Trang

22 tháng 12, 2014

Nhân viên sân bay VN cau có, lạnh lùng

"Tôi đi sân bay nhiều nước nhưng chưa có nơi nào thái độ phục vụ ở sân bay lại kém như ở ta, cảm giác như họ chả yêu nghề gì cả".
Sau khi đăng bài viết: "Bộ trưởng Thăng yêu cầu nhân viên sân bay phải niềm nở", báo VnExpress đã nhận được nhiều phản hồi về dịch vụ chăm sóc khách hàng ở các sân bay hiện nay, điều này chủ yếu thể hiện ở thái độ, ngôn từ giao tiếp, cách cư xử... của các nhân viên hàng không.
Là một Việt Kiều lâu năm về nước, độc giả có nickname quynhlinhtram chia sẻ: “Bao nhiêu cảm xúc sung sướng vì được về thăm quê hương bỗng chốc bị mất hết bởi thái độ lạnh lùng, thậm chí là vô lễ của lực lượng cửa khẩu. Đáp lại nụ cười tươi rói và câu chào lịch sự của tôi là bộ mặt khó đăm đăm và cái hất hàm, hỏi trống không: 'Ở đâu về?'. Thật buồn cho văn hóa và cách cư xử”.
Đồng tình với ý kiến trên, độc giả tên Lê Hóa nói tiếp: “Tôi đi sân bay nhiều nước nhưng chưa có nơi nào thái độ phục vụ ở sân bay lại kém như ở ta, cảm giác như họ chả yêu nghề gì cả, mặt lúc nào cũng cau có, thiếu hòa nhã và chả bao giờ biết hướng dẫn tận tình người khác, đến câu thứ hai là đã nói khó nghe”.
Còn độc giả có nickname trantrungkien tâm sự: “Hôm trước tôi có dịp bay vào  TP HCM, đây là lần đầu tiên chúng tôi đi máy bay, hôm đó chúng tôi từ Ninh Bình ra nên không biết chỗ đó là chỗ không cho đậu xe máy, vừa tới, chưa kịp xuống xe thế là bảo vệ sân bay ra rút chìa khóa lập biên bản, còn gọi cả công an ra để giữ xe xe máy của chúng tôi nữa....  tôi thất vọng về cách cư xử của nhân viên sân bay”.
"Tôi đi lao động ở Hàn Quốc, khi về nước chơi qua sân bay Hàn, hải quan họ quét hộ chiếu chưa đến 30 giây và chào "về giữ gìn sức và quay lại nhé"! Về tới Việt Nam, hải quan họ cầm hộ chiếu của mình ngó lên rồi lại đặt xuống phải đến hơn 5 phút rồi anh ấy hỏi mình một câu: “Ông ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) à?". Thật đắng lòng”. Độc giả Đỗ Thanh Hải nói.
Độc giả có nickname Nguyenly kể: "Có lần đi du lịch từ nước ngoài về, khi đang xếp hàng chờ, tôi đã chứng kiến một hành động không đẹp mắt của một anh nhân viên sân bay, anh ấy đưa chân đá vào vali của một người khách nước ngoài đang đứng xếp hàng. Tôi bất ngờ và sốc bởi hành động của anh ấy trước bao nhiêu cặp mắt của mấy dãy khách nước ngoài đang chờ làm thủ tục, chỉ cần một câu nhắc nhở để vali sát vào, tại sao phải đưa chân đạp như thế?".
800px-Noi-Bai-check-in-736ae-5223-141922
Khu vực check-in của sân bay.
Trước những bức xúc này, sáng 21/12, nhân dịp đi kiểm tra nhà ga T2 Nội Bài, cầu Nhật Tân và đường nối Nhật Tân – Nội Bài, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc tại sân bay để đảm bảo phục vụ khách quốc tế.
“Cảng hàng không Nội Bài cần lưu ý thực hiện tốt “4 xin, 4 luôn”. Đây là cửa ngõ khách quốc tế đến Việt Nam, nên thái độ đón tiếp của nhân viên sân bay phải niềm nở, ân tình, làm sao để hành khách thực sự cảm thấy hài lòng”.  Bộ trưởng nói.
Yêu cầu này của bộ trưởng ngay lập tức đã nhận được đồng tình của nhiều độc giả. Đa phần mọi người đều hi vọng sau khi đưa vào sử dụng ga T2 Nội Bài thì thái độ, cách cư xử của những nhân viên làm việc tại đây sẽ tốt hơn.
Một du học sinh Nhật Bản nói: "Hy vọng tương lai nhà ga mới sẽ vận chuyển hành lý nhẹ nhàng không quăng quật”.
Còn độc giả có nickname HoangHiep cho biết: "Phải có tầm nhìn cho các hoạt động tại sân bay. Có như vậy mới nâng cao hình ảnh con người, đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế. Cần có ban giám sát và đánh giá thường xuyên công tác này, để mọi hoạt động đi vào nề nếp.
Đồng tình với ý kiến trên, độc giả tên Diệu Bảo nói tiếp: “Chúng ta cũng cần có nhiều biện pháp thực tế để khắc phục tệ nạn đã kéo dài nhiều năm qua”.
Độc giả có nickname Tunguyen góp ý: "Tôi đi một số nước khi làm thủ tục nhập cảnh, phía trước bàn làm việc của nhân viên có 3 cái nút với 3 cái mặt biểu cảm: mặt cười, mặt bình thường và mặt buồn. Lúc làm xong thủ tục tôi được yêu cầu chọn và bấm vào một trong 3 cái nút đó để đánh giá thái độ phục vụ của nhân viên đó và có lẽ cuối tháng ban kiểm tra sẽ làm việc với nhân viên dựa tren sự hài lòng của khách hàng. Tôi thấy cũng hay và Việt Nam nên thử xem". 
Xuân Trang tổng hợp

