Trang

23 tháng 10, 2014

Sân bay Long Thành- sự vội vã tội lỗi

Vương Trí Dũng/ BVN

Vương Trí Dũng/ BVN
Mô hình sân bay Lonbg Thành- Hình sưu tầm Internet
Xây dựng đất nước và phát triển kinh tế tất phải có tầm nhìn và phải biết quy hoạch. Nhưng ở Việt Nam luôn bị hội chứng tầm nhìn. Mà nhìn thật xa, năm 2030, năm 2050.

Bệnh tầm nhìn: Sự hớt ngọn ăn trước

Lại nói về quy hoạch tầm nhìn 2030, 2050. Những đối tượng nào nằm trong ống kính tầm nhìn nhiều năm như vậy? Thông thường đó là những dự án quy hoạch đất đai phạm vi hàng trăm héc ta, và những dự án xây dựng giao thông hàng tỷ đô la.

Tại sao lại nhìn xa như vậy? Có hai lý do chính.

1. Một là, những dự án như thế rất nhiều tiền, nên bổng lộc phần trăm lại quả vô cùng lớn.

2. Điều quan trọng thứ hai là, đợi đến ngày cuối tầm nhìn để kiểm chứng thì người lập kế hoạch và thực thi đã mấy đời “cao chạy xa bay”. Không ai chịu trách nhiệm cho tầm nhìn viển vông nữa.


Bởi thế, quy hoạch gần thì khó mà quy hoạch xa lại dễ. Cũng giống như vẽ người khó hơn vẽ ma quỷ vậy.

Cho nên, trên thực tế, tầm nhìn ngắn thì thi công đường sá chưa xong đã lại đào lên, máy móc vừa mua về đã lạc hậu hư hỏng. Còn các dự án tầm nhìn xa thì phơi bày dở dang, ngoại trừ phần trăm lại quả thì đã bỏ túi ẵm trước.

Dẫn chứng như thế để thấy tại sao lại có trục “Tâm linh Ba vì – Ba đình”, hay dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam trước đây, và bây giờ là dự án sân bay Long Thành.

Sân bay Tân Sơn Nhất: Còn lâu mới quá tải

Nếu những ai đã từng đi nhiều nước thì mới thấy buồn cho sân bay Việt Nam. Thua kém tụt hậu toàn diện, không có một tiêu chí nào đáng nêu, thậm chí khó đạt hạng trung bình. Việc hai sân bay Việt Nam bị xếp hạng trong nhóm 10 sân bay kém nhất châu Á hoàn toàn không oan uổng một chút nào. Thay vì phải cảm ơn kết luận đó để thay đổi chính mình, mong cùng sánh vai với các phi trường hàng đầu, thì lãnh đạo hàng không Việt Nam lại kêu oan không khách quan. Chừng nào còn lãnh đạo ngụy biện kiểu này thì hàng không Việt Nam còn không ngóc đầu lên ngang tầm với các nước được.

Cứ đến hai phi trường Nội Bài và Tân Sơn Nhất mà quan sát thì thấy hành khách thưa thớt lèo tèo, kém xa cảnh nhộn nhịp của phi trường Singapore và Bangkok. Những ai hay đi lại không thể không tủi hổ cho sự èo ọt của các sân bay Việt Nam.

Không cần phải đưa ra những dữ liệu thống kê chi tiết, cũng chẳng cần phải là chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, một doanh nhân có đầu óc quản lý kinh tế không khó gì mà không nhận ra sự kém hiệu quả đến tồi tệ của sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất. Nếu giao cho tư nhân quản lý khai thác, nhắm mắt cũng khẳng định được sân Bay Tân Sơn Nhất sẽ đón được lượng hành khách gấp ba lần hiện nay từ 40-45 triệu lượt khách/năm, mà không phải dời đi đâu cả. Nếu không tin hãy giao cho tư nhân làm.

Tin vào hiệu quả kinh tế sân bay Long Thành: Khuynh gia bại sản

Việt Nam có nghề viết dự án. Điều này các doanh nhân và các nhà quản lý đều biết. Muốn hiệu quả nào cũng vẽ ra được. Vậy nên đừng nhìn và đừng tin vào những dữ liệu hiệu quả kinh tế của sân bay Long Thành. Nhìn vào chỉ mất thời gian. Tin vào hiệu quả thì khuynh gia bại sản.

Nếu lãnh đạo Hàng không Việt Nam tin vào hiệu quả kinh tế của sân bay Long Thành và lớn tiếng mắng nhiếc kẻ viết bài này ngoại đạo nói càn, thì đây:

1. Thách những ai cổ súy cho xây dựng sân bay Long Thành tự bỏ tiền túi ra đầu tư.
2. Hay kêu gọi được các nhà đầu tư xây dựng sân bay Long thành theo hình thức BOT.
Bậc trượng phu nói được làm được.Vậy thì xin các vị hãy khẳng khái đảm nhận đi
.
Sân bay Tân Sơn Nhất hay sân bay Long Thành?

Thực ra câu trả lời đã quá rõ. Không cần phải chờ đến các nhà đầu tư nước ngoài, mà chỉ nói đến các nhà đầu tư Việt Nam, nếu họ là nhà đầu tư, không ai sẽ đầu tư cho sân bay Long Thành cả. Như đã nêu ở phần trên, các nhà đầu tư tư nhân Việt Nam có thể khai thác sân bay Tân Sơn Nhất từ 40-45 triệu lượt khách/năm. Mà mức đầu tư sẽ thấp hơn nhiều so với con số mà lãnh đạo hàng không đang phóng lên để lấy cớ đầu tư sân bay Long Thành. 

