Trang

17 tháng 11, 2014

Căng thẳng Nga - phương Tây gia tăng khi Putin rời G20 sớm

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin kết thúc sớm lịch trình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Australia, nơi ông chịu nhiều sức ép từ các nhà lãnh đạo thế giới, có thể làm trầm trọng hóa quan hệ Nga - phương Tây.
2014-11-16T092540Z-867555417-G-2259-4905
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một cuộc họp báo trong khuôn khổ hội nghị G20 tại Australia. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16/11 rời hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Brisbane, Australia sớm vì cần có đủ thời gian để ngủ. Kremlin bác bỏ thông tin cho rằng ông bỏ về trước khi hội nghị kết thúc do sự đón tiếp lạnh nhạt của chủ nhà và sức ép từ các lãnh đạo phương Tây.
Theo SMH, ông Putin cho biết chặng đường về nhà mất đến 18 giờ bay, ông cần nghỉ ngơi trước khi trở lại làm việc. Ông là nhà lãnh đạo đầu tiên của G20 rời Australia.
Các lãnh đạo phương Tây đã gây sức ép rất lớn đối với Tổng thống Nga tại hội nghị G20. Thủ tướng Australia Tony Abbott đã gợi ý ông Putin "xin lỗi" về vụ rơi máy bay MH17 tại khu vực phe ly khai thân Nga kiểm soát ở đông Ukraine. Thủ tướng Anh David Cameron cáo buộc Nga "bắt nạt nước nhỏ ở châu Âu".
"Nếu ông ấy bỏ về sớm trong tức giận, hãy chờ mà xem, giao tranh ở Ukraine có thể gia tăng", nhà phân tích độc lập Stanislav Belkovsky nói vớiAFP.
Bất chấp thời tiết nóng nực ở Brisbane, sự lạnh lẽo trong không khí Hội nghị G20 là điều rất dễ nhận ra, khi phương Tây đe dọa sẽ áp đặt lệnh trừng phạt mới với Nga nếu giao tranh ở Ukraine gia tăng.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi sự can thiệp của Nga vào tình hình Ukraine là "một mối đe dọa cho thế giới" và nhận xét vụ rơi máy bay MH17 hồi tháng 7 là "kinh khủng". 
Thủ tướng Australia Abbott cáo buộc ông Putin cố gắng làm sống lại những "vinh quang đã mất của chế độ Nga hoàng", trong khi Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng ông Putin phá hoại lợi ích của chính nước Nga.
Thủ tướng Canada Stephen Harper cũng giữ thái độ cứng rắn với ông Putin. "Tôi nghĩ rằng tôi sẽ bắt tay ngài, nhưng tôi chỉ có một điều muốn nói, ngài cần phải ra khỏi Ukraine", Jason MacDonald, phát ngôn viên của ông Harper, dẫn lại lời nói của ông với lãnh đạo Nga.
Tờ The Courier-Mail của Australia cho rằng ông Putin "lạc lõng giữa gia đình G20", trong khi truyền thông Nga phàn nàn rằng các lãnh đạo phương Tây đang cố gắng cô lập ông.
Phương Tây cáo buộc Nga trang bị quân sự cho phiến quân ở miền đông Ukraine, làm dấy lên lo ngại giao tranh sẽ tái diễn. Nga bác bỏ mọi cáo buộc có dính líu đến xung đột ở nước láng giềng.
"Các nước không xuống thang căng thẳng", tờ Gazeta.ru của Nga viết.
Một tài khoản Twitter châm biếm nổi tiếng ở Nga còn gọi hội nghị G20 là "Hội nghị thượng đỉnh G19 + 1 ở Australia".
Trước khi hội nghị diễn ra, Nga và phương Tây được dự đoán sẽ không có đột phá về khủng hoảng Ukraine, nhưng cũng rất ít người nghĩ rằng các nước sẽ công khai thể hiện thái độ bất hòa.
Ông Putin gần đây thường trở thành tâm điểm trong các cuộc hội đàm quốc tế. Nga bị loại khỏi nhóm các cường quốc công nghiệp G8 do cuộc khủng hoảng ở Ukraine, chương trình nghị sự của điện Kremlin ngày càng trở nên mâu thuẫn với lợi ích của phương Tây. Hồi đầu tháng 6, G7 họp thượng đỉnh tại Bỉ mà không có sự tham gia của Nga lần đầu tiên trong 17 năm.
Tuy nhiên, việc ông Putin ra về sớm tại hội nghị Brisbane đã làm sự căng thẳng lên một cấp độ hoàn toàn mới.
Theo các nhà phân tích, những lời chỉ trích ngày càng gia tăng của lãnh đạo phương Tây với Nga và sự ra về đột ngột của ông Putin cho thấy, không bên nào còn quan tâm đến việc duy trì quan hệ xã giao.
Fyodor Lukyanov, Chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng có liên quan điện Kremlin, cảnh báo rằng những lời chỉ trích từ phương Tây có thể khiến ông Putin thể hiện lập trường cứng rắn hơn.
"Chúng ta đang chứng kiến phương Tây ngày càng cực đoan hóa lập trường, trước hết phải kể đến Bắc Mỹ và Australia, chủ nhà của hội nghị", Lukyanov nói trên đài phát thanh.
"Bọn họ không mong muốn xoa dịu căng thẳng, trái lại, căng thẳng ngày càng được bộc lộ ra. Phản ứng của Nga rất dễ đoán, Moscow sẽ thể hiện lập trường cứng rắn hơn", ông nói.
Lilia Shevtsova, một nhà phân tích tại Viện Brookings nhận định rằng khi cuộc đối đầu của Nga với phương Tây càng trầm trọng thì Moscow càng phụ thuộc vào Trung Quốc.
"Hội nghị cấp cao của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Bắc Kinh và hội nghị G20 ở Brisbane đã xác nhận rằng Tổng thống Putin "bị cô lập", bà viết trên Facebook.
"Một nước bị cô lập và muốn dựa vào một nước khác, nền chính trị thế giới chưa biết đến một sự kết hợp nào có thể bùng nổ hơn".
Các nhà phân tích cũng cho rằng việc ông Putin ra về sớm sẽ nhận được sự đồng tình từ những người ủng hộ trong nước. "Tất cả cử chỉ của nhà lãnh đạo Nga là để nhằm vào số đông ủng hộ ông", Konstantin Kalachev, người đứng đầu nhóm Chuyên gia Chính trị (Political Expert Group), nhận định.
Ông cho biết thái độ của ông Putin sẽ được những người ủng hộ giải thích là "Nhà lãnh đạo Nga đâu có gì cần phải nói với phương Tây".
Theo The Guardian, dù truyền thông phương Tây miêu tả ông Putin là một nhân vật bị cô lập tại hội nghị, ông tiếp tục giữ quan hệ chặt chẽ với các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Video Tổng thống Putin rời hội nghị G20 sớm
Phương Vũ (Video: Reuters)

