Trang

27 tháng 8, 2014

Hoạt động của ĐPV Lê Hồng Anh tại TQ

BTTD: TQ lập lại điệp khúc "duy trì hiện tại" để TQ có cơ hội lấn chiếm trong tương lai.

TTO -  Việt - Trung nhất trí kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; duy trì đại cục quan hệ Việt - Trung và hòa bình, ổn định trên Biển Đông.
Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái) hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: TTXVN
Chiều 27-8, tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc, ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tại cuộc gặp, ông Lê Hồng Anh khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc không ngừng củng cố và thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp hiện nay, hai bên càng cần tăng cường hợp tác, xử lý thỏa đáng bất đồng, cùng nhau tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, để tập trung xây dựng phát triển, nâng cao đời sống nhân dân ở mỗi nước.
Ông Lê Hồng Anh đề nghị lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước tăng cường chỉ đạo để quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc sớm khôi phục và phát triển lành mạnh, ổn định trên mọi lĩnh vực; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan hữu quan của mỗi bên tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, kiểm soát tốt tình hình và giải quyết ổn thỏa mọi tranh chấp bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích căn bản, lâu dài của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, phồn vinh của khu vực.
Nhân dịp này, ông Lê Hồng Anh đã chuyển lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trân trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sớm thăm lại Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc hết sức coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam, luôn kiên trì phương châm hợp tác hữu nghị với Việt Nam và sẽ cùng với Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam cố gắng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung tiếp tục phát triển; nhất trí lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước tăng cường quan tâm, chỉ đạo, duy trì quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, ổn định; chỉ đạo thực hiện tốt các nhận thức chung nhằm khôi phục và phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước mà lãnh đạo hai bên đã thống nhất trong chuyến thăm lần này.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảm ơn lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và bày tỏ sẽ sang thăm lại Việt Nam vào thời gian thích hợp.
Trước đó, trong sáng 27-8, ông Lê Hồng Anh đã hội đàm với ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hai bên đã trao đổi chân thành, thẳng thắn về một số vấn đề trong quan hệ hai Đảng, hai nước.
Ông Lê Hồng Anh khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam là hết sức coi trọng phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị, bình đẳng, cùng có lợi với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc.
Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước cần tăng cường trực tiếp chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao, đưa quan hệ hai Đảng, hai nước trở lại phát triển lành mạnh, ổn định và không ngừng phát triển theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, đáp ứng lợi ích căn bản và lâu dài của hai nước và của khu vực.
Về vấn đề trên biển, ông Lê Hồng Anh nêu rõ trước khó khăn, căng thẳng xảy ra trong quan hệ Việt - Trung vừa qua, lãnh đạo cấp cao hai nước cần trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan hữu quan của mỗi bên tuân thủ nghiêm túc các thỏa thuận cấp cao và “Thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, kiên trì đàm phán giải quyết tranh chấp trên biển theo tinh thần dễ trước khó sau, cố gắng tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; đồng thời tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển; đồng thời gia tăng cường độ làm việc của Nhóm công tác vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và Nhóm công tác cấp chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển.
Đặc biệt, cần kiểm soát tốt những bất đồng trên biển; tránh để xảy ra tình hình phức tạp ảnh hưởng quan hệ hai nước; cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông và xu hướng phát triển tốt đẹp quan hệ hai Đảng, hai nước.
Ông Lưu Vân Sơn khẳng định Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hết sức coi trọng chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Lê Hồng Anh; mong muốn và tin tưởng rằng cuộc gặp cấp cao hai Đảng lần này sẽ phát huy vai trò quan trọng nhằm xử lý ổn thỏa những vấn đề tồn tại giữa hai nước, thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng, hai nước và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước trong thời kỳ mới.
Kết thúc hội đàm, ông Lê Hồng Anh và ông Lưu Vân Sơn nhất trí về 3 nội dung quan trọng nhằm chỉ đạo phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời gian tới, cụ thể như sau:
Một là, lãnh đạo hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo trực tiếp đối với quan hệ hai Đảng, hai nước, thúc đẩy quan hệ Việt - Trung không ngừng phát triển lành mạnh, ổn định.
Hai là, hai bên tăng cường giao lưu giữa hai Đảng, hai nước; khôi phục và tăng cường hợp tác giữa hai bên trên mọi lĩnh vực như chính trị ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, thực thi pháp luật, nhân văn...
Ba là, hai bên tuân thủ các nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc; tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, đồng thời tích cực nghiên cứu và bàn bạc các giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, kể cả vấn đề hợp tác cùng phát triển; kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; duy trì đại cục quan hệ Việt - Trung và hòa bình, ổn định trên Biển Đông.
TTXVN

Giáo dục và định mệnh quốc gia

BTTD: VN anh hùng trong chiến tranh, hèn yếu trong hòa bình.

