm chạp. Hôm 5/1, Ủy ban chứng khoán cho biết sẽ trình kế hoạch mới nhất lên chính phủ trong quý III.
Năm ngoái, trung bình giá trị các cổ phiếu được giao dịch trên HOSE là 2.200 tỷ đồng mỗi ngày, chưa bằng 1/4 khối lượng giao dịch trên sàn chứng khoán Indonesia (theo số liệu của Bloomberg).
Mặc dù khối ngoại vẫn mua ròng 9 tháng liên tiếp trong năm 2014, tổng cộng 136 triệu USD được rót vào chứng khoán Việt Nam, nhỏ hơn rất nhiều so với mức 3,76 tỷ USD và 1,25 tỷ USD lần lượt được đổ vào chứng khoán Indonesia và Philippines.
Kevin Snowball, CEO của quỹ PXP Vietnam, dự báo trong thời gian tới nhà đầu tư ở Việt Nam sẽ đa dạng hơn (thay vì chủ yếu là nhà đầu tư nhỏ lẻ như hiện nay) nhằm giảm biến động và đạt được mức tăng điểm bền vững trong dài hạn.
Trong khi đó, bà Trần Thị Kim Cương (đến từ quỹ đầu tư Manulife) cho rằng tăng điểm sẽ là xu hướng của chứng khoán Việt trong năm 2015. Bà dự đoán đến tháng 12 VnIndex sẽ chạm mốc 655 điểm, đồng thời nhận định các cổ phiếu ngân hàng “có cơ hội tăng điểm tốt trong ngắn hạn sau khi NHNN tuyên bố sẽ đẩy mạnh hoạt động sáp nhập”. Các cổ phiếu được bà Cương khuyến nghị là Vinamilk và Masan.
Thu Hương
Theo InfoNet/Bloomberg

21 tháng 1, 2015

Ban nội chính TW phân công người thay thế ông Nguyễn Bá Thanh


Thời sự 24h: Ban nội chính trung ương phân công người thay thế ông Nguyễn Bá Thanh
Ông Phan Đình Trạc sẽ thay ông Nguyễn Bá Thanh giải quyết công việc của Ban Nội chính TƯ. Ảnh: Ban nội chính TƯ

Trong thời gian ông Nguyễn Bá Thanh nghỉ chữa bệnh, ông Phan Đình Trạc, Phó trưởng ban Nội chính TƯ sẽ thay mặt giải quyết, điều hành các công việc của Ban.

