Trang

28 tháng 4, 2014

Tân TCT Đường bộ: 'Tôi nói ít nhưng sẽ làm nhiều'

BTTD: Hy vọng ông sẽ nói được, làm được.

"Trước khi thi cũng hồi hộp, nhưng tôi thực hiện bài thi tự tin nên đón nhận kết quả không có gì bất ngờ", ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh thanh tra Bộ GTVT chia sẻ với báo chí chiều 28/4.
- Cảm xúc của ông khi biết tin trúng tuyển kỳ thi Tổng cục trưởng Đường bộ?
- Tôi thực hiện bài thi tự tin nên không có gì bất ngờ. 3 chương trình của các ứng viên kia tôi chưa nắm được. Sau này tôi sẽ trực tiếp xem lại các chương trình hành động, những gì phù hợp với chương trình của mình và cần bổ sung, tôi sẽ đưa vào.
- Chương trình hành động ông đưa ra như thế nào?
- Tổng cục Đường bộ có một số lĩnh vực khá tốt, có kinh nghiệm. Tuy nhiên còn một số lĩnh vực như vận tải, an toàn giao thông cũng như công tác thanh tra, kiểm tra mới khởi sắc. Để Tổng cục phát triển cần phải tập trung toàn diện các lĩnh vực, trước hết là công tác điều hành.
Là người đi lên từ cơ sở, tôi đã làm việc với nhiều đơn vị gặp khó khăn và sau một thời gian đều có chuyển biến. Tổng cục Đường bộ giữ chức năng quan trọng nên nếu Tổng cục phát triển,  Bộ Giao thông sẽ mạnh lên, đỡ áp lực ở lĩnh vực đường bộ.
Không thể thay đổi hết cán bộ, nhân viên được mà chủ yếu là cách điều hành, xây dựng quy chế nội bộ, phân trách nhiệm rõ ràng. Đã phân trách nhiệm thì anh có quyền, có trách nhiệm và phải dám làm, dám chịu.
Tôi là con người hành động, tôi nói ít nhưng sẽ làm nhiều.
ong-Huyen-1-1301-1398703756.jpg
Ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh thanh tra Bộ GTVT vừa trúng tuyển kỳ thi tuyển chức danh Tổng cục trưởng Đường bộ. Ảnh: Đ.Loan.
- Tình trạng tiêu cực trong sát hạch cấp giấy phép lái xe sẽ được xử lý như thế nào?
- Để hạn chế tiêu cực, chủ yếu là cách làm. Khi bảo vệ đề án, tôi cho rằng cần phải kiểm tra đột xuất. Tất cả trung tâm sát hạch phải công bố lịch trên mạng để lực lượng thanh tra, kiểm tra biết và giám sát ngay. Nếu mình công bố đến kiểm tra mà thí sinh bỏ về, chúng tôi sẽ kiểm tra ngay trên đường để tránh việc can thiệp của sát hạch viên.
- Còn vấn nạn xe dù bến cóc, tăng giá vé?
- Tôi là người cầm số điện thoại đường dây nóng và đã xử lý rất nhiều trường hợp. Tôi nghĩ số lượng xe không chấp hành không nhiều, khi phát hiện chỉ cần nhắn số xe đến các tỉnh, họ sẽ bị xử lý ngay.
Hiện tổng cục đã giao các tỉnh quy hoạch, điểm nào phù hợp với phân bố dân cư trên tuyến quốc lộ thì tỉnh đề xuất, Bộ sẽ phê duyệt xây dựng các trạm nghỉ, dừng đỗ. Để quản lý, các trạm này sẽ được theo dõi bằng công nghệ cao và dữ liệu được gửi thẳng về Tổng cục Đường bộ.
Trường hợp không hoàn thành chương trình hành động đặt ra, ông sẽ làm gì?
- Bộ đã có quy định với cán bộ quản lý nhà nước tùy theo đánh giá hàng năm đến mức nào thì phải thuyên chuyển công tác.
Với người đứng đầu các cục quản lý nhà nước, theo tôi không nên hứa giống như các đơn vị là công ty hay tổng công ty vì một công trình có thể khẳng định không hoàn thành tiến độ thì anh nên từ chức. Tôi tin những người có trách nhiệm, đã được đánh giá qua thi tuyển như chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật mà Bộ trưởng đưa ra.
- Tới đây, việc thi tuyển lãnh đạo có áp dụng trong Tổng cục?
- Việc thi tuyển có tiếp tục ở các Vụ, Cục khác hay không là quyền của lãnh đạo Bộ nhưng tôi nghĩ Bộ trưởng sẽ tiếp tục với những chức danh có thể thi được. Các đơn vị thuộc Tổng cục, theo tôi Bộ đã làm được thì Tổng cục cũng làm được, vấn đề là có lộ trình phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Huyện (52 tuổi, quê ở huyện Nghĩa Hưng, Nam Định), trình độ chuyên môn là thạc sĩ quản trị kinh doanh, kỹ sư máy xây dựng. Từ tháng 7/2009 đến tháng 8/2012, ông là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Bộ Giao thông Vận tải). Từ tháng 8/2012 đến tháng 2/2013 là Phó chánh thanh tra và từ tháng 3/2013 đến nay là Chánh thanh tra Bộ Giao thông Vận tải.
Đoàn Loan

Đàm phán TPP với Hoa Kỳ, đối tượng khó khăn nhất là Việt Nam

BTTD: Đàm phán và gia nhập TPP là thành công lớn trong quá trình hội nhập  của VN với cộng đồng Quốc tế. Thành công lớn hơn nữa là phong trào "Xã hội dân sự" ở VN có điều kiện đ phát triển hợp pháp.


