Trang

3 tháng 6, 2014

Trung tâm chỉ huy biên phòng Ukraina bị tấn công

Hàng trăm người li khai ở đông Ukraina đang tiếp tục cuộc tấn công của họ vào một trung tâm chỉ huy biên giới gần thành phố Luhansk.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

BBC dẫn thông tin từ Cục Biên giới Ukraina cho biết, 5 tay súng đã thiệt mạng và 8 người bị thương khi trung tâm chỉ huy này bị tấn công liên tiếp. Bảy lính biên phòng của chính phủ bị thương.
Một máy bay quân sự Ukraina đã được điều động tới để yểm trợ.

Theo phát ngôn viên Oleh Slobodyan của Cục Biên giới Ukraina, các tay súng đã dùng vũ khí hạng nặng để tấn công và có khoảng 500 tay súng thân Nga được tin là đã tham gia.
Cục này cho biết, giao tranh vẫn tiếp tục và phe tấn công - có cả những tay bắn tỉa - đã nã đạn từ các tòa nhà dân cư, khiến cho lính Ukraina khó đáp trả.
Theo tin từ AP, những người tấn công mặc đồng phục, hứa sẽ đảm bảo an toàn cho các sĩ quan Ukraina nếu họ đầu hàng và hạ vũ khí. 
Trong khi đó ở Luhansk, có một tiếng nổ lớn ở tòa nhà chính quyền then chốt mà phe li khai chiếm giữ cách đây vài tuần. Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ nổ song tin tức chưa được kiểm chứng nói rằng có thương vong.
Ukraina, li khai, bảo vệ biên giới, tấn công
Tòa nhà chính quyền ở Luhansk sau vụ nổ. (Ảnh: Reuters)
Các nhóm thân Nga quy kết quân đội Ukraina đã tiến hành một cuộc không kích. Kiev phủ nhận cáo buộc này, lập luận rằng những người li khai bên trong tòa nhà có thể đã sử dụng sai một hệ thống tên lửa bắn máy bay vác vai.
Từ Moscow, Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng rằng "các quan chức Kiev đang phạm phải một tội ác nữa chống lại chính người dân của mình".
Theo các phóng viên, phe li khai ở đông Ukraina ngày càng trở nên hùng hổ hơn trong các cuộc tấn công của họ nhằm vào các vị trí do chính phủ nắm giữ, vì họ muốn có được vũ khí và đạn dược từ các lực lượng Ukraina.
Nhiều tuần qua, miền đông Ukraina đã chứng kiến những vụ đọ súng chết người giữa lính chính phủ và phe thân Nga, lực lượng đã chiếm giữ các tòa nhà công quyền chủ chốt trên khắp khu vực.
Tổng thống mới đắc cử Petro Poroshenko cho biết, ưu tiên của ông là chấm dứt giao tranh ở miền đông.
Ukraina, li khai, bảo vệ biên giới, tấn công
Quân đội Ukraina đang gặp phải sự kháng cự dữ dội của phe li khai ở miền đông. (Ảnh: AP)
Một số diễn biến khác:
- Ủy ban bầu cử Ukraina chính thức tuyên bố ông Petro Poroshenko chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 25/5, giành được 54,7% số phiếu bầu.
- Tập đoàn Gazprom của Nga đã cho Ukraina thêm thời gian để thanh toán hóa đơn khí đốt sau khi được trả một phần nợ. Hãng năng lượng khổng lồ này trước đó dọa sẽ dừng cung cấp gas nếu Kiev không trả hết nợ.
- Tin cho biết Moscow cảnh báo Nga có thể rút khỏi thỏa thuận hợp tác với NATO và thực hiện "các biện pháp mang đặc tính quân sự" nếu không có các diễn biến quan trọng ở đông và trung châu Âu.
- Thủ tướng Anh David Cameron sẽ tổ chức hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thứ Sáu (6/6) để kêu gọi Moscow giúp đỡ xuống thang tình hình ở đông Ukraina, theo phát ngôn viên của ông Cameron.
Thanh Hảo

“Ai cũng đúng, chỉ mỗi con đường sai!"

 - “Ai nói cũng đúng, chỉ mỗi con đường sai, chất lượng đường kém, rồi đổ tại cho thời tiết, khí hậu, quá tải… Điều này là không thể chấp nhận” - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thẳng thắn cho biết tại cuộc họp về chất lượng công trình giao thông ngày 3/6.

