Trang

19 tháng 5, 2014

Tràn lan phân bón, thức ăn chăn nuôi giả


Tràn lan phân bón, thức ăn chăn nuôi giả

Đó là thông tin được thanh tra Sở NN&PTNT các tỉnh đưa ra tại Hội nghị Tổng kết thanh tra năm 2013 và triển khai thanh tra diện rộng năm 2014 các tỉnh phía Nam ngày 19/5.

Đại diện Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết các sản phẩm vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y giả, kém chất lượng ngày càng khó kiểm soát. Có trường hợp phân bón được nhập từ cảng đưa về nhưng trên đường đi tài xế lại tráo hàng thật bằng hàng giả.
Cũng theo thanh tra các sở, có khá nhiều trường hợp doanh nghiệp ghi địa chỉ “ma”. Cụ thể bán hàng ở tỉnh Long An thì ghi địa chỉ công ty ở Bến Tre nhưng bán ở Bến Tre lại ghi nơi sản xuất ở tận Đắk Lắk. Đến khi thanh tra gửi công văn đến các địa chỉ doanh nghiệp có hàng giả, kém chất lượng đều báo không có thực, tìm không ra hoặc doanh nghiệp đã giải thể nên rất khó xử lý. Một nguyên nhân khác khiến tình trạng hàng giả, kém chất lượng hoành hành là do lực lượng thanh tra quá mỏng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết chính một số văn bản Nhà nước có liên quan, nghị định xử lý vi phạm còn nhiều điểm bất cập chồng chéo gây khó khăn cho công tác thực thi. Vì vậy trong năm 2014, ngành sẽ triển khai thanh tra trên diện rộng để các cơ quan thanh tra các sở liên kết với nhau cùng kiểm tra, xử lý tận gốc. 
Ngoài việc tăng hình thức xử phạt hành chính hay hình sự thì các tỉnh phải công khai tên các doanh nghiệp vi phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí. Đồng thời thanh tra các sở cần góp ý phản ánh những vướng mắc để hoàn thiện khung pháp lý bắt buộc cho từng loại sản phẩm để kiểm soát chặt chẽ.
Theo Quang Huy
Pháp luật TPHCM

Bong bóng tài chính TQ đe dọa thế giới


Kinh tế Trung Quốc hiện lệ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu
Kinh tế Trung Quốc hiện lệ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF đã đưa ra lời cảnh báo đối với tình hình cho vay cá nhân của Bắc Kinh khi cho biết hệ thống tài chính nước này đang ngày càng dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết.

Tham gia cuộc khảo sát thực hiện trong tháng 3/2014 của thông tấn xã AP, 30 nhà kinh tế cho biết, một quả bóng tín dụng đang ngày một căng phồng đe dọa đến sự tăng trưởng của thế giới, trừ phi Bắc Kinh đưa ra những giải pháp cứu nguy kịp thời, trong đó bao gồm việc điều chỉnh cách vận hành nền kinh tế hiện nay.
Nguồn gốc của mối lo âu bắt đầu từ chính sách tín dụng không giới hạn của các ngân hàng Trung Quốc kể từ khi được chính phủ khuyến khích cho vay trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 nhằm tăng cường phát triển kinh tế. Hầu hết các ngân hàng quốc doanh lớn nhỏ của nước này đều cấp tín dụng xây nhà, cơ sở hạ tầng đường sắt và cao ốc văn phòng, nhưng phần lớn số tiền cho vay đều đổ vào túi các quan chức địa phương hơn là đáp ứng các nhu cầu kinh doanh thực sự.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF đã đưa ra lời cảnh báo đối với tình hình cho vay cá nhân của Bắc Kinh khi cho biết hệ thống tài chính nước này đang ngày càng dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết, đặc biệt khi hệ thống cho vay “không lành mạnh” đã bằng 1/4 GDP cả nước. Ngoài ra, trong năm năm qua, tình hình nợ vay bằng thẻ tín dụng đã tăng từ 130% (2008) lên 200% (2013), gian lận trong việc cho vay giữa ngân hàng và chính quyền địa phương đã góp phần tạo nên quả bóng tài chính hiện tại, khiến giá cả nhà đất tại Trung Quốc đội lên gấp đôi.
Nếu những gì đã từng xảy ra tại Mỹ năm 2007 được xem là kịch bản chuẩn, thì trong tương lai gần, một khi có quá ít người hoặc doanh nghiệp sẵn sàng mua bất động sản tại Trung Quốc vì giá quá cao, giá cả tự động sẽ sụt xuống dẫn đến tình trạng đổ nợ hàng loạt của các chủ dự án. Theo đó, các ngân hàng sẽ phải hạn chế cho vay, dẫn đến kinh tế tăng trưởng chậm.
Lúc đó, chính quyền Bắc Kinh buộc phải nhảy vào hỗ trợ các ngân hàng hay công ty quốc doanh bằng các gói viện trợ kinh tế, dẫn đến khả năng lạm phát tăng cao, niềm tin người tiêu dùng sa sút và giới đầu tư nước ngoài rút lui. Kết quả là Trung Quốc sẽ trải qua một giai đoạn tăng trưởng chậm hơn bao giờ hết và thế giới cũng sẽ chịu ảnh hưởng, đầu tiên phải kể đến những quốc gia xuất khẩu nguyên liệu thô vào Trung Quốc bao gồm Canada, Brazil, Indonesia và Úc.
Trong ba tháng đầu năm nay, GDP Trung Quốc tăng ở mức 7,4%, dù cao hơn rất nhiều so với các nền kinh tế phát triển như Mỹ hay châu Âu, nhưng lại rất thấp so với tốc độ tăng trưởng hai con số của thập niên trước và thấp hơn so với 7,7% của quý IV năm ngoái.
Theo IMF, những cải cách mà Bắc Kinh cần thực hiện bao gồm cải tổ hệ thống tài chính, tăng cường tính độc lập, minh bạch trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng bằng cách tư nhân hóa các doanh nghiệp, ngân hàng quốc doanh, tăng trưởng kinh tế dựa vào thị trường tiêu dùng nội địa (hiện ở mức 55% so với con số 70% ở Mỹ), giảm lệ thuộc vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu.
Theo B.Trịnh
Doanh nhân Sài Gòn