Trong lịch sử, Việt Nam chưa bao giờ được thế giới biết đến như một nước giàu có, một xã hội thịnh vượng. Kinh tế nước ta xưa nay chủ yếu là nước trồng lúa và làm tiểu thương. Mãi gần đây, nước ta mới trở thành một nước xuất khẩu nông sản và thủy sản, nhưng giá trị xuất khẩu chưa phải lớn đối với một quốc gia trong thế giới ngày nay.
Công nghiệp Việt Nam mới ở giai đoạn ứng dụng các máy móc, công nghệ nước ngoài. Sản phẩm lắp ráp theo thiết kế, thương hiệu, linh kiện nước ngoài vẫn là chủ yếu. Các sản phẩm hàng công nghiệp và tiêu dùng có tính cạnh tranh của Việt Nam chưa có mấy, so với các nước ASEAN đã yếu, so với toàn thế giới thì rất yếu.
Việt Nam chưa có gì đáng tự hào về khoa học. Gần đây, một số người Việt nổi lên, có tên tuổi trong các lĩnh vực Toán, Vật lý, nhưng họ đã là công dân của các nước khác, sống và làm việc ở nước ngoài.
Những thứ thiết yếu cho cuộc sống như giáo dục, y tế, giao thông của nước ta yếu kém, lạc hậu rất nhiều so với thế giới. Văn học, điện ảnh nước ta hầu như không ra khỏi được biên giới nước ta, thậm chí thua ngay trên sân nhà.
Bề ngoài, hầu hết lĩnh vực nước ta tỏ ra sẵn sàng hội nhập quốc tế, cầu thị học hỏi, tiếp thu, ứng dụng tri thức nhân loại và các kinh nghiệm thực tiễn tiên tiến. Một trong những việc khởi động của nhiều đề án hoàn thiện, cải cách, nâng cấp quản lý nhà nước, công nghiệp, nông nghiệp và kinh tế nói chung, khoa học, kỹ thuật, y tế, giáo dục, văn hóa... là đi khảo sát ở nước ngoài. Trong các đề án, có vô vàn thông tin, số liệu, minh họa, ví dụ ở Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... có tính thuyết phục cho các chính sách, giải pháp, kế hoạch hành động, ngân sách mà cơ quan chủ trì đề xuất. Thấy đúng quá rồi, yên tâm quá, làm thôi!
Nhưng tại sao ta cầu thị như thế, học hỏi, tiếp thu tri thức nhân loại và kinh nghiệm tiên tiến của thế giới như thế, mà các lĩnh vực nước ta cứ yếu kém, đì đẹt mãi vậy, càng đi, khoảng cách với thế giới càng xa vậy? Sự thật cay đắng là chúng ta chưa đủ trình độ để học hỏi và tiếp thu tinh hoa và kiến thức nhân loại, kể cả những thứ chẳng ai giữ bản quyền và đòi tiền bản quyền.
Chúng ta hay chê Trung Quốc chỉ giỏi làm "hàng nhái". Nhưng "hàng nhái" mà là tàu vũ vụ, máy bay, tàu phá băng, tàu hoả cao tốc, giàn khoan viễn dương... thì họ đã phải ở trình độ nào mới "nhái" nổi của thiên hạ chứ? Chúng ta thử "nhái" cái tủ lạnh, lò vi sóng, bàn là, máy giặt, máy hút bụi... xem có ra gì không, có cạnh tranh được về chất lượng, giá cả không?
Tóm lại, nếu nói đến những thứ làm cho thế giới phục Việt Nam, ngoài giỏi đánh giặc ngoại xâm, Việt Nam ta chưa giỏi việc gì khác. Là một nước yếu toàn diện về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hoá, nghệ thuật, Việt Nam sẽ luôn là "miếng mồi" của các cường quốc, những kẻ thèm muốn chiếm mảnh đất này, dù theo kiểu xâm lược cũ hay các kiểu xâm lược mới. Họ nghĩ Việt Nam đủ yếu để họ xâm lược và sẽ tìm cách xâm lược nước ta một khi họ vẫn nghĩ là nước ta nghèo yếu và chia rẽ. Nhưng chắc chắn là họ sẽ sai lầm, sẽ thất bại giống như những gì đã xảy ra với các cuộc xâm lược nước ta từ xưa đến nay.
Bị ngoại xâm và chiến thắng ngoại xâm - đó là định mệnh của Việt Nam. Chúng ta thích cái định mệnh đó hay muốn thay đổi nó?
Nếu chúng ta thích nó, hãy cứ sống như chúng ta đã và đang sống. Chắc chắn lịch sử sẽ lặp lại. Chúng ta sẽ lại có những chiến thắng vang dội năm châu và những vị tướng lừng danh thế giới. Nhưng Việt Nam ta sẽ không bao giờ có những nhà kinh doanh giỏi, những nhà khoa học giỏi, những nhà văn hóa, nghệ thuật giỏi, có ảnh hưởng với thế giới. Họ không thể xuất hiện ở một đất nước luôn luôn có nguy cơ bị xâm lược và triền miên đánh giặc ngoại xâm. Việt Nam sẽ không bao giờ giàu có, hiện đại và văn minh.