“Tất cả đều đúng mà công trình lại kém chất lượng?”
Được cho là công trình kiểu mẫu, nhưng mới đây tuyến đường QL1 Vinh – Hà Tĩnh vẫn xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe.
Báo cáo về thực trạng này, ông Lê Ngọc Hoa, Tổng giám đốc Cienco 4 cho biết, có khoảng 4/35 km bị hiện tượng này. Những vệt hằn có độ sâu từ 5 – 23mm.
Ông Hoa cho biết, Cienco 4 đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc thường xuyên tưới nước, phân luồng xe để tránh hiện tượng trùng phục (xe chạy liên tục trên cùng một điểm), nhưng hằn lún vẫn diễn ra.
Đinh La Thăng; GTVT; Cieco 4
Bộ trưởng Thăng: Tưới nước và phân luồng xe cho khỏi lún vậy làm đường chỉ dành để đi khi trời mưa à? Sao vô lí vậy?
“Chúng tôi đã triển khai nghiêm ngặt các quy trình, thí nghiệm kỹ càng, trực tiếp nhập nhựa bồn từ Singgapo, bột khoáng rồi đá cũng được Tổng công ty kiểm soát, không phân xuống các đơn vị. Ngoài ra đơn vị cũng nhập nhiều thiết bị máy móc mới… nhưng vẫn bị lún. Nhiều anh em, cán bộ công trường nói đã làm hết sức, rất cẩn thận nhưng đường vẫn lún nên bị tâm lý và mất tự tin”, ông Hoa nói.
Về nguyên nhân hằn lún vệt bánh xe, ông Hoa đề cập đến vấn đề thời tiết nắng nóng và cho biết Cienco 4 cũng đã thuê đơn vị kiểm định độc lập để làm rõ nguyên nhân.
Đồng thời, triển khai giải pháp như tưới nước trong những ngày nắng to để giảm nhiệt cho mặt đường, phân luồng xe để giảm tải và tránh hiện tượng trùng phục.
Với dự án BOT nâng cấp mở rộng QL18 – Uông Bí - Hạ Long, ông Lương Đức Minh, Tổng giám đốc Công ty CP phát triển Đại Dương (chủ đầu tư dự án) cho biết: Trong quá trình thi công, chủ đầu tư và nhà thầu cũng kiểm soát chặt chẽ quy trình, tiêu chuẩn chất lượng.
Khi kiểm tra móng đường không có hiện tượng gì. Chỉ có một số đoạn mặt đường bị hằn lún.
Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên cho rằng, nếu các dự án giao thông tiếp tục hằn lún thế này sẽ là thảm họa.
Theo ông Viên, bằng mọi cách phải xử lý dứt điển, bởi các dự án mở rộng QL1, QL14 đang triển khai. Thực tế, hằn lún xảy ra rất nhanh ở những ngày nắng nóng, chủ yếu ở lớp trên của đường và ở làn xe tải nặng.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể nghi ngờ, nếu nói nắng nóng là “thủ phạm” chính thì tại sao nhiều tuyến đường khu vực miền Tây, thường xuyên nắng nóng nhưng không vấn đề gì?
Tuy nhiên, theo ông Thể, có thể khu vực miền Tây xe quá tải ít, còn miền Trung và miền Bắc lưu lượng xe lớn, quá tải nhiều nên lún nhiều hơn. Có thể xem xét những nơi có khí hậu khắc nghiệt cần sử dụng loại nhựa đặc thù.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, thế giới vẫn dùng loại nhựa và công nghệ đó, họ cũng nắng nóng, thậm chí còn hơn mình, vậy tại sao họ không lún? Tất cả chỉ ở yếu tố con người!
Không đồng tình với ý kiến của các bên đưa ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: Tiêu chuẩn gì thì tiêu chuẩn, nhưng đường phải đảm bảo chất lượng tốt, không bị lún.
“Tại sao nước ngoài làm được mà mình không làm được? Làm đường xong khi trời nóng thì bảo dân không được đi vì sợ lún, nghe thế có chấp nhận được không? Tưới nước và phân luồng xe cho khỏi lún vậy làm đường chỉ dành để đi khi trời mưa à? Sao vô lí vậy?”, Bộ trưởng Thăng nói.
Mạnh tay xử lý người đứng đầu
Cũng tại buổi họp, Bộ trưởng Thăng yêu cầu phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, từ Bộ trưởng, Thứ trưởng, Vụ trưởng, Cục trưởng, đến Tổng Giám đốc… nếu để công trình kém chất lượng đều bị xử lý nghiêm. Nếu làm không được sẽ bị điều chuyển, thay thế ngay.
Đinh La Thăng; GTVT; Cieco 4
“Ai nói cũng đúng, chỉ mỗi con đường sai, chất lượng đường kém, rồi đổ tại cho thời tiết, khí hậu, quá tải… Điều này là không thể chấp nhận”
Bộ trưởng Thăng cũng 'cảnh báo' Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT Trần Xuân Sanh:
“Tôi đã trao quyền nên đề nghị anh Sanh phải mạnh tay hơn nữa chứ không thể ngại vì nghĩ cho đơn vị! Cuối năm nay, nếu như chất lượng công trình không cải thiện thì tôi sẽ chuyển anh đi làm việc khác!”.
Người đứng đầu ngành giao thông cũng giao Thứ trưởng Đông tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn và mục tiêu số 1 là đảm bảo chất lượng, không 'hi sinh chất lượng' để đổi lấy tiến độ!
Đặc biệt, ông Thăng yêu cầu tất cả các nhà thầu chính tại các gói thầu không được thuê thầu phụ thi công các hạng mục chính; Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tải trọng xe, cả trước mắt và lâu dài.
Vũ Điệp

