Trang

21 tháng 11, 2014

Việt - Trung ‘vừa hợp tác, vừa đấu tranh’

  • 19 tháng 11 2014
Trả lời tại Quốc hội Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề ra sáu chữ cho quan hệ với Trung Quốc, "vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.
Ông Dũng có phiên trả lời chất vấn vào chiều ngày 19/11.
Trước câu hỏi về chủ trương của Đảng Cộng sản sau khi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, ông Dũng nói cần gìn giữ hòa bình, hữu nghị.
"Đối với Trung Quốc chúng ta là láng giềng, dù mưa bão chúng ta vẫn là láng giềng, mãi mãi là láng giềng.”
"Do vậy cần gìn giữ hòa bình, hợp tác cùng phát triển để thực hiện một các thực chất phương châm 16 chữ, để đem lại lợi ích cho cả 2 nước.”
Ông đề ra sáu chữ cho quan hệ song phương, "vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.
"Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh không chỉ với Trung Quốc mà với tất cả với các nước. Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để có hòa bình ổn định, có hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi cùng phát triển, cùng thịnh vượng.”
Thủ tướng Việt Nam cũng được hỏi về tin Trung Quốc xây dựng hạ tầng tại một đảo có tranh chấp ở Trường Sa.
Ông nói: "Theo thông tin báo chí đảo Chữ Thập đang được bồi đắp thành một đảo lớn nhất ở Quần đảo Trường Sa.”
"Chúng ta phản đối, vì điều này đã vi phạm điều 5 của tuyên bố DOC, tức là vi phạm tuyên bố về thái độ ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông mà Trung Quốc là một bên ký kết với các nước ASEAN.”
Thủ tướng Dũng nhấn mạnh ông luôn nêu lập trường về biển đảo của Việt Nam khi dự các hội nghị quốc tế như hội nghị Asean gần đây.
Trong ngày 19/11, Thủ tướng Việt Nam có báo cáo giải trình nhiều vấn đề kinh tế, xã hội trước Quốc hội.
Một trong những chủ đề được ông đề cập là khu vực ngân hàng.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 khoảng 3,8% và ước tính đến cuối năm 2014 còn khoảng 2,5 - 2,7%.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đưa ra con số cao hơn: tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 khoảng 5,4%, ước đến cuối năm 2014 còn khoảng 3,7 - 4,2%.
Ông Dũng giải thích có sự chênh lệch trong đánh giá vì Ngân hàng Nhà nước "giám sát và đánh giá lại chặt chẽ hơn việc phân loại nợ của các tổ chức tín dụng”.

VN đã xây dựng thành công CNXH?

Trên 99% công chức 'chuẩn mực': Công chức Việt tốt hơn Mỹ?

(Tin tức thời sự) - Nếu 99% công chức VN hoàn thành trách nhiệm thì có thể vui mừng nói rằng "công chức VN đã tốt hơn Mỹ".

