Trang

19 tháng 5, 2014

Lại oan sai

Vụ “Liệu có thêm 7 “ông Chấn” ở Sóc Trăng?“: Bị oan vẫn là bị can!

Liên quan đến 7 thanh niên bị bắt giam 7 tháng vì hành vi “giết người” ở Sóc Trăng vào tháng 7.2013, CA xác định những người này không phạm tội, cho tại ngoại nhưng vẫn không đình chỉ bị can. Đến nay, 7 người này chưa được xin lỗi, chưa được bồi thường.

Anh Trần Văn Đỡ được trở về với cuộc sống đời thường nhưng vẫn là bị can.
Anh Trần Văn Đỡ được trở về với cuộc sống đời thường nhưng vẫn là bị can.
Như Lao Động đã thông tin, rạng sáng 6.7.2013, người dân phát hiện anh Lý Văn Dũng (lái xe ôm, 42 tuổi, ngụ huyện Trần Đề) chết ven con lộ gần cầu Kênh 2, ấp Lâm Dồ, thị trấn Trần Đề. Khám nghiệm tử thi xác định, nạn nhân bị đâm 7 nhát, trong đó có vết thương thấu ngực. Trong quá trình truy tìm thủ phạm, CA bắt giam 7 nghi can gồm: Trần Hol, Thạch Muol, Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Khâu Sóc và Thạch Sô Phách (cùng ngụ huyện Trần Đề), để điều tra hành vi giết người.
Trần Thị Bé Diễm, do khai “không biết gì” nên bị bắt giam về hành vi không tố giác tội phạm. Vào tù, các nghi can đều khai nhận rành rọt hành vi giết người nên bị khởi tố bị can, chờ truy tố trước pháp luật. Bất ngờ, tháng 12.2013, Lê Thị Mỹ Duyên (ngụ Kiên Giang) đến CA TP.Hồ Chí Minh đầu thú, thừa nhận chính Duyên và Phan Thị Kim Xuyến (ngụ huyện Trần Đề) đã giết anh Dũng.
Theo công văn 584, ngày 25.2.2014, Viện KSND tỉnh Sóc Trăng ký các quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với 7 bị can bị bắt trước đó. Qua điều tra, xác định các bị can này không thực hiện hành vi phạm tội, không đồng phạm và không phạm tội khác.
Thời gian tới, khi có kết luận điều tra và xét xử vụ án giết người, cướp tài sản đối với bị can Lê Thị Mỹ Duyên và Phan Thị Kim Xuyến, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra 7 bị can (đã tạm giam trước đây). Đối với những sai sót đã xảy ra, CA Sóc Trăng sẽ thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra vụ việc và xử lý các cán bộ, chiến sĩ liên quan có sai phạm một cách nghiêm túc đúng theo quy định.
Về việc tại sao xác định 7 công dân không phạm tội nhưng lại không đình chỉ bị can, đại tá Thái Văn Đợi - Phó GĐ CA Sóc Trăng - cho biết, các cơ quan chức năng đang thực hiện các thủ tục để giải oan cho họ. Hiện CA đang làm rõ việc các điều tra viên có bức cung, nhục hình hay không. “Sẽ có nhiều cán bộ bị xử lý, kỷ luật trong vụ án này. Bản thân tôi cũng phải chịu trách nhiệm” - ông Đợi nói.
Theo HỮU DANH
Lao động

Công nhân ngất xỉu hàng loạt

(Dân trí) - Sáng 19/5, nhiều công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Hông Fu trong ngày đầu tuần đi làm việc trở lại đã tiếp tục bị ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
 >> 735 công nhân nhập viện sau khi uống nước: Công an vào cuộc 
 >> Vụ 735 công nhân nhập viện sau uống nước: Do nguyên liệu sản xuất?