Nhật tạm đình chỉ giải ngân ODA cho VN


Cập nhật: 16:01 GMT - thứ ba, 3 tháng 6, 2014
Nhiều dự án đường sắt ở Việt Nam sử dụng vốn ODA từ Nhật
Nhật Bản nói sẽ chỉ phê duyệt các dự án dùng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) nếu Việt Nam hoàn tất điều tra cáo buộc bê bối tại một dự án đường sắt.
Đại diện chính phủ Nhật Bản đã thông báo cho phía Việt Nam về quyết định này tại một cuộc họp song phương nhằm phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong các dự án sử dụng ODA.
Thông tin trên trang web của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Việt Nam cho biết cuộc họp này đã diễn ra hôm 2/6, với sự chủ trì của Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông và ông Kimihiro Ishikane, Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế của Nhật Bản.
Tuy nhiên, trang Bộ GTVT Việt Nam không nói về quyết định đình chỉ vốn ODA của phía Nhật Bản mà chỉ dẫn lời ông Ishikane nói "để có thể tiếp tục triển khai những dự án ODA và nhận được sự thấu hiểu cũng như sự ủng hộ của người dân cả 2 nước thì cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc vụ việc này".
Trong khi đó, các cơ quan truyền thông Nhật Bản nói Tokyo sẽ đình hoãn việc cho vay ODA giai đoạn 1 của dự án xây dựng đường sắt đô thị số 1.
Hãng tin AFP, dẫn nguồn bộ ngoại giao Nhật Bản, thì cho biết thêm các khoản cho vay mới cũng bị tạm ngừng.
Bản tin của hãng thông tấn AFP cho biết Nhật Bản cũng đã đình chỉ ODA cho Uzbekistan vì vụ việc liên quan JTC, và đang thảo luận với nhà chức trách Indonesia.
Tuy vậy, chính phủ Nhật Bản nói sẽ xem xét nối lại ODA cho Việt Nam tại một cuộc họp khác vào cuối tháng Sáu, dựa trên kết quả điều tra của Việt Nam.
Tokyo yêu cầu Hà Nội điều tra có xảy ra bê bối hay không trong các hợp đồng liên quan Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam
Tại một cuộc họp cuối tháng Sáu, Nhật Bản sẽ xem xét nối lại ODA sau khi xem kết quả điều tra và biện pháp phòng ngừa của Việt Nam, theo báo Japan Times của Nhật.
Hồi đầu tháng Năm, cơ quan cảnh sát điều tra của Việt Nam đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 6 bị can nguyên là các viên chức ngành đường sắt Việt Nam.
Phản ứng của Việt Nam
Đến cuối ngày 3/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lên tiếng nói Nhật Bản sẽ không dừng các dự án ODA đối với Việt Nam.
Trang tin Vietnamnet dẫn lời ông Nguyễn Xuân Tiến, Vụ phó Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nói “đối với các dự án ODA mới, phía Nhật Bản sẽ phê duyệt dựa trên cơ sở phía Việt Nam cam kết thực hiện điều tra và xử lý nghiêm các cá nhân hoặc tập thể liên quan đến nghi án công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đưa hối lộ; xây dựng các biện pháp phòng ngừa phát sinh những vụ việc tương tự”.
Theo đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ xây dựng quy trình thanh tra, kiểm tra các dự án ODA nói chung, đặc biệt là các dự án ODA Nhật Bản, và lấy ý kiến sửa đổi, hoàn thiện các quy định có liên quan.
Trong khi đó, theo thông cáo báo chí của Sứ quán Nhật tại Hà Nội, Nhật sẽ ngưng giải ngân “các hợp đồng bị phát hiện có tiêu cực theo báo cáo của bên thứ ba của Công ty JTC”.
Đối với các dự án mới có liên quan đến Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Nhật Bản sẽ phê duyệt sau khi Việt Nam “1) tiến hành điều tra sự thật liên quan đến vụ việc tiêu cực, 2) Xử lý các cá nhân có liên quan và 3) Thông qua xây dựng các biện pháp phòng ngừa phát sinh những vụ việc tương tự”.
Thông cáo báo chí nói thêm với các dự án mới khác, Nhật Bản sẽ phê duyệt “trên cơ sở phía Việt Nam cam kết sẽ thực hiện các điều tra có liên quan nêu trên và xây dựng các biện pháp phòng ngừa phát sinh vụ việc tương tự”.

Điều tra

"Để có thể tiếp tục triển khai những dự án ODA và nhận được sự thấu hiểu cũng như sự ủng hộ của người dân cả 2 nước thì cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc vụ việc này"."
Ông Kimihiro Ishikane, Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế của Nhật Bản
Vụ việc nổi lên hồi cuối tháng Ba, sau khi báo Nhật Yomiuri Shimbun đưa tin Chủ tịch Tập đoàn Tư vấn Giao thông Nhật Bản (JTC) khai với cơ quan công tố Tokyo việc hối lộ một quan chức Việt Nam 80 triệu yen (tương đương 16 tỷ đồng) để giành dự án có sử dụng vốn ODA trị giá 4,2 tỷ yen.
Đây là một phần trong dự án xây dựng tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội.
Theo báo Nhật, ông chủ tịch tập đoàn khai đã chi tiền lại quả cho các quan chức ở Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan.
Ông này được cho là đã ký vào bản khai. Trước đó ông đã tự nguyện đến làm việc với Văn Phòng Công tố Tokyo hôm thứ Ba ngày 18/3 sau khi Cục thuế Tokyo phát hiện JTC đã chi một khoản không minh bạch trị giá 130 triệu yen.
Trong tổng số 130 triệu yen chi không minh bạch này, 80 triệu yen là chi cho quan chức Việt Nam, còn 30 triệu chi ở Indonesia và 20 triệu chi ở Uzbekistan.
Tất cả đều với mục đích giúp cho JTC giành được hợp đồng các dự án có sử dụng vốn vay ODA của Nhật ở các quốc gia này.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Việt Nam quyết định cho thay Tổng Giám đốc Đường sắt Việt Nam, trong bối cảnh đang có điều tra nghi án nhận hối lộ từ Tập đoàn JTC (Nhật Bản).
Ông Nguyễn Đạt Tường mất chức tổng giám đốc, để chuyển sang làm thành viên chuyên trách Hội đồng Thành viên của Tổng Công ty này.
Quyết định thay ông Nguyễn Đạt Tường đã có trong tháng Năm, nhưng được công bố chính thức hôm 3/6.
Ông Vũ Tá Tùng, nguyên phó tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam, chính thức lên thay vị trí của ông Nguyễn Đạt Tường kể từ ngày 3/6. Ông Tùng cũng đang kiêm chức Tổng Giám đốc Đường sắt Sài Gòn khi có quyết định này.
Bộ Giao thông Vận tải không nói việc ông Nguyễn Đạt Tường mất chức tổng giám đốc là có liên quan tới cuộc điều tra nghi án nhận hối lộ từ Tập đoàn JTC (Nhật Bản).
Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng nói ông Tường là người “đạo đức trong sáng” nhưng “công việc anh làm không tốt nên buộc phải thay”.
“Anh đứng đầu một đơn vị, công việc trì trệ thì anh phải làm việc khác cho phù hợp, lý do chỉ có thế,” Bộ trưởng Thăng cho biết.

Đã xác định danh tính CSGT say rượu, nói tục, rút súng dọa dân

Lãnh đạo Công an tỉnh Lạng Sơn thừa nhận, người trong clip lan truyền trên mạng chính là Đội trưởng Đội CSGT huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

Ông Lê Đình Nhường - Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình - cho biết, ngay sau khi nhận thông tin về một video clip ghi lại cảnh một người mặc sắc phục CSGT có biểu hiện say rượu, chửi mắng, rút súng đe doạ bắn người dân, Công an tỉnh Thái Bình đã tiến hành điều tra làm rõ. Kết quả xác minh cho thấy tại Thái Bình không có CSGT nào có hình dáng, giọng nói và hoàn cảnh xảy ra như trong clip.