16 tháng 11, 2014

Từ 1/1/2015, phạt nặng xe không sang tên chính chủ

Ảnh minh họa

Phòng CSGT, CATP Hà Nội (PC67) cho biết, từ 1/1/2015, thông qua công tác đăng ký phương tiện; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông nếu phát hiện chủ phương tiện khi mua bán xe không thực hiện sang tên đổi chủ sẽ bị phạt mức cao nhất là 4 triệu đồng.

Cụ thể, trường hợp chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định sẽ bị phạt từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với cá nhân; từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự không làm thủ tục đăng ký sang tên xe khi mua bán, cho - tặng…
Theo quy định, ngay khi có quyết định điều chuyển, bán, cho, tặng xe, chủ xe phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đó cấp giấy chứng nhận đăng ký xe đó để theo dõi. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.

Theo Anh Trọng
Tiền Phong

Méo mó “sức mạnh” của phong bì

(Dân trí) - Nhiều phụ huynh có suy nghĩ đi quà 20/11 thầy cô bằng phong bì thì con mình sẽ được quan tâm, ưu ái hơn. Ít ai nhìn trực diện rằng - nếu điều đó có thật - cũng không hề tốt cho trẻ.

 >>  “Nhạy cảm” quà tặng giáo viên ngày 20/11
 >>  Ngày 20/11, có nên tặng quà thầy cô giáo?

Khi tặng quà cho giáo viên của con ngày 20/11, không ít phụ huynh có mục đích rất rõ ràng: để con được thầy cô quan tâm, ưu ái. Việc phụ huynh đi quà thầy cô bằng “phong bì” phần lớn cũng xuất phát từ mong muốn này của phụ huynh.
Ít nhiều có hiện tượng giáo viên (GV) gợi ý, gây áp lực “quà cáp” cho phụ huynh nhưng chắc chắn đó là con số rất nhỏ so với việc phụ huynh chủ động, mong muốn tặng quà cho thầy cô giáo. Mà trong đó có rất nhiều người tặng quà thầy cô vì sợ con mình thua thiệt, tặng để con mình được ưu ái.
Méo mó “sức mạnh” của phong bì
Giá trị bất di bất dịch của quà tặng phải là sự chân thành, trân trọng giữa người tặng và người nhận. (Ảnh minh họa: Học trò ở TPHCM tri ân thầy cô)
Vậy nhưng, “đi phong bì để con được quan tâm” có phải là một điều tốt cho con như phụ huynh vẫn tưởng?
Một GV ở dạy học ở quận 1, TPHCM chia sẻ, một nhà giáo tâm huyết, nhà giáo thật sự và xác định chọn nghề giáo - nghề không phải để kiếm tiền - họ sẽ chẳng bận tâm đến chuyện quà cáp, chẳng vì quà cáp mà đối xử thiếu bình đẳng với học sinh. Không thầy cô nào hạnh phúc khi nhận quà của phụ huynh đi kèm với thái độ “mua chuộc” hoặc xuất phát từ việc “phải tặng”.
Tặng quà xuất phát từ suy nghĩ sợ con không được quan tâm vì không tặng quà lại càng không nên. Vì nếu việc tặng quà tạo nên sự bất bình đẳng giữa các học trò với nhau thì chắc chắn việc con mình được quan tâm hơn không phải là cách giáo dục tốt và vô tình chúng ta giáo dục các em sống xem nặng và phụ thuộc vào vật chất. 
GV nào có suy nghĩ vun vén tiền bạc từ phụ huynh trong những ngày lễ, xem đó như thước đo “đong đếm” tình cảm với học trò thì không đáng để phụ huynh phải cảm ơn, tri ân. Sự quan tâm đặc biệt từ một người thầy đối với học trò chỉ vì quà cáp của bố mẹ - liệu có phải là điều cần thiết cho đứa trẻ?
Hay nói một cách thẳng thừng, một người thầy chưa hoàn thiện về nhân cách mà quan tâm, ưu ai con bạn thì rằng, chỉ có hại cho đứa trẻ.
Nếu không xuất phát từ sự chân thành, tri ân thật sự, phụ huynh đừng tặng quà GV.
Khi đi phong bì cho GV với mục đích “mua chuộc”, phụ huynh cũng thường có tâm lý suy diễn, dán nhãn tiêu cực cho nhiều thầy cô giáo như: do thầy cô gợi ý, thầy cô nào chả thích phong bì… Đáng sợ nhất nhiều phụ huynh còn truyền suy nghĩ đó sang con trẻ có hại vô cùng.
Nhiều phụ huynh đang ảo tưởng về “sức mạnh” của tiền bạc, vật chất. Đâu chỉ chuyện quà cáp thầy cô, xin thưa nhiều vấn đề khác trong nuôi dạy con, hiện nay nhiều phụ huynh cũng dùng tiền, quà cáp để giải quyết như dùng tiền để “mua chuộc” con học, con làm việc nhà, mua quà để trẻ hết mè nheo, khóc nhè…
Ban giám hiệu nhiều trường học đã từng “tiếp” những phụ huynh lên phàn nàn GV nhận quà cáp nhưng… không quan tâm đến con mình.
Trong mắt một số phụ huynh, dường như lúc nào con mình cũng bị thua thiệt .Nhưng thay vì khích lệ sự nỗ lực, cố gắng của chính đứa trẻ, nhiều ông bố bà mẹ lại có xu hướng lấp đầy điều đó bằng sự bao bọc, bằng vật chất hay mong muốn trẻ được “ưu ái” từ người khác…
Chắc chắn đó không phải là điều một đứa trẻ cần cho cuộc sống của mình. Trẻ cần có một môi trường tình cảm chân thành, trân trọng chứ không phải môi trường “phong bì” đặt nặng quyền lực của đồng tiền lên trên hết! 
Hoài Nam