“4 sai lầm chiến lược của TQ trên biển Đông”


Bước leo thang mới nhất của Trung Quốc cho thấy một tính toán sai nghiêm trọng của nước này..Chiều nay, giá vàng lại tăng mạnh


“4 sai lầm chiến lược của Trung Quốc trên biển Đông”
Vào ngày 1/5, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Để hậu thuẫn và bảo vệ giàn khoan này, Trung Quốc cử 80 tàu, và con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên - Ảnh: Nguyễn Đông.
In
Tờ The National Interest của Mỹ vừa có một bài viết phân tích kỹ lưỡng 4 sai lầm lớn về mặt chiến lược của Trung Quốc trên biển Đông.

Vào ngày 1/5, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Để hậu thuẫn và bảo vệ giàn khoan này, Trung Quốc cử 80 tàu, và con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên. 

Bài viết nhận định, động thái trên cho thấy những bước leo thang mới và nguy hiểm của Trung Quốc.

Từ năm 2007 tới nay, Bắc Kinh đã có những hành động ngày càng cứng rắn và gây hấn nhằm bảo vệ các tham vọng lãnh thổ của mình trên biển Đông. Trung Quốc đã tấn công và bắt giữ nhiều ngư dân nước ngoài hoạt động trên các ngư trường truyền thống trên vùng biển này. Các công ty dầu lửa bị Trung Quốc gây áp lực phải rút khỏi các hợp đồng với các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông vì sợ bị Bắc Kinh trả đũa.

Vào năm 2009, Trung Quốc đưa ra cái gọi là “đường chín đoạn”, tuyên bố chủ quyền đối với 80% biển Đông. Tiếp theo động thái này là lời khẳng định của Bắc Kinh vào năm 2010 rằng, biển Đông là một trong những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. 

Năm 2012, Trung Quốc thành lập “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Một đơn vị đồn trú mới được thành lập và đóng quân trên hòn đảo này. Trong giai đoạn này, năng lực quân sự của Trung Quốc được cải thiện mạnh, và giờ đây, Trung Quốc có khả năng thách thức nước Mỹ cả trên không lẫn trên biển.

Tuy nhiên, The National Interest đánh giá, bước leo thang mới nhất của Trung Quốc cho thấy một tính toán sai lầm nghiêm trọng của các nhà hoạch định chính sách nước này. Bài báo cho rằng, Bắc Kinh đã có 4 sai lầm chiến lược trên biển Đông.

Thứ nhất, những gì đang diễn ra khiến Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài cách phản ứng cứng rắn và quyết tâm.

Điều 56 của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) quy định, một quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với mục đích về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Bởi vậy, không có một cách lý giải nào về quy định của UNCLOS có thể biện minh cho việc Trung Quốc khoan tìm dầu ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Động thái mới nhất của Trung Quốc đã vượt quá giới hạn mà các nhà lãnh đạo Việt Nam đặt ra. Bởi vậy, Việt Nam đã có phản ứng quyết liệt.

Vụ việc đã đẩy hai nước Việt Nam và Trung Quốc ngày càng cách xa và Việt Nam buộc phải tăng cường quan hệ an ninh với các cường quốc khác, chẳng hạn Mỹ. Nếu Việt Nam tính chuyện mở cửa cảng Cam Ranh cho hải quân Mỹ hiện diện ở đây, Washington chắc chắn sẽ khó lòng từ chối cơ hội này.