Trong khi đó, ông Nông Văn Định - Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn - thừa nhận: Qua xác minh đã có đủ căn cứ khẳng định, chiến sĩ CSGT có hành vi ứng xử không đúng mực trong clip là Thiếu tá Nguyễn Xuân Hoà - Đội trưởng đội CSGT huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

Lãnh đạo Công an tỉnh Lạng Sơn đã xác nhận địa điểm xảy ra sự việc là tại tuyến đường Quốc lộ 4B, đoạn ngã 3 đường đi Cửa khẩu Chi Ma, vào đêm 29.5 vừa qua.

Lúc đó, Thiếu tá Hoà và một chiến sĩ CSGT cùng cấp đi tuần tra và phát hiện có 8 thanh niên ngồi uống nước, để xe máy tràn ra đường. Thiếu ta Hoà đã đến nhắc nhở và yêu cầu giải tán đám đông nhưng những người này vẫn cố tình không chịu ra về.
Hình ảnh CSGT say rượu, rút súng doạ dân gây xôn xao diễn đàn mạng thời gian qua.
Hình ảnh CSGT say rượu, rút súng doạ dân gây xôn xao diễn đàn mạng thời gian qua.

Trong quá trình trao đổi, 2 bên đã có lời đôi co, dẫn đến việc Thiếu tá Hoà có những lời nói, cử chỉ khiếm nhã; rút súng bắn chỉ thiên lên trời mấy phát đạn để thị uy, giải tán đám đông.

Ông Định cho biết, hành vi không đúng mực của ông Hòa đã gây ảnh hưởng đến hình ảnh người chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ, nhất là tại một tỉnh vùng biên như Lạng Sơn. “Chúng tôi đang làm rõ mức độ sai phạm của Thiếu tá Hoà để xử lý thật nghiêm theo quy định” - ông Định cho hay.

Theo đó, Lãnh đạo Công an tỉnh Lạng Sơn đã giao Trưởng Công an huyện Lộc Bình tiến hành làm rõ sự việc, yêu cầu Thiếu tá Hoà làm bản giải trình sự việc, báo lên lãnh đạo công an tỉnh để ra quyết định xử lý trong thời gian sớm nhất.

“Lạng Sơn là địa bàn giáp ranh với Trung Quốc, có đường biên dài và nhiều cửa khẩu. Việc đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân là trách nhiệm không thể tách rời của lực lượng công an. Vụ việc xảy ra đối với chiến sĩ CSGT cũng là để thực hiện nhiệm vụ đó, tuy nhiên cách ứng xử không đúng mực của người làm nhiệm vụ như Thiếu tá Hoà sẽ được chúng tôi xử lý nghiêm” - ông Định phân trần.

Như đã thông tin, những ngày gần đây trên diễn đàn mạng có xuất hiện một clip ngắn có tựa đề: “CSGT say rượu, chửi bậy, cầm súng dọa bắn người dân”. Đoạn clip có độ dài khoảng 3 phút ghi lại hình ảnh một người đàn ông mặc sắc phục CSGT đe doạ người thanh niên có dấu hiệu vi phạm lỗi. Khi người thanh niên xin tha thì vị cảnh sát lên tiếng chửi bậy và rút súng hướng về phía thanh niên kia để doạ bắn.

2 tháng 6, 2014

Chi 10.000 tỷ xây nhà hát:Vẽ dự án viển vông để..xà xẻo?