1% hay 30% 'công chức cắp ô' vẫn còn là con số gây tranh cãi, thì báo cáo của Bộ Nội vụ trình bày trước QH mới đây cho biết có tới hơn 99% cán bộ hoàn thành nhiệm vụ, 23 địa phương, bộ ngành báo cáo không có công chức nào không hoàn thành nhiệm vụ khiến ĐBQH phải bật cười, không tin.
'Không ai tin đâu'
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) chia sẻ trong nỗi âu lo, "nếu đúng là 99% công chức VN hoàn thành nhiệm vụ theo nghĩa đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả thì chắc chắn chất lượng công chức VN phải đứng hàng nhất nhì thế giới, cao hơn cả Mỹ. Nhưng như vậy thì cần gì phải cải cách hành chính nữa"?, đại biểu này nói.
Đại biểu này cho rằng, Bộ Nội vụ có quyền và trách nhiệm phải đánh giá chất lượng công chức nhưng báo cáo của địa phương chỉ là một căn cứ. Để đánh giá được chất lượng công chức thực sự thì cần phải đánh giá lại.
Để đánh giá được chất lượng của công chức phải cần sự vào cuộc của cả người dân, các doanh nghiệp, hiệp hội, Mặt trận tổ quốc... Bộ Nội vụ chỉ là một chỉ số tham khảo trong nhiều chỉ số đánh giá khác.
Ông Nghĩa nêu ví dụ cụ thể với cơ quan hành chính nhà nước phải để người dân, doanh nghiệp đánh giá; Y tế phải hỏi bệnh nhân; Quy hoạhh, môi trường phải hỏi những người có dự án treo, bị giải tỏa, phải đền bù... sẽ nhận được câu trả lời "người dân có hài lòng không"?
Không ai tin 99% công chức hoàn thành nhiệm vụ
Không ai tin 99% công chức hoàn thành nhiệm vụ
Đó là về đối tượng lấy ý kiến. Còn về người đánh giá cũng phải từ lấy đánh giá từ các hiệp hội, tổ chức đánh giá độc lập như Mặt trận tổ quốc, hiệp hội doanh nghiệp...
Từ những con số khảo sát, đánh giá này so sánh với đánh giá của Bộ Nội vụ sẽ trả lời được câu hỏi người dân nên tin vào con số nào? Đâu mới là con số khách quan.
Từ những câr chuyện Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị phải phàn nàn về việc soạn thảo một thư cảm ơn mất gần 1 tháng, hay như chuyện công chức trốn việc đi cafe... đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ: "Những người lãnh đạo thật sự quan tâm tới chất lượng bộ máy, công chức, quan tâm tới lợi ích người dân họ sẽ không tin và không dựa vào con số báo cáo của Bộ Nội vụ để đánh giá công chức của mình".
Nhận xét về cách làm thụ động của Bộ Nội vụ, tức là chỉ dựa vào báo cáo từ địa phương rồi báo cáo lên, đại biểu Nghĩa cho rằng, tự mình đánh giá mình cũng giống như các cơ quan nhà nước tự đánh giá nhau cuối năm thì không ai thua ai được.
"Nếu chỉ muốn xin một con số để báo cáo trước Quốc hội, chắc chắn rất khó khách quan, chính xác. Tôi biết, người dân, doanh nghiệp chắc chắn họ không hài lòng với con số 99% công chức hoàn thành nhiệm vụ đó đâu", ông Nghĩa nói.  
ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội) cũng thẳng thắn cho rằng, về quy trình con số đó là đúng nhưng lại không đúng với thực tế.
Theo bà An, năng suất lao động của VN rất thấp, các cơ quan hành chính sự nghiệp luôn bị phản ánh làm ăn không hiệu quả, thủ tục phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân... tại sao lại có con số đẹp như mơ như vậy được?
Không nói đâu xa, bà dẫn ví dụ thực tế từ chính các cơ quan hành chính sự nghiệp đâu đâu cũng thấy tình trạng công chức ăn cắp giờ, làm đủng đỉnh, lướt web, chơi game. Tôi từng nghe câu chuyện Bí thư Hà Nội phản ánh công chức soạn thảo văn bản chậm, mới đây Bí thư còn kể câu chuyện công văn chuyển 8 ngày mới tới được nơi dù khoảng cách chỉ vài cây số.
'Độc quyền' đánh giá, biên chế khó giảm
Chia sẻ góc nhìn của mình, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia cũng không dấu nổi những băn khoăn trước con số báo cáo của Bộ Nội vụ.
Vị chuyên gia cho rằng, ngay cả việc đánh giá công chức hiện nay cũng rơi vào tình trạng độc quyền, không có một đơn vị, hiệp hội, hay tổ chức nào có nghiên cứu độc lập về vấn đề này nên không thể đưa ra được kết quả để so sánh.
Tuy nhiên, với cách làm thụ động của Bộ Nội vụ, tức là chỉ dựa vào con số báo cáo của địa phương thì không thể có được kết quả khách quan.
"Không địa phương nào thừa nhận cái xấu, cái kém của mình, nó giống hệt như câu chuyện đánh giá, nhận xét cuối năm của các cơ quan hành chính nhà nước vậy. Tức là, ai cũng hô hào, trung thực, khách quan tự kiểm điểm cá nhân nhưng cuối cùng báo cáo gửi lên tất cả đều hoàn hảo, đều xuất sắc", ông Tri nói.
Theo ông Tri, lẽ thường khi nghe kết quả báo cáo chất lượng công chức tốt như vậy thì dư luận và người dân phải lấy làm vui mừng, tự hào lắm nhưng tại sao niềm vui đó lại trở thành nỗi băn khoăn chung của toàn xã hội?
Ông cho rằng, người dân, những người hàng ngày phải tiếp xúc trực tiếp với các cơ quan công quyền họ chính là câu trả lời, là kết quả so sánh tốt nhất cho Bộ Nội vụ. Từ cung cách làm việc thực tế, thật đáng tiếc phải thừa nhận "con số đó dư luận không tin đâu. Nó thể hiện sự thiếu chuẩn xác, không đáng tin cậy".
Từ câu chuyện ông kể cho thấy ngay trong các bộ ngành, tổ chức y tế, giáo dục mà ông từng làm việc đều thể hiện công tác tổ chức cán bộ của VN quá yếu. Nhưng để tìm được cái không hoàn thành đó rất khó vì năng lực kém luôn gắn liền với yêu cầu tinh giản biên chế.
"Dù là 1% hay 10% không hoàn thành cũng vẫn phải tinh giản tương đương. Đây là  vấn đề nan giải hiện nay vì nó còn liên quan tới quan hệ, nể nang, tới công việc, tới cuộc sống. Tinh giản biên chế gần như dồn lãnh đạo các cơ quan vào chân tường, không thể thực hiện được nên mới có nhận xét ai cũng tốt cả", PGS Nguyễn Hữu Tri nói.
Trên thực tế, sau 10 năm làm 4 cuộc tinh giản biên chế, nhưng cứ sau 3-5 năm con số biên chế lại tăng gấp đôi. Vì vậy, con số 1% hay 30% công chức cắp ô cũng không có ý nghĩa gì nếu vẫn còn tình trạng đánh giá qua loa, không có tiêu chí, thước đo chuẩn mực cụ thể.
Ông cho rằng, hậu quả là người dân phải gánh chịu, gồng mình đóng thuế nuôi bộ máy nhà nước ngày càng phình to, trong đó có một bộ phận không nhỏ cán bộ vô dụng, làm việc không hiệu quả.
Bài học nhãn tiền mà ai cũng thấy là hậu quả từ công tác quản lý yếu kém, thiếu năng lực, đó chính là nguyên nhân dẫn tới lạm phát, gánh nặng nợ công ngày càng tăng cao kéo theo những bất ổn về kinh tế, xã hội, làm suy giảm lòng tin từ người dân.
Do đó, để thay đổi được trước hết phải thay đổi được quan điểm, tư duy. Thứ hai, xây dựng đề án cải cách cơ bản để từ đó phân tích tính chất công việc, lúc đó mới điều chỉnh, nâng dần năng lực của bộ máy, của từng cán bộ công chức.
  • Lam Lam

Rồi sẽ chẳng có ai bị tinh giảm!

Đăng Bởi  - 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Bộ máy nhà nước đã phình to hơn lúc nào hết, mà hiệu lực quản lý lại ngày càng xuống cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã thừa nhận như vậy. Nhưng liệu những người không làm được việc có bị tinh giảm ra khỏi bộ máy?
Ông Nguyễn Thái Bình đã làm một việc mà ông tự nhận là “tấm gương” cho các bộ trưởng khác. Sau khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ hồi đầu nhiệm kỳ Chính phủ này, ông kể, bộ của ông “được cơ cấu” 6, rồi 7 thứ trưởng. Song, căn cứ vào những quy định hiện hành là cấp bộ chỉ được có 4 thứ trưởng, nên ông giữ đúng 4 vị phó cho mình.
“Cái gương này chưa được lan tỏa, rất là khó”, ông nói tại phiên chất vấn tại Quốc hội đầu tuần này. Động thái trên không chỉ duy nhất. Ông kể, ông đã “âm thầm: đi  khắp 63 tỉnh thành trong cả nước để kiểm tra, đốc thúc khâu tổ chức cán bộ, công chức trong hệ thống nhà nước. Song, tiếc thay, những nỗ lực đó bất thành: Bộ máy nhà nước đã phình to hơn lúc nào hết mà hiệu lực quản lý lại ngày càng xuống cấp, như các đại biểu Quốc hội phê phán.
Ở cấp trung ương với 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm nhiều so với 48 cơ quan năm 2002), số lượng cấp phó đã mọc ra đến mức báo động. Có vụ có 30 người thì có tới 24 người là vụ trưởng, hàm vụ trưởng, vụ phó, hàm vụ phó, còn lại số rất ít là chuyên viên. Báo cáo sơ bộ của 18 bộ, cơ quan ngang bộ và 7 cơ quan thuộc Chính phủ cho thấy hiện có 329 lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên. Trong đó, hàm vụ trưởng là 96, hàm phó vụ trưởng là 150, hàm trưởng phòng là 76, hàm phó phòng là 17. Ông Bình thừa nhận, tính toán sơ sơ, các bộ hiện nay có bình quân 5,4 thứ trưởng, cao hơn so với quy định.
Ông kể, Bộ Nội vụ nhiều lần có kiến nghị với Ban cán sự Đảng của Chính phủ nên quy định cứng số lượng thứ trưởng, nhưng khi bỏ phiếu chỉ được “không quá bán”. Ông nói: “Bộ Nội vụ đề nghị số lượng ít nhưng các bộ đề nghị số lượng nhiều nên không gặp nhau được”.
bi tinh giam hinh anh
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình
Câu chuyện ở cấp trung ương, như ông Bình thừa nhận, cho thấy vai trò của Bộ Nội vụ là quá mờ nhạt trong việc tổ chức cán bộ. Vì lẽ đó, mà đại biểu Bùi Thị An – thành phố Hà Nội truy vấn: “Cử tri hiện nay nói rất nhiều về sự lạm phát cấp phó kéo dài ở tất cả các cấp, từ trung ương đến địa phương. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, lãng phí mà lại không đúng quy định của Chính phủ về số lượng cấp phó”.
Ở cấp địa phương, tình hình còn trầm trọng hơn. Các chính quyền địa phương hiện đang có khoảng 20 sở, ngành. Thành viên UBND cấp tỉnh từ 9-13 người, trong đó 1 chủ tịch, 3-5 phó chủ tịch và 4-8 ủy viên; UBND cấp huyện có 7-9 thành viên; cấp xã có 3-5 thành viên. Quy định chính thức này cho thấy, số các cơ quan địa phương nhiều như thế nào nếu tính tất cả 63 tỉnh, thành trên toàn quốc.
Tuy nhiên, trên thực tế, trung ương không nắm được con số cụ thể là bao nhiêu. Ông Bình giải thích: “Lĩnh vực tổ chức các bộ được phân công, phân cấp mạnh mẽ và triệt để nhất, các bộ, ngành, địa phương có quyền quyết định. Thủ tương bây giờ chỉ quản diện thứ trưởng, tất cả các chức danh, chức vụ còn lại  đều phân cấp cho Bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh”.
“Nếu cứ duy trì bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp với tất cả các ban bệ, hệ thống như hiện nay thì vô phương tăng lương, không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này" - ĐB Trần Du Lịch.

