Trang

1 tháng 12, 2014

Giá dầu thô giảm mạnh: Việt Nam gặp khó "hụt nguồn thu"?

(Tài chính) - Giá dầu trên thế giới đã liên tiếp giảm trong những ngày qua mà theo giới chuyên môn cảnh báo điều này ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

Phân tích trên tờ Thanh niên, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhận định giá dầu thế giới sẽ còn tiếp tục giảm do nguồn cung và cả các vấn đề liên quan đến chính trị.
Hiện tại, giá dầu trên thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, tương đương với mức giảm 30% so với trước. Việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách vì kim ngạch xuất khẩu (XK) của cả nước sẽ giảm.
"Theo tính toán của chúng tôi, XK dầu thô đạt giá 100 USD/thùng mới cân đối được xuất - nhập. Vì nguồn thu từ XK dầu thô giảm sẽ khiến ngân sách nước ta giảm và bội chi ngân sách tăng lên. Hiện nay, XK dầu thô đóng góp khoảng 10% ngân sách VN”, TS Long nói.
TS Hoàng Thọ Xuân, chuyên gia thương mại, cũng cho rằng nền kinh tế VN sẽ thiệt nhiều hơn là lợi từ việc giá dầu thế giới giảm. Trong đó, quan trọng là VN luôn cần nguồn ngoại tệ để bù đắp cho các khoản thâm hụt thương mại, nên việc nguồn thu từ XK dầu thô giảm sẽ tác động lớn đến cân đối ngoại tệ.
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần tìm cách giảm phụ thuộc của nền kinh tế vào dầu thô
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần tìm cách giảm phụ thuộc của nền kinh tế vào dầu thô
Hiện nay, tỷ trọng XK dầu thô trong tổng kim ngạch XK của VN vẫn còn rất lớn và đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra, VN cũng đang gia nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nên việc giá dầu giảm có thể sẽ kéo theo giảm phát, khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại, tiêu dùng cũng suy giảm và chúng ta sẽ chịu các tác động từ tăng trưởng toàn cầu này, nhất là XK hàng hóa.
Thực tế giá dầu thô liên tiếp giảm từ cuối tháng 8 đến nay, song tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13 Quốc hội đã thông qua dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên cơ sở dự báo giá dầu thô năm 2015 ở mức 100 đô la/thùng.
Theo đó, tổng thu cân đối NSNN là 921.100 tỉ đồng, bao gồm cả thu chuyển nguồn từ năm 2014 sang 10.000 tỉ đồng. Trong số này tổng số chi cân đối ngân sách là 1,147 triệu tỉ đồng. Tính ra mức bội chi năm tới là 226.000 tỉ đồng, tương đương 5% GDP.
Các cân đối ngân sách này được thông qua dựa trên mức tính toán thu nội địa năm nay (bao gồm cả thu từ dầu thô) sẽ tăng 13,4%, với mức giá dầu thô dự toán là 100 đô la Mỹ/thùng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Dự báo của các tổ chức tài chính lớn trên thế giới cho rằng giá dầu thô năm 2015 chỉ xoay quanh khoảng 85-90 đô/thùng nên rủi ro về giảm giá dầu tác động đến giảm thu ngân sách là khá lớn.
Trên thực tế tại Việt Nam 10% GDP là nguồn thu từ dầu thô. Theo đó ông Hiển cho rằng, nếu giá dầu giảm theo dự báo của các tổ chức tài chính thế giới thì ngân sách sẽ hụt thu từ 10.000 đến 14.500 tỉ đồng so với mức dự toán thu nêu trên.
Nhật ký tư vấn của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, việc giữ dự toán thu từ dầu thô trong năm 2015 ở mức 100 USD/thùng là không khả thi bởi giá dầu thô thế giới vẫn đang trong xu hướng giảm và hiện một số quốc gia khác trong OPEC như Nigeria hay Iraq đều giảm mức dự toán giá dầu cho thu ngân sách năm 2015 về lần lượt là 73 USD/thùng và 80 USD/thùng.
Theo đó giới chuyên môn cho rằng cơ quan chức năng cần vào cuộc nghiên cứu, nhằm có những điều chỉnh chính sách kịp thời, bởi giá dầu thế giới dự báo sẽ còn tiếp tục giảm.
Phương Nguyên (Tổng hợp)

'Hậu duệ, quan hệ' và những người 'không ở đâu'

Đáng tiếc, với cái nhìn chung của xã hội chúng ta hiện nay, những người "không ở đâu cả" đó hoàn toàn không dễ sống.

