Trang

25 tháng 10, 2014

Bạn hay thù?

Báo TQ xuyên tạc: Đoàn Tướng Việt Nam sang TQ để cầu hòa

(GDVN) - Bài viết tập trung phân tích các nhân tố giúp Việt Nam kiên quyết với TQ trong vấn đề Biển Đông, nhưng lộ rõ mưu đồ xuyên tạc cũng như bản chất xâm lược của TQ
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh vừa có chuyến thăm Trung Quốc
Trang mạng sina Trung Quốc ngày 23 tháng 10 đăng bài viết nhan đề "Vì sao Quân đội Việt Nam bất ngờ thăm Trung Quốc cầu hòa, Mỹ có hỗ trợ lớn hơn". Để khách quan nhất, báo GDVN xin đăng tải toàn bộ nội dung bài báo để độc giả rộng đường tham khảo.
Theo bài báo, ngày 17 tháng 10, tại Bắc Kinh, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã tổ chức hội đàm với Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh, hai bên đã đạt được đồng thuận “nguyên tắc 3 điểm” về việc tiếp tục phát triển quan hệ quân sự hai nước. Ba điểm đồng thuận này là:
Một, căn cứ vào phương châm 16 chữ "ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện" và tinh thần 4 tốt "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt", từng bước khôi phục và thúc đẩy quan hệ quân sự hai nước phát triển lành mạnh ổn định.
Hai, quân đội hai nước tăng cường đoàn kết, tiến hành bảo đảm vững chắc cho củng cố địa vị cầm quyền của Đảng Cộng sản, bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hai nước.
Ba, tuân thủ đồng thuận quan trọng liên quan của các nhà lãnh đạo hai đảng, hai nước Trung-Việt, phát huy vai trò quan trọng trong việc xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển, bảo vệ cục diện hòa bình, ổn định.
Trung Quốc kéo giàn khoan dầu khí Hải Dương Thạch Du 981 và một lực lượng quân sự, bán quân sự quy mô lớn vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam nhằm thực hiện mưu đồ ăn cướp trắng trợn biển đảo của Việt Nam (ảnh tư liệu).
Bài báo cho rằng, từ đầu năm 2014 đến nay, quan hệ Trung-Việt nhiều lần xảy ra vấn đề, quan hệ Trung-Việt tiếp tục bị thách thức nghiêm trọng. Hơn nữa, từ đầu năm đến nay, các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn thể hiện cứng rắn, đặc biệt là thể hiện tư thế quyết không nhượng bộ trong vấn đề Biển Đông.
Luận điệu xuyên tạc cho rằng: Trong bối cảnh này, Phó bí thư Quân ủy Trung ương đại diện cho Đảng Cộng sản và Quân đội Việt Nam tại sao lại bất ngờ thăm Bắc Kinh “cầu hòa”? Dưới đây có một số phân tích vắn tắt.
Tiếp tục thói quen “gắp lửa bỏ tay người”, báo Trung Quốc cho rằng, từ khi Mỹ thực hiện chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, tình hình Biển Đông bắt đầu bất ổn. Ở Biển Đông, 2 nước rõ ràng đã có thái độ "rất không hữu nghị" với Trung Quốc là Philippines và Việt Nam.
Đối với Philippines, Trung Quốc chủ yếu để ý đến tình hình Mỹ đóng quân ở nước này, thực lực của bản thân Philippines quá yếu, khó gây ra sóng lớn. Trên thực tế, mấy năm gần đây, Philippines "nhảy lên" càng cao, thiệt hại thực tế càng lớn, đất nước hoàn toàn không đạt được lợi ích thực tế.
So với Philippines, Việt Nam thì khác. Theo bài báo, Việt Nam cách Trung Quốc gần, thực lực quân sự mạnh, đã tạo ra “mối đe dọa” nhất định đối với "an ninh của Trung Quốc ở Biển Đông". Hơn nữa, Việt Nam "chiếm đảo đá của Trung Quốc" ở Biển Đông nhiều nhất (thực tế là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, còn Trung Quốc là kẻ xâm lược, bành trướng lãnh thổ).
Bài báo nói thêm, Việt Nam đã có rất nhiều mỏ dầu ở Biển Đông, giá trị kinh tế của những mỏ dầu này năm 2010 đã chiếm 30% GDP của Việt Nam. Vì vậy, có thể thấy, Biển Đông đem lại lợi ích thực tế thực sự cho Việt Nam. Báo Trung Quốc cho đây chính là “nguyên nhân căn bản” tại sao vào tháng 5 năm 2014, khi giàn khoan dầu khí Trung Quốc thăm dò dầu mỏ ở Biển Đông (vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam), Việt Nam không tiếc tiến hành "đối đầu, quấy rối" (thực tế là Việt Nam thực thi pháp luật tại các khu vực có chủ quyền chính đáng của mình) trên biển quy mô lớn với Trung Quốc.
Trung Quốc khủng bố Việt Nam ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam (ảnh tư liệu)
Nhưng, theo bài báo, đương nhiên, "ân oán" giữa Trung-Việt cũng không đơn giản như vậy, cũng tuyệt đối không chỉ là nhân tố kinh tế, nhân tố lãnh thổ, mà còn pha trộn nhân tố lịch sử, nhân tố địa-chính trị và nhân tố nội bộ của Việt Nam (trên thực tế, suy cho cùng, nhân tố quan trọng nhất chính là Trung Quốc muốn ăn cướp toàn bộ biển đảo của Việt Nam và nước khác ở Biển Đông).
Báo Trung Quốc cho rằng, nhân tố lịch sử rất dễ lý giải, Trung-Việt trong thời kỳ Hồ Chí Minh là quan hệ "đồng chí + anh em". Bài báo tự nhận là, Đảng Cộng sản Việt Nam "trỗi dậy" dưới sự "nâng đỡ" của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Trung Quốc càng “dốc sức” viện trợ Việt Nam, giá trị các loại vật tư Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam là “20 tỷ nhân dân tệ” (bài báo nhấn mạnh, vào thời điểm đó Trung Quốc còn rất nghèo mà lại viện trợ nhiêu như vậy), đã cử "mấy trăm nghìn quân" tiến hành chi viện.
Nhưng, cùng với quan hệ Trung-Xô đoạn tuyệt và quan hệ Trung-Mỹ ấm lên vào cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, giữa Trung-Việt bắt đầu "rạn nứt", cộng với Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời vào năm 1969... quan hệ Trung-Việt cũng bắt đầu đi xuống.
Bài báo tuyên truyền xuyên tạc cho rằng, vào thập niên 1970, dưới sự hỗ trợ của Liên Xô, Chính phủ Việt Nam (thống nhất nam bắc) bắt đầu "cắt đứt" với Trung Quốc. Thậm chí bài báo bịa đặt trắng trợn cho là Việt Nam còn chuẩn bị thông qua "chiến tranh" kiểm soát toàn bộ Đông Dương, và Liên Xô giúp Việt Nam "xâm lược nước khác, chiếm toàn bộ bán đảo Đông Dương" là do Liên Xô muốn tạo thế "bao vây chiến lược" đối với Trung Quốc.
Tàu Kiểm ngư KN 951 của Việt Nam sau khi bị Chính phủ Trung Quốc chỉ đạo khủng bố vũ lực
Bài báo cho rằng, vì cái cớ nêu trên, Trung Quốc cuối cùng đã phát động cái gọi là "cuộc chiến tranh phản kích tự vệ" đối với Việt Nam (thực chất đây là một cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam vào năm 1979, gây ra bao đau thương cho nhân dân Việt Nam).
Theo bài báo, từ đó, Trung Quốc và Việt Nam đã chuyển hoàn toàn từ quan hệ"đồng chí + anh em" sang quan hệ đối đầu. Loại quan hệ này kéo dài cho đến khi Liên Xô sụp đổ, Việt Nam mới "chịu sức ép", xây dựng lại quan hệ ngoại giao với Trung Quốc (kẻ xâm lược miền bắc Việt Nam năm 1979, xâm lược biển đảo Việt Nam năm 1974, 1988…).
Bài báo cho rằng, Trung Quốc và Việt Nam tuy đều có chế độ xã hội chủ nghĩa, đều từng cùng chống Mỹ, nhưng quan hệ Trung-Việt khó nói là "sắt". Hơn nữa, do nhân tố lịch sử, giữa Trung-Việt thiếu lòng tin thực sự.
Hơn nữa, Việt Nam đã "chiếm rất nhiều đảo đá của Trung Quốc" ở Biển Đông (thực tế là trái ngược, Trung Quốc mới chính là kẻ xâm lược biển đảo của Việt Nam và tự nhận hầu hết Biển Đông về nó), cảnh giác hơn với (mưu đồ và hành động xâm lược) của Trung Quốc. Do đó, Việt Nam luôn tìm cách dựa vào nước lớn để có được "con bài" cân bằng với sức ép chính trị (mưu đồ đen tối) từ Trung Quốc.
Bài báo cho rằng, năm 2010, khi Mỹ thực hiện chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam đã nhìn thấy cơ hội. Do có vị trí địa lý (quan trọng, chiến lược), Việt Nam muốn tận dụng thời cơ Mỹ quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, “mượn sức mạnh của Mỹ để cân bằng với Trung Quốc”. Đối với Mỹ, nếu như Trung Quốc nắm được Biển Đông thì đã nắm hoàn toàn yết hầu (cổ họng) thương mại giữa Đông Á với bên ngoài.