21 tháng 12, 2014

Dầu giảm 1 USD, tạo ra bao nhiêu việc làm?

Giá xăng giảm sẽ có tác động tích cực lên nền kinh tế bởi kéo nhiều nhóm mặt hàng giảm theo - Ảnh: Hữu Khoa
Giá xăng giảm sẽ có tác động tích cực lên nền kinh tế bởi kéo nhiều nhóm mặt hàng giảm theo - Ảnh: Hữu Khoa

Giá dầu thế giới vẫn nằm ở mức thấp kỷ lục. Đã có một số ý kiến lo lắng ngân sách của VN sẽ bị ảnh hưởng và đề xuất tăng thuế nhập khẩu xăng hay cắt giảm sản lượng khai thác...

Tuy nhiên, một câu hỏi vẫn chưa có cơ quan nào trả lời thấu đáo là khi dầu giảm 1 USD, nền kinh tế sẽ tạo ra bao nhiêu việc làm, GDP tăng bao nhiêu?
Xăng trong nước chưa giảm theo thế giới
Chiều 18-12 trên thị trường châu Á, giá dầu hồi phục nhẹ với việc tăng 0,03 USD/thùng, tương đương 0,05%, lên mức 56,5 USD/thùng, theo số liệu từ Bloomberg. Riêng giá nhập khẩu xăng A92 từ Singapore về VN đang ở mức 64,79 USD/thùng, tương đương 8.657,41 đồng/lít.
Với mức giá nhập đó, cộng các khoản thuế, phí, giá cơ sở đang ở mức 18.000 đồng/lít. So sánh với giá bán lẻ hiện 19.930 đồng/lít, doanh nghiệp đầu mối đang lãi khoảng 1.930 đồng/lít.
Như vậy, tính từ lần giảm gần nhất hôm 6-12, giá cơ sở VN giảm được gần 10% trong khi giá bán lẻ vẫn giữ nguyên. Trong cùng thời gian, giá dầu thế giới giảm 14,19% và giá xăng nhập từ Singapore giảm gần 14%, theo Bloomberg.
Theo ông Đặng Văn Hoài - phó phòng kinh doanh xăng dầu Xí nghiệp bán lẻ xăng dầu Petrolimex 2, hiện thuế nhập khẩu xăng đang ở mức 27%, diesel ở mức 23%.
HỒNG QUÝ
Dưới đây là góc nhìn của GS.TS Trần Ngọc Thơ - trưởng khoa tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM.
Giải quyết bài toán giá xăng dầu giảm cần phải đặt trong bài toán tổng thể và dài hạn, chứ không nên loay hoay với các phương án trong ngắn hạn là tăng thuế nhập khẩu xăng dầu hoặc giảm khai thác dầu thô trong nước.
Với tình hình như hiện nay, giá dầu thế giới dự báo còn giảm nữa, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, nếu tăng thuế nhập khẩu xăng có khi lại dẫn đến một mối lo khác lớn hơn nhiều, tất cả gánh nặng lại trút lên vai người dân và nền kinh tế. Còn giảm khai thác dầu trong nước cho xuất khẩu là chuyện đương nhiên vì vấn đề cân bằng cung cầu xăng dầu chung trên toàn thế giới.
Khi đề xuất giải pháp tăng thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính chỉ mới thiên hoàn toàn về bù đắp thất thu ngân sách do giá xăng dầu xuất khẩu giảm.
Vừa qua, Bộ Tài chính đưa ra công luận thông tin nếu giá dầu bình quân trong năm giảm 1 USD sẽ làm thất thu ngân sách 1.000 tỉ đồng và từ đó như ngầm mặc định hướng đến giải pháp tăng thuế nhập khẩu xăng dầu với nhiều hệ lụy chung cho cả nền kinh tế, mặc dù có thể giải quyết nỗi đau tạm thời trước mắt.
Theo tôi, đáng lý ra thông tin quan trọng nhất mà Bộ Tài chính phải công bố là nếu 1 USD giá dầu giảm đi sẽ làm tăng trưởng bao nhiêu phần trăm GDP, giảm bao nhiêu phần trăm lạm phát và giảm bao nhiêu phần trăm thất nghiệp trong một vài năm sắp đến?
Nếu có được những thông tin này hoặc các tổ chức nghiên cứu có uy tín đưa ra, xem như giải pháp tăng thuế nhập khẩu xăng dầu hoàn toàn không khả thi do chỉ mới tính đến giải pháp trước mắt. Vì vậy, với các đề xuất vội vã chỉ hướng đến các mục tiêu ngắn hạn ngay trong lúc này cần phải được loại trừ bởi chỉ có thể giải quyết được nỗi đau trước mắt.
