Trang

27 tháng 4, 2014

Cải cách thể chế kinh tế: “Lần này nói để làm”?

BTTD: Nói quá nhiều rồi, làm thì cứ... tà tà...

Nói để thống nhất nhận thức, để hành động đó là quan điểm của nhiều khách mời, khi đến với Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014...

Cải cách thể chế kinh tế: “Lần này nói để làm”
Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013 tại Huế.

In
Đổi mới thể chế kinh tế đặt ra từ nhiều năm và hiện nay được xem như “một đột phá chiến lược” nhưng chưa mang lại kết quả như mong muốn.

Nhận xét trên đây của TS.Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM cũng nằm trong sự sốt ruột của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và chuyên gia kinh tế khác.

Vì sao ì ạch?

Trả lời phỏng vấn VnEconomy mới đây, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường không thể nói là đã có đột phá và mang lại kết quả như mong muốn, còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ.

Và đó cũng là lý do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chọn chủ đề “Động lực phát triển mới từ cải cách thể chế” cho Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014 sẽ diễn ra ở thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) trong hai ngày 28 và 29 tới đây.

Tuy nhiên, không phải đến tận diễn đàn này, các nguyên nhân của sự ì ạch trong cải cách thể chế kinh tế mới được mổ xẻ.

Vào tháng Tư năm ngoái, ở Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận định rằng không có điểm mới đáng kể nào trong thực tiễn kinh tế từ 2007 đến 2013 ngoại trừ xu hướng xấu đi của tình hình.

Tại sao suốt mấy năm trời, đã không có một nỗ lực cải cách thực sự nào được thực thi? Phải chăng động lực và năng lực cải cách của nền kinh tế đã bị suy yếu nghiêm trọng? Đó là những câu hỏi đã được ông Thiên mong sẽ có câu trả lời.

Và cũng đã có những câu trả lời ngay tại đó.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới, cựu thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng, chuyên gia Võ Đại Lược cho rằng, căn nguyên cơ bản nhất của sự ì ạch trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chính là "tồn kho thể chế", khi có quá nhiều thể chế lạc hậu không được sửa.

Cùng với nhiều vị chuyên gia cao niên khác, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng kiên trì đề nghị phải tiến hành mạnh mẽ việc cải cách thể chế, trước hết để phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế.

Ông Doanh khi đó còn thẳng thắn nói rằng, không chỉ Chính phủ mà Quốc hội cũng có một phần trách nhiệm để tình trạng đầu tư công - một trong ba trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế - đã bị lạm dụng, gây lãng phí, tham nhũng nghiêm trọng, kéo dài, trở thành công cụ cho tư duy nhiệm kỳ bất chính kéo dài.

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì lực cản rất trực tiếp đối với cải cách thể chế chính là nhóm lợi ích hình thành từ thế lực “kinh khủng” của doanh nghiệp nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh - người đang rất nỗ lực “nhen lửa” cho cải cách - cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp nhà nước là một nút thắt dứt khoát phải làm khi cải cách thể chế kinh tế.

Thực ra, khuyến nghị tháo “nút thắt” này đã liên tục được đưa ra từ nhiều năm nay. Khoảng nửa năm trước đây, trong một bài viết có tựa đề “khơi thông những nút thắt thể chế để phục hồi tăng trưởng” nhóm tác giả thuộc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định, trong 3 thập kỷ qua, việc thiết kế các thể chế nhằm chỉ rõ ai là chủ đích thực và chịu trách nhiệm cuối cùng về hiệu quả quản lý phần vốn của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thể thành công.

“Những nỗ lực cải cách thể chế nửa vời, những quyết tâm cải cách thể chế bị trì hoãn, và những cơ hội cải cách thể chế bị bỏ lỡ, tất cả cùng nhau làm cho những vấn đề thể chế cơ bản của đất nước chưa bao giờ được giải quyết một cách dứt khoát và đến tận cùng. Hệ quả là dường như Việt Nam đang trở lại điểm xuất phát với những nan đề cải cách của thời kỳ trước Đổi mới”, nhóm tác giả Fulbright viết.