Lời nhắn nhủ gửi bộ trưởng Đinh La Thăng: Hãy đút dự án sân bay Long Thành vào ngăn kéo
Thấy bộ trưởng trả lời phỏng vấn rằng với tư cách đại biểu Quốc hội sẽ băn khoăn khi ấn nút thông qua dự án sân bay Long Thành, nên tôi mới mạo muội gửi lời nhắn nhủ này. Thông qua dự án sân bay Long Thành dưới bình phong chủ trương, là một tội lỗi với muôn dân. Bởi lẽ:

1. Tiếp tay cho những người liên quan đến dự án rút tiền tiêu trước cho một dự án chưa cần thiết.
2. Tạo điều kiện cho những kẻ cơ hội xâu xé sân bay Tân Sơn Nhất.
3. Làm cho ngành hàng không Việt Nam chậm phát triển.
4. Làm cho nền kinh tế quốc dân thêm thất thoát.
5. Đổ gánh nợ lên đầu con cháu.

Đất nước phải có những sân bay hiện đại hơn sân bay Tân Sơn Nhất. Đó là điều đương nhiên. Nhưng câu hỏi đúng là: Bao giờ và ở đâu? Đừng vin vào tầm nhìn 2025 nên phải thông qua từ bây giờ. Đừng dựa vào bình phong cạnh tranh với các nước để duyệt tổng đầu tư lớn. 

Các đại biểu Quốc hội hãy dũng cảm lên

Quốc hội nước ta dường như có truyền thống phải thảo luận những việc của con cháu, phải phí thời gian cho nhiều điều vô nghĩa. Cũng như đường sắt cao tốc, dự án sân bay mới cho khu vực Sài Gòn nếu phải thông qua Quốc hội thì cũng phải sau năm 2030. Thông qua chủ trương đầu tư sân bay Long Thành bây giờ là một tội lỗi.

Các vị đại biểu Quốc hội khóa XIII đang ngồi trong tòa nhà siêu đắt ở Việt Nam với giá xây dựng hơn 100 triệu đồng cho một mét vuông, xin hãy dũng cảm nói không với sân bay Long Thành. Thông qua chủ trương cũng là đã thông qua dự án. Đừng mắc lừa những kẻ cơ hội núp dưới bình phong tầm nhìn phát triển đất nước để hớt ngọn dự án trục lợi, đưa đến gánh nợ nặng nề cho các thế hệ sau. Người dân đang trông mong vào sự day dứt lương tâm của các vị đại biểu Quốc hội khóa XIII.

V.T.D.

21 tháng 10, 2014

Nhà đất còn xuống giá nữa không?

Giá căn hộ trung bình ở mức 12-13 triệu đồng/m2
Giá căn hộ trung bình ở mức 12-13 triệu đồng/m2

Giá nhà đất liệu còn có thể giảm tiếp sau 4 năm gần như “đóng băng” bất động? Thị trường có những dấu hiệu khá lạ khi căn hộ siêu nhỏ cũng bắt đầu ế.

Nhiều ý kiến của các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS) chuyên gia trong hội thảo về cơ hội phục hồi của thị trường BĐS ngày 21/10 tranh luận về câu hỏi này.

Ế căn hộ 30m2

Thị trường BĐS đã sôi động trở lại hay chưa? “Tới hết 9 tháng đầu năm chúng ta mới bán được 5.700 căn trên tổng nhu cầu là gần 40.000 căn của thị trường TP.HCM mà đã lên tiếng là thị trường đã ấm trở lại. Còn tới 34.300 căn hộ có nhu cầu kia mà chưa mua thì vì lý do gì?”, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc công ty TNHH Địa ốc Đất Lành nêu câu hỏi với các chủ đầu tư.

Thị trường chỉ sôi động ở phân khúc căn hộ có diện tích nhỏ vì tính ra tổng giá trị căn hộ phù hợp với túi tiền người dân, nhưng tính trên đơn vị 1m2 thì giá thành vẫn ở mức bình quân 12-13 triệu đồng/m2 (chưa thuế VAT).

"Chúng ta đừng tô hồng và dự đoán những giao dịch ảo để làm sáng bức tranh ảm đạm của thị trường BĐS", ông Nguyễn Văn Đực thẳng thắn.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc công ty TNHH Thương mại- Xây dựng Lê Thành, cho biết: “công ty đã đưa ra thị trường 1.000 căn hộ có diện tích từ 30-50m2 và đã bán được 625 căn. Chúng tôi thấy rằng, những căn hộ có diện tích tầm 40m2 được mua rất nhiều, còn những căn 30m2 rất ế”.

Còn ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết hiện nhiều DN BĐS xin chia nhỏ căn hộ của các dự án nhưng không được, vì nếu chia nhỏ căn hộ phải tính tới tính đồng bộ của cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội. Không thể dự án căn hộ thiết kế cơ sở hạ tầng cho khoảng 2.000 dân mà bây giờ “chen” vào đó tới 3.000 dân là không được.

Ông Nghĩa cho biết thêm, thực ra chi phí xây dựng những căn hộ có diện tích nhỏ tốn kém hơn rất nhiều so với các căn hộ diện tích lớn. Vì cùng diện tích như vậy nhưng số người ở đông hơn thì chúng tôi phải thiết kế và đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốn kém hơn.  Chẳng hạn, chúng tôi phải bố trí số thang máy lên gấp đôi so với các dự án bình thường khác.

Giá BĐS còn giảm nữa không?


Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm nay đã có 5.700 căn hộ được bán, tăng 83% so với cùng kỳ, do các DN BĐS đã điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, chủ yếu là các căn hộ có diện tích dưới 70m2 gồm cả hàng tồn kho lẫn hàng mới.

Hiện TP.HCM có 1.403 dự án phát triển nhà ở, trong đó có 30,3% dự án đã hoàn thành với 426 căn, 49% dự án đang gặp khó khăn hoặc ngưng triển khai. Số lượng dự án đang thi công là 201 dự án, chiếm 15%.