Để có thể truyền dẫn việc giảm giá xăng dầu trên thế giới và tạo ra tăng trưởng, giảm lạm phát và thất nghiệp, thì giá bán lẻ xăng dầu trong nước phải tiệm cận với giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, đây là điều mà các cơ quan chức năng chưa nói đến trong các giải pháp của mình.
Nếu giá xăng dầu trong nước vẫn còn được độc quyền bởi một số doanh nghiệp nhà nước và điều hành theo cách không minh bạch như bức xúc của dư luận trong thời gian qua, với việc giá xăng dầu trong nước chỉ giảm nhỏ giọt, sẽ khó có chuyện nền kinh tế được hưởng lợi chung mà ngược lại lợi ích từ việc giảm giá xăng dầu thế giới sẽ rơi vào “túi” một nhóm doanh nghiệp độc quyền.
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy giá xăng dầu chỉ truyền dẫn vào nền kinh tế để tạo ra tăng trưởng ổn định khi giá xăng dầu phải dựa trên cơ sở thị trường.
Tự do hóa thị trường xăng dầu cần phải được đặt ra ngay trong lúc này và thời điểm này chính là cơ hội tốt nhất khi giá xăng dầu thế giới giảm liên tục và còn có khả năng giảm tiếp. Như vậy điều kiện để giá xăng dầu truyền dẫn đem lại lợi ích tối đa nhất cho nền kinh tế là kết thúc độc quyền kinh doanh xăng dầu chứ không phải là bài toán tăng thuế.
Tất nhiên cũng sẽ có người đặt câu hỏi ngược lại, vậy nếu sau này giá xăng dầu tăng lên sẽ làm giảm tăng trưởng thì sao? Kết quả này là điều đương nhiên. Tuy nhiên, cần phải lưu ý là nếu giá xăng dầu thế giới trong tương lai có tăng rồi cũng sẽ giảm theo cơ chế thị trường.
Lúc bấy giờ doanh nghiệp và người dân sẽ dựa trên các thông tin tự do này để gia giảm kế hoạch kinh doanh của mình phù hợp với từng chu kỳ kinh tế và từng diễn biến của cú sốc giá xăng dầu thế giới.
Còn hiện tại giá xăng dầu trong nước lên xuống như thế nào trong tương lai hoàn toàn nằm trong chủ đích của các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp kinh doanh độc quyền, cách xa với giá xăng dầu thế giới, sẽ rất khó cho người dân và doanh nghiệp lên kế hoạch cho chính mình?
Ngay khi viết bài này, tình cờ một người nông dân ở Bến Tre đặt câu hỏi với tác giả: cách đây nhiều năm khi giá xăng dầu thế giới khoảng 80 USD/thùng, giá xăng trong nước trên dưới 10.000 đồng/lít, nay giá xăng thế giới giảm còn khoảng 55 USD/thùng thì đáng lý giá xăng trong nước cũng phải trở về với giá trước đây chứ?
Đây là câu hỏi khá hay xin chuyển đến các cơ quan chức năng để thấy giải quyết bài toán giá xăng dầu phải dựa trên những bức xúc của người dân và lợi ích toàn cục của nền kinh tế, chứ không chỉ cứ chăm chăm vào bài toán ngân sách và độc quyền.
Theo GS.TS TRẦN NGỌC THƠ 
Trưởng khoa tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM
Tuổi trẻ

Đồng rúp rớt giá, người Việt ở Nga khó làm ăn

Đăng Bởi  - 

dong rup rot gia, nguoi Viet o Nga
Người Việt ở Nga kinh doanh khó khăn khi đồng Rup trượt giá (ảnh Thời báo KTSG)

Với tình hình đồng rúp rớt giá ngày càng thê thảm, kinh tế Nga đang trên đà rơi vào khủng hoảng ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống của bà con người Việt ở Nga. 