Không phải nói để mà nói

Nhân tố nào đang kìm hãm sự phát triển hiện nay? Từng hơn một lần nêu câu hỏi này trong các cuộc bàn thảo về cải cách thể chế, song Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh “lần này nói ra để mà làm chứ không phải nói để mà nói”.

Chia sẻ quan điểm của Bộ trưởng, Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân lần này, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cũng sẽ có một số kiến nghị cụ thể, “gạch đầu dòng” các hành động cần làm và “có thể làm được” để cải cách thể chế không còn chỉ là thông điệp, nghị quyết mà đi vào thực tế cuộc sống.

Dù chưa được đặt vào tâm điểm của các phiên thảo luận, song từ các tham luận được gửi tới diễn đàn, các “gạch đầu dòng”cũng đã khá chụm.

Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách (sửa đổi), Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp… những dự án luật đã, đang và sẽ được Quốc hội xem xét, được kỳ vọng là sẽ tạo ra nhiều dư địa cho cải cách môi trường kinh doanh và quản lý túi tiền quốc gia đang còn rất eo hẹp được nhắc đến không chỉ ở một bản tham luận.

Vẫn tập trung vào các vấn đề không mới như phân bổ nguồn lực, môi trường kinh doanh, phân cấp… nhưng các phân tích và đặc biệt là các khuyến nghị đã được đặt trong bối cảnh mới, theo thông tin từ ban tổ chức diễn đàn.

“Chúng ta có nhiều nghị quyết về công nghiệp hóa và không có nghị quyết nào về bất động sản nhưng công nghiệp hóa thì không đạt mục tiêu trong khi đầu cơ bất động sản vượt xa nhu cầu, trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Phải cải cách hệ thống động lực, có chế tài thì đất nước mới phát triển theo đúng hướng: nâng cao trình độ khoa học-công nghệ, sáng tạo”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói với VnEconomy.

Nêu rõ quan điểm cải cách thể chế cần có bước đi phù hợp, nhưng phải đặt trong mối quan hệ hệ thống: việc làm trước phải mở đường cho việc làm sau, chứ không tạo ra xung đột pháp lý và mâu thuẫn chính sách, “ông nghị” Trần Du Lịch cho biết, những đề xuất, kiến nghị tại tham luận của ông nhất quán quan điểm này, song rất cụ thể và rõ ràng.

Nói để thống nhất nhận thức, để hành động, chứ không phải nói chỉ để nói, đó là quan điểm của nhiều khách mời, khi đến với Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014.

Miệng nói dân chủ nhưng làm theo lối “quan chủ”


BTTD: Thực tế ở VN  chỉ có "quan chủ" chứ chưa có "dân chủ"

TT - Đó là một trong những lưu ý cần phải hết sức tránh đã được Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh tại chương trình truyền hình trực tiếp “Lắng nghe và trao đổi” với chủ đề “Thái độ, ý thức, tinh thần phục vụ nhân dân: tiếng nói của cán bộ công chức trẻ” diễn ra sáng chủ nhật 27-4, do Thường trực HĐND TP phối hợp với Đài truyền hình TP tổ chức.

