Trang

26 tháng 8, 2014

Lãi suất đang bơi trên “biển Chết”

Lãi suất đã tự bơi được, là nhờ điều hành hay do đặc tính tự nhiên tự nổi?...

Lãi suất đang bơi trên “biển Chết”
Lạm phát liên tục ở mức thấp những năm gần đây cũng là cơ sở để có được mặt bằng lãi suất như hiện nay, hay góp phần tạo nên khả năng tự bơi của nó.
MINH ĐỨC
Lần thứ hai kể từ đầu năm thị trường đón nhận hướng điều chỉnh khá rõ của lãi suất huy động VND. Không cần “cái phao” cơ chế trần, lãi suất đang cho thấy khả năng tự bơi được mà không bị chìm xuống bất ổn.

Mở đầu tuần mới, ngày 25/8, hai “ông lớn” Vietcombank và BIDV công bố biểu lãi suất tham chiếu, cùng giảm đáng kể ở hầu hết các kỳ hạn. Diễn biến này có sau kết quả của lạm phát tháng 8 và 8 tháng cực thấp trong nhiều năm trở lại đây.

Cái phao trần lãi suất

Bốn năm về trước, cơ chế trần lãi suất ra đời. Ban đầu là sự thỏa thuận giữa các thành viên qua Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), sau rồi được luật hóa.

Cuối 2010, trước tình trạng lãi suất chìm trong bất ổn, trần lãi suất trở thành cái phao để kiểm soát rủi ro. Ngay từ đầu, cơ chế này đã gặp nhiều phản ứng trong dư luận, với quan điểm hãy để lãi suất tự bơi và thị trường tự điều chỉnh.

Những phản ứng đó chuyển tiếp sang năm 2011. Ngay khi tiếp nhận vị trí đứng đầu cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, tháng 8/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã gợi mở sẽ từng bước gỡ bỏ trần lãi suất. Và phải mất gần hai năm sau, những bước đi đầu tiên mới nhích dần.

Đó là những bước đi trên băng mỏng. Một sự thiếu thận trọng đều có thể khiến lãi suất lại chìm vào bất ổn, bởi thanh khoản hệ thống dù được củng cố nhưng chưa bền vững. Đó cũng là lý do vì sao cái phao trần lãi suất vẫn phải khoác. Nhưng đã có thay đổi.

Từ áp trần dẫn tới lãi suất kẻ thẳng trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại mà không phân biệt kỳ hạn ngắn – dài, Ngân hàng Nhà nước từng bước gỡ bỏ: áp từ kỳ hạn 12 tháng trở xuống, thả nổi tiền gửi dài, rồi tiến tới chỉ còn áp các kỳ hạn dưới 6 tháng. Đường cong lãi suất dần được “uốn” lại.

Từ cái áo phao, Ngân hàng Nhà nước từng bước cởi bỏ rồi buộc hờ cái phao tay. Lãi suất vẫn được kiểm soát bằng cơ chế trần để tránh ngập xuống bất ổn, nhưng rồi dần dần nó tự bơi được.

Ngày 25/8, lần thứ hai kể từ đầu năm lãi suất huy động VND cho thấy khả năng đó. Hai “ông lớn” quốc doanh chiếm thị phần huy động trên dưới 20% toàn hệ thống đã giảm lãi suất xuống khá sâu dưới mức trần. Ngay ngày hôm sau (26/8), một số ngân hàng cổ phần lớn cũng bắt theo tín hiệu. Và đến nay đã có rất nhiều ngân hàng thương mại không còn bám vào cái phao lãi suất tối đa 6%/năm nữa, mà tự đẩy mình ra xa. Lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng hiện phổ biến chỉ 4,5% - 5,8%/năm.

Dĩ nhiên, như lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước từng lý giải, cái phao trần lãi suất vẫn chưa thể gỡ hẳn, vẫn phải buộc hờ. Vẫn còn những trường hợp chưa thể tự bơi, gỡ có thể lại gây rủi ro, gây xáo trộn lãi suất.

Biết bơi hay do không bị chìm?

Ở biển Chết (nằm trên biên giới giữa Israel và Jordan), ai cũng có thể nổi, dù biết bơi hay không. Do hàm lượng muối rất cao khiến tỷ trọng nước biển lớn hơn tỷ trọng mỗi người, nổi là đặc tính tự nhiên.

Liệu lãi suất đang dần tự bơi như hiện nay là kết quả của điều hành, hay do chênh lệch tỷ trọng giữa các nguồn vốn, khi mà “hàm lượng muối” trong sức cầu nền kinh tế ở mức cao?

Đều đặn những năm gần đây, tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng liên tục đạt từ 16% - 17%, trong khi tín dụng chỉ từ khoảng 11% - 12%; riêng 7 tháng đầu năm nay huy động tăng 6,98% trong khi tín dụng chỉ tăng 3,68%. Sự lệch nhịp giữa hai tốc độ này dẫn tới tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) từng nóng bỏng trên 100% hạ xuống nhanh, hiện chỉ còn khoảng 82% toàn hệ thống.

Hay nói một cách chung chung và đại chúng, hệ thống ngân hàng dư thừa vốn kéo dài từ diễn biến trên. Đúng hơn, do “hàm lượng muối” trong sức cầu nền kinh tế còn cao, tín dụng không thể bốc như nhiều năm trước nữa. Vốn thừa, khó đẩy mạnh cho vay, lãi suất đương nhiên giảm, hay như cách nói hình ảnh trên là tự bơi được.

Về vĩ mô, lạm phát liên tục ở mức thấp những năm gần đây cũng là cơ sở để có được mặt bằng lãi suất như hiện nay, hay góp phần tạo nên khả năng tự bơi của nó.

Gộp lại, có vẻ như thực tế trên tạo nên “đặc tính tự nhiên” khiến lãi suất không bị chìm vào bất ổn như trước. Các con sóng lạm phát, căng thẳng thanh khoản không còn dập dềnh và dữ dằn như trước để xô đẩy lãi suất, dù có khoác phao cơ chế trần.

Nhưng thực tế trên không tự nhiên mà có, như lãi suất không tự nhiên mà biết bơi.

Liên tục những năm qua mục tiêu hàng đầu của chính sách vĩ mô là kiềm chế lạm phát, trong đó chính sách tiền tệ là công cụ chính. Đến nay, dù phân tích các nguyên nhân vẫn là chủ đề hấp dẫn, song thành công trong kiềm chế lạm phát đã được thừa nhận.