Gian nan trăm bề
Giá đồng tiền Nga liên tục rớt mạnh trong thời gian gần đây, có những lúc xuống ngưỡng 80 Rup đổi 1 USD. Tuy nhiên, tính đến cuối ngày 17-2, giá đồng Rup có dấu hiệu phục hồi, 60 Rup đổi được 1 USD.  Sự phục hồi này được cho là bởi giá dầu tăng.
Mặc dù có dấu hiệu ngưng giảm nhưng  như vẫn chưa có tác động đến tình hình kinh tế nước này. Trong bối cảnh đó, không chỉ người dân, giới doanh nhân trong nước than trời vì khó khăn, các doanh nhân, người Việt ở Nga cũng cho biết việc làm ăn, buôn bán hiện đang rơi vào thảm cảnh.
Anh H.T.Dũng, một doanh nhân sinh sống và làm việc tại Nga hơn chục năm kể rằng gia đình anh đang rất khó khăn để bám trụ tại đây. Năm 1991, anh Dũng cùng vợ là chị Nguyễn Thị H.Lan (người ở Hải Dương), được sự động viên từ hai bên nội ngoại, anh Dũng bàn vợ vay vốn ngân hàng rồi qua Nga làm ăn. Thời gian đầu kinh tế khó khăn, chưa quen với cuộc sống xứ lạ, anh Dũng đi theo bạn bè bốc hàng thuê ở chợ Chim, chị Nga nhận chăm trẻ ở nhà cho gia đình người Việt. Hai năm sau, cuộc sống đi vào ổn định, hai vợ chồng anh Dũng tích cóp được chút tiền rồi chuyển sang kinh doanh quần áo mùa đông. Mỗi năm tích cóp cũng được chút tiền gửi về cho gia đình trả nợ.
Năm nay kinh tế khó khăn, đồng tiền mất giá, anh Dũng chật vật “cày” thêm công việc bên ngoài để có tiền gửi về cho ông bà nội ở Việt Nam. Thế nhưng, “kinh doanh ngày càng chậm, lời chưa thấy đâu mà đã thấy khoản lỗ phải bù rồi. Hơn chục năm sống ở đây, chưa bao giờ tôi thấy đồng tiền Nga mất giá như thế, cuộc sống người dân cũng khốn khó. Vợ chồng tôi không dám tiêu hoang, phải lập sổ chi tiêu tiết kiệm cho gia đình chứ nếu cứ đà này thì chắc về nước sớm quá” – anh Dũng lo lắng.
Theo số liệu thống kê của Ủy Ban Việt Kiều đầu năm 2006 cho biết, có khoảng 300.000 kiều bào sinh sống ở Nga và Đông Âu. 
Một người kinh doanh đề nghị không nêu tên ở Mátxcơva quan ngại: “Nhìn chung không chỉ người dân Việt tại Nga mà cả doanh nhân Nga, người Châu Âu ở Nga đều gặp khó khăn. Đi làm với hi vọng gửi tiền về nhà cho con cái ăn học nhưng năm nay chắc không có tiền gửi về nữa. Hi vọng kinh tế Nga nhanh chóng thoát ra khỏi vũng lầy càng sớm càng tốt”.
Chật vật làm thêm
Đồng rúp rớt giá khiến cuộc sống sinh viên Việt tại Nga cũng gặp nhiều trắc trở. Để kiếm thêm thu nhập phục vụ chi tiêu cuộc sống ở nước sở tại, nhiều du học sinh tranh thủ mua đồ công nghệ, máy ảnh gửi về Việt Nam bán với mục đích vừa kiếm thêm tiền tiêu, vừa tranh thủ "cõng" hàng rẻ về cho anh em, bạn bè, người thân.
Thanh Lê, sinh viên tại Nga tranh thủ làm thêm kiếm tiền tiêu chia sẻ trên mạng facebook của mình: “Khủng hoảng kinh tế Nga chưa bao giờ đẩy giá đồng rup xuống mạnh như thế vì vậy giá máy ảnh tính theo USD hiện tại rất có lợi cho anh em chơi ảnh. Vậy bác nào có nhu cầu có thể inbox order em ạ. Giấy tờ đảm bảo xuất sứ hàng. Ngoài body và lens em có thể nhận đặt hàng một số mặt hàng khác. Các bác nào có nhu cầu nhanh chân vì năm sau chính phủ Nga sẽ đẩy giá tất cả các mặt hàng…”.
dong rup rot gia, nguoi Viet o Nga
 Đồng Rup trượt giá nhiều sinh viên tranh thủ kinh doanh máy ảnh 
Trao đổi qua điện thoại với Một Thế Giới sáng ngày 18.12, ông Hoàng Văn M, một người kinh doanh hàng dệt may ở ngoại ô Matxcơva cho biết: “Tất cả mọi thứ đều có giá quá cao, trước đây tuần nào tôi cũng đưa vợ đi ăn nhà hàng và mua sắm một lần nhưng giờ không được như thế nữa. Kinh tế khó khăn, để có thêm tiền trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học, ngày vợ tôi đi bán hàng, tối về tranh thủ ban khăn, áo len bán lấy tiền. Hàng bán không được như trước nên sắp tới tôi cho hai nhân viên nghỉ việc. Cắt giảm chi tiêu càng nhiều càng tốt.”
An Nhiên