Bà Tâm nhắc lại lời dạy của Bác Hồ là phải thấu hiểu người dân để từ đó chăm lo cho dân, nâng cao dân trí và cần đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân hiểu được pháp luật nhằm phát huy dân chủ.
Bà Tâm nhấn mạnh muốn phát huy dân chủ trong khi người dân không am hiểu pháp luật và không được giải thích tận tình thì điều mong muốn này cũng không đến được với người dân. Bà Tâm nói tiếp: không thấu hiểu (dân), Bác Hồ gọi đó là bệnh quan liêu. Không hiểu dân, không chịu khó tuyên truyền, không chịu khó giải thích, chính vì vậy mà dẫn đến chuyện miệng thì nói dân chủ nhưng làm thì theo lối “quan chủ”.
Tại chương trình, bà Tâm chất vấn: Sở Xây dựng TP nhận được nhiều lời khen trong thời gian qua nhưng cử tri hay nói ở sở này và các bộ phận có liên quan “ngâm hồ sơ”. “Không biết tình trạng này có nhiều không, tôi nghe bà con phản ảnh khá nhiều, cử tri không nói là làm chậm mà nói là ngâm hồ sơ” - bà Tâm hỏi. Ông Nguyễn Tiến Hưởng - giám đốc Trung tâm thông tin và dịch vụ xây dựng Sở Xây dựng TP - đáp lời: sở rất quyết liệt trong cải cách hành chính, đã có nhiều tiến bộ, đặc biệt là ý thức phục vụ của cán bộ, công chức đã có nhiều chuyển biến rõ rệt...
Nghe ông Hưởng liệt kê nhiều giải pháp phục vụ dân đã làm, bà Tâm hỏi tiếp: những giải pháp đó nhằm giúp cho cán bộ, công chức nâng cao trách nhiệm của mình nhưng vì sao người dân vẫn còn phàn nàn nhiều vậy? Đáp lời, ông Hưởng nói có nhiều kết quả đạt được, tuy nhiên khi nhìn lại thì chính bản thân ông thấy rằng cũng còn đâu đó những trường hợp mà người dân phải đi lên đi xuống nhiều lần để có thể nộp được hồ sơ. Bà Tâm cho rằng có thể nhũng nhiễu ở giai đoạn trước hẹn (trả hồ sơ), ví dụ như người dân mang hồ sơ đến nộp thì được hướng dẫn mang về để hoàn thiện và sau đó lại tiếp tục hướng dẫn hoàn thiện nữa, cứ như vậy làm người dân rất ngán ngại. “Ở Sở Xây dựng TP còn tình trạng này không?”, trả lời câu hỏi của bà Tâm, ông Hưởng đáp: “Theo tôi nhận thấy là vẫn còn” và ông cũng giải thích nhiều lý do của tình trạng này.
Trong khi đó, sau khi nghe lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh nói nhiều về những nỗ lực và kết quả mang lại sự hài lòng của người dân, ông Huỳnh Công Hùng - trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND TP - đặt vấn đề: Ở huyện này, khâu tiếp nhận và trả hồ sơ thì tốt, tỉ lệ người dân hài lòng trên 70% nhưng khi gặp lại bà con thì vẫn còn những phàn nàn như chờ đợi lâu, không đúng hẹn, đòi bổ sung giấy tờ, hướng dẫn không rõ ràng, phải sửa đổi nhiều lần, hướng dẫn không thống nhất. Như vậy đánh giá về chỉ số hài lòng có vấn đề, hình thức không?
QUỐC THANH

Giáo duc VN: Giáo sư Toán giải bài toán lớp 6 mất 1 tiếng


Giáo sư Toán: “Tôi mất 1 tiếng để giải bài toán lớp 6”

(Dân trí) - Giáo sư Đỗ Đức Thái, Trưởng khoa Toán trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã chia sẻ như vậy về chương trình dạy học phổ thông hiện nay tại hội thảo “Đổi mới chương trình đào tạo giáo viên” do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vừa tổ chức.