BTTD: Cũng như siêu dự án "Viết lại sách giáo khoa" hết  34 000 tỷ vnd của Bộ Giáo Dục, họ vẽ ra dự án để  đục khoét tiền thuế của dân.
(Sự kiện) - "Đừng nên dồn ép bắt người dân tiếp nhận những giá trị văn hóa quá cao siêu, bằng một công thức viển vông, thiếu thực tế".
Đó là nhận định của TS Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông – một chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu giao thông của nhiều quốc gia trên thế giới, trước đề án chi hơn 10 ngàn tỷ đồng để xây mới và trùng tu hệ thống nhà hát trên cả nước.
Đừng làm cho cái 'sự ế' tăng thêm
PV:-  Bộ VHTT&DL vừa đưa ra đề án đầu tư xây mới và trùng đại tu lại 71 nhà hát trên cả nước với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 10 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, thực tế hiện nay, các sân khấu nhà hát không thể sáng đèn hàng đêm vì không có khan giả. Ông đánh giá tính thực tế của đề án này như thế nào, thưa ông?
TS Nguyễn Xuân Thủy: - Theo tôi đây cũng là một ý tưởng tốt, vì nó tạo ra trung tâm văn hóa cho các địa phương trên cả nước, tăng thêm nhịp độ phát triển và thưởng thức văn hóa của người dân.
Tuy nhiên, ở đây phải nhìn thấy rằng, nhìn vào thực tế hiện nay, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, hầu hết là văn hóa gia đình, tức là sử dụng Internet, sử dụng vô tuyến, đài phát thanh - truyền hình. Do các phương tiện thông tin đại chúng quá phong phú, chương trình dày đặc, mỗi loại lại có sự hấp dẫn riêng của nó, nên tạo cho người dân có thói quen, ít đi đến các nhà hát, kể cả rạp chiếu phim để thưởng thức văn hóa.
Vì vậy, nên xem xét lại mức độ cần thiết của dự án này. Tôi thiết nghĩ, tùy từng địa phương, tùy nơi để đầu tư, ví dụ tỉnh nào đó, vùng sâu vùng xa, nhân dân ít có các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, Internet thì trên cơ sở nhu cầu của người dân mà xây dựng đề án.
Có thể là Tuyên Quang, Cao Bằng nếu nhân dân cần xem phim, xem hát thì hãy xây dựng. Còn những nơi như HN, TPHCM nếu thấy đã đủ nhà hát, nhà văn hóa rồi thì theo tôi không cần xây thêm nữa.
Ngay như Nhà hát lớn Hà Nội cũng là một nhà hát có tiếng và thu hút được nhiều người, nhưng không phải lúc nào cũng sáng đèn, rồi Nhà hát cải lương, Nhà hát Tuổi trẻ, cùng một số trung tâm văn hóa khác, tôi thấy bằng đó cũng đã đủ để sử dụng thì không nên xây dựng thêm nữa.
Tức việc xây dựng nhà văn hóa phải tiệm cận với nhu cầu thực tế, chứ không phải xây dựng nhiều nhà văn hóa ở khắp cả nước, kể cả vùng cao, vùng xa, xây xong thì để không, dĩ nhiên như vậy thì sẽ gây lãng phí.
TS Nguyễn Xuân Thủy.
TS Nguyễn Xuân Thủy.
Nên phải xem người dân thích loại hình văn hóa nào, chứ không phải xây dựng tràn lan. Nói tóm lại, nên rà soát lại cái gì cần làm và có sự thăm dò ý kiến của người dân, khảo sát, đánh giá, thống kê, từ đó rút ra nơi nào thật cần thiết phải xây.
PV:- Còn nhớ, Thái Nguyên cũng có tới 4 nhà hát mà bỏ hoang cả bốn, rồi các nhà văn hóa xã hiện nay xây ra cũng chỉ để tiếp khách và tổ chức hội nghị, thậm chí để tổ chức đám cưới.
Giờ đây, chúng ta lại chi hơn 10 ngàn tỉ đồng để nâng cấp, trùng tu, xây mới có phải vì chúng ta dự đoán nhu cầu hưởng thụ văn hóa nhà hát của dân sẽ tăng vọt nên phải đón đầu đáp ứng?
TS Nguyễn Xuân Thủy: - Tôi cho rằng dự báo như vậy là thiếu thực tế, khoa học, các nhà hát đang xây dựng, thừa ế ra tại Thái Nguyên, thậm chí Hà Nội, Tp.HCM, Cần Thơ... tại sao lại làm cho "sự ế" đó tăng thêm?
Còn nhu cầu của người dân có tăng lên hay không thì phải nhìn vào thực tế công suất sử dụng hiệu quả. Nếu những nơi đang thừa ế mà lại kêu là sắp tăng lên thì tôi lại thấy nó giống như là các Trung tâm thương mại, xây dựng thêm rồi lại để không như Cửa Nam, Hàng Da rồi hàng trăm khu trung tâm thương mại khác khắp cả nước, xây dựng xong không ai đến.
Nhà hát cũng vậy, nếu không tính toán kỹ, dự báo thì phải trên cơ sở khảo sát, trên cơ sở thăm dò ý kiến của dân, thống kê trực tiếp nhìn nhận nhu cầu của người dân mà đầu tư xây dựng.
Việc dự báo cũng phải nhìn khả năng truyền tải nghệ thuật đến đâu, chúng ta có bao nhiêu đoàn văn công, khả năng văn hóa quần chúng như thế nào, mức độ hưởng thụ của người dân như thế nào?
Tôi lấy ví dụ như một nhà hát ở Bắc Ninh, thì nó có đoàn văn công, đoàn quan họ Bắc Ninh có khả năng thu hút người xem, 1 tuần bao nhiêu lần, dựa trên đó mà hãy xây dựng cái cơ sở văn hóa tương xứng với nhu cầu. Chứ có tỉnh không có đoàn văn công nào, thậm chí hàng tháng không biểu diễn lần nào thì xây nhà hát làm gì, khi nó không có tác dụng, thậm chí vô ích.
Nhà quản lý đang mơ mộng với văn hóa cao siêu
PV:- Hiện chúng ta đã có 71 nhà hát. Việc xây thêm như vậy chẳng lẽ phải hiểu là cách Bộ văn hóa muốn phổ biến nhà hát theo đầu dân theo kiểu “tính cua trong lỗ”? Nếu không như vậy, theo dự đoán của ông, lý do thực khiến Bộ đưa ra đề án này là gì?
TS Nguyễn Xuân Thủy: - Đúng là Bộ văn hóa đang có ý định tính toán theo đầu dân, nhưng thiết nghĩ, đừng có tính theo kiểu bao nhiêu đầu dân thì có 1 nhà văn hóa, như vậy mới là có văn hóa mà phải trên cơ sở thực tế là người dân có nhu cầu, nhu cầu đó được nghiên cứu cẩn thận, một cách khoa học thì hãy xây dựng.
Tại sao các nhà quản lý, không nhìn vào các nhà văn hóa tại địa phương hiện nay, mà lấy làm kinh nghiệm, cứ nghĩ mỗi xã có một nhà văn hóa thì người dân sẽ đến đó hưởng thụ văn hóa, nhưng thực tế không phải như vậy. Nhiều nhà văn hóa hiện nay đều phòng không, nhà trống, không được sử dụng, gây lãng phí bao nhiêu tỷ đồng, số tiền đó có thể dùng làm nhiều việc có ích, tốt hơn. 
Tiền đó có thể sử dụng mua những phương tiện thông tin cho hộ dân nghèo, tỷ lệ hộ dân không có vô tuyến hiện nay trên cả nước cũng không ít, hơn 20%, có phải 15-17 triệu người không có vô tuyến. Sao không tích tiền đó, để mua vô tuyến tặng cho những gia đình không có vô tuyến, như vậy ta sẽ truyền bá được những tư tưởng, văn hóa đến từng gia đình, người dân được hưởng thụ văn hóa một cách hợp lý và thuận lợi hàng ngày, hàng giờ, chứ không phải đến tận nhà hát.
Còn ý tưởng của Bộ văn hóa là tốt, phải có nhà hát, ở các nước có opera, có giao hưởng, nhạc cổ điển, nhưng nước ta trình độ dân trí chưa đến mức cảm thụ được. Ví dụ ở Nga, có nhà hát Bolshoi, có những vở kịch, vở opera cực kì hay, nhưng người xem được những chương trình đó mới đủ trình độ văn hóa, ngang tầm với thời đại.
Nhưng đó là do trình độ văn hóa nước họ cao như vậy cho nên nước mình kể cả biểu diễn múa ba lê đã có mấy người xem vì trình độ dân trí của ta chậm hơn các nước khác ít nhất cũng nửa thế kỷ, ta phải công nhận, thực tế chúng ta trải qua bao nhiêu năm chiến tranh, đời sống nhân dân khó khăn, đô hộ bao nhiêu năm, nên không thể có trình độ nhận thức nhanh như các nước khác.