Bên cạnh những dự án triển khai mới vẫn còn những tồn đọng của thị trường BĐS chưa giải quyết được. Theo chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh, năm 2009 có nhiều tập đoàn kinh tế, DN tay ngang nhảy vào thị trường BĐS nên đang muốn bán dự án để rút vốn về.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang sống dở chết dở với các khoản cho vay BĐS hay cho vay thế chấp bằng BĐS trước kia với việc định giá quá cao do thị trường sốt nóng. Nay thị trường BĐS đóng băng, giá trị BĐS giảm thê thảm mà bán cũng không ai mua. Các điểm nghẽn này cũng chưa tháo gỡ được nên vẫn làm thị trường lình xình.

Thị trường BĐS năm tới tiếp tục sôi động tập trung ở phân khúc sản phẩm giá trung bình, thấp và có diện tích dưới 100m2. Nhưng thời gian thi công dự án đúng tiến độ cũng là yếu tố quan trọng để các giao dịch BĐS gia tăng.

Vì hầu hết hiện nay người mua BĐS đều có vay vốn ngân hàng. Đây cũng là một điều kiện quan trọng để thị trường BĐS sôi động vì thời gian qua đã có quá nhiều dự án chậm tiến độ thi công tới 2-3 năm làm nản lòng nhà đầu tư và người mua nhà khi nhà chưa được nhận mà vẫn phải trả lãi vay ngân hàng khiến giá thành BĐS đội lên cao.

Ông Tuấn cho biết Sở Xây dựng TP.HCM: “Chúng tôi tính toán được thời gian cho hoàn thành một dự án BĐS từ khi triển khai đến khi hoàn thành sẽ trong vòng 21,5 tháng đến 26,5 tháng trong điều kiện lý tưởng. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện hết sức cho các chủ đầu tư”.

Thực tế, thời gian triển khai cho dự án thường cao hơn, nhưng trong thời gian qua Sở Xây dựng đã rà soát các thủ tục hành chính và đã kéo giảm được 25% thời gian thi công cho các chủ đầu tư. Chủ trương của Chính phủ là phải kéo giảm được tới 40% thời gian thi công của các dự án hiện nay, trong đó có việc cải cách thủ tục hành chính.

Theo ông Vũ Đình Ánh giá BĐS sẽ khó giảm sâu nữa, vì nền kinh tế năm 2014 có nhiều dấu hiệu khả quan khi tăng trưởng GDP đạt kế hoạch, lạm phát tăng thấp hơn kỳ vọng và được kiềm chế ổn định, hàng loạt các gói cho vay BĐS được ngân hàng tung ra: gói 30.000 tỷ đồng, gói cho vay cán bộ công nhân viên tối đa 1,05 tỷ đồng để mua nhà, các gói ưu đãi lãi suất thấp cho vay mua, sửa chữa nhà của các ngân hàng thương mại… Đến năm 2015, Chính phủ tiếp tục gỡ khó cho thị trường BĐS như: sửa Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, tăng giá đất lên gấp đôi… nhằm giúp thị trường BĐS ấm hơn.

Còn theo một chuyên gia kinh tế muốn giải phóng hàng tồn kho BĐS thì đối với một số dự án DN BĐS phải chấp nhận lợi nhuận bằng không (0), bán giá vốn và thời gian tới phải giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành… mới mong bán được hàng. Vì giá BĐS vẫn còn quá cao với thu nhập của đa số người dân hiện nay.

Theo vị Phó Giám đốc CTCP Địa ốc Đất Lành, để thị trường BĐS sôi động trở lại thì vai trò của DN BĐS là giảm giá thành BĐS cho phù hợp với túi tiền của đa số người dân, còn vai trò của chính quyền là giảm thủ tục hành chính để giúp DN giảm chi phí. Bên cạnh đó, các DN BĐS cũng phải áp dụng các công nghệ mới trong xây dựng để giảm giá bán nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

>>>“Giá nhà ở Việt Nam còn quá cao”
 
Theo Linh Lan 
Infonet

Điếu Cày 'bất ngờ rời VN đi Hoa Kỳ'

  • 9 giờ trước
Khá nhiều tổ chức bấy lâu nay vận động gây sức ép tới Hà Nội để thả blogger Điếu Cày.
Blogger Nguyễn Văn Hải, tức Điếu Cày, vừa rời sân bay Hong Kong để sang Mỹ, theo lời con trai của ông.
Anh Nguyễn Trí Dũng nói với đài BBC rằng bố anh đã gọi điện trong lúc quá cảnh ở Hong Kong và trao đổi ngắn trong khoảng một phút.
“Bố nói bố khỏe,” anh Dũng kể.
Anh Dũng cho biết ông Điếu Cày nói ông “sẵn sàng gặp mọi người” nếu có những người ủng hộ ông ở Mỹ ra sân bay đón ông.
Ông Nguyễn Văn Hải bất ngờ được Việt Nam trả tự do và đưa ra sân bay Nội Bài trong ngày 21/10.
Trước đó trong ngày, anh Trí Dũng, con trai ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải kể lại với BBC câu chuyện về ông ‘rời Việt Nam bằng phi cơ sang Hong Kong để đi Hoa Kỳ’ như sau:
“Có người nước ngoài nói là từ Đại sứ quán Hoa Kỳ liên lạc với tôi và nói cha tôi muốn có số liên lạc.”
“Nhưng khi gọi lại thì không được và sau đó, người kia nhắn tin cho tôi nói cha tôi đã rời Việt Nam và phi cơ đã cất cánh.”
“Tôi vẫn giữ số máy mà cha tôi đã thuộc lòng để đợi cha tôi gọi về từ Hong Kong.”
Về sự việc bất ngờ này, anh Trí Dũng nói với BBC Tiếng Việt qua điện thoại vào tối 21/10 giờ Việt Nam rằng anh và gia đình vẫn “đang đợi sự chứng thực” cụ thể sau khi có tin trên các trang mạng nói cha anh được thả và rời Nội Bài.