Bế mạc phiên họp thứ 34 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sau 2,5 ngày làm việc, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó những nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của các dự án luật.
Trong các phiên làm việc từ ngày 19-21/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật: Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Thú y (sửa đổi), Tổ chức chính quyền địa phương, Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), An toàn vệ sinh lao động.
Dự Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) có nhiều điểm mới so với luật hiện hành. Phạm vi tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự thu hẹp hơn, theo hướng có thể tạm hoãn đối với sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học thuộc hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự của đối tượng này cũng đang được nghiên cứu kéo dài lên 27 tuổi. Thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự kéo dài hơn (từ 18 tháng lên 24 tháng).(Xem thêm)
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự WEF Davos 2015
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2015  tại Davos, Thụy Sỹ từ ngày 21 - 24/1.
Dự kiến, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ dự và phát biểu tại các phiên thảo luận về ASEAN, an ninh lương thực toàn cầu, tái định hình thế giới-xác định các nhu cầu/xu hướng trong năm 2015, triển vọng địa-chính trị 2015…và có buổi đối thoại với lãnh đạo các doanh nghiệp tham dự WEF, gặp gỡ song phương với quan chức các nước, lãnh đạo một số tổ chức quốc tế.
WEF 2015 thu hút 2,.500 đại biểu, trong đó có trên 30 lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức quốc tế, gồm Thủ tướng Đức, Thủ tướng Malaysia, Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Campuchia, Thủ tướng Malaysia, Chủ tịch World Bank, Chủ tịch IMF...(Xem thêm)
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị xem xét "Bộ phụ nữ"
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Việt Nam hiện không có Bộ nào quản lý phụ nữ, trong khi các nước đều có Bộ phụ nữ nên cần tính toán, xem xét tới việc này.
Cho ý kiến về Luật tổ chức Chính phủ chiều 20/1 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, nhiều ý kiến tán thành với quy định cơ cấu tổ chức của Chính phủ như trong dự thảo luật. Cũng có ý kiến đề nghị cần xác định cụ thể số lượng và tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ ngay trong luật. Bởi các lĩnh vực quản lý nhà nước đều đã được xác định rõ nên cần phân công cho các bộ, cơ quan ngang bộ phụ trách để bảo đảm tính ổn định cho bộ máy Chính phủ.
Cũng theo ông Lý, việc không quy định cứng số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý xây dựng một Chính phủ năng động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh. (Xem thêm)
Ông Phan Đình Trạc điều hành Ban Nội chính Trung ương
Ban Nội chính Trung ương vừa ban hành văn bản thông báo việc phân công ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban làm nhiệm vụ Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương.
Theo đó, thực hiện ý kiến của Thường trực, trên cơ sở ý kiến của ông Nguyễn Bá Thanh (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương) đã được thống nhất tại cuộc họp lãnh đạo Ban (ngày 16-1-2015) phân công ông Phan Đình Trạc làm nhiệm vụ Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương.
Ông Phan Đình Trạc điều hành giải quyết công việc của Ban Nội chính Trung ương và của Trưởng Ban khi Trưởng Ban vắng mặt hoặc được ủy quyền.(Xem thêm)
Mạnh tay ngăn chặn tình trạng rút thuốc BHYT
Ngày 18/01 chúng tôi phản ánh tình trạng trục lợi BHYT từ việc rút thuốc đặc trị ung thư trong bệnh viện ra nhà thuốc bên ngoài để bán. Cụ thể, nhiều loại thuốc điều trị ung thư đắt tiền như: Nexavar có giá lên tới gần 60 triệu đồng/hộp được BHYT chi trả, nhưng bị rút ra ngoài để bán với giá khoảng 28 triệu đồng/hộp.
Trước thông tin này, đại diện Bệnh viện K cho biết, Bệnh viện sẽ thực hiện nhiều biện pháp mạnh để tăng cường kiểm soát những bệnh nhân có thực sự dùng loại thuốc này hay không?(Xem thêm)
Bắn pháo hoa thường xuyên trên cầu Nhật Tân: Nên hay không?
Cầu Nhật Tân được khánh thành từ ngày 4/1/2015, là cây cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á và là điểm nhấn của Thủ đô Hà Nội với kiểu dáng kiến trúc đẹp.  Công trình này sau khi khánh thành đã thu hút rất đông người dân đến tham quan, ngắm cảnh.
Mới đây, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội đã đưa ra ý tưởng bắn pháo hoa thường xuyên ở đây để cho người dân đến thưởng thức và đề xuất UBND thành phố tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân đầu tư kinh phí. Theo đó, nguồn kinh phí bắn pháo hoa 100% từ xã hội hóa.
Mặc dù mới chỉ là đề xuất của Sở VHTT&DL Hà Nội nhưng việc bắn pháo hoa thường xuyên trên cầu Nhật Tân đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. (Xem thêm)
Hồng Vân
Theo Trí thức trẻ

Bằng giả, 9.000 văn bản tư pháp sai, 10 lần vỡ ống nước

(ĐẤT VIỆT) - Có mối liên quan gì đến việc công an bắt một ổ nhóm làm bằng giả tiêu thụ 500-600 bằng/năm và 9.017 văn bản sai của ngành tư pháp?