Ba sợi dây thừng và đại dịch vô cảm

Đăng Bởi  - 

3 sợi dây thừng chăng ngang đường để neo thuyền, làm một thanh niên đi xe máy bị tai nạn, tử vong.
3 sợi dây thừng chăng ngang đường để neo thuyền, làm một thanh niên đi xe máy bị tai nạn, tử vong.
Đọc tin và nhìn thấy ba sợi dây thừng chăng ngang đường để neo thuyền, làm một thanh niên đi xe máy bị tai nạn, tử vong (Dân Trí, 15:15, 15.11.2014) – chắc hẳn, không một ai muốn tin vào điều vừa biết, thấy vì không thể trả lời được câu hỏi: Tại sao người ta có thể vô cảm đến mức lạnh lùng, chăng ngang những sợi dây như thế kia?

Có hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn dẫn chứng, phản ánh rõ ràng, đầy đủ sự nhức nhối về thói vô cảm – căn bệnh trầm kha của xã hội đương đại ở nước ta nói riêng, trên cả thế giới nói chung.
Trong bài Diễn văn đọc tại nhà thờ lớn nhất thế giới đêm Giáng Sinh (24.12.2009) - nhà thờ St. Peter (St. Pièrre, còn có tên là nhà thờ Quo Vadis), Đức Giáo hoàng Bennedicto XVI nói về nhiều vấn đề, trong đó Ngài đặc biệt nhấn mạnh rằng sự tồi tệ hiện nay của thế giới phần lớn là do con người “chỉ chăm chăm nhìn vào quyền lợi cá nhân ích kỷ của mình; và, vì thế, “biến chúng ta thành tù nhân của quyền lợi và khát vọng của chính mình”...
Nghe, giật mình và chợt hiểu ra điều tưởng chừng như ai cũng biết: Hầu như tất cả mọi sai lầm, tệ nạn, nhức nhối trong xã hội ta thời nay đều bắt nguồn từ tính ích kỷ (self-seeking) quá đáng của mỗi chúng ta. Tính ích kỷ quá quắt đó được “thăng hoa”, được biểu hiện, được công khai hóa một cách lạnh lùng bằng sự vô cảm (anaethesia). Có thể nói, tính ích kỷ là “cha đẻ” và cũng là “bạn đồng hành” của sự vô cảm.
Tự bao giờ, chúng ta ‘vất bỏ’ sự quan tâm đến người khác, tinh thần mình vì mọi người ra sau lưng theo cách nhìn mà không chộ những sự vô cảm lạnh lùng?
 Những ngư dân ở thôn Phú Liên, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An chỉ chăm chăm nhìn và thấy con thuyền của mình mà không cần hay biết, không hề quan tâm rằng 3 sợi dây thừng oan nghiệt đó đồng nghĩa với sự nguy hiểm chết chóc, một cái bẫy rập thật sự đối với đồng loại.
Đau đớn hơn, khi chăng 3 sợi dây thẳng, căng ấy, một người không thể làm và nhất định phải có nhiều người tham gia và, cũng chắc chắn rằng có không ít người nhìn thấy, nhưng tại sao, không một ai biết cái “kiến thức” tối thiểu về sự hiểm nguy, về an toàn giao thông, về cái lẽ tàn nhẫn nhất của tính ích kỷ tột cùng? Mọi câu trả lời đều bị sự thật cay đắng chối bỏ.
 Đi tìm câu trả lời, chúng ta sẽ giật mình mà thảng thốt ‘phát hiện’ ra rằng, cái hành động tưởng chừng như vô lý kia, xảy ra – diễn ra nhiều lắm. Nhiều đến mức ta buộc phải nghĩ đó là ‘chuyện thường ngày’!
 “Cháu bé chết tức tưởi trong hố gas không đậy nắp ở… trường mầm non” (NLĐ, 3.9.2013);“bé trai 9 tuổi chết vì ngã xuống hố gas” (Xã hội, 9.9.2014); “võ sư Bình Định chết vì hố gas không đậy nắp ở Hà Nội” (VnExpress, 25.7.2014)…
Ba ví dụ trên đây và ‘ba cái dây thừng’ có một điểm giống nhau: Rất nhiều người nhìn nhưng không một ai thấy sự vô cảm của chính mình hay của đồng loại. Hồ Chủ tịch đã từng có một ví von rất hay rằng, khuyết điểm của mỗi con người to như cái ba lô nhưng vì đeo ở sau lưng nên chẳng ai nhìn thấy.
Tự bao giờ, chúng ta ‘vất bỏ’ sự quan tâm đến người khác, tinh thần mình vì mọi người ra sau lưng theo cách nhìn mà không chộ những sự vô cảm lạnh lùng?
Nhà thơ Nga Konstantin Mikhailovich Simonov (1915-1979) – tác giả của bài thơ nổi tiếng Đợi anh về, có kể một câu chuyện: Khi ông sang thăm Nhật Bản trong những năm 50 của thế kỷ trước, một lần, sau buổi tối uống rượu sake với tộc người thiểu số duy nhất là người Ainu (2 vạn người) ở phía bắc đảo Hokkaido, ông lái xe trở về thành phố Salgado. Nửa đêm, bão tuyết, lạnh dưới độ không, từ xa, Simonov nhìn thấy một ánh đèn đỏ. Đến gần, nhận ra một người già cả cầm ngọn đèn đứng trong bão tuyết.
Đi tiếp một đoạn là chỗ đường bị đào lên để đặt cống. Qua phía bên kia, lại thấy một người nữa với cây đèn đỏ. Quá ngạc nhiên, ông xuống xe, lại gần và nói: “Giờ này, lạnh thế, sao bác vẫn còn đứng ở đây”? Người kia trả lời: “Tôi đã nghỉ hưu nhưng trợ cấp không đủ sống, phải làm thêm nghề gác đường. Nếu tôi vào ngủ, đèn lỡ tắt đi, những người như ông sẽ gặp nguy hiểm…”
Câu chuyện trên cho chúng ta biết vì sao sau trận sóng thần khủng khiếp ở Miyaghi năm 2011, ở đó không xảy ra nạn cướp bóc, hôi của. Nó cũng lý giải vì sao dịch vô cảm đang tràn lan ở nước ta, trầm trọng đến mức chẳng ai nhìn thấy những cái hố gas không đậy nắp và ba sợi dây thừng to sụ căng ngang sự ích kỷ trơ tráo giữa đường…
Hà Văn Thịnh

Thế giới 24h: Nga bị tố làm ảnh giả vụ MH17

Các chuyên gia phân tích các yếu tố đáng ngờ của bức ảnh Nga đưa ra làm bằng chứng vụ MH17, IS chặt đầu con tin Mỹ, kết thúc hội nghị G-20 là những tin nóng 24 giờ qua.