Ông Trương Đình Tuyển: Đàm phán TPP với Hoa Kỳ, đối tượng khó khăn nhất là Việt Nam

Ông Trương Đình Tuyển

Xây dựng xã hội dân sự là một trong những nội dung đàm phán TPP, cũng là nội dung quan trọng trong cải cách thể chế của nước ta hiện nay.

Sáng nay, 29/4/2014, tại thành phố biển xinh đẹp Hạ Long diễn ra buổi thảo luận cuối cùng của Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2014. Ông Nguyễn Văn Giàu có lời chào mừng đặc biệt đối với sự có mặt của ông Trương Đình Tuyển, người đã không thể tham gia Diễn đàn kinh tế mùa thu năm ngoái. Ông Trương Đình Tuyển sẽ có tham luận trong buổi sáng hôm nay.
Sáng nay, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, làm chủ tọa buổi thảo luận.
Vừa trở về từ Washington DC sau khi đàm phán với Hoa Kỳ về TPP, ông Trương Đình Tuyển thẳng thắn, trong đàm phán TPP với Hoa Kỳ, đối tượng khó khăn nhất chính là Việt Nam chúng ta, do chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế. 

Về xã hội dân sự, Hoa Kỳ cực kỳ coi trọng. Ông Tuyển cho rằng, xã hội dân sự không chỉ tham gia vào quá trình phản biện xây dựng chính sách, mà còn có thể tham gia vào việc tố tụng dân sự. Đó cũng là một điểm mấu chốt trong việc cải cách thể chế của nước ta hiện nay.

Ngoài ra, về luật bản quyền, trong khi Hoa Kỳ chỉ quan tâm đến quyền của chủ thể quyền, không coi trọng lợi ích cộng đồng, Việt Nam thì ngược lại.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, chủ trương bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động,...là những nội dung đàm phán TPP, vẫn là mục tiêu hàng đầu của chúng ta trong thời điểm hiện nay. Việt Nam đang làm mọi cách để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh.

Minh Thư
Theo Trí Thức Trẻ

“chi phí đen” trong cước vận tải

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam - đã có trao đổi với chúng tôi về giá cước vận tải đường bộ khi siết tải trọng xe.

Vừa thực hiện chuyến công tác qua nhiều tỉnh, thành, ông đánh giá thế nào về việc kiểm soát tải trọng xe trong 1 tháng vừa qua?

- Theo tôi, kết quả đạt được bước đầu có thể nói là đáng ghi nhận, xử lý tương đối nghiêm các xe chở quá tải. Không còn cảnh các đoàn xe ngang nhiên chở quá tải trong khi trước họ ngang nhiên, bất chấp. Bây giờ phải đi chui lủi. 

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng triển khai chưa đồng loạt gây ra sự thiếu công bằng. Nơi làm chặt, nơi lỏng. Có trạm kiểm soát cũng chỉ hoạt động theo giờ trong khi xe ô tô đi cả ngày, có dừng nghỉ đêm đâu. 

Kiểm soát tải trọng xe khiến giá cước vận tải tăng lên, liệu có gây một cú sốc cho xã hội?

- Đấy là điều đương nhiên, anh chở đúng tải giá cước sẽ tăng. Lâu nay là giá cước ảo. 
Trước nay sức chở một thì chở đến ba, họ chung chi trên đường mất một thì vẫn được một. 
Nếu muốn vận chuyển rẻ hơn thì anh lựa chọn đi đường sắt, đường sông, đường biển. 
Trước nay giá đường bộ rẻ vì anh chở quá tải, dù chung chi anh vẫn được hưởng lợi. Giờ quay về chở đúng tải, các doanh nghiệp phải ngồi tính lại được giá đúng của nó, các chủ hàng phải tìm đến các phương tiện vận tải khác rẻ hơn để đi chứ không chỉ đổ lên đường bộ.