a
Đường ống nước sông Đà đến nay đã vỡ tới lần thứ 10.
Cuối năm âm lịch bao giờ cũng là dịp các cơ quan ban ngành tổng kết lại công việc của mình để từ đó đưa ra những con số thống kê. Có những con số thống kê khiến người dân hả lòng hả dạ, song cũng có những con số thống kê khiến người ta lòng đau như cắt.
Ấy là con số được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác tư pháp của Bộ Tư pháp, Bộ này cho biết trong 10 tháng của năm 2014, đã có đến 9.017 văn bản pháp luật vi hiến, trái pháp luật, chiếm 22% tổng số các văn bản đã ban hành.
Một con số thật đáng hãi hùng, cứ 10 văn bản pháp luật ban ra thì có đến hơn 2 văn bản vi phạm hiến pháp hoặc trái với các điều khoản đã được quy định trong luật pháp. Thử hỏi có nền tư pháp nào hoạt động với sai sót nhiều đến thế chăng?
Có một con số khác cũng đáng lưu tâm không kém, đó là công an TP Hồ Chí Minh mới đây đã triệt phá một đường dây chuyên làm giả bằng thạc sĩ, tiến sĩ tiêu thụ từ 500-600 bằng/năm.
Bằng giả chui đi đâu? Ai mua bằng giả mà nhiều đến thế?
Thì đây là câu trả lời đến từ người đứng đầu ngành giáo dục. Báo chí cho biết, tại cuộc họp của Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận đã phát biểu hết sức thẳng thắn: “Người học giả, bằng giả, học thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể chui vào hệ thống công chức nhà nước, không vào được doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài”.
Vậy là chính ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo đã thừa nhận, chính các cơ quan nhà nước là nơi tiêu thụ bằng giả và “người giả” chứ ở chỗ cần người thật làm thật, trí tuệ thật, bằng giả làm sao có đất dung thân.
Theo quý bạn đọc, con số 500-600 bằng giả/năm của một đường dây làm bằng giả ở một địa phương thôi, chưa phải toàn quốc, có liên quan gì đến con số 9.000 văn bản sai mà Bộ Tư pháp đã thống kê không?
Chắc chắn là có chứ. Vì “người giả”, bằng giả nên xã hội mới loạn lên bằng những văn bản luật nhưng trái luật. Vì cơ chế chuộng bằng cấp hơn thực tài nên mới có những 30% của 2,8 triệu quý ngài công chức sớm tối cắp ô chẳng làm gì cho xã hội ngoài chuyện ăn trên ngồi chốc và lĩnh lương.
Vì bằng giả mà dẫn đến lương tâm giả, nhân cách giả. Và rốt cục sản phẩm của những kẻ ấy làm ra là đường sá cầu cống vừa khánh thành đã hỏng, cầu vừa đi đã sập, đường trên cao chưa làm xong đã mấy lần gây họa chết người.
Chỉ riêng cái đường ống nước sông Đà ở ngay giữa thủ đô, trong vòng 35 tháng nay đã vỡ tới 10 lần, đẩy 70.000 hộ dân Hà Nội vào cảnh khốn đốn, nhưng rồi vị Phó Ban Tuyên giáo thành ủy cũng chỉ biết an ủi người dân bằng cách chia sẻ: “Việc đường ống vỡ đến lần thứ 10 đã được tiên liệu trước, bởi nó đã vỡ đến lần thứ 9, làm sao lại không thể vỡ đến lần thứ 10, 11, 12?”.
Thật lạ kỳ cho người Việt, trong khi thế giới đã tiến đến giai đoạn nào trên tiến trình văn minh rồi mà chúng ta vẫn còn loay hoay với đống bằng giả người giả, vẫn còn mua quan bán chức lấy tiền.
Tự mỗi người đều có thể trả lời câu hỏi cho chính mình: Tại sao đất nước tụt hậu? Tại sao năng suất lao động của người Việt Nam lại chỉ bằng 1/15 người Singapore? Tại sao chúng ta mãi đói nghèo, chậm phát triển?
Chính là bởi cái ổ tiêu thụ bằng giả lớn nhất, đau đớn thay lại chính là các cơ quan nhà nước. Những cơ quan quan trọng nhất, có tiếng nói quyết định đến sự phát triển, lại là nơi dung dưỡng cho những kẻ dùng bằng giả, đơn giản vì việc này mang đến lợi nhuận cho một nhóm người.
Và như vậy, phải chăng họ đang kiếm lời trên sự tụt hậu của toàn xã hội?
  • Mi An 