Cùng với đó là thanh khoản và trật tự hệ thống ngân hàng đã được thiết lập. Ở đây, chủ trương tái cơ cấu mà Trung ương Đảng đưa ra cuối năm 2011 là kịp thời. Ngân hàng Nhà nước lập tức có được “thượng phương bảo kiếm” để khoanh vùng các ngân hàng yếu kém - nơi từng có những mũi khoan nhức nhối về lãi suất do khó khăn thanh khoản. Khoanh vùng được để kiểm soát, xử lý sau. Ở đây, chính cơ chế trần lãi suất cũng góp công để khoanh vùng nhanh hơn.

Rồi hoạt động ngân hàng bước vào kỳ tín dụng tăng trưởng thấp (trong đó nổi bật là do sức cầu của nền kinh tế). Đây lại là yếu tố “may mắn” để các cỗ máy bơm tiền hạ nhiệt, các cân đối vốn và thanh khoản dễ chịu hơn, lãi suất có thêm điều kiện để bình ổn rồi dần tự bơi sau này.

Quá trình cởi bớt phao và tự bơi của lãi suất trở nên thuận lợi hơn nữa khi Ngân hàng Nhà nước đã cắt bỏ đáng kể sức lôi kéo của vàng và “đô”, đặc biệt là từ vàng. Nguồn vốn của hệ thống đã bớt bị chia sẻ bởi nguồn tiền rút ra rồi chôn vào vàng trong dân cư - điểm nổi bật trong hai năm nay. Cùng đó, lượng ngoại tệ chuyển đổi sang VND cũng đột biến ở dự trữ ngoại hối quốc gia. Tác động rõ nét trong mức tăng khá cao của tổng phương tiện thanh toán theo đó (từ 16% - 17%) là do cung tiền mua ngoại tệ.

Bớt cầm vàng, bớt cầm “đô”, tiền đồng được gửi vào ngân hàng nhiều hơn, hỗ trợ cho quá trình tập để tự bơi của lãi suất. Ngân hàng Nhà nước vẫn nói VND hấp dẫn, nhưng ở khía cạnh nào đó, khi vàng và “đô” mất sức hút, việc đầu tư vào sản xuất kinh doanh khó khăn, nhiều người cầm tiền nhưng không biết làm gì và gửi ngân hàng cũng là một cách nói khác.

Tất cả những yếu tố đó, xoay quanh trục điều hành chính sách tiền tệ, tạo nên một “biển Chết” cho lãi suất. Nhưng, ở đây, không có đặc tính tự nhiên, tự có.

Huỳnh Uy Dũng tố cáo Chủ tịch tỉnh Bình Dương

Ông Huỳnh Uy Dũng: “Tôi tố cáo là đúng người đúng việc“

Ông Huỳnh Uy Dũng – Tổng Giám đốc Cty CP Đại Nam.
Ông Huỳnh Uy Dũng – Tổng Giám đốc Cty CP Đại Nam.

Gần một năm xảy ra vụ ông Huỳnh Uy Dũng – Tổng GĐ Cty CP Đại Nam – gửi đơn tố cáo ông Lê Thanh Cung – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (BD) - lên Thủ tướng Chính phủ.

 Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố kết luận thanh tra vụ việc này, nhưng ông Dũng đã đề nghị Thủ tướng cho phúc tra. 

Chúng tôi đã trao đổi với ông Huỳnh Uy Dũng về sự vụ đang được dư luận quan tâm nói trên...
- Xin ông cho biết, cơ sở nào để ông đề nghị phúc tra kết luận của TTCP?
Kết luận của TTCP đã công nhận trong 3 nội dung tôi tố cáo, thì 2 nội dung “tố cáo có cơ sở” và 1 nội dung “tố cáo chưa đủ cơ sở”. Tuy nhiên, khi nhận được thông báo kết quả giải quyết, tôi thật sự thất vọng... 
Trong vụ việc trên, tỉnh BD từng kiểm tra và kết luận tôi không sai. Tôi là người đi tố cáo, TTCP kiểm tra, lại nói tôi sai (?). Ông Cung chỉ đạo không xem xét phê duyệt quy hoạch 1/500 cho DN của tôi, thì TTCP lại “loại” ông Cung ra... ngoài cuộc (?!).
Kết luận thanh tra khẳng định, ông Cung không liên quan trách nhiệm gây chậm phê duyệt quy hoạch 1/500 của Cty Đại Nam, là không đúng sự thật. Trong khi đó, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 quy định rất rõ trách nhiệm của người đứng đầu, phải thừa kế trách nhiệm... Do đó, tôi tố cáo ông Cung là đúng người, đúng việc. Không thể đổ trách nhiệm của ông Cung cho Sở Xây dựng, hay các vị nguyên chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh BD thời kỳ trước...
- Kết luận của TTCP cho rằng, Cty Đại Nam “thỏa thuận góp vốn đầu tư, thực chất là phân lô và chuyển nhượng đất nền không đúng quy định, khi chưa được phê duyệt quy hoạch 1/500”. Ông nhận xét thế nào về nhận định trên?
- Năm 2004, UBND tỉnh BD kêu gọi tôi mua giùm khu đất trên để giúp tỉnh BD có tiền trả nợ Bộ Tài chính. Năm 2006, dự án KCN Sóng Thần 3 được cấp phép, tôi nộp đủ tiền sử dụng đất và được tỉnh cấp sổ đỏ cho phép làm khu đất ở. 
Tôi kêu gọi mọi người góp vốn xây dựng cơ sở hạ tầng và tôi chưa chuyển nhượng cho ai thước đất nào. Tôi dự định, sau khi xong cơ sở hạ tầng, mới kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp xây nhà ở cho công nhân thuê... Tôi chưa thay đổi hiện trạng khu đất, không thay đổi quy hoạch... Việc huy động vốn là đúng Luật Đất đai , Luật Kinh doanh bất động sản và UBND tỉnh BD cho phép.
Tuy nhiên, sau khi ông Cung ra văn bản 3184/UBND-KTTH, ngày 21.10.2009, ngăn cấm, dự án bị đình trệ, kéo dài tận hôm nay... Phần lớn các nhà đầu tư đã rút vốn, Cty đã hoàn trả vốn kèm lãi suất, không ai khiếu nại gì.
ưLẽ ra, khi được cấp sổ đỏ, tôi phải được hưởng đầy đủ 5 quyền (chuyển nhượng, góp vốn, thế chấp sổ đỏ...), như Luật Đất đai quy định; nhưng văn bản cấm đoán của ông Cung đã tước bỏ 5 quyền hợp pháp trên của tôi. Và, gây thiệt hại rất lớn cho Cty Đại Nam trong suốt 5 năm qua. Không thể nhập nhèm “thỏa thuận góp vốn”, với hợp đồng “chuyển nhượng đất” để quy kết rằng tôi sai phạm.
- Ngày 14.8 vừa qua, báo Lao Động đã phản ánh một dự án của Becamex IDC cũng vi phạm “phân lô, bán nền”. Ông có chia sẻ gì về trường hợp này, khi Becamex IDC cùng “cảnh ngộ” như Cty Đại Nam?
Dự án của Becamex IDC cũng trong Khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ - đô thị BD. Khách hàng mua đất của Becamex IDC chưa có sổ đỏ, dự án chưa được phê duyệt 1/500, nhưng ông Lê Thanh Cung vẫn ban hành thông báo số 72/TB – UBND ngày 15.4.2013, cho phép Becamex IDC tha hồ chuyển nhượng đất, cho cấp phép xây dựng tạm tràn lan...? Việc làm này hoàn toàn sai quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng và Luật Kinh doanh bất động sản. 
Thiệt lạ, phía Cty Đại Nam đã thực hiện xong mọi nghĩa vụ tài chính, có sổ đỏ, xin được phê duyệt quy hoạch 1/500 thì bị “ngâm” hồ sơ, không phê duyệt, rồi bị kết luận là “phân lô, bán nền”...
Còn phía Becamex IDC chưa có sổ đỏ, chưa được phê duyệt 1/500..., lại được phép “phân lô, bán nền” thả cửa, xây dựng tràn lan... Thế Becamex IDC và ông Cung có sai hay không? Theo tôi, thông báo 72 chính là “cái lệ” đè lên trên mọi luật pháp do Quốc hội ban hành.
TTCP cần thanh tra các sai phạm trong dự án Becamex IDC, khi ông Lê Thanh Cung chỉ còn 3 tháng nữa đến tuổi nghỉ hưu theo luật định, nhằm làm rõ các vấn đề: - Chưa phê duyệt quy hoạch 1/500 – chưa có giấy chứng nhận QSDĐ – vẫn “phân lô, bán nền” và cấp phép xây dựng tạm tràn lan ở khu tái định cư 125,79ha... Sai phạm là vậy, mà không thấy ai xử lý. Phải chăng có yếu tố “nhóm lợi ích” xuất hiện ở đây, nên không thể xử lý nghiêm minh? Vì sao những sai phạm ấy tồn tại suốt nhiều năm nay?
Và, trong sự vụ này, tôi nghĩ lãnh đạo Becamex IDC - phải trả lời dư luận về những vụ việc mà công luận phản ánh, liên quan đến sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai và xây dựng tại các dự án do Becamex IDC làm chủ đầu tư. Chỉ như vậy, mới thể hiện được sự công bằng cho mọi DN và tính nghiêm minh của luật pháp.
- Xin cảm ơn ông!