Lực lượng chức năng tại trạm cân Cần Thơ đang tiến hành kiểm tra tải trọng các phương tiện cơ giới.
Lực lượng chức năng tại trạm cân Cần Thơ đang tiến hành kiểm tra tải trọng các phương tiện cơ giới.
Vậy đâu là giá trị thật của cước vận tải đường bộ?
- Giá trị thật của cước vận tải là xe phải chở đúng tải và không chịu các chi phí bôi trơn. 
Nói giá trị thật của cước vận tải, lâu nay thế giới vẫn công nhận có chi phí đen. 
Thế nhưng khi hạch toán thì không nói được chi phí đen, họ chỉ căn cứ trên hợp đồng vận tải rồi chi phí xăng xe dầu máy, còn chi phí đen ẩn vào những thứ khác. 
Chúng ta cứ nói giá cước vận tải ô tô hiện nay là rẻ nhất nhưng bản chất không phải, vì bao nhiêu chi phí đen ẩn vào trong đó, bây giờ mới trở về giá trị thật. 
Chở đủ tải, hợp đồng rõ ràng phải chặt, chi phí đen bớt đi, giảm hẳn đi mới phản ánh giá trị thật của nó. 

Trong khi ngành vận tải vẫn đang đi tìm giá thật của cước vận tải thì người nông dân đang bị ép giá ở cả vị trí người bán và người mua. Điều này có hợp lý không ?

- Thực tế này là đúng. Trong cuộc chiến chống quá tải này, người yếm thế nhất là bà con nông dân. 
Thương lái bảo cước vận tải cao, tôi chỉ mua hàng với giá này. Vận tải ở giữa lưu thông cũng bảo giá cước thế này mới chạy. 
Người tiêu dùng đương nhiên phải chia sẻ phần chi phí này nhưng họ có nhiều sự lựa chọn. Nếu bán đắt quá tôi sẽ không mua nữa. 
Nhưng bà con nông dân bị nguy hiểm chỗ này, yếm thế nhất. Bà con bảo phải giảm cước vận tải nhưng họ không đồng ý cũng chịu. Người nông dân rõ ràng bị thiệt thòi, vấn đề là bàn tay của Nhà nước ở đây như thế nào? Làm quyết liệt việc chở đúng tải thì giá cước phải tăng. 

Cước tăng tùy theo từng loại hàng, loại hàng có trọng lượng riêng thấp thì giá cước sẽ ổn định, từ trước đến nay ít chở quá tải. 
Còn những hàng hóa có trọng lượng riêng cao như xi măng, sắt thép, hàng nông sản đóng bao có thể xếp được nhiều thì giá cước phải điều chỉnh lại. 
Bây giờ Nhà nước phải điều chỉnh ra sao vì anh không thể bắt chở đúng tải mà giá cước lại thấp. 

Ông nói nhiều đến chung chi, chi phí đen nhưng tại sao các doanh nghiệp vận tải không tố cáo những người “làm luật” như lời kêu gọi của cơ quan chức năng ?


- Vận tải cũng yếm thế trong câu chuyện này. Doanh nghiệp nào, cá nhân nào dám tố cáo? Mình có nghiệp vụ đâu, quay phim chụp ảnh không có, khi tố cáo thì họ xử kiểu vòng vo. Cuối cùng để lại hậu quả là cá nhân, doanh nghiệp nào tố cáo thì chết. 
Một bộ phận lực lượng kiểm soát trên đường làm bậy khiến người dân mất niềm tin. Bây giờ phải đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào, không để CSGT tiếp cận với đối tượng bị xử phạt. 
Họ cũng là con người, thức khuya dậy sớm, làm việc vất vả lại thường xuyên tiếp xúc với cám dỗ. Vậy là hai bên cùng bắt tay nhau để cùng sai. 

Trong cuộc chiến chống quá tải này, năng lực thực thi công vụ của cơ quan chức năng đóng một nhiệm vụ rất lớn. Người lái xe chỉ mong chở đúng tải thì không bị sách nhiễu nữa. 
Có chủ doanh nghiệp nói với tôi, hàng ngày chở quá tải đến khi nhìn thấy lái xe về rồi mới nhẹ cả người vì nếu xảy ra tai nạn thì khốn nạn luôn. Quan trọng nhất là lực lượng thực thi công vụ phải lấy lại niềm tin của người dân. 

Cũng có nguyên nhân khiến tình trạng chở quá tải như hiện nay là do cơ chế của ngành vận tải lộn xộn. 
Vận tải không chịu cạnh tranh nhau về chất lượng dịch vụ, an toàn hàng hóa, phương tiện mà lại đi cạnh tranh nhau bằng giảm giá cước, tăng tải trọng. 
Tôi nói thẳng với anh em là vận tải ô tô bây giờ oải quá. Vừa phải cắm đầu đi năn nỉ chủ hàng để có việc, đi trên đường lại sợ phát run khi lực lượng kiểm soát thổi còi. 

Việc kiểm soát tải trọng đồng loạt đã làm xuất hiện nhiều bất cập như hàng hóa ùn ứ, người nông dân bị ép giá, lái xe phản ứng. Có phải Bộ GTVT chưa chuẩn bị các phát sinh khi đề xướng “cuộc chiến” tải trọng?