Obama quan tâm

Hiện ông Hải đang thi hành án tù 12 năm tại Trại giam số 6, Huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Trước khi bị tòa án khép ông vào tội danh này, ông còn bị tội danh 'trốn thuế' và đã thi hành xong bản án mà ông luôn bác bỏ và khẳng định mình vô tội.
Ông Hải được biết đến như một blogger với nhiều bài viết thu hút sự chú ý trên cộng đồng mạng xã hội và Internet của Việt Nam về các chủ đề dân quyền và chủ quyền biển đảo.
Ông được trao giải Tự do Báo chí Quốc tế trong buổi lễ được Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) tổ chức tại New York, Hoa Kỳ hồi tháng 11 năm ngoái.
Hồi tháng Tám vợ cũ của ông Hải, bà Dương Thị Tân, cho biết phía công an yêu cầu blogger Nguyễn Văn Hải viết đơn xin được ra tù trước thời hạn.
Blogger Điếu Cày được Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama từng nhắc đến như một nhà hoạt động vì tự do báo chí ở Việt Nam.
Bình luận về diễn biến này, blogger Nguyễn Lân Thắng từ Hà Nội viết trên facebook cá nhân:
"...Việc phải lén lút đẩy Điếu Cày đi Mỹ mà không dám tuyên bố, không dám cho gặp mặt vợ con dù chỉ một phút... tất cả hành động đó là minh chứng hùng hồn cho sự phá sản toàn tập của truyền thông cộng sản..."

Bộ KHĐT "kêu" thiếu tiền: Vung tiền đổi lấy... tăng trưởng?

(Tài chính) - Một giải pháp bổ béo đang được áp dụng triệt để là vay vốn rồi tung vốn ra một cách dễ dãi; đề ra nhiều dự án... để lấy tăng trưởng...