Nếu chúng ta muốn thay đổi cái định mệnh nghìn năm, không có cách nào khác là bắt đầu từ một nền giáo dục mới để tạo dựng những thế hệ người Việt mới. Họ sẽ học hỏi và tiếp thu tinh hoa, kiến thức của nhân loại, nhưng với sự nghiêm túc học hỏi và chất lượng tiếp thu cao hơn rất nhiều so với các thế hệ chúng ta. Những thế hệ người Việt mới sẽ nghĩ rất khác chúng ta hiện nay. Họ sẽ nghĩ không hay ho gì ba lần đại thắng quân Nguyên như cái giá của một nghìn năm Bắc thuộc. Tốt nhất là nước ta không bị họ xâm lược và vì thế không cần phải thắng họ.
Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc có 5 cường quốc là ủy viên thường trực thì nước ta đã buộc phải đánh nhau với 3 nước để bảo vệ độc lập, chủ quyền, với tổng thời gian chiến tranh trên 100 năm. Chúng ta đã chiến thắng họ một cách vang dội trong quá khứ. Nhưng các thế hệ người Việt mới sẽ biết cách để tránh chiến tranh trong tương lai. Họ biết cách làm sao để các kiểu "quân Nguyên" sẽ không bao giờ dám nghĩ tới việc xâm lược một Việt Nam giàu mạnh về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật và kéo theo là sức mạnh quân sự và ảnh hưởng của Việt Nam với thế giới. Chúng ta cần đầu tư mạnh vào các thế hệ người Việt mới như vậy.
Giống như Malaysia rộng lớn, đông dân chẳng bao giờ dám nghĩ tới việc "thu hồi" Singapore nhỏ bé từng là một phần trước kia của họ. Singapore đã thay đổi được định mệnh của mình. Họ đã bắt đầu từ giáo dục. Đối với Singapore, ông Lý Quang Diệu không chỉ là người lập quốc, ông còn là nhà tư tưởng và nhà giáo dục đại tài. Bằng việc áp dụng những gì tốt nhất của các nền giáo dục Anh, Mỹ, Singapore đã trở thành một trong những cường quốc giáo dục hàng đầu của giới. Nền giáo dục tiên tiến đã thay đổi toàn diện quốc đảo này. Người Singapore hiện nay tư duy rất khác ông cha họ đến từ Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ. Đối với các nước chưa thân thiện với Singapore, ông Lý Quang Diệu chỉ nói một câu: "If you beat me, I will beat you, and damage may be more on your side!" ("Nếu anh đánh tôi thì tôi sẽ đánh lại anh và có thể anh sẽ bị thiệt hại nhiều hơn đấy!). Singapore nói được, làm được.
Trước đó, từ năm 1868, được thuyết phục và khích lệ bởi tư tưởng "thoát Á" của nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi, Minh Trị Hoàng Đế nước Nhật đã thực hiện cuộc cải cách giáo dục hiếm có cả về chiều rộng và chiều sâu, giũ bỏ các tư tưởng, giá trị giáo dục cũ để xây dựng một nền giáo dục hoàn toàn mới cho nước Nhật. Bức ảnh trên đồng tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật Bản không phải của một ông vua hay một ông thủ tướng, mà của nhà tư tưởng - nhà giáo Fukuzawa Yukichi, người sáng lập Đại học tổng hợp Keio, tác giả của "Thoát Á Luận".
Gần đây nhất, Hàn Quốc đã nổi lên như một ví dụ đầy thuyết phục về sự thay đổi định mệnh quốc gia. Trong vòng chỉ hơn 40 năm, Hàn Quốc đã trở thành một nền kinh tế lớn của thế giới, với công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ hiện đại. Đồng thời, nền giáo dục, khoa học Hàn Quốc đạt được rất nhiều thành tựu lớn, tiến sát các nước phát triển nhất. Về bản chất, Hàn Quốc là một quốc gia "thoát Á" thành công sau Nhật Bản và Singapore.
Với tất cả sự kính trọng đối với cha ông, tôi cho rằng, để thay đổi định mệnh của đất nước, dân tộc thì nhiều khi phải dám nghĩ và làm khác cha ông. Và điều đó chỉ có thể làm được thông qua giáo dục. Nói đúng hơn - thông qua cải cách và chấn hưng giáo dục, trên tinh thần khai sáng.
Lương Hoài Nam