Thứ hai, hành động của Trung Quốc vi phạm các quy định trong Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) đồng thời làm gia tăng sự hoài nghi của các nước trong khu vực về ý đồ thực sự của Bắc Kinh. 

Ngoài Việt Nam, Philippines, Singapore và Malaysia cũng đang ngày càng lo ngại về hành vi của Trung Quốc trong khu vực. Indonesia trước đây duy trì quan điểm trung lập trong tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông, đến nay đã thay đổi lập trường vì lo ngại tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông sẽ ảnh hưởng tới các quyền của nước này ở vùng biển Natuna. Trên thực tế, trong mấy năm gần đây, tàu công vụ có vũ trang của Trung Quốc đã nhiều lần chạm trán tàu công vụ của Indonesia tại vùng biển mà Jakarta tuyên bố chủ quyền.

Nếu Trung Quốc có thể khoan tìm dầu trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nước này sẽ tiến sâu hơn xuống phía Nam và có thể đụng độ với Malaysia và Indonesia. Xét tới vai trò của Indonesia trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), việc Jakarta gần đây thay đổi lập trường đối với Trung Quốc sẽ thực sự là một trở ngại cho Bắc Kinh. 

Trung Quốc càng cứng rắn trong tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông thì uy tín quốc tế của nước này càng bị hư hại. Những gì mà Trung Quốc đã đạt được bằng chiến lược “tấn công bằng thiện cảm” (“charm offensive”) đối với Đông Nam Á vào thập niên 1990 có thể bị xóa sạch bởi một làn sóng dân tộc chủ nghĩa bài Trung Quốc tại các nước trong khu vực này. 

Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN hôm 10/5 vừa qua, ngoại trưởng các nước trong khối đã ra một tuyên bố về căng thẳng trên biển Đông, bài tỏ quan ngại về vụ việc và tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và tự do hàng hải trên vùng biển này. Đây là lần đầu tiên ASEAN ra một tuyên bố chung về biển Đông kể từ năm 1995.

Thứ ba, Trung Quốc đã để mất cái cớ cho hoạt động hiện đại hóa quân sự.

Trung Quốc vẫn nói, việc nước này hiện đại hóa quân đội về bản chất là nhằm mục đích phòng thủ và sẽ không xói mòn an ninh trong khu vực. Trong thời kỳ căng thẳng gia tăng trên biển Đông từ 2007-2013, Trung Quốc thường kiềm chế sử dụng lực lượng hải quân. Thay vào đó, các lực lượng bán quân sự hiện đại, chẳng hạn lực lượng hải giám của Trung Quốc, thường được triển khai để phục vụ các tham vọng lãnh thổ của nước này. Trong cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Hoàng Nham/Scarborough vào năm 2012, không một tàu hải quân nào của Trung Quốc được cử tới hiện trường mà chỉ có tàu bán quân sự cùng tàu cá của nước này.

Tuy nhiên, để bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đã cử tàu hải quân cùng 33 tàu hải giám cùng hàng chục tàu cảnh sát biển, tàu vận tải và tàu cá. Đây là lần đầu tiên trong những năm gần đây, tàu hải quân Trung Quốc tham gia vào tranh chấp trực diện trên biển Đông. Bởi vậy, các quốc gia khác có lý do để lo ngại về ý đồ thực sự phía sau chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.

Và cuối cùng, động thái của Trung Quốc có thể gây bất ổn cho an ninh trong khu vực, tạo ra trở ngại cho những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tái cơ cấu nền kinh tế và duy trì tăng trưởng bền vững. 

Bắc Kinh đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong nước, bao gồm ô nhiễm môi trường trầm trọng, dân số lão hóa, cùng các phong trào ly khai ở Tây Tạng và Tân Cương. Trong mấy năm vừa qua, các cuộc tấn công khủng bố của các lực lượng ly khai đã xảy ra ở các thành phố lớn của Trung Quốc, đe dọa ổn định xã hội của nước này. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang cho thấy những dấu hiệu giảm tốc. 

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cần tới môi trường quốc tế ổn định để tập trung nguồn lực cho các thách thức trong nước. Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc trên biển Đông có thể gây mất ổn định đối với an ninh trong khu vực, từ đó xói mòn những nỗ lực duy trì tăng trưởng bền vững của Bắc Kinh.

Bài báo của The National Interest tiếp tục khẳng định, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khiến Việt Nam không còn sự sựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền của mình theo luật pháp quốc tế.

Xét tới sự cứng rắn và gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông trong những năm gần đây, các quốc gia Đông Nam Á khác xem những gì Trung Quốc đang làm như một hồi chuông cảnh báo. Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chiếm cảm tình của Đông Nam Á đang bị xói mòn, và chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc một lần nữa bị đặt nghi vấn.