Bộ Nội vụ, trong các báo cáo công khai của mình, ít khi đề cập đến số lượng cán bộ, công chức. Tuy nhiên, một báo cáo của bộ này gửi Quốc hội thừa nhận, kế hoạch biên chế công chức hàng năm của các bộ, ngành, địa phương gửi về Bộ Nội vụ luôn đề nghị tăng từ 9-11% so với biên chế công chức giao của năm trước.

Số lượng biên chế công chức hàng năm tăng mạnh như vậy cho thấy bộ máy nhà nước đã lớn tới mức nào. Đại biểu Trần Du Lịch nói: “Nếu cứ duy trì bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp với tất cả các ban bệ, hệ thống như hiện nay thì vô phương tăng lương, không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì đừng nghĩ tới việc tăng lương, nâng cao phúc lợi cho người dân. Không tăng lương thì đừng bao giờ hi vọng thu hút được một lực lượng cán bộ viên chức là thành phần tinh hoa”.
Gần đây, Bộ Nội vụ tiết lộ về đề án giảm 100.000 cán bộ viên chức đến năm 2020. Bộ trưởng Bình cam kết “tiếp tục thực hiện tinh giảm biên chế những cán bộ, công chức không đáp ứng được nhu cầu, không hoàn thành nhiệm vụ”. Song, theo báo cáo của chính Bộ trưởng Bình tại phiên trả lời chất vấn thì trong năm 2013, tỷ lệ cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ có 0,46%. Số còn lại đều là hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực.
Tương tự, đối với viên chức, tỷ lệ không hoàn thành nhiệm vụ còn thấp hơn nữa, chỉ có 0,24%. Như vậy có nghĩa là sẽ chẳng có mấy người trong biên chế “bị tinh giảm”.
Tư Giang
(Kinh tế Sài Gòn)

Yêu cầu thu hồi nhà, đất ông Trần Văn Truyền?


Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy những khuyết điểm, vi phạm của ông Trần Văn Truyền đến mức phải thực hiện quy trình xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định.  
Căn biệt thự hoành tráng gây chú ý dư luận của ông Trần Văn Truyền tại Bến Tre - Ảnh: Ngọc Tài
Ngày 21-11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông cáo báo chí về Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.
Toàn văn Thông cáo như sau: 
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà đất đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Sau khi báo cáo xin ý kiến Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo: 
Tại kỳ họp lần thứ 26, ngày 02-03/10/2014 và kỳ 27, ngày 29-30/10/2014 qua xem xét, thảo luận báo cáo kết quả kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:
Ông Trần Văn Truyền là cán bộ xuất thân từ gia đình có công với cách mạng, có quá trình cống hiến lâu dài, đảm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương và cơ quan Trung ương, có những đóng góp thiết thực trong công tác xây dựng Đảng và chính quyền trên các cương vị và chức trách, nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, trong thời gian còn đương chức và khi về nghỉ hưu, ông Truyền đã có một số khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất như sau:
1. Về thửa đất tại số 598B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre
Tháng 12-1992, ông Trần Văn Truyền được Quân khu 9 cấp thửa đất tại lô số 61 thuộc Khu C, địa chỉ 598B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thị xã Bến Tre do đơn vị Quân y thuộc Tỉnh đội Bến Tre quản lý với diện tích 210 m2 (diện tích trên thực tế là 351 m2).
Việc ông Trần Văn Truyền tuy không phải là cán bộ quân đội nhưng được cấp mảnh đất trên là do Tỉnh đội Bến Tre đề nghị với Quân khu 9, trong khi đồng chí không có đơn đề nghị, không có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi công tác. 
Sau khi được cấp đất, gia đình có san lấp mặt bằng, làm tường rào nhưng không làm nhà ở mà cho người khác mượn để mở quán bán cơm.
Đến năm 2002, khi được chính quyền địa phương thông báo nộp 16 triệu đồng tiền sử dụng đất để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Trần Văn Truyền làm đơn đề nghị miễn giảm tiền sử dụng đất theo chính sách với gia đình người có công và được Cục Thuế tỉnh Bến Tre quyết định miễn giảm theo Nghị định số 38/CP, ngày 23-8-2000 của Chính phủ đúng với số tiền là 16 triệu đồng.
Năm 2007, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre về nhà ở, đất ở.
Qua kiểm tra cho thấy, năm 1992, ông Trần Văn Truyền đã nhận đất của Quân khu 9, đến năm 2003 đồng chí lại được tỉnh bán cho căn nhà số 06 Lê Quý Đôn, Phường 1, thành phố Bến Tre theo Nghị định 61/CP của Chính phủ; do vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu ông Truyền trả lại mảnh đất trên cho Tỉnh đội Bến Tre quản lý; ông Trần Văn Truyền cũng đã có đơn trả lại.
Nhưng từ năm 2007 đến nay, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh chưa thu hồi được thửa đất trên, do giữa gia đình ông Trần Văn Truyền và các cơ quan chức năng của tỉnh chưa thống nhất được mức giá đền bù phần chi phí gia đình bỏ ra để san lấp mặt bằng và làm tường rào.
Trong khi chưa giải quyết dứt điểm, thì đến năm 2013, ông Truyền lại có đơn xin làm nhà tạm trên lô đất này cho con dâu làm kho chứa bia và đã được Sở Xây dựng cấp giấy phép.
Như vậy, ông Trần Văn Truyền biết mình không đúng đối tượng được cấp đất, nhưng vẫn nhận. Sau khi đã được mua nhà theo Nghị định số 61/CP và sau khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu trả lại, ông đã không kiên quyết, dứt khoát thực hiện, sau đó lại có đơn xin làm nhà tạm để con dâu sử dụng.
Việc làm trên của ông Trần Văn Truyền thể hiện sự thiếu gương mẫu của người cán bộ lãnh đạo, gây dư luận không tốt đối với bản thân.
Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre và các cơ quan chức năng thực hiện không nghiêm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thu hồi đất, để kéo dài, gây dư luận không tốt đối với lãnh đạo ở địa phương. 
2. Về căn nhà tại số 06 Lê Quý Đôn, Phường 1, thành phố Bến Tre
Năm 2002, UBND tỉnh đồng ý cho gia đình ông Trần Văn Truyền, được thuê căn nhà số 06 Lê Quý Đôn, Phường 1, thành phố Bến Tre với diện tích: nhà chính 118,22 m2, nhà phụ 24,48 m2, khuôn viên đất 117,69 m2.
Trước khi ông nhận nhà, Công ty Xây dựng và Phát triển nhà Bến Tre đã tiến hành sửa chữa, cải tạo mới căn nhà trên với tổng chi phí là 413,385 triệu đồng. 
Năm 2003, khi đã chuyển công tác ra Hà Nội, ông Trần Văn Truyền có đơn xin mua căn nhà số 06 Lê Quý Đôn và đã được UBND tỉnh Bến Tre ra Quyết định chuyển quyền sử dụng đất và bán cho đồng chí căn nhà trên theo Nghị định 61/CP.
Trong đơn xin mua nhà, ông Truyền cam kết chưa được cấp đất theo chính sách nhà, đất của Nhà nước. UBND tỉnh Bến Tre đã quyết định bán cho ông Trần Văn Truyền căn nhà trên theo Nghị định 61/CP, với số tiền miễn giảm là 76,291 triệu đồng; số tiền còn phải nộp cho Nhà nước là 277,969 triệu đồng.
Như vậy, thời điểm mua căn nhà trên, ông Trần Văn Truyền đã được hưởng chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất tại số 598B5 Nguyễn Thị Định trước đó vào năm 2002.
Bản thân ông Trần Văn Truyền đã thiếu tự giác, thiếu gương mẫu khi đồng thời trong hai năm 2002 và 2003 được hưởng 2 lần chính sách về nhà, đất của Nhà nước, không đúng với quy định tại khoản 4, Điều 2, Nghị định 61/CP của Chính phủ "Việc hỗ trợ tiền sử dụng đất đối với người có công với cách mạng chỉ xét một lần cho một hộ gia đình...”. 
Việc UBND tỉnh chỉ đạo cho sửa chữa, bán cho ông Trần Văn Truyền căn nhà số 06 Lê Quý Đôn cũng có một số khuyết điểm, vi phạm;
3. Về căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 15, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh
Năm 2003, khi đã chuyển ra Hà Nội công tác, ông Trần Văn Truyền có đơn gửi UBND TP.HCM trình bày hoàn cảnh khó khăn do công tác xa ở Hà Nội và có nhu cầu nhà ở tại TP.HCM trong khi gia đình không có khả năng mua đất để xin thuê nhà tại thành phố và đã được UBND TP.HCM giải quyết cho thuê căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 15, quận Phú Nhuận. 
Năm 2008, do thời hạn hợp đồng gần hết, ông có làm đơn và được Công ty Quản lý - Kinh doanh nhà TP.HCM đồng ý chuyển tên trong hợp đồng cho con gái là Trần Thị Ngọc Huệ làm việc tại Công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí Sài Gòn, tiếp tục được thuê căn nhà trên. 
Đến tháng 3-2011, ông làm đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn, bức xúc về nhà ở và đề nghị UBND TP.HCM bán căn nhà này cho ông và để con gái là Trần Thị Ngọc Huệ đứng tên.
Sau đó các cơ quan chức năng của TP.HCM đã đồng ý bán căn nhà trên cho bà Trần Thị Ngọc Huệ theo hình thức thu 100% tiền sử dụng đất theo đơn giá do Thành phố quy định hàng năm và thực hiện quy trình bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/CP của Chính phủ, nhưng không tính miễn, giảm các khoản được hỗ trợ theo chính sách.
Vào thời điểm tháng 7/2014, qua kiểm tra và báo cáo của công an quận Phú Nhuận, ông Trần Văn Truyền và gia đình không sử dụng căn nhà này mà cho người khác ở và bán hàng. 
Tại thời điểm làm đơn xin mua căn nhà này, vợ ông là bà Phạm Thị Thủy đang đứng tên sở hữu căn nhà số 465/48C khu phố Phước Hậu, phường Phú Khương, Quận 9, TP.HCM là nhà được tặng; con gái đồng chí là Trần Thị Ngọc Huệ đang đứng tên sở hữu căn hộ 28.04A, Khu căn hộ cao cấp Hùng Vương tại Quận 5, TP.HCM.
Như vậy, ông Trần Văn Truyền đã thiếu trung thực, không báo cáo thông tin đầy đủ, đúng sự thật về nhà, đất; đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định bán nhà của UBND TP.HCM không đúng đối tượng và chính sách của Nhà nước.