Kiev tố Moscow lập căn cứ quân sự ở miền đông Ukraine

BTTD: Nga từ "dán tiếp" chuyển sang "trực tiếp" xâm lược Ukraina.

Ukraine cáo buộc một tiểu đoàn của Nga thiết lập căn cứ ở miền đông nam nước này hôm qua, chỉ vài ngày sau khi Kiev bắt 10 binh sĩ mà Moscow cho rằng đã vô tình vượt biên.
tag-reuters-8067-1409193692.jpg
Binh sĩ Ukraine đọ súng với lực lượng ly khai ở thành phố Ilvaysk hôm 26/8. Ảnh:Reuters.
Người phát ngôn quân đội Ukraine Andriy Lysenko cho biết "tiểu đoàn chiến thuật" của Nga đã thiết lập một trụ sở gần làng Pobeda, cách thành trì Donetsk của phe ly khai khoảng 50 km về phía nam. Theo ông Lysenko, 5 xe bọc thép chở quân (APC) cùng một xe tải tiến vào thị trấn Amvrosiyivka, cách làng Pobeda 25 km về phía đông bắc.
"5 xe thiết giáp bộ binh cùng một xe tải Kamaz chở theo người đã vào Amvrosiyivka", Reuters dẫn lời ông Lysenko phát biểu trước báo giới. "Nếu nhóm chiến thuật này cũng bị lạc và vô tình đi vào lãnh thổ Ukraine giống như những lính dù trong sư đoàn dù 98 trước đó thì tôi muốn nhắc rằng họ có thể trở về Nga, đi theo hướng đông".
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng Moscow cần làm sáng tỏ những cáo buộc từ phía Kiev, người phát ngôn Steffen Seibert của thủ tướng Đức cho biết. "Bà ấy nhấn mạnh rằng Nga chịu trách nhiệm chính trong việc giảm leo thang căng thẳng và giám sát những khu vực biên giới".
Kremlin xác nhận cuộc điện đàm nhưng không cung cấp chi tiết nội dung.
Bộ Quốc phòng Nga hiện cũng chưa đưa ra bình luận nào về những cáo buộc xâm nhập từ Ukraine. Moscow phủ nhận thông tin cho rằng Nga gửi vũ khí và binh sĩ giúp phe ly khai, đồng thời nói các binh sĩ bị Ukraine bắt hôm 25/8 là do vô tình vượt biên giới hai nước.
Giao tranh tiếp diễn ở miền đông
Người phát ngôn quân đội Ukraine cho biết mức độ giao tranh gia tăng ở khu vực gần thành phố Horlivka và Ilovaysk, cách Donetsk khoảng 50 km. Quân đội chính phủ đã tiêu diệt 200 phần tử ly khai, phá hủy các xe tăng và hệ thống tên lửa của lực lượng này. 13 binh sĩ Ukraine thiệt mạng trong 34 cuộc đụng độ diễn ra trong 24 giờ qua tại các khu vực dọc theo miền đông và đông nam Ukraine.
Theo các quan chức quân đội Ukraine, phe ly khai hiện muốn chuyển hướng cuộc chiến xuống phía đông nam về hướng biển Azov. Những thắng lợi của phe ly khai ở những khu vực nêu trên có thể khiến thành phố cảng Mariupol, đang nằm trong tay lực lượng chính phủ, gặp nguy hiểm.
Người phát ngôn quân đội Ukraine Lysenko thông báo tuyến đường cao tốc chính nối thị trấn Novoazovsk tới Mariupol vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ và khẳng định quân đội ở đây có đủ nguồn lực để đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào. Lyudmila, cư dân Novoazovsk, cho biết phe ly khai đã tấn công Novoazovsk từ làng Markine cách đó 7 km.
"Novoazovsk đã chết. Mọi người đang trốn (những đợt pháo kích). Chúng tôi nghe đồn về một cuộc tấn công chỉ vài ngày trước đó. Cờ Ukraine trên các văn phòng của hội đồng thành phố đã bị gỡ xuống", Lydumila nói.
Căng thẳng ở miền đông Ukraine vẫn tiếp tục gia tăng bất chấp các cuộc đàm phán hòa bình giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko ở Minsk, Belarus, trước đó. Trong cuộc đàm phán, ông Poroshenko cam kết sẽ lập một lộ trình, tiến tới lệnh ngừng bắn.
adsf-6424-1409193692.png
Vị trí các thành phố ở khu vực miền đông Ukraine. Đồ họa: BBC.
Như Tâm