Đáp trả hành vi của Trung Quốc, các nước Đông Nam Á đang cố gắng tăng cường năng lực để bảo vệ chủ quyền. Họ cũng bày tỏ rõ ràng sự chào đón đối với sự tham gia của các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ trong giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Nói cách khác, hành vi gây hấn của Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho và thúc đẩy chiến lược xoay trục của Mỹ về phía Đông Á, điều mà Trung Quốc không hề muốn chứng kiến.

Gây hấn và gây mất ổn định trong khu vực sẽ không giúp Trung Quốc hiện thực hóa các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Cách tốt nhất để Trung Quốc vươn tới địa vị một cường quốc của thế giới, theo The National Interest, là tìm một cách nổi lên mới, trong đó nguyên tắc cốt lõi của chính sách đối ngoại của Trung Quốc nên là hợp tác đôi bên cùng có lợi, tôn trọng quyền hợp pháp của các quốc gia khác, và giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình. Chạy nhanh không có nghĩa là sẽ về đích.

Sự lựa chọn của lịch sử

Với mỗi con người, không ai chọn cửa để sinh ra, cha mẹ và anh em thế nào thì phải chịu thế nấy, nhưng có thể chọn bạn bè để chơi, chọn vợ, chọn chồng; khi gặp láng giềng bất hảo, có thể bán nhà, đổi cửa để tìm hàng xóm và không gian phù hợp. 