Khoảng 9h20 sáng nay, tại một số xưởng sản xuất giày da của Công ty TNHH Hông Fu, đóng tại Khu công nghiệp Hoàng Long, TP Thanh Hóa đã xảy ra tình trạng hàng loạt công nhân đang làm việc tại đây bỗng nhiên bị ngất xỉu sau đó được đi cấp cứu.
Sau khi sự việc xảy ra, phía công ty đã cho các công nhân nghỉ việc.
Sau khi sự việc xảy ra, phía công ty đã cho các công nhân nghỉ việc.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, bước đầu nhiều công nhân đang làm việc tại đây cho biết, vào thời điểm trên khi họ đang làm việc tại xưởng thì một số công nhân bắt đầu có những triệu chứng như nhức đầu, khó thở… dẫn đến tình trạng ngất xỉu sau đó.
Một công nhân làm tại xưởng sản xuất A của công ty Hông Fu cho biết, sau vụ việc hàng loạt công nhân nhập viện sau khi uống nước lần trước hầu hết các công nhân tại nhà máy đều đi làm bình thường trở lại. Trong ngày làm việc trở lại hôm nay, hầu hết tâm lý của các công nhân đều đã bình thường trở lại. Do sự việc lần trước, nên lần này các công nhân đều chủ động mang nước từ nhà đi uống.
Ngay sau khi xảy ra tình trạng nhiều công nhân xỉu, phía công ty đã báo cáo sự việc lên các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa nhờ giúp đỡ. Xe cấp cứu từ các bệnh viện trên địa bàn TP. Thanh Hóa đã được điều động đến để đưa các công nhân đi cấp cứu.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công ty Hông Fu đã cho toàn bộ các công nhân nghỉ làm trong ngày hôm nay.
Lực lượng Công an thành phố Thanh Hóa, Công an tỉnh Thanh Hóa đã có mặt kịp thời tại nơi xảy ra vụ việc để giữ gìn an ninh trật tự, hướng dẫn công nhân ra về trong trật tự. Công an tỉnh Thanh Hóa đã điều động nhiều xe chuyên dụng, xe chữa cháy đến hiện trường, đề phòng trường hợp bất trắc xảy ra.
Đến thời điểm trưa 19/5 vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể về số lượng công nhân bị ngất.
Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phải điều động các ban ngành liên quan làm công tác tư tưởng, tuyên truyền, vận động cho các công nhân và người nhà giữ bình tĩnh, không nên quá hoảng loạn và lo lắng dẫn đến tình trạng bị kích động. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng vận động các công nhân về nhà, không tụ tập đông người dưới tiết nắng nóng dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hiện nay, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục giữ an ninh trật tự tại công ty Hông Fu. Các ngành chức năng tiếp tục cấp cứu các công nhân bị ngất xỉu đồng thời tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc trên.
Thái Bá