Trong khi đó, khi Mỹ và phương Tây nhập khẩu hàng hóa của Đông Á và xuất khẩu hàng hóa tới Đông Á, tàu thương mại đều phải đi qua Biển Đông, điều này làm cho Mỹ rất lo ngại, cũng là nguyên nhân căn bản Mỹ tìm cách quay trở lại Philippines, tận dụng đầy đủ Việt Nam để chống lại Trung Quốc. Do sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ, tầm quan trọng địa-chính trị của Việt Nam bắt đầu lại tăng lên, Việt Nam cũng bắt đầu tìm cách tận dụng điều đó để có được cân bằng địa-chính trị.
Tàu cá Việt Nam sau khi bị Trung Quốc cho phép khủng bố vũ lực tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (ảnh tư liệu)
Bài báo võ đoán cho rằng, đương nhiên, Việt Nam cứng rắn với Trung Quốc còn có nhân tố chính trị bên trong của họ. Bài viết đã bàn lung tung về việc phân chia quyền lực giữa các cơ quan đảng-nhà nước-chính phủ của Việt Nam, đó là những quan điểm võ đoán và xuyên tạc, có ý đồ nói xấu Việt Nam, kích động chia rẽ nội bộ Việt Nam. Bài báo coi nhân tố bên trong này đã ảnh hưởng tương đối lớn đến quan hệ Trung-Việt.
Báo Trung Quốc cho rằng, ngày 26 tháng 8 năm 2014, để khôi phục quan hệ Trung-Việt, Thường trực Ban bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Hồng Anh đã sang Trung Quốc. Nhưng, theo bài báo, quan hệ Trung-Việt vừa dịu lại thì Mỹ lại dùng "chiêu mới" để thách thức. Cuối tháng 9, Mỹ tuyên bố chuẩn bị dỡ bỏ cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam vào cuối năm 2014, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Điều này có tác động rất mạnh, thậm chí Mỹ chuẩn bị bán máy bay trinh sát săn ngầm P-3C cho Việt Nam. Loại trang bị quân sự cao cấp này trước đây Mỹ chỉ bán cho đồng minh, trong khi đó Việt Nam và Mỹ thậm chí còn "chưa tin nhau hoàn toàn".
Báo Trung Quốc dùng lời đường mật chia rẽ và xuyên tạc cho rằng, Mỹ sở dĩ làm như vậy là để "kích động Việt Nam nhiệt tình chống Trung Quốc", "tiếp tục thách gây căng thẳng ở Biển Đông". Ý của Mỹ là, nếu cần, Mỹ có thể coi Việt Nam là "đồng minh", thậm chí đánh nhau với Trung Quốc.
Về phản ứng của Việt Nam, khi đang tham dự hội nghị ở Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã trả lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry rằng, hoan nghênh Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Điều này Trung Quốc không cần phải lo ngại, bởi vì Việt Nam không mua vũ khí của Mỹ thì cũng mua vũ khí của nước khác. Bài báo chộp lấy phát biểu này mà cho rằng, điều này cho thấy rõ "Việt Nam chắc chắn sẽ phân cao thấp với Trung Quốc ở Biển Đông, nhất định sẽ vũ trang cho bản thân". Bài báo muốn chia rẽ nội bộ Việt Nam, cho rằng, phản ứng từ phía Đảng và Quân đội Việt Nam không mạnh mẽ như vậy (...).
Trung Quốc đang tổ chức lấn biển xây đảo quy mô lớn một cách bất hợp pháp ở các đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong hình là đá Gaven (ảnh tư liệu)
Theo bài báo, Trung Quốc hiện nay đang lấn biển, xây dựng rầm rộ (bất hợp pháp) ở 6 đá ngầm (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) trên Biển Đông, những đá ngầm này đều sẽ là "căn cứ quân sự" của Trung Quốc (dùng cho chiến tranh xâm lược tương lai). Có căn cứ sẽ có quy mô như căn cứ quân sự Diego Garcia của Mỹ ở Ấn Độ Dương.
Bài báo cho rằng, quyết tâm (ăn cướp toàn bộ biển đảo) ở Biển Đông của Trung Quốc rất rõ ràng, đó chính là muốn kiểm soát thực tế (bất hợp pháp), tránh để Mỹ can thiệp Biển Đông. Muốn làm được điều này, bài báo đề xuất cho rằng, Trung Quốc cần có năng lực quân sự mạnh ở Biển Đông.
Bởi vì, bài báo tưởng tượng viển vông cho rằng, Biển Đông vừa là "cơ sở năng lượng" tương lai của Trung Quốc, vừa là nút địa-chính trị quan trọng hội nhập với ASEAN của Trung Quốc, thậm chí là nút trung tâm kiểm soát tuyến đường hàng hải Đông Á và phương Tây của Trung Quốc, Trung Quốc chỉ có nắm được những con bài này, việc mặc cả về thương mại với phương Tây mới có quyền chủ động cân bằng.
Bởi vì, khi Mỹ có năng lực cắt đứt tuyến đường hàng hải vận chuyển tài nguyên tới Trung Quốc, Trung Quốc cũng cần có năng lực tiến hành đáp trả. Nếu không, trong những thời điểm quyết định sẽ không có cách gì chống đỡ nổi, sẽ bị người khác kiềm chế. Đương nhiên, Trung Quốc làm như vậy cũng còn để "bảo vệ quyền lợi lãnh thổ và lãnh hải" (Trung Quốc sẽ không bao giờ có được lãnh thổ, lãnh hải dưới đảo Hải Nam một cách hợp pháp).
Quyết tâm của Trung Quốc ở Biển Đông là “chiến lược toàn cầu”, là “lợi ích cốt lõi”, là “không thể thay đổi”. Những “lợi ích cốt lõi” (đi ăn cướp) này tất nhiên xảy ra xung đột với lợi ích hiện thực của Việt Nam, bởi vì Việt Nam (có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và) đã thu được lợi ích to lớn từ khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Trên thế giới, chưa có nước nào mời thầu dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước khác, của Trung Quốc. Hơn nữa, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh còn nhấn mạnh: Chưa nước ASEAN nào kéo giàn khoan vào vùng biển thềm lục địa của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế. Nhưng, Trung Quốc đã có cả hai hành vi vô đạo này ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam (ảnh tư liệu)
Bài báo vẫn ngang nhiên coi các đảo đá ở Biển Đông là của Trung Quốc, cho rằng, nếu Việt Nam sẵn sàng ngồi xuống đàm phán, hai bên có thể tìm được một phương thức thỏa hiệp “tương đối có lợi và cùng thắng”. Trái lại, nếu Việt Nam "lấy làm của riêng", Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả. Như vậy, về khách quan, Trung Quốc và Việt Nam “tồn tại khả năng xung đột quân sự, thậm chí dẫn tới chiến tranh ở Biển Đông”. Đặc biệt, khi Chính phủ Việt Nam mà bài báo bịa đặt ra cái gọi là "thân phương Tây".
Bài báo cho rằng, trong tình hình này, Đảng Cộng sản Việt Nam cử Phó bí thư Quân ủy Trung ương sang thăm Trung Quốc và đạt được 3 đồng thuận nêu trên với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, là "thuốc an thần" mà Quân đội Việt Nam trao cho phía Trung Quốc "ăn", ý là nói Việt Nam sẽ không thách thức lợi ích chiến lược của Trung Quốc, Việt Nam sẵn sàng duy trì hợp tác với Trung Quốc...
Đồng thời, việc Trung Quốc cho xây dựng quy mô lớn (bất hợp pháp) ở Biển Đông cũng làm cho Việt Nam lo ngại. Bài báo cho rằng, Việt Nam vừa không có khả năng ngăn chặn Trung Quốc, vừa không có khả năng xây dựng quy mô lớn ở Biển Đông như Trung Quốc. Việt Nam hoàn toàn không biết rõ ý đồ của Trung Quốc nên đã cử quan chức quân sự cấp cao đến thăm dò chiến lược Biển Đông của Trung Quốc.
Bái báo này viết: Nhưng, hiện nay, Việt Nam đã khác nhiều so với trước đây, người dân Việt Nam một phần có tư tưởng "chống Trung Quốc", đặc biệt là miền Nam - nơi có kinh tế phát triển. Vì vậy, điều này sẽ tác động đến tương lai của quan hệ Trung-Việt, Mỹ-Việt. Hơn nữa, chiến lược quốc gia của Trung Quốc là "không thay đổi trước thái độ của Việt Nam".
Việt Nam tăng cường quan hệ với các nước lớn, trong đó có Mỹ (ảnh tư liệu)
Cho nên, bài báo tiếp tục “quân sư” cho Bắc Kinh rằng, Trung Quốc vẫn cần đẩy nhanh xây dựng hạ tầng (bất hợp pháp) ở Biển Đông, tăng cường năng lực kiểm soát thực tế và bố trí quân sự (bất hợp pháp) đối với Biển Đông. Đồng thời, Trung Quốc còn phải làm tốt chuẩn bị "dụng binh" (xâm lược) ở Biển Đông, bởi vì một khi có sự, Trung Quốc phải “kiểm soát tuyệt đối Biển Đông”.
Bài báo cho rằng, điều Trung Quốc đặc biệt cần tránh là “Việt Nam và Mỹ kết thành liên minh đối đầu với Trung Quốc”, cho dù hiện nay còn chưa lộ rõ dấu hiệu này, nhưng, nhìn vào việc Chính phủ Việt Nam “hưởng ứng tích cực” việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam, một khi giành được sự ủng hộ lớn hơn của Mỹ, Việt Nam rất có thể sẽ tiếp tục thay đổi thái độ, “thách thức thực sự” đối với Trung Quốc. Trung Quốc phải chuẩn bị tâm lý đầy đủ đối với vấn đề này.