19 tháng 1, 2015

'Điểm danh" 3 bệnh viện tại TPHCM nổi cộm về tham nhũng

Đăng Bởi  - 

tham nhung
Bệnh viện Bình Dân TP.HCM là một trong những nơi xuất hiện tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực y tế - Ảnh minh họa

Nhiều cơ sở y tế vẫn diễn ra tình trạng tham nhũng với số lượng lớn; nhiều cơ sở  y tế tư nhân hoạt động không phép hoặc giấy phép đã hết hạn; tình trạng thực phẩm không an toàn vệ sinh vẫn được bày bán… Đó là những vấn để nổi cộm được ngành thanh tra đưa ra tại Hội Nghị tổng kết công tác thanh tra Y tế (Bộ Y tế) năm 2014 hôm 19.1.

Theo ông Vũ Sỹ Vân, Phó Chánh tra Bộ Y tế, tình trạng tham nhũng diễn ra nổi cộm tại: Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Bình Dân và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương ở TP.HCM.
Ông Vũ Sỹ Vân cho biết, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM đã sử dụng vượt quá số lượng phim được thu từ bệnh nhân là 488.088.150 đồng, làm thất thoát 3.365.086.000 đồng sử dụng phim bị cắt ghép tạo ra phim thừa.
Trong khi đó, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM liên doanh, liên kết đã làm thất thoát của bệnh viện 782.517.104 đồng và tự ý cho thuê mặt bằng, chưa xin ý kiến của TP đã thu về bất chính hơn 6 tỷ đồng. 
Ngoài ra, bệnh viện này còn không báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu, mua sắm trang thiết bị y tế bằng nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và nguồn dự án kích cầu là 1.834.400.000 đồng.
Riêng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã ký hợp đồng lao động,  báo cáo quyết toán không trung thực. Cụ thể, bệnh viện này đã bố trí các bộ phận cao hơn quy định 5%, ký hợp đồng lao động với 275 người, nhưng có đến 196 lao động chưa đáp ứng đủ điều kiện tuyển dụng.
Doanh thu của bệnh viện này năm 2011, 2012 tăng so với báo cáo quyết toán của bệnh viện lên đến 9.541.686.922 đồng. Năm 2012, bệnh viện này còn chi vượt quỹ tiền lương đến 15.658.352.122 đồng, bệnh viện không có lợi nhuận nhưng vẫn tiến hành trích quỹ khen thưởng, phúc lợi với số tiền gần 10 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số đơn vị y tế ở các tỉnh như: Lai Châu, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Nam Định, Kom Tum, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ và Tiền Giang cũng phát hiện nhiều sai phạm trong lĩnh vực y tế.
Để đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các quy định của Luật phòng chống tham nhũng, ông Vân đề nghị, các địa phương phải thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thủ tục hành chính, đặc biệt quan tâm đến một số lĩnh vực trọng tâm như: an toàn vệ sinh thực phẩm; quản lý thuốc, mỹ phẩm;  vắc xin sinh phẩm; vật tư và trang thiết bị y tế; khám, chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế; hành nghề y tế tư nhân; hành nghề dược tư nhân….
Riêng về lĩnh vực dược, theo tranh tra Bộ Y tế, các địa phương đã thanh, kiểm tra 11.496 cơ sở thì đã phát hiện có đến 2.461 cơ sở vi phạm.
Trong số các cơ sở vi phạm trên, ngành y tế đã đình chỉ 156 cơ sở, tiêu hủy 25kg thuốc dược liệu không rõ nguồn gốc, phạt và đình chỉ hàng nghề không phép đối với 93 cơ sở... 
Đồng thời, các địa phương cũng đã tịch thu 184 khoản thuốc quá hạn dùng, 18 khoản thuốc phi mậu dịch, 36 khoản thuốc không còn nguyên vẹn bao bì, 66 khoản thuốc không số đăng ký…
Công tác trọng tâm thanh tra của các Sở y tế các tỉnh, thành năm 2015 được thanh tra Bộ Y tế lưu ý trong quản lý nhà nước về hành nghề y, quản lý nhà nước về lĩnh vực dược, quản lý nhà nước về y tế dự phòng và quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
“Trong quản lý nhà nước về hành nghề y, cần quan tâm hệ thống ngoài công lập về nội dung thực hiện chính sách pháp luật bảo hiểm y tế, công tác xã hội hóa y tế. Đối với quản lý nhà nước về lĩnh vực dược cần quan tâm công tác đấu thầu, bảo quản thuốc, chất lượng thuốc, giá thuốc. Đặc biệt, quan tâm mua sắm trang thiết bị y tế”, ông Vân nói
Hồ Quang
Tags : thanh tra y tế, Bộ y tế, chấn thương chỉnh hình....