Nỗi ám ảnh làm 'ở đâu đó'
Thời đại học, tôi học một trường thuộc loại quý tộc của thành phố, tỉ lệ sinh viên "nhà có điều kiện" chiếm đa số, và đặc thù ngành học là ngành ra trường cần có quan hệ, có "thế". Nhiều bạn sau này cũng có những vị trí tốt trong hệ thống cơ quan Nhà nước. Cá biệt cũng có những bạn cố phấn đấu thi bằng được vào cơ quan Nhà nước để kiếm suất đi học nước ngoài, nhưng khi về nước lại... "chuồn" ra làm ngoài cho lương cao.
Ngày hội trường, không thiếu những "cái bụng" bệ vệ, những mái tóc chải bóng mượt, những chiếc sơmi hàng hiệu viền vàng ở góc cổ áo và hàng khuy, đôi cài măngsét cũng vàng thật... Thêm cái chìa khóa điều khiển Mercedes, BMW đeo lủng lẳng ở thắt lưng là "đủ bộ". Và câu cửa miệng của họ là "Bây giờ làm ở đâu?", còn câu giới thiệu thì bao giờ cũng là "tổng nọ, vụ kia, thứ chỗ nọ, trợ chỗ kia..."
Từ những cuộc hội ngộ và trải nghiệm khác, tôi thường mang máng một suy nghĩ, là dường như cái mong mỏi phải có một chỗ "ở đâu đó" là ám ảnh thường trực với người Việt.
Chẳng hạn, một trong những mối lo của các ông bố bà mẹ hiện nay khi có con đi học, từ bé đến lớn, là "lo" cho con sau này "phải vào làm ở đâu đó", mà cái "đâu đó" với rất nhiều người được mặc định là "trong Nhà nước"! Nó dường như là nỗi lo xuyên suốt, từ lúc các bậc phụ huynh đẩy đổ cổng trường tiểu học cho đến khi qua các mốc THCS, THPT và đại học.
Bản thân người viết từng biết và nghe không hiếm các trường hợp "chạy" vào một vị trí nào đó trong cơ quan Nhà nước, nhất là các sở ban ngành ở các địa phương, tốn kém lên đến hàng trăm triệu đồng. Các viên chức đó, chấp nhận làm việc với một mức lương thực sự khiêm tốn với mức sống của xã hội hiện nay. Nếu chú ý một chút, chúng ta sẽ thấy phần lớn các vị trí công việc này nhìn chung không hứa hẹn mấy bổng lộc.
Với những trường hợp đó, thường là những người đã có điều kiện kinh tế gia đình khá giả, chuyện đồng lương với họ không thành vấn đề. Cái họ cần, là việc phải có được một chỗ làm "ở đâu đó" - mà tuyệt vời nhất là cơ quan Nhà nước, tiếp đến là các DNNN.
Một suy nghĩ khá phổ biến khác coi học hành là con đường tiến thân duy nhất, mà ở đây là học để ra làm quan cho "cả họ được nhờ", ăn rễ quá sâu trong xã hội ta nói chung. Mà muốn làm quan, thì chỉ có đi làm trong cơ quan Nhà nước.
hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, con cháu các cụ, sân bay Tân Sơn Nhất, sự cố mất điện, công chức, cơ quan nhà nước, cơ quan công quyền, DNNN, biên chế, lương, bổng lộc
Ảnh minh họa
Chúng ta không bài xích việc làm việc trong cơ quan Nhà nước hay tư nhân, hay buộc phải tôn vinh những người làm việc tự do.
Nhưng ngẫm lại, nhiều người trong chúng ta dường như vẫn thích dựa dẫm vào một chỗ nào đó, để vừa tự ru mình, vừa đem lại cái oai oách với người xung quanh. Cũng vì đã quá lâu chúng ta quen dựa dẫm và ỷ lại sự bao bọc từ một ai đó, bé là bố mẹ và lớn là cơ quan, là Nhà nước.
Vì thế nên mới có chuyện đem vài trăm triệu để "chạy" vào một chỗ làm trong DNNN, mà không nhớ ra rằng lâu nay nơi đây không còn là Nhà nước như trước nữa. Nghĩa là không có "biên chế", tất cả tuyển dụng thông qua hợp đồng lao động, hoàn toàn có thể chấm dứt bất cứ lúc nào theo luật lao động.
Thời điểm những năm 2010 này, chúng ta hiểu rằng Nhà nước không thể bao bọc được mãi một lượng công chức lớn như thế, thì chúng ta vẫn cố gắng ỷ lại vào danh tiếng "làm quan" cho nó oai. Điều đó đồng nghĩa với việc, vốn có truyền thống giỏi xoay sở đặc thù của người Việt, chúng ta kiếm tiền bằng những cách "phi lương bổng". Nhưng một bộ máy mà đang phải đối mặt với sức ép giảm biên chế, thì liệu oai với ai được?
Những người "không ở đâu cả"
Vài ngày nay nổi lên câu chuyện đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất bị mất điện. Sau phân tích của chuyên gia, người ta đang đặt câu hỏi liệu sự cố không phải do hệ thống lưu điện (UPS) trục trặc, mà chính là do yếu tố con người. Bộ trưởng GTVT đã phát biểu sẽ không có "vùng cấm" trong xử lý nếu có cán bộ vi phạm. Nhưng làm thế nào để ngoài những người vi phạm, còn kiểm tra được năng lực các nhân viên đã và đang làm việc lâu nay, khi mà ngay cả người từng có chức vị ở đó, cũng thừa nhận hiện tượng "con ông cháu cha"?
Còn mới đây, Đại biểu Quốc hội Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đã chỉ ra tình trạng chạy chức, chạy việc ngày càng lộ diện rõ hơn và có nơi còn như công khai "nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ". Và đáng buồn, tiêu chí "trí tuệ" được xếp cuối cùng.
Người viết bài này có một số bạn người Mỹ, họ nói: người Mỹ rất coi trọng những người làm việc độc lập: nhà nghiên cứu độc lập, luật sư tự do, người làm việc tự do (freelancer)... Vì những người như thế người ta đủ tài năng để không cần dựa dẫm vào ai. Họ cũng coi trọng chủ doanh nghiệp, vì đó là lực lượng tạo ra công ăn việc làm đem lại sự thịnh vượng cho XH.
Quay trở lại VN, nếu như chúng ta gọi những người đang lao động trong cơ quan Nhà nước, DNNN hoặc kể cả doanh nghiệp tư nhân là "những người đang làm việc ở đâu đó", thì những người làm việc tự do phải chăng cần gọi là những người làm việc "không ở đâu cả"?
Đáng tiếc, với cái nhìn chung của xã hội chúng ta hiện nay, những người "không ở đâu cả" đó hoàn toàn không dễ sống. Cửa ải đầu tiên chính là sức ép của người thân, gia đình, họ hàng... mọi người khó có thể tưởng tượng ra có thể có một người nào đó có thể thành công hay thành đạt được, với cái công việc "không ở đâu cả" đó. Còn rào cản từ tâm lý, cơ chế chung của xã hội thì như người viết đã chỉ ra ở trên.
Nhưng xã hội và cả thế giới vẫn đang vận động và phát triển, muốn hay không thì vẫn có những người thích tự do và những người muốn bám vào "một chỗ nào đó ổn định". Do vậy cũng có quá nhiều lý do mà người ta đang rời bỏ cơ quan Nhà nước, cũng như những lý do để "phải vào bằng được cơ quan Nhà nước" - cả hai dòng lý do đều có sức nặng như nhau. Và chừng nào tư duy dựa dẫm còn tồn tại nó vẫn sẽ là "mảnh đất" tốt cho sự ì trệ, chậm tiến sinh sôi, nảy nở!