Vì vậy việc xây dựng nhà hát phải trên cơ sở trình độ dân trí hiện tại, dự báo trong tương lai, chứ không rất lãng phí, chứ đừng nên dồn ép bắt người dân tiếp nhận những giá trị văn hóa quá cao siêu, bằng một công thức viển vông, thiếu thực tế.
Hiện nay, Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Nhật bình quân mỗi năm người ta có khoảng 15-20 đầu sách/người dân, trong khi nước mình có 3,5 đầu sách/người dân. Tại sao ta không tập trung phát triển mạnh cái xuất bản, báo chí, có trung tâm thư viện lớn, thu hút người dân đến đọc sách/báo, theo tôi nó thực tế hơn, nâng cao dân trí nhanh hơn.
Còn nếu cứ làm theo nghị quyết của Quốc hội, của các cấp, mỗi tỉnh có bao nhiêu nhà văn hóa, nhà hát thì mới tương ứng với tiêu chuẩn xã văn hóa, tỉnh văn hóa, trên cơ sở những tính toán viển vông như vậy nên họ mới đưa ra những dự án rất tốn tiền.
Có nghĩa chúng ta cũng đã cầu thị, học hỏi, làm theo nước ngoài nhưng áp dụng không nhuần nhuyễn, hợp lý, cho nên không tạo ra hiệu quả, đồng tiền không đúng chỗ đúng nơi, không có trọng tâm nên người dân không được hưởng thụ thực chất.
PV:- Chúng ta đã có những bài học về chuyện lãng phí những công trình xây dựng phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long như Bảo tàng Hà Nội, rạp Đại Nam. Bài học kinh nghiệm rút ra lẽ ra phải là gì? Sự chậm tiếp thu của các người làm văn hóa bắt nguồn từ những lý do nào?
TS Nguyễn Xuân Thủy: - Tôi cũng đã từng có dự báo, viết tâm thư gửi cho Hà Nội, trước khi xây dựng các công trình kỉ niệm 1000 năm Thăng Long, nghi ngờ những công trình xây dựng này có đảm bảo được chất lượng hay không?
Những dự báo của tôi chính xác 90 đến 100%, tôi có dự báo nhiều tuyến không đảm bảo trong đó có tuyến Đại lộ Thăng Long, tiến độ xây chậm, hỏng, rồi hàng loạt công trình khác trong đó có Bảo tàng Hà Nội. Những công trình xây dựng không đúng trọng tâm, không đúng nhu cầu xã hội thì nó gây lãng phí hàng trăm nghìn tỷ chứ không phải hàng chục nghìn tỷ. Vì vậy, theo tôi đó là bài học cảnh báo cho những cơ quan chức năng, trong khi dự toán, dự báo, chiến lược phát triển, quy hoạch phải trên cơ sở thực tiễn và tính khoa học khi tính toán.
Trên cơ sở như Bác Hồ từng nói: "Nơi nào dân cần thì chúng ta làm, dân không cần thì chúng ta không làm". Các nhà lãnh đạo cũng phải nắm rõ để tránh lãng phí, nhà hát không cần thiết thì không nên triển khai, tránh lãng phí.
Rạp Đại Nam cho thuê tổ chức đám cưới
Rạp Đại Nam cho thuê tổ chức đám cưới
Còn câu chuyện tại sao Bộ văn hóa chậm tiếp thu nghĩ nhanh, tôi thấy có mấy nguyên nhân:
Thứ nhất, cán bộ tham mưu, đội ngũ công chức quá yếu, các cấp từ vụ trưởng trở xuống không có khả năng tham mưu tốt cho các cấp lãnh đạo, cấp Bộ, bởi vì ta hay lấy con ông cháu cha vào, rồi những người giỏi thì ra ngoài cơ sở kinh doanh, yếu thì vào công sở với đồng lương ít, để sáng cắp ô đến, tối cắp ô về.Tầm nhìn, chiến lược yếu kém, viết đề án thì viết theo lý thuyết, ngồi trong phòng lạnh, làm không hết trách nhiệm, không đi thực tế xô xát, không đi điều tra thì làm sao đúng thực tế.
Thứ hai, phương án đề ra đã sai từ đầu, lãnh đạo cơ quan chức năng nên xem lại cách nhìn nhận. Bộ trưởng Bộ văn hóa, Bộ GTVT trước khi đưa xuống các đề án để tham mưu thực hiện thì phải biết được ý nghĩa thực tiễn của nó như thế nào.
Thứ ba, trong thực tiễn của nước ta, người dân hay dư luận, lãnh đạo cứ vẽ các đề án ra để có thành tích báo cáo, vẽ ra để có điều kiện cho những kẻ tham nhũng có cơ hội trục lợi, dự án nào chả có tham nhũng, lãng phí, nên hầu hết là do các anh tham mưu cứ vẽ đề án ra để cấu xé với nhau, trong đó có cả tài chính, có cả ngân hàng, nhà thầu.
Công chức cắp ô tính cua trong lỗ
PV:- Dường như đang có sự lệch pha giữa tình hình thực tế và chiến lược dài hơi được những nhà quản lý vạch ra. Theo ông, sự lệch pha này có nguồn gốc từ đâu, do những nhà quản lý “tính cua trong lỗ” hay do bệnh thành tích?
TS Nguyễn Xuân Thủy: - Hoàn toàn đúng! Tôi lấy ví dụ, việc đưa ra đường sắt cao tốc Bắc - Nam, rất buồn cười, một đất nước nghèo nàn mà lại muốn xây dựng một tuyến đường mà trên thế giới không phải nước nào cũng xây dựng. Thế thì rõ ràng giữa cái chiến lược và yêu cầu thực tế cách xa nhau nên Quốc hội không thông qua.
Để thấy hàng ngày cái lãng phí lớn hơn cái tham nhũng rất nhiều, 1 cảng biển xây dựng lên để không, đường cao tốc xe ít chạy, hàng hóa không đi qua, không thu hút đầu tư...đó là bài học thực tế. Đường HCM là một ví dụ dài gần 1500km, tiêu tốn 70 đên 80 nghìn tỷ nhưng xe đi qua rất ít, mà trong GTVT xe qua lại ít thì lại lỗ, thế là lại vứt tiền qua cửa sổ.
Cả chuyện xây dựng nhà hát cũng vậy, đó là chiến lược xây dựng trên lý thuyết, trên tầm vĩ mô quá xa và tầm nhìn không hợp lý, vì vậy gây lãng phí quá lớn cho nhà nước. Trong khi bao nhiêu cầu treo của người dân bị hư hỏng, bao nhiêu con đường đi miền núi không xây dựng, xảy ra tai nạn, đi lại khó khăn. Sao không đầu tư giúp người dân nâng cao văn hóa bằng những việc làm thiết thực.
Nguyên nhân chính tôi nghĩ là do cán bộ tham mưu, nhà lãnh đạo cơ quan chức năng tầm nhìn chiến lược phát triển không phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước, cái đó đòi hỏi các nhà quy hoạch có nhiều kinh nghiệm, thì mới quy hoạch có những phương án, đầu tư sát thực tế.
Thứ 2, chạy theo thành tích, nghị quyết của TƯ, địa phương đặt ra mỗi tỉnh phải có đường này, đường kia, nhà văn hóa cấp này, cấp nọ mà làm bao nhiêu tiền thì nhà nước lại rót xuống.
Thứ 3, trong khi thực hiện có yếu tố ích kỷ, có yếu tố cá nhân, vừa có thành tích, vừa có điều kiện xè xẻo ở mức độ nào đó, để cải thiện nâng cao đời sống.
PV:- Thời gian gần đây, các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa đưa ra nhiều kế hoạch phát triển văn hóa dựa trên việc xây dựng cơ sở hạ tầng như việc quy hoạch nhà hát hay quy hoạch điện ảnh. Là một người làm nghề, ông bình luận thế nào về phương cách phát triển bằng xây dựng này của Bộ Văn hóa, thưa ông?
TS Nguyễn Xuân Thủy: - Theo tôi, văn hóa hay ngành nào cũng cần có cơ sở hạ tầng, thì mới có thể phát triển, nhưng hạ tầng cần phụ thuộc trình độ, nhu cầu, khả năng tiếp thu và điều kiện thực tiễn của đất nước.
Như xây dựng trường quay Cổ Loa, tại sao không nắm bắt yêu cầu của các nhà quay phim, đóng phim, khả năng 1 năm đóng bao nhiêu bộ phim, chất lượng thế nào, chiếu ra có người xem không thì hãy xây dựng.
Hay đến nhà văn hóa thì yêu cầu dân đến đâu xây đến đó, nhà hát cũng vậy, việc nêu ra không phù hợp thực tiễn, nên hạ tầng gây lãng phí thêm, nếu đầu tư đúng chỗ thì sẽ khác.
  • Thanh Huyền (Thực hiện)