Nổi bật
Mỹ, Ukraina cùng nhiều chuyên gia lên tiếng phản bác bằng chứng hình ảnh chụp từ vệ tinh mà Nga đưa ra nhằm chứng minh việc máy bay chiến đấu bắn hạ MH17 chứ không phải là do tên lửa BUK bắn hạ.
quốc tế, 24h
Vị trí logo thương hiệu của Malaysia Airlines trên chiếc máy bay trong ảnh cũng được cho là không giống với thực tế.
Tối ngày 14/11, kênh truyền hình Nga Chanel One công bố hình ảnh vệ tinh ghi lại giây phút cuối cùng của chuyến bay MH17. Theo đó, một máy bay quân sự đã phóng tên lửa, bắn rơi chiếc máy bay chở khách của Malaysia khiến 298 người thiệt mạng ngày 17/7 tại miền đông Ukraina.
Theo bức ảnh thì máy bay chiến đấu này có thể là MiG-29 của Không quân Ukraina, và tên lửa bắn trúng vào buồng lái của MH17.
Tuy nhiên, Ukraina cho rằng những bức ảnh trên chỉ là giả. Còn Mỹ nói động thái trên của Nga “nhằm che giấu sự thật và lẩn tránh trách nhiệm đối với thảm kịch MH17”. Ngoại trưởng Australia Julie Bishop mô tả bức ảnh “là hàng giả, được dàn dựng”.
Nhiều nguồn tin khác cũng tham gia phân tích bức ảnh và đặt nghi vấn về tính xác thực của ‘bằng chứng hình ảnh’ này.
Một số khác nói chiếc máy bay trong bức ảnh vệ tinh Nga công bố trông có vẻ như là chiếc là Boeing 767 chứ không phải chiếc Boeing 777 xấu số của Malaysia gặp nạn tại đông Ukraina.
quốc tế, 24h
Nhiều người phân tích bức ảnh này là sự lắp ghép của nhiều chiếc máy bay khác nhau và nhiều hình ảnh vệ tinh của Google Earth, thậm chí từ năm 2012.
Báo Anh The Guardian dẫn lời kỹ sư Nga Mark Solonin nhận định, trong bức ảnh, cả hai máy bay đều có kích thước quá khổ so với những cánh đồng ở phía dưới mặt đất.
Vị trí logo thương hiệu của Malaysia Airlines trên chiếc máy bay trong ảnh cũng được cho là không giống với thực tế.
Chuyên gia hàng không Ross Hallam chỉ ra rằng, bức ảnh được truyền hình Nga coi là "bằng chứng" về việc MH17 bị Ukraina bắn hạ, thực chất đã xuất hiện trôi nổi từ ngày 15/10 trên một diễn đàn tiếng Nga. Trong diễn đàn đó, bức ảnh được chú thích rõ ràng là lấy từ nguồn WikiLeaks, và không rõ là của ai.
Trang web báo chí điều tra của Anh Bellingcat cho hay, bức ảnh này là sự lắp ghép của nhiều chiếc máy bay khác nhau và nhiều hình ảnh vệ tinh của Google Earth, thậm chí từ năm 2012.
Nhà văn Mark Solonin, nói rằng bức ảnh đã được chỉnh sửa thành ảnh vệ tinh.
Bình luận viên Andrei Menshenin của đài phát thanh Nga Ekho Mosky cũng cho rằng, góc tấn công của tên lửa trong bức ảnh vệ tinh không tương thích với vị trí chiếc máy bay gặp nạn tại hiện trường.
Tin vắn
- Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto cho biết chính phủ nước này sẽ đưa ra câu trả lời về ngôi nhà xa xỉ mà vợ ông sở hữu vào tuần sau.
- Các điều tra viên của Hà Lan cho biết các lực lượng khẩn cấp ở địa phương đang bắt đầu thu dọn các mảnh vỡ của máy bay MH17 bị bắn hạ tại miền đông Ukraina hôm 17/7.
- Một số chính phủ châu Âu cho rằng Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang có ý định đi theo quỹ đạo của Nga nhưng hiện chưa rõ nên phản ứng với việc này như thế nào.
- Hãng tin Interfax của Nga dẫn nguồn tin từ cơ quan hành pháp nước này cho biết, Moscow sẽ không cho phép dẫn độ cựu Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych và gia đình sang Ukraina để giao nộp cho chính quyền Kiev.