Sử dụng mọi biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền


- Yêu cầu TQ rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển chủ quyền của VN, kêu gọi “đàm phán” để xử lý những bất đồng, Phó Thủ tướng VN đồng thời nhấn mạnh VN sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết.
TIN LIÊN QUAN:
Chiều 6/5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì về việc giàn khoan HD-981 và nhiều tàu của Trung Quốc hoạt động tại khu vực thuộc lô dầu khí 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam từ ngày 1/5 đến nay.
Hành động không thể chấp nhận
Hoàng Sa, Trường Sa, giàn khoan, HD-981, Trung Quốc, Biển Đông, chủ quyền, dầu khí
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Hành động của Trung Quốc làm tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam
Tại cuộc điện đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan HD-981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào hoạt động ở khu vực này là bất hợp pháp, đi ngược luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Việc làm này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam.
Việt Nam không thể chấp nhận và kiên quyết phản đối việc làm này của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực này và cùng đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh vấn đề này.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Ông cho hay, Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Đồng thời, Việt Nam luôn thể hiện thiện chí, kiên trì giải quyết thỏa đáng bất đồng thông qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp hòa bình khác theo đúng nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, phù hợp với các quy định và thực tiễn luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, không để vấn đề này tổn hại đến sự tin cậy chính trị và hợp tác giữa hai bên.
Công hàm yêu cầu rút giàn khoan
Hoàng Sa, Trường Sa, giàn khoan, HD-981, Trung Quốc, Biển Đông, chủ quyền, dầu khí
Vị trí giàn khoan HD981 đặt trái phép nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Tuổi Trẻ
Trước đó, chiều 4/5, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới lãnh thổ phía Việt Nam Hồ Xuân Sơn đã điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới lãnh thổ phía Trung Quốc Lưu Chấn Dân giao thiệp nghiêm túc vụ việc trên.
Cũng trong ngày 4/5, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại biện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Công hàm nêu rõ yêu cầu Trung Quốc “rút ngay giàn khoan nói trên cùng các tàu, thiết bị, nhân sự có liên quan ra khỏi khu vực lô 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam và không để tái diễn các hành động tương tự.”
Công hàm khẳng định “Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, sẵn sàng thông qua các cơ chế đàm phán song phương để giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, bất đồng trên biển giữa hai nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.”
Hội Biển TP.HCM ra tuyên bố phản đối Trung Quốc
Ngày 6/5, Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP. HCM (gọi tắt là Hội Biển TP.HCM) ra tuyên bố phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan và lực lượng bảo vệ đi kèm xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Hội Biển TP.HCM cực lực phản đối hành động cố ý khiêu khích, áp đặt theo kiểu bá quyền nước lớn, gây nên sự bất ổn nghiêm trọng, đe dọa hòa bình ổn định, ảnh hưởng đến việc tự do hàng hải và làm ăn bình thường của nhân dân các nước có quyền lợi trên Biển Đông.
“Chúng tôi kiên quyết yêu cầu CNOOC dừng ngay lập tức các hành động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển thềm lục địa của Việt Nam. Chúng tôi cũng kêu gọi toàn thể người Việt Nam trong và ngoài nước đoàn kết chống lại các chính sách và hành động nước lớn ức hiếp nước nhỏ của phía Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền quốc thổ, vùng biển và vùng trời thiêng liêng của nước Việt Nam”, Hội Biển TP.HCM khẳng định.
Linh Thư – Tá Lâm

Hợp tác Nga-Trung chưa từng có trong lịch sử


Trước thềm chuyến công du tới Thượng Hải để ký kết các thỏa thuận hợp tác quan trọng với Trung Quốc, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng hợp tác giữa Moscow và Bắc Kinh đang ở mức cao nhất trong lịch sử. 
TIN BÀI LIÊN QUAN
“Giờ đây, hợp tác giữa Nga và Trung Quốc đang tiến sang một giai đoạn mới của quan hệ đối tác toàn diện và tương tác chiến lược. Không có gì sai khi nói rằng mối quan hệ này đã đạt tới mức cao nhất trong lịch sử nhiều thế kỷ qua” – RT dẫn lời Tổng thống Nga nói khi trả lời phỏng vấn báo chí Trung Quốc. 
Vladimir Putin, Nga, dầu khí, tập trận
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Nga nói thêm, đôi bên đã ‘tích cực thiết lập nên một cấu trúc phát triển bền vững và an ninh mới ở châu Á – Thái Bình Dương. Cấu trúc này nên dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng luật pháp quốc tế, tính toàn vẹn của an ninh, không sử dụng vũ lực và đe dọa vũ lực’.
Theo Tổng thống Nga, các lĩnh vực hợp tác chính giữa Nga và Trung Quốc trong giai đoạn này bao gồm việc mở rộng quan hệ kinh tế và hợp tác trong khoa học, lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao.
Lúc này, Trung Quốc đang được coi là đối tác hàng đầu về ngoại thương của Nga.
Năm 2013, trao đổi thương mại song phương đạt gần 90 tỉ USD và dự kiến có thể tăng lên thành 100 tỉ USD vào năm 2015 và trên 200 tỉ USD vào năm 2020.
Nga và Trung Quốc đang hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực năng lượng, và dự định thiết lập nên liên minh năng lượng chiến lược.
Dự án khổng lồ trị giá trên 60 triệu USD đang được triển khai, nhằm cung cấp dầu thô của Nga cho Trung Quốc theo đường ống Skovorodino-Mohe.
Hai nước cũng đang thực thi một danh sách các dự án chung trong 40 lĩnh vực ưu tiên với tổng vốn đầu tư lên tới khoảng 20 tỉ USD.
Cũng trong chuyến công du lần này của ông Putin, Nga và Trung Quốc cùng lúc có tập trận chung trên biển Hoa Đông.
Lê Thu