Công nhân tuần hành phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc khi đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam (ảnh minh họa) - Ảnh: Lê Lâm
Với một đất nước, không ai chọn được láng giềng theo ý muốn. Gặp phải lân bang xấu bụng, ác tính, không thể bán nước hay dời quê. Cha ông mình chỉ còn cách duy nhất : “Tự lực, tự cường, dám là mình và chấp nhận đối mặt, không để họ ức hiếp”.
Việt Nam là một dân tộc lạ lùng. Sống cạnh người hàng xóm khổng lồ, tham lam mà mấy ngàn năm vẫn vững bền. Cả ngàn năm bị xâm lược, cố tình đồng hóa vẫn kiên cường độc lập. Chữ Nôm và tiếng Việt vẫn ngạo nghễ cạnh chữ Hán, tiếng Tàu. Áo dài vẫn hiên ngang và duyên dáng cạnh xường xám. Nước mắm vẫn nồng nàn hương vị cạnh xì dầu. Tiếng Việt là ngôn ngữ duy nhất ở châu Á có cách viết riêng kiểu chữ La Tinh với mấy dấu bé tẹo mà cực kỳ phức tạp. “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”.
Chưa có dân tộc nào mà lịch sử lại khốc liệt như Việt Nam. Cả phụ nữ và trẻ em cũng sát vai đánh giặc giữ làng, giữ nước. Dẫu phải thường xuyên đánh giặc nhưng đó là chuyện chẳng đặng đừng, bị dồn vào chân tường. Chính những dân tộc thường xuyên bị chiến tranh là những dân tộc yêu chuộng hòa bình và không dễ gì bắt nạt. Đánh giặc, chống ngoại xâm, giữ vững độc lập đã khó nhưng khó nhất là giữ được bản sắc của dân tộc trước nạn diệt chủng văn hóa tàn bạo của phong kiến phương Bắc.
Từ thế kỷ X, Đinh Tiên Hoàng (924 - 979) đã dõng dạc tuyên bố “Cồ Việt quốc đương Tống khai bảo. Hoa Lư đô thị Hán Tràng An” (Nước Đại Cồ Việt sánh ngang nước Tống. Kinh thành Hoa Lư tựa Tràng An, Trung Quốc). Câu đối này được thờ trang trọng trong đền vua Đinh ở Ninh Bình.
Hơn nửa thế kỷ sau, trong “Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên”, Lý Thường Kiệt (1019 - 1105) lại đanh thép khẳng định “Sông núi nước Nam vua Nam ở. Rành rành phân định (chứ không phải định phận) tại sách Trời. Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm. Chúng bây sẽ bị đánh tơi bời”.
Thế kỷ XIII, vó ngựa Nguyên Mông đi tới đâu thì cỏ không mọc nổi. Đạo quân của Thành Cát Tư Hãn làm bá chủ từ Âu sang Á. Vậy mà 3 lần xâm lược Việt Nam, là 3 lần đại bại, rồi suy vong. Có người Trung Quốc thời đó cảm thán rằng “Nếu dân tộc Đại Việt  ở phương Bắc thì vó ngựa Nguyên Mông không thễ dẫm nát châu Âu. Nếu Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sinh ra thời nhà Tống thì người Trung Quốc không bị đô hộ cả trăm năm”. Thời đó, người dân Việt, qua Trần Bình Trọng (1259 - 1285) đã xác định tâm thế “Thà làm quỷ nước Nam, hơn làm vương đất Bắc”.
Đầu thế kỷ XVII, khi bị Minh Tự Tông hoạch họe và uy hiếp bằng câu đối “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng nay đã rêu xanh), mượn ý Mã Viện xưa “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” - Trụ đồng ngã, Giao Chỉ bị diệt). Trước mặt bá quan văn võ nhà Minh, sứ thần Giang Văn Minh (1573 - 1638), dù “Tiên đối dị, đối đối nan” (ra câu đối thì dễ, đối lại mới khó), đã sang sảng đáp trả “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Bạch Đằng từ xưa đỏ vì máu).
Xuân Kỷ Dậu 1789, cả nước Việt lại đồng lòng quyết chí “Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (Hịch tướng sĩ của Quang Trung), quét sạch 300.000 quân Thanh và tùy tùng xâm lược. Khí phách đó vẫn tiếp tục duy trì khi chống Pháp với Nguyễn Trung Trực (1839 - 1868): “Chừng nào nhổ hết cỏ trên trái đất thì may ra mới trừ tiệt được những người nước Nam đánh Tây”. Khi quê hương bị xâm lược thì cả nước đồng lòng xung trận, đoàn kết xả thân vì đất Mẹ, thề “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Lời thề “Quyết chiến, chiến đến cùng!” của Hội Nghị Diên Hồng chống Nguyên Mông và quyết tâm “Còn cái lai quần cũng đánh” của anh hùng Nguyễn Thị Tịch (1931 - 1968)… đã nói lên tinh thần bất khuất và hào khí Đại Việt. 
Năm 1986, tại khu di tích địa đạo Củ Chi có cuộc tọa đàm giữa các giáo sư, các nhà sử học và đại biểu đoàn Con Tàu Hòa Bình (Peace Boat) Nhật Bản. Khi nghe Bí thư huyện ủy Củ Chi Mười Nguyên kể chuyện kháng chiến “Dân cả vùng phải chui xuống đất để sống, làm việc, học tập và chiến đấu”. Một giáo sư Nhật Bản dè dặt hỏi: “Thế các ông dạy học sinh những gì trong lòng đất ngột ngạt?”. “Cực kỳ khó khăn và gian khổ. Sống đã khó. Để học tập còn khó hơn. Chúng tôi chỉ dạy các em được 3 môn. Học văn để biết làm người. Học toán để hiểu khoa học. Học sử để có niềm tin. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh là bất cứ kẻ thù nào, dù hùng mạnh và tàn bạo đến đâu, vào xâm lược Việt Nam cũng đều thảm bại. Nhờ niềm tin đó, chúng tôi chiến thắng”. 
Cả đoàn gật gù và vỗ tay tán thưởng. Các đại biểu Việt Nam cũng lâng lâng tự hào bởi sự chân thực giản dị mà bản lĩnh sâu sắc của người chỉ huy du kích năm xưa. Càng thấm thía vai trò của lịch sự trong sự phát triển của đất nước và xã hội.
Năm 1987, được Thành Đoàn cử đi tu nghiệp ở Cộng hòa dân chủ Đức, tôi càng phát hoảng khi biết rằng “Đông Đức (và các nước XHCN) chủ yếu chỉ dạy lịch sử nước Đức mới, từ năm 1945. Trong khi Tây Đức và các nước tư bản thì dạy lịch sử rất cặn kẽ”. Cái chết đã được báo trước một khi dám xem thường lịch sử. Năm 1989, Đông Âu sụp đổ vì nhiều nguyên nhân nhưng chắc chắc có việc coi khinh môn Sử.
Việc Trung Quốc ngang ngược trong vùng biển chủ quyền Việt Nam là không thể chấp nhận. Một hay mười giàn khoan cũng vậy. Đó là bản chất. Thành ngữ Trung Quốc có câu “Giang sơn dị cải, bản tính nan di” (Sông núi có thể cải tạo, san lấp; bản tính thì rất khó). Đừng hy vọng hão huyền về sự đổi thay của những người mang dòng máu Đại Hán. Điều chỉnh quan hệ đối ngoại, đoàn kết với các nước đang bị Trung Quốc gây sự, tìm bạn chí cốt thật sự và kiên quyết kiện ra tòa án quốc tế. Trung Quốc sẽ bị cô lập và buộc phải chấm dứt những trò đểu với láng giềng. Từ xưa, dân tộc Việt Nam đã không dễ gì bị bắt nạt và luôn cảnh giác. Không phải tự nhiên mà đền thờ các anh hùng dân tộc Việt Nam đều quay về hướng Bắc.
Nguyễn Văn Mỹ (Thanh Niên )