Bầu Kiên khẳng định chỉ kinh doanh trạng thái giá vàng

TTO - Bầu Kiên khẳng định không kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài mà chỉ kinh doanh trạng thái giá vàng. 
Bầu Kiên tại tòa sáng 1-12 - Ảnh: T. Lụa chụp màn hình
Sáng 1-12, ngày thứ 2 phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Đức Kiên (Nguyên phó chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB) và các đồng phạm, hội đồng xét xử tiến hành xét hỏi các bị cáo. Nhóm tội kinh doanh trái phép được tòa thẩm vấn đầu tiên.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tiếp tục bị cách ly khi tòa xét hỏi người liên quan và các bị cáo khác.
Khẳng định không kinh doanh trái phép
Bản án sơ thẩm xác định từ tháng 5-2007 đến tháng 8-2012, Nguyễn Đức Kiên đã lập 6 công ty do Nguyễn Đức Kiên làm chủ tịch HĐQT/Hội đồng thành viên để kinh doanh tài chính và kinh doanh vàng trạng thái trái phép với tổng số tiền lên tới hơn 21.490 tỉ đồng.
Việc phát hành trái phiếu của các công ty do Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo để bán cho một số Ngân hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có sự giúp sức tích cực của một số cá nhân thuộc ngân hàng ACB, ngân hàng Vietbank nên đã quyết định khởi tố vụ án hình sự tại ngân hàng ACB và ngân hàng Vietbank.
Trả lời tòa, bị cáo Nguyễn Đức Kiên tiếp tục bác bỏ các nhận định của bản án sơ thẩm về hành vi kinh doanh trái phép. Bầu Kiên cho biết đã viết đơn kiến nghị dài 118 trang về nội dung vụ án để gửi TAND tối cao.
Theo ông Kiên, 5 công ty của ông được thành lập đúng quy định và đã được cấp phép. 5 công ty này đã góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp khác. Việc góp vốn là quyết định của tập thể HĐQT.
Sau khi ông Kiên bị bắt, HĐQT bán đã bán cổ phần cho các doanh nghiệp khác để trả nợ và các doanh nghiệp này đã mua lại bình thường.
Ông Kiên cho biết các doanh nghiệp được 5 công ty này góp vốn vẫn đang hoạt động bình thường.
"5 công ty thành lập đúng pháp luật. Tòa sơ thẩm cho rằng 5 công ty thành lập để phát hành trái phiếu, đầu tư chéo là sai. Tôi khẳng định không có bất cứ một khoản đầu tư chéo nào. Tất cả các công ty được tôi thành lập ngay từ đầu, không tạo ra sự mâu thuẫn. Các công ty đang hoạt động tốt, có vốn của các cổ đông, tiền mặt do các cổ đông góp vốn vào, không phải công ty “ma”. Đề nghị tuyên tôi không phạm tội kinh doanh trái phép”- lời bị cáo Nguyễn Đức Kiên.
“Chỉ kinh doanh trạng thái giá vàng”
Về hành vi kinh doanh vàng trái phép, bản án sơ thẩm thể hiện Công ty Thiên Nam (do Bầu Kiên thành lập) đã ký thỏa thuận với Ngân hàng Vietbank về việc Công ty Thiên Nam nhận chuyển giao, kế thừa và tiếp tục thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa Vietbank với Ngân hàng ACB.
Theo thỏa thuận, Công ty Thiên Nam tiếp nhận toàn bộ trạng thái kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ VN.
Thực hiện thỏa thuận trên đây, HĐQT Công ty Thiên Nam đã ủy quyền cho Nguyễn Đức Kiên đặt các lệnh mua bán vàng ở tài khoản nước ngoài.
Từ 30-3-2010, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đóng trạng thái giao dịch vàng trên tài khoản nước ngoài.
Sau khi tất toán vàng trên tài khoản nước ngoài, Công ty Thiên Nam bị lỗ hơn 403 tỉ đồng. Ngân hàng ACB phải ứng tiền để thanh toán cho đối tác nước ngoài khoản lỗ kinh doanh trên đây và ghi nợ phải thu của Công ty Thiên Nam.
Về việc Công ty Thiên Nam có được phép kinh doanh vàng hay không, Bầu Kiên lập luận rằng Công ty Thiên Nam được phép kinh doanh hàng hóa, vàng là hàng hóa (Theo nghị định 159) và Công ty Thiên Nam được phép kinh doanh vàng.
Trình bày trước tòa, Bầu Kiên cho rằng thời điểm năm 2009, năm 2010, hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài được điều chỉnh bởi 3 văn bản là Pháp lệnh ngoại hối, Nghị định 174/1999 của Chính phủ và thông tư 1168 của Ngân hàng nhà nước. Ngoài ra có quyết định 03/2006 của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Kiên khẳng định Công ty Thiên Nam không kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài mà kinh doanh trạng thái giá vàng. Việc kinh doanh trạng thái giá vàng không được quy định trong các văn bản pháp luật nên không bị điều chỉnh bởi các văn bản trên. 
Cũng theo ông Kiên, từ khi ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với ACB, Công ty Thiên Nam chưa thực hiện thanh toán nào, không có vàng, tiền được chuyển giao.
“Chúng tôi đã nỗ lực để việc giao dịch có lãi nhưng vẫn là số âm, chưa tiến tới số 0. Việc kinh doanh với trạng thái âm thì không phù hợp với việc kinh doanh trái phép”- ông Kiên nói.
Ông Kiên khẳng định sau khi ký hợp đồng với ACB, Công ty Thiên Nam ủy quyền cho ông Kiên là người thông báo lệnh, hạn mức giao dịch đến Ngân hàng ACB qua hệ thống điện thoại ghi âm. Lý do vì hệ thống điện thoại ghi âm của ACB không nhận giọng nói của ông Lê Quang Trung, Tổng giám đốc Công ty Thiên Nam.
“Khi công ty Thiên Nam muốn giao dịch mua bán vàng, ông Trung lập phiếu lệnh gửi cho bị cáo, bị cáo đặt lệnh đến ACB qua hệ thống ghi âm. Sau đó các phiếu lệnh này được gửi đến ACB. Nếu không có các phiếu lệnh khớp thì lệnh đặt bằng điện thoại của tôi không thực hiện được” - ông Kiên khai.
Thiếu quy định
Theo bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên tổng giám đốc ACB), việc kinh doanh vàng trạng thái giữa công ty Thiên Nam và ACB là sản phẩm tài chính phái sinh của kinh doanh vàng.
Trả lời câu hỏi của tòa “kinh doanh giá vàng và kinh doanh vàng trạng thái có khác không”, bị cáo Hải cho biết nội dung trên chỉ khác nhau tên chứ không khác nhau về bản chất, bản chất là kinh doanh trên biến động của giá vàng.
“Tôi giải thích hơi khiên cưỡng một chút, ở đây không nói về khái niệm hợp pháp hay không hợp pháp. Như lô đề là sản phẩm phái sinh từ xổ số, nhưng không phải là xổ số, không chịu sự quản lý của Nhà nước như xổ số.
Cá độ bóng đá là sản phẩm phái sinh từ bóng đá, nhưng không phải là bóng đá. Nếu kinh doanh giá vàng, khách hàng chỉ quan tâm đến biến động của giá vàng, còn họ không quan tâm giá vàng đó là bao nhiêu”- bị cáo Hải cho biết.
Theo bị cáo Hải, ACB kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài. Khi ACB giao dịch với công ty Thiên Nam. ACB đặt lệnh mua vàng ở nước ngoài theo đặt hàng của Thiên Nam và khi về VN, ACB được hưởng chênh lệch giá.
“Nếu Thiên Nam muốn mua vàng thì ACB mua, Thiên Nam muốn bán thì chúng tôi bán cho Thiên Nam. Rủi ro ở nước ngoài và với Công ty Thiên Nam là chúng tôi chịu”- lời bị cáo Hải.
Trả lời tòa “Công ty Thiên Nam kinh doanh giá vàng có cần được cấp giấy phép không”, bị cáo Hải đáp: “Thời điểm kí hợp đồng, sản phẩm phái sinh chưa quy định nên không đòi hỏi giấy phép gì đặc biệt”.
“Kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài năm 2009, 2010 được điều chỉnh bởi văn bản pháp luật nào của Nhà Nước?”, trả lời câu hỏi này của tòa, ông Đặng Văn Thảo, Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Việc kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài được điều chỉnh theo quyết định 03/2006 và nghị định 174/1999. Ngoài ra không có quy định nào khác.”
Tòa hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần: “Việc ACB và Công ty Thiên Nam có hợp đồng giao dịch trạng thái vàng trên tài khoản nước ngoài, có văn bản nào điều chỉnh”, ông Thảo nói:  “Tôi cho đó là hợp đồng dân sự giữa ACB và Thiên Nam, còn về quản lý nhà nước, như tôi đã nói ở phiên sơ thẩm, chỉ có hai văn bản điều chỉnh như đã nêu trên, ngoài ra không có văn bản nào nào khác”
Tòa: “ACB và Thiên Nam có phải tuân thủ quyết định 03 không”? Ông Thảo cho biết:  “Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng theo quyết định 03. Việc kinh doanh trạng thái giá vàng chưa có quy định, không có văn bản nào điều chỉnh”.
Ông Trần Ngọc Thanh vẫn tiếp tục nằm viện
Khi được tòa hỏi về sức khỏe ông Trần Ngọc Thanh (nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội), cảnh sát dẫn giải cho biết ông Trần Ngọc Thanh vẫn đang nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai nên không thể đến tòa. Tòa cho biết nếu cần sẽ công bố các lời khai của ông Thanh tại cơ quan điều tra.
Trước đó, tại phiên tòa chiều 28-11, ông Trần Ngọc Thanh bị ngất xỉu, phải đưa đi cấp cứu. 
TÂM LỤA