Hồi sinh từ vùng đáy


Hồi sinh từ vùng đáy

Thanh khoản thị trường dù không cao nhưng được duy trì khá ổn định. Bên cạnh đó, lực mua ở vùng giá thấp tốt đã hỗ trợ tích cực cho quá trình tích lũy của thị trường.

Chứng khoán đã phải chìm, nổi với những bất ổn xung quanh vấn đề biển Đông. Suốt 2 tuần qua, mọi cổ phiếu đều chìm trong sắc đỏ, hành động bán tháo, giẫm đạp lên nhau để thoát thân, khiến cho thị trường vẫn gặp khó khăn. Tuy nhiên, ánh sáng đã le lói cuối đường hầm khi nhà đầu tư (NĐT) bắt đầu sống chung với sóng gió biển Đông, tích cực giao dịch mua vào trở lại, dấu hiệu được cho là hồi sinh ở vùng đáy.
Chứng khoán tạm thời đã vượt qua giai đoạn hoảng loạn về tâm lý, cùng với hoạt động call margin khiến hoạt động bán tháo bao trùm cả 2 sàn chứng khoán. Lượng cung được tăng cường mạnh khiến cổ phiếu từ lớn đến nhỏ đều giảm sâu, lao dốc bất chấp kết quả kinh doanh hiệu quả.
Phục hồi tăng điểm
Đà giảm mạnh đã kích thích lực cầu bắt đáy tăng mạnh hơn. Trong đó, khối ngoại trở thành những tay chơi "ngược sóng" chủ lực trên thị trường. Điều này đã giúp đà giảm thị trường thu hẹp đáng kể và là yếu tố quan trọng giúp NĐT "bình tâm" trở lại. Đây được xem là tiền đề quan trọng giúp thị trường hồi phục trở lại trong một vài phiên giao dịch giữa và cuối tuần trước.
Trước những phản ứng mua vào mạnh mẽ của NĐT trong nước thì hoạt động bán tháo đã chững lại. Với những kỳ vọng như trên, trong tuần tới, nhiều khả năng mức độ rủi ro của thị trường sẽ dần giảm bớt và hồi phục trở lại.
Theo đó, NĐT có thể mở lại vị thế mua thận trọng nhưng hạn chế hoạt động mua đuổi giá cao. Các nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh khả quan và giảm sâu trong thời gian vừa qua được khuyến nghị mua tích lũy.
Trong phiên cuối tuần qua, lực cầu bắt đáy và giao dịch tích cực từ khối ngoại được coi là động lực chính hỗ trợ thị trường. Các nhóm cổ phiếu đầu cơ được tập trung mạnh như: chứng khoán, bất động sản, xây dựng và khai khoáng… bắt đầu được mua mạnh trở lại.
Sự lo lắng phần nào vơi đi, giúp sắc xanh trở lại tích cực hơn. Thêm vào đó, hoạt động mua ròng bền bỉ của khối ngoại trong 18 phiên liên tục cho thấy giá cổ phiếu đang vô cùng hấp dẫn, nếu càng bán tháo thì thiệt hại nặng thuộc về NĐT trong nước.
TTCK vẫn đang "bập bềnh", nhưng tâm lý NĐT ổn định trở lại
Thanh khoản thị trường dù không cao nhưng được duy trì khá ổn định. Bên cạnh đó, lực mua ở vùng giá thấp tốt đã hỗ trợ tích cực cho quá trình tích lũy của thị trường. Với nỗ lực của bên mua theo chiều giá lên, nhiều cổ phiếu đầu cơ đảo chiều tăng trần với khối lượng giao dịch lớn cho thấy dòng tiền đầu cơ có vẻ như đã nhập cuộc trở lại. Bên cạnh đó, việc khối ngoại duy trì mua ròng với giá trị lớn cũng góp vai trò nâng đỡ đáng kể cho xu hướng hồi phục.