Sau khi được mua thì không sử dụng ngay mà lại để cho người khác ở và bán hàng. Việc làm trên của ông là có vi phạm, làm cho uy tín cá nhân bị giảm sút, gây dư luận xấu trong xã hội.
4. Về nhà công vụ tại số 61, đường Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, Hà Nội
Năm 2004, ông Trần Văn Truyền được Cục Quản trị A, Ban Tài chính quản trị Trung ương hợp đồng với Văn phòng Chính phủ cho thuê nhà công vụ phòng số 607, B1, Khu nhà A, 61 Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, Hà Nội với diện tích 95m2... 
Tháng 10-2011, ông Trần Văn Truyền nghỉ hưu theo chế độ. Đầu năm 2014, khi có thông tin, dư luận về thực hiện chế độ nhà công vụ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương nắm tình hình thì ông mới đề nghị trả lại nhà. Đến tháng 5-2014, Bộ Xây dựng đã tiếp nhận lại căn hộ trên.
Như vậy, sau khi đã nghỉ hưu gần 3 năm ở tỉnh Bến Tre, ông Trần Văn Truyền mới trả lại nhà công vụ ở Hà Nội cho Nhà nước. Với cương vị nguyên là cán bộ cấp cao, ông có khuyết điểm khi chưa thực sự gương mẫu trong sử dụng nhà công vụ.
5. Về căn nhà biệt thự tại xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre
Từ năm 2009 - 2010, con trai ông Trần Văn Truyền là Trần Hoàng Anh, cán bộ cảnh sát giao thông Công an tỉnh mua gom đất của 4 hộ dân (với 08 thửa liền kề), diện tích 16.567,4m2, tổng số tiền theo hợp đồng là 1,43 tỷ đồng (ngoài ra còn 01 lô đất gần 8.000 m2 của con gái đồng chí là Trần Thị Ngọc Huệ mua, nhưng chưa sử dụng). 
Tháng 12-2012, căn cứ đơn đề nghị của ông Trần Hoàng Anh, UBND thành phố Bến Tre cấp phép xây dựng nhà cho ông Trần Hoàng Anh với diện tích xây dựng tầng trệt 441,71 m2; tổng diện tích sàn 1.226,61 m2; công trình có 03 tầng với chiều cao là 19,96m.
Tháng 5-2014, UBND Thành phố Bến Tre đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất cho ông Trần Hoàng Anh.
Ông Trần Văn Truyền có báo cáo giải trình về nguồn kinh phí đầu tư xây dựng công trình trên là từ 7 tỷ đồng tiền của vợ chồng ông dành dụm và 4 tỷ đồng mượn của bà Phạm Thị Kim Anh, trú tại khu phố Phước Hậu, phường Long Phước, Quận 9, TP.HCM và hiện ông đang ở trong căn nhà này..
Như vậy, việc mua đất và xây dựng nhà của các con ông Truyền được thực hiện theo các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, với cương vị nguyên là cán bộ lãnh đạo cấp cao, ông Trần Văn Truyền đã thiếu cân nhắc và chủ quan khi xây dựng công trình biệt thự lớn trong khuôn viên đất rộng, trong khi nhà ở và đời sống nhân dân địa phương trong vùng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; gây phản cảm và tạo dư luận xấu, lan rộng trong xã hội.
Việc làm trên của ông thể hiện sự thiếu cân nhắc thận trọng và thiếu gương mẫu trong thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân ông và tổ chức đảng; vi phạm mục C, khoản 1, Điều 1, Hướng dẫn số 03, ngày 15-3-2012 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01-01-2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm: “Làm những việc pháp luật không cấm, nhưng ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên”.
6. Về căn nhà số 465/48C, khu phố Phước Hậu, phường Long Phước, Quận 9, TP.HCM
Nguồn gốc căn nhà số 465/48C, khu phố Phước Hậu, phường Long Phước, Quận 9, TP.HCM là từ việc ông Trần Văn Truyền có quen biết gia đình bà Trần Thị Lý, sinh năm 1930, trú tại Quận 9.
Bà Lý có nhận ông Trần Văn Truyền làm con nuôi. Tháng 7-2000, bà Lý có lập di chúc để lại cho con gái là Phạm Thị Kim Anh, sinh năm 1967.
Trong di chúc của bà Lý có nội dung để lại toàn bộ tài sản cho con gái là bà Kim Anh, do bà Kim Anh toàn quyền quyết định khi bà mất, trong đó đồng ý việc chia tài sản cho các con đỡ đầu và các cháu. 
Sau khi bà Lý mất, bà Kim Anh đã mở di chúc để chia số tài sản thừa kế cho một số người, trong đó có ông Truyền. Năm 2008, bà Kim Anh tặng cho vợ ông Trần Văn Truyền là bà Phạm Thị Thuỷ 1 căn nhà 3 tầng, diện tích xây dựng 211,8m2, tổng diện tích sàn là 505,1m2 tại số 465/48C khu phố Phước Hậu.
Từ khi được tặng căn nhà, ông Truyền chưa sử dụng, nay theo báo cáo đã giao lại cho bà Kim Anh quản lý, đồng chí nhận của bà Kim Anh 4 tỷ đồng để làm nhà biệt thự ở Bến Tre. 
Tóm lại, từ 6 trường hợp cụ thể về nhà, đất nói trên, qua kiểm tra cho thấy:
Trong thời gian giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt ở địa phương, cơ quan Trung ương và khi đã về nghỉ hưu, ông Trần Văn Truyền đã có khuyết điểm, vi phạm: thiếu cân nhắc, thiếu gương mẫu trong việc tự mình thực hiện hoặc tác động, đề nghị với các cơ quan chức năng để xử lý một số trường hợp về nhà, đất có liên quan đến lợi ích của bản thân và gia đình; trong đó có việc thiếu trung thực, có việc vi phạm hoặc chưa gương mẫu thực hiện tốt quy định về những điều đảng viên không được làm và thực hiện Cuộc vận động học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những việc làm của đồng chí gây phản cảm, tạo dư luận xấu ở địa phương và lan rộng trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của bản thân đồng chí và tổ chức đảng; 
Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và các cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre có khuyết điểm, vi phạm trong việc còn nể nang, không chỉ đạo thu hồi dứt điểm lô đất tại số 598B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thành phố Bến Tre; trong việc sửa chữa, cải tạo mới và bán cho đồng chí Trần Văn Truyền nhà số 6 Lê Quý Đôn, thành phố Bến Tre theo Nghị định 61/CP. 
UBND TP.HCM và các cơ quan chức năng của thành phố đồng ý bán cho con gái ông Trần Văn Truyền căn nhà tại số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 15, quận Phú Nhuận là không đúng đối tượng, thiếu căn cứ pháp lý, có sự nể nang, vi phạm Quyết định số 118/TTg, ngày 27-11-1992 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 2527/BXD-VP, ngày 18-12-2008 của Bộ Xây dựng và Công văn số 76/UBND-ĐTMT, ngày 20-02-2009 của UBND TP.HCM.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, những khuyết điểm, vi phạm của ông Trần Văn Truyền đến mức phải thực hiện quy trình xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định. 
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã báo cáo và được Ban Bí thư đồng ý (như nêu tại Công văn số 9161-CV/VPTW, ngày 20-11-2014 của Văn phòng Trung ương Đảng), theo đó Ban Bí thư yêu cầu:
- Đối với ông Trần Văn Truyền:
+ Kiểm điểm trách nhiệm theo quy trình về các khuyết điểm, vi phạm nêu trên trước Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bến Tre và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
+ Yêu cầu các thành viên trong gia đình thực hiện nghiêm các quyết định xử lý về nhà, đất của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre:
+ Thực hiện quy trình kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với đồng chí Trần Văn Truyền về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên.
+ Chỉ đạo các cơ quan chức năng thu hồi dứt điểm thửa đất tại số 598 B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thành phố Bến Tre theo quy định của pháp luật. 
+ Chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thu hồi thửa đất nói trên và việc cải tạo, sửa chữa, bán nhà số 6 Lê Quý Đôn, thành phố Bến Tre.
- Đối với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM
+ Chỉ đạo các cơ quan chức năng thu hồi căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận theo hướng đề xuất của UBND TP.HCM tại Công văn số 685/UBND-ĐTMT-M, ngày 30-9-2014. 
+ Chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan khi không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật trong việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước tại số 105-Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận.
TTXVN