Liên quan tới con số vênh lớn giữa hai Bộ KHĐT và Bộ Tài chính gần đây, theo đó Bộ Tài chính đưa ra con số dự tính thu chi thấp hơn gần 40.000 tỷ so với Bộ KHĐT.
Lý lẽ bộ nào cũng đúng, Bộ KHĐT cho rằng, Bộ Tài chính dự toán thu chi ngân sách năm 2015 chưa chính xác dẫn tới dự toán chi cho ĐTPT thấp (chiếm 16%).
Về phía Bộ Tài chính, do bối cảnh thu ngân sách giảm (tháng 8/2014 giảm 32%), quy mô chi tiêu ngân sách lại tăng nhanh, tổng chi ngân sách nhà nước năm 2013 tăng khoảng 9 lần so với năm 2000. Đặc biệt là chi thường xuyên chiếm 10,7%.
Ông Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Báo Đất Việt về vấn đề này.
Nhiều công trình đội vốn, thất thoát, lãng phí
Nhiều công trình đội vốn, thất thoát, lãng phí
PV:- Đặt trong bối cảnh nợ công tăng cao, phải vay về trả nợ, sẽ phải hiểu lý lẽ tranh cãi giữa hai bộ này thế nào, thưa ông?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: - Tôi cho rằng, ở đây là mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển đất nước và khả năng giải quyết nguồn lực để đáp ứng nhu cầu thực tế, đó là mâu thuẫn thường trực. Bất cứ một nước đang phát triển nào cũng xảy ra tình trạng nguồn lực không đáp ứng đủ nhu cầu, nguyện vọng phát triển của con người.
Nhưng ở nền kinh tế lành mạnh, mâu thuẫn này chỉ đơn giản là tiềm lực nền kinh tế không bắt kịp cơ hội phát triển. Còn ở VN vấn đề này phức tạp hơn, ở chỗ tiềm năng có nhưng không được phát huy tốt.
Điều này thể hiện ở chỗ, vấn đề đầu tư dàn trải, tình trạng tham nhũng, lãng phí đã nhìn thấy, được chỉ ra... cuối cùng giải pháp xử lý, khắc phục gần như vẫn dậm chân tại chỗ, rất chậm trễ.
Hiện nay, Việt Nam gần như phải bó tay với nạn tham nhũng hay chống tham nhũng đã nhờn thuốc. Trong khi, tham nhũng ở Việt Nam đang sống ký sinh trên đầu tư công, tức là các nước có 10 đồng, họ đầu tư 8 đồng nhưng ở Việt Nam, do quản lý kém, thất thoát, tham nhũng nên 8 đồng đầu tư chỉ có 5 đồng vào dự án. Nghĩa là đã có 3 đồng chảy vào túi riêng, gây thất thoát vốn.
Thứ hai, ngay trong thực hiện dự án, tham nhũng cũng làm ảnh hưởng tới chất lượng đầu tư, khiến dự án có chất lượng kém, đội vốn kéo dài. Ở đây có nguyên nhân do đấu thầu tiêu cực,do quan hệ, nể nang nhà thấu yếu kém nên khi xảy ra sự cố không được nhà thầu, không dám mạnh tay xử lý nhà thầu. Cuối cùng như chúng ta thấy là nhân nhượng nhau, kéo dài dự án, đội vốn lên. Đó là lý do vì sao các công trình tại VN luôn đắt hơn nhiều lần thế giới.  
PV:- Trong bối cảnh Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra khảo sát GDP bình quân đầu người năm 2013, theo đó dự báo GDP theo đầu người của VN )1.910USSD/người) sắp thấp hơn cả Lào và Campuchia thì Bộ KHĐT đưa ra thông tin với lý lẽ đầu tư phát triển thấp, Việt Nam có nguy cơ bị tụt hậu. Liệu đây có phải là nguyên do mà Bộ KHĐT xin tăng nguồn ngân sách chi cho đầu tư phát triển từ 16% lên 20,8% (2015). Quan điểm của ông về việc này?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: - Bộ KHĐT đặt chỉ tiêu tăng trưởng là đúng vì để VN thoát được bẫy thu nhập trung bình thì VN phải đạt đượcở mức tăng trưởng nào đó. Nên họ phải đề ra, tuy nhiên đó chỉ là chỉ tiêu chứ không phải giải pháp.
Như tôi và các ĐBQH đã có ý kiến, Bộ KHĐT đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6-7% năm 2015 vậy phải làm thế nào để đạt được tăng trưởng đó? Ở đây, tôi nhìn thấy một giải pháp bổ béo đang được áp dụng triệt để là vay vốn rồi tung vốn ra một cách dễ dãi; đề ra nhiều dự án; chi ngân sách gây bội chi…như vậy là có tăng trưởng.
Nhưng như tôi đã nói cách thức tăng trưởng như vậy là cách thức không bền vững và thế giới cũng đang coi đó là nhược điểm, điểm yếu trong cách thức tăng trưởng của VN. Tức là, tăng trưởng không dựa vào chất lượng và hiệu quả trong khi chi phí môi trường, thất thoát vốn không được quản lý chặt chẽ, đó là mặt trái của sự tăng trưởng.
Không phủ nhận, trong tăng trưởng nền kinh tế luôn có yếu tố đi vay nhưng quan trọng là nhìn vào khả năng trả nợ. Nếu không sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả, vay về tiêu, nền kinh tế không phát triển, không có nguồn thu... nợ chồng nợ nền kinh tế không có khả năng trả nợ. Ngược lại, đồng vốn được sử dụng tốt sẽ vừa đạt yêu cầu tăng trưởng lành mạnh lại vừa đạt yêu cầu phát triển, vừa có nguồn thu trả nợ, vừa có nguồn tích lũy cho đầu tư phát triển dài hạn.
Vậy tháo gỡ vướng mắc này thế nào? Vấn đề đầu tiên cần đề cập là yếu tố thủ tục hành chính, rườm rà, phức tạp. Cần phải cải cách, đổi mới thể chế, chính sách hành chính cho phù hợp với điều kiện kinh tế, phát triển.
Vấn đề quan trọng hơn là chống được tham nhũng, đây là một trong những nội dung đã bị Ủy ban thẩm tra Tài chính Ngân sách bỏ quên trong báo cáo. Như tôi đã nói, tham nhũng là căn bệnh sống ký sinh trong bộ máy, nó hút máu nền kinh tế, tiêu cực, chung chi, nhũng nhiễu, lợi ích nhóm là môi trường nuôi dưỡng nó phát triển. Đây cũng là nguyên nhân vì sao không cải cách được thủ tục hành chính, vì cải cách không có nguồn thu nghĩa là tham nhũng sẽ chết.
Do đó để làm được triệt để, phải thực hiện cải cách từ con người, cải cách từ bộ máy đó.
PV:-Các chuyên gia đã chỉ thẳng. với cách thức tăng trưởng không dựa vào phát triển sản xuất, tăng nội lực của nền kinh tế, đầu tư công không hiệu quả, ưu đãi đổ dồn khu vực DNNN khu vực có nhiều rủi ro nhất. Đầu tư công còn tràn lan lãng phí, đầu tư nhưng không tạo ra giá trị gia tăng (dư nợ nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh cho khu vực DNNN vào năm 2010 khoảng 4,6 tỷ USD, tương đương với 14,3% tổng dư nợ nước ngoài của Việt Nam). đặc biệt trong bối cảnh, nhiều chuyên gia đã khẳng định, Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Với tình trạng đó, ông có đủ niềm tin tiếp tục chi phát triển đầu tư, đầu tư công sẽ hiệu quả?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: - Chúng ta lại đứng trước một mâu thuẫn mới, nếu không chi cho đầu tư phát triển thì chúng ta sẽ không thể phát triển được. Hiện cơ sở hạ tầng của VN đã kém hơn các nước đang phát triển. VN không đầu tư hạ tầng, đường hỏng không sửa, cầu gẫy không làm... kinh tế cũng không thể phát triển lên được.
Do đó, tôi cho rằng, nếu không tăng chi đầu tư phát triển được, cũng phải duy trì ở mức độ không thể thấp hơn được nữa. Đồng thời phải đẩy mạnh vai trò của QH và vai trò giám sát của ĐBQH lên, công khai các dự án, công trình xây dựng để người dân, ĐBQH cùng giám sát.
PV:- Tình trạng, vay nợ về để đáo nợ sẽ khiến vấn đề nợ công ngày càng nặng nề và khó giải quyết. Nhìn từ phía ngân sách thì sẽ thấy nhà nước đi vay để đầu tư xây dựng cơ bản và trả nợ. Doanh nghiệp nhà nước kinh doanh lỗ rồi lại được bảo lãnh cho vay tiếp. Nợ chồng nợ như một vòng kim cô khó thoát ra được. Có thể giúp VN tránh rơi bẫy thu nhập trung bình bằng giải pháp chi đầu tư phát triển để đổi lấy tăng trưởng mức 6-7% không, thưa ông? Nếu không sẽ phải lý giải nghịch lý này thế nào?
Với vai trò là đại biểu quốc hội, theo ông VN phải làm gì để đưa kinh tế Việt Nam thoát khỏi vòng luẩn quẩn để đứng vững được trước những thách thức WTO sắp tới?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: - Việc bắt buộc phải làm và nước nào cũng phải làm là cải cách thể chế và bộ máy hành chính, trong đó nhấn mạnh yếu tố con người. Con người là yếu tố quan trọng nhất. 
Đồng thời thúc đẩy các đầu tư xã hội (đầu tư có hai nguồn, đầu tư công và đầu tư xã hội. Đầu tư xã hội là huy động nguồn lực từ nhân dân, khu vực DN tư nhân, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài...), những quốc gia phát triển lành mạnh, họ chủ yếu dựa vào khu vực này, để làm được như vậy phải có thể chế chính sách, môi trường đầu tư tốt.
Quay trở lại vấn đề cũ, để có được một thể chế chính sách tốt thì phải cải cách thủ tục hành chính, phải chống tham nhũng như vậy tư nhân mới bỏ tiền đầu tư. Nếu còn tồn tại cơ chế xin cho, tôi lấy ví dụ nhập máy móc, thiết bị vài chục triệu đô, xây dựng dự án, nhà xưởng vài chục triệu đô đáng chỉ làm trong vài tháng nhưng giờ làm cả năm thì làm sao có hiệu quả, tư nhân nào dám đầu tư.
Ngoài ra cần phải có những chính sách khuyến khích khác thúc đẩy khu vực này phát triển, nên nhớ rằng, đầu tư công chỉ là cái mồi, làm nền cho đầu tư tư nhân phát triển.
Đầu tư tư nhân mới chính là nguồn thu của đầu tư công vì có nguồn thu mới có thuế, có thuế có ngân sách mới có nguồn quay lại đầu tư công. Chỉ khi nền kinh tế xác định mục tiêu phát triển như vậy, nền kinh tế mới thoát khỏi cảnh đi vay và có khả năng trả nợ.
Cuối cùng kinh tế phải phát triển dựa vào tư nhân, đó mới là chính sách phát triển dài hạn. 
PV:- Xin cảm ơn ông!
Vũ Lan