Dấu ấn khối ngoại
Trong khi khối nội hoảng loạn bán ra thì khối ngoại lại bất ngờ đẩy mạnh mua vào trên cả 2 sàn. Hoạt động đẩy mạnh mua ròng của khối ngoại đóng vai trò rất quan trọng giúp thị trường dần tìm được về trạng thái cân bằng.
Việc mua ròng mạnh mẽ và bền bỉ của khối ngoại đã rải đều các phiên trong tuần với nhiều loại cổ phiếu khác nhau khiến NĐT chủ động mua vào. Như vậy, họ đã tiếp tục thu gom thêm một lượng đáng kể cổ phiếu giá rẻ bất chấp sự hoang mang của các NĐT nội. Lực mua nhắm vào nhiều cổ phiếu lớn, có sức dẫn dắt thị trường và cả cổ phiếu đầu cơ của khối ngoại được xem là động lực không nhỏ giúp thị trường hồi phục.
Tính chung, chỉ nửa đầu tháng 5/2014, khối ngoại đã đẩy mạnh mua ròng lên tới gần 1.870 tỷ đồng, tương đương giá trị mua ròng là hơn 98,9 triệu cổ phiếu. Cụ thể, họ thực hiện mua vào 150,75 triệu cổ phiếu và chỉ bán ra 51,85 triệu cổ phiếu. Giá trị mua vào đạt 3.611 tỷ đồng, còn giá trị bán ra chỉ đạt 1.741 tỷ đồng.
Một thế lực khác của thị trường là khối tự doanh của các CTCK cũng đẩy mạnh giao dịch, tăng cường hoạt động mua/bán trong các phiên là khá cao. Có thể họ đã đẩy mạnh hoạt động giao dịch nhằm tìm kiếm lợi nhuận.
Giao dịch của các CTCK tập trung mua vào những cổ phiếu có thị giá vừa với giá trung bình lệnh mua là 19.300 đồng/cổ phiếu, trong khi đó họ đẩy mạnh bán các mã bluechip với giá trung bình lệnh bán là 32.600 đồng/cổ phiếu.
TTCK vẫn đang "bập bềnh" theo sóng biển Đông, có giảm, có tăng, nhưng tâm lý NĐT ổn định trở lại. Theo phân tích kỹ thuật, thị trường đã tạo đáy kép lệch trong tuần và phục hồi đi lên, đóng cửa ở mức điểm cao nhất tuần.
Với diễn biến giao dịch như vậy, nhiều CTCK nhận định thị trường sẽ tăng điểm trong tuần tới với lực cầu mạnh đến từ cả NĐT nước ngoài và trong nước.
Chứng khoán MSBS kỳ vọng vào khả năng sẽ tăng điểm ngay trong phiên giao dịch đầu tuần và chỉ số VN-Index trong tuần tới (19/5 - 23/5) sẽ biến động tăng điểm quanh vùng 540 - 550 điểm, với dòng tiền khối ngoại tiếp tục giải ngân tiếp vào nhiều cổ phiếu lớn và cả cổ phiếu vừa và nhỏ.
Theo Sơn Long
Thời báo kinh doanh

TPP đang cấp bách

 TPP đang cấp bách

Nói đến Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhiều chuyên gia bày tỏ những quan ngại về các thách thức Việt Nam sẽ phải đối mặt khi hiệp định này được ký kết.