Lấn vịnh Hạ Long cho sân golf: Ai sẽ phải trả giá?

(Tin tức thời sự) - Về nguyên tắc phát triển di sản là phải tối ưu hóa dịch vụ, chứ không phải mở rộng dịch vụ...

Đó là khẳng định của KTS Đoàn Bắc - một KTS Hà Nội có tình yêu vô hạn với vịnh Hạ Long, luôn muốn bảo tồn các công trình và quảng bá đến bạn bè thế giới.
Trước việc Tập đoàn Tuần Châu trình lên UBND tỉnh Quảng Ninh muốn xây dựng 3 khu biệt thự lấn biển hình 3 đóa hoa trên biển, kèm theo là quy hoạch mở rộng sân golf từ 18 lỗ lên thành 27 lỗ bằng cách đổ hơn 20 triệu m3 đất, đá, bùn, cát xuống Vịnh Hạ Long để lấn thêm khoảng 400 ha mặt nước ở phía Tây của đảo Tuần Châu, KTS hoàn toàn phản đối vì như vậy thì sẽ mất hết.
Tư duy ăn xổi ở thì
Chia sẻ với Đất Việt, ngày 17/1, KTS Đoàn Bắc chia sẻ: "Tôi đã có nhiều chương trình ở vịnh Hạ Long, nơi này hoàn toàn khác với TP.HCM hay Hà Nội. Bởi điều đáng quý của Hạ Long là cảnh quan từ xưa đến nay, lúc nào vẫn vậy".
Bên cạnh đó, ông cho biết thêm: "Cảnh vật này, không chỉ giới hạn trong phạm vi cảnh tự nhiên mà còn liên quan đến yếu tố con người- xã hội, từ xưa đến nay, hơn 100 năm vẫn thế. Nếu sau 100 năm, mà cảnh vật khác đi, thì chắc chắn Hạ Long sẽ không còn, vì cái đáng quý cũng đã mất".
Theo ông Bắc, để có được di sản thì đầu tiên phải có kinh tế làm tiền đề, bởi vì nếu là di sản nhưng để không thì cũng vô nghĩa. Thế nhưng, không phải bằng hình thức mở rộng di sản, hay tăng giá vé như Hạ Long đang làm ồ ạt gần đây, mà cái cần cho di sản là phải được gìn giữ và bảo vệ.
Ông nhấn mạnh: "Đầu tiên, phải quảng bá giá trị di sản, hai là, tối ưu hóa những dịch vụ đã có. Mặc dù đã đi vịnh Hạ Long 5 - 6 lần, nhưng tôi cũng không thể nói tôi là người hiểu hết, nắm rõ hết vịnh Hạ Long. Vì đây là một di sản phức tạp, càng đi nhiều sẽ càng thích đi, nên phải làm sao để kéo du khách lại".
Tháp đá trong một bức ảnh do viên bác sĩ quân y người Pháp Louis Sadoul chụp năm 1889.
Tháp đá trong một bức ảnh do viên bác sĩ quân y người Pháp Louis Sadoul chụp năm 1889.
Tuy nhiên, hiện tại, theo ông Bắc, cứ 10 du khách được hỏi, thì 8 người không quay trở lại, mặc dù cảnh đẹp nhưng dịch vụ du lịch lại quá tệ, nên muốn kéo du khách lại là việc rất khó. Vấn đề ở đây, là phải làm sao quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ, làm sao du khách không chỉ đến 1 lần mà đến nhiều lần.
Trong 1 năm có 12 tháng thì chỉ có 3 tháng nhìn vịnh Hạ Long đẹp nhất, có những tháng không nhìn thấy gì, nên phải làm sao để năm sau du khách quay lại, năm sau nữa lại quay lại để hiểu giá trị di sản thì mới là việc đáng mừng.
Hơn 100 năm nay, khung cảnh hòn
Hơn 100 năm nay, khung cảnh hòn "tháp đá" trong bức ảnh trên gần như không thay đổi là bao
