Trang

21 tháng 8, 2014

TQ là kẻ thù thâm hiểm nhất của VN

Xâm lăng văn hóa

TNO. Mấy bữa nay, dư luận xã hội lại dậy sóng với công văn 2662/Bộ VHTTDL - MTNATL của Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh Triển lãm cảnh báo sự xâm lăng của văn hóa ngoại lai độc hại mà nổi cộm là chuyện sư tử Tàu tràn vào Việt Nam “đông như quân Nguyên”.

 
Sư tử đá chùa Bà Tấm, Bắc Ninh - Ảnh: Nam Nguyễn
Từ các gia đình sính ngoại, mê Tàu cho đến các khu vui chơi, các đền chùa và cả vô số di tích văn hóa, nhìn qua, cứ ngỡ đang ở bên Tàu. Điều kinh ngạc là lời cảnh báo này không phải của Cục Di sản, đơn vị chịu trách nhiệm chính mà từ một đơn vị chỉ có nhiệm vụ phối hợp. Lời cảnh báo quá đúng, dù muộn màng nhưng còn hơn cứ ngậm miệng ăn tiền, dĩ hòa vi quí kiểu “im lặng là vàng”.
Một lần nữa, phải cám ơn giàn khoan Hải Dương-981 đã thức tỉnh lòng tự trọng và tinh thần yêu nước của người Việt. Giàn khoan xâm lược đã nói hộ bản chất thật của người bạn láng giềng. Nhờ giàn khoan, bạn xem đài không chết ngộp vì “mở tivi là thấy phim Tàu”. Nhờ giàn khoan, người Việt giật mình nhận ra “sự xâm lấn toàn diện và liên tục nhiều năm qua” của người láng giềng khổng lồ. Họ kiên trì, tinh vi, khôn khéo và cả trắng trợn, bất chấp thủ đoạn. Từ lũng đoạn kinh tế, thao túng thị trường, phá hoại sức khỏe, xâm lăng văn hóa và xâm lược biển đảo. Lúc âm thầm dỗ dành, khi công khai đe nẹt. Nhất nhất mọi lĩnh vực trong cuộc sống của người Việt đều có “dấu ấn Tàu”.
Vấn nạn tràn lan sư tử đá
Mẫu sư tử ngoại lai xuất hiện ở các trụ sở doanh nghiệp, cơ quan... - Ảnh: Ngọc Thắng
Việc dẹp bỏ những con sư tử Tàu, nói thì dễ nhưng làm không đơn giản bởi sự ngộ nhận vô tình của số đông và cố ý của những người “xác Việt hồn Tàu”, thường là dạng có tiền và có quyền? Dĩ nhiên, trên đời này, chẳng có gì là không thể nếu tìm được tiếng nói đồng thuận của người dân và thái độ kiên quyết của lãnh đạo. Càng để lâu, càng khó bứng, đụng tới là chúng ăn vạ. Phải thừa nhận là do địa lý và cả lịch sử, nhiều nét văn hóa Việt tiếp nhận có chọn học văn hóa Trung Quốc là lẽ đương nhiên. Điều quan trọng là biết “gợn đục, khơi trong”, biết học cái hay của người khác. Bản thân tôi rất khó chịu, thậm chí cực kỳ khó chịu bởi sự lệ thuộc vô lối, đó là việc “Tàu hóa” trong cách sử dụng tiếng Việt. Cụ thể là cách gọi tên các nhân vật lịch sử, các danh nhân văn hóa; kể cả những anh hùng dân tộc. Tiếng Việt không nghèo nàn tới mức phải vay mượn, chắp vá như vậy. Và việc sửa đổi sự tùy tiện này không quá khó.
Tai sao không gọi là Trưng Trắc - Trưng Nhị mà lại gọi là Hai Bà Trưng. Sao không nói bà Triệu Thị Trinh mà cứ nói cụt lủn bà Triệu. Phải viết là Trần Quốc Tuấn hoặc là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chứ không phải là Trần Hưng Đạo. Tương tự, phải ghi là Tiểu La Nguyễn Thành thay vì Nguyễn Tiểu La; Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại thay cho Thoại Ngọc Hầu; công chúa Huyền Trân chứ không phải Huyền Trân công chúa… Người Việt, từ bao đời nay chỉ gọi theo tên. Người Hoa mới gọi theo họ. Cứ như những nhân vật này là người Trung Quốc. Có người còn thắc mắc “Sao trong vô số nhân vật lịch sử, chỉ có một số ít có cách gọi của người Hoa? Hay là những người đó có dây mơ rễ má với Tàu?”. Đây là sự lập lờ giả bộ vô tình nhưng rất nguy hiểm. Không hiểu ai là cha đẻ của cách gọi tùy tiện, thể hiện sự lệ thuộc văn hóa kiểu này? Đành rằng, ở Việt Nam, nhất là vùng Nam bộ; có rất nhiều người Hoa từng chạy nạn, chọn vùng đất an lành này để sinh cơ lập nghiệp. Họ hòa mình vào cộng đồng dân Việt làm ăn, sinh sống và cả chiến đấu cho mảnh đất đã cưu mang mình. Dù họ là dân tộc Hoa nhưng trong cộng đồng người Việt Nam, họ có quyền giữ bản sắc riêng nhưng không đối lập với văn hóa Việt.
Nhân dịp này, phải dấy lên những hành động thiết thực, thể hiện ý chí độc lập, thoát khỏi sự lệ thuộc Trung Quốc; bắt đầu từ ngôn ngữ mà trước hết là thống nhất cách gọi tên các nhân vật lịch sử. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là góp phần bảo vệ chủ quyền văn hóa. Tiếng Việt chỉ vay mượn khi không có từ thay thế và phải cân nhắc, chọn lọc kỹ. Đừng xem thường những việc tưởng chừng nhỏ nhặt, vô hại vì lỗ nhỏ có thể làm đắm thuyền.
Vũ Linh Phương 

Đừng để 'gói hỗ trợ' ngư dân bám biển bị lợi dụng

Hiện tượng hai doanh nghiệp xin vay vốn ưu đãi gói hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ để nhập tàu cũ đang bộc lộ một sự diễn dịch và khả năng làm sai lệch hoàn toàn mục tiêu.