Những nhận xét đau lòng của HLV Miura về bóng đá VN

“Quy định làm việc ở LĐBĐ VN là 8 giờ 30 nhưng từ 8 giờ 30 đến 9 giờ mọi người mới đến chỗ làm. Còn từ 12 giờ đến 14 giờ là thời gian nghỉ trưa. Và 16 giờ 30 thì kết thúc công việc”.

Đăng Bởi  - 
Miura, bong da

Sau khi làm HLV đội tuyển Việt Nam, ông Toshiya Miura đã trả lời kênh truyền hình trả tiền Jsports (Nhật) và nói lên những cảm nhận của ông về Việt Nam và bóng đá Việt Nam.

Ông Toshiya Miura chưa có thời gian dài làm việc với bóng đá Việt Nam nhưng những gì ông trả lời độc quyền với đài truyền hình Nhật Jsports đã nói lên rất nhiều về sự khác biệt. 
Trước hết là sự khác biệt về văn hóa, trong đó có văn hóa trong cách làm việc và cả văn hóa bóng đá. Ông không đánh giá cao V-League khi xem đây là “giải đấu kinh khủng” bởi sự điều hành đấy không mang chút hình ảnh chuyên nghiệp như ở đất nước ông. Ông chưa đến nhiều sân bóng nhưng ông rất tinh khi nhìn bộ máy V-League vận hành mà lệ thuộc vào nhiều thứ cùng với hình thức đại khái. Ông không đồng tình với một giải đấu mà cầu thủ ít chạy bởi với ông bóng đá hiện đại thì phải chạy nhiều mới ra vấn đề.
Trong cuộc trao đổi trên, ông và các phóng viên truyền hình cùng ở trung tâm huấn luyện J-Green Sakai - nơi đội tuyển Việt Nam tập huấn chuẩn bị AFF Cup. Khi mà bóng đá Việt Nam hay nói là bóng đá Nhật có nét giống bóng đá Brazil thì ông lại đưa ra khái niệm khác.
Ông nói chính các cầu thủ Việt Nam mới đá giống như bóng đá Brazil và còn bị nhập theo nguyên tắc năm cầu thủ phòng ngự và năm cầu thủ tấn công. Chính vì vậy mà ông luôn phải nói “không” với thói quen các cầu thủ Việt Nam. 
Miura, bong da
Tác phong làm việc và giờ giấc làm việc mà giữa Việt Nam với Nhật có sự khác biệt lớn
Ông so sánh rằng ở Việt Nam cầu thủ tự ý cầm bóng di chuyển chầm chậm dựa trên kỹ thuật cá nhân và khác với ở Nhật thường thì chuyền nhanh chỉ sau 1-2 chạm và càng chuyền nhiều càng di chuyển nhiều thì sẽ ra nhiều vấn đề, nhiều khoảng trống và nhiều tình huống để xử lý.
Ông Miura cũng nhắc nhiều đến những vấn đề mà ông tưởng như đơn giản nhưng ở Việt Nam thì lại là cả một quá trình xử lý qua nhiều tầng lớp mà ông không giải thích nổi. Điều ông đề cập cũng giống với chuyện rất đơn giản là ông muốn cầu thủ sau trận đá thắng Philippines sẽ sớm có mặt ở Malaysia và bay thẳng từ Hà Nội sang. Thế nhưng điều đơn giản đấy phải chờ qua nhiều tầng giải quyết và cuối cùng là vừa bay trễ lại vừa phải bay vòng.
Ngoài ra còn một điều mà ông Miura khó chịu đó là tác phong làm việc và giờ giấc làm việc mà giữa Việt Nam với Nhật có sự khác biệt lớn. Điều này lại hoàn toàn mâu thuẫn với việc bóng đá Việt Nam muốn rất nhiều nhưng cách làm việc thì ông muốn chuyên nghiệp nhưng lại cứ phải thích nghi với chiều ngược lại.
Hợp đồng với HLV ngoại

“Tôi được biết VFF tìm HLV cho đội tuyển Việt Nam thông qua hãng Honda - doanh nghiệp tài trợ đội tuyển. Qua đó VFF ủng hộ những HLV người Nhật. Tuy nhiên, quá trình ký hợp đồng diễn ra rất khó khăn, xuất phát từ vấn đề tiền lương hoặc điều gì đó mà tôi không rõ”.