Sự cố mất quyền điều hành bay là 'chưa từng có trên thế giới'

Các chuyên gia trong ngành hàng không cho rằng sự cố mất điện tại Đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất là "quá sức nguy hiểm", "thế giới không bao giờ có chuyện sân bay mất điện lâu thế".

Sự cố mất điện dẫn đến mất quyền điều hành bay hơn một giờ trong vùng thông báo bay (FIR) được Cục trưởng Hàng không (Bộ Giao thông Vận tải) Lại Xuân Thanh nhìn nhận trên báo Tuổi Trẻ là "sự cố kỹ thuật nghiêm trọng, chưa bao giờ xảy ra". Thời điểm này, màn hình ra đa ghi nhận có 54 chuyến bay đang hoạt động trong vùng FIR do Trung tâm AACC Hồ Chí Minh quản lý. Các chuyến bay từ các sân bay đến Tân Sơn Nhất đều được thông báo quay lại nơi khởi hành, bay chờ hoặc hạ cánh xuống sân bay dự bị. Ngoài ra còn cả trăm chuyến bay khác bị chậm khởi hành, hàng ngàn hành khách bị ảnh hưởng... 
Theo ông Thanh, sự cố không đơn thuần là mất điện nguồn (điện lưới, điện máy nổ) mà mất nguồn cung cấp điện từ các thiết bị cung cấp điện dự phòng (UPS) cho hệ thống thiết bị điều hành bay của trung tâm để điều hành bay. Điện nguồn vẫn còn nhưng không có điện cung cấp trực tiếp cho hệ thống thiết bị điều hành bay.
Đánh giá về vụ việc, ông Lê Trọng Sành - nguyên trưởng phòng quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất - cho rằng đây là sự cố cực kỳ nghiêm trọng, trên thế giới chưa từng xảy ra trường hợp nào như thế
Theo vị chuyên gia ngành hàng không, nguyên nhân trước tiên là do con người không kiểm tra chặt chẽ các phương án dự phòng. Đề cập đến trách nhiệm của ngành điện, ông Sành cho rằng nếu họ có ngắt điện cũng phải báo trước, chưa nói đến việc trên nguyên tắc phải đảm bảo điện cho sân bay 100%. Mặt khác, sân bay luôn có máy phát điện, nếu điện cúp đột ngột hệ thống máy dự phòng sẽ tự động bật lên mà không ảnh hưởng đến hoạt động của đài không lưu. "Tốc độ máy bay rất lớn, chỉ cần sân bay mất điện 5-10 phút là đã nguy hiểm rồi. Rất may trưa hôm qua thời tiết tốt, chứ nếu trời mưa, nhiều mây, các máy bay có thể đâm vào nhau", nguyên trưởng phòng quản lý bay cho biết.
kiem-soat-khong-luu-9858-1416548124.jpg
Điều hành bay trong Đài kiểm soát không lưu khu vực Tân Sơn Nhất. Ảnh: Đ.Loan
Vị chuyên gia có gần 30 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không lấy ví dụ, một chuyến bay đường dài từ Australia đến Tân Sơn Nhất, điều hành bay phải ưu tiên hạ cánh sớm phút nào hay phút ấy trong khi đài không lưu tê liệt đến hơn một giờ.
"Máy bay Boing 747 loại lớn nhất chở tới 450 hành khách, chỉ cần xảy ra tai nạn với một chiếc thôi thì cả nước cũng không có tiền mà đền", ông Sành nói và cho rằng thiệt hại nặng nhất do sự cố này chính là ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành hàng không. Bởi các nước trên thế giới có thể bỏ, không lập chuyến bay đến Tân Sơn Nhất nữa mà chỉ bay qua Thái Lan, Singapore. 
Cùng quan điểm, một chuyên gia khác từng công tác trong ngành hàng không cho rằng sự cố mất điện ở sân bay Tân Sơn Nhất cho thấy trình độ tổ chức quản lý ở đây rất kém. Sân bay bị cúp điện là chuyện không nên xảy ra, song trong tình huống bất khả kháng có thể cắt điện một vài phút ở khu vực đỗ hay ở những vị trí khác.
"Đằng này sự cố kéo dài hơn một tiếng mà lại ở ngay đài chỉ huy kiểm soát không lưu, nơi cần phải ưu tiên số một, trong thời điểm có máy bay đang giảm độ cao, có cái đang cất cánh... thì quá sức nguy hiểm", vị chuyên gia nói và cho rằng đây là một trường hợp rất hy hữu, có lẽ trên thế giới chưa từng xảy ra.
Theo nguyên tắc hoạt động hàng không, để lường trước các tình huống, không chỉ có một mà thậm chí có đến 2-3 phương án dự phòng và tất cả phải là tự động khi xảy ra sự cố. Vị này lấy ví dụ, khi máy bay đáp, nếu bánh xe không thả ra được như bình thường thì phi công sẽ mở bằng áp lực dầu, bằng khí nén, mà nếu không được nữa thì phải mở bằng dây cáp, giật.
"Hoạt động của một chiếc máy bay mà phải có 3 phương án dự phòng thì hoạt động của cả sân bay phải có ít nhất 2 phương án. Thế nhưng sự cố hôm qua đã kéo dài đến mức khó hiểu", ông nói và nhận định chắc chắn là sân bay có phương án dự phòng nhưng khi sự cố xảy ra, dự phòng không làm việc được. "Công tác kiểm tra thế nào mà không biết phương án dự phòng không hoạt động", vị này đặt câu hỏi.
Nói về khả năng các máy bay có thể đụng nhau trên bầu trời, người có hàng chục năm kinh nghiệm lái máy bay cho rằng, khả năng xảy ra tai nạn hàng loạt đối với máy bay là không có vì các máy bay sẽ thông báo cho nhau. Nếu không liên lạc được với đài không lưu thì họ sẽ giữ nguyên độ cao, không dám xuống cũng không dám lên.
"Tuy nhiên, nghiêm trọng là vì nếu không may đài chỉ huy vừa phát lệnh cho máy bay giảm độ cao hay cho cất cánh thì tai nạn hoàn toàn có thể xảy ra. Người lái sẽ không biết xử lý tiếp theo như thế nào. Chỉ cần 2 chiếc đụng nhau là đã vô cùng nghiêm trọng", ông nói.
Trả lời trên báo Tuổi Trẻ, ông Lại Xuân Thanh cho biết trước mắt Cục Hàng không đã đình chỉ nhân viên kỹ thuật trực tiếp, kíp trưởng của kíp trực để điều tra. Trong ngày 21/11, cục ra quyết định điều ra vụ việc này. 
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết, Bộ Giao thông đã yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương điều tra làm rõ sự việc, làm rõ trách nhiệm của những người liên quan và xử lý nghiêm nếu có vi phạm.
Hữu Công - Thi Hà

19 tháng 11, 2014

Vì sao EVN "hào phóng" mua điện Trung Quốc giá cao?