24 tháng 10, 2014

Lương, tiền, bộ máy...vòng luẩn quẩn gỡ được không?

- Cứ mỗi lần Quốc hội họp lại được nghe những lời tâm huyết của các vị đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất về những bất cập trong bộ máy nhà nước.

Nào là tổ chức bộ máy cồng kềnh, biên chế nhiều, tham nhũng không giảm mà lại gia tăng. Trong khi định cải cách lương cán bộ, công chức thì lại không biết lấy tiền ở đâu.
Rất nhiều sáng kiến được đưa ra. Thậm chí có sáng kiến từ khá lâu, nhưng chưa được thực hiện. Cũng có những sáng kiến mới. Cái nào cũng thấy đúng cả, nên làm cả. Nhưng lạ một điều là mọi thứ sau đó cứ thế âm thầm trôi qua và đến kỳ họp sau của Quốc hội, khi bàn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì lại được nghe lương công chức như vậy là không đủ sống, lỡ mấy lần chưa cải cách, lần này phải làm.
Phải làm, nhưng làm thì tiền đâu để tăng lương, mà bộ máy lớn như thế này thì phải thu nhỏ lại đã, cán bộ, công chức đông thế này thì phải giảm đã, nếu không thì tiền thuế của dân cũng không nuôi nổi… Đúng là cái vòng luẩn quẩn, cứ thít mãi khó mà gỡ ra được!
lương, biên chế, cải cách, tham nhũng, công chức, lợi ích nhóm
Hai đại biểu QH TP.HCM - Nguyễn Thị Quyết Tâm và Trần Du Lịch, tại phiên họp tổ ngày 21/10, đề cập việc tính toán lại bộ máy. Ảnh: Lê Anh Dũng
Mà điều hay lại chính là ở chỗ ta quen dần với cái vòng đó, một bộ phận không biết là to hay nhỏ có vẻ lại thích cái vòng này, ai nói cứ nói, ta cứ vẫn tồn tại, vẫn sống được trong phạm vi cái vòng luẩn quẩn hay hay này.
Mấy chục năm qua, ít nhất cũng có vài đợt giảm biên chế, lần giảm biên gần nhất là lần chế độ, chính sách giảm biên rộng rãi, hào phóng nhất.
Tuy nhiên, tất cả các đợt giảm biên đều không đạt mục tiêu, kết quả đề ra, mà Nhà nước còn mất một khoản chi đáng kể từ ngân sách.
Dưới góc độ lý thuyết, ý kiến của các vị đại biểu về giải pháp, biện pháp cải cách đều đúng cả. Nhưng từ góc độ thực tiễn thì rất khó khả thi. Đây chính là một trong những đặc trưng của hệ thống chính trị - hành chính Việt Nam.
Cái thực tiễn đó là: Nhiều thứ đưa ra rất đúng, rất phù hợp, nhưng lại không triển khai được. Làm thế nào để bộ máy nhà nước gọn lại, ít người đi. Văn kiện Đại hội XI nói rất chuẩn: Nhà nước chỉ tổ chức cung ứng các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cho xã hội mà khu vực kinh tế tư nhân chưa làm được hoặc không muốn làm.
Nếu hỏi các nhà lý luận về kinh tế, về nhà nước, về hành chính công của các nước phát triển thì chắc ai cũng phải đồng ý và khen hay. Hay như thế nhưng hầu như rất khó triển khai có kết quả. Đã có một bộ nào, một tỉnh nào áp nguyên tắc này vào để xem những việc mình đang làm - hàng hóa, dịch vụ - có cái nào thôi không cần làm nữa, để khu vực tư nhân, để xã hội tự lo hay chưa? Hãy đưa nguyên tắc này vào xem doanh nghiệp nhà nước nào thực sự cần tồn tại, doanh nghiệp nào thì thôi...
Như vậy là nói thì rất hay, nhưng làm thì chưa được.
Ẩn đằng sau cái không làm được này chính là câu chuyện lợi ích: lợi ích cá nhân, lợi ích bè bạn, đồng nghiệp, lợi ích gia đình, lợi ích cấp trên... và bây giờ còn thêm câu chuyện lợi ích nhóm. Chính những cái này đang làm cho hệ thống hành chính của chúng ta mang dấu ấn của một hệ thống hành chính "quan hệ".
Và quay trở lại câu chuyện phá cái vòng luẩn quẩn này, có lẽ xin làm thử bằng một cách khác, trong khi tự chúng ta chưa đủ bản lĩnh, đủ dũng khí và can đảm để làm, đó là: mời hay thuê một nhóm chuyên gia trong nước và nước ngoài vào tư vấn về một vài bộ.
Giả dụ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng đang làm những việc như thế này, bộ máy tổ chức hành chính là thế này, các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc là như thế này, đội ngũ cán bộ, công chức , viên chức là như thế này…Theo các ông thì nên như thế nào là chuẩn, là phù hợp. Mà nguyên tắc chỉ đạo như vừa nêu trên đây thì quá chuẩn rồi, mời các ông áp thử vào.
Chúng ta hãy thử một lần nghe ý kiến đề xuất của chuyên gia kiểu này xem sao. Làm theo hay không lại là câu chuyện khác. Rất có thể từ đó, cái vòng luẩn quẩn lương, tiền, biên chế, bộ máy… sẽ bị bung ra, sẽ bị chặt đứt và nhiều thứ mới trở lại đúng nguyên nghĩa của chúng.
Đinh Duy Hòa

Cao tốc TP.HCM-Trung Lương sai nghiêm trọng: Truy tới cùng?

(Tin tức thời sự) - Thanh tra Bộ GTVT đã phát hiện nhiều tồn tại, sai sót nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng công trình này, sau khi kiểm tra đột xuất.