Ngư dân sẽ được vay vốn ưu đãi từ 'gói tín dụng' hỗ trợ ngư dân của chính phủ
để đóng tàu lớn vươn khơi bám biển - Ảnh Trương Quang Nam
Dễ bị vận dụng sai cả về đối tượng lẫn mục tiêu
"Gói hỗ trợ" ngư dân bám biển là một chính sách đúng đắn đáp ứng được đòi hỏi thiết thực của tình hình an ninh quốc gia và kinh tế xã hội hiện tại. Tuy nhiên, trong hệ thống hành pháp vẫn còn một số kẻ hở như hiện nay, chương trình thiện chí này có khả năng bị vận dụng một cách sai lạc về đối tượng lẫn mục tiêu. Cũng giống như những chính sách hỗ trợ kinh tế trước đây, nguồn lực quốc gia lại có khả năng rơi vào túi của những nhóm lợi ích mà không tạo ra được kết quả như mục tiêu đã đề ra.
Hai công ty xin được hưởng ưu đãi từ "gói hỗ trợ", theo thông tin từ báo chí, là những công ty tư nhân chuyên kinh doanh bất động sản, thủy hải sản và xuất nhập khẩu, đang gặp khó khăn. Về chuyên môn, những công ty này chưa hề có kinh nghiệm, cũng như không hề có cơ sở vật chất cho ngành đóng tàu đi biển. Nhưng vừa qua, hai công ty này lại đề xuất chính phủ xin được vay gói hỗ trợ nói trên để nhập khẩu và đóng tàu đi biển bán cho ngư dân với lãi suất từ 1-3% trong 10 năm, tức là chỉ bằng 1/10 lãi suất thương mại hiện tại.
Câu hỏi thứ nhất: Những công ty này có phải là đối tượng của “gói hỗ trợ” của chính phủ hay không? Câu trả lời là không! Đối tượng của chính sách này là ngư dân, và mục tiêu là để bám biển.
Từ đây xuất hiện câu hỏi thứ hai: Cá thể ngư dân không có khả năng đóng tàu hay nhập khẩu tàu đi biển, vậy phải chăng chỉ còn cách để cho doanh nghiệp thực hiện chính sách này?
Thật ra, đây thuộc về vấn đề kỹ thuật, tức là kế hoạch tổ chức thực hiện chứ không phải là nội dung quy định của chính sách này. Trong một hệ thống điều hành xã hội minh bạch, việc tổ chức thực hiện chính sách này không có gì khó khăn.
 
Diễn dịch đúng chính sách của "gói hỗ trợ" này là, chỉ có ngư dân hoặc tập thể, tổ chức đại diện cho ngư dân mới là đối tượng được vay theo chương trình này để mua hoặc đóng tàu đánh cá phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, kinh nghiệm và khả năng của ngư dân. Các doanh nghiệp đơn thuần chỉ là các đơn vị kinh doanh. Theo đó, tất cả các doanh nghiệp, miễn có đủ điều kiện về tài chính và chuyên môn đều có quyền tổ chức sản xuất và nhập khẩu tàu đi biển phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật và kinh tế được pháp luật qui định để bán lại cho ngư dân kiếm lợi theo qui luật thị trường. Doanh nghiệp phải tự xuất vốn, hay có một kế hoạch huy động vốn để phục vụ cho qui trình kinh doanh của mình.
Doanh nghiệp không phải là đối tượng của "gói hỗ trợ"
Thực ra, bản thân các doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ chính sách này, vì bằng chương trình tài chính hỗ trợ ngư dân, Chính phủ đã cung cấp cho thị trường một lực lượng sức mua lớn, một đầu ra cho sản phẩm. Vấn đề còn lại là ở khả năng và tài năng kinh doanh của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào càng biết bắt mạch đúng nhu cầu và yêu cầu của đầu ra, thì có khả năng hưởng lợi và hưởng lợi nhiều. Nhưng phải khẳng định doanh nghiệp không phải là đối tượng của chương trình hỗ trợ tài chính nói trên.
Có nhiều phương án để kết hợp và dung hòa mối quan hệ tay ba: chính sách (ngân hàng đại diện Chính phủ), ngư dân và doanh nghiệp để thực hiện thành công và đúng đắn mục tiêu của chương trình này. Chẳng hạn, các doanh nghiệp công khai trình bày đề án tổ chức sản xuất - kinh doanh, và giới thiệu các chi tiết kỹ thuật - giá thành của sản phẩm. Ngư dân và đại diện ngư dân (Hội nghề cá, HTX, hoặc từng nhóm ngư dân) sẽ nghiên cứu, tham khảo đề án của doanh nghiệp để quyết định ký hợp đồng mua hàng, đặt hàng trước với doanh nghiệp. Tiếp theo, dựa trên hợp đồng mua bán này, ngân hàng nhà nước sẽ chuyển tiền từng giai đoạn cho doanh nghiệp theo các điều khoản hợp đồng. Trong lúc đó, tên người vay và chịu trách nhiệm trả sẽ là từng cá thể, hoặc các tổ chức của ngư dân. Doanh nghiệp, do đó bán hàng theo giá thị trường và không phải là đối tượng vay tiền.
Việc lựa chọn doanh nghiệp, đơn vị kinh tế nào để đặt hàng, mua hàng hoàn toàn thuộc về quyền của ngư dân. Ngư dân là người mua, người trả tiền cho sản phẩm của họ. Ngư dân là người hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ vốn, và chỉ chịu trách nhiệm về tài chính với nhà nước. Ngư dân không hề có ràng buộc về nghĩa vụ vay mượn đối với doanh nghiệp.
Bản thân các doanh nghiệp trong nước đều bình đẳng, ai cũng có quyền tham gia hay không tham gia chương trình này. Cái chính là doanh nghiệp phải có một đề án tổ chức sản xuất kinh doanh đúng loại sản phẩm theo quy định của luật pháp và giá cả phải chăng, đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi của ngư dân - người mua.
Tóm lại, một chính sách của chính phủ trong những thời điểm đặc biệt nhằm mục tiêu an ninh kinh tế của quốc gia như chương trình hỗ trợ ngư dân bám biển là hành động cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, làm thế nào để những chính sách đó thực sự mang lại lợi ích cho quốc gia là yếu tố then chốt hoàn toàn phụ thuộc vào kế hoạch triển khai thực hiện.
Vấn để cốt lõi là nguồn tài chính của chương trình phải được rót đúng đối tượng là ngư dân, không phải là các doanh nghiệp. Là người Việt Nam, đứng trước tình hình biển Đông, một phần quan trọng của đất nước đang có nguy cơ bị xâm lược trong lúc hàng trăm ngàn ngư dân không có phương tiện cần thiết để bám biển, chúng ta hy vọng những người cầm cân nảy mực, những người có trách nhiệm sẽ không một lần nữa cam tâm để những nguồn lực cuối cùng của quốc gia rơi vào túi của những kẻ cơ hội.
Xin lấy ví dụ về chương trình cứu trợ thị trường bất động sản “Mortgage bailout” của chính phủ Mỹ năm 2008-2010 để hiểu thêm về phương thức thực hiện các chính sách dân sinh ở cấp quốc gia.
Trước tình hình khủng hoảng về kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản, Quốc hội Mỹ đã thông qua nghị quyết Phục hồi Kinh tế và Thị trường Nhà ở (The Housing and Economic Recovery Act of 2008). Trong đó, Chính phủ đã rót 200 tỉ USD vào các chủ thể liên quan tới thị trường bất động sản về nhà ở. Tuy nhiên, không có đồng nào trong số tiền này được cấp cho các công ty kinh doanh bất động sản.
Hầu hết số tiền này được chuyển cho hai công ty Fannie Mae và Freddie Mac, hai công ty thuộc sở hữu Nhà nước Mỹ, không phải kinh doanh bất động sản, mà là để bảo lãnh các khoản vay bất động sản của nhân dân. 
Khác với Việt Nam, đa số người Mỹ mua nhà bằng tiền vay ngân hàng. Nhưng các ngân hàng thương mại Mỹ chỉ cho vay tối đã bằng 80% giá trị căn nhà. Trong lúc đó, rất nhiều người Mỹ, đặc biệt là người thu nhập thấp hoặc những người mới ra trường, chưa có tiền tích lũy đủ để trả trước 20% đó (gọi là down-payment). Vì vậy, Chính phủ Mỹ đã thành lập hai công ty này để bảo lãnh cho người dân mua nhà để ở về khoản 20% đó. Tức là, trong trường hợp người vay bị phá sản thì nhà nước có trách nhiệm bồi hoàn cho các ngân hàng thương mại cái khoản 20% này.
Trong tình trạng khủng hoảng kinh tế - bất động sản của năm 2008, hàng chục triệu căn nhà của dân chúng bị tịch thu, nên hai công ty này phải trả một khoản bồi hoàn quá lớn, có thể khiến cho chính những công ty này phá sản.
Nếu những công ty này phá sản thì không chỉ ảnh hưởng tới hệ thống các ngân hàng thương mại, mà dân chúng cũng sẽ không còn được hưởng khoản bảo lãnh này, và sẽ không còn cơ hội mua được nhà để ở. Vì vậy, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ để hai công ty này tiếp tục bảo lãnh cho người dân mua nhà. Năm 2008-2009, không chỉ giữ vững sự tồn tại của hai công ty này, Chính phủ liên bang Mỹ còn hỗ trợ (cho không) những ai mua nhà lần đầu thêm 8.000 USD. Do đó, trong cơn khủng hoảng, rất nhiều người Mỹ đã mua được nhà để ở mà không phải bỏ ra một đồng bạc nào. Khoản “bailout” - hỗ trợ này đi thẳng vào túi của dân chúng, không hề có chuyện “hỗ trợ” cho bất cứ doanh nghiệp nào.
Nguyễn Khánh Hưng