(Doanh nghiệp) - Việc mua điện giá cao từ Trung Quốc ngay ở thời điểm nguồn cung cấp trong nước dồi dào, VN quá thua thiệt và yếu thế trong quan hệ hợp đồng.

GS TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội nêu quan điểm trước thực tế Việt Nam đang mua điện của Trung Quốc giá cao.
GS TS Đặng Đình Đào cũng chỉ ra rằng, Việt Nam không thể cứ tiếp tục đàm phán mua điện của Trung Quốc theo hợp đồng dài hạn gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và cho cả các nhà máy điện nội địa.
Lợi ích nhóm
PV: - Một thực tế vẫn diễn ra là Việt Nam đang mua điện của Trung Quốc với giá cao cả ở thời điểm nguồn cung cấp trong nước dồi dào lý do vì hợp đồng mua điện với Trung Quốc được ký từ năm 2005 và chính thức mua điện từ 2009. Thỏa thuận hợp đồng hiện nay buộc phải cam kết về sản lượng và thời gian mua nếu không mua sẽ bị phạt. Xét trên góc độ kinh tế, ông bình luận thế nào về hợp đồng với những ràng buộc chỉ có lợi cho bên bán như trên?
GS TS Đặng Đình Đào: - Thực tế nhiều năm qua Việt Nam phải mua một sản lượng điện thương phẩm lớn từ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu trong nước, có thời điểm lên tới 4,65 tỷ kWh, chiếm 4% tổng sản lượng điện thành phẩm của Việt Nam.
Trong điều kiện của những năm trước đây khi nguồn cung điện trong nước còn hạn chế thì việc mua điện Trung Quốc là giải pháp cần thiết để giải bài toán cân đối cung cầu điện.
Nhưng thời gian gần đây, nguồn điện trong nước được tăng cường nhiều hơn, nhiều nhà máy điện ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN chưa huy động hết công suất, có thời điểm điện dư thừa, giá lại rẻ hơn nhiều giá điện Trung Quốc bán cho Việt Nam mà Việt Nam lại vẫn tiếp tục nhập khẩu điện của Trung Quốc với giá cao là điều ngành Công thương và EVN cần phải sớm tính toán và xem xét lại một cách nghiêm túc.
Dù hợp đồng mua bán điện của EVN với Trung Quốc có cam kết về số lượng, bao tiêu với số lượng cụ thể nếu không mua sẽ bị phạt, thậm chí ngay khi thừa điện ở Việt Nam thì vẫn phải nhập từ Trung Quốc với giá điện ngày càng tăng. Rõ ràng xét trên góc độ kinh tế Việt Nam quá thua thiệt và yếu thế trong quan hệ hợp đồng.
Việt Nam đang mua điện của Trung Quốc với giá cao cả ở thời điểm nguồn cung cấp trong nước dồi dào
Việt Nam đang mua điện của Trung Quốc với giá cao cả ở thời điểm nguồn cung cấp trong nước dồi dào
Tình trạng này kéo dài, khi mà hợp đồng hàng năm đã như thế thì chúng ta không thể cứ tiếp tục đàm phán mua điện của Trung Quốc theo hợp đồng dài hạn với hình thức trên, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và cho cả các nhà máy điện nội địa.
Đây là điều không thể chấp nhận được, là trách nhiệm thuộc về EVN và Bộ Công Thương và cũng chính từ đây đặt ra nhiều câu hỏi về lợi ích kinh tế, "lợi ích nhóm" cho EVN và Bộ Công thương.
Có lẽ đây là hậu quả của độc quyền trong ngành điện và cơ chế bộ chủ quản mà chúng ta phải hứng chịu.
PV: - Trong khi nhiều doanh nghiệp sản xuất điện sẵn sàng chịu lỗ để hòa lưới điện EVN vẫn đang mua điện Trung Quốc với giá cao do ràng buộc bởi hợp đồng mua bán điện đã ký dài hạn. Điều này có chứng tỏ khả năng dự báo nhu cầu điện năng và năng lực sản xuất điện trong nước đang có vấn đề hay không? Dự báo sai gây thiệt hại cho nền kinh tế và cho người dân, EVN phải chịu trách nhiệm như thế nào?
GS TS Đặng Đình Đào: - Thực tế hiện nay, các nhà máy điện nội địa ngoài EVN với giá điện thấp hơn nhiều so với giá điện của Trung Quốc muốn tham gia "thị trường điện cạnh tranh" cũng rất khó vì yêu cầu của EVN quá cao.
EVN mua với giá chỉ bằng 1/3 giá mua điện của Trung Quốc kèm theo các điều kiện rất khắt khe. Trong khi đó EVN lại rất "hào phóng" khi mua một lượng lớn điện thương phẩm từ Trung Quốc với giá cao và có xu hướng tăng nhanh những năm gần đây, làm méo mó thị trường điện, vốn thị trường độc quyền lâu nay ở Việt Nam.
Bối cảnh vận hành thị trường điện như vậy của EVN hậu quả là điện nội địa giá rẻ, có khi dư thừa nhưng lại nhập một lượng lớn điện từ Trung Quốc với giá cao để "cân đối cung - cầu". Chắc chắn là sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân, cho người dân cũng như cho các doanh nghiệp.
Điều này, một mặt chứng tỏ khả năng điều tiết thị trường của EVN, khả năng dự báo nhu cầu điện và năng lực sản xuất điện trong nước đang có nhiều vấn đề.
Mặt khác, chứng tỏ tính độc quyền mặt hàng điện hiện nay mà EVN nắm độc quyền chủ yếu. Trong điều kiện như thế, người tiêu dùng không thể hi vọng giá điện ở Việt Nam sẽ rẻ hơn.
Dự báo sai về sự vận động của thị trường điện gây thiệt hại cho nền kinh tế và cho người dân, rõ ràng EVN và tiếp đó là Bộ Công thương phải gánh chịu trách nhiệm kinh tế này.
Nguy cơ phụ thuộc hiện hữu
PV: - Những ràng buộc có nghi vấn trong hợp đồng mua bán điện với Trung Quốc và sự cố Hiệp Hòa liên quan tới việc sử dụng thiết bị Trung Quốc mới đây khiến dư luận đặt câu hỏi về sự hiện diện quá lớn của Trung Quốc trong ngành điện Việt Nam. Phải lý giải điều này như thế nào, khi mà thiết bị Trung Quốc vốn bị coi là chất lượng kém, bãi rác công nghệ của thế giới? Liệu có thể đặt nghi vấn về lợi ích nhóm trong việc này hay không, thưa ông?
GS TS Đặng Đình Đào: - Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 25,3% tổng kim ngạch nhập khẩu và có tới 30 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch trên 100 triệu USD.
Trong đó có 6 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD và với nhiều dự án mà Trung Quốc trúng thầu ở Việt Nam với giá bỏ thầu thấp cho thấy một thực tế trong ngành điện Việt Nam cũng như nhiều ngành khác, nhiều nhà máy đã và đang sử dụng hệ thống trang thiết bị của Trung Quốc là rất lớn.
Thiết bị của Trung Quốc vốn bị coi là chất lượng kém nên thường xảy ra sự cố là điều dễ hiểu. Như ở trên đã trao đổi về việc nhập khẩu điện của Trung Quốc với giá cao trong khi giá điện của các nhà máy nội địa ngoài EVN rẻ hơn thì không thể tham gia được thị trường điện và việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc với giá cao.
Sự cố liên tiếp 2 máy biến áp 500kV công suất 900 MVA tại trạm biến áp Hiệp Hòa (Bắc Giang) chỉ trong vòng 1 tuần lễ dấy lên lo ngại về chất lượng thiết bị, công nghệ do nhà thầu Trung Quốc cung cấp
Sự cố liên tiếp 2 máy biến áp 500kV công suất 900 MVA tại trạm biến áp Hiệp Hòa (Bắc Giang) chỉ trong vòng 1 tuần lễ dấy lên lo ngại về chất lượng thiết bị, công nghệ do nhà thầu Trung Quốc cung cấp - Ảnh LĐO
Cùng với nhiều doanh nghiệp, nhà máy trong đó có các nhà máy điện Việt Nam đang sử dụng nhiều thiết bị điện của Trung Quốc giá rẻ, chất lượng kém như hiện nay thì việc đặt ra nhiều dấu hỏi, kể cả nghi vấn về "lợi ích nhóm" trong vấn đề này là hoàn toàn có cơ sở.
PV: - Sự hiện diện rất lớn của Trung Quốc trong ngành điện Việt Nam có đặt ra nguy cơ phụ thuộc hay bị thao túng hay không, thưa ông? Nếu điều này xảy ra thì mức độ nguy hại sẽ như thế nào? Với tình trạng độc quyền như EVN hiện nay, trách nhiệm trong việc này liệu có thể quy cho ai khác không, thưa ông? Cụ thể như thế nào?
GS TS Đặng Đình Đào: - Vì điện thương phẩm mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc ở thời điểm cao mới ở mức 4% tổng sản lượng điện thương phẩm của Việt Nam.
Hơn nữa các nhà máy điện nội địa mới chỉ sử dụng khoảng 70 - 80% công suất thiết, với giá điện còn rẻ hơn của Trung Quốc thì hy vọng với những điều chỉnh cần thiết về chính sách và quản lý thị trường điện ở nước ta trong thời gian tới, tình hình kinh doanh điện và thị trường điện sẽ chuyển biến theo hướng tích cực.
Do vậy, với sự hiện diện của Trung Quốc như hiện nay đối với điện chưa đến mức đặt ra nguy cơ phụ thuộc hay thao túng thị trường của Trung Quốc đối với thị trường điện Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu tình hình thị trường điện hiện nay không được cải thiện, EVN quản lý và kinh doanh điện vẫn theo cách như lâu nay, sản xuất kinh doanh chạy theo thiết bị giá rẻ, bỏ thầu giá thấp của Trung Quốc thì nguy cơ trên là hiện hữu và sẽ gây nguy hại cho nền kinh tế quốc dân, cho chính người dân Việt Nam và cho cả sự phát triển bền vững của Việt Nam…
Với tình trạng độc quyền như EVN hiện nay và thiếu minh bạch trong kinh doanh trên thị trường điện ở Việt Nam, trách nhiệm trong việc này trước hết là do từ chính cơ chế quản lý kiểu bộ chủ quản lâu nay không được thay đổi, tiếp đó là các cơ quan quản lý nhà nước trong ngành điện mà cụ thể là Bộ Công thương và cả EVN trong tổ chức và quản lý điện Việt Nam.
PV: - Có ý kiến chỉ thẳng, mấu chốt của vấn đề phải là nhanh chóng xóa bỏ tình trạng độc quyền của EVN, chấm dứt tình trạng 1 tay nắm cả mua bán, phân phối, điều độ, ông có đồng tình hay không và vì sao? Xin ông phân tích cụ thể hơn về vấn đề này.
GS TS Đặng Đình Đào: - Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này vì tình trạng độc quyền và kéo dài sự "bảo hộ" sản xuất điện quá lâu rồi ở Việt Nam.
Người tiêu dùng điện phải luôn sử dụng điện với giá ngày một cao và luôn yếu thế trong quan hệ mua bán điện với EVN.
Đã đến lúc cần phải có sự thay đổi trong quản lý và điều hành thị trường điện theo đúng các quy luật của kinh tế thị trường, không thể "vừa đá bóng vừa thổi còi" trong quản lý và kinh doanh điện ở nước ta.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tâm An (thực hiện)