Ukraine quyết gia nhập NATO

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nhắc lại nguyện vọng của nước này sẽ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong khi một số thành viên chủ chốt của liên minh lo ngại điều này có thể gây thêm căng thẳng.
po2-6912-1417406785.jpg
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Ảnh: EPA
Trả lời phỏng vấn kênh ARD của Đức hôm qua, ông Poroshenko nói dù Ukraine cần cải cách trước khi trở thành thành viên của NATO nhưng đó là nguyện vọng thực sự của nước này, là một phần của mục tiêu lớn hơn "trở lại gia đình châu Âu".
Tổng thống Ukraine cáo buộc Nga đang bắt đầu một cuộc chiến thực sự khi "đưa quân xâm nhập lãnh thổ Ukraine". Moscow luôn phủ nhận cáo buộc này.
Ông Poroshenko cũng kêu gọi Tổng thống Nga Putin dùng ảnh hưởng để xuống thang căng thẳng ở miền đông. Nếu "lính Nga rời đi, hòa bình sẽ trở lại chỉ trong hai hoặc ba tuần", Tổng thống Ukraine nói.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier lên tiếng phản đối ý định gia nhập NATO của Ukraine, lo ngại việc này chỉ "thổi bùng thêm căng thẳng" với Nga trong khi xung đột ở miền đông chưa có lối thoát.
Từ khi cuộc khủng hoảng chính trị của Ukraine bùng phát thành bạo lực từ đầu năm nay, Moscow nhiều lần lên tiếng cảnh báo việc Kiev gia nhập NATO sẽ làm hỏng nỗ lực đối thoại với Nga.
Hơn 100 chiếc xe cứu trợ của Nga hôm qua đến Donetsk, vùng miền đông Ukraine hiện do phe ly khai kiểm soát. Đây là đoàn xe thứ 8 của Nga đến miền đông Ukraine kể từ giữa tháng 8. Ông Poroshenko cáo buộc các đoàn xe này mang theo vũ khí để cung cấp cho lực lượng ly khai. Tuy nhiên, Nga khẳng định đoàn xe cứu trợ của họ chở hàng hóa chủ yếu là vật liệu xây dựng, thực phẩm và đồ dùng hỗ trợ cuộc sống của người dân.
Khánh Lynh