Chân dài múa khỏa thân cho hóa đơn trên 5 triệu đồng


Đăng Bởi  - 
Chân dài múa khỏa thân cho hóa đơn trên 5 triệu đồng
Bất ngờ ập vào nhà hàng karaoke 6 tầng tại quận 1 (TP.HCM), công an phát hiện nhiều tiếp viên nữ trong tình trạng khỏa thân đang nhảy nhót phục vụ khách VIP.
Ngày 19.5, Công an quận 1 tạm giữ hình sự đối tượng Ngô Thị Châu (tự Thanh, 29 tuổi, quê Cà Mau, trú quận 1) để điều tra hành vi “môi giới mại dâm”.
Theo đó, phối hợp cùng đoàn kiểm tra liên ngành 814 quận 1, rạng sáng ngày 19.5, Công an quận 1 bất ngờ kiểm tra nhà hàng Phượng Đỏ trên đường Trần Hưng Đạo (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1). 
Thấy lực lượng chức năng đẩy bung cửa, bảo vệ nhà hàng cuống cuồng chạy đến định bấm chuông báo động thì bị công an khóa tay. 
Tại phòng VIP ở tầng 3, các chai rượu mạnh bày la liệt trên bàn, 4 vị khách vừa được các tiếp viên ăn mặc mát mẻ phục vụ vừa thưởng thức màn nhảy khỏa thân của chân dài 19 tuổi. 
Cùng thời điểm này, các trinh sát cũng bắt quả tang 3 đôi nam nữ đang 'mây mưa' tại khách sạn Thái Dương trên đường Trần Đình Xu (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1). 
Thừa nhận là tiếp viên nhà hàng Phượng Đỏ, các cô gái được “má” Châu điều đi bán dâm cho khách với giá từ 1,5-2 triệu đồng/lần.
Tại trụ sở công an, Châu khai nhận đã có 4 năm làm quản lý tiếp viên nữ tại nhà hàng Phượng Đỏ. Để câu khách, Châu thường chọn dàn tiếp viên nhỏ tuổi, có nhan sắc đến phục vụ. 
Với mỗi hóa đơn trên 5 triệu đồng, Châu chỉ đạo cho nhân viên khỏa thân múa kích dục chiêu đãi khách VIP. Nếu khách muốn đến "Z", “má” Châu cũng sẵn sàng điều tiếp viên đi cùng khách đến các khách sạn gần đó để bán dâm hưởng hoa hồng. 
Để tránh ảnh hưởng đến nhà hàng, Châu chỉ đạo tiếp viên đi khách nhưng phải có giấy xin nghỉ việc hoặc đi làm ngoài giờ. 
Nhà hàng Phượng Đỏ có 6 lầu, mỗi tầng 2 phòng VIP và hàng chục nhân viên phục vụ. Mở cửa từ trưa đến khuya thì đóng cửa nhưng thực tế nhà hàng vẫn phục vụ khách cho đến rạng sáng hôm sau. 
Đoàn liên ngành đã xử phạt hành chính nhà hàng Phượng Đỏ đối với các vi phạm về hoạt động quá giờ quy định, tiếp viên nữ phục vụ có tính chất đồi trụy, kinh doanh rượu mạnh không phép…
Yên Nhiên