Đoàn viện trợ Nga tiến vào Ukraine


Một gia đình đi qua ngang qua đoàn xe viện trợ của Nga đang đậu trên một con đường gần trạm kiểm soát biên giới với Ukraine, tại khu vực Rostov-on-Don
Một gia đình đi qua ngang qua đoàn xe viện trợ của Nga đang đậu trên một con đường gần trạm kiểm soát biên giới với Ukraine, tại khu vực Rostov-on-Don
Đoàn xe viện trợ nhân đạo khoảng 200 chiếc của Nga sẽ được phép chạy sang biên giới Ukraine để mang thức ăn, nước uống và hàng cứu trợ cho người dân ở thành phố Lugansk vào sáng ngày 22.8, sau nhiều ngày bị Ukraine giữ lại ở biên giới... 
Lugansk cách biên giới Nga chỉ khoảng 20km đang rơi vào tình trạng thiếu thức ăn, nước uống và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác khi bị quân đội chính phủ bao vây 19 ngày.
Đoàn xe bị cấm sang lãnh thổ Ukraine vì chính  quyền Kiev lo sợ Nga sẽ dùng đoàn xe để chuyên chở vũ khí và binh sĩ vào miền đông đất nước để hỗ trợ phe nổi dậy.
Trong ngày 21.8, giao tranh dữ dội đã nổ ra ở miền đông Ukraine. Đây là những nổ lực cuối cùng của quân đội chính phủ nhằm giành quyền kiểm soát từ tay phiến quân, trước khi đoàn viện trợ của Nga dưới sự giám sát của Hội chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) tiến vào vùng chiến sự.
Dưới sự đốc thúc của Nga, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn cho sứ mệnh nhân đạo.
ICRC cho biết họ cần đảm bảo an ninh để phân phối hàng viện trợ nhân đạo.Vì vậy, dù không có lệnh ngừng bắn chính thức nhưng quân đội Ukraine cũng phải hạn chế rất nhiều các chiến dịch quân sự của mình khi đoàn xe viện trợ đến.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sẽ gặp thủ tướng Đức bà Angela Merkel vào ngày 23.8 để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng. Bà Merkel sẽ đóng vai trò làm trung gian hòa giải. Ông Poroshenko và tổng thống Nga Putin sẽ có cuộc gặp vào ngày 26.8 tại Minsk, Belarus để thảo luận về giải pháp hòa bình cho miền đông Ukraine.
Tổng thống Poroshenko cho biết cuộc gặp ở Minsk là để nói về hòa bình vì lúc này cả thế giới đang mệt mỏi vì chiến tranh. Tuy nhiên, ông cũng không quên nhấn mạnh về điều kiện đầu hàng vô điều kiện của phe ly khai.
Trong khi đó, các nhà chức trách cho biết có ít nhất năm binh sĩ và hai thường dân đã thiệt mạng trong vòng 24 giờ qua tại khu vực do phiến quân kiểm soát. Trước đó, hơn 50 người đã thiệt mạng trong ngày xung đột đẫm máu hôm 20.8.
Lâm Nguyên (theo AP)

Cô giáo, đừng về Việt Nam! “Teacher, don’t go Vietnam!”

TT - Câu chuyện của tác giả Đỗ Thanh Lam viết về cô giáo Lệ Quyên dạy học tại Thái Lan đăng trên một trang mạng và nhanh chóng lan truyền trong cộng đồng mạng.