Hà Nội: Một gia đình bị giật sập tường vì... hiến ít đất

Khi công an đến hiện trường, bức tường rào có chiều dài khoảng 40m, chiều cao 2m đã bị người dân trong xóm du đổ xuống đường.
BTTD: Luật rừng.
Sáng 14.11, hàng chục người dân thôn Tân Phú, xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) mang theo cuốc, xẻng, dây thừng đến kéo đổ 40 m tường rào của ông Nguyễn Văn Chinh (80 tuổi) và bà Trần Thị Sáu (78 tuổi) trước sự chứng kiến của cán bộ thôn và công an xã Phú Cường. Nguyên nhân được cho là hộ gia đình này hiến đất làm đường giao thông hơi... ít.
Bà Sáu xót xa trước bức tường bị phá.
Bà Trần Thị Sáu kể, lúc 8h ngày 14.11, một cán bộ thôn Tân Phú vào nhà bà hỏi: Tình hình thế nào, có con đường này, hai bác có bỏ ra không? Ông Chinh, bà Sáu trình bày chỗ đất xã cần lấy làm đường trị giá gần 400 triệu đồng, gia đình đồng ý hiến 100 triệu đồng, còn lại đề nghị xã đền bù. Nghe đến đây, ông cán bộ thôn bỏ ra ngoài gọi điện, một lúc sau có vài chục người đến kéo đổ tường.
Đoạn video clip do gia đình ông Chinh ghi lại cho thấy lực lượng thôn Tân Phú có mặt trước và trong khi bức tường rào của nhà ông Chinh, bà Sáu bị phá.
Khi lập biên bản, Công an xã Phú Cường ghi: Khi công an đến hiện trường thì thấy bức tường rào có chiều dài khoảng 40m, chiều cao 2m đã bị người dân trong xóm du đổ xuống đường.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Phú Cường - xác nhận có sự việc một số người dân “bức xúc” kéo đổ tường gia đình ông Chinh. Ông Tuấn cho biết thêm, cùng ngày 14.11 đã phân công Bí thư chi bộ, trưởng thôn và trưởng ban công tác mặt trận phải đến tận cơ sở vận động người dân cùng gia đình ông Chinh không làm nóng thêm tình hình để xã tiếp tục giải quyết sự việc.