Có đồng minh Ấn Độ, Nhật sẽ càng cứng rắn với Trung Quốc


Đăng Bởi  - 
Ông Abe và ông Modi đã gặp nhau từ năm 2007
Ông Abe và ông Modi đã gặp nhau từ năm 2007
Sau khi ông Narendra Modi đắc cứ chức thủ tướng Ấn Độ, có lẽ người vui mừng nhất bên ngoài lãnh thổ Ấn Độ là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người theo đường lối cứng rắn với Trung Quốc. Ông Abe muốn có một đồng minh cùng chí hướng và giờ ông đã có một chiến hữu là ông Modi.
Ông Abe đã “nhìn thấy” tiềm năng của ông Modi từ lâu
Ngay hồi tháng 2, khi Ấn Độ đang bước vào giai đoạn vận động tranh cử, trang Foreign Policy đã nói rằng chính quyền ông Abe mong ngóng từng ngày chiến thắng của ông Modi để Nhật có thêm một đồng minh tin cậy tại khu vực châu Á.
Nhưng thật ra không phải chờ đến năm nay mà ngay từ 7 năm trước, khi ông Abe còn trong nhiệm kỳ đầu làm Thủ tướng Nhật, ông Abe đã nhìn ra được ông Modi sẽ là một đồng minh quan trọng trong tương lai. Chính vì thế, ông Abe đã mời ông Modi sang Nhật bất chấp khi đó ông Modi bị chính quyền Mỹ liệt vào danh sách đen, do bị cáo buộc dính líu vào một vụ thảm sát người theo đạo Hồi ở bang mà ông Modi là thủ hiến. 
Điểm tích cực nhất mà ông Modi chia sẻ chung với ông Abe là tinh thần rất cứng rắn trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc. Ông Modi đã nhiều lần chỉ trích chính quyền Manmohan Singh (người vừa từ chức thủ tướng Ấn Độ) vì quá nhún nhường trước Trung Quốc. 
Cứng rắn với Trung Quốc là xương sống trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Modi. Chính vì vậy, trang Business Week ngay hồi tháng 4 đã bình luận rằng: “Nếu ông Modi đắc cử, không cần phải là thiên tài thì bạn cũng có thể đoán ra được Ấn Độ sẽ thành người bạn lớn nhất của Nhật tại châu Á”. Giờ thì mọi thứ đang trở thành hiện thực.
Có Ấn Độ, Nhật không cảm thấy đơn độc
Trong việc tranh chấp biển đảo với Trung Quốc và trong cả việc tranh chấp vị trí “dẫn dắt” ở Đông Bắc Á, Nhật gần như đơn độc. Mỹ tuy ủng hộ Nhật nhưng lại ở xa và Mỹ trong những năm gần đây phụ thuộc chặt chẽ kinh tế với Trung Quốc. 
Hàn Quốc cũng có tranh chấp lãnh thổ với Nhật ở đảo Takeshima/Dodko. Nga cũng có tranh chấp lãnh thổ với Nhật ở nam quần đảo Curin.
Giờ có thêm Ấn Độ theo đường lối cứng rắn của ông Modi thì Nhật cảm thấy có thêm một người bạn đáng tin cậy tại Nam Á. Thậm chí, trang Diplomat không ngần ngại gọi luôn ông Modi là một Abe của Ấn Độ vì tư tưởng dân tộc cao, không ngại va chạm với Trung Quốc.
 Ông Abe rất cứng rắn với Trung Quốc
 và ông Modi cũng vậy
Tiềm lực quân sự của Ấn Độ rất mạnh. Ấn Độ với hơn 1,2 tỉ dân (trong tương lai sẽ vượt Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất), sẽ là một thị trường lớn cho Nhật và giúp Nhật không cần phải phụ thuộc nhiều việc tiêu thụ sản phẩm thương mại tại Trung Quốc.
Theo The Daily Beast, không phải ngẫu nhiên mà tuần trước, Thủ tướng Abe muốn sửa Hiến pháp để đưa quân Nhật tham chiến ở nước ngoài. Ý định này được đưa ra trong bối cảnh ông Modi đắc cử chức Thủ tướng Ấn Độ. Việc Nhật muốn thay đổi hiến pháp sẽ mở đường tạo ra một liên minh quân sự rất bền chặt với Ấn Độ và đây là điều Bắc Kinh rất lo ngại.
Anh Tú tổng hợp