Học sinh quỳ xuống cúi lạy chị. Rồi các em đồng thanh nói: “Teacher, don’t go Vietnam!” - Ảnh nhân vật cung cấp
Để giới thiệu câu chuyện này đến đông đảo bạn đọc, Tuổi Trẻ đã liên lạc với tác giả và được sự đồng ý của tác giả, Tuổi Trẻ trích đăng lại câu chuyện này.
Tôi để nguyên văn câu nói của các em học sinh dù biết sai chính tả. Nhưng với tôi, nó mộc mạc và đẹp hơn bất kỳ câu nói trau chuốt nào.
Vì nó xuất phát từ chính tấm lòng những em học sinh cấp II Trường Banborthong, Thái Lan.
"Từ lúc các em bắt đầu hát chị đã khóc. Và khi các em cúi xuống lạy mình, chị òa khóc không thể kiềm chế được”.
Tôi nghe chị nói nhưng chưa hoàn toàn hiểu. Mãi đến khi tôi mở email ra, nhìn tấm ảnh chị gửi, tôi đã bị chấn động.
Nếu tôi là chị, chắc chắn tôi cũng sẽ khóc. Bởi vì các em đã trân trọng chị vượt mức chị có thể tưởng tượng.
Điều trớ trêu là lúc hiểu được điều đó thì chị lại sắp phải về VN
Tôi gặp chị ấy - Lệ Quyên, “Sawasdee Thailand project” (Xin chào Thái Lan), một dự án dạy học cho trẻ em vùng sâu vùng xa nổi tiếng toàn quốc. Ngày 16-1-2014, chị đến Tân Sơn Nhất lên máy bay chia tay VN.
Ngày 1-3-2014, tiệc chia tay ở Bangkok, rồi chị rời xa Thái Lan. Trở về TP.HCM, chị tiếp tục cuộc sống thường ngày của một sinh viên đã tốt nghiệp. Nhưng thời gian một tháng rưỡi ngắn ngủi để lại trong chị những trải nghiệm trĩu nặng.
Chị dạy tiếng Anh ở Trường Banborthong, thuộc tỉnh Chaiyaphum, cách Bangkok 10 giờ đi xe. Chị tiếp xúc với những đứa trẻ cấp II da rám nắng, đã biết lái xe máy, lái máy cày, đã biết yêu, thi thoảng chạy ù qua hỏi chị: “Cô ơi, giá thuốc phiện ở VN có đắt không?”. “Cưới vợ VN có tốn tiền không?”. Và tụi nó thường hét lên khi chị bước tới trường: “Teacher suay!” (Cô giáo dễ thương).
Chị dạy tụi nhóc mà một câu tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết, ước mơ cuộc đời cũng không có. Tụi nhóc không nghĩ việc học là quan trọng. Chị đã từng hỏi tụi nhỏ:
- Hết lớp 9, các em có ước mơ gì không?
- Ở nhà cô giáo ạ.
- Tại sao em không học lên cấp III, học đại học, rồi đến thành phố làm?
- Em không thích!
Dự định của các em là sau khi hết lớp 9 sẽ ở nhà, lấy vợ, sống cùng ba mẹ, tiếp tục lái máy cày trên những thửa ruộng mênh mông, tiếp tục trồng rau cạnh những bụi chuối già, tiếp tục sống ở miền quê Thái Lan.
Khi nhìn tấm ảnh chị chụp vườn rau các em trồng tôi giật mình. Vì nông thôn Thái Lan, VN, hai đất nước tuy khác nhau mà khung cảnh giống đến nao lòng.
Rất nhiều lần khi chị đứng lớp, học sinh quậy, chị muốn mắng, muốn đánh tụi nó nhưng rồi không thể vì tụi nhóc rất tội. Chị thấy những cố gắng của tụi nó để học tiếng Anh cùng chị. Chị thấy tụi nhóc thích chị vô cùng. Đến một thời gian, chị không còn giận nổi tụi nó nữa. Mà thương.
***
Những đứa trẻ đó tuy nghịch nhưng cực kỳ tình cảm. Ban đầu chúng lạ chị, chị giảng bài nhiều đứa không thèm nghe bỏ đi chơi. Nhưng dần dần những nhóc quậy trở lại lớp học, nghe giảng và chịu làm kiểm tra.
Chị cười: “Chị cố gắng mãi em ạ, trên lớp bày trò chơi, hết giờ thì chủ động đi tưới rau, đá bóng cùng tụi nhóc... Cuối cùng cả lớp cũng chấp nhận chị, chịu đến lớp, chịu học”.
Một ngày khi chị đang tới trường, những đứa nhóc ngày xưa nửa câu tiếng Anh không biết giờ chạy qua, đập vào vai chị hét lên: “Teacher, what are you doing?”. “Where are you going?”.
Chị đứng ngây ra đó. Ngỡ ngàng. Và vui đến mức muốn khóc.
Chúng coi chị không phải cô giáo mà như một người chị gái. Chuyện tình cảm, chuyện gia đình chúng nó đều ngồi tâm sự với chị. Những câu chuyện về các cậu nhóc lớp 9 sau khi tốt nghiệp sẽ nghỉ học, cưới bé lớp 8. Và tiếp tục cuộc sống chặt mía, trồng khoai mì, ngày cày kéo trên cánh đồng mênh mông, đêm lên núi săn thú hiếm cùng gia đình. Chị nghe mà lòng xót xa.