30 tháng 11, 2014

VN kí nhập 20 triệu tấn than/năm: Lời nguyền ứng nghiệm

(Doanh nghiệp) - Nhập khẩu than để bù đắp cho sự mất cân đối lớn giữa năng lực sản xuất với nhu cầu là điều không thể tránh khỏi.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, đến nay, Vinacomin đã ký 10 Biên bản ghi nhớ, 1 Hợp đồng nguyên tắc với một số công ty than của Indonesia, Australia; Công ty Sojitz, Marubeni, Sumitomo của Nhật Bản và 1 Thoả thuận cung cấp than dài hạn với Công ty ASPECT Resources của Australia với tổng khối lượng than đã ký kết khoảng trên 20 triệu tấn/năm.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đã ký được 4 Hợp đồng khung về cung cấp than với các đối tác Ensham Coal Sales và Peabody của Australia, Tuah Turangga Agung của Inđônêxia, Sojitz Corporation của Nhật Bản và 1 Biên bản ghi nhớ với Noble Group của Indonesia với tổng khối lượng than đã ký khoảng 10 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện của PVN.
Dự báo nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam năm 2030 khoảng 135 triệu tấn.
Dự báo nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam năm 2030 khoảng 135 triệu tấn.
Theo Quy hoạch điện VII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030), nguồn nhiệt điện than chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn điện của Việt Nam, vì vậy trong thời gian tới, nhu cầu than cho phát điện ngày càng cao trong khi đó sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu.
Như vậy, nhập khẩu than để bù đắp cho sự mất cân đối lớn giữa năng lực sản xuất với nhu cầu là điều không thể tránh khỏi.
Bộ Công Thương dự báo từ năm 2016, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than phục vụ các hộ tiêu thụ trong nước, đặc biệt là cho sản xuất điện với khối lượng dự kiến như sau: năm 2016 khoảng 3-4 triệu tấn; năm 2020 khoảng 35 triệu tấn; năm 2025 khoảng 80 triệu tấn, năm 2030 khoảng 135 triệu tấn.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu than dài hạn với khối lượng lớn là vô cùng khó khăn. Theo nhiều chuyên gia, nguồn nhập khẩu than là chưa đảm bảo.
Hiện có 4 nguồn mà Việt Nam có thể nhập khẩu than gồm: Indonesia, Australia, Nga, Nam Phi. Hai đối tác Australia và Indonesia có tính khả thi cao hơn, đây cũng là hai nhà cung cấp than chủ chốt cho các nền kinh tế lớn ở châu Á.
Trước đó, 41.500 tấn than vừa cập cảng Hòn Nét (Quảng Ninh). Đây là mẻ than đầu tiên Vinacomin nhập khẩu thí điểm từ Liên bang Nga và sẽ là bước đệm cho kế hoạch nhập than phục vụ nhu cầu trong nước thời gian tới.
Đáng nói, mặc dù nhu cầu than vẫn đang gia tăng, dự kiến đến năm 2020, sẽ phải nhập khẩu cả triệu tấn, nhưng song hành với việc nhập khẩu, ngành than vẫn đang làm một điều nghịch lý: Xuất khẩu than với số lượng không hề nhỏ.
Ồ ạt xuất khẩu
Việt Nam được coi là "mỏ vàng đen” của châu Á và Đông Nam Á, với trữ lượng hiện nay còn khoảng tương đương 3,5 tỷ tấn. Dù có thế mạnh về tài nguyên than, nhưng nhiều thập kỷ qua, Việt Nam chỉ chú trọng khai thác để xuất khẩu. Có thời điểm (giai đoạn 2006-2011) Việt Nam xuất khẩu tới 21 triệu tấn than.
Nguy cơ thiếu than cho nhu cầu trong nước đã từng được giới chuyên gia cảnh báo. Và trên thực tế, Chính phủ cũng đã nêu vấn đề, nhu cầu than trong nước đang ngày càng tăng cao: Năm 2015 là 56,2 triệu tấn, năm 2020 là 112,3 triệu tấn, năm 2025 là 145,5 triệu tấn, và cho đến năm 2030, Việt Nam sẽ phải tiêu thụ tới 220,3 triệu tấn.
Như vậy, so với mức tiêu thụ năm 2013 (28 triệu tấn) đến năm 2015 (chỉ sau 2 năm) nhu cầu than trong nước sẽ tăng gấp hơn 2 lần, đến năm 2020 tăng gấp 4 lần và đến năm 2030 tăng gấp 8 lần.
Trong khi đó, sản lượng than hiện tại mới chỉ đạt 40 triệu tấn và trong tương lai cũng khó có thể tăng sản lượng lên. Thế nhưng lãnh đạo tập đoàn TKV, ông Nguyễn Văn Biên, vẫn cho biết "trong kế hoạch sản xuất và kinh doanh của ngành, vẫn sẽ xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn than/ năm".
Năm 2011, VN cũng là nước nằm trong top 5 nước xuất khẩu than đá lớn nhất thế giới.
Lời nguyền ứng nghiệm
Chính sách đào tài nguyên bán giá rẻ vì sao nó tồn tại được lâu nay khi mà theo nhiều dự báo, Việt Nam đã đứng trước "lời nguyền khoáng sản".
Cho rằng, nỗ lực tận khai, ra sức "đào" và "chặt" khiến nhiều tài nguyên bị cạn kiện. PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, đến nay Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi phương thức tồn tại dựa chủ yếu vào khai thác tự nhiên. Đây là giai đoạn zero trong các giai đoạn tiến lên công nghiệp hóa.
“Trong hơn 20 năm qua, các thành phần kinh tế, mọi ngành, mọi nhà đều ra sức “đào” và “chặt”, ra sức xuất khẩu tài nguyên, bán cho nước ngoài tất cả nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia có thể. Và trong thời gian qua, nỗ lực tận khai đó vẫn còn duy trì sự đóng góp mạnh mẽ vào thành tích tăng trưởng kinh tế. Đến bây giờ năng lực đó hầu như đã đạt mức tối đa, nhiều loại tài nguyên gần như cạn kiệt, môi trường đã bị suy thoái nghiêm trọng” - ông Thiên chua chát nói.
Sở dĩ có tình trạng này là một phần công nghệ của chúng ta lạc hậu, mặt khác do bị áp lực bởi các chỉ tiêu về ngân sách nên một số tỉnh, thành cho phép xuất khoáng sản thô. Ông Thiên cho rằng, đó chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng hỗn loạn trong hoạt động khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô mà nhà nước không thể kiểm soát được.
Đặc biệt với những ngành khai thác khoáng sản như than, bauxite, titan… đều xuất khẩu với mức giá rất thấp, chưa kể lại xin đủ thứ ưu đãi về thuế, phí.
Trong khi đó, tình trạng xuất lậu khoáng sản vẫn chưa được kiểm soát, đó chính là cửa kiếm "ăn" của những kẻ cơ hội, trục lợi. TS Lê Đăng Doanh, cho hay theo báo cáo của Trung Quốc thì xuất khẩu của ta sang nước láng giềng này nhiều hơn con số thống kê chính thức những gần 4 tỉ USD, một con số không phải nhỏ. Đây chính là số hàng hóa xuất lậu qua nước ngoài, trong đó có tài nguyên khoáng sản.
Theo TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng, trong 6 tháng đầu năm 2013 có hơn 2 triệu tấn than bị xuất lậu sang TQ, số liệu này Vinacomin cũng nắm được.
Theo ông Sơn, giá thành khai thác than hiện nay là khoảng 1,2 triệu đồng/tấn, còn giá bán than trong nước hiện nay bình quân là gần 1,3 triệu đồng/tấn, còn xuất khẩu thì phải cao hơn, chưa kể số tiền thuế xuất khẩu hiện nay là 13%, từ đấy tính ra số tiền thất thoát là rất lớn, nhà nước không thu được một đồng nào.
Thái An