- Ngay sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phát tán đoạn video với tuyên bố chặt đầu nhân viên cứu trợ người Mỹ là Peter Kassig, Nhà Trắng cho biết các cơ quan tình báo Mỹ đang làm việc để xác minh video mới nhất này.
- Rob O'Neill, cựu lính biệt kích SEAL, người đang là tâm điểm của cuộc tranh cãi ai mới là xạ thủ đã kết liễu Osama bin Laden lại vừa có phát biểu gây sốc, khi cho rằng chơi golf còn căng thẳng hơn là giết trùm khủng bố.
- Tổng thống Nga nói phải rời Hội nghị thượng đỉnh G20 sớm do lo việc ở Moscow và cần “đến 4 hoặc 5 tiếng để ngủ”.
- Bên lề G20, lãnh đạo Mỹ, Australia và Nhật Bản đã gặp nhau với lời kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp trên Biển Đông. Đây là cuộc gặp đầu tiên của 3 đồng minh trong 7 năm bên lề hội nghị này.
- Một chiếc máy bay phản lực MB-339 của phi đội bay Các Tiểu vương quốc Arập đã gặp nạn khi hạ cánh, rất may máy bay đã không phát nổ.
- Ngoại trưởng Đức Steinmeier kêu gọi cả Palestine và Israel nối lại các cuộc đàm phán hòa bình.
- Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo, nếu Nga không có hướng đi khác trong vấn đề Ukraina thì Moscow có nguy cơ bị cô lập sâu sắc hơn trước cộng đồng quốc tế, trong bối cảnh nước này đang phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt nặng nề.
- Văn phòng Tổng Công tố Abkhazia đã mở cuộc điều tra về vụ tấn công Thủ tướng Beslan Butba đêm 15/11.
- Cựu thị trưởng thành phố Naha, ông Takeshi Onaga - nhân vật phản đối kế hoạch tái bố trí căn cứ không quân Futenma của Mỹ - đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tỉnh trưởng Okinawa, cực Nam Nhật Bản.
- Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin Phó Chính ủy Hải quân Trung Quốc - Phó Đô đốc Mã Phát Tường được cho là đã nhảy lầu tự sát hôm thứ Năm (13/11).
- Cuộc họp thượng đỉnh G20 đã kết thúc tại với một cam kết kinh tế: Thúc đẩy tăng trưởng của các nền kinh tế thêm ít nhất 2,1% cho tới trước năm 2018, đóng góp thêm 2 nghìn tỉ USD vào nền kinh tế toàn cầu.
Tin ảnh
quốc tế, 24h
Nhóm Hồi giáo cực đoan ‘Nhà nước Hồi giáo’ tự xưng (IS) đã công bố một đoạn video hành quyết công dân người Mỹ là Peter Kassig – một nhân viên cứu trợ nhân đạo, cùng với 18 người Syria.
Trong đoạn video, một phiến quân nói rằng: “Đây là Peter Eward Kassig, công dân Mỹ của đất nước các người; Peter đã chiến đấu chống lại người Hồi giáo ở Iraq khi còn là một quân nhân”. (Ảnh Daily Mail)
Phát ngôn
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng, chính người Hồi giáo đã tìm thấy châu Mỹ từ thế kỷ 12, tức là gần ba thế kỷ trước khi nhà thám hiểm Christopher Columbus đặt chân tới châu lục này.
“Các mối liên hệ giữa Mỹ Latinh và Hồi giáo đã có từ thế kỷ 12. Người Hồi giáo đã phát hiện ra châu Mỹ từ năm 1178, chứ không phải Christopher Columbus. Các thủy thủ người Hồi giáo đã tới châu Mỹ từ năm 1178. Columbus đã đề cập tới sự hiện diện của một nhà thờ Hồi giáo trên một ngọn đồi ở duyên hải Cuba” – ông Erdogan nói.
Sự kiện
17/11/1558 – Nữ vương Elizabeth I của Anh lên ngôi, bắt đầu thời kỳ trị vì 45 năm thường được nhắc đến với tên gọi Thời kỳ Elizabeth.
17/11/1855 – Nhà thám hiểm David Livingstone trở thành người châu Âu đầu tiên nhìn thấy Thác Victoria, một trong những thác nước lớn nhất thế giới.
17/11/1869 – Kênh đào Suez kết nối Đại Tây Dương và biển Đỏ chính thức được hoàn thành sau gần 11 năm xây dựng.
17/11/1970 – Nhà phát minh người Mỹ Douglas Engelbart nhận bằng sáng chế đối với chuột máy tính đầu tiên.
Lê Thu