"Còn nếu dùng biện pháp chặt phá, mở rộng để thu hút du khách, như việc tập đoàn Tuần Châu đề nghị được lấn chiếm bề mặt vịnh, thì đó chỉ là tư duy ăn xổi ở thì, chắc chắn du khách sẽ không quay trở lại, còn hiện nay lợi ích di sản đang tìm kiếm lợi ích kinh tế", ông Bắc cho hay.
Đã mất đi không bao giờ lấy lại được
Hiện nay, làm quá kém từ khâu quảng bá giá trị di sản, ví dụ như đáng lẽ để có vịnh Hạ Long thì phải có Bái Tử Long, nhưng lại cố tình tách vịnh Hạ Long và Bái Tử Long.
Tại sao lại chỉ khai thác kinh tế ở vùng lõi, vùng UNESCO công nhận, mà quên mất rằng để kiếm tiền thì phải mở rộng ra vùng ngoài, chưa kể đầu mấu của vịnh Hạ Long ở phía Cát Bà - Hải Phòng, đó mới là điểm có nhiều đảo cực lạ.
Trước việc hiện nay cho nhiều tập đoàn lớn vào khai thác di sản, ông Bắc nhận định: "Hậu quả của việc cho tập đoàn đầu tư là do cách nghĩ: doanh nghiệp (DN) này làm được thì DN kia cũng đòi làm bằng được, đó là việc tạo tiền lệ xấu. Bởi hình thành nên nếp nghĩ, nếu cho DN này làm thì DN khác chắc chắn làm được, không làm góc phải thì sẽ làm góc trái".
Theo ông Bắc, đây là nguyên tắc của chính quyền, tốt nhất, không được phép làm chuyện mở rộng, nên tối ưu hóa dịch vụ đã có.
Bài học nhãn tiền là một trong những thành tựu đạt được trong giai đoạn gần đây nhất là gỡ bỏ được lệnh cấm vận của UNESCO, đây là lần thứ ba, vịnh Hạ Long nhận được lệnh cấm vận.
Cụ thể, những năm gần đây, từ kỳ họp thứ 33 (năm 2009) và sau đó là các kỳ 35, 37 của Ủy ban di sản thế giới, Vịnh Hạ Long luôn được khuyến nghị về công tác quản lý, bảo tồn xung quanh các vấn đề tác động của du lịch, xây dựng, nuôi trồng thủy sản, môi trường.
Tại cuộc họp mới đây nhất của của Ủy ban Di sản thế giới lần thứ 38 tại Doha,Qatar vào tháng 6/2014, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản vịnh Hạ Long mới được ghi nhận là có nhiều chuyển biến.
Việc cần làm hiện nay, ông Bắc khẳng định: "Nếu chúng ta chỉ nói 1 chiều phê phán thì sẽ không có trọng lượng, nên phải nhìn thấy giá trị vốn có của di sản này. Nếu như HN là giá trị mang tính chất kế thừa, giá trị của Sài Gòn là không có bản sắc đặc thù mà văn hóa nào cũng có, Tây - Pháp - Tàu đều có, tạo ra bản sắc của Sài Gòn là ai cũng hòa nhập vào được. Còn bản giá trị của Hạ Long là sau 100 năm vẫn thế, nếu làm mất bản sắc đó là sẽ hết".
Hơn hết, về nguyên tắc phát triển di sản là phải tối ưu hóa dịch vụ, chứ không phải mở rộng dịch vụ, trong khi không phải cái gì cũng có thể lấy lại được.
  • Thanh Huyền

Tiền cổ phần hóa DNNN đi đâu: Lãng phí từ trong ruột

(Tài chính) - QH có quyền giám sát từng đồng thu - chi về ngân sách. Nhưng QH không có trách nhiệm cầm tay vẽ chữ ...