- Tôi cảm giác Bộ GTVT chưa lường được việc siết thì ứ đọng hàng hóa, khi đó phải có một phương tiện gì để kết nối. 
Đúng là đường sắt, đường sông không chuyển biến kịp để gây ứ đọng hàng hóa, thành ra cũng gây một cú sốc cho xã hội. 
Chủ hàng thấy đường bộ bị tắc nghĩ đến đường sắt, quay lại liên hệ thì lại bị ông đường sắt nhũng nhẵng không thèm chở. 
Có thời kỳ cước vận tải đường sắt cao hơn đường bộ, nên người ta dồn về đường bộ. Giờ chủ hàng quay trở lại thì lại gây sự với người ta. Nhiệm vụ bây giờ phải giải tỏa được hàng hóa nhưng không thể thỏa hiệp với chở quá tải. 

Xin cảm ơn ông!

Theo Dân Việt

8 đề xuất của doanh nghiệp tại cuộc gặp với Thủ tướng


8 đề xuất của các doanh nghiệp tại cuộc gặp gỡ với Thủ tướng


Sáng 28/4 tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp năm 2014, Chủ tịch VCCI đã thay mặt cộng đồng DN đề xuất 8 vấn đề để tạo ra một chương trình đột phá tạo động lực mới cho GĐ 2014-2015.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, yêu cầu có tính chất sống còn của cộng đồng DN là phải tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Doanh nghiệp Việt Nam phải lớn lên về quy mô, cao hơn về công nghệ, vươn tới các chuẩn mực quốc tế về quản trị để đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra được các thương hiệu và chuỗi giá trị của chính các doanh nghiệp Việt.
Để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ hôm nay, VCCI đã tập hợp và gửi báo cáo lên Thủ tướng 300 kiến nghị cụ thể của cộng đồng Doạnh nghiệp trong cả nước. Cộng đồng DN đề xuất lên Chính phủ 8 vấn đề sau đây.
1. Về hệ thống pháp luật về kinh doanh
Kiến nghị cần tiếp tục đổi mới để đảm bảo quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp.
Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc thành lập, thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh và rút khỏi thị trường.
Đề nghị có biện pháp khuyến khích các đơn vị kinh doanh phi chính thức chuyển thành doanh nghiệp và hoạt động trong khu vực chính thức để đảm bảo minh bạch, bài bản và góp phần tăng nhanh số lượng doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, hướng tới mục tiêu nước ta có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong thời gian tới.
Cần sửa đổi luật đầu tư theo hướng thông thoáng hơn nữa để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của DN trong những ngành nghề pháp luật không cấm.
Đồng thời, đề nghị ban hành Luật quản lý sử dụng vốn Nhà nước vào sản xuất kinh doanh, đảm bảo doanh nghiệp NN chỉ hoạt động trong những ngành nghề cần thiết do NN quy định.
VCCI cũng đề nghị sau khi ban hành luật DN và luật Đầu tư sửa đổi sắp tới, cần tổng rà soát các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của DN. Loại bỏ những văn bản pháp lý chồng chéo, ngăn chặn tình trạng ban hành giấy phép con dưới mọi hình thức.

2. Về chính sách tài khóa
VCCI đề nghị thực hiện phương châm khoan sức cho DN tạo điều kiện cho DN trụ vững và phục hồi trong thời gian 2-3 năm trước mắt.
Theo phương châm này, VCCI đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội rút ngắn lộ trình giảm thuế thu nhập DN xướng 20% với DN lớn và 18% với DN nhỏ và vừa.
Xem xét giảm thuế giá trị gia tăng cho một số ngành hàng.
Rà roát, bãi bỏ các loại phí không còn phù hợp, chuyển một số loại phí thực hiện theo chế độ giá dịch vụ, chấn chỉnh hoạt động thu phí và lệ phí thống nhất.
Thời gian qua, theo phản ánh của các doanh nghiệp, mặc dù nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp có giảm bớt nhưng các loại phí, lệ phí… cộng thêm tình trạng tận thu của cơ quan thuế đã làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của DN.

3. Về chính sách tín dụng
VCCI đề nghị tháo gỡ theo hướng cải thiện điều kiện tiếp cận tín dụng cho DN.
Đề nghị tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay, thực hiện những hình thức vay mới như cho vay theo các chuỗi sản xuất và cho vay cung ứng, mở rộng hình thức cho vay tín chaapos thông qua hệ thống đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp; cho vay theo kế hoạch sản xuất chứ không chỉ dựa vào tải sản thế chấp.
Đề nghị khẩn trương đưa Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa vào hoạt động, phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư tư nhân, quỹ tiên phong.
Chính phủ cũng cần cân nhắc các kế hoạch phát hành trái phiếu để tạo áp lực buộc các ngân hàng phải tìm biện pháp đẩy mạnh cho vay đối với khu vực DN.