Putin cô đơn tại hội nghị G-20


TT - Hội nghị G-20 ở Brisbane (Úc), các nhà lãnh đạo quốc tế đã “tập kích” Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng màn đón tiếp lạnh lùng và những lời chỉ trích dữ dội.
Ông Putin (trước) bị tiếp đón lạnh nhạt ở hội nghị G-20 - Ảnh: Reuters
Theo báo The Australian, nước chủ nhà Úc đã thể hiện thái độ lạnh lẽo với tổng thống Nga ngay khi ông đặt chân xuống sân bay Brisbane.
Đón tiếp ông Putin là Thứ trưởng quốc phòng Stuart Robert, một quan chức cấp thấp trong nội các Thủ tướng Úc Tony Abbott. Bộ trưởng tư pháp Úc George Brandis cũng có mặt tại sân bay nhưng không hề chào hỏi ông Putin.
Sau đó, ông Brandis đến chào đón nồng hậu Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Khi ông Abbott gặp ông Putin tại hội nghị G-20, cả hai bắt tay một cách lạnh nhạt và chỉ trao đổi vài câu ngắn với nhau.
Nhật báo Courier-Mail khi đưa tin về hội nghị G-20 đã đăng trang nhất bức ảnh một con “gấu Nga” so găng với “chuột túi Úc”, phía trên là tựa đề “Chiến tranh lạnh như băng”.
Đồng loạt chỉ trích
Tại Brisbane, ông Putin trở thành “bia đỡ đạn” của các nhà lãnh đạo phương Tây.
Cuộc gặp mặt căng thẳng nhất diễn ra giữa ông Putin và Thủ tướng Canada Stephen Harper. Khi ông Putin bước lại gần bắt tay ông Harper, nhà lãnh đạo Canada nói sỗ sàng: “Tôi sẽ bắt tay ông, nhưng tôi chỉ muốn nói với ông một câu thôi. Đó là hãy rút khỏi Ukraine”.
Nguồn tin báo chí Úc tiết lộ ông Putin đã “phản ứng không tích cực” với lời lẽ của ông Harper.
Sau đó Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng cảnh báo ông Putin: “Nga sẽ tiếp tục bị cô lập nếu vẫn vi phạm luật pháp quốc tế và cung cấp vũ khí hạng nặng cho quân ly khai ở miền đông Ukraine”.
Thủ tướng Anh David Cameron đe dọa phương Tây sẽ kéo dài chiến dịch cấm vận Nga trong nhiều năm nếu cần thiết, bởi khủng hoảng Ukraine “có thể trở thành một cuộc xung đột đóng băng vĩnh viễn tại châu Âu”.
“Tôi nghĩ Tổng thống Putin có thể thấy rõ rằng ông ấy đang đứng ở ngã ba đường. Nếu ông ấy tiếp tục gây bất ổn ở Ukraine, các biện pháp cấm vận sẽ leo thang” - ông Cameron nhấn mạnh.
Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo Liên minh châu Âu (EU) sẽ xem xét tăng cường trừng phạt Nga nếu Matxcơva không ngừng viện trợ phe ly khai ở miền đông Ukraine.
Tổng thống Pháp François Hollande tỏ ra hòa hoãn hơn khi cho biết ông muốn giải quyết khủng hoảng Ukraine thay vì leo thang căng thẳng.
“Nhưng tôi cũng nói với ông Putin rằng nếu Nga không đưa ra những dấu hiệu thay đổi, Pháp sẽ phải thực hiện các quyết định mới” - ông Hollande khẳng định.
Trong cuộc họp báo chung, ông Obama cùng ông Abbott và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố ba nước “đồng lòng phản đối việc Nga sáp nhập Crimea và gây bất ổn ở đông Ukraine”.
Kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp trên biển
Bên lề hội nghị G-20, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Úc Tony Abbott và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã mở cuộc họp báo chung kêu gọi đảm bảo tự do hàng hải và hàng không tại châu Á - Thái Bình Dương, giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ theo luật pháp quốc tế. Ba nhà lãnh đạo cam kết tăng cường hợp tác an ninh.
Bất chấp những lời chỉ trích, ông Putin tuyên bố các cuộc thảo luận tại hội nghị G-20 “toàn diện, mang tính xây dựng và có ích”, dù ông thừa nhận “quan điểm của chúng tôi vẫn còn những bất đồng”.
Không biết có phải do sự căng thẳng ở Brisbane hay không mà ông Putin quyết định về nước trước khi G-20 ra tuyên bố chung.
Ông Putin giải thích là chuyến bay về Matxcơva dài tới 18 giờ và ông cần phải ngủ bốn hoặc năm giờ trước khi quay trở lại với công việc ở điện Kremlin sáng nay 17-11.
2.000 tỉ USD
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây do khủng hoảng Ukraine làm báo chí tốn giấy mực ở Brisbane, nhưng kinh tế mới là vấn đề chủ chốt tại hội nghị G-20.
Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G-20 cam kết thực hiện cải tổ để tăng GDP toàn khối thêm 2,1% vào năm 2018, tương đương với việc bơm hơn 2.000 tỉ USD vào nền kinh tế toàn cầu và tạo thêm hàng triệu công ăn việc làm. Ít nhất 800 biện pháp mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng đã được đề ra.
Các nhà lãnh đạo G-20 cũng đồng ý tham gia sáng kiến toàn cầu nhằm xử lý tình trạng thiếu hụt 70.000 tỉ USD đầu tư vào hạ tầng toàn cầu trước năm 2030 bằng nỗ lực cắt giảm nạn quan liêu, tăng đầu tư công.
G-20 nhấn mạnh sẽ tập trung nỗ lực chống nạn né thuế của các tập đoàn đa quốc gia, chống biến đổi khí hậu và đại dịch Ebola. Mỹ cam kết đóng góp 3 tỉ USD cho Quỹ Khí hậu xanh (GCF) và Nhật cũng sẽ hỗ trợ 1,5 tỉ USD cho quỹ này.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim và Giám đốc Oxfam Winnie Byanyima cho rằng tăng trưởng toàn cầu phải đảm bảo việc cải thiện đời sống cho các gia đình nghèo và giảm tình trạng bất bình đẳng.
Tại Brisbane, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới do nền kinh tế châu Âu và Nhật vẫn chật vật, trong khi các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng chậm lại.
IMF dự báo GDP toàn cầu năm 2014 chỉ đạt 3,3%. Dù vậy Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde vẫn đánh giá hội nghị G-20 Brisbane “rất hiệu quả”.
HIẾU TRUNG