Kịch bản nào cho việc thoát lệ thuộc vào thị trường TQ?

(Dân trí) - Những diễn biến trên Biển Đông tiếp tục được nhiều đại biểu Quốc hội mổ xẻ trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại các tổ ngày 21/10. Chuyện sân bay trên đảo Gạc Ma, chuyện giàn khoan 981… được móc nối để hối thúc một “kịch bản thoát Trung”.

Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) đề nghị xem xét thấu đáo vấn đề an ninh quốc phòng. Sau vụ giàn khoan 981, cần cảnh giác vì Trung Quốc còn sản xuất cả “lố” giàn khoan (982, 983, 984…). Những giàn khoan này đi đâu? Có "lang thang" trên vùng biển Việt Nam? Sân bay ở Gạc Ma, Trung Quốc cũng đã xây xong, sắp tới họ sẽ tuyên bố vùng nhận diện Biển Đông? - đại biểu đặt hàng loạt tình huống để cảnh báo, cần có những dự báo, tính toán sớm để điều chỉnh những diễn biến thực tế.
Ông Niễn cũng kêu gọi xem lại toàn diện vấn đề giao thương, đưa hàng Trung Quốc vào nội địa Việt Nam để có hướng xử lý phù hợp.
“Việc buôn bán với Trung Quốc cũng cần tính toán để không bị lệ thuộc vào một thị trường, vì hiện ta đang nhập nhiều mặt hàng, nhiên liệu, vật tư từ nước họ, nên cần tính toán sớm để điều chỉnh. Khi nào họ làm căng sẽ bất lợi cho nền kinh tế của chúng ta” – đại biểu nêu ý kiến.
 
Đại biểu Ngô Đức Mạnh: Cần xây dựng một kịch bản thoát Trung.
Đại biểu Ngô Đức Mạnh: "Cần xây dựng một kịch bản thoát Trung".
Đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) kêu gọi gấp rút đối phó với việc Trung Quốc mở rộng các hoạt động xây dựng trên các đảo đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa.
“Qua vụ giàn khoan cần rút ra điều gì đó chứ không nên chỉ nói theo phong trào, lúc việc xảy ra mới rầm rộ lên tiếng, sau đó lại để mọi việc chìm vào im ắng. Giã tâm của Trung Quốc là không từ bỏ tư tưởng độc chiếm Biển Đông nên cần đánh giá các động thái còn phức tạp hơn nữa. Cách chủ yếu để hóa giải tình hình là phải tạo ra được sức mạnh đoàn kết dân tộc” - ông Mạnh phát biểu.
Ông Mạnh cũng kêu gọi xây dựng một “kịch bản thoát Trung”, tính toán bài học phát triển của Việt Nam trong bối cảnh phức tạp hiện nay.
Đại biểu Hà Minh Huệ cũng cảnh báo “đừng ảo tưởng Trung Quốc bỏ qua tham vọng độc chiếm Biển Đông. Họ đã xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Gạc Ma. Chúng ta đang bị Trung Quốc qua mặt. Trong khi chúng ta mang thuyền ra ngăn giàn khoan thì họ ung dung xây dựng đảo nhân tạo, căn cứ quân sự tại Gạc Ma”. Ông Huệ đòi hỏi báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội cần quan tâm hơn đến nội dung này, đề ra chiến lược cụ thể trả lời cho câu hỏi “sắp tới cần tính thế nào?”.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) nhận định, năm nay, nếu không xảy ra vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam dẫn đến những làn sóng bất bình, phản đối trong dư luận rồi chuyển thành hành vi quá khích, đập phá doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai… tăng trưởng kinh tế của cả nước chắc chắn phải đạt mức 6,2%.
Cùng đoàn TPHCM, đại biểu Trương Trọng Nghĩa thì “phê” báo cáo của Chính phủ chưa nêu giải pháp làm sao lành mạnh hóa quan hệ kinh tế Việt Nam với Trung Quốc, cụ thể là đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ hợp tác kinh tế, để tránh lệ thuộc quá lớn vào bất cứ một nền kinh tế nào.
Ông Trương Trọng Nghĩa trình bày thêm lo lắng về câu chuyện phòng chống tham nhũng. Cho rằng vấn đề này sẽ được mổ xẻ thêm trong các báo cáo khác, nhưng bản thân ông rất băn khoăn về việc “tham nhũng mỗi năm không biết đã ngốn hết bao nhiêu % GDP?”.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhận xét, công tác phòng chống tham nhũng chưa mang hiện quả thiết thực, biện pháp đưa ra không hiệu quả. Nguyên nhân chính theo ông Thuyền là do mất lòng tin của dân.
“Lòng dân không yên tâm nên đi đâu cũng phải chi tiền. Có Bộ trưởng lên truyền hình nói cán bộ của tôi không yêu cầu nhưng dân vẫn đưa tiền. Vậy lỗi là do dân?” – ông Thuyền phân tích từ một biểu hiện, việc thi cử kiểu gì vẫn phải “chạy”, vì người nào cũng biết rằng không chạy khó mà đậu, bản thân không chạy thì người khác cũng chạy nên đành phải… “chạy đua vũ trang”.
Ông Thuyền nhấn mạnh, không lấy lại được lòng tin của người dân thì rất khó chống tham nhũng. Ở cơ sở, các cơ quan đưa ra giải pháp rất ít, khó có thể trông chờ.
“Giờ chỉ người nào không có cơ hội tham nhũng mới phát biểu về tham nhũng thôi. Tham nhũng thành thói quen, như hoạt động hàng ngày. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra hiệu quả không cao” – đại biểu bức xúc.
Khuyến cáo việc đẩy mạnh hoạt động chống tham nhũng, ông Thuyền cho rằng cần phải sửa luật hình sự, thêm một số tội về tham nhũng; hạn chế giao dịch tiền mặt, quy định chứng minh nguồn gốc tiền, tài sản với những giao dịch lớn. Kê khai tài sản sao cũng phải thực chất, không nên triển khai tràn lan, người không có cơ hội tham nhũng cũng quy định phải kê khai thì không để làm gì.
P.Thảo