Bộ Công thương chưa biết 'clip cán bộ nhận tiền'

BTTD: Chuyện nhỏ, "nhận tiền đúng quy trình".

1
1
TNO. Lãnh đạo Bộ Công thương chưa biết thông tin về video clip đang được tung trên các trang mạng cho thấy một nhân viên xuất nhập khẩu công khai nhận tiền “lót tay” của doanh nghiệp.
Người bị quay trong clip là bà Phạm Thanh Hương, Phó phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Hải Phòng, công khai nhận tiền “lót tay” của doanh nghiệp ngay tại văn phòng làm việc.
Thông tin này gây xôn xao dư luận. Đoạn video thể hiện hành vi đưa tiền và nhận tiền diễn ra rất công khai tại Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Hải Phòng.
Trong clip, người nhận tiền giữ thái độ rất thản nhiên, thậm chí có khi còn không ngẩng mặt lên nhìn người đưa tiền.
Ngày 27.8, phóng viên Thanh Niên Mobile đã liên lạc vào số điện thoại của bà Phạm Thanh Hương, do Bộ Công thương cung cấp, nhưng đầu dây bên kia lập tức tắt máy.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó văn phòng Bộ Công thương, phụ trách công tác báo chí của Bộ, cho biết Văn phòng Bộ chưa nhận được thông tin về việc này và đề nghị phóng viên liên lạc với ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cơ quan phụ trách của bà Phạm Thanh Hương.
Phóng viên Thanh Niên Mobile đã cố gắng liên lạc bằng điện thoại với ông Phan Văn Chinh nhưng bất thành.
Một lãnh đạo của Bộ Công thương khẳng định, lãnh đạo Bộ chưa nghe thông tin về “clip tố cáo” này và đề nghị phóng viên cung cấp thông tin để báo cáo lãnh đạo Bộ Công thương xem xét.

Tình đời

Làm quen sao dễ quá đi thôi
Làm bạn lại khó hơn nữa rồi
Tri kỷ phải tìm đâu mới thấy
Tri kỷ hồng nhan... hỏi ông Trời.
ThíchPhạm Hải

Chủ tịch huyện ra công văn yêu cầu uống bia Sài Gòn

BTTD: Lạm dụng quyền lực đến thế sao?