>>>
Sự thật dinh thự khủng và 100ha cao su của Chủ tịch Bình Dương
Theo Hoàng Hưng
Lao Động

Lính Nga bị bắt trên lãnh thổ Ukraine

BTTD: Nga "vô tình" đưa quân xâm chiếm Ukraina cũng như TQ "hữu tình" xâm lược VN.

Chính phủ Ukraine bắt một số quân nhân Nga và tố cáo Nga điều binh xâm nhập nước láng giềng, trong khi Moscow tuyên bố nhóm binh sĩ vượt biên do vô tình đi lạc.
nga-4176-1409045336.jpg
Một trong 10 lính Nga bị bắt xuất hiện trên truyền hình Ukraine. Ảnh: Sky News
"Các binh lính thực ra đang tham gia một cuộc tuần tra ở khu vực thuộc biên giới Nga - Ukraine, vô tình băng qua đường biên ở vùng không được đánh dấu", RIA Novosti dẫn một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga hôm nay nói. "Và đến nay chúng tôi biết rằng họ không hề kháng cự lại lực lượng vũ trang Ukraine khi bị bắt giữ".
Cũng theo nguồn này, khoảng 500 quân nhân Ukraine từng vượt biên sang Nga nhiều lần. "Chúng tôi không công khai nhiều chuyện này. Chúng tôi chỉ gửi trả lại tất cả những người sẵn sàng quay lại lãnh thổ Ukraine ở những nơi an toàn", nguồn trên nói thêm.
Hôm qua, Ukraine tuyên bố bắt giữ 10 lính nhảy dù Nga, tại làng Dzerkalne, cách thành trì Donetsk của lực lượng ly khai khoảng 50 km. Các binh lính này thuộc sư đoàn dù Svirsk 98, đóng ở miền trung nước Nga.
Kênh truyền hình Ukraine đã thực hiện cuộc phỏng vấn với một vài quân nhân trong số này. Một người tên Ivan Milchakov cho biết anh đóng quân ở thị trấn Kostroma của Nga.
"Tôi không biết nơi chúng ta vượt biên. Họ chỉ bảo rằng chúng tôi sẽ đi tuần 70 km trong ba ngày", Ivan nói. "Mọi thứ ở đây rất khác, không giống như họ chiếu trên tivi. Chúng tôi như tấm bia đỡ đạn".
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Valeriy Geletey cho hay lẽ ra các lính nhảy dù đang tham gia các cuộc tập trận ở Nga. "Thực tế, họ đang tham gia vào cuộc xâm lược quân sự Ukraine và gia đình họ không biết gì về số phận thật sự của họ", ông nói. "Tôi xin nói với người thân của các quân nhân Nga rằng: hãy đi tìm người thân của các anh ngay lập tức. Đưa họ ra khỏi Ukraine, nơi họ đang bị ép phải chết".
Kiev hôm qua cũng cáo buộc một nhóm binh sĩ Nga, trong vỏ bọc của phiến quân, đã tiến vào đông nam Ukraine với 10 xe tăng và hai xe bộ binh bọc thép, nhằm mở một mặt trận mới trong cuộc giao tranh tại nước này.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông không có thông tin về vụ việc trên. "Tôi chưa được thông báo, nhưng có rất nhiều thông tin sai lệch về việc chúng tôi 'xâm nhập' Ukraine được lan truyền", ông nói.
Vụ việc gây tranh cãi xảy ra khi chỉ vài giờ nữa, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên sau nhiều tháng, cùng các quan chức hàng đầu của châu Âu.
Ông Poroshenko cam kết "đối thoại hòa bình" với ông Putin, nhưng khẳng định sự rút lui của lực lượng ly khai ủng hộ Kremlin là cách duy nhất để chấm dứt cuộc xung đột.
Ông Lavrov thì cho rằng cuộc gặp khó dẫn đến đột phá lớn mà chỉ "tạo điều kiện trao đổi về các nỗ lực nhằm khởi động tiến trình chính trị, giải quyết khủng hoảng".
Anh Ngọc

"Nhóm lợi ích" ra tay chặt chém học sinh?