Trước những sai phạm, Thanh tra Bộ GTVT kiến nghị phải làm rõ trách nhiệm, đưa ra hình thức xử lý đối với các đơn vị để xảy ra sai phạm. Cụ thể, xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân theo phân cấp và theo từng thời kỳ bao gồm: Tổng Giám đốc, lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, các phòng nghiệp vụ và cá nhân có liên quan đến dự án.
Tổ chức tư vấn giám sát, tư vấn trưởng, tư vấn giám sát hiện trưởng, để xảy ra những sai sót, vi phạm trong công tác thi công, quản lý chất lượng, nghiệm thu.
Đồng thời, Thanh tra Bộ yêu cầu tạm dừng thanh toán các kinh phí còn lại của dự án để các đơn vị khắc phục sửa chữa đạt yêu cầu mới cho thanh toán, quyết toán.
Cụ thể, tại kết luận thanh tra do ông Lê Thanh Hà, Chánh Thanh tra Bộ GTVT ký ngày 26/9/2014 khẳng định: “Tại hạng mục thi công có hiện tượng nứt vỡ bê tông trên xà mũ (dầm ngang) tại 2 trụ T112 và T203 thuộc phạm vi cầu cạn đoạn từ km13 +900 - km18+940.
Kiểm tra chi tiết hơn, tại các vị trí nứt vỡ bê tông bảo vệ xà mũ của các trụ không có lớp đệm 20mm như thiết kế bản vẽ thi công, hoặc nếu có thì chiều dày lớp đệm chỉ dày từ 1mm - 4mm.
Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đoạn qua Tân An, Long An.
Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đoạn qua Tân An, Long An.
Đối chiếu với hồ sơ thiết kế, Thanh tra Bộ GTVT phát hiện, tư vấn thiết kế ghi rất vắn tắt và khá “mập mờ” 20mm lớp đệm giữa đáy ụ chống xô và bề mặt xà mũ. Trong khi đó, thiết kế bản vẽ tiêu chuẩn được duyệt chỉ ghi 20mm lớp đệm bằng Celotex hoặc lớp tương đương.
Nhưng, thực tế lớp đệm được thi công bằng giấy dầu và không đủ chiều dày, cự ly không đúng theo thiết kế kỹ thuật được phê duyệt.
Kiểm tra hồ sơ hoàn công dầm ngang, xà mũ trụ T112 và trụ T203 cho thấy, không có đề cương của tư vấn giám sát. Biên bản nghiệm thu lớp đệm đều nghiệm thu là vật liệu Celotex dày 20mm theo đúng bản vẽ thiết kế. Trong khi đó, không có một văn bản nào chứng minh chủ đầu tư và tư vấn giám sát đã chấp thuận cho thay thế lớp đệm Celotex bằng giấy dầu.
“Điều này là nghiêm trọng bởi đây là tuyến cao tốc, yêu cầu kỹ thuật thiết kế rất cao”, ông Lê Thanh Hà đánh giá.
Trước đó, năm 2011, mặt đường cao tốc TP HCM - Trung Lương ở nhiều đoạn đã có biểu hiện xuống cấp. Mặt đường bị lồi lõm, ổ gà, ổ voi, làm cho các loại xe lưu thông qua lại nơi đây rất khó khăn.
Đường cao tốc TP. HCM-Trung Lương được được khởi công từ tháng 12/2004 và thông xe vào tháng 2/2010. Tuyến đường dài 61,9km, vận tốc thiết kế 120km/giờ với 8 làn xe có tổng kinh phí đầu tư 9.884 tỷ đồng.
Nhớ lại, năm 2012, khi được Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) phản ánh, theo đánh giá của cử tri, hiện nay tất cả các công trình xây dựng giao thông trên địa bàn cả nước do Bộ Giao thông Vận tải và địa phương làm chủ đầu tư chất lượng đều kém, nhưng kinh phí thì cao, vị rút ruột nhiều đến 30 -40% kinh phí dự án.
"Bộ trưởng đã chỉ đạo thanh tra kiểm tra chất lượng và sự rút ruột công trình chưa, nếu có thì kết quả thế nào, biện pháp khắc phục trong thời gian tới?", ông Tiếp chất vấn.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá, trong thời gian qua, các dự án xây dựng giao thông hoàn thành đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng và đưa vào sử dụng đạt hiệu quả, đáp ứng sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và những vùng, địa phương nơi có công trình, dự án nói riêng.
Tuy nhiên, tại một số công trình, dự án khi đưa vào sử dụng đã xuất hiện một số tồn tại, khiếm khuyết về chất lượng làm hạn chế khả năng khai thác của công trình gây bức xúc trong xã hội.
Bộ trưởng cũng cho biết, để đánh giá đúng nguyên nhân hư hỏng, khiếm khuyết, xác định trách nhiệm của các bên liên quan đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chủ đầu tư đánh giá đúng nguyên nhân chỉ đạo khắc phục và xử lý các chủ thể tham gia.
"Chưa kiểm tra chưa phát hiện việc rút ruột công trình", Bộ trưởng cho biết.
Thái Linh(Tổng hợp)

Không quân TQ thua xa Mỹ, vẫn còn phụ thuộc Nga

(Bình luận quân sự) - Tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng không quân chiến thuật Trung Quốc vẫn còn một khoảng cách rất xa mới đuổi kịp hai ông lớn Nga, Mỹ.