Báo Nga khẳng định chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa


Báo Nga khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa

Ngày 1/6, tờ Gazeta.ru, một trong 3 báo điện tử tư nhân lớn nhất ở Nga với lượng truy cập trung bình 3 triệu lượt/ngày có bài viết: “Việt Nam sẽ không bao giờ chấp nhận” của nhà báo Vladimir Koryagin.

Tác giả đã đưa ra một số chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, bác bỏ yêu sách chủ quyền phi căn cứ của Trung Quốc và cung cấp cho đọc giả thông tin khái quát về diễn biến tranh chấp xung quanh quần đảo này. PV chúng tôi tại Liên bang Nga giới thiệu nội dung bài viết:
400 năm không có Trung Quốc

Trong thế kỷ 20, Biển Đông trở thành một trong những điểm nóng tiềm tàng mà xung đột có thể dẫn đến chiến tranh thế giới thứ ba. Tuy nhiên lịch sử xung đột xung quanh các vùng lãnh thổ tranh chấp nằm trên Biển Đông đã có lịch sử ít nhất vài thế kỷ. Về cơ bản, các nước trong diện tranh chấp đều đưa ra các bản đồ cổ làm bằng chứng nhằm khẳng định chủ quyền đối với một hoặc một vài hòn đảo.

Quần đảo Hoàng Sa cùng với quần đảo Trường Sa lần đầu tiên được nhắc đến vào thế kỷ thứ 17 trong “Tuyển tập bản đồ chỉ dẫn các con đường dẫn xuống đất phía Nam” của Việt Nam dưới tên có nghĩa là “Cát vàng."
Theo các tài liệu lịch sử, vào năm 1721 Việt Nam đã thành lập Cơ quan hành chính “Hoàng Sa” (Hoàng Sa là tên gọi bằng tiếng Việt của Paracel) nhằm khai thác tập trung các hòn đảo ở biển Đông, cũng như trang bị các tàu để tiến ra các đảo này.
Trong khi đó, trong các tàng thư và tài liệu của Trung Quốc thời đó, kể cả trong “Đại sử ký nhà Thanh” đều không nhắc đến hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Hoàng Sa cũng chỉ được một số ít các nhà đi biển người Pháp và Hà Lan nhắc đến, những người may mắn vượt qua Biển Đông thành công và đến được Việt Nam. Họ cũng viết rằng chính người Việt Nam đã thu được một số lượng lớn súng đạn và các đồ vật có giá trị khác từ những con tàu bị đắm khi đi qua các quần đảo này. Người Việt Nam thậm chí còn xây dựng một hạm đội quy mô nhỏ nhằm kiểm soát các tàu của nước ngoài đánh bắt cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Đến đầu thế kỷ 19, vua Gia Long là vị vua đầu tiên của Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong thời gian này nhiều bản đồ các loại đã được xuất bản, trong đó Hoàng Sa được biểu thị là lãnh thổ của Việt Nam.