Đề án trang bị máy tính bảng 4.000 tỷ: Kỹ sư tiết lộ tin bất ngờ

(VTC News) – Một kỹ sư máy tính đã tiết lộ loại máy tính bảng “giá cắt cổ” có phần mềm giáo dục tiếng Việt được nhập vào Việt Nam.
Sở Giáo dục TP.HCM vừa đưa ra đề án về số hóa sách giáo khoa cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM với kinh phí khoảng 4.000 tỉ đồng thì tại địa phương này đã xuất hiện thông tin máy tính bảng giá rẻ được nhập hàng chục ngàn chiếc từ Đài Loan về Việt Nam với giá 900.000 đồng nhưng lại bán ra thị trường giá gấp 4 - 5 lần khiến dư luận bức xúc. 
Đề án trang bị máy tính bảng 4.000 tỷ: Kỹ sư tiết lộ tin bất ngờ
Anh H bức xúc khi máy tính bảng chỉ có giá 900.000 đồng nhưng bán ra thị trường tới  3-5 triệu đồng. 
Một kỹ sư điện tử tên H. (xin không nêu tên đầy đủ) - giám đốc một công ty chuyên về máy tính ở TP.HCM đã thông tin chi tiết về loại máy tính bảng được cho là sản phẩm giống như mô tả để cung cấp cho đề án này.

Theo anh H, ngày 30/7/2014, anh được khách hàng từ Đài Loan liên hệ và gửi qua email mẫu máy tính bảng rất nhỏ gọn. Giá nhập cho hơn 3000 thiết bị rất hấp dẫn, khoảng 900.000 VND, với màn hình 7inch - hệ điều hành android 4.2.

Ngày 1/8, anh được gửi một chiếc về để dùng thử. Thấy máy tính có những tính năng sách giáo khoa tiếng Việt, chương trình giáo dục và trò chơi bổ ích có thể kinh doanh được nên anh H bắt đầu đi tìm kiếm khách hàng để bán.
Đề án trang bị máy tính bảng 4.000 tỷ: Kỹ sư tiết lộ tin bất ngờ
 Phía sau vỏ nhựa màn hình ảnh 'giáo dục thông minh'

Ban đầu anh H không biết chiếc máy tính này dành riêng cho giáo dục nhưng khi thấy báo chí viết về đề án số hóa sách giáo khoa của Sở GD-ĐT TP.HCM, anh tỏ ra hoài nghi và lấy máy tính ra xem thì thấy vỏ máy ghi tên công ty AIC Group Smart Education; Made in Taiwan (sản xuất tại Đài Loan).

Loại máy tính bảng này được cài sẵn hệ thống phần mềm Kids, trong đó có nhiều tài liệu ghi ‘người và tôi’, ‘lòng tôn kính’, ‘lòng trung thực’, ‘lòng dũng cảm’… và các chương trình dành cho thiếu nhi.

Máy tính bảng này còn có chương trình giáo dục cho học sinh THPT, THCS, sách giáo khoa dành cho lớp 10, lớp 12…và các bài giảng chi tiết về chương trình vật lý, hóa học của Việt Nam.

Theo đánh giá của anh H, chất lượng của máy tính bảng này rất thấp, chạy được vài chương trình là máy gặp vấn đề. Chiếc máy được thiết kế bằng vỏ nhựa, pin 1.5A, dùng liên tục được vài giờ là hết pin. Loại pin này chỉ sạc được khoảng 500 lần là chai pin, mỗi cục pin thay với giá từ 200 – 300 ngàn đồng.
Đề án trang bị máy tính bảng 4.000 tỷ: Kỹ sư tiết lộ tin bất ngờ
 Máy tính được cài phần mềm Kids, trong đó có nhiều tài liệu cho các em học sinh nhỏ tuổi

Ngoài ra, máy tính bảng này có độ phân giải kém, không thể dùng bút cảm ứng viết được lên màn hình.
Theo phán đoán của anh H, tuổi thọ của máy tính chưa đến 2 năm là phải mua máy mới. Anh H khẳng định, loại máy tính bảng này được mua với giá chỉ 900.000 đồng nhưng khi bán ra thị trường thì đội lên từ 3 – 5 triệu đồng/chiếc. 

“Tôi rất bức xúc khi biết giá nhập vào của thiết bị và giá bán dự định của nó, ăn lời 2-3 triệu trên một thiết bị. Mà đối tượng mua máy tính là các học sinh tiểu học. Bạn có chấp nhận được không? Thật là xấu hổ khi kinh doanh kiểu này.” 

Anh H tính toán, nếu đúng là những chiếc máy này được bán cho hơn 327.000 em học sinh theo đề án của Sở GD-ĐT TP.HCM thì có nghĩa là một năm có khoảng 300.000 thiết bị biến thành rác thải công nghiệp. Lợi nhuận thu về cho các đơn vị kinh doanh thiết bị này lên tới hàng chục tỷ đồng/năm.
Đề án trang bị máy tính bảng 4.000 tỷ: Kỹ sư tiết lộ tin bất ngờ
 Chi tiết nhất là các chương trình sách giáo khoa như hóa học, vật lý... cho học sinh lớp 10, 11...

Lần theo thông tin công ty AIC Group Smart Education ghi trên vỏ máy, phóng viên thấy tên công ty này trùng hợp với tên Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) có trụ sở ở Hà Nội.

Tuy nhiên, trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế - AIC cho biết, công ty bà không có sản phẩm máy tính bảng nào có tên là AIC Group Smart Education được nhập với giá 900.000 đồng.

“Thực tế, chúng tôi có nhập máy tính bảng từ bên Đài Loan về, nhưng sản phẩm này chỉ để phục vụ trong nội bộ công ty và hoàn toàn không bán ra thị trường" – bà Nhàn nói.
Đề án trang bị máy tính bảng 4.000 tỷ: Kỹ sư tiết lộ tin bất ngờ
Cận cảnh chiếc máy tính bảng bằng vỏ nhựa giá chỉ 900.000 đồng nhưng bán ra thị trường gấp 3-4 lần.

Sáng 25/8, phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng về việc này.

VTC News tiếp tục thông tin vụ việc tới độc giả.
Sỹ Hưng

“Cục Hàng không vẫn đang tìm mọi cách ngăn cản đường bay vàng”

BTTD: Phải chăng không tư túi được thì không muốn làm?

TS. Trần Đình Bá: “Cục Hàng không vẫn đang tìm mọi cách ngăn cản đường bay vàng”

TS. Trần Đình Bá đã cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên chúng tôi.