Sự ngạo mạn nguy hiểm của Bắc Kinh


19/05/2014 08:52 (GMT + 7)
TT - Nhà bình luận Philip Bowring của tờ South China Morning Post (Hong Kong) cho rằng sức mạnh vượt trội cùng trò “đọc lịch sử kiểu chọn lọc” của Bắc Kinh đang gây ra căng thẳng tại biển Đông.
Tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép tại vùng biển Việt Nam - Ảnh: Tấn Vũ
Hành vi của Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á hiện tại là hung hăng, ngạo mạn và đầy màu sắc chủ nghĩa sôvanh đại Hán. Vượt quá việc thể hiện lòng tự tôn dân tộc, Bắc Kinh đang khoác cái tên xấu cho chủ nghĩa yêu nước của họ. Người Hong Kong nên hiểu rõ thực tế là gì: đây là một mánh khóe nguy hiểm.
20% bờ biển, 90% diện tích
"Nói theo cách của Trung Quốc thì người Thổ Nhĩ Kỳ có thể đòi chủ quyền ở toàn bộ Ai Cập, còn người Nga có thể lấy toàn bộ khu Trung Á"
Bắc Kinh không chỉ gầm ghè chủ nghĩa bành trướng với Việt Nam và Philippines, giờ cũng khiến Indonesia chuyển từ thái độ cố là một nước trung gian sang trở thành một nước đối thủ khác ở biển Đông. Đã hai lần trong vài tháng gần đây, Indonesia chỉ trích Trung Quốc âm mưu chiếm một phần bán đảo Natuna của mình. Nói “vươn lên hòa bình làm gì” khi gây hấn các nước láng giềng với hơn 400 triệu dân - những nước anh coi là yếu.
Tất cả tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc giờ gói trong đường chín đoạn trải dài hơn 1.000 hải lý kể từ bờ biển Quảng Đông và Hải Nam tới gần Borneo, hòn đảo chung giữa Malaysia, Indonesia và Brunei, và chiếm hầu hết toàn bộ phần biển giữa Việt Nam và Philippines. Phần tuyên bố này chiếm tới hơn 90% diện tích biển Đông dù rằng Trung Quốc (cộng với cả Đài Loan) chỉ chiếm 20% bờ biển.
Tất cả tuyên bố này dựa vào những cơ sở lịch sử mà trên thực tế phớt lờ hết toàn bộ sự tồn tại và lịch sử giao thương hàng hải của các dân tộc khác 2.000 năm trước, trước cả Trung Quốc mở rộng khám phá trên biển xuống phía nam rất lâu. Người Indonesia đã tới châu Phi và thuộc địa hóa Madagascar hơn 500 năm trước cả nhà thám hiểm Trịnh Hòa (thế kỷ 14-15)  của Trung Quốc. Ngoài ra, người dân Đông Nam Á hấp thụ nền văn hóa từ Ấn Độ và Hồi giáo nhiều hơn từ Trung Quốc.
Vụ căng thẳng với Việt Nam hiện tại là do Trung Quốc đưa giàn khoan vào khu vực biển phía đông Đà Nẵng. Trung Quốc lý lẽ là họ sở hữu Hoàng Sa, gần với vị trí khoan hơn là Việt Nam. Nhưng các đảo này Trung Quốc đơn phương xâm chiếm từ năm 1974.
Thực tế có cách để giải quyết các tranh chấp này. Các nước khác như Indonesia, Singapore và Malaysia từng đưa chuyện sở hữu chủ quyền đảo ra tòa án công lý quốc tế và chấp thuận kết quả của tòa. Nhưng cho đến giờ Trung Quốc vẫn không chịu bất kể là nhượng bộ hay là ra tòa trọng tài. Trong khi đó, hợp tác phát triển chung là không thể khi Trung Quốc luôn coi vùng tranh chấp là chủ quyền và coi đó là điều kiện (để đàm phán).
Bịa đặt lịch sử
Với trường hợp các bãi cạn ngoài Philippines, Trung Quốc dựa lý lẽ của mình trên một loạt chứng cứ lịch sử bịa đặt và lấy cớ là mình đệ đơn tuyên bố chủ quyền trước - một lý lẽ yếu khi Trung Quốc không có sự hiện diện liên tục ở đó và Philippines vốn thừa hưởng một hiệp ước giữa hai nước thực dân phương Tây.
Các bãi ngầm và các điểm mà Trung Quốc đòi chiếm nằm rất rõ trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và trong vùng biển mà ngư dân nước này từ lâu hay qua lại. Bãi cạn Scarborough cách Luzon khoảng 200km, cách Trung Quốc 650km.
Những tuyên bố vô lý này có từ thời Quốc Dân Đảng - Tưởng Giới Thạch và chẳng có ý nghĩa gì, kể cả chuyện các nước ngày xưa có thỉnh thoảng cống nạp cho Trung Quốc. Với các nước giao thương xưa, cống nạp là một loại thuế, chi phí phải trả khi giao thương chứ không hề có ý nghĩa là chủ quyền của Trung Quốc. Và nếu Trung Quốc từng có đôi lần là bá quyền ở khu vực thì đó hoàn toàn không phải là vị trí bá chủ (nắm hết chủ quyền) ở đây, vốn bị chi phối bởi biển Malay. Nói theo cách của Trung Quốc thì người Thổ Nhĩ Kỳ có thể đòi chủ quyền ở toàn bộ Ai Cập, còn người Nga có thể lấy toàn bộ khu Trung Á.
Một nước Trung Quốc đang mạnh lên muốn thể hiện sức mạnh và chứng tỏ ai là ông chủ ở khu vực - như Bắc Kinh từng cố chứng minh trong cuộc chiến năm 1979 với Việt Nam - cũng như là nhắc nhở nước Mỹ về điểm yếu của nó. Trung Quốc trong khi đó lại lưỡng lự không muốn đối xử với các nước láng giềng, những người có văn hóa và lịch sử riêng, một cách công bằng.
Lịch sử muốn thể hiện bá quyền của Trung Quốc đã có từ lâu. Đặc biệt là niềm tin vào sự đồng hóa cũng như là việc phải bảo vệ và phát triển tính cách Hán mạnh dưới thời Trung Hoa Dân Quốc (1912-1949). Nhưng quan điểm này từ lâu từng bị phương Tây chỉ trích và từng bị chê trách dưới thời Mao Trạch Đông. Giờ nó đang trở lại ở đại lục, nơi nhiều học giả thấy khó chấp nhận việc con người hiện đại bắt nguồn từ châu Phi và rằng Trung Quốc vì vậy không phải là nguồn gốc duy nhất của loài người.
THANH TUẤN lược dịch