Năm 1838 nhà truyền giáo Công giáo Pháp Joan-Luis-Taberu đã xuất bản cuốn "Dictionarium Latino-Annamiticum completum et novo ordine dispositum (tạm dịch là cuốn từ điển tiếng Việt-Latinh). Trong đó quần đảo Hoàng Sa được định nghĩa là "Paracel seu Cát vàng." Tiếp sau đó, nhà địa lý Hà Lan Villem Blau chính thức đặt tên cho đảo này bằng tiếng châu Âu là “Pracel.” Về sau này do sự mai một của thời gian và các nhà đi biển người Pháp truyền khẩu không chính xác nên “Pracel” đã bị gọi trệch đi thành “Le Paracel.”

Cuối thế kỷ 19 tại khu vực quần đảo Hoàng Sa có 2 tàu chở đồng của Anh bị đắm. Người dân đảo Hải Nam của Trung Quốc trục vớt được và chiếm giữ hàng hoá trên tàu khiến chính quyền Anh hết sức bất bình. Khi đó Trung Quốc trả lời chính quyền Anh rằng quần đảo Hoàng Sa không phải là lãnh thổ của Trung Quốc, vì vậy chính quyền nước này không chịu trách nhiệm trước bất cứ sự việc gì xảy ra ở đây.

Báo Nga khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa (1)
(Ảnh chụp từ trang web)

Bành trướng trỗi dậy

Hiện trạng ở quần đảo Hoàng Sa lẽ ra được giữ nguyên dưới thời Pháp thuộc nếu như không có sự đối đầu Anh-Pháp và kéo theo sự ủng hộ tương ứng của Trung Quốc và Việt Nam. Năm 1933 cuốn “Bản đồ quản lý hành chính mới của Trung Quốc” ra đời, trên đó Trường Sa và Hoàng Sa được người Trung Quốc gọi theo tiếng Hán là “Nam Sa và Tây Sa” trực thuộc quản lý hành chính của tỉnh Quảng Đông. 

Dưới tác động của bối cảnh mới này chính quyền đô hộ Pháp đã áp dụng một số biện pháp: Khâm sứ Pháp tại Đông Dương Jules Brevie đã ra lệnh thành lập cơ quan hành chính quản lý quần đảo Hoàng Sa và cho dựng trên quần đảo một tấm bia có dòng chữ “Cộng hòa Pháp-Vương quốc Annam - quần đảo Hoàng Sa, 1816." Cũng trong khoảng thời gian đó, Nhật tích cực hoạt động, đánh chiếm đầu tiên là Trường Sa sau đó là Hoàng Sa vào đầu thế chiến thứ hai.

Năm 1946, người Pháp và Việt Nam tiến ra quần đảo Hoàng Sa để giải giáp quân Nhật đang đồn trú tại đây, tuy nhiên bị quân đội Trung Quốc ngăn cản. Trong vòng 1 ngày, Quân đội Trung Quốc đã củng cố vững chắc lực lượng trên quần đảo và năm 1947 Tưởng Giới Thạch ban bố một quyết định, theo đó Trường Sa và Hoàng Sa chính thức mang tên gọi của Trung Quốc và thuộc thành phần lãnh thổ Trung Quốc. Lúc đó Bắc Kinh phớt lờ sự phản đối từ phía chính phủ Việt Nam và Pháp.
Khi Tưởng Giới Thạch và thân cận trong Quốc Dân Đảng bỏ chạy sang Đài Loan thì toàn bộ các đơn vị đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa cũng rút theo. Tuy nhiên, Mao Trạch Đông lên nắm quyền tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này. Cùng thời điểm này Nhật Bản chính thức tuyên bố từ bỏ quyền và yêu sách đối với cả 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Điều này được ghi nhận trong Hiệp ước hòa bình San-Francisco 1951.
Năm 1956 Viễn chinh Pháp rút hoàn toàn khỏi lãnh thổ Việt nam và kể từ thời điểm này Việt Nam, vốn bị chia cắt làm 2 miền phải độc lập chống lại chính sách bành trướng của Trung Quốc. Cũng trong năm 1956 Trung Quốc đánh chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa còn Việt Nam chiếm giữ một phần, nơi trước đây quân đội Pháp kiểm soát.

Sự căng thẳng tình hình tiếp theo xảy ra vào năm 1959, khi Trung Quốc đưa 80 lính và vật liệu xây dựng lên quần đảo xây nhà kiên cố và sau đó dựng cờ Trung Quốc. Các đơn vị biên phòng miền Nam Việt Nam ngay lập tức có mặt tại các hòn đảo và bắt giữ toàn bộ người trên đó. Bắc Kinh chỉ thể hiện sự phẫn nộ bằng cách ra công hàm phản đối ở cấp Bộ Ngoại giao vì lo ngại phải chạm trán với quân đội Mỹ đến giúp đỡ chính quyền miền Nam Việt Nam. 

Năm 1964 Mỹ đẩy mạnh can thiệp vào Việt Nam bằng cách hậu thuẫn chính quyền miền Nam.

Trung Quốc đã không thể lợi dụng sự thất bại của Mỹ trong chiến tranh Việt nam vào mục đích của mình và từ năm 1971 bắt đầu bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Việc này cho phép Trung Quốc hợp pháp hóa yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa.
Năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ các hòn đảo. Thời điểm đó Mỹ đang bận chuẩn bị ký Hiệp định hoà bình với Việt Nam, đồng thời rút toàn bộ quân ra khỏi các vùng cứ điểm ở miền Nam Việt Nam. Trong khi đó, chính quyền miền Bắc Việt Nam cũng đang tập trung toàn bộ lực lượng để tiến hành chiến dịch lịch sử giải phóng Sài Gòn.
Trung Quốc đánh chiếm được Hoàng Sa một mặt do chính quyền miền Nam Việt Nam không còn nhận được sự hẫu thuẫn của Mỹ nên rất yếu và Mỹ-Trung không còn là đối thủ của nhau. Mặt khác chính quyền miền Bắc Việt Nam còn đang lo nhiệm vụ thống nhất đất nước nên chưa thể nêu yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa. Như vậy, việc Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa được xem như sự đã rồi, để từ đây Trung Quốc bắt đầu hướng bành trướng xuống quần đảo Trường Sa.

Theo Cao Cường
Moskva /Vietnam+