4. Về chính sách công nghệ
Đề nghị cần định hướng giúp các DN tạo ra bước bứt phá, đi tắt, đón đầu để đạt tới trình độ công nghệ tiên tiến trong khu vực.
Xây dựng hàng rào công nghệ để đảm bảo lựa chọn công nghệ phù hợp trong thu hút FDI, nhập khẩu công nghệ…
Đẩy mạnh phát triển thị trường công nghệ, gắn kết các viện nghiên cứu, các trường ĐH với các HH doanh nghiệp.
Đề nghị Chính phủ có chính sách cụ thể khuyến khích các DN FDI đầu tư vào công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ và thực hiện chuyển giao công nghệ. Áp dụng các chính sách và điều kiện ưu đãi cho DN trong nước như đang áp dụng với các DN FDI.

5. Chính sách thị trường
Ngoài những hạn chế về quyền kinh doanh của các DN FDI được quy định theo các điều ước quốc tế về mở cửa thị trường; VCCI đề nghị phải đảm bảo trên thực tế sự bình đẳng của khu vực DN nhỏ và vừa tư nhân với các DNNN, các DN lớn và khu vực FDI trong tiếp cận các nguồn lực đất đai, tín dụng, dự án, đầu tư công và mua sắm công.
Đề nghị tăng cường thông tin và tham vấn doanh nghiệp trong tiến trình đàm phán, tham gia các điều ước quốc tế, các hiệp định FTAs.
Đề nghị quan tâm thỏa đáng tới việc bảo vệ thị trường nội địa, thực hiện những biện pháp phòng vệ thương mại cần thiết như  biện pháp chống bán phá giá, quy tắc xuất xứ….
Phải triển khai các biện pháp đồng bộ ngăn chặn gian lận thương mại, chuyển giá, sửa đổi các quy chế mậu dịch tiểu ngạch để ngăn làn sóng hàng nhập lậu.
Đề nghị thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ và ưu đãi thuế, tín dụng, lao động…. theo chuỗi, cụm ngành; thay vì chính sách hỗ trợ từng ngành và Dn riêng lẻ.

6. Về quan hệ lao động
Đề nghị tiếp tục giãn tiến độ tăng tiền lương tối thiếu ít nhất tring hai năm nữa với mức tăng được ấn định tối đa trên cơ sở tỷ lệ lạm phát cộng với tốc độc tăng trưởng GDP hàng nă,, đảm bảo mức tăng tiền lương phù hợp với nhịp độ tăng năng suất lao động và có thể dự tính được để giảm bớt gánh nặng chi phí quá nhanh cho DN.
Đề nghị sửa đổi quy định về thời gian làm thêm đối với người lao động theo hướng tăng từ 200 giờ lên 300 giờ theo thỏa thuận của người lao động và chủ sử dụng lao động.

7. Về cải cách thủ tục hành chính và cải cách tư pháp
Cộng đồng DN đề nghị công bố bộ thủ tục hành chính liên quan đến DN trên cơ sở rà soát, loại bỏ trùng lặp giữa Luật DN, Luật đầu tư và các luật chuyên ngành.
Tiến tới xây dựng Bộ Luật thống nhất về thủ tục hành chính liên quan đến DN. 

8. Về việc tăng cường đối thoại hợp tác giữa các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp, nâng cao vai trò và trách nhiệm của VCCI và các Hiệp hội DN
Cộng đồng DN đề nghị: 
Các cơ quan Chính phủ tập trung vào nhiệm vụ xây dựng và bảo đảm thực hiện thể chế; chuyên giao dần các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư, hỗ trợ phát triển DN và các dịch vụ công cho VCCI và các hiệp hội DN.
Đề nghị giao VCCI chủ trì xây dựng và thực hiện Chương trình nâng cao năng lực các HH doanh nghiệp để tiếp nhận sự chuyển giao này.

Hồng Anh
Theo Trí Thức Trẻ

Hàng chục người giàu nhất Trung Quốc vào tù


Tạp chí chuyên nghiên cứu về người giàu Trung Quốc Hurun vừa ra số đặc biệt cho biết, 27 nhân vật từng lọt vào danh sách những người giàu nhất Trung Quốc đã lâm vào cảnh tù tội trong 15 năm qua.

Theo Hurun, hơn một nửa trong số 27 tỷ phú Trung Quốc phải vào tù có độ tuổi từ 40 đến 49 và phần lớn bị khép tội tham nhũng, hối lộ, biển thủ hoặc vi phạm nguyên tắc điều hành doanh nghiệp.

Độ tuổi trung bình khi các tỷ phú ngồi tù là 46, đại đa số bị kết án ít nhất 10 năm tù giam. 27 tỷ phú trên chỉ là một phần nhỏ trong số 2.188 doanh nhân lọt vào danh sách những người giàu nhất Trung Quốc giai đoạn 1999-2013.

Ông Fan Wen, một nhà nghiên cứu của Hurun nói rằng, tất cả những người giàu rơi vào vòng lao lý đều phạm tội khi đang trên giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp. Liu Ling, một quan chức tư pháp Trung Quốc, nói phần lớn các doanh nhân là chủ doanh nghiệp đã gây dựng gia sản từ tay trắng.