(VTC News) - Chủ tịch Huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) ký công văn yêu cầu cơ quan, công sở, cơ sở kinh doanh “ưu tiên dùng bia Sài Gòn…”.
Ngày 25/8, trên trang thông tin điện tử huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) đăng tải Công văn “V/v đẩy mạnh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm Bia Sài Gòn, nước khoáng Sơn Kim tại Kỳ Anh”. 
Công văn này do ông Nguyễn Văn Bổng - Chủ tịch UBND huyện ký, yêu cầu cơ quan, công sở, cơ sở kinh doanh “ưu tiên dùng bia Sài Gòn…”.
Theo đó, công văn được gửi đến Chủ tịch Chủ tịch UBND các xã – thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, phòng, ban, đơn vị; Chủ các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ; Cơ sở doanh karaoke; kinh doanh ăn uống trên địa bàn huyện.
Công văn của Chủ tịch Huyện Kỳ Anh ký 
Nội dung công văn nêu rõ: Để góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đặc biệt là ưu tiên sử dụng các sản phẩm Bia Sài Gòn sản xuất tại Hà Tĩnh, nước khoáng Sơn Kim được tiêu thụ trên địa bàn huyện Kỳ Anh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Anh yêu cầu:
Thủ trưởng các cơ quan, phòng, ban, đơn vị, UBND các xã – thị trấn: Trong các cuộc Hội thảo, hội nghị, tiếp khách theo quy định phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, đồ uống sản xuất trong tỉnh như: bia Sài Gòn của Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh, nước khoáng Sơn Kim…và các sản phẩm khác được sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Chủ các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh karaoke, sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn huyện Kỳ Anh ưu tiên giới thiệu, mời gọi và khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm bia Sài Gòn sản xuất tại Hà Tĩnh như: bia lon Sài Sòn 333, bia chai Sài Gòn Lager, Expor…;nước khoáng Sơn Kim tại cơ sở kinh doanh nhằm quảng bá hình ảnh, sản phẩm của Hà Tĩnh đến với người tiêu dùng.
Yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc.
Minh Chiến

Trùm xã hội đen Minh 'sâm' hoành hành do được 'làm ngơ'?

 - Mặc dù băng nhóm Minh 'sâm' hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh một thời gian khá dài nhưng các cơ quan chức năng ở tỉnh này vẫn không hay biết gì. Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Liệu chính quyền các cấp tỉnh Bắc Ninh có làm ngơ cho Minh “sâm” mặc sức hoành hành?