Thật tội nghiệp những đứa trẻ chưa bao giờ có cơ hội đến một nơi khác, gặp những cô gái, chàng trai khác và nhìn thấy một thế giới khác. Để hiểu rằng còn những niềm vui, niềm hạnh phúc khác đang chờ các em. Để hiểu rằng thế giới này còn rất nhiều sắc màu. Để hiểu rằng cuộc đời này còn có những ước mơ lớn lao.
Cô giáo Lệ Quyên và học trò của mình - Ảnh nhân vật cung cấp
***
Cuối tuần, khi cô bạn người Trung Quốc và các thực tập sinh khác lên kế hoạch đi du lịch, chị ở lại Chaiyaphum. Tôi hỏi vì sao, chị cười: “Vì chị thương học sinh của chị lắm em. Xa một chút là lại thấy nhớ”.
Mỗi khi hết giờ học, các em hay rủ chị đi chơi bóng chuyền, bóng đá, bắt ốc, trồng rau. Thứ bảy, chủ nhật tụi nhóc dẫn chị đi bơi suối, rủ chị hái xoài, dạy nhảy, dạy hát những bài cổ truyền Thái Lan. Tụi nó còn dạy chị học đấu kiếm. Nhưng chị chưa kịp cầm đến cây kiếm tre, mới chỉ học chào hỏi thì chuyến thực tập của chị kết thúc. Chị phải về VN.
Trước ngày chị đi, tụi nó xúm xít lại tặng quà. Có đứa tặng chiếc khăn quàng cổ mà khi mở ra chị thấy vẫn còn ẩm nước. Chị biết đó là chiếc khăn của đứa nhóc, em vừa giặt xong tối hôm qua để hôm nay kịp trao cho chị.
Và giật mình nhất là khi chị mở bức thư của một học trò được viết bằng tiếng... Việt. Hỏi ra mới biết các em gõ tiếng Thái lên Google dịch, rồi chép bằng tiếng Việt vào. “Những câu chữ tuy vụng về, đứt gãy, nhưng đó là những lời xúc động nhất mà chị từng biết em à!” - chị kể với tôi mà đôi mắt lấp lánh.
Tôi không biết đó là niềm vui hay sự xúc động khi nhớ về một kỷ niệm nặng sâu.
Và những giờ phút cuối của buổi học kết thúc, các em học sinh bắt chị ngồi yên trên chiếc ghế nhựa màu đỏ. Rồi các em bắt đầu thực hiện một nghi lễ truyền thống, bày tỏ lòng tôn trọng vô cùng với giáo viên ở Thái Lan đó là... cúi lạy. Lũ nhóc ngồi xung quanh, cùng hát một bài tiếng Thái. Học sinh quỳ xuống cúi lạy chị. Rồi các em đồng thanh nói: “Teacher, don’t go Vietnam!”.
“Chị và tụi nhỏ khóc từ lúc chị rời nhà host đến trạm xe buýt đón xe chuẩn bị về thành phố. Thấy tụi nó khóc, chị khóc theo. Và tụi nó thấy chị vậy, càng khóc to hơn nữa.
Chủ nhà host của chị, người mà chị gọi là daddy, trước khi để chị lại ở trạm xe buýt, đã nói rằng: “Con để địa chỉ lại cho daddy đi, khi nào nhớ, daddy sẽ viết thư cho tụi con nhé. Daddy muốn qua VN, mà không phải đi máy bay đâu. Daddy sẽ lái xe từ Thái Lan đến VN thăm con”.
***
“Chị chưa bao giờ có suy nghĩ bỏ ra 15 triệu đồng để đến Thái Lan trong một tháng rưỡi là lãng phí. Được trải nghiệm, được các em yêu thương và tin tưởng, những kỷ niệm đó với chị là vô giá. Về nhà ba ngày rồi mà chị vẫn không thể nguôi nhớ.
Trước khi đi tình nguyện, chị đã nghĩ hết tương lai, dự định cho cuộc đời mình. Nhưng chị không thể tin nổi là chị đã thay đổi.
Bây giờ chị muốn sang Thái Lan làm việc 1, 2 năm rồi mới về VN. Chị muốn khơi dậy ước mơ trong các em bằng cuộc sống của chính chị. Chị muốn các em thành công, đừng luẩn quẩn ở một nơi suốt cả cuộc đời, đừng tốt nghiệp để lấy vợ, rồi ngày kéo cày, đêm săn thú như vậy.
Chị muốn giúp các em hiểu rằng thế giới này còn rất nhiều điều thú vị, còn vô vàn sắc màu và những ước mơ lớn lao. Và có lẽ chị sẽ không kể câu chuyện này với ai nữa đâu. Kể nhiều, sợ kỷ niệm sẽ hao mòn...”.
Và tôi nghĩ chắc chắn chị đã yêu Thái Lan rồi. Tôi nói với chị: “Em sẽ viết lại câu chuyện này”. Vì tôi muốn đưa kỷ niệm của chị đến thật nhiều người mà tôi có thể. Để ký ức này đừng phai nhạt. Để tôi và bạn thêm một lần thấm thía tình nguyện thật sự không phải là để chụp ảnh. Càng không phải để có tấm giấy chứng nhận vuông vắn kia. Mà là để đi, để trải nghiệm, để yêu thương.
Nhưng “trải nghiệm” là một từ kỳ lạ. Cho dù tôi có tận tai nghe chị kể, cho dù bạn có đọc bao nhiêu câu chuyện đi chăng nữa thì chúng ta chỉ biết chứ chưa hiểu. Đến khi thật sự lên đường rồi, trải nghiệm mới thấm vào trong tim.
ĐỖ THANH LAM