Tại buổi hội đàm mới đây giữa Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng với Phó thủ tướng Vương quốc Campuchia Sok An, hai bên đã nhất trí việc thiết lập đường bay thẳng Hà Nội - TP. HCM qua không phận Campuchia và giao cho các cơ quan liên quan nghiên cứu việc triển khai cụ thể.

Trước đó, Việt Nam và Lào cũng đã thống nhất về nguyên tắc việc mở đường bay thẳng này qua không phận Lào.

Ngay sau khi thông tin trên được công bố chính thức, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Đình Bá (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam), người từng đề xuất đề án đường bay thẳng hay còn gọi là “đường bay vàng” này năm 2012.

Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa chính thức yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ tái nghiên cứu đề án “đường bay vàng” theo đề xuất đã từng bị bác bỏ của ông năm 2012. Ông nghĩ gì về quyết định này của Bộ trưởng Thăng và những lý do Cục hàng không Việt Nam đưa ra để bác bỏ đề xuất của ông năm 2012?

TS. Trần Đình Bá:Tôi nghĩ không chỉ tôi mà rất nhiều người cảm thấy vui mừng trước sự quyết liệt của Bộ trưởng Thăng trong việc chỉ đạo thiết lập đường bay thẳng Hà Nội - TP. HCM qua không phận 3 nước.

Việc này mở ra một triển vọng mới cho sự hợp tác hàng không của ba nước Đông Dương, phù hợp với Hiệp định “Bầu trời mở rộng ASEAN” nhằm khai thác tài nguyên không gian phục vụ hòa bình, phát triển và hợp tác bền vững.

Trước đó, đường bay Vàng này đã bị “bức tử” từ giữa tháng 12/2009 gây cú sốc cho các nhà khoa học. Cuối năm 2011 tôi đã dũng cảm tiếp tục nghiên cứu thành một dự án khoa học mang tên: “Dự án hạch toán kinh doanh có lãi cho hàng không Vietnam Airlines theo phương pháp Trần Đình Bá”.

Dự án đã được gữi đến Thủ tướng - Bộ trưởng GTVT. Tôi đã được lãnh đạo Bộ GTVT mời đến trình bày trước các thứ trưởng, cục trưởng, vụ trưởng GTVT vào ngày 13/2/2012.

Tôi đã đưa hết nhiệt tình trí tuệ trình bày bằng phương pháp luận khoa học từ “Tích phân đường” đưa về công thức cho 5 dạng đường bay tổng quát dễ hiểu nhất song nhận được là sự phản bác không thương tiếc từ Cục trưởng Hàng không, các vụ trưởng vận tải, khoa học công nghệ.

Sau hội thảo đó Cục trưởng Cục Hàng không, Vụ trưởng Vận tải ra văn bản đề nghị Bộ trưởng GTVT ra công văn “Ngừng tranh luận dự án này”!

Biết giá trị của một dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao nên Bộ trưởng GTVT đã không ra văn bản đó như muốn để họ phải suy nghĩ lại nhưng tư duy bảo thủ của lãnh đạo Cục Hàng không đã tiếp tục "bức tử" các hãng hàng không.

Với tư duy bảo thủ, không chịu lắng nghe, từ 2009 đến nay Cục Hàng không Việt Nam đã liên tiếp phản bác sáng kiến “đường bay Vàng” khiến cho hàng không ngày càng kiệt quệ nẩy sinh nhiều vấn đề nhức nhối như báo chí đã nêu.

Ngày 11/7/2014 Bộ trưởng Thăng đã chỉ thị Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu đường bay vàng nhưng ông cục trưởng tiếp tục phản bác “đường bay Vàng” và đi nghiên cứu đường bay song song hai chiều riêng biệt giống như đường sắt cao tốc. Tôi cho rằng Cục Hàng không vẫn đang tìm mọi cách ngăn cản đường bay này.

Việc Bộ trưởng “cầm tay chỉ việc” cho Cục trưởng Cục Hàng không, rồi xông pha đi các nước đàm phán thành công là một nỗ lực kịp thời. Các hãng hàng không Việt càng vui khi mở ra đường bay thẳng mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp .

Lợi ích của đường bay vàng này đối với Việt Nam cũng như phía Campuchia, Lào, thưa ông?

Đối với Việt Nam thì tiết kiệm thời gian bay, giảm chi phí sản xuất để tăng vòng tăng chuyến, tăng thị phần vận tải.

Còn với Lào và Campuchia thì thu được lệ phí quá cảnh giống như thuế tài nguyên không gian để nộp vào ngân sách. Trong quan hệ quốc tế là vậy.

Hàng không các nước bay qua bầu trời của nhau là chuyện bình thường. Ở đây Việt Nam - Lào và Camuchia có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, cùng khai thác tài nguyên không gian phục vụ phát triển kinh tế và giao thương.

Đề án về đường bay thẳng của ông năm 2012 cho đến giờ, có thay đổi gì không trong kế hoạch triển khai cũng như các vấn đề liên quan khác?

Tôi bảo vệ quan điểm của mình bằng sơ đồ tính, công thức tính hoàn toàn khoa học mà không phải cộng các đoạn gấp khúc lại để so dài, ngắn như kiểu học sinh tiểu học lớp 3 mà Cục Hàng không áp dụng.