Trung Quốc nỗ lực xây dựng lực lượng không quân hùng mạnh
Vào năm 2011, Trung Quốc đã khoe khoang một video công nghệ máy bay chiến đấu phản lực mới, rất giống một đoạn trong bộ phim “Top Gun” của Mỹ. Bộ phim bom tấn của năm 1986 này hiện đã được người Trung Quốc thêm vào một tình tiết tương tự là các phi công nước này đã vượt qua đối thủ, nhái “y chang” diễn xuất của Tom Cruise.
Ngay từ khi trở thành Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương vào tháng 11-2011, ông Tập Cận Bình đã tập trung nâng cao sức mạnh cho lực lượng không quân. Trong chuyến đi thăm đơn vị không quân ở Bắc Kinh tháng 4-2014, ông Tập đã kêu gọi chỉ huy và chiến sỹ “nhanh chóng xây dựng một lực lượng không quân nhân dân mạnh mẽ, làm chủ bầu trời, công thủ toàn diện”.
Giới truyền thông Trung Quốc cho biết, bốn năm vừa qua là “thời kỳ hoàng kim” của không quân nước này, đạt được những đỉnh cao về nhiều mặt, bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 đầu tiên do Trung Quốc tự chế tạo là J-20 vào năm 2011 và Y-20 - chiếc máy bay vận tải tầm xa đầu tiên vào năm 2013.
Ngoài ra, Trung Quốc còn đang phát triển năng lực tấn công tầm xa bằng cách mở rộng phạm vi hoạt động của các máy bay ném bom chiến lược, máy bay tiêm kích bằng cách phát triển lực lượng máy bay cảnh báo sớm, máy bay tiếp dầu trên không và phát triển các loại vũ khí tấn công tầm xa trên máy bay.
Báo giới Trung Quốc đánh giá, 4 năm qua là “thời kỳ hoàng kim” của không quân nước này
Báo giới Trung Quốc đánh giá, 4 năm qua là “thời kỳ hoàng kim” của không quân nước này
Trung Quốc đã phát triển phương thức tiếp dầu đồng đội (máy bay chiến đấu tiếp dầu cho nhau) và cải tạo máy bay tiếp dầu HY-6 (biến thể tiếp dầu trên không của máy bay ném bom H-6), nhờ Nga hoán chuyển máy bay vận tải hạng nặng Il-76 thành máy bay tiếp dầu Il-78, trang bị thêm chức năng tiếp dầu cho Y-20.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng dạm mua máy bay vận tải và máy bay tiếp dầu thế hệ mới Il-476/Il-478 của Nga, đồng thời nỗ lực phát triển các máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm trên không (AEW&C) họ KJ (KJ-500/2000) nhằm nâng cấp thần tốc khả năng phục vụ, bảo đảm tác chiến tầm xa cho lực lượng không quân.
Song song với nỗ lực tự nghiên cứu, chế tạo mới các chiến đấu cơ hiện đại, Trung Quốc còn lấp chỗ trống trong giai đoạn chờ đợi bằng cách hỏi mua thêm hàng chục máy bay chiến đấu thế hệ 4++ của Nga là Su-35 Flanker E, có tính năng tiệm cận chiến đấu cơ thế hệ 5 để thị uy với các nước trong khu vực.
Theo đánh giá của Lầu Năm Góc hồi tháng 6 vừa qua, “Không quân Trung Quốc đang nỗ lực hiện đại hóa với quy mô chưa từng có trong lịch sử. Năng lực trên hàng loạt các phương diện như máy bay, chỉ huy và kiểm soát, phương tiện gây nhiễu, tác chiến điện tử và thông tin số liệu đều đã được mở rộng và nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với không quân phương Tây”.
Máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 của không quân Trung Quốc
Máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 của không quân Trung Quốc
Tuy nhiên, đánh giá về lực lượng tác chiến trên không Trung Quốc hiện nay, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, về số lượng tuy đã có thể vượt qua Nga, nhưng về chất lượng và phân bổ hợp lý cơ cấu lực lượng thì Bắc Kinh vẫn còn kém Moscow rất xa chứ đừng nói là Washington, không quân nước này cũng không hề có 1 chút nào kinh nghiệm thực chiến.
Không quân Trung Quốc không so được với Nga, Mỹ
Các số liệu trong báo cáo của Bộ quốc phòng Mỹ cho thấy, Hoa Kỳ vẫn là nước đứng đầu thế giới về tiềm lực không quân, với tổng số 2.740 chiếc máy bay chiến đấu, Trung Quốc đứng thứ 2, với 1.453 chiếc, Nga xếp thứ 3 với 1.438 chiếc.
Số lượng máy bay mà Không quân Trung Quốc đang sở hữu thoạt nhìn thì có vẻ nhiều nhưng với một đất nước có diện tích lớn thứ 3 thế giới (hơn 9,5 triệu km2) thì lại là không nhiều. Ngoài ra, so sánh không quân của các nước không chỉ dựa vào số lượng máy bay mà còn dựa vào chất lượng máy bay, diện tích đất nước, phạm vi bảo vệ của mỗi máy bay.
Thực tế, số lượng máy bay Trung Quốc không là gì so với Mỹ. Chỉ tính riêng số máy bay trang bị trên 10 tàu sân bay khủng (mỗi tàu mang 90 chiếc) và hàng chục tàu đổ bộ tấn công (mỗi tàu từ 8-10 chiếc) thì số máy bay của không quân hải quân Mỹ đã 2/3 số lượng máy bay chiến đấu của Trung Quốc, mà chất lượng thì hơn hẳn.
Không quân Trung Quốc vẫn còn trên dưới 800 “ông lão” giống như J-7
Không quân Trung Quốc vẫn còn trên dưới 800 “ông lão” giống như J-7
Trung Quốc có thể dễ dàng vươn lên vị trí thứ hai thế giới nếu xét về số lượng, nhưng thực tế, chất lượng của không quân Trung Quốc còn phải chạy dài mới tương xứng với vị trí thứ này.
Theo số liệu của Jane’s Defence Weekly, tính đến hết năm 2013, Trung Quốc còn đang sử dụng khoảng gần trên dưới 800 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 2 chất lượng quá kém như J-7, J-8, Q-5E..., là hàng nhái của Mig-19 và Mig-21, được Nga chế tạo từ những thập niên 60 thế kỷ trước.
Số máy bay này trên thực tế chỉ có tác dụng làm tăng số lượng kho vũ khí không quân Trung Quốc chứ không có khả năng đối phó với các máy bay chiến đấu hiện đại đang sử dụng trong không quân Mỹ như F-22 Raptor, F-18 E/F Super Hornet, F-16 C/D và của Nga là Su-30SM, Su-34, Su-35...