Tại hội thảo diễn ra cuối tuần qua, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (SP HN) đã đề xuất đổi mới chương trình đào tạo bởi thực trạng chương trình đào tạo của Trường ĐH SP HN hiện nay, theo ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường, chương trình đào tạo vẫn mang nặng tính kinh nghiệm; Chưa xác định được chương trình cốt lõi để đào tạo giáo viên dẫn đến sự nặng nề trong kiến thức hàn lâm; Chưa có cấu trúc hợp lý giữa chương trình cơ bản và chương trình nghiệp vụ; Chương trình nghiệp vụ sư phạm vẫn còn mang tính hàn lâm, giáo điều; chưa đề cập đến năng lực dạy học tích hợp và phân hóa…
Lãnh đạo Trường ĐH SP HN cho biết, giáo dục phổ thông nước nhà đã trải qua 3 cuộc cải cách giáo dục (vào các năm 1950, 1956 và 1979) nhưng chưa có cuộc đổi mới cơ bản nào trong đào tạo ở các trường đại học. Do vậy, Trường ĐH SP HN xây dựng chương trình đào tạo giáo viên sẽ được chia làm ba bộ phận: Môn chung, chuyên môn và nghiệp vụ. Môn chung sẽ bao gồm những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng Đảng Cộng sản Việt Nam, Ngoại ngữ. Đối với Ngoại ngữ sẽ bố trí học theo trình độ thay vì xếp lớp học theo khoa như hiện nay. Các môn chuyên môn sẽ theo các ngành học, không chỉ đơn ngành mà có thể các môn học đáp ứng cho tích hợp các ngành: Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội, Tin và Công nghệ; chương trình nghiệp vụ sư phạm bao gồm cả kiểm tra, đánh giá và quản lý.
Quá trình đào tạo giáo viên (về chuyên ngành Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội, Tin học, Công nghệ), sinh viên (SV) có thể thực tập ở trường THCS nhằm thực hiện việc giáo dục và thực hành giảng dạy tích hợp. Trong giai đoạn này SV cần 90 tín chỉ, có thể được cấp bằng cao đẳng khi kết thúc phần này.
Sau đó, SV sẽ được tiếp tục đào tạo để dạy phân hóa (Chuyên ngành và giáo dục) với mục tiêu hướng đến có thể đứng lớp ở bậc THPT. SV sẽ được đào tạo để dạy phân hóa theo chuyên môn của từng môn học ở THPT. Yêu cầu, SV phải đạt được mỗi chuyên ngành mà mình chọn lựa phải phù hợp và được trang bị kiến thức về ngành học, có các năng lực chuyên biệt để vận dụng trong giảng dạy. Để tốt nghiệp, SV dù bằng hình thức thi hay luận văn phải có thi giảng trực tiếp, hoàn thành phần này SV cần 60 tín chỉ. SV đạt chuẩn sẽ được cấp bằng đại học. Như vậy, tổng số tín chỉ đào tạo giáo viên là 150.
Với các ngành đào tạo chuyên biệt: Sư phạm Toán, Sư phạm Ngữ văn, Tâm lý giáo dục, Giáo dục quốc phòng - An ninh, Sư phạm tiếng Anh, Sư phạm tiếng Pháp, Sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học, Giáo dục đặc biệt, Quản lý giáo dục, Sư phạm Triết học, Giáo dục công dân. Chương trình đào tạo này sẽ được sắp xếp lại và theo đó tiến trình cũng thay đổi để đáp ứng chuẩn đầu ra của đối tượng giáo viên là THCS. Tổng số tín chỉ nhóm này được đề xuất tối thiểu là 135 tín chỉ.
 
Để tốt nghiệp đại học sư phạm, sinh viên phải học 150 tín chỉ
Để tốt nghiệp đại học sư phạm, sinh viên phải học 150 tín chỉ.
 