Bộ trưởng Trần Đại Quang yêu cầu mở rộng điều tra, sớm đưa vụ án ra xét xử.
Chờ cấp dưới báo cáo!
Chiều 26/8, PV VietNamNet đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh xoay quanh việc ông trùm Minh “sâm” và tay chân đắc lực của vị “doanh nhân thành đạt” bị C47, Bộ Công an bắt khẩn cấp.
Minh 'sâm'; xã hội đen; Bắc Ninh
Ông Nguyễn Nhân Chiến - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh: “Phải chờ kết luận cơ quan điều tra. Không nên nói trước bất cứ điều gì”.
Theo ông Nguyễn Nhân Chiến - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, sau khi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có văn bản chỉ đạo Tỉnh ủy Bắc Ninh kiểm điểm, xác định trách nhiệm cá nhân tập thể trong việc để xảy ra vụ Minh “Sâm”, ông đã có văn bản chỉ đạo Giám đốc CA tỉnh và UBND thị xã Từ Sơn.
Theo chỉ đạo của chủ tịch tỉnh, 2 đơn vị trên phải kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan đến vụ C47 (Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an) bắt Nguyễn Ngọc Minh, giám đốc công ty TNHH Đại An và Nguyễn Thành Hưng, giám đốc công ty TNHH Thành Hưng Bắc Ninh cùng 8 đối tượng về hành vi chiếm đoạt tài sản và tàng trữ vũ khí quân dụng.
Các cơ quan này phải đề xuất hướng xử lý và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 5/9.
Cũng theo ông Nguyễn Nhân Chiến, trong ngày 25/8, UBND xã Phù Khê (địa bàn xảy ra vụ việc) đã có báo cáo về tình hình an ninh trật tự tại địa bàn và các vấn đề liên quan đến các đối tượng bị bắt nói trên.
Theo UBND xã Phù Khê, từ khi chợ gỗ Phù Khê đi vào hoạt động từ năm 2012 cho đến nay, qua các các buổi tiếp xúc cử tri đại biểu HĐND các cấp UBND xã Phù Khê không nhận được một ý kiến nào cũng như đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan đến việc thu tiền trái pháp luật của 2 công ty trên. Trong mối quan hệ giữa các công ty và chính quyền địa phương cũng không có vấn đề gì.
Về cá nhân ông Nguyễn Thành Hưng (Hưng “sóc”, người được coi là cánh tay phải của ông trùm Minh “Sâm”- PV), UBND xã Phù Khê cho biết, ngoài là trưởng thôn Phù Khê Thượng, ông Hưng còn là đại biểu HĐND xã khóa 2011-2016.
Sau khi ông Hưng bị bắt, xã đã cử người tạm thời làm nhiệm vụ điều hành thôn, chờ khi có quyết định mới.
Sau khi từ chối nhiều câu hỏi khác của báo chí, ông Nguyễn Nhân Chiến cho biết: “Trước mắt xã báo cáo vậy nhưng chúng tôi sẽ còn phải kiểm tra lại nữa”.
PV đưa ra câu hỏi về việc: từ trước đến nay, phía UBND tỉnh có nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc băng nhóm do Minh “sâm” cầm đầu mặc sức tung hoành, cưỡng đoạt tài sản của người dân, ông Nguyễn Nhân Chiến liên tục từ chối trả lời với lí do: “Phải chờ kết luận cơ quan điều tra. Không nên nói trước bất cứ điều gì”.
Dự án hàng trăm tỉ đồng của Minh “sâm”
Được biết, trước thời điểm bị bắt, ông trùm Minh “sâm” đang triển khai rất nhiều dự án “khủng” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Một trong những dự án thuộc hàng tầm cỡ của “đại gia” này là mở rộng tỉnh lộ 277 với tổng mức đầu tư 434 tỷ đồng.
Minh 'sâm'; xã hội đen; Bắc Ninh
Dự án mở rộng tỉnh lộ 277 do công ty ông trùm Minh “Sâm” đã hoàn thành 90%, xe lưu thông nhưng còn 16 hộ dân chưa nhận tiền đền bù
Ông Vương Hữu Truyền, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh xác nhận, công ty TNHH Đại An của ông trùm “Minh Sâm” được giao thực hiện dự án mở rộng tỉnh lộ 277 trên địa bàn thị xã Từ Sơn.
Việc thực hiện dự án này theo hình thức BT, tức công ty của Minh “ Sâm” bỏ vốn ra để làm đường sau đó tỉnh sẽ trả bằng đất tại một dự án khác.
“Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi với trách nhiệm là cơ quan quản lý không nhận được bất cứ đơn thư khiếu nại của hộ dân nào liên quan đến dự án”, ông Truyền khẳng định.
Cũng khẳng định lại thông tin này nhưng trong báo cáo UBND xã Phù Khê lại cho biết, đến nay còn 16 hộ gia đình có đất liên quan đến dự án chưa nhận tiền đền bù với tổng diện tích đất gần 12.000 m2.
Báo cáo UBND xã khẳng định, từ tháng 11/2013 đến đầu tháng 8/2014, UBND xã Phù Khê và các phòng ban chức năng của UBND thị xã Từ Sơn đã tổ chức 4 cuộc đối thoại với dân, nhưng chưa thỏa thuận được.
Dân không nhận tiền đền bù nhưng dự án đã xong, liệu có mâu thuẫn gì không?
Trả lời câu hỏi này, giám đốc Sở GTVT Bắc Ninh cho biết: “Có thể họ chưa nhận tiền đền bù nhưng vẫn bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công”.
VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Những vụ án nội cộm tại Bắc Ninh gần đây:
- Ngày 29/11/2013, lực lượng C45, Bộ Công an đã ập vào nhà nghỉ Tuấn Sơn (Chùa Dận, Đình Bảng, Bắc Ninh), phát hiện hơn 100 con bạc đang sát phạt nhau với hình thức xóc đĩa.
Cảnh sát thu giữ 2 bao tải đựng tang vật gồm tiền, quân vị, điện thoại, ví, bát đĩa, máy tính... đa số tiền là tiền mệnh giá 100 nghìn, 200 nghìn và 500 nghìn đồng. Uớc tính số tiền thu giữ được lên tới vài tỷ đồng.
- Chiều và tối 13/8/2014, hơn 100 cảnh sát thuộc nhiều lực lượng của Bộ Công an đồng loạt bao vây khám xét, bắt khẩn cấp 9 người thuộc Công ty TNHH Đại An và Công ty TNHH Thành Hưng, có trụ sở tại xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; trong đó có Nguyễn Ngọc Minh (còn gọi là Minh 'sâm'), Giám đốc Công ty TNHH Đại An cùng một số người thân của Minh. Qua khám xét cơ quan chức năng đã thu giữ 6 khẩu súng, đạn dược các loại và 1 quả lựu đạn. Bước đầu các đối tượng bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Hoàng Sang