Hiện Trung Quốc chỉ có vài trăm chiếc J-10, J-11, JH-7 là sánh ngang các chiến đấu cơ thế hệ 4 đời đầu của các cường quốc khác. Ngoài ra, họ cũng chỉ có số lượng nhỏ các máy bay tiêm kích Su-27 và Su-30MKK mua sắm của Nga là có tính năng tác chiến tương đối tốt.
Máy bay chiến đấu J-11 của không quân Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-11 của không quân Trung Quốc
Dự kiến trong thời gian khoảng 10 năm tới Trung Quốc mới thay thế hết các chiến cơ thế hệ cũ bằng các loại máy bay mới hiện đại hơn như J-10B, J-16, J-11BH, J-15. Chắc chắn là khi đó các tiêm kích siêu hiện đại như Su-35, T-50 của Nga đã được trang bị hàng loạt, còn không quân Mỹ cũng đã tràn ngập các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 là F-35.
Ông Scobell nói, lực lượng không quân kiểu cổ điển của Trung Quốc đang cố gắng chuyển mình, thoát khỏi quan niệm một “lực lượng hỗ trợ tác chiến mặt đất và phòng ngự trên không”, trở thành lực lượng không quân tầm xa, có khả năng tác chiến bất cứ địa điểm nào trên toàn cầu. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn còn một chặng đường rất dài để đạt được mục đích đó.
Tuy đã đẩy mạnh phát triển nhưng không quân Trung Quốc vẫn còn những nhược điểm lớn trên con đường hiện đại hóa, một trong số đó là không thể tự sản xuất động cơ máy bay chiến đấu phản lực và thiếu rất nhiều trang bị bảo đảm cho tác chiến không quân.
Trong một bài báo của tạp chí quốc phòng Jane's Defence Weekly tháng 12 năm 2013 cho thấy, tỷ lệ số lượng máy bay trực thăng vận tải của không quân Trung Quốc (PLAAF) và không quân Hoa Kỳ (USAF) là 1 chọi 7, USAF có khoảng 570 chiếc máy bay tiếp dầu trên không, còn PLAAF thì chỉ có vẻn vẹn 10 chiếc, năng lực bảo đảm tác chiến tầm xa quá hạn chế.
Trung Quốc đang mơ tới máy bay tiếp dầu thế hệ mới Il-478, chế tạo trên cơ sở máy bay vận tải Il-476 của Nga vì H-6Y có khả năng tiếp liệu quá kém
Trung Quốc đang mơ tới máy bay tiếp dầu thế hệ mới Il-478, chế tạo trên cơ sở máy bay vận tải Il-476 của Nga vì H-6Y có khả năng tiếp liệu quá kém
Không quân Trung Quốc vẫn chưa thoát phụ thuộc vào Nga
Trung Quốc hiện vẫn đang sử dụng hàng chục chiếc H-6Y (biến thể tiếp dầu của dòng máy bay ném bom H-6, chế tạo trên cơ sở máy bay ném bom Tu-16 của Nga trong thập niên 60), có năng lực tiếp liệu rất thấp. Ngoài ra, chương trình tiếp dầu đồng đội (máy bay chiến đấu tiếp dầu cho nhau) cũng chỉ là giải pháp mang tính chiến thuật.
Tuy Bắc Kinh đang nhờ Nga hoán chuyển máy bay vận tải IL-76 thành máy bay tiếp dầu IL-48 nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời vì các máy bay này đã quá cũ, mà hy vọng mua được máy bay tiếp dầu thế hệ mới IL-478 vẫn còn rất xa vời vì Nga vẫn chưa phát triển xong, không quân nước này còn lâu mới trang bị đủ số lượng.
Ngoài ra, hàng không mẫu hạm của Trung Quốc vẫn chưa có năng lực tác chiến, tàu sân bay thế hệ mới vừa được khởi đóng, lực lượng máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm cất cánh từ đất liền, máy bay trinh sát và tác chiến điện tử, tiêm kích hạm, máy bay cảnh báo sớm trên hạm, năng lực chống ngầm từ trên không của Trung Quốc gần như là con số 0.
Sớm nhất là đến năm 2025, khi các tàu sân bay quốc nội thế hệ mới ra đời, máy bay trinh sát chống ngầm cánh cố định GX-6 hoàn thiện, máy bay cảnh báo sớm trên không KJ-2000 và tiêm kích hạm J-15 có biến thể nâng cấp, Bắc Kinh mới thực sự có năng lực tác chiến tầm xa trên không, trong khi đó Washington và Moscow có lẽ đã tiến xa hơn rất nhiều.
Nga đang giúp Trung Quốc hoán chuyển máy bay vận tải Il-76 thành máy bay tiếp dầu Il-78
Nga đang giúp Trung Quốc hoán chuyển máy bay vận tải Il-76 thành máy bay tiếp dầu Il-78
Học giả chính trị cao cấp Andrew Scobell thuộc công ty RAND (Research and Development), có trụ sở ở Arlington, Virginia cho biết, không quân Trung Quốc vẫn còn một số yếu kém còn tồn tại trên con đường hiện đại hóa, một trong số đó là không thể tự sản xuất động cơ máy bay chiến đấu phản lực.
Hiện không quân nước này vẫn đang nhập hàng nghìn động cơ máy bay chiến đấu/vận tải của Nga và Ukraine, dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài, một khi gặp bất trắc về yếu tố chính trị chắc chắn sẽ có những tác động xấu đến ngành công nghiệp chế tạo máy bay.
Ngoài ra, tuy cũng có nhiều tiến bộ trong chế tạo tên lửa nhưng Bắc Kinh vẫn còn rất kém trong công nghệ sản xuất động cơ tên lửa thể tích nhỏ. Vì vậy, không quân nước này vẫn phải mua hàng nghìn tên lửa chiến thuật phóng từ trên không cho máy bay chiến đấu, bao gồm cả tên lửa không đối không lẫn tên lửa không đối đất và chống bức xạ, ví dụ như Kh-31, Kh-58 và Kh-59…
Scott Bell cho biết, những yếu điểm của ngành công nghiệp chế tạo động cơ máy bay và tên lửa không thể khắc phục trong một sớm, một chiều. Vì vậy, trong vài thập kỷ tới Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu máy bay chiến đấu và động cơ phản lực vector và phần nào là tên lửa chiến thuật của Nga.
Với những yếu điểm đó, ông Sanders, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quân sự Trung Quốc của Đại học Quốc Phòng ở Washington - đồng chủ biên cuốn “Không quân Trung Quốc: Lí luận phát triển, vai trò và năng lực”, xuất bản vào năm 2012, đã đưa ra nhận định: “So với trước đây, Không quân Trung Quốc đã có những tiến bộ lớn, nhưng vẫn chưa đạt tới trình độ tiên tiến nhất, họ vẫn còn một khoảng cách rất xa mới đuổi kịp Nga, đừng nghĩ đến việc so với Mỹ”.
Thiên Nam