V-League là giải đấu kinh khủng

“V-League là giải đấu kinh khủng. Cầu thủ trên sân “không chịu chạy”. Việc điều hành giải đấu cũng qua loa. Cầu thủ phải ra sân lúc 17 giờ oi bức vì lệ thuộc vào khung thời gian phát sóng của đài truyền hình”.

Người Việt Nam và người Nhật


“Tôi từng so sánh đội tuyển Việt Nam với Nhật và thấy người Việt Nam có những điều mà người Nhật đã đánh mất đi ít nhiều. Người Việt Nam mải chơi hơn, trẻ con hơn người Nhật. Người Việt Nam ghét việc nặng nhọc, thường làm những việc thực sự vui vẻ”.

Giao thông và HLV đội tuyển

“Lái xe của tôi từng bị CSGT thổi năm lần do vi phạm nhưng khi anh lái xe xuống và nói: “Ông này là HLV đội tuyển Việt Nam” thì CSGT cũng cho qua.

Ở Việt Nam, xe máy lộn xộn nên tôi được khuyên là không nên đi lung tung.Tôi nghĩ làm HLV đội tuyển Việt Nam quả là đặc biệt thật!”.

Cái ghế của trợ lý

“Có trợ lý HLV nói với tôi là anh ta muốn cái ghế tốt hơn và tôi thầm nghĩ là nếu anh muốn cái ghế tốt hơn thì hãy làm việc đi”.

Bữa trưa ở Việt Nam

“Nếu bữa trưa của người Nhật là mua cơm hộp từ cửa hàng đồ ăn nhanh rồi ăn trong khoảng 15-20 phút thì ở Việt Nam thư thả hơn. Nhiều người uống bia trong bữa trưa và sau bữa trưa là thời gian ngủ trưa”.

Giờ giấc làm việc

“Quy định làm việc ở LĐBĐ VN là 8 giờ 30 nhưng từ 8 giờ 30 đến 9 giờ mọi người mới đến chỗ làm. Còn từ 12 giờ đến 14 giờ là thời gian nghỉ trưa. Và 16 giờ 30 thì kết thúc công việc”.
Nguyễn Huy
(Pháp luật TP.HCM)

Lớp học hở huếch đón rét của 5 cô trò


CHÙM ẢNH(1/12)
Phân trường Mỏ Nước nằm trên sườn núi với phòng học đơn sơ bằng gỗ ghép đã xuống cấp trầm trọng.

 - Phân trường Mỏ Nước thuộc trường Tiểu học số 2 Văn Lăng chỉ có một lớp học với 4 học sinh. 5 cô, trò vẫn ngày ngày dạy, học bất chấp gió rét, tai nạn rình rập trong phòng học đã hư hỏng trầm trọng.
Nằm trên địa phận xã Văn Lăng (Đồng Hỷ, Thái Nguyên), phân trường Mỏ Nước chỉ có duy nhất một lớp học. Bốn học sinh gồm 2 nam, 2 nữ đều là con em người H'Mông tại xóm Mỏ Nước. Tròn 24 tuổi, cô giáo Lường Thị Kim Oanh đã 3 năm liền dạy ở phân trường này, cô cũng là chủ nhiệm lớp 2D hiện nay tại phân trường Mỏ Nước. 
Nếu không có bảng viết, bàn ghế khó có thể hình dung căn nhà gỗ ghép trống huếch, xiêu vẹo này lại là phòng học của cô, trò phân trường Mỏ Nước. Đã nhiều năm qua, giáo viên cùng học sinh ở đây phải cắn răng dạy, học trong cái rét thấu xương của mùa đông vùng núi.
Trường học, học sinh, xiêu vẹo, gió rét
Phân trường Mỏ Nước nằm trên sườn núi với phòng học đơn sơ bằng gỗ ghép đã xuống cấp trầm trọng.
Trường học, học sinh, xiêu vẹo, gió rét
Vách, mái hỏng, vỡ trống huếch hoác không những không ngăn nổi gió rét mà còn có thể rơi, sập bất kỳ lúc nào.
Trường học, học sinh, xiêu vẹo, gió rét
Lớp 2D duy nhất của phân trường chỉ có 4 học sinh người H' Mông ở xóm Mỏ Nước.
Trường học, học sinh, xiêu vẹo, gió rét
Phòng học không thể che chắn được những cơn gió rét thấu xương vùng núi.
Trường học, học sinh, xiêu vẹo, gió rét
Chủ nhiệm lớp là cô giáo Lường Thị Kim Oanh. Đã 3 năm dạy ở phân trường Mỏ Nước, do con còn nhỏ, cô Oanh hàng ngày phải đi dạy bằng xe máy hơn 40 km đi, về trên đoạn đường toàn đá hộc dốc, đèo.
Trường học, học sinh, xiêu vẹo, gió rét
Dù cái lạnh miền núi như cắt da thịt nhưng cô, trò vẫn duy trì lớp học đều đặn suốt mùa đông.
Trường học, học sinh, xiêu vẹo, gió rét
Là một trong những thôn bản khó khăn nhất của tỉnh Thái Nguyên nên không phải em nhỏ nào cũng có được đôi tất chống rét.
Trường học, học sinh, xiêu vẹo, gió rét
Giờ ra chơi của học sinh phân trường Mỏ Nước.
Trường học, học sinh, xiêu vẹo, gió rét
Trò chơi yêu thích của những học trò H' Mông xóm Mỏ Nước.
Trường học, học sinh, xiêu vẹo, gió rét
Chiếc bàn học được kê nép vào bức vách gỗ còn tương đối nguyên vẹn không bớt được nhiều những cơn gió rét mùa đông.
Trường học, học sinh, xiêu vẹo, gió rét
Giờ học được bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa.
Trường học, học sinh, xiêu vẹo, gió rét
Cũng 11 giờ trưa, cô giáo oanh vượt đoạn đường hơn 20 km về nhà ở thị trấn Sông Cầu. Do toàn đường đất đá khó đi nên cô Oanh không nhớ đã ngã xe bao nhiều lần suốt 3 năm qua.
Lê Anh Dũng