TS.Phạm Đỗ Chí, chuyên gia kinh tế:
3 thách thức
Thách thức đầu tiên là Việt Nam sẽ phải cạnh tranh bình đẳng với các nước trong khối khi thuế nhập khẩu giảm về 0%; thị trường dịch vụ, đầu tư phải mở cửa, mua sắm chính phủ sẽ phải tuân theo khuôn khổ TPP. Sức ép liên quan đến giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ chủ yếu đến từ các nước Việt Nam chưa có quan hệ FTA, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Mexico và Peru. Những ngành sản xuất của Việt Nam thực sự gặp khó khăn sẽ là ô tô, thịt lợn, thịt bò, đường. Tiếp sau là thực phẩm chế biến, rượu và hóa phẩm tiêu dùng. Liên quan đến mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư, sức ép cạnh tranh đến từ 3 ngành chính là ngân hàng, thương mại bán lẻ và viễn thông. Về mua sắm chính phủ trong khuôn khổ TPP, tác động của việc mở cửa thị trường tuy có nhưng ở mức chấp nhận được.
Thách thức thứ hai liên quan đến rủi ro thất thu ngân sách do giảm thuế nhập khẩu. Việc giảm thuế nhập khẩu sẽ dẫn tới giảm thu ngân sách nhưng thách thức này không lớn vì 2 lý do. Một là việc giảm thu sẽ diễn ra từ từ vì Việt Nam sẽ giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình. Hai là khi Việt Nam giảm thuế nhập khẩu, hàng nhập từ Hoa Kỳ và các nước TPP có khả năng tăng lên và số thu từ thuế giá trị gia tăng vì vậy cũng tăng lên.
Thách thức thứ ba, quan trọng nhất là việc tiến hành thành công cải cách DNNN để thu lợi tối đa từ TPP. Kinh tế Việt Nam đang ở thời kỳ khó khăn nhất vì sự suy kiệt của DN nói chung gây nên bởi các mối nợ to lớn cũng như quản trị thiếu hiệu quả của các DNNN. Cuộc đàm phán khó khăn với TPP đã xoay quanh không ít vấn đề trong địa hạt này. Trong hiện trạng nền kinh tế đang khó khăn và thực tế dù lãi suất đã nỗ lực hạ nhiều nhưng gần như chỉ có các DNNN mới được dành sự ưu đãi đặc biệt qua chính sách tín dụng và hơn nữa các món nợ ngân hàng của nhiều DNNN lại thiếu tài sản thế chấp hay nếu có tài sản đó phần lớn lại thuộc sở hữu nhà nước. Đây chính là lỗ hổng lớn trong khối nợ xấu và tài sản thế chấp “tồn kho” của hệ thống ngân hàng Việt Nam và xử lý như thế nào 153.000 tỷ đồng nợ xấu của các tập đoàn, tổng công ty là một câu hỏi đầy thách đố.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan:
Thách thức sản xuất nông nghiệp-nông thôn
Đối với thị trường trong nước, Việt Nam phải mở cửa thị trường tức phải loại bỏ 100% dòng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp trong khi rào cản kỹ thuật chưa có hoặc không cao nên thị trường nội địa gặp bất lợi. Với tính chất là một nước có khu vực sản xuất nông nghiệp khá lớn, Việt Nam có nhu cầu cao trong việc yêu cầu các đối tác mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam. Vấn đề khó khăn là các nước TPP đều có xu hướng đàm phán hạn chế, giữ bảo hộ với nông sản nội địa (không mở cửa).