Báo Đức: Kế hoạch mật của Putin: kiểm soát toàn bộ châu Âu


Đăng Bởi  - 
Bao Duc: Ke hoach mat cua Tong thong Nga Putin: kiem soat toan bo chau Au
Kiểm soát toàn bộ châu Âu là kế hoạch mật của Tổng thống Nga Putin, nên Nga có những chiến dịch ủng hộ-hỗ trợ tài chính các đảng cánh hữu và cực hữu ở châu Âu. Đó là thông tin của báo Bild (Đức) vốn nêu họ dẫn “thông tin tin cậy của cộng đồng tình báo”.
Thông tin này được tung ra ngày 24.11, tức ba ngày trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thề:
“Nga sẽ đứng ngoài xung đột địa chính trị, không đe dọa bất kỳ ai, và không tham gia vào bàn cờ địa chính trị hay bất kỳ âm mưu nào để tạo ra xung đột, bất kể ai toan lôi kéo chúng tôi vào cuộc”, trong cuộc họp giữa ông với các lãnh đạo quân sự Nga ngày 27.11 tại Sochi.
Theo Bild, kế hoạch mật của Tổng thống Nga Putin rất cụ thể, trong một tài liệu mang tên “Putin: tân lãnh đạo của chủ nghĩa bảo thủ quốc tế”, do Trung tâm thông tin chiến lược (ở Moscow) soạn thảo.
Báo này viết: “Trong những giấc mơ châu Âu của ông Putin, và ông ấy nói công khai-là có một bán cầu ảnh hưởng trên toàn châu lục này xuống đến Bồ Đào Nha”.
Cho vay tiền ưu đãi, giúp mua-bán vàng
Bild cũng nêu chiến lược của ông Putin là dùng tiền và chủ trương làm thân để thu phục các đảng chính trị cực hữu khác nhau trên toàn châu Âu ủng hộ tầm ảnh hưởng chính trị của Nga trong khối EU.  
Chiến lược này gồm trữ vàng ở những công ty vỏ bọc, rồi tặng số vàng ấy cho các đảng phái mà Nga lôi kéo được, gọi là “hỗ trợ tài chính”.
Bild cũng nói nhiều ngân hàng Nga và các tổ chức tài chính khác đều đồng ý cho các đảng phái này vay tiền ưu đãi, chỉ phải trả lãi suất thấp.
Kỳ lạ nhất là việc ngân hàng First Czech Russian Bank of Moscow cho đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) ở Pháp vay 9 triệu euro. Đổi lại, lãnh đạo FN là bà Marine Le Pen hết lời khen ngợi ông Putin.  Họ có tiền để tham gia cuộc bầu cử địa phương vào năm tới.
Bà Le Pen giải thích với báo Le Monde, rằng vì các ngân hàng từ chối cho FN vay. Trong quá khứ, bà chẳng giấu việc ủng hộ ông Putin.
Nhưng quan tâm chính của ông Putin là kéo được đảng Lựa chọn vì nước Đức (AfD) hồi tháng 3 bỏ phiếu chống việc Đức cấm vận Nga với lý do Nga can thiệp vào tình hình Ukraine.  
Bild nói các điệp viên Nga đã thuyết phục được AfD tham gia mạng lưới “dân túy cánh hữu” ở tây Âu. 
Và biên pháp có quỹ sinh hoạt của đảng này là mua-bán vàng: chính phủ Nga có thể bán vàng cho AfD, hoặc sử dụng người Đức làm “trung gian” mua-bán vàng tại một ủy ban.
AfD đã bán số vàng trị giá 2,1 triệu euro từ tháng 10, chấp nhận lỗ nhưng nhằm thu hút số cử tri, trong khi dựa cậy vào nguồn thu nhập khác.
Lựa chọn người ủng hộ Nga 
Theo Bild, ông Putin hồi tháng 5 đã gặp các đảng cánh hữu ở Vienna (Áo), gồm các đảng chính trị ở Áo, Pháp và Bulgaria.
AfD không dự cuộc họp này, nhưng tài liệu gợi ý nên chú ý tới phó chủ tịch AfDAlexander Gauland, 73 tuổi, người có tiếng nói nặng ký trong vụ chống EU cấm vận Nga.
ke hoach mat cua tong thong nga putin hinh anh 2
Phó chủ tịch AfD Gauland 
Hồi tháng 9, ông Gauland là khách đặc biệt của Sứ quán Nga tại Berlin. Ngày 22.11, ông dự cuộc họp ở Berlin cùng chủ tịch Công ty đường sắt Nga Vladimir Jakunin, một chính khách đồng minh của ông Putin.
Ông Yakunin được chỉ định điều phối tất cả các đảng phái này tại cuộc họp hai ngày 22,23.11.
Báo Independent (Anh) thì nêu danh tất cả các đảng chính trị sẽ ủng hộ Putin: ngoài FN và AfD, đảng Dân chủ quốc gia (NPD) và Xã hội dân chủ (SPD) ở Đức cũng được ông Putin lôi kéo. Họ cũng dự cuộc họp hạ tuần tháng 11 nhằm “xây xi măng” cho mối “quan hệ bạn bè với Nga”.
Phóng viên Bild không được đưa tin bài về cuộc họp này, do có tin họ lên án ông Jakunin, người đã nói “người đồng tính có tâm lý bất bình thường” khi ông thăm Đức hồi đầu năm nay.   
Ông Putin cũng trông cậy vào những người bạn Đức, như cựu Thủ tướng Gerhard Schroeder của SPD, để có thể mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị tại Berlin.
Ông Schroeder hiện làm cho tập đoàn năng lượng Gazprom, đã nói ông Putin là “một nhà dân chủ không tì vết”. 
Tổng thống Putin thề 'Nga đứng ngoài xung đột địa chính trị'
“Chúng tôi không đe dọa bất cứ ai, cũng không tham gia vào bàn cờ địa chính trị hay bất kỳ âm mưu nào để tạo ra xung đột cả”, Tân Hoa Xã ngày 27.11 dẫn phát biểu của tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Putin đã có cuộc họp với các lãnh đạo quân sự cấp cao ở Sochi vừa qua. Ông khẳng định Nga sẽ không đe dọa các nước khác, và “thề rằng Nga sẽ đứng ngoài mọi cuộc xung đột địa chính trị”.

“Chúng tôi không đe dọa bất cứ ai, cũng không tham gia vào bàn cờ địa chính trị hay bất kỳ âm mưu nào để tạo ra xung đột”, ông Putin nói, bên cạnh việc kêu gọi các bên liên quan tại Nga bảo vệ đất nước cũng như các đồng minh của mình.

“Tôi muốn tạo ra một sự tập trung cần thiết cho phương pháp tiếp cận toàn diện và nỗ lực thống nhất được thực hiện đồng bộ trong nước để giải quyết các vấn đề quốc phòng” – ông Putin nói thêm với hãng tin Tass.

Cũng trong cuộc họp với lãnh đạo quân sự, bao gồm bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, ông Putin thảo luận về việc hình thành các đơn vị quân đội tại bán đảo Crimea. Ngoài ra, buổi họp cũng xúc tiến kế hoạch thành lập Ban chỉ huy Quân sự Bắc Cực mới vào ngày 1.12 tới.

Về phần ông Putin, tuyên bố “không tham gia vào xung đột địa chính trị” được xem như lời đáp trả ông dành cho những chỉ trích về cách hành xử của Nga thời gian qua.
Theo TNO
Trần Trí (theo Business Insider, Independent)  

Đại tướng Lê Đức Anh trăn trở Lời Thề ở Trường Sa

 - Sắp đến kỷ niệm lần thứ 94 ngày sinh Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh (1/12), như thường lệ, Báo VietNamNet đến thăm và chúc thọ Đại tướng.


Hôm nay thấy Đại tướng có gầy đi chút ít nhưng sức khỏe vẫn dẻo và minh mẫn. Bầu trời mùa Đông Hà Nội đã chuyển về chiều, nhưng Đại tướng vẫn dành cho cán bộ biên tập Báo VietNamNet sự đón tiếp niềm nở và chân tình. Và rồi, sự hào hứng trên gương mặt và ánh mắt của Đại tướng khi nói về chủ quyền đất nước.