Những sự cố hàng không nghiêm trọng tại VN năm 2014

Thao tác sai của cán bộ kỹ thuật làm sập nguồn điện tại Đài kiểm soát không lưu, điều hành không lưu thiếu quan sát khiến hai máy bay suýt đâm nhau... là những sự cố uy hiếp an toàn bay thời gian qua.
Năm 2014, hàng không Việt Nam đã xảy ra nhiều sự cố được xếp vào nhóm C (uy hiếp an toàn cao) và nhóm B (nghiêm trọng).
Rơi ốp bảo vệ
Ngày 26/3, máy bay A321 từ Đà Lạt (Lâm Đồng) hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM), bộ phận kỹ thuật tiến hành kiểm tra như thường lệ thì phát hiện ốp bảo vệ quạt làm mát phanh máy bay đã bị rơi. Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện chiếc ốp này ở sân bay Liên Khương. Nguyên nhân là do nhân viên bảo dưỡng không siết chặt ốc khiến ốp bảo vệ quạt bị rơi.
Mất liên lạc với không lưu
Ngày 14/5, máy bay Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay VN1601 từ TP HCM đi Buôn Ma Thuột. Chuẩn bị hạ cánh, tổ bay liên lạc với kiểm soát viên không lưu yêu cầu cung cấp thông tin thời tiết nhưng không thấy phản hồi. Máy bay đã phải bay vòng để chờ. 10 phút sau, tổ bay mới liên lạc được với kiểm soát viên không lưu sân bay để hạ cánh.
san-bay-1-7427-1419045306.jpg
Năm 2014, hàng không Việt Nam đã xảy ra 311 vụ sự cố với nhiều mức độ, tăng so với 182 vụ năm 2013. Ảnh minh họa: Xuân Hoa.
Vụ việc tương tự cũng xảy ra với máy bay Jetstar Pacific khi tiếp cận sân bay Vinh ngày 23/7, tổ lái đã liên lạc với kiểm soát không lưu nhiều lần trên tần số khẩn nguy nhưng không thấy trả lời. Vì vậy, phi công phải bay lên rồi vòng lại để tiếp cận hạ cánh lần 2. Nguyên nhân là kiểm soát viên không lưu thao tác sai khiến tín hiệu mất liên lạc một chiều.
Hạ cánh nhầm sân bay
Sự cố vận chuyển khách đến nhầm sân bay được coi là hy hữu, lần đầu tiên xảy ra với hàng không Việt Nam. Thay vì đến Đà Lạt, hãng Vietjet Air đã vận chuyển toàn bộ hành khách, hành lý, hàng hoá đến sân bay Cam Ranh, gây lo lắng cho hàng trăm hành khách. Nguyên nhân do tổ bay, tổ tiếp viên, nhân viên điều phối của Vietjet Air và cơ sở thủ tục thuộc Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài đã không thực hiện đúng quy trình khai thác bay.
Nguy cơ va chạm
Kiểm soát viên không lưu đã cấp huấn lệnh bay sai tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng ngày 27/6 cũng gây nên sự cố nghiêm trọng. Không quan sát đường băng, kiểm soát viên đã cho phép máy bay của Jetstar Pacific cất cánh trong khi máy bay của Vietnam Airlines chưa thoát ly khỏi đường băng, khiến hai máy bay có thể gặp nguy hiểm.
Vụ việc khác được xếp vào nhóm B là nguy cơ va chạm giữa chuyến bay VN1376 của hãng Vietnam Airlines và trực thăng quân sự ngày 29/10. Nguyên nhân được cho là do chuyên viên kiểm soát không lưu mắc lỗi. Cục Hàng không cùng cơ quan quân sự đã lập tổ điều tra và đưa ra giải pháp phối hợp điều hành giữa hàng không dân dụng với hoạt động bay quân sự.
Tình trạng trâu bò đi vào đường băng vẫn tiếp diễn như các năm trước, cũng là nguy cơ mất an toàn bay. Ngày 5/11, máy bay VN-A692 từ Đà Nẵng đi Hà Nội trong quá trình lăn ra đường băng, tổ bay đã phát hiện một con bò trên đường cất hạ cánh. Sau khi đuổi bò, máy bay cất cánh an toàn. Cục Hàng không đã đề nghị Quân chủng Phòng không Không quân chỉ đạo xử lý triệt để việc nuôi thả gia súc trong khu vực cảng hàng không.
Sân bay tê liệt vì mất điện
Vụ việc Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (AACC HCM) bị mất điện được coi là lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam. Nguyên nhân được cho là do kíp trưởng thao tác sai quy định khiến sập nguồn điện gây mất điện cung cấp cho hệ thống thiết bị điều hành bay. Sự cố này khiến AACC Hồ Chí Minh mất năng lực cung cấp dịch vụ điều hành bay làm ảnh hưởng đến 92 chuyến bay trong khoảng 30 phút.
Sự cố kỹ thuật máy bay
Điển hình là vụ máy bay Vietnam Airlines hỏng động cơ khi vừa cất cánh ở sân bay Melboune (Australia) vào tháng 5, được xếp vào sự cố nghiêm trọng nhóm B. Gần nhất vào tối 16/12,  máy bay Vietnam Airlines từ TP HCM đi Vinh đã phải đổi hướng đến  sân bay Nội Bài (Hà Nội) do áp suất trong khoang giảm đột ngột, khiến máy bay đột ngột giảm độ cao, gây lo lắng cho nhiều hành khách trên máy bay.
Theo Cục Hàng không, năm 2014, đã xảy ra 311 vụ sự cố với nhiều mức độ, tăng 129 vụ so với năm 2013. Số lượng sự cố tăng tập trung chủ yếu ở mức độ uy hiếp an toàn mức D. Trong đó, nguyên nhân do hỏng hóc kỹ thuật là 143 vụ (năm 2013 có 83 vụ), do hành khách là 27 vụ (năm 2013 là 3 vụ).
Một trong những nguyên nhân khách quan gây nhiều sự cố là do sự gia tăng của số lượng tàu bay (tăng 10,8%), giờ bay (tăng 21%)và chuyến bay (tăng 12%) của các hãng hàng không so với năm 2013.
Đoàn Loan