Tuổi già khốn khó của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

BTTD: Một số phận tài hoa kém may mắn.

Ở tuổi 89, tác giả của ca khúc nổi tiếng "Dư âm" sống nghèo túng, bệnh tật và cô đơn trong căn nhà nhỏ giữa lòng Sài Gòn.
Là một trong năm nhạc sĩ đầu tiên, cùng Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, thành lập nên Hội nhạc sĩ Việt Nam, tác giả Nguyễn Văn Tý nổi tiếng với những sáng tác như Dư âm, Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Dáng đứng Bến Tre... Có sự nghiệp thành công, nhưng ở tuổi xế chiều, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý rơi vào cảnh ốm đau, bệnh tật. Ông hay tủi thân và thường than thở về sự thiếu quan tâm của những người xung quanh.
Trong căn phòng chưa đầy 10m2, bề bộn đồ đạc phủ bụi, người nhạc sĩ già nằm lẻ loi trên giường. Dù đôi mắt, gương mặt vẫn còn vẻ tinh anh, ông gần như liệt giường từ cách đây một tháng, sau lần thứ ba bị tai biến. Mọi hoạt động của ông đều phải nhờ sự hỗ trợ từ người giúp việc đã ngoài 50 tuổi.Phương tiện duy nhất để giao tiếp với thế giới bên ngoài của nhạc sĩ là chiếc TV và chiếc loa có cắm USB để nghe nhạc. Từ khi nằm liệt giường, chiếc loa nằm lăn lóc ở một góc bàn, ông chỉ có thể sử dụng điều khiển từ xa để xem TV.
Gần 90 tuổi, những gì còn lại với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là bằng khen, những tấm ảnh chân dung và một số nhạc cụ treo trên tường.Ông rơi nước mắt nhiều lần khi nói về hoàn cảnh hiện tại: "Tôi biết ơn nhà nước, chỗ trung tâm tác quyền của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Tôi rất biết ơn những người giúp đỡ tôi, cho tôi tiền. Tôi sống thiếu thốn lắm. Hàng ngày thèm bát phở, bát bún mà không có".
Nhạc sĩ già nâng niu từng đồng tiền được những người hảo tâm kính biếu. Ông có một chiếc túi nhỏ khâu ở cạp quần, bên trong có chiếc ví nhỏ, đựng tiền và giấy tờ tùy thân. Ông vuốt ve từng đồng tiền thật phẳng phiu trước khi cho vào ví.
Nhạc sĩ già nâng niu từng đồng tiền được những người hảo tâm kính biếu. Ông có một chiếc túi vải khâu ở cạp quần, bên trong có chiếc ví nhỏ, đựng tiền và giấy tờ tùy thân. Ảnh: Châu Mỹ.
Ngoài lương hưu và tiền tác quyền, nhạc sĩ nhận được ít nhiều sự giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân. Ông cho biết, nhạc sĩ Trần Đình Thảo, vợ chồng ca sĩ Khắc Triệu - Cẩm Vân, một số Việt kiều mến mộ thi thoảng đến thăm và cho ông tiền. "Tác quyền khoảng ba tháng tôi được lĩnh một lần, chừng 3-4 triệu đồng gì đó. Nhạc sĩ Trần Đình Thảo cho tôi mỗi tháng một triệu, cứ sáu tháng gửi một lần. Những người khác thì cho ít hơn, cũng đủ cho tôi ăn được mấy hôm, chỉ tiền thuốc thang là tốn kém". Không giấu nổi cảm xúc, ông lại khóc: "Những người ngày xưa tôi dạy dỗ kỹ lưỡng, dắt tay lên đài danh vọng, nay chẳng hề đến thăm khi tôi ốm đau nằm một chỗ". Nhạc sĩ kể, khi còn khỏe, ông cũng chịu khó chống gậy đi thăm hỏi hàng xóm và họ cũng hay sang thăm lại ông những ngày lễ, ngày tết. Nhưng đến khi ông ốm đau, tình hàng xóm cũng thưa dần. "Chắc họ nghĩ tôi dân văn nghệ, không hợp với họ”, ông run giọng.
Hai người vợ của nhạc sĩ đều đã rời bỏ ông ra đi. Người vợ trước mất không lâu sau khi sinh con đầu lòng; người vợ sau mất vào năm 2004. Kể từ đó, ông sống một mình trong căn nhà cũ đã xuống cấp, nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Khắc Chân, quận một. Nhạc sĩ có hai cô con gái. Người con với vợ đầu sống tại Hà Nội, không có nhiều điều kiện thăm ông thường xuyên. Cô con gái thứ hai là nghệ sĩ piano Thái Linh, hiện sống riêng tại TP HCM.
Lý giải với VnExpress về tình cảnh hiện tại của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nghệ sĩ Thái Linh cho biết, bố mình già cả rồi nên có dấu hiệu lẩn thẩn. "Sáng nào chồng tôi cũng tới đưa cụ ngồi xe lăn đi dạo. Tôi cũng gọi điện thường xuyên cho cô làm vật lý trị liệu để kiểm tra tình hình. Tiền thì ông không đến nỗi quá túng thiếu như thế, nhưng với số tiền ấy, ông phải chi tiêu cho nhiều người gồm hai mẹ con cô giúp việc, nên cứ thiếu trước, hụt sau".
Chị Linh kể, bố chị cũng trái tính. Gia đình chị từng đón bố về nhà mình để tiện chăm sóc, nhưng khỏe rồi ông lại đòi về. Ông bảo với con gái rằng, nhà chật chội, ngột ngạt và khó thở. "Ông đã quen sống với người giúp việc hơn hai chục năm nay rồi. Những người mà ông bảo không đến thăm ông, thật ra họ có đến, nhưng không thể thường xuyên, liên tục. Vì không ai cầm lòng được trước những than thở của ông", chị nói.
tuong-nha-3429-1408519211.jpg
Bức tường phòng khách ẩm mốc, treo bằng khen và hình ảnh thời trẻ của nhạc sĩ. Ảnh: Châu Mỹ.
Giữa những tủi hờn khi nói về sự cực khổ của cuộc sống hiện tại, khi nhắc đến những kỷ niệm quá khứ, Nguyễn Văn Tý tỏ ra hứng khởi. Ông say sưa kể về mối tình với một cô gái 16 tuổi, người đã tạo cảm hứng cho bài hát Dư âm. “Khi đó tôi chơi với cô chị. Cô em mới 16 tuổi, một hôm ghé cằm lên vai chị, đưa đôi mắt ngây thơ nhìn thẳng vào tôi. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ như in đôi mắt ấy. Tôi ngày đó nhát lắm, không dám bày tỏ tình cảm. Sau này cô ấy lấy một anh bộ đội, chuyển ra thủ đô. Một lần đi công tác, tôi tình cờ gặp lại nhưng tìm cách lánh mặt. Sự tiếc nuối vì không đến được với nhau khiến tôi viết lên bài Dư âm. Tôi thương cô ấy lắm, nhưng giờ cô ấy chết rồi!”.
Nói về hai người vợ đã đi qua cuộc đời mình, nhạc sĩ cho biết ông nặng tình với cả hai. Người vợ sau là em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, được ông ưu ái dành tặng bài hát Mẹ yêu con. “Khi lấy tôi, bà ấy đã có một đời chồng và bốn người con riêng. Tôi không quan trọng hay câu nệ gì cả, tôi chỉ yêu cái đẹp thôi. Bà vợ thứ hai của tôi đẹp lắm!” - ông nói rồi chỉ tay lên bức ảnh cưới được ông lồng khung và để ở vị trí dễ thấy nhất trên tường.
Sau những câu chuyện tình, nhạc sĩ còn hào hứng nhắc lại những tháng ngày hoạt động trong đoàn văn công 304. Ông tỏ vẻ tiếc nuối khi mọi thứ chỉ còn là kỷ niệm.
nguyen-van-ty-2-6376-1408519211.jpg
Người giúp việc trên 50 tuổi đút cơm chiều cho nhạc sĩ. Ảnh: Châu Mỹ.
Cuộc trò chuyện bị ngắt quãng vì giờ cơm chiều. Trước khi ăn, ông được người cháu đút cho một thìa mật ong. Nhạc sĩ nằm nghiêng, với tay lấy ca nước để sẵn trên đầu giường, uống một ngụm rồi chờ được đút cơm. Bát cơm có thịt lợn và rau xúp lơ ninh nhừ. Ông ăn nhanh và tỏ vẻ ngon miệng. Cô Thương, người chăm sóc nhạc sĩ, chia sẻ: “Cho ông ăn như cho trẻ con ăn vậy. Thức ăn phải ninh nhừ, cơm phải trộn đều với canh. Ông nhõng nhẽo lắm, bữa nào cũng hỏi hôm nay thức ăn có gì”.
Chị Hoa, người làm vật lý trị liệu cho nhạc sĩ được gần một tháng cho hay: “Ông cụ tội nghiệp lắm, cô đơn lắm nên khóc hoài. Tôi biết ông là nhạc sĩ nổi tiếng, bài hát Dáng đứng Bến Tre của ông khiến chúng tôi nhớ mãi. Sự nghiệp lừng lẫy như vậy mà cuối đời thảm não quá”.
Niềm an ủi còn lại với người nhạc sĩ già là Hội nghệ sĩ vẫn không lãng quên ông. Bức tranh lớn treo trên tường do nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á tặng, như một biên niên ký nhỏ về chặng đường hoạt động âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Kể từ khi nằm liệt giường, những lúc cô đơn, ông chỉ biết ngắm tranh và sống với hoài niệm tuổi trẻ.
“Ngày trước, tôi quan tâm, sống tốt với nhiều người lắm. Không hiểu sao khi về già, cuộc đời đáp lại tôi thế này!”- nhạc sĩ nói trong nước mắt.
Châu Mỹ

Tại sao giá ôtô ở VN cao gấp 3 lần ở Mỹ?