“Trung Quốc là kẻ thù ngàn năm của Triều Tiên“

Báo Nhật

Đăng Bởi  - 
Ông Kim và ông Tập vẫn chưa gặp mặt nhau
Ông Kim và ông Tập vẫn chưa gặp mặt nhau
Tái xuất sau 40 ngày vắng mặt, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có những điều chỉnh trong chính sách và mệnh lệnh. Tờ Sankei Shimbun tiết lộ trong mật lệnh gửi cho các quan chức thuộc khối tuyên truyền, ông Kim Jong-un xác định: Nhật là kẻ thù trăm năm của Triều Tiên còn Trung Quốc là kẻ thù ngàn năm.
Tờ Đại Công báo của Hồng Kông nói rằng rất khó khăn để giải mã thái độ của Kim Jong-un đối với Trung Quốc kể từ khi ông nhậm chức cách đây 3 năm. Thay vì bó buộc mối quan hệ với Trung Quốc như trước kia, gần đây Triều Tiên đã tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng và trên thế giới. Điều này cho thấy nước này đang cố gắng để tránh quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi lên nhậm chức cũng duy trì liên minh ở mức "không rõ ràng" với Kim Jong-un. Cho đến giờ, ông Tập Cận Bình vẫn chưa hề đến thăm viếng Triều Tiên trên tư cách người đứng đầu nhà nước Trung Quốc. Những gì gọi là sự quan tâm của ông Tập với Kim Jong-un chỉ là gửi điện mừng vào ngày Quốc khánh của Triều Tiên mỗi năm.
Không những vậy, ông Tập Cận Bình còn làm Triều Tiên cảm thấy phẫn nộ khi ghé thăm Hàn Quốc hồi tháng 7 và có những phát biểu đầy "tình cảm" với Seoul. Việc ông Kim Jong-un xử tử dượng Jang Sung-taek hồi năm ngoái cũng là nhát cắt khiến cho quan hệ giữa 2 nước càng căng thẳng, vì ông Jang là người chủ trương theo đường lối thân Bắc Kinh.
Sau lần ông Tập ghé thăm Seoul thì Bình Nhưỡng có nhiều hành động cứng rắn với ngư dân Trung Quốc. 
Cách đây 1 tháng, phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin Triều Tiên đã chặn bắt một tàu cá Trung Quốc hoạt động trong vùng biển Hoàng Hải (vùng biển được tạo bởi bờ biển đông bắc Trung Quốc và bờ biển phía tây bán đảo Triều Tiên). Phía Trung Quốc nói Triều Tiên đã bắt giữ các thuyền viên ngư dân và đòi chủ tàu phải trả tiền phạt lớn.
Triều Tiên sau đó thả các ngư dân, nhưng vẫn giam giữ con tàu. Báo Trung Quốc cho hay 6 ngư dân trở về quê nhà với đầy những vết bầm trên người. Họ nói rằng phía Triều Tiên đã đánh đập họ và trấn lột hết những thứ ngư dân Trung Quốc có trên người.
Anh Tú (theo WCT)

Kim Jong-un xử tử 12 quan chức Triều Tiên?