27 tỷ phú đang phải “bóc lịch” đã phạm tổng cộng 65 tội danh, chủ yếu liên quan việc hối lộ. Ông Liu cho biết, những nhân vật này giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị doanh nghiệp, thường hối lộ quan chức chính phủ nhằm đạt được lợi nhuận. Họ cũng thường lợi dụng lợi thế chức vụ để chuyển tài sản của công ty sang mục đích sử dụng cá nhân.

Theo Tuần báo Kinh tế Trung Quốc ở Bắc Kinh, hàng loạt nhân vật giàu có trong ngành công nghiệp năng lượng ở tỉnh Sơn Tây (miền bắc Trung Quốc) đang phải đối mặt một thời kỳ nguy hiểm, do công việc kinh doanh đình trệ, tình trạng bấp bênh của chuỗi bảo hiểm và mối liên hệ giữa họ với các quan chức tham nhũng.

Chỉ riêng trong tháng 4/2013, trong số 22 người giàu ở Sơn Tây có mặt trong danh sách người giàu 2013 của Hurun, đã có 7 người lâm vào khủng hoảng tài chính hoặc bị cơ quan công quyền điều tra về tội tham nhũng.

Đứng đầu nhóm nhân vật giàu có ở tỉnh Sơn Tây là Li Zhaohui, Chủ tịch Tập đoàn Sắt thép Haixin Sơn Tây, với tổng tài sản gia đình lên tới 8 tỷ nhân dân tệ (1,3 tỷ USD). Tuy nhiên, hiện nay, Cty của Li không thể thanh toán khoản nợ quá hạn 3 tỷ nhân dân tệ (480,6 triệu USD). Xing Libin, Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng Liansheng Sơn Tây, cũng đang trong cảnh lao đao.

Tháng 11/2013, Tập đoàn Năng lượng Liansheng Sơn Tây phải nộp hồ sơ xin tái cơ cấu với hy vọng ngăn được nguy cơ phá sản. Năm ngoái, tập đoàn này được cho là có tổng tài sản 60 tỷ nhân dân tệ (9,6 tỷ USD), nhưng Tuần báo Kinh tế Trung Quốc đánh giá tài sản của tập đoàn này chỉ khoảng 27 tỷ nhân dân tệ (4,3 tỷ USD).

Tỷ phú Xing Libin nổi tiếng về thói phung phí, chơi ngông từng chi hơn 70 triệu nhân dân tệ (11,2 triệu USD) tổ chức đám cưới linh đình cho cô con gái cưng vào tháng 3/2012. Xing mời hàng loạt ngôi sao tới dự đám cưới, thậm chí thuê 3 chiếc máy bay chở khách xuống thành phố du lịch Tam Á (tỉnh Hải Nam) để cử hành hôn lễ.

Thói vung tiền không tiếc tay của Xing đã thu hút sự chú ý của chính quyền địa phương ở thành phố Luliang, nơi Tập đoàn Năng lượng Liansheng Sơn Tây đặt trụ sở. Xing bị cơ quan chức năng Trung Quốc điều tra từ tháng 3/2014.

Theo Thục Ninh
Tiền Phong

Thủ tướng: “Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin lỗi nhân dân”


BTTD: Cũng là một tiến bộ. Còn "văn hóa từ chức" thì sao?

(Dân trí) - Lắng nghe và xem xét hơn 300 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng chia sẻ, làm lãnh đạo doanh nghiệp vô cùng khó và để tình trạng cấp cơ sở gây khó khăn cho doanh nghiệp, Thủ tướng nói: "Tôi xin lỗi nhân dân".

 >> Thủ tướng: "Tay không bắt giặc làm sao vay được vốn!"

Thủ tướng:
Thủ tướng: "Tôi mong mỗi doanh nghiệp xây dựng được văn hóa của mình" (Ảnh: VGP).
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:


Hội trường lớn của Trung tâm Hội nghị quốc tế ngày 28/4 chật kín không còn trống một chỗ ngồi. Hàng trăm đại biểu từ các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp trong cả nước đổ về tham dự “Thủ tướng và doanh nghiệp 2014” – tại đây, các thành viên Chính phủ sẽ lắng nghe doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc và đưa ra những kiến nghị cho cơ quan điều hành.

Còn về phía các doanh nghiệp, nói như bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, “đến đây không phải để nghe thành tích mà để có được cách giải quyết vướng mắc”.
Theo phản ánh của bà Cúc, mặc dù Tổng cục Thuế đã có tuyên ngôn về người nộp thuế rất rõ ràng, nhưng “càng xuống dưới nhiệt huyết càng mất đi” và trong việc tháo gỡ chính sách về thuế thì việc “tiếp tục tinh thần lãnh đạo ngành rất khó khăn”.

Hay như trong chuyện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, có những doanh nghiệp suốt ngày phải mất thời gian tiếp các đoàn thanh tra với cùng một nội dung. Trong khi đó, tư tưởng chung của cơ quan thanh tra, kiểm tra là cứ phải phát triển ra được sai sót và phải thu được tiền về.