BTTD: Mỹ ngu thiệt, Thu nhập người dân M cao hơn VN 28 lần mà giá xe hơi chỉ bằng 35%, giá xăng bằng 70%, đường đẹp nhiều xe mà không biết xây trạm để thu phí. TB Mỹ không giãy chết mới lạ.


Theo Vnexpress 

Thu nhập người Việt chỉ bằng 1/28 người Mỹ nhưng lại chịu mức giá ôtô cao gấp 3, vì sao không có những biện pháp thay đổi? (Trần Thanh).

Theo số liệu của World Bank, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 của Việt Nam là 1.911 USD, của Thái Lan là 5.779 USD và của Mỹ là 53.143 USD. Như vậy mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/28 Mỹ và 1/3 Thái Lan.
Nhưng thực tế, mức giá ôtô nhập khẩu thậm chí sản xuất trong nước đều rất cao, thông thường gấp khoảng 3 lần giá sản phẩm tương tự ở Mỹ, gấp 2 lần tại Thái Lan. Ai cũng biết lý do đến từ các mức thuế, vậy tại sao lại phải đánh thuế cao? Sao không để thuế thấp, nhập thoải mái như Campuchia? 

Vì sao Triều Tiên điều xe tăng áp sát Trung Quốc?

Vì sao Triều Tiên điều xe tăng áp sát Trung Quốc?
(Bình luận quân sự) - Mỹ-Hàn tập trận, Triều Tiên đe trả đủa “khủng khiếp” mà điều hơn 80 xe tăng…đến biên giới…Trung Quốc thay vì Hàn Quốc thì là chuyện lạ...
Ngày 19/8, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc đưa tin: “Triều Tiên đã bất ngờ điều hàng loạt xe tăng và xe bọc thép tới một quân đoàn đóng quân gần biên giới với Trung Quốc ở tỉnh Ryanggang. Khoảng 80 xe tăng hạng nặng lần đầu tiên được triển khai tới vị trí đóng quân của quân đoàn 12, đơn vị mới được thành lập vào năm 2010 để đối phó với các động thái của quân đội Trung Quốc trong tình huống khẩn cấp.
Đây là loại xe tăng hạng nặng mới của Triều Tiên có thể chở được từ 10-15 binh sĩ và đạt tốc độ tối đa 80 km/h. Ngoài ra, hơn 10 xe tăng mới được trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực tự động và màn hình vi tính cũng sẽ được Triều Tiên biên chế vào đơn vị đặc biệt này. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra lệnh triển khai số xe tăng này càng nhanh càng tốt”.
Liệu những chiếc xe tăng này của Triều Tiên đã được điều động đến áp sát biên giới Trung Quốc???
Có phải những chiếc xe tăng này của Triều Tiên đã được điều động đến áp sát biên giới Trung Quốc?
Đây là tin của tờ báo Hàn Quốc nên độ tin cậy cần phải kiểm chứng, tuy nhiên, khu vực mà Triều Tiên điều xe tăng đến giáp với khu vực mà trước đó, đầu năm 2014, Trung Quốc đã điều động tập đoàn quân 39 của Quân khu Thẩm Dương, cùng với xe tăng hiện đại Type 99G. Cũng theo Chosun Ilbo, “tập đoàn quân 39 này có khả năng đánh bại toàn bộ quân đội Triều Tiên trong một cuộc xung đột toàn năng” là tin tức chính xác có tính sự thật đã rõ ràng.
Động thái này của PLA được cho là nhằm đề phòng bất trắc trước nguy cơ người tị nạn ồ ạt đổ sang biên giới Đông Bắc Trung Quốc một khi có biến cố lớn trên Bán đảo Triều Tiên.
Hãy khoan nói về động thái của quân đội Triều Tiên mà nói về động thái của PLA.
Để ngăn cản một đoàn người Triều Tiên, gồng gánh, tay xách nách mang tràn qua biên giới thì ai cũng biết không cần phải đưa một tập đoàn quân chủ lực với trang bị xe tăng hạng nặng hiện đại nhất của Trung Quốc vào cuộc, mà chỉ có thể là ngăn cản quân Mỹ-Hàn, tràn qua khi thắng quân đội Triều Tiên mà thôi. Tuy nhiên, cả 2 đều không phải, Mỹ-Hàn không ngu dại đưa quân đánh tràn sang biên giới Trung Quốc.
Vậy thì động thái đó, chắc chắn phải có ý đồ khác trên bán đảo Triều Tiên, mà CHDCND Triều Tiên là một trong những đối tượng chủ yếu.
Triều Tiên không theo gậy chỉ huy của Trung Quốc
Hơn nửa thế kỷ theo, phụ thuộc vào Trung Quốc, Triều Tiên đã hiểu họ được gì, mất gì cho nên đã đến lúc họ phải quyết định.
Thứ nhất, về quân sự. Triều Tiên không theo cái gậy chỉ đạo của Bắc Kinh, đã trở thành nguyên nhân tạo điều kiện cho Mỹ-Nhật Bản tăng cường thế, lực gây bất lợi cho chiến lược quân sự của Trung Quốc. Là đồng minh với Trung Quốc, hành động của Triều Tiên như vậy là không thể chấp nhận với Bắc Kinh. Tuy nhiên, đó lại là hành động vì lợi ích an ninh quốc gia của Triều Tiên.
Đây là mâu thuẫn chiến lược quân sự không thể giải quyết của 2 "đồng minh" Trung-Triều. Nghĩa là nếu để bảo đảm an ninh cho Trung Quốc thì Triều Tiên phải bị "vặt trụi lông" và ngược lại.
Tại sao Mỹ cứ khăng khăng đưa ra điều kiện tiên quyết là Triều Tiên phải hủy bỏ toàn bộ chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân trước khi bàn đến chuyện ký kết hiệp ước hòa bình? Giả sử Triều Tiên chấp nhận điều kiện tiên quyết này thì liệu hiệp ước hòa bình 2 miền có được ký? Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên có được thiết lập? Lúc đó, hoặc là Mỹ phải cuốn gói rời khỏi 2 căn cứ quân sự cùng với hơn 40 ngàn quân tại Hàn Quốc và Nhật Bản, hoặc là tuyên bố công khai ở lại để chống Trung Quốc.