Tướng quân đội phản đối việc xây khu nghỉ dưỡng trên núi Hải Vân

BTTD: Tiền hay Tổ quốc?
Trung tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu 5, khẳng định đèo Hải Vân là khu vực trọng điểm quân sự cấp độ 1 được Chính phủ quy định. Thừa Thiên - Huế tự động cho doanh nghiệp nước ngoài vào xây khu nghỉ dưỡng là "dứt khoát không được".
Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa cấp phép cho Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine nằm ở khu vực Cửa Khẻm - mũi vươn ra biển xa nhất của đèo Hải Vân. Dự kiến khoảng 200 ha đất được giao cho Công ty cổ phần Thế Diệu (thuộc Công ty TNHH World Shine Hong Kong đăng ký đầu tư tại Thừa Thiên - Huế từ tháng 10/2013), thời hạn 50 năm. Đánh giá dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh này đã đầu tư 50 tỷ đồng mở con đường 5 km vào Cửa Khẻm.
bd-6272-1416030658.jpg
Dự án khu nghỉ dưỡng quốc tế tại Cửa Khẻm (vùng khoanh đỏ) của đèo Hải Vân.
Mọi việc tưởng chừng "suôn sẻ" và trong tương lai không xa tại Cửa Khẻm sẽ có sự hiện diện của một khu nghỉ mát tiêu chuẩn 5 sao, trung tâm hội nghị quốc tế 2.000 chỗ ngồi... thì phía Đà Nẵng phát hiện nơi đất cấp cho Công ty Thế Diệu là vùng chưa được Chính phủ phân định ranh giới rõ ràng giữa hai địa phương. Sau đó, Đà Nẵng gửi công văn đến Thủ tướng đề nghị rút giấy phép dự án với lý do không thể giao đất cho một doanh nghiệp được đại diện bởi các doanh nhân nước ngoài ở khu vực trọng điểm về quân sự.
Trong khi đó, trao đổi với VnExpress ngày 14/11, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ nói ngắn gọn: "Cho đến nay tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định đã làm đúng quy định của Nhà nước. Còn Đà Nẵng đã có ý kiến gửi Thủ tướng thì tôi không bình luận thêm mà chờ ý kiến chính thức của Chính phủ để có hướng xử lý". Chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho rằng, toàn bộ diện tích cấp cho dự án đều nằm trong quy hoạch Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được Thủ tướng phê duyệt năm 2008.
DSC-0039-4658-1416030658.jpg
Tuyến đường 5 km đã được trải nhựa dẫn từ đèo Hải Vân xuống khu vực triển khai dự án. Ảnh: Nguyễn Đông.
"Đèo Hải Vân là khu vực trọng điểm quân sự cấp độ 1 được Chính phủ quy định. Đất tại khu vực này muốn làm bất cứ việc gì phải báo cáo và được sự nhất trí của Bộ Quốc phòng để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ mới được làm", Trung tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu V, khẳng định. "Khu vực này cũng chưa phân định rõ ràng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu dừng lại rồi nhưng phía Thừa Thiên - Huế vẫn tự động cho doanh nghiệp nước ngoài làm dự án là không đúng quy định", ông nói thêm.
Tướng Chiêm cho hay, khu vực của dự án là trọng yếu về quốc phòng của Đà Nẵng nên Quân khu V đã có ý kiến gửi Bộ Quốc phòng, nêu quan điểm "dứt khoát không được làm", đồng thời đề nghị công an, Bộ chỉ huy quân sự Đà Nẵng tham mưu cho UBND thành phố Đà Nẵng có ý kiến trình Thủ tướng. "Tôi chưa nắm thông tin Chính phủ đã phản hồi hay chưa. Giới truyền thông đang phản ánh đúng tinh thần để giúp bảo toàn vị trí quân sự này", vị Tư lệnh nói.