“Con gà có trước hay quả trứng có trước”
Nhiều ý kiến tại hội thảo không đồng tình với vấn đề cấp bằng cao đẳng cho những SV học đủ tín chỉ ra dạy THCS. Ông Lê Tự Hải - Trưởng khoa Hóa ĐH SP Đà Nẵng cho rằng: “Đào tạo giáo viên THCS phải có chương trình riêng, đi từ đầu đến cuối. Không thể đang đi một chương trình, đến nửa đường dừng lại được. Bên cạnh đó, trao quyền lựa chọn cho người học cũng gây hiệu ứng tâm lý không tốt đối với sinh viên. Nhiều em nghĩ rằng, học không được thì dừng lại, xuống dạy THCS”.
Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Quang Sơn - Trường ĐH SP Đà Nẵng, cũng không đồng ý trên con đường đào tạo giáo viên THPT lại cắt khúc để cho ra giáo viên THCS bởi đây là hai việc khác nhau, không thể chung được.
“Muốn đào tạo giáo viên một số môn mới tích hợp ở THCS thì cần phải xây dựng chương trình đào tạo mới. Trong điều kiện kinh tế khó khăn thì thời gian đào tạo sư phạm 4 năm là phù hợp. Tuy nhiên, đào tạo giáo viên phải có 3 khúc, khúc 1 là đào tạo trường học, khúc 2 là nhập nghề (dạy thực tập ở các trường) và khúc 3 bồi dưỡng chuyên môn” - ông Sơn cho hay.
Ví dụ về chương trình dạy học hiện nay, GS Đỗ Đức Thái - Trưởng khoa Toán trường ĐH SP HN cho rằng: “Quyển sách giáo khoa toán ở phổ thông hiện nay quá mỏng là một “thảm họa”. Việc quá mỏng ấy, trong giới chuyên môn với nhau nói rằng đó là đánh lừa thiên hạ. Ở trong đấy không có cơ hội tạo ra môi trường trải nghiệm hình thành và kiến tạo kiến thức. Con tôi đang học lớp 6, tôi biết rất rõ, trong vòng 1 tiết lên lớp (45 phút), cô giáo phải dạy cái gì? Cụ thể, dạy mặt phẳng tọa độ, cách xác định 1 điểm trên mặt phẳng tọa độ, cho 1 điểm đi 2 tọa độ, cho 2 tọa độ tìm ra điểm, đồ thị hàm số… những khái niệm khó như thế, tôi dạy con tôi toát mồ hôi, mất 1 tiếng đồng hồ mà chỉ có 1 thầy, 1 trò. Tôi là giáo sư nhưng cũng là một thợ đứng lớp nổi tiếng về luyện thi mà tôi còn phải mất 1 tiếng đồng hồ để giải bài toán lớp 6. Thế nên, chúng ta đừng nghĩ là chúng ta có ít giờ là tốt, ít đến mức vừa phải thôi. Nếu chúng ta cắt tín chỉ đi nhiều quá, chúng ta không làm việc được".
Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, ĐH SP - ĐH Huế chia sẻ: “Mục đích của các trường đại học sư phạm là đào tạo giáo viên cho các trường phổ thông, vì vậy khi xây dựng chương trình phải có hình bóng, cấu trúc của chương trình phổ thông. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải có chương trình sách giáo khoa, cấu trúc năng lực và chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông thì mới có thể tạo ra một mô hình đào tạo sư phạm. Vấn đề cần đặt ra hiện nay đúng là "Con gà có trước hay quả trứng có trước". Do vậy, đề án đổi mới đào tạo trong các trường sư phạm cần phải dài hơi hơn, phải có điểm nhìn vượt thời gian, phát hiện được xu hướng phát triển theo hướng phân hóa, tích hợp, đặt người học làm trung tâm”.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, xây dựng chương trình đào tạo là quyền của các trường sư phạm, Bộ chỉ làm chức năng định hướng trong công tác này.
Ông Hiển yêu cầu đặt ra cho xây dựng chương trình đào tạo trong các trường sư phạm là phải đáp ứng tính linh hoạt và mang hướng mở; trong đó lại phải vừa mang tính tích hợp cao, vừa phân hóa; Đồng thời chương trình cũng phải đáp ứng liên thông cả CĐ và ĐH.
“Sản phẩm của chương trình là người giáo viên phải đạt chuẩn nghề nghiệp. Giáo viên đào tạo theo chương trình đã được đổi mới không phải chỉ dạy 1 chương trình mà phải có năng lực dạy học tích hợp, phân hóa, dạy được nhiều chương trình theo yêu cầu của thực tiễn giáo dục trong suốt sự nghiệp của mình” - Thứ trưởng Hiển chia sẻ.
Hồng Hạnh