Đại tướng Lê Đức Anh, Sáu Nam
Đại tướng Lê Đức Anh: Chúng ta đạt được nhiều thành tựu lớn.
- Thưa Đại tướng! Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 94 của Bác, cháu xin thay mặt anh chị em Báo VietNamNet kính chúc Đại tướng và Phu nhân mạnh khỏe, tiếp tục đóng góp cho đất nước nhiều năm nữa. Hôm nay thấy Đại tướng và Phu nhân khỏe hơn năm ngoái, cháu rất mừng.

Thưa Đại tướng! Gần đây, qua đọc báo, nghe đài, xem TV, Bác quan tâm nhất điều gì?

- Chúng ta đạt được nhiều thành tựu, nhưng lớn nhất phải kể đến quan hệ quốc tế. Có thể nói, ngày nay Mỹ, EU và nhiều nước trên thế giới đã ghi nhận thành tựu và vai trò của Việt Nam với một tinh thần nể trọng.

Thành tựu thứ hai là kinh tế, xã hội phát triển, chính trị và an ninh ổn định; mà biểu hiện rõ nhất là: Cả thế giới, kể cả Mỹ, EU, Nga đều bị ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế lần thứ ba, dài nhất, xấu nhất, từ năm 2007 đến giờ. Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nhưng ít hơn. Ta cũng bị ảnh hưởng nhưng đã vượt qua được.

- Thưa Đại tướng! Về việc chống tham nhũng thì sao? Cách đây 15 năm, khi chuyển giao vị trí Chủ tịch nước, Bác có bộc bạch: “Điều ân hận của tôi trong thời gian làm Chủ tịch nước là không đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng”. Vừa rồi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi báo cáo về nội dung này cũng thừa nhận kết quả chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu, Đại tướng trăn trở sao về điều này?
- Đây là việc nhất định phải làm nhưng rất khó. Muốn chống tham nhũng hiệu quả là phải xây dựng Đảng, lấy xây dựng Đảng làm then chốt, gốc rễ. Đây lại là điều khó nhất.

- Nhưng trong cái khó đã có một số việc làm hay, ví dụ như việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, qua đó đánh giá được một phần phẩm chất, năng lực và sự tín nhiệm của cán bộ.

- Nhưng chỉ dừng lại ở việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội thì chưa đủ. Đại biểu Quốc hội là đại diện cho địa phương. Muốn đánh giá tín nhiệm chính xác một Bộ trưởng thì phải để cử tri cả nước bỏ phiếu tín nhiệm. Bởi vì Bộ trưởng phụ trách một ngành nhưng lại diễn ra trên bình diện rộng lớn của cả nước; ảnh hưởng trực tiếp đến mọi chuyển động của kinh tế xã hội cả nước và người dân.

Ngay cả chất vấn trước Quốc hội, để riêng Đại biểu Quốc hội chất vấn là chưa đủ, Bộ trưởng quản lý lĩnh vực trên cả nước, phải để cử tri cả nước chất vấn.

Đại tướng Lê Đức Anh, Sáu Nam
Đại tướng Lê Đức Anh có gầy đi chút nhưng sức khỏe vẫn dẻo dai và minh mẫn.
- Đại tướng có theo dõi vụ việc của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền không ạ?
- Tôi không theo dõi cặn kẽ nhưng có nghe nói. Hẳn ông Truyền là đảng viên, không phải đảng viên làm sao làm được chức vụ đó. Cho nên gốc rễ vẫn là xây dựng Đảng, phải chống tham nhũng từ trong Đảng….
ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH:
"Tôi ra Trường Sa đúng dịp kỷ niệm ngày truyền thống bộ đội Hải quân và ngay sau khi vừa diễn ra cuộc đụng độ giữa bộ đội Hải quân của ta với tàu chiến của Hải quân Trung Quốc ở các đảo Gạc Ma, Chũ Thập. Lúc bấy giờ, tôi thấy cần thiết phải ra Trường Sa. Khi nói lời thề giữ gìn chủ quyền biển đảo ở Trường Sa, tôi đau lòng nhìn thấy một đất nước trải qua bao nhiêu năm chiến tranh mà vẫn không trọn vẹn, Hoàng Sa bị lấy mất rồi....".
- Tại thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa , vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Báo VietNamNet có đăng lại bài phát biểu của Đại tướng ở Trường Sa lớn, khi đó Đại tướng đã cùng Bộ đội Hải quân cất vang Lời Thề bảo vệ bằng được chủ quyền đất nước, bảo vệ quần đảo Trường Sa. Vừa qua, ngay cả khi Báo VietNamNet đăng lại bài phát biểu đó cũng đã khơi dậy lòng yêu nước và ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước rất mạnh mẽ. Đại tướng có tin thế hệ trẻ hôm nay và tương lai sẽ tiếp tục thực hiện thành công lời thề của Đại tướng?
- Lời hứa đó là với cả Hoàng Sa và Trường Sa. Mà trước đó, tôi đã nói điều đó trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân: Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam. Của Việt Nam thì phải nói là của Việt Nam, không thể khác được!

Lịch sử mấy nghìn năm rồi, ông cha ta giữ được chủ quyền đất nước, ngày nay chắc chắn ta sẽ giữ được. Nhiều lúc ta cũng đã mất nước bởi sự xâm lược của Mãn Thanh, Nguyên Mông … nhưng rồi ta vẫn giữ được. Mấy nghìn năm rồi tổ tiên ta làm được mà nay ta không làm được sao?!

Nước Việt Nam là của người Việt Nam, không thể khác được, không ai có thể thay đổi được.

Cái đã mất là Hoàng Sa, ta sẽ tiếp tục đòi, đòi mãi. Xu thế chung ta muốn hòa bình nhưng tiếp tục đòi lại Hoàng Sa. Ta phải nói cho người Trung Quốc biết, cả thế giới biết đó là của Việt Nam.

Nhân sắp sinh nhật lần thứ 94, một lần nữa, Báo VietNamNet xin kính chúc Đại tướnc mạnh khỏe, tiếp tục đóng góp nhiều cho đất nước, chúc Đại tướng Phu nhân và gia quyến mạnh khỏe, hạnh phúc!

Xin cảm ơn! Chúc báo VietNamNet tốt, ngày càng tốt!
Phạm Tuấn
Ngần ấy thời gian biết anh Sáu Nam - Lê Đức Anh, có lúc cùng chiến trường, có lúc cùng ở cấp lãnh đạo đất nước, anh là một cán bộ tham mưu tầm cỡ, một vị chỉ huy cương nghị, bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm, một Bộ trưởng Quốc phòng trong thời bình xây dựng có nhiều đổi mới trong tổ chức và bố trí lực lượng quân đội, lực lượng vũ trang nhân dân, một trong những người lãnh đạo quốc gia tầm cỡ trong thời kỳ đổi mới đất nước,... Công bằng mà đánh giá, không có nhiều tướng lĩnh như anh Lê Đức Anh....
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt
(Trích bài viết Những kỷ niệm nhỏ về đồng chí Lê Đức Anh trong cuốn sách “Bảo vệ - xây dựng và đổi mới đất nước” NXB Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2007).

Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 94 của Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Báo VietNamNet xin đăng lại bài phát biểu của Đại tướng ở Trường Sa Lớn năm 1988:
Đại tướng Lê Đức Anh, Sáu Nam
Năm 1988, trong chuyến thị sát tại quần đảo Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng đã dự lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam (7/5/1955-7/5/1988) do Quân chủng Hải quân cùng Tỉnh ủy và Chính quyền tỉnh Khánh Hòa tổ chức tại đảo Trường Sa lớn. Chuyến thăm đảo diễn ra ngay sau khi Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma rạng sáng 14/3 làm 64 chiến sĩ trên tàu HQ 604 hy sinh. Đại tướng đã có bài phát biểu quan trọng khi tiếng súng vừa dứt trên quần đảo Trường Sa ít ngày:
"Cùng với các lực lượng, các đơn vị của Hải quân nhân dân Việt Nam, hôm nay, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức mít tinh kỷ niệm lần thứ 33 ngày truyền thống vinh quang của Quân chủng (7/5/1955-7/5/1988) trên quần đảo Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.
Thay mặt Bộ Quốc phòng, tôi chuyển tới các đồng chí cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân lời chúc sức khỏe.
Hải quân ta ra đời trong hoàn cảnh khó khăn về nhiều mặt, vượt qua mọi khó khăn, thử thách bằng sức lao động thông minh và sáng tạo, từ những chiếc thuyền gỗ có gắn máy mà đi lên, Hải quân ta đã tích cực trên các mặt trận chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng lực lượng, bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam và làm nhiệm vụ quốc tế.

Từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, Hải quân nhân dân ta đã nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ý chí quyết chiến, quyết thắng và đã lập nhiều chiến công oanh liệt. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ ven biển miền Bắc, Hải quân nhân dân ta còn có nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng là đưa cán bộ, súng đạn vào miền Nam bằng loại tàu đi biển do Hải quân tự thiết kế. Loại tàu nhỏ này đã vượt biển khơi đi qua vùng biển dưới sự kiểm soát của không quân và hải quân thuộc Hạm đội 7 của Mỹ, của hạm đội tuần tiễu của quân đội ngụy Sài Gòn.
Nhưng Hải quân nhân dân ta vừa làm nhiệm vụ bảo vệ ven biển miền Bắc, chống lại sự phong tỏa của địch, đồng thời vận chuyển được hàng vạn tấn hàng hóa, vũ khí, đạn dược và hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần xứng đáng giành thắng lợi trọn vẹn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.
Nhân dịp kỉ niệm ngày truyền thống của Quân chủng, tôi nhắc lại điều đó để nói lên tinh thần dũng cảm và sự thông minh sáng tạo của cán bộ Hải quân ta trong thời kỳ đánh Mỹ. Đó là sự thông minh và dũng cảm tuyệt vời, nó được nối tiếp mãi cho đến ngày nay và mãi mãi đến các thế hệ mai sau. Thông minh dũng cảm là sức mạnh. Niềm tin là sức mạnh. Đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế là sức mạnh.
Mở đầu thời kỳ đánh Mỹ để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, trước một tên đầu sỏ hùng mạnh nhất của chủ nghĩa đế quốc; Đảng ta đã có một vũ khí cực mạnh, đó là niềm tin, niềm tin ở chính nghĩa độc lập tự do, niềm tin ở sức mạnh của nhân dân khi đã quyết tâm thì sẽ sáng tạo muôn vàn cách đấu tranh để giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Chính niềm tin sắt đá đó đã động viên và đoàn kết toàn dân tộc nhất tề đứng dậy đấu tranh với đế quốc cực mạnh và đã từng bước thu hút sự chú ý và sự ủng hộ của loài người tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân Mỹ. Sự ủng hộ của bạn bè trên thế giới đã góp phần quan trọng giành thắng lợi trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Đoàn kết dân tộc, đoàn kết với bạn bè quốc tế, đó là sức mạnh, đó là đại nghĩa, đó là lẽ sống của cách mạng Việt Nam, của nhân dân Việt Nam.
Với mối quan hệ giữa ta và Trung Quốc: Trong những năm 50 và những năm 60 quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trong những năm từ 1965 đến 1970 là rất to lớn và hiệu quả. Nhân dân Việt Nam vô cùng biết ơn sự giúp đỡ to lớn đó của nhân dân Trung Quốc đã dành cho mình.
Mặt khác, thắng lợi của chúng ta cũng đã góp phần đáng kể phá vỡ sự bao vây của đế quốc Mỹ đối với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Đại tướng Lê Đức Anh, Sáu Nam
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tặng ảnh và bài phát biểu của Đại tướng Lê Đức Anh ở Trường Sa Lớn cho Đại sứ quán Việt Nam tại Đức.
Năm 1976, Đoàn đại biểu cao cấp của Đảng và Nhà nước ta đi thăm và cảm ơn các nước và bầu bạn trên thế giới đã ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ. Tới Trung Quốc, các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta đã cảm ơn sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc đối với sự nghiệp chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, thì người lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc lúc bấy giờ đã nói: Trung Quốc cảm ơn Việt Nam, chính nhờ Việt Nam chống Mỹ mà Tổng thống Mỹ đã phải thân hành đến Trung Quốc để cầu thân với Trung Quốc".
Nói tóm lại cả hai nước đã giúp đỡ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, với tinh thần anh em sâu đậm. Chúng ta đinh ninh rằng tình sâu nghĩa nặng đó sẽ kéo dài mãi mãi và nhất định nó sẽ xóa nhòa, đi đến xóa hẳn trong ký ức của dân tộc Việt Nam những tội lỗi mà các triều đại phong kiến Trung Quốc đã gây đau khổ cho dân tộc Việt Nam suốt hàng ngàn năm đô hộ.
Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thật sự trên thực tế, phù hợp với pháp lý quốc tế, với đạo lý quốc tế.
Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam dù chế độ xã hội khác nhau qua các thời đại, xu hướng chính trị khác nhau, tôn giáo khác nhau, đàn ông cũng như đàn bà, già cũng như trẻ đều một lòng, một dạ kiên trì và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Chúng ta nhớ mãi không bao giờ quên tình sâu nghĩa nặng giữa nhân dân hai nước Việt - Trung, kiên trì phấn đấu để khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước, đồng thời chúng ta nhất quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc chúng ta.
Hôm nay kỷ niệm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo chính của quần đảo Trường Sa, có mặt đông đủ đại diện các Tổng cục, các quân chủng, đại diện tỉnh Phú Khánh, chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau "Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".