Nguyên chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ nói: "Đây là câu chuyện chủ quyền, bởi Hải Vân là vị trí quốc phòng của quốc gia, không chỉ những người làm trong lĩnh vực quân sự mà những người dân bình thường đều nhìn nhận được. Tàu quân sự các nước khi đến Việt Nam lại chọn Đà Nẵng không phải là điều ngẫu nhiên. Muốn quản lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam bằng công nghệ ở đất liền thì chỉ cần đặt trên núi Hải Vân.
Đất Cửa Khẻm đang được giao cho doanh nghiệp Hong Kong được ví như cánh cửa của vịnh Đà Nẵng, nhìn thấu bán đảo Sơn Trà - mắt thần Đông Dương nên để doanh nghiệp này hoạt động thì nhất cử nhất động về quân sự ở Đà Nẵng đều bị thâu tóm. Từng chiếc máy bay hay tàu thuyền ra vào đều đếm được hết. Chúng ta mà mất cảnh giác là vô cùng nguy hiểm".
Đồng quan điểm, thượng tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, cho biết khu vực đèo Hải Vân chính là điểm quân sự then chốt và sẽ chia cắt đất nước trong trường hợp có chiến tranh. Theo phân tích của nhà quân sự này, về vị trí trên đất liền thì ai làm chủ được Hải Vân sẽ thâu tóm luôn Đà Nẵng và Huế. Còn về thế trận trên biển, Cửa Khẻm là điểm vươn xa nhất của đèo Hải Vân và gần nhất với đảo Hải Nam của Trung Quốc. Có được Hải Vân sẽ nắm quyền kiểm soát cả vùng biển.
Ông bày tỏ sự quan ngại đặc biệt vị trí Cửa Khẻm, bởi đây là nơi gần nhất với bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Một khi doanh nghiệp xây dựng dự án thì mọi bí mật của căn cứ quân sự vùng 3 Hải quân sẽ khó giữ được. Theo tướng Thước, Hải Vân có tầm quan trọng về quân sự nên phải tập trung trấn thủ.
Vị tướng này liên hệ ngay đến Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) và nói rằng nhẽ ra Thừa Thiên - Huế đã phải rút kinh nghiệm. "Hải Vân còn nguy hiểm hơn Vũng Áng với sự chia cắt hai miền Nam - Bắc. Đồng ý là phát triển kinh tế nhưng không thể vì kinh tế mà xem nhẹ quốc phòng. Ở vị trí chiến lược mà không đặt mục tiêu quốc phòng lên trên hết là rất nguy hiểm. Việc cấp phép này không phải là giúp ích mà làm cho kinh tế nước nhà đứng trước nguy cơ bị suy thoái", tướng Thước dự đoán.
DSC-0012-1998-1416030658.jpg
Công ty Thế Diệu đã cho xây dựng một căn nhà làm trụ sở tạm thời để triển khai dự án. Ảnh: Nguyễn Đông.
Từng giữ chức Chỉ huy phó Bộ Chỉ huy Quân sự Đà Nẵng, đại tá Thái Thanh Hùng - Chủ tịch Hội cựu chiến binh Đà Nẵng, nhận định việc cấp phép cho đối tác nước ngoài vào xây dựng ở vị trí trọng yếu nhất của đèo Hải Vân không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phòng thủ ở miền Trung mà còn cho cả nước. Dẫn chứng lịch sử thời điểm đất nước bị xâm lược, cả Pháp và Mỹ đều chọn Hải Vân làm nơi đổ bộ đầu tiên, ông Hùng nói dứt khoát không thể để doanh nghiệp nước ngoài xây dựng dự án ở đây.
Ông Hùng cho rằng việc phân chia địa giới của Đà Nẵng và Huế ở thời điểm hiện tại không quan trọng bằng việc Chính phủ sớm chỉ đạo xử lý để dừng dự án World Shine lại. "Đây là vấn đề của quốc gia, phải kiên quyết phản đối. Về khái niệm thì kinh tế mạnh ắt quốc phòng sẽ mạnh, nhưng chưa chắc. Thời điểm này kinh tế Việt Nam chưa mạnh nhưng quốc phòng phải mạnh", ông nói.
Theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine triển khai từ năm 2013 đến 2023, gồm có khu nghỉ mát tiêu chuẩn 5 sao công suất 450 phòng, khu nhà nghỉ dưỡng năm tầng với 220 căn hộ cao cấp, 350 căn hộ biệt thự, trung tâm hội nghị quốc tế 2.000 chỗ ngồi, khu dịch vụ, nhà hàng, bãi tắm...
Nguyễn Đông