Bành trướng TQ chiếm đảo lớn nhất Trường Sa

Đăng Bởi  - 

Có 200 quân PLA đồn trú phi pháp trên Đá chữ thập
Có 200 quân PLA đồn trú phi pháp trên Đá chữ thập
Trung Quốc đã tiến một bước dài trong quá trình lấn chiếm trái phép Biến Đông và quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) khi nắm trong tay một cách phi pháp hòn đảo lớn nhất quần đảo.
Trước đây, hòn đảo lớn nhất của Trường Sa là đảo Ba Bình (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Đài Loan chiếm đóng phi pháp). Nhưng giờ đảo Ba Bình đã phải lùi xuống vị trí thứ 2 để nhường chỗ cho Đá Chữ Thập.
Hoạt động cải tạo đất liên tục của Trung Quốc ở Biển Đông đã có "hiệu quả" khi họ bành trướng Đá Chữ Thập trở thành "hòn đảo" lớn nhất trong quần đảo Trường Sa. Thông tin này được tờ Want China Times khẳng định.
Từ cuối năm ngoái, Quân đội Trung Quốc (PLA) đã tiến hành các hoạt động xây dựng và cải tạo đất trên nhiều rạn san hô và đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa, bao gồm Đá Chữ Thập (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp).
Hình ảnh mà vệ tinh Mỹ thu được gần đây cho thấy các hoạt động của Trung Quốc đã làm tăng diện tích Đá Chữ Thập hơn 11 lần, từ 0,08 km vuông thành 0,96 km vuông. Nhờ vậy, rạn san hô còn có diện tích lớn hơn cả đảo Ba Bình. Và giờ, Đá Chữ Thập trở thành đảo lớn thứ 5 ở Biển Đông sau đảo Phú Lâm, đảo Đông Sa, đảo Linh Côn và đảo Tri Tôn. Trong các địa danh kể trên, trừ đảo Đông Sa thì Phú Lâm, Linh Côn và Tri Tôn đều thuộc quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp
Đá Chữ Thập, bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp từ năm 1988. Kể từ đó, Trung Quốc đã xây dựng một bãi đậu trực thăng, bến cảng, một tòa nhà hai tầng và một nhà kính 500 mét vuông trên rạn san hô. Hiện tại PLA có khoảng 200 binh sĩ đồn trú tại đó.
Đá Chữ Thập được coi có vị trí chiến lược quan trọng ở Biển Đông, cách đảo Trường Sa Lớn của Việt Nam khoảng 110 km. Theo một nhà bình luận quân sự từ trang Guancha tại Thượng Hải, diện tích của Đá Chữ Thập có thể tiếp tục được mở rộng để tăng gấp đôi kích thước so với hiện tại.
Sau đó, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ xây sân bay trên Đá Chữ Thập để sở hữu phi pháp sân bay đầu tiên trên quần đảo Trường Sa. Trước đó, Bắc Kinh cũng đã xây dựng phi pháp sân bay trên đảo Phú Lâm.
Về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mọi hoạt động của nước ngoài liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà không được phép của Việt Nam đều là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị pháp lý.
Anh Tú (theo WCT)

Hà Nội: Bé gái chết bất thường, dân vây bệnh viện

 - Sáng 21/10, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai (Hà Nội), hàng trăm người dân vây kín bệnh viện yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết bất thường của một bé gái.