Quan Trung Quốc chống tham nhũng bị điều tra tham nhũng

Một quan chức cấp cao Trung Quốc từng lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập đang bị điều tra vì nghi liên quan đến hành vi tham nhũng.
20141221-wangmin-ANN-0-2686-1419175942.j
Ông Vương Mẫn, Bí thư thành ủy Tế Nam, đang bị điều tra tham nhũng. Ảnh: Weibo
Vương Mẫn, 58 tuổi, Bí thư thành ủy Tế Nam, đang bị điều tra vì nghi ngờ "vi phạm nghiêm trọng pháp luật và kỷ luật", cụm từ thường dùng để ám chỉ hành vi tham nhũng, Reuters dẫn thông báo từ cơ quan giám sát của đảng Cộng sản Trung Quốc đêm 18/12 cho biết. Tế Nam, cách Bắc Kinh 300 km về phía nam, là thủ phủ của tỉnh Sơn Đông.
Tờ Thanh niên Nhật báo Bắc Kinh sáng ngày 18/12 còn đưa tin ông Vương lên tiếng ủng hộ chiến dịch làm thanh sạch bộ máy chính quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thậm chí, trong tháng vừa qua, Vương còn dẫn đầu một phái đoàn quan chức Trung Quốc đi thị sát một số cơ quan của Chính phủ để theo dõi xem liệu những đơn vị này có tuân thủ đúng chủ trương chống tham nhũng của Chủ tịch Tập hay không.
Ông Vương là nhân vật cấp cao nhất của Sơn Đông đến nay phải đối mặt với cuộc điều tra tham nhũng. Tỉnh ven biển này là nơi nhiều nhà máy và công ty có vốn đầu tư nước ngoài đặt trụ sở.
Từ khi nắm quyền điều hành đất nước, Chủ tịch Tập luôn đề cao công cuộc chống tham nhũng và cải thiện hệ thống pháp luật của đất nước nhằm củng cố niềm tin của nhân dân vào đảng.
Ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên thường trực Bộ Chính trị, một trong những nhân vật quyền lực nhất Trung Quốc, hồi đầu tháng cũng chính thức bị bắt giữ và chuyển sang cơ quan tư pháp để tiến hành điều tra với nhiều tội danh trong đó có án tham nhũng.
Vũ Hoàng