23/10/2014 12:52 GMT+7
TTO - Theo báo Nhật Bản Sankei Shimbun, trong thời gian dưỡng bệnh vừa qua, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã cho hành quyết 12 quan chức giữ các chức vụ cao.
Mạng Giang Tây Trung Quốc chụp lại màn hình từ báo Sankei Shimbun của Nhật Bản
Mạng Giang Tây Trung Quốc đã chụp lại màn hình và dẫn lại toàn bộ bản tin của tờ báo Nhật Sankei Shimbun.
Theo báo Sankei Shimbun, bắt đầu từ ngày 6-10, Triều Tiên liên tục hành quyết 12 quan chức nước này, bao gồm 10 quan chức tình báo và hai bí thư của đảng Lao Động Triều Tiên.
Tờ báo dẫn nguồn tin nội bộ cho biết các vụ xử bắn ngày 6-10 diễn ra ở một trường quân sự ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng. Các đặc vụ thuộc cục An ninh quốc gia đã hành hình 10 người, trong đó có quan chức thuộc trung ương Đảng Lao Động Triều Tiên.
Ngày 11-10, Triều Tiên hành hình tiếp 2 quan chức khác thuộc thành phố Haeju (tỉnh Hwanghae-namdo).
Nguồn tin giấu tên còn tiết lộ việc hành quyết này nối tiếp như sự kiện lãnh đạo Kim Jong-un cho hành quyết dượng của mình là Jang Song-thaek hồi tháng 12-2013. Những người bị hành quyết lần này cũng có tội danh tương tự ông Jang.
Nguồn tin trên còn tiết lộ rằng, trong thời gian qua, Triều Tiên đã mua nhiều thiết bị nghe lén từ Đức nhằm theo dõi nhiều quan chức chính quyền.
Để minh chứng cho thông tin lần này, nguồn tin của báo Nhật cho biết vào tháng 6-2012, lãnh đạo Kim Jong-un đã từng “biến mất” trong 23 ngày. Trong thời gian đó ông Ri Yong-ho - tổng tham mưu trưởng kỳ cựu của quân đội Triều Tiên - bị cách chức.
Theo tờ báo Nhật, hai cựu lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il cũng từng có những động thái tương tự khi còn nắm quyền.
Do đó, khoảng thời gian 40 ngày mà lãnh đạo Kim Jong-un biến mất rất có thể nhằm mục đích dưỡng bệnh và củng cố quyền lực của chính quyền.
ĐÔNG PHƯƠNG

Lại "nhầm" nguồn vốn xây sân bay Long Thành

Tin kinh tế ngày 23/10: 

Tin kinh tế ngày 23/10: Lại "nhầm" nguồn vốn xây sân bay Long Thành

TP Hồ Chí Minh xuất siêu 2,67 tỉ USD sau 10 tháng; Các DN Châu Âu ngày càng lạc quan về môi trường kinh doanh tại VN … và nhiều thông tin kinh tế khác nổi bật trong ngày.

Thêm một vụ nhầm lẫn 2 tỉ USD trong dự án sân bay Long Thành
Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Dự án sân bay Long Thành – Cơ hội và thách thức” (ngày 17-10), Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay, đến nay có tập đoàn ADPi của Pháp cam kết tài trợ số vốn 2 tỉ USD cho dự án sân bay Long Thành.
Tuy nhiên, tối 22/10, Bộ GTVT phát đi thông cáo khẳng định không biết ADPi là công ty nào và cũng chưa từng làm việc với ADPi về vấn đề này. Đây là lần nhầm lẫn thứ 2 của Bộ GTVT về nguồn vốn xây dựng sân bay Long Thành.
TP Hồ Chí Minh xuất siêu 2,67 tỉ USD sau 10 tháng
Theo số liệu của Cục thống kê TP Hồ Chí Minh, kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố ước đạt 23,42 tỉ USD; tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 20,75 tỉ USD; giảm 3,9% so với cùng kỳ.
Như vậy, sau 10 tháng năm 2014, trong khi Hà Nội nhập siêu gần 11 tỉ USD sau 10 tháng năm 2014 thì TP Hồ Chí Minh vẫn thể hiện "bản lĩnh" của 1 đàu tàu kinh tế phía Nam khi xuất siêu 2,67 tỉ USD.
Các DN Châu Âu ngày càng lạc quan về môi trường kinh doanh tại VN
Kết quả khảo sát về Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) tháng 9 /2014 do EuroCham vừa công bố cho thấy niềm tin và triển vọng kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tiếp tục gia tăng. Chỉ số BCI quý này tăng từ 66 điểm quý trước lên 74 điểm, ngang bằng những quý đầu 2011. 
Mức tăng trưởng này cho thấy sự kì vọng của các doanh nghiệp vào các đàm phán cùa Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) châu Âu - Việt Nam.
Hàng ngàn tỉ đồng lợi nhuận nhà nước bị chiếm dụng
Báo cáo kết quả kiểm tra công tác thu lợi nhuận được chia từ việc đầu tư vào doanh nghiệp khác của 23 tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước cho thấy hàng ngàn tỉ đồng lợi nhuận của Nhà nước bị chiếm dụng.
Cụ thể, theo thanh tra Bộ Tài chính, đối với việc đầu tư vào các doanh nghiệp trong nước, qua kiểm tra hơn 20 tập đoàn, tổng công ty đã đầu tư hơn 48.400 tỉ đồng vào 662 doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 6 năm nay, lợi nhuận và cổ tức mà các tập đoàn và tổng công ty này chưa thu được lên tới 749 tỉ đồng.
Khánh thành nhà máy lắp ráp cửa máy bay Boeing 777 tại Việt Nam
Công ty Trách nhiệm hữu hạng MHI Aerospace Vietnam (MHIVA), một thành viên thuộc Công ty Cổ phần Công nghiệp nặng Mitsubishi (MHI)vừa hoàn thành việc xây dựng nhà máy lắp ráp cửa hành khách cho máy bay Boeing 777 mới tại Hà Nội.
Nhà máy mới được xây dựng trên diện tích 6.500m2, là phần mở rộng của khu vực văn phòng MHIVA tại Khu công nghiệp Thăng Long (TLIP), ngoại thành Hà Nội. Trước mắt, nhà máy sẽ sản xuất bộ phận cửa hành khách cho máy bay Boeing 777, sau đó hướng đến sản xuất toàn bộ phần cánh tà cho dòng máy bay này của Boeing. 
Thanh tra Chính phủ phát hiện 9.069 tỷ đồng sai phạm
Theo Thanh tra Chính phủ, trong quý III năm nay, cơ quan này đã triển khai 2.146 cuộc thanh tra hành chính và 47.390 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 150.351 tổ chức, cá nhân.
Qua thanh tra phát hiện vi phạm 9.069 tỷ đồng, 183 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 6.535 tỷ đồng  và 154,5 ha đất (đã thu hồi 3.964 tỷ đồng, 82,7 ha đất); xử phạt vi phạm hành chính 931 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 2.534 tỷ đồng, 28,4 ha đất.
Nguyệt Quế (Tổng hợp)
Theo Infonet