Đối với thị trường xuất khẩu, rào cản kỹ thuật của các nước sẽ khắt khe hơn trong khi năng lực cạnh tranh của Việt Nam không cao dẫn đến khó tận dụng lợi ích từ việc giảm thuế quan. Điều này gây bất lợi cho nông sản Việt Nam dù thuế suất có là 0%. Nông sản là một vấn đề rất khó đàm phán vì từ xưa đến nay trong khuôn khổ đàm phán các hiệp định thương mại hay gia nhập WTO… nông sản luôn là lĩnh vực được các nước bảo hộ mạnh mẽ. Vấn đề TBT (hàng rào kỹ thuật thương mại) và SPS (biện pháp vệ sinh dịch tễ) rất quan trọng với khả năng tiếp cận thị trường các nước của nông sản Việt Nam. Dù thuế quan có được cắt bỏ hết nhưng việc kiểm dịch, kiểm tra dư lượng kháng sinh… của các nước vẫn ngăn chặn khả năng xuất khẩu của Việt Nam, thậm chí còn nhiều rủi ro hơn so với thuế quan.
Luật sư Phạm Mạnh Dũng, Văn phòng luật sư LCT Lawyers:
Lo ngại đầu tư bị thu hẹp
Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với những “người khổng lồ” từ các nước TPP ngay ở thị trường trong nước. Việc giảm thuế sẽ dẫn đến việc gia tăng các luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam với giá cạnh tranh. Hệ quả tất yếu là DN sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, thị phần hàng hóa, đầu tư có nguy cơ bị thu hẹp. Sự yếu kém về cơ sở hạ tầng và hạ tầng chính sách pháp luật, quản lý điều hành, cải cách hành chính cũng là rào cản, thách thức cho Việt Nam khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Một khó khăn nữa có thể gặp phải là trong khi TPP còn đang đàm phán, nhiều DN nước ngoài đã mạnh tay rót vốn vào những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhằm đón đầu cơ hội, trong khi hầu hết DN Việt Nam còn rất mơ hồ về TPP.
Đối với hoạt động đầu tư tại Việt Nam từ các nước không phải thành viên của TPP cũng có ảnh hưởng không nhỏ. Bởi nguyên tắc xuất xứ nội khối tạo ra cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các DN xuất khẩu sang các quốc gia thành viên TPP. Nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan là những quốc gia có tỷ trọng đầu tư lớn tại Việt Nam mà nguồn đầu vào không có đủ hàm lượng xuất xứ từ TPP không được hưởng ưu đãi từ hiệp định này sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm từ các nước thuộc khối TPP. Dịch vụ là mảng hoạt động đầu tư mà mức độ mở cửa thị trường của Việt Nam hạn chế và dè dặt nhất. Với TPP, sự tham gia mạnh mẽ và tự do hơn của các nhà cung cấp có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm lâu năm, có ưu thế về dịch vụ trên thế giới có thể khiến các đơn vị cung cấp dịch vụ của Việt Nam và các nhà đầu tư đến từ ngoại khối TPP gặp khó khăn trong cạnh tranh do có sự giới hạn phạm vi hoạt động dịch vụ.
Theo Đức Mạnh (ghi)
Sài Gòn đầu tư