Ông Mai Xuân Hùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội đã nói như vậy trước băn khoăn của ĐBQH về "tiền cổ phần hóa doanh nghiệp đang được sử dụng như thế nào và hiệu quả ra sao"?
PV:- Thưa ông, đã 1000 ngày thực hiện đề án tái cơ cấu DNNN, song như nhận định của nhiều chuyên gia, mới chỉ nhìn thấy kết quả của việc cổ phần hóa. Xin ông tóm lược, kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thực hiện trong 3 năm qua: số lượng DNNN được cổ phần hóa, số tiền thu về ngân sách từ việc cổ phần hóa các DNNN?
Ông Mai Xuân Hùng: - Chỉ đạo cổ phần hóa (CPH) DNNN của Chính phủ rất quyết liệt, mục tiêu cổ phần hóa trong 2 năm 2014-2015 là 432 doanh nghiệp. Tuy nhiên do khả năng tiêu hóa của thị trường quá yếu, những khó khăn khách quan có thể ngăn cản việc bán phần vốn nhà nước đúng mục tiêu.
Nhiều DNNN chưa nộp tiền CPH về ngân sách
Nhiều DNNN chưa nộp tiền CPH về ngân sách
Thứ hai, lòng tin của người dân, giới đầu tư còn nhiều vấn đề. Do đó, vấn đề CPH DNNN tới nay có tiến triển nhưng hiệu quả chưa cao.
Về số tiền CPH, nghị quyết Chính phủ đã đưa ra rất cụ thể tiền thu về từ CPH phải nộp về ngân sách nhà nước và được báo cáo theo từng kỳ hạn.
Quốc hội chỉ nắm được con số tổng nguồn thu từ CPH, ví dụ năm 2015 là 900 ngàn tỷ, trong đó có khoảng 30-40 ngàn tỷ từ DNNN... Số tiền này, được phân bổ chung cho cả nền kinh tế từ nông nghiệp, y tế, tới giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng... nó không quy định chi cho từng lĩnh vực cụ thể.
PV:- Theo phản ánh, mục đích số tiền thu được từ cổ phần hóa không được công bố công khai và thường xuyên. Trả lời báo chí, một vị ĐBQH cho biết, ngân sách Nhà nước hàng năm Quốc hội thông qua không có nguồn vốn này. Theo ông, điều đó có bất thường không và tại sao lại xảy ra tình trạng này?
Ông Mai Xuân Hùng: - Thực tế từ trước tới nay vẫn có nguồn vốn thu được từ CPH doanh nghiệp. Về nguyên tắc là tiền CPH phải nộp về ngân sách, nguồn tiền này sau đó được phân bổ tới các thành phần khác của nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo tôi được biết chỉ có tiền CPH thuộc lĩnh vực dầu khí là ra tấm ra món, các doanh nghiệp khác chưa lấy được đồng nào. Hoặc thu được lại đầu tư ngược lại hỗ trợ cho các DNNN yếu kém, làm ăn không hiệu quả; bù đắp chi trả cho các khoản nợ của DNNN như Vinalines, Vinashin. Các Tập đoàn lớn như Tập đoàn Cao su, phân bón, Điện... thậm chí còn đang bị âm. Trong khi doanh nghiệp tại địa phương, địa phương lại muốn giữ lại.
Có địa phương thu tiền CPH của doanh nghiệp nhưng 1-2 năm sau không nộp về ngân sách. Cũng có khi, trách nhiệm này bị đánh đồng với nhiệm vụ chính trị, cố thủ nguồn vốn tạo đà cho doanh nghiệp chuyển mình theo hướng khác...