Con số lãng phí 416km mà tôi đưa ra cho đến nay các tiến sỹ ở Cục Hàng không Việt Nam vẫn đang tỏ ra lúng túng vì họ không biết toán tích phân đường trong tính công cơ học để tìm hiệu quả đường đi!
TS. Trần Đình Bá: “Cục Hàng không vẫn đang tìm mọi cách ngăn cản đường bay vàng” (1)
Đường bay hiện nay (màu đỏ) và đường bay thẳng (màu vàng).
Trong dự án đó tôi đã tình được hiệu quả kinh tế của tất cả các đường bay nội địa Việt Nam lãng phí rất lớn như Hà Nội - Phú Quốc, Hà Nội - Cần Thơ, Hải Phòng - TP. HCM, Vinh - Đồng Hới - Huế - Đà Nẵng…đến TP HCM lãng phí rất lớn và kết luận:
Nguyên nhân thất bại của hàng không Việt do hiệu quả kinh tế đường bay trên những quỹ đạo “bà già” có từ rất lâu.
Vì vậy, tôi đã kiến nghị phải khẩn cấp đổi mới hàng không bằng dự án hạch toán có số liệu bằng định lượng chứ không dùng cách nói chung chung, cảm tính theo kiểu “khoảng 9 phút, khoảng 2,5 phút... hay khoảng 200km.
Thưa ông, để triển khai đường bay thẳng này, ngành hàng không sẽ phải chuẩn bị những gì?Và những gì là khó khăn, vướng mắc nhất khi triển khai đường bay này?
Không còn gì vướng mắc cả, Bộ trưởng GTVT đã xắn tay dọn đường, dự án đã có. Vấn đề lập cầu hàng không trên thế giới chỉ 30 giây là xong vì đâu có làm cầu hầm gì. Vật cản lớn nhất ở đây là tư duy bảo thủ của Cục Hàng không. Họ phải có trách nhiệm đảm bảo điều hành không lưu và an toàn bay, các bước triển khai kỹ thuật khác.
Công nghệ hàng không thế giới tiến bộ vượt bậc, điều hành không lưu bằng vệ tinh thì Cục Hàng không không có lý do gì mà kêu khó khăn cả.
Việc cần làm bây giờ là nhanh chóng áp dụng ngay “đường bay thẳng” để tăng hiệu quả khai thác, giảm thua lỗ do chi phí tăng của hàng không nội địa.
Ông có thể chia sẻ đôi điều về những suy nghĩ, nhận xét của ông về hàng không nước nhà?
Hàng không là một ngành khoa học công nghệ quan trọng đặc biệt, trên cả công nghệ đường sắt, hàng hải, kiến trúc, xây dựng, điện lực… Hàng không là biểu tượng quốc gia về vị thế chính trị, tiềm lực kinh tế - quốc phòng và tiến bộ khoa học công nghệ, lại đòi hỏi độ chính xác an toàn rất cao.
Vì vậy đội ngũ hàng không phải chọn được những tiến sỹ hàng không có chuyên môn giỏi, được tuyển chọn trong số 100 tiến sỹ hàng không nước nhà để đưa hàng không Việt xứng tầm với vị thế Việt Nam.
Hiện đường bay vòng hiện nay đang “đốt” trên 300 triệu USD mỗi năm vốn liếng của các hãng hàng không trên đường bay nội địa.
Cần phải trển khai nhanh “đường bay vàng” sớm ngày nào thì càng tốt ngày đó vì mỗi ngày chúng ta đang lãng phí gần 1 triệu USD.
Theo ông hướng xử lý việc đường bay này phải qua Lào và Campuchia mà theo quy định của quốc tế là phải trở thành đường bay quốc tế, trong khi đây chỉ là đường bay nội địa của Việt Nam? Vấn đề này tổ chức hàng không quốc tế có chấp nhận khi Việt Nam đăng ký lại tuyến bay của đường bay này để định danh trên bầu trời?
Máy bay chỉ bay qua trên bầu trời chứ có dừng lại sân bay của họ để làm thủ tục gì đâu mà gọi là đường bay quốc tế.
Quan điểm này là cổ hủ trước xu thế hội nhập toàn cầu. Đó là nguyên nhân kìm hãm bóp chết sự nghiệp hàng không nước nhà.
Tổ chức Hàng không quốc tế dân dụng khuyến khích các nước mở rộng bầu trời để bay thẳng, tiết kiệm nhiên liệu, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Vì vậy, tôi tin họ sẽ khen chúng ta nữa là khác.
Theo Nguyễn Mạnh
Bizlive

Gần 1 vạn lao động Trung Quốc sắp đến Vũng Áng

BTTD: Hiểm họa sẽ phát sinh từ đây...

Hơn 1 vạn lao động nước ngoài, chủ yếu người Trung Quốc sắp đến Vũng Áng để làm việc.
Hơn 1 vạn lao động nước ngoài, chủ yếu người Trung Quốc sắp đến Vũng Áng để làm việc.

Thông tin từ BQL KKT Hà Tĩnh, Cty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa và các nhà thầu đã trình hồ sơ, xin tỉnh chấp thuận số lượng hơn 1 vạn lao động nước ngoài (khoảng 90% là TQ) đến làm việc tại Formosa.

Theo đó, liên tiếp 2 tháng 6 - 7/2014, tại Khu kinh tế Vũng Áng, đã có hơn 30 nhà thầu đang thi công các gói thầu dự án Formosa xin phép được tuyển dụng số lượng gần 11.000 lao động nước ngoài để phục vụ dự án.
Đại đa số các nhà thầu xin tuyển lao động nước ngoài đợt này đến từ Trung Quốc. Một nguồn tin cho biết, trên 90% trong tổng số gần 11.000 lao động tuyển dụng mới mang quốc tịch Trung Quốc.
Sau khi các nhà thầu trình văn bản, hồ sơ lao động, BQL KKT Hà Tĩnh báo cáo UBND tỉnh về tình hình sử dụng lao động tại các gói thầu, về cơ bản UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý các gói thầu được tuyển người nước ngoài.
Đáng chú ý là văn bản số 1407114 ngày 29/7 của Cty Formosa gửi UBND tỉnh, đề nghị chấp thuận để các nhà thầu của FHS (hoặc nhà thầu phụ) tuyển dụng lao động nước ngoài, thực hiện các hạng mục công trình.
Tổng có 28 nhà thầu (25 Trung Quốc, 3 nhà thầu VN) tuyển dụng 8.426 lao động nước ngoài để thực hiện các hạng mục lò cao số 1, số 2 và các công trình dự án cảng Sơn Dương.
Sau khi xem xét báo cáo của BQL KKT, UBND tỉnh đã có văn bản số 3400 ngày 8/8, chấp thuận cho 11/28 nhà thầu, sử dụng 2.063 lao động nước ngoài. Đây là những nhà thầu đã đầy đủ hồ sơ, trình phương án sử dụng lao động.
Thông tin mới nhất có được, BQL KKT cũng mới có văn bản tiếp tục đề nghị UBND tỉnh cho phép 9 gói thầu tiếp theo được tuyển dụng bổ sung 2.976 lao động nước ngoài để phục vụ các dự án. Hiện còn 8 gói thầu chưa bổ sung hồ sơ.
Một lãnh đạo BQL KKT Hà Tĩnh cho biết, sở dĩ đợt này có số lượng lớn là vì các gói thầu đang trong giai đoạn gấp rút thi công, vả lại sau biến cố ngày 14/5, nhiều lao động về nước và một số gói thầu bị ảnh hưởng.
Trong số hơn 1 vạn lao động nước ngoài sắp tới, có khoảng 6-7.000 sẽ ở trong Dự án Formosa, số còn lại sẽ ở tại các điểm tập trung bên ngoài dự án.
Tại cuộc họp giữa Formosa và các nhà chức trách Hà Tĩnh vào giữa tháng 7, các bên cũng đã nhận định, công tác quản lí lao động tại Dự án Formosa còn bộc lộ nhiều tồn tại, thể hiện rõ nhất là khi xảy ra vụ việc ngày 14/5.
Lúc đó hầu như cả Cty Formosa cũng như các cơ quan quản lý nhà nước đều không kiểm soát được tình hình lao động. Số liệu về lao động theo báo cáo và thực tế trên công trường hết sức bất cập, các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp chưa hình thành, nhất là tổ chức công đoàn chưa thành lập để cùng phối hợp quản lí người lao động”, văn bản có đoạn.
Sau nhiều nỗ lực của tỉnh Hà Tĩnh, tình hình an ninh, trật tự đã được ổn định. Tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra nhiều giải pháp, buộc Formosa và các nhà quản lý cần chặt chẽ hơn trong việc quản lý, cấp phép lao động nước ngoài.
Theo Duy Tuấn
Vietnamnet