18 tháng 5, 2014

TQ sơ tán hàng ngàn công nhân khỏi VN


Cập nhật: 04:14 GMT - chủ nhật, 18 tháng 5, 2014
Việt Nam vừa chứng kiến một đợt bạo loạn tồi tệ
Chính phủ Trung Quốc đã sơ tán hơn 3.000 công dân của họ ra khỏi Việt Nam từ chiều thứ Bảy ngày 17/5 sau làn sóng bạo động chống Trung Quốc, truyền thông nước này cho biết.
Tân Hoa Xã đưa tin Bắc Kinh đang điều tàu và thuê máy bay đến Việt Nam để đưa công dân của họ về nước.

SƠ TÁN NGƯỜI BỊ THƯƠNG

Trong khi đó, 16 người Trung Quốc bị thương nặng cũng đã được sơ tán khỏi Việt Nam vào sáng Chủ nhật ngày 18/5 trên một chuyến bay cứu thương do chính phủ Trung Quốc thuê, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã gửi một phái đoàn công tác đến tỉnh Hà Tĩnh để làm việc với giới chức Việt Nam về kế hoạch sơ tán những người bị thương, theo Tân Hoa Xã.
Đoàn công tác này, do Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Kiến Siêu dẫn đầu, cũng đến bệnh viện ở Hà Tĩnh để thăm các công dân Trung Quốc bị thương.
Theo số liệu từ phía Trung Quốc thì đợt bạo loạn ở Hà Tĩnh đã làm cho 2 công dân Trung Quốc thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương.
Vụ bạo loạn ở Hà Tĩnh xảy ra ở công trường của Tập đoàn Formosa thuộc sở hữu của Đài Loan. Tập đoàn Luyện kim 19 của Trung Quốc là một trong những nhà thầu tham gia xây dựng nhà máy thép cho Formosa ở đây và họ đem theo nhiều công nhân Trung Quốc sang làm việc.
Chuyến bay chở nhân viên của Tập đoàn Luyện kim 19 đã đến sân bay quốc tế Song Lưu ở thành phố Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên vào lúc 5h sáng giờ địa phương ngày 18/5, theo Tân Hoa Xã.
Đích thân ông Trung Miến, phó chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên, đã ra đón đoàn người hồi hương từ Việt Nam.
Trong khi đó, trang chủ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Bảy ngày 17/5 viết: "Bộ Ngoại giao khuyến cáo các công dân Trung Quốc không đi đến Việ́t Nam, các công dân và tổ chức Trung Quốc ở Việt Nam tăng cường nhận thức nguy cơ và củng cố các biện pháp an ninh và tránh rời khỏi nơi cư trú."
Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu cũng yêu cầu các chuyến bay thương mại chờ lệnh để sẵn sàng sơ tán các công dân của họ khỏi Việt Nam nếu tình trạng bạo lực ở đây leo thang, hãng tin Pháp AFP cho biết.
Các hãng hàng không China Airlines và EVA Airways đã sắp xếp thêm các chuyến bay thuê trọn gói đến Việt Nam.

CHẤM DỨT BIỂU TÌNH

Một nhà máy giày của Trung Quốc bị đốt phá ở Bình Dương
Hôm thứ Bảy ngày 17/5, Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi chấm dứt biểu tình.
Giới chức Việt Nam nói ‘các hành động vi phạm pháp luật’ cần phải dừng lại vì chúng ‘làm mất ổn định quốc gia’. Tuy nhiên các nhóm bất đồng chính kiến đã kêu gọi người dân tiếp tục xuống đường tại các thành phố lớn vào ngày 18/5.
Trong những ngày vừa qua những người biểu tình giận dữ đã đốt ít nhất 15 nhà máy của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, Đài Loan và Nam Hàn.
Các phóng viên cho biết các cuộc tấn công này dường như đang làm cho giới chức Việt Nam lo lắng vì nền kinh tế của quốc gia lệ thuộc rất nhiều vào đầu tư nước ngoài.
Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam có những biện pháp mạnh tay hơn để trừng phạt những người bạo loạn.
“Chúng tôi hết sức bất mãn trước việc Việt Nam không thể phản ứng hiệu quả để ngăn chặn bạo loạn leo thang,” Bộ trưởng Công an Trung Quốc Quách Thanh Côn được Tân Hoa Xã dẫn lời nói hôm 17/5.
Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc được châm ngòi bởi động thái của Bắc Kinh đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển đang có tranh chấp với Việt Nam trên Biển Đông.
Bất chấp các cuộc biểu tình ở Việt Nam, Bắc Kinh nói họ vẫn tiếp tục khoan thăm dò ở vùng biển này.
Vụ bạo loạn ở Hà Tĩnh xảy ra ở công trường của Tập đoàn Formosa thuộc sở hữu của Đài Loan. Tập đoàn Luyện kim 19 của Trung Quốc là một trong những nhà thầu tham gia xây dựng nhà máy thép cho Formosa ở đây và họ đem theo nhiều công nhân Trung Quốc sang làm việc.