Hiện nay chỉ có nghị quyết riêng đối với ngành dầu khí, quy định rõ tiền CPH doanh nghiệp được giữ lại bao nhiêu, bao nhiêu phần trăm phải nộp về ngân sách. Nghị quyết này không áp dụng chung cho tiền CPH chung của các DNNN khác, do đó trong tổng thu tiền CPH hiện nay không nắm rõ được số tiền CPH từ doanh nghiệp nhà nước là bao nhiêu mà chỉ có báo cáo tổng số tiền thu được từ CPH.
Tuy nhiên, có thể trong quá trình xử lý kỹ thuật, cập nhật con số không kịp thời hoặc có báo cáo nhưng đại biểu Quốc hội không có thời gian đọc... nên nói đại biểu không biết tiền CPH là bao nhiêu cũng không hoàn toàn chính xác.
PV:- Vị ĐBQH trên cũng nhận định, tiền thu được từ cổ phần hóa tản mát, sử dụng không hiệu quả. Trong khi đó, nhiều dự án, công trình đầu tư phát triển của Việt Nam vẫn phải được thực hiện bằng nguồn tiền đi vay nên bị phụ thuộc đến bất lợi vào phía đi vay. Liệu có phải chúng ta đã lãng phí nguồn lực hay không thưa ông? Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, thiệt thòi cho nền kinh tế nói riêng và người dân nói chung sẽ như thế nào?
Ông Mai Xuân Hùng: - Phải nói rằng, việc đầu tư nguồn lực của cả nền kinh tế đều đang bị tản mát chứ không riêng gì khoản tiền CPH.
Các chương trình, mục tiêu kinh tế quá rộng, đầu tư không hiệu quả, kế hoạch hoành tráng nhưng lại không thực hiện được... Điển hình như kế hoạch xây dựng 15 khu kinh tế, nhưng khi rà soát chỉ tập trung xây dựng, phát triển được 5 khu kinh tế, còn lại không thực hiện được...
Khu vực DNNN vẫn được coi là đóng vai trò chủ đạo, là trụ cột của nền kinh tế lại hoạt động không hiệu quả. Một số ít có hiệu quả cũng không đủ sức bù đắp cho ngân sách những khoản thua lỗ, thất thoát do các DNNN khác làm ăn không hiệu quả gây ra.
Trong khi nội lực nền kinh tế yếu, nguồn lực đầu tư không có nhưng vẫn phải dồn sức hỗ trợ cho khu vực DNNN làm ăn không hiệu quả. Thậm chí còn gây thua lỗ, thất thoát tiền của của nhà nước, đó là sự lãng phí nguồn lực rất lớn, lãng phí ngay từ ngay trong ruột của nền kinh tế.
Vì thế mới nói, nền kinh tế Việt Nam hiện đã trải qua cả quá trình lãng phí và đang được khắc phục dần. Tất nhiên, để đánh giá hiệu quả cụ thể của từng lĩnh vực là rất khó. Tôi chỉ có thể nói, nguồn lực đầu tư đang dần mang lại hiệu quả.
PV:- Đã từng có đề xuất, Quốc hội sẽ giám sát và quyết định việc sử dụng nguồn vốn từ cổ phần hóa DNNN. Ông có đồng tình với đề xuất này hay không và vì sao? Nếu muốn thực hiện đề xuất này thì cần phải làm gì?
Ông Mai Xuân Hùng: Quốc hội có quyền giám sát toàn bộ từng đồng thu - chi của ngân sách. Nhưng Quốc hội không có trách nhiệm cầm tay vẽ chữ cho Chính phủ. Chính phủ là người làm trực tiếp, sự lãng phí xảy ra tại khâu thực hiện do đó, Quốc hội không thể kiểm soát từng đồng chi tiêu cụ thể của Chính phủ trong quá trình thực hiện.
 PV: - Xin cảm ơn ông!
  • Vũ Lan

Rau sạch tình trong


Bạn muốn ăn rau tới hái liền
Rau sạch rau ngon chẳng mất tiền
Rau này để cho không phải bán
Bạn nào tới trước được ưu tiên.

Đ/C: Đường 3/2 Bàu Trũng Vũng Tàu
Phạm Hải