XEM VIDEO: 
Cháu bé xấu số được xác định là Nguyễn Thị Hồng Nhung (11 tuổi, trú tại xóm 10, xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội).
Cháu bé được người nhà đưa vào bệnh viện đa khoa Quốc Oai vào sáng 19/10. Sau hai ngày nhập viện, cháu bé đã tử vong đột ngột.
Quốc Oai; bệnh viện; bức xúc; bệnh nhân
Quốc Oai; bệnh viện; bức xúc; bệnh nhân
Người nhà bệnh nhân vây bệnh viện vì quá bức xúc
Bà Bùi Thị Huê, bác ruột cháu Nhung cho biết: "Bác sĩ bảo cháu bị rối loạn tiêu hóa, cho nhập viện và truyền nước. Sau đó, cháu có biểu hiện nôn mửa, chúng tôi đề nghị các bác sĩ xem cháu có tiến triển gì không. Ấy thế mà không có một ông, bà (bác sĩ bệnh viện) nào ngó ngàng tới".
Cũng theo bà Huệ, đến chiều 19/10, cháu Nhung có biểu hiện nặng hơn, nôn khan nhiều lần. Người nhà tìm bác sĩ trong viện nhờ xem bệnh tình của cháu nhưng không thấy ai. Tại buồng bệnh chỉ có mấy y tá. Khi được hỏi bệnh tình của cháu thì họ trả lời chỉ là rối loạn tiêu hóa bình thường, việc nôn được như vậy là điều tốt.
Quốc Oai; bệnh viện; bức xúc; bệnh nhân
Cháu bé xấu số
Cho tới ngày 20/10, bệnh tình của cháu Nhung ngày càng nghiêm trọng hơn, người nhà vẫn không thấy có bác sĩ nào tới kiểm tra.
Quá sốt ruột, người nhà đã đề nghị phía bệnh viện cho được chuyển viện lên tuyến trên. Tuy nhiên, các y tá trong ca trực cho rằng bệnh tình không tới mức nghiêm trọng!
"Khoảng 4h30 sáng nay (21/10) tôi sang xem cháu như thế nào, nhưng khi sờ vào người thấy lạnh rồi. Tội cạy mồm cháu thì đã cứng cả rồi. Đến khoảng hơn 5h sáng thì cháu đi..." - bà Huệ nhớ lại.
Nằm vật vã đau đớn ở hành lang bệnh viện, anh Tình (39 tuổi) bố nạn nhân đau đớn: "Tối 20/10, cứ uống nước vào là cháu lại nôn ra hết. Tôi vội sang gọi bác sĩ thì y tá nói không sao đâu. Thấy xót ruột quá tôi 5 lần sang xin cho con tôi chuyển tuyến trên nhưng bệnh viện cứ bảo đến mai vì đang ngày nghỉ...".
Quốc Oai; bệnh viện; bức xúc; bệnh nhân
Bố cháu bé ngất lịm khi biết thông tin

Bức xúc trước cái chết tức tưởi của cháu bé, người nhà đã kéo đến bệnh viện đòi làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm.
Trong lúc bức xúc, một số người nhà đã xô xát với bác sĩ, tuy nhiên được lực lượng công an can thiệp kịp thời.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai đã yêu cầu thành viên ca trực viết bản tường trình. Điều dưỡng Nguyễn Phú Trung trình bày: “Ngày 20/10, tôi có tham gia ca trực từ 16h30 đến 19h cùng ngày. Lúc này người nhà bệnh nhân Nhung có báo cáo nhân viên y tế đề nghị xem xét chuyển viện vì sức khỏe cháu bé không tiến triển, nhưng tôi đã giải thích với gia đình rằng để theo dõi thêm.
Tôi đã sai vì đã không báo cáo bác sĩ trực về việc người nhà đề xuất chuyển viện, do bệnh nhân đông và phải tham ca gia mổ. Khoảng 4h20 phút ngày 21/10 gia đình thấy cháu bé lả đi nên có báo cáo với ý tá. Lúc đó tôi đang nghỉ ở buồng trực điều dưỡng, nên cùng với các y bác sỹ đã đến cứu chữa nhưng không kịp”.
Sáng nay, được sự động viên, khuyên giải của cơ quan chức năng, bố cháu bé là anh Nguyễn Xuân Tình và mẹ cháu là chị Lê Thị Nguyệt đã được người nhà đưa về nhà.
Hiện cơ quan chức năng đang làm việc với đại diện gia đình và bệnh viện để làm rõ cái chết của cháu bé...
Trao đổi với PV, ông Vũ Danh Tấn - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai cho hay: “Bệnh nhân tử vong do xuất huyết màng não thể tối cấp và có triệu chứng của bệnh tim”.
Theo ông Tấn, bệnh nhân Nhung được người nhà đưa vào cấp cứu trong tình trạng đau bụng, khó thở. Tại đây, các bác sỹ đã chẩn đoán cháu bé bị viêm màng não.
Do chưa có biểu hiện gì đe dọa tới tính mạng nên các bác sỹ Khoa Ngoại vừa điều trị, kết hợp theo dõi. Tuy nhiên, bệnh nhân rơi vào thể tối cấp của viêm màng não, nên sức khỏe có diễn biến phức tạp, các bác sỹ không kịp trở tay.
Trả lời về việc người nhà phản ánh, khi cháu Nhung có biểu hiện sức khỏe xấu đi, họ đã tìm gặp nhân viên y tế đề xuất chuyển viện nhưng không được đồng ý, ông Tấn khẳng định: Ban Giám đốc cũng đã tiếp nhận được thông tin trên từ người nhà!?
Trực tiếp tôi đã nói chuyện với người nhà bệnh nhân và cũng nghe được phản ánh về việc nhân viên y tế tắc trách dẫn đến cái chết của cháu bé. Tôi đã chỉ đạo xác minh làm rõ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm y đức” - ông Tấn nói rõ.
Trong khi đó, bác sỹ Hoàng Trần Lương - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai cho biết, đến thời điểm cháu bé tử vong, lãnh đạo bệnh viện và cán nhân ông Lương vẫn không hề biết bệnh án của cháu như thế nào. Khi xảy ra xử việc, cơ quan chức năng đã vào cuộc và niêm phong toàn bộ hồ sơ tài liệu phục vụ công tác điều tra.
Nhị Tiến