Kinh tế:Hai sức ép cải cách mới

 Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tin tưởng, nếu như hệ thống chính “khoan sức”, môi trường thông thoáng, bình đẳng, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ lớn và đủ sức dẫn dắt nền kinh tế.
Trước thềm Hội nghị Thủ tướng đối thoại với DN dân doanh diễn ra hôm 28/4, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam bày tỏ, Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là một tín hiệu tích cực, mang lại niềm tin cho DN.
doanh-nghiệp, VCCI, tăng-trưởng, ngừng-hoạt-động, phá-sản, giải-thể, thương-hiệu-Việt, tăng-thuế, lương-tối-thiểu, lạm-phát
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong lần gặp mặt DN trẻ năm 2011.
Nghị quyết 19 đã đặt Việt Nam trong mối quan hệ tương quan với quốc tế, đưa mục tiêu năng lực cạnh tranh của Việt Nam tới năm 2015 phải đạt mức trung bình trong ASEAN – 6, là mức tiên tiến hiện nay. Chúng tôi rất mong các bộ ngành, địa phương, soi vào tiêu chuẩn ASEAN – 6 này để có thể cải cách thủ tục hành chính tốt hơn nữa.
doanh-nghiệp, VCCI, tăng-trưởng, ngừng-hoạt-động, phá-sản, giải-thể, thương-hiệu-Việt, tăng-thuế, lương-tối-thiểu, lạm-phát
Ông Vũ Tiến Lộc. (Ảnh Việt Dũng)
Ở trong nước, Thủ tướng cũng đã lấy thước đo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp để đánh giá quá trình cải cách của các bộ ngành, địa phương. Chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng sẽ thực hiện khảo sát, xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp với các bộ ngành địa phương 3 tháng một lần.
Đây là hai sức ép rất lớn để đổi mới, cải cách. Tôi tin là khi đặt ra các yêu cầu đó, mục tiêu đề ra sẽ thành công.
DN lớn dẫn dắt nền kinh tế
Nhiều ý kiến đã lo ngại DNNN chèn lấn DN tư nhân, vạ lây tới DN tư nhân khi có khó khăn. Theo ông, điều này sẽ được cải thiện như thế nào để DN tư nhân có thể bứt phá lớn mạnh?
Quá trình tái cấu trúc và cổ phần hóa DNNN hiện nay chính là một cơ hội lớn để phát triển DN tư nhân. Chúng ta cứ nghĩ, khi cổ phần hóa, phải tìm được đối tác chiến lược nước ngoài, nhưng tôi nghĩ, đối tác đó phải chính là các DN tư nhân Việt Nam. Khi mua được cổ phần của DNNN, tư nhân sẽ lớn lên.
Hiện nay, chúng ta chỉ có 2% DN lớn, khoảng 2% DN vừa và 96% DN nhỏ và siêu nhỏ. Sau 30 năm đổi mới, nhiều doanh nhân cũng đã tích lũy được tài sản, của cải, nhưng chúng ta vẫn chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp lớn, cạnh tranh ngang ngửa với các đối tác quốc tế.
Vấn đề làm thế nào để hỗ trợ cho các DN vừa thành DN lớn, đủ sức dẫn dắt nền kinh tế?. Việt Nam có những doanh nghiệp rất tiềm năng trong những lĩnh vực chúng ta có lợi thế. Đôi mắt xanh của Nhà nước phải phát hiện được các tiềm năng đó, giúp sức đưa họ thành doanh nghiệp lớn.
Xưa nay, chúng ta hỗ trợ DN khó khăn như thể đó là cách duy nhất để giúp DN, nhưng thực tế, không phải như vậy. Thậm chí, dường như chỉ có biện phát giúp DNNN lớn hơn mà chưa có biện pháp để DN tư nhân lớn lên. Tất nhiên, cần có một thời gian đủ dài để các DN lớn dần, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể rút ngắn được thời gian này và có thể làm được.
Khoan sức thuế, phí, thông thoáng tín dụng
Có tới 300 kiến nghị cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp gửi lên Thủ tướng. Ông có thể cho biết, những vấn đề nào có thể triển khai được ngay hỗ trợ cho doanh nghiệp?
Chúng tôi đã tóm lược 8 nhóm kiến nghị lớn để trình Thủ tướng. Trong đó, những giải pháp về thuế, phí, tín dụng có thể làm được ngay.
Chẳng hạn, về tín dụng, lãi suất giờ đã hạ tương quan với mức lạm phát kỳ vọng, không còn là vấn đề lớn nữa. Vấn đề chính hiện nay là nợ xấu và các thủ tục, điều kiện cho vay ngặt nghèo. Chính vì hai điểm này mà nhiều DN vẫn không thể tiếp cận được vốn ngân hàng.
Chúng tôi đã kiến nghị, cần phải tạo điều kiện hơn nữa để các DN vay vốn, thực hiện theo các hình thức mới như cho vay theo chuỗi sản xuất và cưng ứng, phát triển các hình thức bảo lãnh tín dụng, mở rộng cho vay theo dự án sản xuất kinh doanh, chứ không nên chỉ dựa vào tài sản thế chấp…
Hay như với tài khóa, chúng tôi mong muốn chính sách thuế, phí phải khoan sức đối với DN, chẳng hạn như có thể giảm thuế thu nhập DN từ 20% xuống 18%, bãi bỏ các khoản phí không phù hợp…
Về tiền lương, chúng tôi cũng đề nghị phải giãn tiến độ tăng lương tối thiểu ít nhất 2 năm 2014-2015, với mức tăng dựa trên cơ sở tỷ lệ lạm phát cộng với tốc độ GDP hàng năm. Điều này sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí tăng quá nhanh cho doanh nghiệp.
doanh-nghiệp, VCCI, tăng-trưởng, ngừng-hoạt-động, phá-sản, giải-thể, thương-hiệu-Việt, tăng-thuế, lương-tối-thiểu, lạm-phát
Giảm bớt các chi phí đang đè nặng DN.
Hàng loạt Luật như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản… đang được điều chỉnh liên quan đến sự sống còn của doanh nghiệp. Ông có mong muốn gì ở các luật này?
Hệ thống pháp luật về kinh doanh này phải làm sao đảm bảo thông thoáng hơn nữa, đảm bảo quyền doanh nghiệp tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các DN. Chẳng hạn như việc bỏ ghi ngành kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh….
Trên hết, chúng tôi kiến nghị cần sớm ban hành Luật sửa đổi một số điều của toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan đến doanh nghiệp. Hiện nay, có những luật mới ra đời nhưng đã bộc lộ những quy định không hợp lý. Nếu như phải chờ 5-6 năm cho một chu kỳ sửa Luật của Quốc hội thì quá lâu. Không thể chấp nhận được việc các doanh nghiệp cứ phải bám theo những điều bất hợp lý đó trong một thời gian lâu như vậy.
Phạm Huyền (thực hiện)