Trước phản ánh này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói, “Tôi nghe Hội tư vấn thuế nói, tôi rất sốt ruột. Bây giờ nộp thuế mà cũng khó khăn quá”. 

Trước hàng trăm đại diện của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam, Thủ tướng chia sẻ: “Tôi thực sự xin lỗi. Là người đứng đầu Chính phủ, tôi cũng xin lỗi nhân dân. Bây giờ tôi nghe nói như thế, quyết tâm trên này hăng hái như thế, đi càng xuống càng giảm, tới nhân viên thành như không có chuyện gì xảy ra”. 

Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ trăn trở, “Bây giờ như thế, doanh nghiệp sẽ như thế nào, khi mà đây là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế?”.

Trong Hội nghị này, vướng mắc nộp thuế chỉ là một trong hàng loạt các vấn đề được phía doanh nghiệp đưa ra. Hơn 300 kiến nghị đã được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp trình lên Chính phủ và gửi tới các Bộ ngành, các cơ quan hữu quan.

(Ảnh: VGP).
(Ảnh: VGP).

Làm doanh nghiệp khó lắm!

Qua lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng đánh giá, có một nội dung mà Chính phủ đang tập trung chỉ đạo, là cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính. “Bây giờ chúng tôi nghiêm túc nhìn nhận, thấy đúng là có một bước tiến dài nhưng thủ tục hành chính vẫn còn cản trở, gây khó khăn cho cộng động doanh nghiệp. Đây là trách nhiệm của Chính phủ”.

Lấy ví dụ về thủ tục thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh, Thủ tướng khẳng định, Hiến pháp là đạo luật cao nhất và Luật doanh nghiệp đã nêu rõ, doanh nghiệp được kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Thế nhưng trong thực tế, thủ tục quá nhiều.

“Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo từ 15 ngày đã rút xuống còn 3,5 ngày, nhưng có thể nhanh hơn nữa được không?”, người đứng đầu Chính phủ đặt vấn đề.

Bên cạnh đó là tình trạng không công bằng trong thủ tục đất đai, trong kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp dù là đúng pháp luật nhưng gây phiền hà. Thủ tướng nói, “có khi do không phải thủ tục mà do đạo đức, phẩm chất của cán bộ công chức”.

Thông cảm với những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, Thủ tướng nói: “Cũng có lần tôi nói rất chân thành, rằng, bây giờ phân công tôi làm Thủ tướng, tôi nghiêm túc chấp hành, sẵn sàng làm chứ phân công tôi làm doanh nghiệp là tôi từ chối. Làm không được đâu! Tôi nói như thế để biết là các anh, chị làm Chủ tịch, Tổng giám đốc doanh nghiệp là khó lắm”.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng gửi gắm, muốn thành công trong điều kiện cạnh tranh quyết liệt như thế này thì năng lực quản trị của doanh nghiệp phải được nâng lên, phải áp dụng khoa học kỹ thuật và nâng cao năng suất lao động.

“Tôi cũng mong mỗi doanh nghiệp xây dựng được văn hóa của mình. Trước hết là quan hệ với người lao động trong doanh nghiệp, cố gắng đóng bảo hiểm ngoài tiền lương theo quy định cho công nhân, coi như một nhà chung sức với nhau để phát triển, cùng có lợi”, Thủ tướng nói.

Đối với xã hội, doanh nghiệp nào có điều kiện thì đóng góp xóa đói giảm nghèo, từ thiện. Đối với đất nước phải thực hiện đúng luật thuế. 

Thông qua đàm phán các Hiệp định thương mại, Chính phủ đang nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp, tuy nhiên, theo Thủ tướng, bản thân doanh nghiệp cũng phải biết giữ thị trường và phải đoàn kết với nhau.

“Nếu buôn không có bạn, bán không có phường, cạnh tranh với nhau làm sao mà tồn tại được. Cá tra, cá basa, rồi tôm… cạnh tranh nhau rồi chính chúng ta phá nhau”.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp vươn lên nhưng không còn cách nào khác là doanh nghiệp phải tự vươn lên. Chẳng hạn trong sản xuất, kinh doanh đường, nếu nhà máy không cải thiện năng suất, không cải tiến công nghệ để hạ giá thành thì không thể cạnh tranh được với đường nhập khẩu. Chính phủ chỉ có thể hỗ trợ chứ không thể đưa luật ra “ngăn sông cấm chợ” bảo hộ cho doanh nghiệp.