25 tháng 8, 2014

Xét xử vụ cảnh sát giao thông Suối Tre bắn "sếp"

TTO TRỰC TUYẾN - Đúng 8g sáng 26-8, cảnh sát bảo vệ đã áp giải nguyên đại úy Ngô Văn Vinh (trạm CSGT Suối Tre thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) đến tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Bị cáo Ngô Văn Vinh được dẫn giải đến tòa
Vinh chính là người đã dùng súng bắn chết đồng đội của mình là thiếu tá Trần Ngọc Sơn, phó trạm CSGT Suối Tre. Vinh là bị cáo duy nhất trong vụ án bị truy tố ra tòa về tội “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” (khoản 1, điều 95 Bộ luật hình sự).
Nhiều đồng đội của Vinh và Sơn đã đến tham dự phiên tòa. Vợ của nạn nhân Trần Ngọc Sơn là bà Nguyễn Thị Bích Vân cũng đến dự phiên tòa.
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là ông Trần Thanh Tùng. Hai hội thẩm nhân dân của phiên tòa là ông Nguyễn Ngọc Tính và ông Nguyễn Văn Bình. Luật sư bào chữa cho bị cáo Vinh là ông Khưu Thanh Tâm.
Trong phần làm thủ tục phiên tòa, thư ký phiên toà cho biết vắng mặt hai nhân chứng quan trọng là Trương Thành Chí (còn gọi là Trúc) và Nguyễn Văn Đông. Tuy nhiên, đại diện VKS có mặt tại toà cho rằng các nhân chứng đã có lời khai nên đề nghi tiếp tục xét xử.
Tiếp đó, ông Trần Thành Hưng đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai, giữ quyền công tố tại tòa, đã công bố cáo trạng.
"Lúc này nghe nói mày làm ăn được lắm.."
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đồng Nai, khoảng 13 giờ ngày 22-9-2013, thiếu tá Trần Ngọc Sơn rủ các ông Nguyễn Thái Phong, Nguyễn Ngọc Hạnh, Trương Thành Chí (còn gọi là Trúc), đến quán Hân Linh ở thị xã Long Khánh (Đồng Nai) để nhậu.
Lúc này, đại úy Ngô Văn Vinh nghe có “sếp” Sơn đang nhậu ở cùng quán nên cùng với Phạm Lê Ngọc Long (CSGT ở trạm) qua chào xã giao.
Đại úy Vinh ngồi cạnh Chí hỏi: “Lúc này nghe nói mày làm ăn được lắm, còn thằng anh mày thì sao?”.
Chí nói: “Mày học chung với tao một lớp, có khi nào tao nói ê thằng Vinh không mà mày kêu anh tao bằng thằng. Mày biết anh tao bao nhiêu tuổi chưa ?”.
Vinh nghe vậy, đưa ly mời Chí uống thì bị Chí dùng ly bia đập thẳng vào mặt, trúng sống mũi khiến Vinh bị chảy máu.
Khi đó, mọi người nhảy vào can ngăn nên còn lại một mình đại úy Vinh ở trong phòng nhậu. Khi thiếu tá Sơn quay trở lại phòng cùng với Long thì Vinh nói: “Tao với mày là đồng đội với nhau, mày không bênh tao mà bênh người ngoài”.
Sơn nói lại: “Anh nó mà mày kêu bằng thằng thì nó đánh mày phải rồi”. Vinh nghe “sếp” nói vậy nên đấm vào cổ anh Sơn một cái thì Long lại vào can ngăn và kéo Sơn ra ngoài.
Sau khi mâu thuẫn, Vinh bỏ về cơ quan lấy khẩu súng K59  rồi đến phòng nghỉ của thiếu tá Sơn đập cửa. Thời điểm đó, anh Trương Học Lâm (người giữ xe tại Trạm CSGT Suối Tre) đang ngủ bên trong ra mở cửa.
Đại úy Vinh nói với Lâm phải điện thoại kêu Sơn về gấp nhưng Lâm không gọi mà giả vờ bấm số nhắn tin cho Sơn biết sự việc và khuyên không nên về đơn vị.
Đến 17 giờ cùng ngày, khi thiếu tá Trần Ngọc Sơn cùng nhóm bạn về đến cơ quan thì  Lâm can ngăn nhưng Sơn vẫn lên phòng nghỉ để gặp đại úy Vinh. Thấy Vinh, anh Sơn bước đến và nói: “Vinh đen, mày kiếm tao, mày ngon mày bắn tao đi?”.
Sau đó, Sơn đấm 3 cái vào mặt, vào đầu Vinh. Vinh bị đánh úp mặt xuống giường nên lấy khẩu súng ở đầu giường ra.
Lúc Vinh lấy khẩu súng ra thì Sơn xông vào vật đánh và đè Vinh xuống để tước khẩu súng. Thượng úy Đoàn Thanh Phú ngồi giường kế bên nhảy vào can ngăn.
Trong lúc Sơn giằng co để lấy khẩu súng trên tay Vinh làm súng phát nổ 2 phát, trong đó có 1 phát trúng vào hông thượng úy Phú.
Lúc này, Sơn và Vinh vẫn giằng co khẩu súng, còn Phú bò từ từ ra ngoài. Vinh bắn thêm 4 phát, trong đó có 2 phát trúng trần nhà, còn 2 phát trúng vào người thiếu tá Trần Ngọc Sơn làm Sơn gục xuống nền nhà.
Thấy Sơn gục ngã, đồng đội ở trạm xông vào chụp tay anh Vinh thì súng nổ thêm 2 phát nữa nhưng không trúng ai.
Khi súng trên tay Vinh hết đạn, mọi người ở trạm tước được súng và đưa thiếu tá Sơn, thượng úy Phú và đại úy Ngô Văn Vinh đi cấp cứu.
Tuy nhiên, đến gần 20g cùng ngày, thiếu tá Sơn, phó trạm cảnh sát giao thông Suối Tre đã tử vong.
Cũng theo cáo trạng, qua giám định cho thấy thượng úy Đoàn Thanh Phú bị thương tích 15% (tạm thời) còn đại úy Ngô Văn Vinh... bị đánh gây thương tích tỉ lệ 40% (tạm thời).
Hai nhân chứng đã có mặt
Lúc 8g45, hai nhân chứng Trương Thành Chí (còn gọi là Trúc) và Nguyễn Văn Đông đã có mặt tại tòa.
Theo cáo trạng, Chí là người đã dùng ly bia đánh đại úy Ngô Văn Vinh ở quán nhậu, dẫn đến mâu thuẫn giữa thiếu tá Sơn và Vinh.
Lúc 9g15 phút, hội đồng xét xử bắt đầu thẩm vấn Vinh.
Trả lời chủ toạ phiên toà, bị cáo Ngô Văn Vinh khai thời điểm trước khi xảy ra vụ án, Vinh ngồi uống bia, hát karaoke ở quán Hân Linh.
Khi đó, thiếu tá Trần Ngọc Sơn cầm ly bia qua phòng, nói có Trúc (tức Trương Thành Chí) nên sau đó Vinh cầm ly qua lại phòng karaoke của Sơn, có Trúc ở đó.
"Bị cáo hỏi Trúc lúc này anh của mày làm cái gì. Trúc không nói gì mà nhìn chằm chằm vào bị cáo, sau đó Trúc cầm ly đánh bị cáo"- Vinh khai tại toà.
Chủ toạ phiên toà hỏi giữa bị cáo Vinh và Trúc không mâu thuẫn, thân nhau nhưng vì sao một người dân như Trúc lại dám đánh cảnh sát giao thông?
Chủ toạ nhắc lại lời khai câu hỏi của Vinh với Trúc "lúc này mày làm ăn khá lắm phải không...?".
Vinh khai: "Trúc không nói gì cầm ly đánh thẳng vào mũi bị cáo rồi đi ra ngoài".
Cũng theo lời khai của Vinh, lúc vừa bị đánh xong, thiếu tá Sơn đi vào phòng nói "anh nó mà mày kêu bằng thằng". " Bị cáo bị chảy máu mũi, đứng nói với Sơn "mày là đồng đội với tao mà mày không bênh tao".
Theo Vinh, Vinh đã đánh vào cổ Sơn. Sơn đánh lại vào bụng và sau đó có một số người xông vào đánh Vinh. Chủ toạ hỏi: "Nhìn ở đây có ai tham gia đánh không?".
Bị cáo Vinh nhìn xuống nói: "Phong và hai người đầu trọc nữa".
Toà tiếp tục xét hỏi bị cáo Vinh về động cơ lấy súng bắn chết thiếu tá Trần Ngọc Sơn.
Vinh khai Vinh lấy súng khi về trạm Suối Tre lau mũi máu.
"Khi đó bị cáo lấy súng ở dưới gối"- Vinh nói.
Chủ toạ phiên toà chặn: "Về nguyên tắc cất súng ở đâu, sao lại lấy súng ở gối? ".
Vinh khai: "Theo quy định mỗi khi làm nhiệm vụ xong, súng phải bỏ vào tủ khoá lại. Nhưng bị cáo đi làm về tháo súng bỏ dưới gối. Bị cáo bị đánh nên xấu hổ tìm thiếu tá Sơn".
"Không gặp Sơn nên bị cáo về giường nằm rồi gọi điện cho Phong, Việt nói bị Trúc đánh. Bị cáo nhắn lại yêu cầu Trúc xin lỗi" - Vinh khai tiếp.
Cũng theo Vinh: "Khi có lời khuyên Sơn là cấp trên, đừng để bị đì, bị cáo đã bình tĩnh lại rồi nằm thiếp đi. Đang nằm thì bị cáo nghe một tiếng động mạnh rồi nhìn thấy thiếu tá Trần Ngọc Sơn xông vào đánh, nắm đầu đập vào giường".
"Người lạ ăn ngủ ở trong trạm CSGT...