VĐV môtô quỳ lạy vì khán giả tràn vào đường đua


BTTD cũng lạy khán giả VN luôn !

Bất lực khi cổ động viên ùa ra đường gây cản trở cuộc đua,  một biker quỳ xuống van xin khán giả lùi  bước để cuộc đua tiếp diễn...
Khoảng 11h25 ngày 27/4, giải đua xe môtô 400m tại Bình Dương phải tạm dừng vì khán giả đạp tung cổng chính tràn vào khu vực kỹ thuật của các đội đua. Cùng thời điểm đó các khu vực khác, khán giả đã đạp đổ những hàng rào lưới B40 tràn vào giữa làn đường.
Trước hành động mất trật tự đó, một vận động viên của giải đấu đã bước ra giữa đường quỳ xuống van lạy, cầu xin khán giả bước lùi để giữ an ninh cho giải, nhưng  không thành.
11-6781-1398611954.jpg
Khán giả đạp tung cổng chính tràn vào khu vực kỹ thuật của các đội đua.
22-9254-1398611954.jpg
33-1206-1398611954.jpg
Cùng thời điểm đó các khu vực khác, khán giả đã đạp đổ những hàng rào lưới B40 tràn vào giữa làn đường.
1-2205-1398611954.jpg
 
2-2359-1398611954.jpg
Trước hành động mất trật tự đó, một vận động viên của giải đấu đã bước ra giữa đường quỳ xuống van lạy, cầu xin khán giả bước lùi để giữ an ninh cho giải.
3-4265-1398611954.jpg
4-2971-1398611954.jpg
... Nhưng vẫn bất thành, giải đua buộc phải tạm dừng.
Nguồn: Bike Vietnam

Ma tuý tổng hợp vào TP HCM tăng 22 lần


Được cho là đã kềm chế quy mô gia tăng, song có 142 kg ma túy tổng hợp bị Công an TP HCM phát hiện, tăng 22 lần so với 5 năm trước.