Đây không phải là điều Mỹ muốn và Mỹ biết Triều Tiên cũng sẽ không bao giờ chấp nhận điều vô lý, trịch thượng này do Mỹ đưa ra. Triều Tiên đương nhiên, không dại gì cầm dao đằng lưỡi khi bài học Libya đang còn mới nóng.
Triều Tiên lấy bài học của Libya để kiên quyết chế tạo vũ khí hạt nhân khiến cho đàm phán 6 bên rơi vào bế tắc, mà Trung Quốc gây sức ép bao nhiêu cũng không làm Bình Nhưỡng thay đổi. Đương nhiên, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã tạo điều kiện cho liên minh quân sự Mỹ-Hàn Quốc, Mỹ-Nhật Bản ngày càng củng cố, phát triển, đe dọa và bao vây kiềm chế Trung Quốc.
Các hệ thống phòng thủ tên lửa đã được Mỹ, Nhật Bản triển khai ngay sát trước cửa nhà Trung Quốc một cách hợp lý. Mỗi lần Triều Tiên tiến hành thử tên lửa…là mỗi lần Mỹ, Nhật Bản lại tăng cường thêm lực lượng, để thực chất là đối phó với Trung Quốc.
Sự ám ảnh bởi tên lửa Triều Tiên cùng với sự hung hăng của Trung Quốc đã khiến Nhật Bản tái vũ trang, xuất khẩu vũ khí, dỡ bỏ lệnh cấm phòng vệ tập thể…Tất cả những điều trên đã tạo ra một thế trận rất bất lợi cho Trung Quốc.
Không theo cái gậy chỉ huy của Trung Quốc, Triều Tiên buộc phải ăn đòn khi Trung Quốc cũng hùa vào lệnh cấm vận chống Triều Tiên?
Thứ hai, người châu Á vốn có tính dân tộc cao và coi trọng an ninh chủ quyền, ban lãnh đạo mới của Triều Tiên đã có dấu hiệu cho thấy họ đang cố gắng thoát sự lệ thuộc quá lớn vào Trung Quốc bằng 3 đối sách. 
Một là, hầu hết những người trong giới lãnh đạo cao cấp của Triều Tiên thân Trung Quốc đều bị thanh trừng, loại bỏ. Ngay cả ông chồng của cô ruột Kim Jong Un cũng bị xử tử…chứng tỏ tính quyết liệt, dứt khoát, không nể nang của Bình Nhưỡng.
Hai là mở rộng quan hệ quốc tế với các nước trong đó có Nga, nhưng điều đặc biệt quan tâm là Triều Tiên có vẻ sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản. Đây là một chiêu hiểm của Triều Tiên muốn cảnh báo đến Trung Quốc.
Ba là đề xuất phương cách thống nhất 2 miền Triều Tiên theo kiểu “một quốc gia 2 chế độ”. Có thể nói đây là một đề xuất tinh tế có tính dân tộc cao khiến cho Hàn Quốc ú ớ, ngọng lưỡi, không thể trả lời khi chưa thoát ra khỏi Mỹ.
Nếu như cả 3 điều trên đều trở thành hiện thực và hiệu quả cao (chưa tính đến hệ quả với Nhật Bản) thì bán đảo Triều Tiên thực sự thống nhất theo kiểu Đức sẽ xuất hiện. Nhưng ai cho như vậy? Triều Tiên, trên đầu đang có Trung Quốc, còn Hàn Quốc, đừng tưởng giàu có, trên đầu vẫn có Hoa Kỳ.
Hai nguy cơ cho Triều Tiên
Trung Quốc đã nhiều lần “bán đứng” Việt Nam để được lợi lớn, thì chuyện này không ai hiểu, biết hơn Mỹ. Khi Việt Nam tỏ rõ sự độc lập dân tộc thì Trung Quốc đã không ngại ngần dùng hành động man rợ độc ác nhất là xua quân sang đánh Việt Nam, gây nên cảnh tang tóc đau thương cho 2 phía. Vậy thì Triều Tiên là cái gì trong mắt người Hán mà họ không xử như đã từng với Việt Nam, tuy bị no đòn?
Triều Tiên, tuy không có giá như Việt Nam, nhưng cái gọi là “đồng minh” đã chống lại cái gậy chỉ huy của Trung Quốc, nằm ngoài lợi ích, tính toán của Trung Quốc, thì sẽ có 2 nguy cơ xảy ra: Một là “bán đứng” Triều Tiên bất cứ lúc nào thấy lợi. Hai là sẵn sàng xua quân tấn công.
Hai nguy cơ này, Triều Tiên không phải nghi ngờ gì hết từ nhà cầm quyền Bắc Kinh, trong đó, nguy cơ “Dạy cho Bình Nhưỡng một bài học” qua đó lật đổ chế độ Kim Jong Un, lập nên một chế độ thân Trung Quốc như trước, bằng hành động thần tốc của tập đoàn quân 39 của quân khu Thẩm Dương đã ém sẵn tại biên giới…là hiện hữu nhất.
Trong lúc Mỹ-Hàn tập trận, Triều Tiên đang đe trả đũa “khủng khiếp” mà điều hơn 80 xe tăng…đến biên giới với…Trung Quốc thay vì Hàn Quốc thì là chuyện lạ, khó tin!
Tin này báo Hàn Quốc đưa ra với dụng ý gì, có chính xác hay không thì chúng ta chưa bàn đến. Nhưng là một người dân Việt Nam, sống bên cạnh Trung Quốc thì tôi cho rằng Mỹ-Hàn không dám, không muốn, tấn công Triều Tiên đâu, mà người dám, muốn, chỉ có thể là Trung Quốc.
Vì vậy, hơn 80 xe tăng và ngần đó xe bọc thép, hoặc nhiều hơn nữa… được điều đến đối mặt với tập đoàn quân 39 của Trung Quốc tại biên giới là không có gì ngạc nhiên. Điều ngạc nhiên ở đây là, nếu như đây là sự thật, sự điều quân trong tình thế này chứng tỏ sắp tới chính sách đối ngoại của Triều Tiên sẽ có một sự thay đổi lớn về chất.
Sự thay đổi này chắc sẽ tác động rất xấu đến Trung Quốc. Chẳng hạn, nếu như họ bắt tay với Nhật Bản thì đây là một cú chấn động địa chính trị rất lớn ở Đông Bắc Á. Thực tế thì chẳng có gì là không thể.
  • Lê Ngọc Thống