Lúc 9g45, bị cáo Vinh khai: "Ngoài thiếu tá Sơn đánh bị cáo còn có nhiều người không phải là CSGT ở trạm tham gia đánh tới tấp".

Bị cáo Vinh mô tả: "Khi bị đánh, bị cáo đã nổ súng lên trời để răn đe. Sau đó thấy thiếu tá Sơn nằm ngửa, đổ máu dưới nền nhà nhưng không biết có phải là mình bắn không"(!).

Trong quá trình khai tại toà, Vinh nói không đồng ý với kết luận điều tra. "Khi nhận kết luận, bị cáo thấy không đúng như những lời khai trước đó vì có nhiều người đã đánh bị cáo nhưng chỉ cho làm nhân chứng trong vụ án" - Vinh nói

Bị cáo Vinh tiếp tục khẳng định đã bị nhiều người lạ mặt vào trong trạm đánh. Đây là nguyên nhân khiến Vinh ức chế nổ súng, làm thiếu tá Sơn chết.

Chủ toạ hỏi Vinh: "Quy định người lạ có được vào trạm, vào phòng riêng không?".

Vinh khai theo quy định chỉ tiếp khách trong giờ hành chính, có nơi tiếp hẳn hoi. Tuy nhiên, hôm đó đã có người lạ vào trạm.

Cụ thể là Trương Học Lâm (nhân chứng của vụ án) được thiếu tá Trần Ngọc Sơn thuê vào trạm làm việc.

Chủ toạ hỏi : "Việc đưa người lạ vào trạm, ăn ngủ ở trạm theo bị cáo là đúng hay sai?". Bị cáo Vinh im lặng.
Bị cáo Vinh đang mô tả lại hôm xảy ra vụ việc trước tòa - Ảnh: Đức Trong
Bị cáo Vinh đang mô tả lại hôm xảy ra vụ việc trước tòa - Ảnh: Đức Trong
Bị cáo Vinh đang mô tả lại hôm xảy ra vụ việc trước tòa - Ảnh: Đức Trong
Bị cáo Vinh đang mô tả lại hôm xảy ra vụ việc trước tòa - Ảnh: Đức Trong
Trương Thành Chí và Nguyễn Văn Đông, hai người bìa phải
Bị cáo Ngô Văn Vinh (áo trắng, ngồi)
Bị cáo Ngô Văn Vinh (áo trắng, giữa)
Vợ thiếu tá Trần Ngọc Sơn (trái) và thượng úy Đoàn Thạnh Phú tại tòa
Phiên tòa có đông người tham dự
HÀ MI - ĐỨC TRONG
Đang tiếp tục cập nhật...