Tại hội nghị tổng kết 5 năm hôm 26/4, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP cho biết, thực trạng ma tuý hiện nay diễn biến phức tạp. Các băng nhóm tội phạm ma túy, phạm pháp hình sự có sự đan xen lẫn nhau, hình thành nhanh, tái sinh nhanh và cùng một lúc mua bán nhiều loại ma túy. Chúng luôn tàng trữ vũ khí và sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện.
Bên cạnh đó, tính chất quốc tế của tội phạm về ma túy bộc lộ rõ với số lượng và tiền chất vận chuyển qua cửa khẩu bị phát hiện cùng với các bị can người nước ngoài phạm tội gia tăng, trong đó chủ yếu là người Nigeria, người Úc gốc Việt và gốc Hoa.
bo-truong-quang-2-4607-1398516052.jpg
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cần kiểm soát ma tuý chặt hơn nữa. Ảnh: Hữu Công
Theo thống kê, tính đến năm 2013, đã có 142 kg ma túy tổng hợp bị thu giữ trên địa bàn tăng 22 lần so với 5 năm trước. Thành phố đã bắt giữ 8.034 vụ mua bán trái phép chất ma túy với 16.000 người tham gia (tăng 36% số vụ, gần 20% số người tham gia), thu giữ 123 kg heroin (tăng 2,5 lần).
Theo đánh giá của Phó giám đốc Công an TP, về cơ bản thành phố đã kềm chế được quy mô gia tăng về mức độ, số lượng mua bán ma túy nội địa. Tuy nhiên, Thiếu tướng Minh cũng nhìn nhận, công tác kiểm soát vẫn còn hạn chế. Tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp tại các vũ trường, nhà hàng, quán bar vẫn tồn tại, gia tăng thêm thực trạng sử dụng ma túy tổng hợp lẻ tại các khách sạn, cơ sở lưu trú… Hậu quả là trong 2 năm gần đây, gần như tháng nào trên địa bàn thành phố cũng xảy ra các vụ cố ý gây thương tích, án mạng do người bị loạn thần vì sử dụng ma túy tổng hợp gây ra.
Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng - Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang yêu cầu lực lượng Công an TP HCM tập trung phá các đường dây tổ chức vận chuyển và mua bán ma túy, kiểm soát chặt chẽ tình trạng thẩm lậu ma túy từ bên ngoài vào thành phố, nhất là đường hàng không, biển và bưu chính.
"Công an TP HCM cần đẩy mạnh các hoạt động điều tra, phát hiện, bắt giữ kịp thời và đưa ra truy tố, xét xử nghiêm những kẻ mua bán, vận chuyển, tàng trữ và tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy. Chọn các vụ án điển hình làm án điểm để xét xử lưu động nhằm răn đe tội phạm", bộ trưởng Quang chỉ đạo.
Hữu Công

Người biểu tình ra tối hậu thư cho chính phủ Ukraine

Những người biểu tình ở thành phố miền đông Lugansk hôm qua yêu cầu Kiev đáp ứng các yêu sách của họ trước chiều 29/4, trong đó có việc tổ chức trưng cầu dân ý về quyền tự quyết của địa phương.
Người biểu tình chiếm giữ các tòa nhà chính quyền ở miền đông Ukraine. Ảnh: RIA Novosti
Người biểu tình chiếm giữ tòa nhà chính quyền ở miền đông Ukraine, mang theo cờ Nga. Ảnh: RIA Novosti
Theo Itar-Tass, những yêu cầu mà người biểu tình đưa ra là chính phủ tạm quyền ở Kiev phải ân xá cho tất cả những người tham gia phong trào biểu tình ở các khu vực miền đông, công nhận tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức và tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết của khu vực này.
"Nếu tất cả các yêu cầu của người dân địa phương, phù hợp với thỏa thuận Geneva, không được đáp ứng, những người nắm quyền ở Kiev sẽ bị coi là chống lại nhân dân và là tội phạm", tuyên bố của những người biểu tình viết.
Những người biểu tình cũng cảnh báo về những "hành động thiết thực sẽ được thực hiện", tuy không nói rõ là hành động gì.
Trong khi đó, lực lượng tự vệ địa phương đang chiếm giữ một thành phố miền đông khác là Slavyansk tuyên bố quyết không đầu hàng, trong khi quân đội Ukraine thiết lập một vành đai phong tỏa khu vực này. Quyền Tổng thống Ukraine Oleksander Turchinov trước đó ra lệnh tái khởi động chiến dịch trấn áp biểu tình. Ít nhất 5 người thiệt mạng trong một cuộc đấu súng hôm 24/4 tại Slavyansk.
Những cuộc biểu tình chống chính quyền mới ở Ukraine nổ ra từ tháng 3 ở miền đông, nơi có các cộng đồng nói tiếng Nga. Người biểu tình đòi quyền tự quyết lớn hơn và trưng cầu dân ý về việc thành lập liên bang ở Ukraine.
ban-do-2557-1398613564.jpg
Vị trí của Lugansk trên bản đồ Ukraine. Đồ họa: Medico-abroad
Khánh Lynh (Vnexpress)