Bích Diệp

Dân chấm điểm: Quảng Bình gây ngạc nhiên, Bắc Giang đội sổ


- Nhiều địa phương thăng hạng mạnh vài chục lần, không ít địa phương tụt hạng mạnh cũng đến vài chục lần dựa trên điểm chấm của người dân thông qua chính trải nghiệm của họ.
PAPI 2013 (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) công bố sáng 2/4 cho thấy những cuộc hoán đổi nổi bật.
Quảng Bình gây ngạc nhiên khi năm nay trở thành địa phương duy nhất nằm trong nhóm tỉnh/thành phố đạt điểm cao nhất ở cả 6 nội dung khảo sát: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công.
Có những địa phương thăng hạng mạnh vài chục lần như Trà Vinh (từ 60 lên 26), Khánh Hòa (từ 63 lên 34), Bình Thuận (từ 49 lên 20)... hay giảm mạnh như Hà Nam (từ 11 xuống 49), Bình Phước (từ 22 xuống 59), Lâm Đồng (từ 26 xuống 50)... Bắc Giang đội sổ, thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất ở cả 6 chỉ số nội dung.
PAPI, cải cách hành chính, tham nhũng
Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Tây Bắc Lê Văn Lân tỏ ra hơi buồn khi 9/14 tỉnh Tây Bắc nằm ở nửa cuối của 63 tỉnh trong khảo sát của PAPI 2013. 
Ông Lân nêu một loạt điểm yếu của họ như trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ công chức hạn chế, địa hình Tây Bắc hiểm trở, đi lại khó khăn, kinh tế xã hội kém phát triển, dân trí thấp không đủ khả năng nắm bắt tình hình, không đủ khả năng đánh giá hoạt động của chính quyền và các tổ chức cung cấp dịch vụ công....
Ông dẫn một ví dụ muốn công khai minh bạch thì phải có hệ thống máy móc thông tin điện tử nhưng miền núi thì khó khăn về cơ sở vật chất.
Một đại diện từ Bộ Giáo dục - Đào tạo lại cho rằng vấn đề dân trí thấp khó có thể là thước đo. 
Theo bà, chất lượng quản trị, dịch vụ công là vấn đề từ phía các cơ quan hành chính, người dân là đối tượng thụ hưởng chất lượng dịch vụ công, khó có thể cho rằng dân không thể đánh giá được chính quyền tốt hay chưa tốt vì dân trí của họ thấp.
Đã là trải nghiệm thực tế thì thực tế cũng luôn thay đổi. Nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu PAPI có nhắc rằng "người dân không thể đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công nếu họ không trải nghiệm từ thực tế trong quá trình tương tác với chính quyền các cấp và sử dụng dịch vụ công', đánh giá của người dân hoàn toàn dựa trên bối cảnh thực tiễn....
Tính đặc thù địa bàn chính là điều đòi hỏi chính quyền phải sáng tạo trong quản trị, 63 tỉnh/thành ở Việt Nam khác biệt nhau bởi các đặc thù khác nhau, dù yếu tố mặt bằng về kinh tế xã hội có tác động chi phối nhất định. 
Bởi vậy, một cán bộ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã không khỏi tò mò bí quyết quản trị nào khiến một địa phương như Quảng Bình có mức kinh tế trung bình được người dân "ưng", "ghi điểm" cho họ trong những vấn đề nêu trên khá đồng đều như vậy. 
Ông cũng lưu ý câu chuyện của Đà Nẵng từ con số 0 nỗ lực để như ngày nay và luôn duy trì hạng cao rất đáng để các địa phương tham khảo.
TS Nguyễn Quang Du, giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam nhắc đến PAPI như một "tấm gương soi", có thể giúp các lãnh đạo địa phương tự điều chỉnh hoạt động, đổi mới, cải cách bộ máy để có chính sách tốt.
Dân giảm quyết tâm chống tham nhũng
Năm 2013, người dân có xu hướng đánh giá những nỗ lực kiểm soát tham nhũng ở địa phương cao hơn so với 2 năm trước. Hai tỉnh Long An và Tiền Giang đạt điểm cao nhất ở trục nội dung này. Tiền Giang cũng đứng đầu toàn quốc ở hai chỉ số thành phần: kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương và công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công.  Trong khi đó, Long An đứng đầu toàn quốc về kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công...
Người dân được hỏi trên phạm vi toàn quốc dường như ít thấy sự thay đổi trong hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong hai lĩnh vực y tế và giáo dục công trong năm 2013 so với hai năm trước.
Kết quả điều tra cũng ghi nhận khả năng chịu đựng sự vòi vĩnh của cán bộ, công chức đối với người dân dường như gia tăng qua thời gian, trung bình toàn quốc, mức tiền tăng từ 5,11 triệu đồng năm 2012 lên 8,18 triệu đồng năm 2013.
Đáng chú ý là đánh giá quyết tâm từ phía người dân trong phòng, chống tham nhũng có xu hướng giảm dần. Theo PAPI, đây là dấu hiệu không mấy tích cực đối với hiệu quả quản trị ở cấp quốc gia và địa phương.
Ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, tệ nạn ma túy đã vượt qua nỗi lo tham nhũng, việc làm, thu nhập... để trở thành 3 trong số những vấn đề kinh tế - xã hội đáng quan ngại nhất, theo khảo sát của PAPI 2013. Cùng nhóm đáng quan ngại nhất còn có an toàn thực phẩm, chất lượng y tế, giáo dục, giá cả sinh hoạt.
Linh Thư